Hôm nay,  

Lãnh Tụ Mahatma Gandhi Và Phong Trào Đấu Tranh Bất Bạo Động

16/10/202000:00:00(Xem: 3361)
LANH TU MAHATMA GANDHI 01

Lãnh Tụ Mahatma Gandhi.( www.en.wikipedia.org)

 
Trong thế kỷ 20, thế kỷ có nhiều binh lửa, nhiều cuộc chiến tranh tàn bạo và chết người đã xảy ra cho nhân loại. Nhưng thế kỷ 20 cũng chứng kiến sự kiện, hay đúng hơn phong trào đấu tranh hoàn toàn không sử dụng bạo lực hay khí giới để giành độc lập cho dân tộc hoặc đòi quyền bình đẳng chủng tộc. Đó là phong trào đấu tranh bất bạo động mà người đi tiên phong thành công và nổi tiếng nhất là lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Độ.

2 tháng 10 là Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động mà cũng là ngày sinh nhật của lãnh tụ phong trào đòi độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi, là nhà tiên phong của triết thuyết và chiến lược bất bạo động.

Theo Nghị Quyết A/RES/61/271 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc được thông qua vào ngày 15 tháng 6 năm 2007 để thiết lập Ngày Quốc Tế tưởng niệm sự kiện “phổ biến thông điệp bất bạo động, thông qua việc giáo dục và cảnh thức công chúng.” Nghị Quyết tái khẳng định “sự tương quan phổ quát của nguyên lý bất bạo động” và ước nguyện “bảo đảm nền văn hóa hòa bình, bao dung, hiểu biết, và bất bạo động,” theo trang mạng của Liên Hiệp Quốc www.un.org cho biết.
 
Cuộc đời của Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948)
 
Lãnh tụ Gandhi có tên họ đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, thường được gọi là Mahatma Gandhi. Chữ Mahatma là tiếng Sanskrit có nghĩa là người có tâm hồn vĩ đại, là đáng tôn kính, lần đầu tiên được đặt cho ông vào năm 1914 khi ông còn ở Nam Phi, hiện nay thì cả thế giới đều biết đến, theo www.en.wikipedia.org.

Ông sinh ngày 2 tháng 10 năm 1869 tại Porbandar, ngày nay thuộc tiểu bang Gujarat của Ấn Độ. Cha ông là thủ hiến của Porbandar; mẹ ông là người sùng mộ đạo Ấn Giáo thờ thần Vishnu, được ảnh hưởng bởi Kỳ Na Giáo [Jainism], là một tôn giáo tu khổ hạnh được điều hành bởi những nguyên tắc kỷ luật tự giác và bất bạo động. Năm 19 tuổi, Mohandas rời nhà đi học luật ở Trường Inner Temple, một trong 4 trường đại học luật của thành phố London, Anh Quốc. Khi trở về lại Ấn Độ vào giữa năm 1891, ông đã hành nghề luật tại thành phố Bombay, nhưng ít thành công. Không lâu sau ông chấp nhận làm việc với một công ty Ấn Độ mà đã gửi ông tới văn phòng của họ tại Nam Phi. Cùng với vợ, Kasturbai, và con cái, Gandhi ở lại Nam Phi gần 20 năm.

Ông Gandhi đã kinh ngạc trước sự kỳ thị mà ông đã trải qua như một di dân Ấn Độ tại Nam Phi. Khi một quan tòa Châu Âu tại Durban yêu cầu ông cởi bỏ chiếc khăn đóng, ông đã từ chối và rời tòa án. Trên chuyến xe lửa tới Pretoria, ông đã bị ném ra khỏi toa xe hạng nhất và bị đánh bởi một tài xế xe ngựa người da trắng sau khi ông từ chối nhường ghế ngồi của ông cho một hành khách Châu Âu. Cuộc hành trình bằng xe lửa đó đã đóng vai trò như là một khúc quanh đối với ông Gandhi, và ông không lâu sau đó đã bắt đầu phát triển và dạy quan điểm về satyagraha (sự thật và lòng kiên quyết), hay sự chống đối thụ động, như cách bất hợp tác với chính quyền.

