Hôm nay,  

Góp phần tìm hiểu bài thơ Điếu Phan Thanh Giản bằng chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu

06/07/202222:58:00(Xem: 7754)

Biên khảo văn học

Screenshot 2022-07-06 230153

 

Hai bài thơ Nguyễn Đình Chiểu làm để điếu Phan Thanh Giản có thể được sáng tác ngay sau khi Phan Thanh Giản quyên sinh (năm 1867) hay – ở trường hợp bài chữ Hán – sau khi ông bị truy đoạt hết chức tước và đục tên khỏi bia Tiến sĩ. Từ đó đến nay đã trên 150 năm. Qua nhiều thế hệ, hai bài thơ ấy vẫn được coi là những tác phẩm bộc lộ niềm cảm thông trước hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của Phan Thanh Giản và bày tỏ lòng thương tiếc đối với ông. Ít năm gần đây, một vài tác giả ở trong nước biện luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã không thực sự thương tiếc Phan Thanh Giản, mà chỉ làm ra vẻ thương tiếc để mai mỉa và lên án ông. Những hàng phía sau là một cố gắng đọc lại bài thơ điếu bằng chữ Hán một cách cẩn trọng, để tìm hiểu chủ ý đích thực của Nguyễn Đình Chiểu khi sáng tác bài thơ ấy.

 

Khi Phan Thanh Giản quyên sinh năm 1867, Nguyễn Đình Chiểu bị mù đã được 18 năm (từ 1849). Các tác phẩm bằng quốc âm của vị thầy mất thị giác đã được các môn sinh của ông chép ra bằng chữ Nôm rồi về sau chuyển đổi sang chữ quốc ngữ. Các tác phẩm bằng chữ Hán hẳn cũng được ghi ra chữ Hán, nhưng sau một số lần sao đi chép lại, những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa và những chữ có âm gần giống nhau đã rơi vào tình trạng “tam sao thất bổn,” khiến chúng ta thấy xuất hiện một số bản chữ Hán với cách viết và ý nghĩa khác nhau. Trước khi ông Lê Thọ Xuân liên lạc được với người con của Nguyễn Đình Chiểu là ông Nguyễn Đình Chiêm và cung cấp một bản thuộc loại “có thẩm quyền” cho bài thơ chữ Hán năm 1933 (bài “Danh nhơn Nam Kỳ,” Đồng Nai số 23 & 24, 15 Janvier – 2 Février 1933), chúng ta đã thấy có bản chữ Hán do ông Nguyễn Liên Phong đưa ra năm 1909 trong Nam Kỳ Phong Tục Nhơn Vật Diễn Ca (cuốn thứ 2, trang 71), và bản chữ Hán do ông Thái Hữu Võ đưa ra năm 1927 trong Phan Thanh Giảng Truyện (Sài Gòn : Xưa Nay, trang 46-47). Nhưng ông Lê Thọ Xuân chỉ cho biết là hai bài thơ do ông Thái Hữu Võ cung cấp có nhiều chỗ sai, và nêu ra những chỗ sai ấy bằng chữ quốc ngữ, chứ không cung cấp một bản viết đầy đủ và chính xác cho bài thơ chữ Hán. Những năm sau, bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại của bà Sương Nguyệt Anh (con gái của Nguyễn Đình Chiểu) và chồng bà là học giả Phan Văn Hùm, trong cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu (bản in lần thứ hai, Sài Gòn: Tân Việt, 1957), cũng chỉ làm như thế, không cung cấp một bài thơ đầy đủ và chính xác ở dạng chữ Hán.

(Muốn biết hai bản chữ Hán với khá nhiều sai lầm của các ông Nguyễn Liên Phong và Thái Hữu Võ, xin vui lòng đọc trong cuốn Mối Thâm Tình Của Nguyễn Đình Chiểu Dành Cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản của Winston Phan Đào Nguyên ([San Jose, Calif.]: Nhân Ảnh, 2022, các trang 55 và 61-62).

 

Tác giả đã đưa cuốn sách lên mạng tại địa chỉ sau đây:

 

https://app.box.com/s/p7e3mgfty0l1asrqkewxuck6bwqw7rny

 

Theo ông Lê Thọ Xuân, với bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu, bản do ông Thái Hữu Võ đưa ra trong Phan Thanh Giảng Truyện sai 8 chữ, thêm sự kiện hai chữ “thần” với những nghĩa khác nhau (“thần linh”神 và “vị quan, người bày tôi”臣) bị đặt sai chỗ, khiến ý nghĩa khác đi rất nhiều. Coi lại bản chữ Hán của ông Nguyễn Liên Phong, đối chiếu với bài viết của ông Lê Thọ Xuân, chúng tôi thấy có 7 chữ sai. Hai chữ “thần” cũng bị chép không đúng chỗ như thế.

