Hôm nay,  

Vàng Rơi Nên Tiếc, Tuồng Hát Bội Vô Danh Của Miền Nam: Kim Long Xích Phượng

11/10/202419:05:00(Xem: 1414)
blank

Hình trên: Giáo sư Nguyễn Văn Sâm (phải) và phu nhân (nhà văn Ngọc Ánh) đứng trong Viện Việt Học (Quận Cam, California) hôm Thứ Sáu 11/10/2024. GS Nguyễn Văn Sâm sau khi hồi phục từ bệnh ngặt, đã cho biết vừa dịch xong một tác phẩm cổ, tuồng Kim Long Xích Phượng, phổ biến như sau.
.

Vàng rơi nên tiếc,
tuồng hát bội vô danh của Miền Nam:

KIM LONG XÍCH PHƯỢNG
 

GS  Nguyễn Văn Sâm

   

 

Thế kỷ 19 có một sự cộng tác đặc biệt của một số người Minh Hương ở Chợ Lớn và các nhà khắc ván ở vùng Phật Trấn (Quảng Đông, Trung Quốc) để thực hiện khắc ván,  in và phát hành sâu rộng những tác phẩm Việt Nam viết bằng chữ Nôm. Số tác phẩm này nhiều và quan trọng vì thời gian hoạt động của nhà khắc ván, nhà phát hành nói trên gần như kéo dài cả trăm năm. Nếu làm một việc kiểm kê những tác phẩm ở trong trường hợp nầy còn sót lại cho đến ngày nay ta thật ngạc nhiên mà thấy rằng đó là một gia tài văn hóa quý báu của người Việt. Quý giá nhưng từ lâu chìm trong lãng quên vì ta không biết hay chưa biết hết.
  

Lý do cũng dễ hiểu thôi, vì thời gian binh lửa kéo dài, vì người cựu học trong Nam không nhiều, vì các tờ báo Nam Phong, Đông Dương, Tri Tân được thiết lập ở Bắc, vì các hội Trí Tri, Nghiên Cứu Đông Dương, Đô Thành Hiếu Cổ đều có trụ sở ở miền ngoài nên các cơ quan nầy không có phương tiện để thấy để biết mà giới thiệu những tác phẩm quý giá đó.
  

Lý do gì đi nữa thì các tác phẩm đó gần như mai một và chúng ta biết thật ít về chúng. Nhiều trường hợp nghe tên tác phẩm mà rất ít trường hợp thấy chính tác phẩm. Tôi gần đây có cơ may thấy được một vài quyển do nguồn tài liệu ở Pháp và được Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham khi còn mạnh khỏe cho sao lại nhiều quyển trong tủ sách riêng của Thầy nên thấy mình có bổn phận giới thiệu với học giới những gì tôi có thể làm được.

  

Thường thì tác phẩm cần được phiên âm cẩn thận trước khi suy nghĩ về những vấn đề đặt ra trong đó. Sự phiên âm rất cần thiết vì sẽ có dịp đem tác phẩm tới mắt đa số quần chúng Việt Nam hay học giới nghiên cứu Việt Nam mà có thể đọc được quốc ngữ. Trong khi phiên âm, phiên giả học được nhiều điều bổ ích liên quan đến chữ nôm và tiếng Việt. Phiên âm cũng là cách đọc thật kỹ tác phẩm, cân nhắc từng chữ dùng của người xưa, gặp chữ lạ lại tự hỏi đọc thế nào cho hợp lý, để tìm tòi về nghĩa. Do đó sự phiên âm của chúng tôi cũng là sự học hỏi cần thiết về những vấn đề liên quan đến chữ Nôm, đến quốc văn. Sự đọc sai, có thể có, tuy rằng chúng tôi đã cố gắng đến tối đa. Sai vì sức học chưa tới, nghiên cứu chưa đủ, nhưng nghĩ rằng ai cũng có thể sai, tôi mạnh dạn tiến vào công cuộc nhàm chán này. Sự đọc tạo nên tranh biện với những nhà Nôm học hay ngữ học càng có nhiều khả năng hơn. Chuyện đó phải xảy ra thôi, nhưng tôi đã cân nhắc thật kỹ mỗi khi đưa ra chữ mình phiên âm, không bao giờ để sự cẩu thả, qua mắt người hay sự cầu kỳ thúc đẩy. Mong phần lớn chữ mình phiên âm được công nhận và những tranh biện chỉ thực sự xảy ra vì chân lý cần được làm sáng tỏ đối với những chữ quá mắc mà thôi.
  