Được thế giới tôn kính đối với triết lý bất bạo động của sự phản kháng thụ động của ông, ông Gandhi được biết đến nhiều với tên Mahtma, hay “người có tâm hồn vĩ đại.” Ông đã bắt đầu phong trào hoạt động như một di dân Ấn Độ tại Nam Phi vào đầu thập niên 1900s, và trong nhiều năm sau Thế Chiến Thứ Nhất ông đã trở thành nhân vật lãnh đạo trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ từ Anh Quốc. Nổi tiếng với lối sống khắc khổ thường chỉ mang khố và khăn choàng và niềm tin Ấn Độ Giáo, ông Gandhi bị tù nhiều lần trong thời gian theo đuổi cuộc vận động bất hợp tác, và thực hiện nhiều cuộc tuyệt thực để chống sự đàn áp giai cấp bần cùng tại Ấn Độ, cũng như nhiều bất công khác. Sau sự chia cắt đất nước vào năm 1947, ông tiếp tục làm việc cho nền hòa bình giữa Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo, ông Gandhi đã bị ám sát chết vào năm 1948.

Vào lúc 5 giờ 17 phút chiều ngày 30 tháng 1 năm 1948, ông Gandhi đang ở với người cháu nội trong vườn nhà Birla House, trên đường đến phát biểu tại một cuộc tụ họp cầu nguyện, khi Nathuram Godse, một người thuộc Ấn Độ Giáo, đã bắn 3 viên đạn vào ngực ông ở khoảng cách gần, theo www.en.wikipedia.org. Theo một số tài liệu, ông Gandhi đã chết ngay tại chỗ. Nhưng cũng có tài liệu khác nói rằng một nhà báo có mặt chứng kiến thấy ông Gandhi đã được đưa vào phòng ngủ của Birla House. Ở đó ông đã qua đời 30 phút sau trong lúc một trong những người trong gia đình của ông Gandhi đã đọc các câu kinh Ấn Độ Giáo.

Thủ Tướng Ấn Độ lúc đó là Jawaharlal Nehru đã tuyên bố trên tất cả đài phát thanh Ấn Độ rằng, “Hỡi các bằng hữu, ánh sáng đã vừa tắt khỏi cuộc sống của chúng ta, và bóng tối đang phủ trùm khắp nơi, và tôi không biết nói gì và làm sao nói với các bạn. Lãnh tụ yêu quý của chúng ta, Bapu như chúng ta đã gọi ông, người cha của dân tộc, đã không còn. Có lẽ, tôi sai khi nói điều đó; tuy nhiên, chúng ta sẽ không còn thấy ông ấy nữa, như chúng ta đã thấy ông trong nhiều năm, chúng ta sẽ không còn có thể đến tham vấn ông hay tìm kiếm sự an ủi từ ông, và đó là một tai họa khủng khiếp, không phải chỉ đối với tôi, mà còn đối với hàng triệu và hàng triệu người trong đất nước này.”

Ông Gandhi còn là một nhà văn đa tài. Một trong những tác phẩm đầu tay của ông là cuốn “Hing Swaraj,” được xuất bản bằng tiếng Gujarati vào năm 1909, đã trở thành “bản đồ kiến thức” cho phong trào độc lập của Ấn Độ. Tác phẩm này đã được dịch sang Anh ngữ một năm sau đó, mà không có bản quyền.

Qua nhiều thập niên ông đã xuất bản nhiều tờ báo gồm Harijan và Gujarati, bằng tiếng Hindi và tiếng Anh; báo Indian Opinion khi còn ở Nam Phi và, báo Young India bằng tiếng Anh, và báo Navajivan bằng tiếng Gujarati ra hàng tháng, cho đến khi ông trở về Ấn Độ. Sau đó, báo Navajivan cũng được ấn hành bằng tiếng Hindi. Ông còn viết thư cho nhiều người và viết bài cho báo mỗi ngày.

Ông cũng viết nhiều cuốn hồi ký, gồm “The Story of My Experiments with Truth.” Những hồi ký khác của ông gồm “Satyagraha in South Africa,” “Hind Swaraj,” “Indian Home Rule,” “Gujarati of John Ruskin's Unto This Last.”

Gandhi Toàn Tập với tên “The Collected Works of Mahatma Gandhi” được xuất bản bởi chính phủ Ấn Độ vào thập niên 1960s. Bộ sách gồm khoảng 50,000 trang được xuất bản thành 100 cuốn.