 

Khi phân tích bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu, một vài tác giả ở trong nước trong ít năm gần đây đã dựa vào những bản bị chép sai ấy, đưa tới một số ngộ nhận rất đáng tiếc.

 

 

Mãi tới 15 năm trước đây, nhân được đọc một tài liệu Hán Nôm chép tay của gia đình Nguyễn Đình ở Bến Tre do bà Âu Dương Thị Yến cất giữ, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh mới cung cấp cho chúng ta một bài thơ chữ Hán thuộc loại có thẩm quyền trong Việt Nam Bách Gia Thi (Sài Gòn: NXB Văn Hóa, 2005). Đối chiếu bài này vói bài thơ chữ Hán chỉ có âm Hán Việt do học giả Phan Văn Hùm cung cấp sau khi tham khảo với ông Nguyễn Đình Chiêm, chúng tôi thấy hai bản gần như giống hệt nhau. Chỉ có hai chỗ khác trong câu 2, nhưng ý nghĩa không thay đổi nhiều:

 

Bản của ông Phan Văn Hùm: Vi quân nan bảo nhất phương dân

 

Bản của ông Cao Tự Thanh: Vi công thùy bảo nhất phương dân.


Trước những tranh luận sôi nổi về ý nghĩa của bài thơ mới được đưa ra gần đây, chúng tôi xin đóng góp chút nhận thức thô thiển. Trước khi làm việc này, chúng tôi có hoàn cảnh trao đổi thêm với hai vị có căn bản Hán học vững chắc ở ngoài nước, là Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính và cô Nguyễn Ngọc Dung.

 

Câu 1:

 

歷仕三朝獨潔身

Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

 

Câu này ý nghĩa khá đơn giản: Làm quan trải ba triều vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), riêng mình giữ được tấm thân trong sạch.

 

Câu 2:

 

微君難保一方民

Vi quân nan bảo nhất phương dân

 

Nếu không có ông, rất khó bảo vệ dân chúng một phương. Câu này muốn nói tới dân chúng miền Nam. Phan Thanh Giản từng được cử làm Khâm sai, Kinh lược sứ Nam kỳ, rồi về sau, Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây.

 

Chúng tôi đưa ra câu trên theo bản in trong Nỗi Lòng Đồ Chiểu của Phan Văn Hùm. Trong Việt Nam Bách Gia Thi của Cao Tự Thanh, câu ấy là:

 

微公谁保一方民       

Vi công thùy bảo nhất phương dân.

 

Nếu không có ông, ai sẽ bảo vệ dân chúng một phương. Tuy ý nghĩa không khác nhau bao nhiêu, chữ “công” (ông, tướng công) trong bản của Cao Tự Thanh có vẻ thích hợp hơn. Phan Thanh Giản (sinh năm 1896) hơn Nguyễn Đình Chiểu (sinh năm 1922) 26 tuổi. Phan Thanh Giản là vị “Tiến sĩ khai khoa” cho miền Nam, một Hiệp biện Đại học sĩ, Khâm sai, Kinh lược đại thần, trong khi Nguyễn Đình Chiểu mới đậu Tú tài và chưa làm quan. Thêm vào đó, Nguyễn Đình Chiểu rất tôn trọng Phan Thanh Giản, vẫn thường nhắc đến ông qua các từ “Phan học sĩ, quan Phan.”

 

Câu 3:

 

龍湖寧負書生老

Long Hồ ninh phụ thư sinh lão

 

Long Hồ là tên cũ của tỉnh Vĩnh Long. Chữ “ninh” ở đây có nghĩa là “thà rằng, đành,” như trong câu “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (đành chết chứ không chịu nhục). Một số vị dịch thơ trước đây cho rằng chữ “phụ” trong câu này có nghĩa là “phụ lòng.” Chẳng hạn như trong bản dịch của nhà thơ tiền bối Thượng Tân Thị (1888-1966):

 

Long Hồ phụ lão thư sinh,
Ở nơi các Phụng không đành làm quan

 

Hay trong bộ Nguyễn Đình Chiểu Toàn Tập do các ông Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sĩ Lân, Nguyễn Thạch Giang biên soạn năm 1997 (Hà Nội : Văn Học, tập 2, trang 51-52):

 

Long Hồ thà phụ thư sanh lão

Phụng các suông quy học sĩ thần.