Tuồng Kim Long Xích Phượng được đọc trong tinh thần đó.   

  

Đây là một tuồng như kiểu Tuồng San Hậu, nghĩa là không dựa trên truyện Tàu mà do người đặt mô phỏng chỗ nầy một chút, chỗ kia một chút để viết nên. Tuồng gồm ba hồi, trong mỗi hồi có nhiều lớp, không nhứt thiết phải là một cảnh. Bản Nôm không chia hồi cảnh, tôi tạm chia để người đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện.

 

 

Hồi Một: Thâm Cung Bí Sử (mười Lớp)

  

Lớp 1: Thời thái bình, Tống Minh Quân Lãnh San du ngoạn.

Lớp 2: Gặp Minh Châu, phải lòng, phong Thứ Hậu.

Lớp 3: Minh Châu lên đường vào cung.

Lớp 4: Nhận búa thần, Châu Võ Sĩ chờ thời giúp nước.

Lớp 5: Thứ Hậu mộng thấy hoài thai Kim Long, Xích Phượng.

Lớp 6: Ôm đố kỵ, Chánh Cung bày mưu độc.

Lớp 7: Chốn Bàn Khê, Bửu Lâm Sanh cùng Thị Lang kết bạn.

Lớp 8: Câu sông Vị, Thọ Lão Ông vớt đươc hai cháu Kim Long, Xích Phượng.

Lớp 9: Thứ Hậu nguyền cùng hoa cỏ và bầu vú sữa.

Lớp 10: Tiên Ông hạ trần truyền văn võ cho Hoàng Tử.

 

   Hồi Hai: Long Phượng Thành Nhơn

 (tám Lớp)

 

Lớp 11: Kim Long lên đường tầm sư học đạo.

Lớp 12: Chốn núi rừng, Võ Sĩ, Lâm Sanh kết nghĩa. Lớp 13: Minh Quân chứng kiến điềm bế nhị tu hoa.

Lớp 14: Thành nhơn chi mỹ, Kim Long Xích Phượng lên đường tìm cha mẹ.

Lớp 15: Trình áo thơ, Kim Long Xích Phượng gặp người thân.

Lớp 16: Kim Long Xích Phượng trùng phùng cha mẹ.

Lớp 17: Thọ Lão Ông vui thú điền viên.

Lớp 18: Mộng cướp ngôi, Lân Hầu thông đồng cùng Phiên quốc.

 

Hồi Ba: Chính Biến và Binh Biến

(mười Lớp)

 

Lớp 19: Thọ Lão Ông vui cảnh đoàn viên.

Lớp 20: Nối kết với Lân Hầu, Phiên quân khuấy loạn biên thùy.

Lớp 21: Nơi biên địa Ngự Đệ bị Phiên binh vây khổn.

Lớp 22: Chốn ải đầu, Lâm Sanh cứu Tử Hoàng lần 1.

Lớp 23: Minh quân thăng hà, Kỳ Hương phò Thứ Hậu đào sanh. Lớp 24: Chốn ải đầu, Lâm Sanh cứu Tử Hoàng lần 2.

Lớp 25: Nơi biên thùy, Châu Võ Sĩ phò nguy Ngự Đệ.

Lớp 26: Tất cả đoàn viên, phất cờ dựng nghiệp.