LANH TU MAHATMA GANDHI 02

Lãnh Thụ Mahatma Gandhi và Thi Hào Rabindranath Tagore, hình chụp năm 1940. (www.en.wikipedia.org)

 
Phản kháng thụ động
 
Vào năm 1906, sau khi chính phủ Transvaal đã thông qua sắc lệnh liên quan đến việc ghi danh dân số Ấn Độ, ông Gandhi đã lãnh đạo phong trào bất tuân dân sự kéo dài 8 năm sau. Trong giai đoạn cuối vào năm 1913, hàng trăm người Ấn sống tại Nam Phi, gồm phụ nữ, đã bị vào tù, và hàng ngàn công nhân hầm mỏ Ấn Độ đình công đã bị bỏ tù, bị đánh và thậm chí bắn chết. Cuối cùng, dưới áp lực từ các chính phủ Anh và Ấn Độ, chính quyền Nam Phi đã chấp nhận thỏa hiệp được thương lượng bởi ông Gandhi và Tướng Jan Christian Smuts, gồm những nhượng bộ quan trọng như thừa nhận hôn nhân Ân Độ và bãi bỏ thuế áp đặt mọi người lớn tuổi hiện đang có đối với người Ấn.

Vào tháng 7 năm 1914, ông Gandhi rời Nam Phi để trở về Ấn Độ. Ông ủng hộ nỗ lực chiến tranh trong Thế Chiến Thứ Nhất của Anh nhưng vẫn chỉ trích chính quyền thuộc địa đối với nhiều luật lệ mà ông cảm thấy là bất công. Trong năm 1919, ông Gandhi đã mở cuộc vận động có tổ chức đối với việc phản kháng thụ động để ứng phó việc thông qua của Quốc Hội đối với Luật Rowlatt, mà trong đó trao cho chính quyền thuộc địa quyền lực khẩn cấp để đàn áp các hoạt động lật đổ. Ông đã rút lui sau khi bạo động nổ ra gồm việc tàn sát tập thể bởi các binh sĩ do Anh lãnh đạo đối với khoảng 400 người Ấn Độ tham dự một cuộc tụ tập tại Amritsar nhưng chỉ tạm thời, và vào năm 1920 ông là nhân vật nổi bật nhất trong phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ.

Như một phần của phong trào bất bạo động không hợp tác được xem là quy tắc chính, ông Gandhi đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của sự độc lập kinh tế cho Ấn Độ. Ông đặc biệt cổ võ việc sản xuất vải tự chế, để thay thế vải nhập cảng từ Anh Quốc. Tài hùng biện của ông Gandhi và sự kiên trì với lối sống khổ hạnh dựa vào cầu nguyện, nhịn đói và thiền định đã làm cho người dân kính phục ông, đã gọi ông là Mahatma. Đầu tư với tất cả thẩm quyền của Quốc Hội Quốc Gia Ấn Độ, ông Gandhi đã chuyển cuộc vận động đòi độc lập thành tổ chức quy mô rộng lớn, lãnh đạo các cuộc tẩy chay các hãng xưởng và cơ chế của Anh tiêu biểu cho ảnh hưởng của Anh tại Ấn Độ, gồm các cơ quan lập pháp và học đường.


Sau khi bạo lực lẻ tẻ nổ ra, ông Gandhi đã tuyên bố chấm dứt phong trào phản kháng, đã làm khiếp đãm những người theo ông. Chính phủ Anh đã bắt ông Gandhi vào tháng 3 năm 1922 và xử ông về tội xúi giục nổi loạn; ông đã bị kết án 6 năm tù nhưng đã được thả ra vào năm 1924 sau khi trải qua một cuộc giải phẫu vì viêm ruột thừa. Ông đã hạn chế tham gia tích cực trong chính trường nhiều năm sau đó, nhưng vào năm 1930 ông đã tuyên bố phong trào bất tuân dân sự mới chống lại thuế muối của chính quyền thuộc địa, mà đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân cùng khổ Ấn Độ.
 
Sự thật và lòng kiên quyết
 
Ông Gandhi đã cống hiến cuộc đời ông cho sự khám phá và theo đuổi sự thật, hay Satya trong tiếng Sanskrit, và được gọi là phong trào satyagraha, có nghĩa là “hô hào, kiên quyết, hay dựa vào sự thật.” Hình thức đầu tiên của satyagraha như là phong trào chính trị và nguyên tắc đã diễn ra vào năm 1920, mà ông đã mô tả như là “Sự Giải Quyết Dựa Vào Việc Bất Hợp Tác” trong tháng 9 năm đó trước một khóa họp của Quốc Hội Ấn Độ.