 

Theo các tự điển, chữ “phụ”負 ấy cũng có nghĩa là “vác, mang, gánh,” dùng theo nghĩa bóng là “gánh vác.” Chúng tôi tin rằng đó là ý của Nguyễn Đình Chiểu trong câu này. “Ninh phụ” có nghĩa: “đành phải ra gánh vác.”      

 

Theo Đại Nam Thực Lục, sau khi ở Pháp về, Phan Thanh Giản được cử làm Lại bộ Thượng thư nhưng sau vua Tự Đức đổi ông làm Hộ bộ Thượng thư vì cho rằng ở Lại bộ không nhiều việc quan trọng. Ở Hộ bộ, phải lo ngân sách, tài chánh, kể cả khoản bồi thường chiến phí hàng năm phải nộp cho người Pháp, công việc nặng, cần người giỏi và tận tâm hơn. Sau đó, năm 1865, nhà vua cử ông làm Khâm sai, Kinh lược sứ, để lo giữ ba tỉnh miền Tây Nam phần. Cũng theo Đại Nam Thực Lục, Phan Thanh Giản đã xin về hưu (ông tới 70 tuổi theo cách tính của người Việt thời trước). Thực Lục chép, “Phan Thanh Giản vì tuổi già đã xin về hưu”. Vua Tự Đức tiếp riêng ông trong Nội các để trò chuyện. Phan Thanh Giản cho biết, “Thần … cảnh bóng dâu gần xế chiều, tự biết tinh thần, sức vóc không còn được như trước. Hồi tưởng lại người ta đến 70 tuổi như cỏ bồ cây liễu đã trải mùa thu, dẫu có lòng quyến luyến thiết tha nhưng sức ngựa đã hết, rất lo ứng phó không chu để lầm lỡ công việc, nên không dám không lấy tình thực trình bày.” Vua Tự Đức ủy lạo và nói, “Khanh nên cố gắng để khích lệ những người hậu tiến,” rồi lại nói, “Ngươi nên mạnh bạo mưu toan cho trót, quyết không nên thôi,” và không cho ông lui về. (Đại Nam Thực Lục. Hà Nội: NXB Giáo Dục, 2007. Tập 7, trang 944). Vì những lẽ ấy, theo chỗ chúng tôi hiểu, câu này có thể được viết với dấu ngắt câu:

 

Long Hồ ninh phụ, thư sinh lão.

 

Chủ từ của động từ “phụ” (mang, gánh vác) không phải là đất Long Hồ mà là người thư sinh già:

Người học trò già đành phải gánh vác việc [giữ đất] Long Hồ (tên cũ của tỉnh Vĩnh Long).

 

Có thể Nguyễn Đình Chiểu cũng muốn nói: Long Hồ đành gánh vác, người thư sinh đã già.

 

Câu 4:

 

鳳閣空歸學士神

Phượng Các không quy học sĩ thần

 

Hồn người học sĩ (chỉ Hiệp biện Đại học sĩ Phan Thanh Giản) không đành, không lòng nào  trở về Phượng Các (chỗ các quan làm việc). Không giữ nổi Vĩnh Long, ông đã bị truy đoạt hết chức tước, tên bị đục khỏi bia Tiến sĩ, linh hồn ông còn danh nghĩa nào để bay về Phượng Các là chỗ làm việc của các đại thần? Hai tiếng “không quy” không mang ý nghĩa “không về” (Nếu “không về,” người xưa viết là “bất quy”). Ở đây là “về,” nhưng không thực sự về, về một cách không trọn vẹn, “về cũng như không.” Những cách dịch “về suông” hay “khôn về” (khó lòng về) đều có vẻ thích hợp.

                       

Hai câu 5-6:

 

秉節曾勞生富弼

盡忠何恨死張巡

Bỉnh tiết tằng lao, sinh Phú Bật

Tận trung hà hận, tử Trương Tuần

 

Cầm cây cờ tiết của người đi sứ (cũng có thể hiểu là giữ tiết tháo), từng chịu gian lao, sống như ông Phú Bật (đời Tống). Hết lòng trung, còn hận gì nữa, chết như ông Trương Tuần (đời Đường).

 

Trong một bài Đường luật bát cú, đây là hai câu “luận,” có nhiệm vụ bàn về nhân vật được nhắc đến trong bài thơ (Phan Thanh Giản).  