Lớp 27: Phe Tử Hoàng đại định, nhóm Lân Hầu tiêu vong. Lớp 28: Châu Võ Sĩ lên đường trấn nhậm ải xa.

 
***

 

 

Bạn đọc lướt qua 28 lớp  nầy sẽ nắm được cốt truyện, nghĩa là biết được diễn tiến của tuồng. Cũng như hầu hết các tuồng hát bội khác, câu chuyện xoay chung quanh những biến động trong một vương triều.

Sự kiện bắt đầu từ một cô gái trẻ được vị vua già đem về làm Thứ Hậu. Nàng sanh ra hai con nhưng bị Chánh Hậu ghen ghét tráo cho là Thứ Hậu đã sanh ra hai con thú nhỏ và hai đứa trẻ đã bị phe của bà bí mật thả trôi sông. Hai đứa trẻ đó may mắn thay được chính ông ngoại mình vớt được khi đương trôi trên dòng nước. Ông nuôi dưỡng và dạy võ thuật cho hai cháu để sau đó khi thành nhơn chi mỹ thì về triều chiến đấu lấy lại vương quyền trước đó do bà Chánh Hậu cùng với thân tộc mình chiếm ngôi vua.
 

Các tình tiết thì tương tợ như các tình tiết trong các truyện Tàu nhan nhản ở Miền Nam Kỳ Lục Tỉnh cuối thế kỷ 18.

Dĩ nhiên là tuồng đề cao lòng trung hiếu tiết nghĩa như các sách báo khác thời đó, những yếu tố góp phần cho sự định hình khí chất của người dân sống trên vùng châu thổ sông Cữu Long.

 

 

Về văn từ thì tuồng nầy không khó hiểu vì chữ dùng mắc mỏ và quá nhiều nhóm cừ Hán Việt như tuồng Hàm Hòa, nhưng cũng không quá bình dân như tuồng Trương Ngáo,  do đó chúng tôi đã có những chú thích khi cần thiết  để giúp những thế hệ trẻ sống xa lâu về sau thời kỳ thânh mậu của tuồng có thể hiểu được những gì mà tác giả muốn chuyên chở.
  

Trong việc phiên âm tôi có nhờ bạn mình là Giáo sư Nguyễn Hiền Tâm dó lại và chỉnh sửa những từ đã đươc đọc nhưng chưa chỉnh... Khi bản thảo trên đường hoàn thành thì cũng đã được dò lại lần chót của một học giả trẻ là ông Nguyễn Anh Tú. Tôi cho rằng một tác phẩm Nôm được chuyển sang Quốc ngữ thì cần sự góp tay của càng nhiều người càng tốt nhưng mọi sai lầm thì người khởi xướng hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Nhân đây xin hai vị trên nhận lời cám ơn chơn thành của tôi.

 

Nguyễn văn Sâm,  bắt đầu phiên âm ở Port Arthur, Texas 1995.

Viết lời tựa nầy ở thành phố Victorville, CA tháng 03, năm 2020.

  

  

              TUỒNG KIM LONG XÍCH PHƯỢNG

 

HỒI 1: THÂM CUNG BÍ SỬ

 

Lớp 1:

Thời thái bình, Tống Minh Quân lãnh sơn du ngoạn.

 

 

[Thị Lang:]1 [1b‒Bảo Hoa Các‒寶華閣]

Rồng chầu Càn ngũ, phượng ứng Ly tam.

Trên ra nhơn vững đặt tám phương, dưới tắm đức gội nhuần trăm họ.

Giúp Tống trào minh chúa, quyền Binh Bộ Thị Lang.

Trong trào chánh sự kỷ cang, ngoài lê thứ ngợi danh trung nghĩa.

Lại nói:

Tưởng nghiệp chúa ngày ngày hằng áy náy, lo Tống trào bữa bữa luống xốn xang.