Ông Gandhi đặt nền tảng Satyagraha vào lý tưởng tự giác, bất bạo động, chay tịnh, và lòng từ bi của Thánh Điển Vệ Đà. William Borman – trong tác phẩm “Gandhi and Non-Violence” - nói rằng chìa khóa đối với satyagraha của ông Gandhi bắt rễ trong các bản văn Áo Nghĩa Thư [Upanishads] của Ấn Độ Giáo. Theo Indira Carr – trong “Biographical Dictionary of Twentieth-Century Philosophers” – tư tưởng bất bạo động và sự thật của ông Gandhi được tìm thấy trong các nền tảng triết lý của Advaita Vedanta [Vệ Đàn Đà]. I. Bruce Watson – trong tác phẩm "Satyagraha: The Gandhian Synthesis” – nói rằng một số tư tưởng này được tìm thấy không chỉ trong các truyền thống Ấn Độ Giáo, mà cũng có trong Kỳ Na Giáo hay Phật Giáo, đặc biệt về bất bạo động, chay tịnh và từ bi, nhưng sự tổng hợp của ông Gandhi là chính trị hóa những tư tưởng này. Theo Glyn Richards – trong tác phẩm “Gandhi's Concept of Truth and the Advaita Tradition” – nói rằng quan điểm về sự thật như là phong trào dân quyền của ông Gandhi được hiểu rõ nhất trong ngữ cảnh của thuật ngữ Ấn Độ Giáo về Dharma (pháp, phép tắc, chân lý) và Ṛta (là thuật ngữ trong Kinh Vệ Đà để chỉ nguyên lý của trật tự thiên nhiên).

Ông Gandhi nói rằng trận chiến quan trọng nhất để chiến đấu là vượt qua ác quỷ, sợ hãi, và bất an của chính ông. Ông Gandhi đã tóm tắc niềm tin của ông lần đầu tiên khi ông nói rằng “Thượng Đế là Sự Thật.” Sau đó ông đổi tuyên bố này thành “Sự Thật là Thượng Đế.” Như thế, satya (sự thật) trong triết lý của ông  Gandhi là “Thượng Đế.” Ông Gandhi, như Richards đã mô tả thuật ngữ “Thượng Đế” không như một thế lực riêng rẽ, nhưng là Sự Hiện Hữu (Đại Ngã [Brahman], Tiểu Ngã [Atman]) của truyền thống Advaita Vedanta, phổ quát bất nhị có mặt trong tất cả các pháp, trong mỗi con người và tất cả sự sống. Theo Nicholas Gier, điều này đối với ông Gandhi có nghĩa là sự hợp nhất của Thượng Đế và con người, rằng tất cả mọi hiện hữu có cùng một tâm hồn và do đó bình đẳng, rằng tiểu ngã hiện hữu và giống như mọi thứ trong vũ trụ, bất bạo động là bản tính của tiểu ngã này.

Tinh túy của Satyagraha là “sức mạnh nội tâm” như là một phương tiện chính trị, từ chối sử dụng bạo lực chống lại kẻ áp bức, tìm cách loại bỏ sự đối kháng giữa kẻ áp bức và người bị áp bức, nhằm mục đích chuyển hóa hay “tẩy uế” kẻ áp bức. Đó không phải là sự thụ động [không làm gì] nhưng được xác định là đối kháng thụ động và bất hợp tác, mà Arthur Herman, trong tác phẩm “Gandhi & Churchill: The Epic Rivalry that Destroyed an Empire and Forged Our Age,” cho là “tình thương chiếm lấy hận thù.” Đó là cách nói khác đi thỉnh thoảng được dùng đối với Satyagraha như là “sức mạnh im lặng” hay “sức mạnh nội tâm” – một thuật ngữ cũng được Mục Sư Martin Luther King Jr. sử dụng trong bài diễn văn xuất thần “Tôi Có Một Ước Mơ” của ông. Nó nhắm đến cá nhân với sức mạnh đạo đức hơn là bạo lực thể xác. Satyagraha cũng được diễn giải như là “sức mạnh phổ quát,” vì nó chủ yếu “không phân biệt giữa người thân và kẻ lạ, người trẻ và người già, đàn ông và phụ nữ, bạn bè và kẻ thù,” theo ông Gandhi trong bài viết “Some Rules of Satyagraha Young India (Navajivan) 23 February 1930,” được trích từ Mahatma Gandhi Toàn Tập.