 

Câu trên nhắc đến việc Phan Thanh Giản từng vất vả sang Pháp (cùng Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản), cố chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Câu dưới nhắc đến việc Phan Thanh Giản quyên sinh sau khi không giữ nổi Vĩnh Long.

 

Việc thi hành nhiệm vụ của hai ông Phú Bật và Trương Tuần thực ra không hoàn hảo. Tuy Phú Bật thuyết phục được người Khiết Đan rút quân, nhưng triều Tống phải tăng thêm số bạc và lụa nộp cho họ hàng năm. Tuy Trương Tuần giữ thành Tuy Dương được thêm một thời gian, nhưng những việc phải giết người thiếp yêu, rồi một số người già và trẻ con làm lương thực cho binh sĩ, chung quy thành vẫn mất và Trương Tuần vẫn chết, khiến thành tích  không tốt đẹp một cách trọn vẹn. Nhưng nhiều phần Nguyễn Đình Chiểu không chú trọng đến những chi tiết ấy. Ông chỉ có ý nói: Phan Thanh Giản có thể so sánh với Phú Bật từng vất vả khi đi sứ, và với Trương Tuần chết theo thành.

 

Hai câu 7-8:

 

有天六省存亡事

安得從容就義臣

Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong sự

An đắc thung dung tựu nghĩa thần.

 

Nghĩa đen của câu 7: Có Trời trong việc còn mất của 6 tỉnh. Câu này cũng có thể hiểu là: Chuyện còn mất của 6 tỉnh đã có Trời biết, để đưa tới câu 8: Mong có được người bề tôi biết thung dung tựu nghĩa (thung dung chết vì nghĩa).

 

“An đắc” có nghĩa “mong sao có được” như trong một bài ca của Hán Cao tổ Lưu Bang, “An đắc mãnh sĩ hề, thủ tứ phương” (Mong sao có được những kẻ sĩ dũng mãnh để giữ bốn phương). Những chữ “thung dung tựu nghĩa”được lấy từ một cặp câu đối tương truyền là để điếu Lý Trần Quán, làm quan ở cuối đời Lê, sau khi ông tự tử (yêu cầu được chôn sống) vì Nguyễn Trang, người mà ông nhờ hộ vệ chúa Trịnh Khải đã nộp chúa cho quân Tây Sơn:

 

Khảng khái cần vương dị

Thung dung tựu nghĩa nan

 

(Khảng khái giúp vua là chuyện dễ, thung dung chết vì nghĩa mới khó). Bốn chữ “thung dung tựu nghĩa” nói đến việc Phan Thanh Giản ung dung chọn cái chết sau khi không giữ nổi Vĩnh Long.

 

Xin được chép lại toàn thể bài thơ với lời giảng ra văn xuôi và một bản dịch thơ phía sau. Người viết xin chân thành cảm tạ chị Mỹ Ngọc, một cựu đồng môn, đã tiếp tay trong bản dịch thơ này:

 

歷仕三朝獨潔身

微君難保一方民       

龍湖寧負書生老

鳳閣空歸學士神

秉節曾勞生富弼

盡忠何恨死張巡

有天六省存亡事

安得從容就義臣

 

Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

Vi quân nan bảo nhất phương dân

Long Hồ ninh phụ thư sinh lão

Phượng Các không quy học sĩ thần.

Bỉnh tiết tằng lao, sinh Phú Bật

Tận trung hà hận, tử Trương Tuần

Hữu thiên, lục tỉnh tồn vong sự

An đắc thung dung tựu nghĩa thần.

 

Làm quan trải ba triều vua, riêng mình giữ được tấm thân trong sạch.

Không có ông, rất khó bảo vệ dân chúng một miền.

Người học trò già đành ra gánh vác [việc giữ] Long Hồ

Hồn người học sĩ khó trở về Phượng Các.

Giữ tiết, từng gian lao, sống như Phú Bật đời Tống

Dốc hết lòng trung, còn hận gì nữa, chết như Trương Tuần đời Đường.

Chuyện còn mất của sáu tỉnh có trời ở trong.

Cốt sao có được người bày tôi thung dung chết vì nghĩa.

 

Dịch thơ (Nguyễn Mỹ Ngọc và Trần Từ Mai):

 

Thanh khiết ba triều vẹn tấm thân,

Một phương nguy khó gắng che dân.

Long Hồ đành chĩu vai nguyên lão,

Phượng Các khôn mong vía học thần.

Sống đã gian lao theo Phú Bật,

Chết đâu tiếc hận với Trương Tuần.