Cớ chi trên muộn trổ cành vàng, khiến nỗi dưới chẳng an gối ngọc.

Nay tuy đã vững cầm chín vạc, sau không ai nối nghiệp ba giềng.

E khôn thấu lẽ máy thiêng2, khó nỗi tường trong ý nhiệm.

Một mình khó biện, hai lẽ khôn toan.

Chỉnh mạo nhập cung loan, đặng ứng hầu phượng các.

Vương:

Thay đời trị nước, hiệu Tống Minh Quân.

Ngoài đặt vững giạu3 thân, trong lại an gối bính. Nhơn khi võ tạnh, vừa thuở phong hòa.

Nghe Côn Cương vẻ lạ trăm hoa, nơi Trang Lãnh thú mầu tám tiết.

Binh Bộ!

Truyền Binh Bộ chỉnh tu phủ việt, quản tinh binh hộ giá [2a‒Thông Kiên‒通堅] thừa lương.

Ngự Đệ giữ đền vàng, bá quan lui phủ tía.

Thị Lang:

Truyền đội ngũ chỉnh tu nhuệ khí, rao tam quân kiểm điểm mã yên.

Đặng hộ giá thánh hoàng, tựu Côn Sơn nhàn lạc.

Vương:

Hảo a!

Trải dặm cù, qua đỉnh hạc, dương tán Phượng, dẩy xe loan.

Tôi chúa hiệp một đoàn, chỉ lãnh trang ngàn dặm.

Hát nam:

Trực chỉ lãnh trang ngàn dặm, Mây ken trời dệt gấm màu tươi. Trăm hoa hớn hở đua cười,

Thông reo lạc ngựa đá ngồi hình nghê.
 

Tán:

Nhựt nguyệt phong vân cựu, giang sơn vũ trụ tân.

 

 

Dã điểu khinh phiêu vũ, kỳ hoa khí vị xuân.

Hát nam:

Đòi nơi vẻ lạ phong quang,

Địch ve cầm trỗi sánh hàng Tiêu Tương.

Thị Lang:

Lửa ô ngời chói lọi đông phương, hơi nắng hạ nồng nà hướng Chấn.

Xin thánh hoàng ngự tiến, đặng thần hạ giục yên. Tới Trang Lãnh nghỉ chơn, sẽ kiếm nơi tạm trú.

 

 

Lớp 2:

Gặp Minh Châu, phải lòng, phong Thứ Hậu.

 

Thọ [2b] Lão:

Bạch Lãnh Sơn quê ngụ, chữ đặt Thọ Lão ông.

Vợ đà sớm vắng chín sông, lão hỡi còn nương một gậy.

Mất ba thảo thiệt sanh phận gái, lỗi mười ơn chẳng đặng chút trai.

Tư dung hình liễu xương mai, nhan sắc mắt sao da tuyết. Tuổi ba sáu còn gài cửa nguyệt, duyên mười hai chưa bén hương trời.

Tủi phận già tóc hạc điểm da mồi, cám tình trẻ chơn le hằng lẫy đẫy.

Minh Châu:

Ơn cha mẹ ơn tày phú tái, nghĩa làm con nghĩa báo sanh thành.

Con gian nan con hỡi tuổi xanh, cha lận đận4 cha đà đầu bạc.

 

 

Để mặc trẻ sớm nhúm rau chiều mớ ốc, vui mình già dạo non thánh tắm ao tiên.

Cũng có ngày thương hải biến tang điền, cũng có thuở tang điền vi thương hải.

Thọ Lão5:

Con trẻ lời phân giải, già lớn đặng xét suy.

Khóc măng nằm giá trước khác chi, trộm quít ôm mồ nay mới hãn.

Sấu địa khai [3a] hoa vãn, bần cùng phát phước trì.

Con đành lòng hái trái dưng lê, cha toại chí non thông đỉnh quế.

Quân nhơn:

Lão phu mau tiếp lễ, ra mừng lịnh Minh Quân.