R. K. Prabhu và U. R. Rao trong tác phẩm “The Mind of Mahatma Gandhi,” trích lời ông Gandhi viết rằng, “Nhất định không có sự mất kiên nhẫn, không có sự dã man, không có sự láo xược, không có sự ép buộc quá đáng. Nếu chúng ta muốn đào luyện tinh thần dân chủ thực sự, chúng ta không thể là kẻ bất khoan dung. Sự bất khoan dung phản bội lòng tin vào chính nghĩa của con người.”

Ông Gandhi nói rằng bất tuân dân sự và bất hợp tác được thực hiện theo Satyagraha là dựa vào “định luật đau khổ,” một giáo nghĩa cho rằng sự chịu đựng đau khổ là cách để chấm dứt nó. Việc chấm dứt này thường ngụ ý sự thăng hoa đạo đức hay sự tiến bộ của cá nhân và xã hội. Do đó, bất hợp tác trong Satyagraha thực tế có nghĩa lả để bảo đảm sự hợp tác của đối thủ phù hợp với sự thật và công lý, theo Jai Narain Sharma trong tác phẩm “Satyagraha: Gandhi's Approach To Conflict Resolution.”

LANH TU MAHATMA GANDHI 03

Bức tượng “Bất Bạo Động” hay “Khẩu Súng Bị Thắt” được đúc bởi nghệ sĩ Thụy Điển Carl Fredrik Reuterswärd được trưng bày tại Quảng Trường Du Khách của Liên Hiệp Quốc.( www.un.org)

 
Bất bạo động
 
Dù ông Gandhi không phải là cha đẻ của nguyên tắc bất bạo động, ông là người đầu tiên áp dụng nó vào lãnh vực chính trị trên phạm vi rộng lớn, theo Eddy  Asirvatham trong tác phẩm “Political Theory.” Khái niệm về bất bạo động – tiếng Sanskrit là ahimsa – có lịch sử lâu dài trong tư tưởng tôn giáo Ấn Độ, với nó được xem là giáo thuyết cao nhất, một giáo huấn cần được tuân thủ đối với tất cả chúng sinh, ở mọi thời đại, bằng tất cả sự kính trọng, trong hành động, lời nói và suy nghĩ, theo Christopher Chapple trong tác phẩm “Nonviolence to Animals, Earth, and Self in Asian Traditions.” Ông Gandhi đã giải thích triết lý và tư tưởng về bất bạo động như là phương thức chính trị trong tự truyện của ông “The Story of My Experiments with Truth.”

Nguyên lý của bất bạo động – cũng được biết như là sự phản kháng bất bạo động – từ chối việc sử dụng bạo lực thể xác để đạt được sự thay đổi xã hội hay chính trị, theo www.un.org. Thường được mô tả như là “chính trị của người dân thường,” hình thức đấu tranh xã hội này đã được áp dụng phổ biến trên khắp thế giới trong các phong trào đòi bình đẳng xã hội.

Giáo Sư Gene Sharp, học giả hàng đầu về phản kháng bất bạo động, trong tác phẩm “The Politics of Nonviolent Action,” đã định nghĩa về bất bạo động như sau:

 “Hành động không bạo động là kỹ thuật mà qua đó người dân từ chối sự thụ động và phục tùng, và những người xem sự tranh đấu như là cần thiết, có thể thực hiện sự đấu tranh của họ mà không cần đến bạo động. Hành động không bạo động là không nỗ lực tránh né hay làm ngơ sự xung đột. Nó là một ứng phó đối với vấn đề về cách hành động hữu hiệu trong chính trị, chủ yếu là cách để vận dụng sức mạnh một cách hiệu quả.”

Trong khi bất bạo động thường được sử dụng như là đồng nghĩa với hòa bình, kể từ giữa thế kỷ 20 thuật ngữ bất bạo động đã được sử dụng bởi nhiều phong trào để thay đổi xã hội mà không tập trung vào sự chống đối chiến tranh.