Mất còn sáu tỉnh, trời cao biết,

Sao được thung dung trọn nghĩa nhân.

 

*

           

PHỤ LỤC: BA BẢN DỊCH THƠ KHÁC

 

Bản dịch của Thượng Tân Thị:

 

Mình trong sạch trải thờ ba chúa,
Không ông ai che chở dân lành.
Long Hồ phụ lão thư sinh,
Ở nơi các Phụng không đành làm quan.
Cầm tiết nhọc sống chàng Phú Bật,
Chết ngay sao giận uất Trương Tuần.
Mất còn sáu tỉnh trời phân,

Thung dung tựu nghĩa làm thần khó thay.

 

Bản dịch trong Nguyễn Đình Chiểu Toàn Tập của CV Thỉnh, NS Lân, NT Giang (1997):

 

Thờ trải ba triều trọn sạch thân,

Không ông ai đỡ một phương dân.

Long Hồ thà phụ thơ sanh lão,

Phụng Các suông quy học sĩ thần.

Giữ tiết nhọc nhằn còn Phú Bật,

Hết trung nào giận mất Trương Tuần.

Mất còn sáu tỉnh trời kia biết,

Sao đặng thung dung tựu nghĩa thần?

 

Bản dịch của Cao Tự Thanh (2005):

 

Ba triều rõ mặt bậc tôi lành,

Che chở cho dân buổi lửa binh.

 Phượng các khôn về hồn học sĩ,

 Long Hồ thà chịu tiếng thư sinh.

 Sống từng nhọc bấy thân đi sứ,

 Chết lại hờn chi phận giữ thành.

 Sáu tỉnh mất còn, trời đã định,

 Nhưng tìm đâu được kẻ trung trinh.

(Việt Nam Bách Gia Thi)

 

Nhận xét:

 

Có lẽ đã dựa theo bản chép sai của ông Nguyễn Liên Phong hay ông Thái Hữu Võ, nhà thơ tiền bối Thượng Tân Thị đã hiểu chữ “thần” trong câu 4 là viên quan, và chữ “thần” trong câu 8 là ông thần.

Nhà thơ Thượng Tân Thị và nhóm ông Ca Văn Thỉnh đã hiểu chữ “phụ” trong câu 3 là “phụ bạc,” và cho rằng chủ từ của động từ “phụ” là tỉnh Long Hồ.

 