Nhơn dạo chơi vừa thuở nắng nung, nên vào ẩn tạm cơn gió mát.

Thọ Lão:

Đình tiền phủ phục, đường hạ khấu đầu.

Thánh hoàng tựu giải lao, ngu phu cam thất lễ.

Vương:

Xem lão phu niên kỷ, chừng tác đã tòng tâm.

Như hà thê tử đắc lưỡng thâm, thử ý gia tề giai tứ cố?

Thọ Lão:

Tạn mặt rồng dám tỏ, chút lòng kiến xin bày.

Chẵn mười thu vợ đã chơi mây, dư sáu kỷ con hằng chải gió.

Hôm mai nơi lều cỏ, cui cút chốn cửa gai.

Tên Minh Châu tác dưới đôi mươi, phận nhi nữ tuổi vừa ba sáu.

Tháng ngày nương náu, khuya sớm cút cui.

 

 

Ngu phu dám cạn lời, tâu nhơn quân tỏ dạ.

Vương:

Sách có chữ vô [3b] nam dụng nữ, thế lời rằng gái cũng như trai.

Miễn cho vẹn vẻ sắc tài, thời cũng đặng hưởng nhờ quyền quý.

Thị Lang:

Lão trượng sao lẫn ý, già lớn đã khuất tình.

Lời lão tâu sao hỡi giấu hình, ẩn mặt trẻ chẳng cho ra mắt.

Thọ Lão:

Thượng quan đừng quở phạt, để mặc lão liệu toan.

Lại nói:

Con!

Cha lách mình tới trước hàng loan, con nối gót cho gần mắt phượng.

Lại nói:

Thú quê tôi thường dụng, non núi bữa hằng quen.

Dưng ba dĩa khoai lang, cùng một ve trà cúc.

Miễn chấp già bất pháp, vật tương kiến Tống trào.

Đỡ cơn tướng hổ vi lao, ngõ thuở mình rồng giải khát.

Minh Châu:

Dưới thềm rêu bồ bặc, bên giá ngự làn đan.

Cúi trông đức chí tôn, đoái phận hèn nhi nữ.

Vương:

Xưa thánh đạt kim sanh Lệ Thủy, nay hãn tường ngọc xuất Côn Sơn.

Mắt sao mày nguyệt vẻ rỡ [4a] ràng, má phấn môi son giồi đẹp đẽ.

Có chữ lương duyên do túc đế, định Minh Châu Thứ Hậu quyền phong.

 

Truyền bá quan phản mã hồi cung, kỳ tam nhựt loan xa nghinh giá.

Thọ Lão, Minh Châu:

Xét phận thú quê sơn dã, lạm nhờ trướng phượng màn loan.

Muôn trông đức Thánh hoàng, y kỳ lai tiếp giá.

Thị Lang:

Lịnh truyền võ bá, kiểm điểm mã yên.

Hộ giá lại kim chương, dẩy xe hồi công phủ.

 

 

Lớp 3:

Minh Châu lên đường vào cung

 

Thọ Lão:

Chữ cấu ác ác ngộ, câu tích thiện thiện hoàn,

 Sách đặt hãn nhằm, thế rằng vốn quả.

Lại nói:

Ấu nhi đừng chạnh dạ, mà lão phụ động lòng.

Dựa hơi rồng rạng tiết tông môn, kề gối phượng thơm danh lão phụ.

Minh Châu:

Tủi là tủi chia lìa một thuở, lo là lo hiu quạnh ngàn ngày. Nay ấu nhi an phận xanh mày, thương lão phụ thân đơn bạc tóc.

Khuya sớm lấy ai săn sóc, hôm mai không [4b] kẻ dưỡng nuôi.

Hổ cùng vật cùng người, ẻ khôn lui khôn tới.

Thọ Lão:

Con trẻ chưa túc lý, cha già lọ chánh kinh.

Tam cương chép sử xanh, tứ đức ghi thẻ bạc.

 

Trai giữ quân thần làm trước, cương phụ tử ấy sau.

Gái thời cương phu phụ làm đầu, câu hiếu phụ cũng không đặng trước.

Con còn biết một, cha rõ đặng mười.

Miễn cho con dựa bén hương trời, mựa lo lão ngồi kề mặt đất.

Khá điểm trang nhan sắc, mau y phục sửa sang.

Đã tới ngày minh đế nghinh hôn, chử lời hẹn lão lo tiếp giá.

Quân báo:

Dám trình nơi đường hạ, có sứ tựu nghinh hôn.

Tin gia lão đặng tường, còn dừng nơi môn ngoại.

Thọ Lão6:

Nghe tin truyền hơ hải, miễn chấp lão khiên trì.

Xin thỉnh tựu an nghi, sẽ bày lời tiếp giá.

Sứ thần:

Nay thánh hoàng sắc hạ, rước phụ tử hồi trào.

Sẽ ân tứ gia phong, đặng [5a] hưởng nhờ lộc nước.

Dầu gia lão chẳng an quyền tước, lãnh kim ngân trăm nén vàng ròng.

Ngõ đền nghĩa vun trồng, phỉ đáp tình dưỡng lão.

Thọ Lão:

Sứ thần có hồi trào dự cáo, rằng lão phu lạm bái hoàng ân.

Như sắc phong thời lão xin vưng7, còn vàng bạc thời già xin lãnh.

Ơn trên lượng thánh, vạn vọng chí tôn.

 

Biển dầu cạn non dầu mòn, nghĩa dễ phai tình dễ lạt.

Sứ thần:

Rợp che tán Phượng, áp bố hàng loan.

Hiệp vầy tôi chúa một đoàn, ngõ đặng hồi trào yết thánh.

Minh Châu:

Ơn cúc dục ghi lòng khắn khắn, nghĩa sanh thành tạc dạ khăng khăng.

Một bái cha ở lại Lãnh Trang, cho con trẻ ngàn trùng kinh địa.

Hát nam:

Con trẻ ngàn trùng kinh địa,

Cúi đầu từ giọt lệ tuôn rơi.

Riêng8 than phận gái mười hai,

Mất trong ba thảo lỗi ngoài mười ơn. Cho hay là nỗi cơ doan,

Vinh hoa phận trẻ, [5b] tân toan thân già.

Côn cương bặt dấu dặm hoa,

Xa xa lố thấy chương tòa trung đô.

 

.

GHI CHÚ:
 
1. Tuồng hát bội nào khi mở màn cũng có 1. mấy câu giáo đầu chúc tụng vua chúa bằng cách nói rằng đời nầy thái bình, xong chúc tụng rồi tới 2. lời xưng của nhân vật giáo đầu. Lấy thí dụ bằng tuồng Phượng Nghi ĐìnhGiáo đầu: Vườn Hiên lân dấu trổ, sân Vũ Phượng trình tường, Trên cửu trùng vững đặt âu vàng, Dưới trăm họ vỗ an con đỏ. Nhân vật giáo đầu: Hán gia phò bửu tộ, Vương Doãn biểu tiện danh, Trải mật nghĩa xây thành, Đúc gan trung giúp nước.
2. BN viết linh 灵, không hạp vận, chúng tôi cho là chữ thiêng 𤍌 khắc lộn.

3. Giạu 𥴙: hàng rào.

4. BN viết   , chúng tôi cho là chữ hảo 好 khắc lầm.

5. BN viết  , chúng tôi cho là chữ đận 弹 khắc lầm.
6. BN viết Thọ Ông, chúng tôi nhứt loạt ghi thành Thọ Lão, vì đều chỉ một người.
7. Chỉ nhận chức, không nhận tài vật.