Trần Huy Bích

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài thơ như một tự truyện kể về mối tình của người con gái trong tuổi chớm yêu khi nàng tình cờ gặp chàng mà nàng nghĩ rằng nàng và chàng như đã có nhau từ trăm năm trước hay trong nhiều thế kỷ trước. Nàng như thấy rõ hình ảnh xa xưa trong tiềm thức của nàng là nàng đã từng nhận và cũng đã từng trả hết mối chân tình của chàng nơi đất xưa khi nàng còn là một cành hoa Nguyệt Quế.
Trong thời gian qua, các vụ tấn công người Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ vì sự thù ghét và kỳ thị chủng tộc đã gia tăng đến mức báo động.Làn sóng kỳ thị người Mỹ gốc Á bùng phát mạnh mẽ từ khi có đại dịch vi khuẩn corona vào đầu năm 2020 qua cách sử dụng từ ngữ của chính phủ Trump khi nói tới đại dịch vi khuẩn corona, chẳng hạn như gọi đó là “Chinese Virus” hay “Kung Flu,” đã kích động lòng thù hận đối với người Mỹ gốc Á.
Thiền sư Seigan Shōtetsu (1381-1459) là một trong vài người làm thơ nhiều nhất trong thi giới Nhật Bản. Chính xác, chúng ta không biết nhà sư đã sáng tác bao nhiêu bài thơ. Nhưng nhà sư kể lại trong một lá thư rằng vào tháng 4 của năm 1432, ngôi lều của nhà sư bốc cháy trong đêm, thiêu rụi mọi thứ trong lều và toàn bộ những bài thơ nhà sư đã sáng tác từ năm 20 tuổi, tất cả là 27,000 bài thơ trong 30 tập. Lúc đó Thiền sư 51 tuổi. Bây giờ, bộ sưu tập thơ Shōkonshū của Shotetsu còn khoảng 20,000 bài thơ. Thơ của Shotetsu không làm theo thể haiku như đời sau. Thể thơ haiku hình thành vào thế ký thứ 17, dưới chiếc dù ảnh hưởng của các nhà thơ Matsuo Bashō (1644–1694) và Uejima Onitsura (1661–1738), định hình từ thể thơ hokku, chuyển từ thể thơ haikai hay renku. Thơ của nhà sư Seigan Shōtetsu (tên ngài có thể phiên âm là: Thanh Nham Chính Triệt) sáng tác vài thế kỷ trước đó, thường cũng là ngắn, nhưng không chính xác ở khổ 3 dòng và 17 âm như haiku.
Bài viết này gửi tới bà Tú Xương Thu Hồng như một nén nhang tưởng nhớ vào ngày ra đi của Chị và gửi tới nhà văn Nguyễn Đình Toàn tác giả Mật Đắng như một lời phân ưu, khi anh đã bước vào tuổi 85 gần như một phép lạ.
Lawrence Ferlinghetti, nhà thơ, nhà xuất bản, họa sĩ và nhà hoạt động chính trị là người đồng sáng lập tiệm sách nổi tiếng City Lights tại thành phố San Francisco và trở thành biểu tượng của thành phố này, đã qua đời ở tuổi 101, theo bản tin của báo The Guardian tường thuật hôm 23 tháng 2 năm 2021. Theo The Guardian, nhà thơ Ferlinghetti đã qua đời tại tư gia vào tối Thứ Hai, 22 tháng 2 do bệnh liên quan tới phổi. Ông là nhà thơ thuộc Thế Hệ Beats (Beat Generation) vào giữa thập niên 1950 ở Mỹ. Đây là thế hệ chịu ảnh hưởng sâu sắc Thiền và tư tưởng Phật Giáo. Qua nhiều năm ông đã xuất bản nhiều tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ thuộc Thế Hệ Beats như Allen Ginsberg, Jack Kerouac, Gregory Corso, William S. Burroughs, Diane diPrima, Michael McClure, Philip Lamantia, Bob Kaufman, và Gary Snyder. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “A Coney Island of the Mind,” do New Directions xuất bản vào năm 1958, là một tuyển tập thơ đã được dịch sang 9 thứ tiếng và bán ra hơn một triệu bản.
Vậy là tác giả “Mật Đắng” của chúng ta đã trở thành góa bụa. Tôi không nghĩ trong đầu ông, trong tim ông, trong cõi lòng già nua héo úa của ông, có giây phút nào nghĩ đến rồi đây mình có thể thành “góa bụa”.
Sử truyện kể rằng ở nước Đại Việt vào thời Nhà Trần, có vị minh quân đã hai lần đánh bại đoàn quân viễn chinh hung hãn của Hốt Tất Liệt, người Mông Cổ sáng lập và cai trị nhà Nguyên ở Trung Hoa. Nhưng vị minh quân này đã không ở ngôi cửu trùng để tế thế an bang bằng con đường chính trị của bậc đế vương mà khoác áo nâu sòng xuất gia đầu Phật và sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm để đem giáo pháp giác ngộ của Phật Đà giải khổ cho muôn vạn chúng sinh. Vị minh quân và tổ sư ấy chính là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài cũng là nhà thơ kiệt xuất để lại nhiều áng thơ văn trác tuyệt đóng góp cho nền văn học nước nhà. Hơn bảy thế kỷ sau khi Tổ Sư Trần Nhân Tông viên tịch, có một nhà thơ Việt ở gần tuổi ‘xưa nay hiếm’ (thất thập cổ lai hy) sống tha hương nơi xứ người mà tất dạ lúc nào cũng không rời cái nôi văn hóa và văn học của dòng giống Lạc Việt nên đã ngày đêm chuyên cần dịch thơ chữ Hán của Tổ Sư ra tiếng Việt để cho con cháu đời sau nhớ lấy di sản của tiền nhân.
Câu thơ cuối đối với tôi là câu thơ hay nhất "Rất hồn nhiên đụng cái mịt mù…" . Bỗng dưng làm tôi nhớ câu thơ hóm hỉnh của Mai Thảo "Đặt tay vào chỗ không thể đặt... Cười tủm còn thương chỗ đặt nào".
Hình ảnh chiếc thuyền không, ghếch mình lên cát chính là ẩn dụ “qua sông bỏ bè” được nói trong kinh Phật (2). Nhìn chiếc thuyền mà man mác hoài niệm cổ nhân một thời. Hoài niệm ở đây không phải là nỗi buồn thông thường của thế nhân. Chỉ là cảm khái về một hành trạng, một tâm thức xả ly siêu tuyệt tương ứng với sở hành sở đắc của tự thân.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.