  













Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lần đầu tiên xảy ra vào mùa đông sau khi cô tròn mười sáu tuổi. Ngôn ngữ đã châm chích và giam cầm cô như quần áo làm từ hàng ngàn cây kim đột nhiên biến mất. Những từ ngữ vẫn đến được tai, nhưng giờ đây một lớp không khí dày đặc đệm khoảng không giữa ốc tai và não. Bị bao bọc trong im lặng mù sương, những ký ức về chiếc lưỡi và đôi môi đã từng sử dụng phát âm, về bàn tay đã nắm chặt cây bút chì, trở nên xa vời. Cô không còn suy nghĩ bằng ngôn ngữ nữa. Di chuyển, không cần ngôn ngữ và hiểu, không cần ngôn ngữ, như cô đã từng làm trước khi học nói - không, trước khi có được sự sống. Im lặng, hấp thụ dòng chảy thời gian như những quả bóng bông, bao bọc cơ thể cả bên ngoài lẫn bên trong.
Băng hình này thực hiện để cúng dường Tam Bảo. Nội dung dựa trên nhiều bản dịch khác nhau của Thầy Thích Minh Châu, Daw Mya Tin, Weragoda Sarada Thero, và nhiều Thầy trên Sutta Central và Access to Insight.
Giải Nobel Văn học năm 2024 đã được trao cho Han Kang, một tác giả người Nam Hàn, vì "văn xuôi thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người". Han Kang sinh ra tại Gwangju, Nam Hàn, cô chuyển đến Seoul khi mới mười tuổi. Cô học văn học tại Đại học Yonsei. Các tác phẩm của cô đã giành được Giải thưởng Văn học Yi Sang, Giải thưởng Nghệ sĩ trẻ ngày nay và Giải thưởng Tiểu thuyết Văn học Nam Hàn. The Vegetarian (Người Ăn Chay), tiểu thuyết đầu tiên của cô được dịch sang tiếng Anh, Portobello Books xuất bản năm 2015 và giành Giải thưởng Man Booker Quốc tế năm 2016. Cô sống tại Seoul. “Trái Cây Của Vợ Tôi”, Han Kang viết câu chuyện này vào năm 1997, cũng là tiền thân trực tiếp cho cuốn tiểu thuyết The Vegetarian năm 2007 – trong cả hai tác phẩm, một cặp vợ chồng ở độ tuổi đầu ba mươi thấy cuộc sống vốn bình lặng bị xáo trộn khi người vợ biến dạng thân thể.
Nhà văn nữ Han Kang người Nam Hàn đã đoạt giải Nobel Văn học 2024 nhờ “phong cách văn chương không chỉ đậm chất thơ mà còn sâu sắc, ý nghĩa, phản ánh những chấn thương lịch sử và thân phận mong manh của cuộc sống con người.” Ở tuổi 53, bà trở thành nữ nhà văn Nam Hàn đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học, đồng thời là nữ nhà văn thứ 18 trong tổng số 121 nhà văn đoạt giải thưởng danh giá này cho đến nay. Bên cạnh sự nghiệp văn chương, Han Kang còn là một nhạc sĩ và có niềm đam mê với nghệ thuật thị giác (visual art).
Ba cuốn sách: Tiểu thuyết “Đường Về Thủy Phủ”; Tập truyện “Người Đàn Bà Khác”, và Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt Trịnh Y Thư, đã được ra mắt lần đầu tiên tại Coffee Factory, Westminster, Nam California vào lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2024, với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ, các bằng hữu xa gần, các cơ quan truyền thông báo chí, và thân hữu của nhà văn Trịnh Y Thư. Mặc dù một buổi chiều Thứ Bảy với nhiều tổ chức sinh hoạt của các hội đoàn đoàn thể, các nhạc hội vận động tranh cử của các ứng cử viện gốc Việt đã tổ chức cùng một lúc, thế mà số người đến tham dự hơn 150 thân hữu và quan khách đã ngồi chật bên trong quán café, có lẽ vì Trịnh Y Thư là người đã sống và lăn lộn với nền văn học hải ngoại hơn mấy chục năm nay, cũng có lẽ vì Ông là một người bạn chân tình luôn hết lòng với bạn văn nghệ và được mọi người hết mực yêu mến.
Lily, cô gái con người quản gia, thực sự không giây phút nào được nghỉ chân. Cô vừa mới đưa một quý ông vào gian phòng nhỏ phía sau văn phòng ở tầng trệt và giúp ông cởi áo khoác ngoài thì tiếng chuông cửa rè rè lại vang lên và cô lại phải tất tả bước dọc theo hành lang trống trải để đón một vị khách khác vào.
Nhân câu hỏi ông Đặng Minh Phương nêu ra, xin được đóng góp chút ý kiến khiêm nhượng vào chuyện này. Để giúp các bạn trẻ từ trước chưa có hoàn cảnh biết nhiều về mấy câu thơ trên, tôi xin được tóm lược câu chuyện từ đầu.
Chủ đề chính kết nối các truyện ngắn trong tuyển tập Beyond Borders (Vượt Qua Những Biên Giới) (nxb Da Màu Press) là khái niệm phức tạp và đa diện về biên giới. Như tựa của tuyển tập, mỗi câu chuyện hứa hẹn một khám phá đặc thù về khái niệm này. Biên giới là gì? Liệu đó có phải là một ranh giới hữu hình, như một hàng rào hay trạm kiểm soát phân chia các không gian địa lý và chủng tộc? Hay thuật ngữ này cũng đã khai triển/mở rộng để bao hàm những ranh giới hầu như vô hình và vô thức, như các cấu trúc ngôn ngữ, xã hội và văn hóa đã định hình bản sắc và mọi liên hệ cá nhân và tập thể? Có lẽ trong thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ của chúng ta, biên giới hiện diện khắp nơi, cả hiển nhiên lẫn tiềm ẩn.
Từ khi du học ở Pháp vào đầu thập niên 1950’, trở về Việt Nam làm việc cho hãng Shell rồi sang Pháp làm việc cho đến khi về hưu và định cư cho đến nay… cả cuộc đời nhà văn Tiểu Tử gắn bó với tiếng Pháp nhưng khi cầm bút nơi xứ người với văn phong đặc biệt “miền Nam”, giản dị, ngắn gọn, chân chất, dí dỏm từ giọng văn và các mẩu đối thoại. Về tiểu sử cũng ngắn gọn: Tiểu Tử tên thật là Võ Hoài Nam, sinh năm 1930 tại Gò Dầu Tây Ninh. Ông là con trai duy nhứt của nhà giáo Võ Thành Cứ, giáo sư trường trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Tốt nghiệp Kỹ sư, Marseille năm 1955. Dạy lý hoá trung học ở ngôi trường nầy niên khóa 1955-1956. Tháng 10/1956 làm việc cho hãng dầu Shell Việt Nam từ năm tháng 10 1956 đến 30/4/1975. Trong 3 năm (1975-1978) được trưng dụng làm việc cho hãng nầy. Trong thời gian đó, vượt biên 3 lần nhưng thất bại. Vượt biên cuối năm 1978. Định cư ở Pháp từ đầu năm 1979. Làm việc cho hãng đường mía của Côte d’ Ivoire (Phi Châu) 1979-1982. Làm việc cho hãn
Hôm nay là ngày lễ Manman Aloumandia, ngày giỗ tổ tiên của người Haiti vào cuối tháng Chín. Nhà nào cũng chuẩn bị thức ăn truyền thống và hành lễ cảm tạ ông bà đã giữ gìn an toàn cho con cháu, nhất là sau vụ bị hàm oan, họ càng thấm thía sự bình yên hơn. Di dân, hầu hết là tha phương bất đắc dĩ, như phận gái đi lấy chồng, mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.