Lý thuyết chính của bất bạo động là quyền lực của những giới cầm quyền dựa vào sự tán đồng của quần chúng, và do đó bất bạo động tìm cách triệt tiêu quyền lực đó thông qua sự rút khỏi của sự đồng thuận và hợp tác của quần chúng.

Có 3 loại hành động bất bạo động chính:

-         Phản đối và thuyết phục, gồm các cuộc biểu tình và cầu nguyện;
-         Bất hợp tác, và
-         Can thiệp bất bạo động, như phong tỏa và chiếm cứ.

Trong thế giới đầy bạo lực từ ý nghĩ, lời nói đến hành động ngày nay, phương thức đấu tranh bất bạo động mà lãnh tụ Gandhi đã thực hiện thành công để giành độc lập cho Ấn Độ từ Anh Quốc cách nay ba phần tư thế kỷ cho thấy rằng không cần đến sức mạnh bạo lực con người bằng tranh đấu ôn hòa và khoan dung đã có thể đánh bại được thế lực thực dân lớn nhất thời đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đại Sứ Trung Quốc tại Thụy Điển là ông Quế Tòng Hữu đã bị các Nghị Sĩ Thụy Điển đòi trục xuất vì ông này đã nhiều lần phát ngôn uy hiếm Thụy Điển vì Hội Nhà Văn Thụy Điển đã trao giải thưởng Tucholsky cho một nhà văn và nhà xuất bản người Thụy Điển gốc Hồng Kông
Tô Kiều Ngân tên thật Lê Mộng Ngân, ông sinh năm 1926 tại Huế. Từ nhỏ ông đã sớm tỏ ra có chất nghệ sĩ, thường trốn học, đi chơi đó đây với cây sáo trúc không mấy khi rời tay.
Lời tòa soạn: Những câu thơ dị thường viết bởi một thi sĩ dị thường! Đó là lời giới thiệu cho tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, do NXB Văn Học Press phối hợp với tổ chức Culture Art Education Resource xuất bản và phát hành tháng 12 năm 2019. Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được trao đổi đôi lời với cô Nguyễn Đức Phương Bối, ái nữ của nhà thơ. (Hiện nay chị Phương Bối vẫn sinh sống tại Việt Nam, trên mảnh đất do chính nhà thơ gầy dựng từ sau cuộc đổi đời 1975.) Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện.
Lời tòa soạn: Được biết tập thơ Thơ và Đá của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là nỗ lực của NXB Văn Học Press và tổ chức Culture Art Education Exchange Resource liên kết thực hiện. Đây là tập thơ của một nhà thơ vốn được xem là một trong những thi sĩ lớn nhất của văn học miền Nam Việt Nam, giai đoạn 54-75. Tập thơ quy tụ những bài thơ chưa bao giờ được công bố cho đến ngày hôm nay. Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được tiếp chuyện cô Đào Nguyên Dạ Thảo, người đã bỏ ra rất nhiều công sức cho đề án này.
Tháng 12 năm 2019 đánh dấu 64 năm phong trào đấu tranh cho dân quyền tại Mỹ mà người đi đầu là Rosa Parks, một phụ nữ gốc Phi Châu sinh trưởng tại tiểu bang Alabama, Miền Đông Nam Hoa Kỳ.
Thơ, văn, họa của 39 tác giả, 39 dòng cảm nhận cùng hợp lưu về một tâm hồn thi ca trác tuyệt.
Năm 1890, sau một chiến dịch ở Wounded Knee, 20 chiến binh Hoa Kỳ được tặng thưởng Huy Chương Danh Dự (Medal of Honor) vì đã “can đảm” thảm sát hàng trăm người bản xứ (chúng ta thường gọi là dân da đỏ) hầu hết là không vũ khí trong tay, và đa số là phụ nữ và trẻ em.
Nhà văn Nhã Ca vừa bước vào tuổi 80, cái tuổi mà hầu hết từ lâu đã đi tìm thú vui an nhàn cho những ngày còn lại đời người. Nhưng với nhà văn thì bà vẫn tiếp tục sinh hoạt với văn chương, báo chí, như những gì bà đã từng làm suốt hơn 60 năm qua từ trong nước ra đến hải ngoại. Bà là tác giả nhiều bộ tiểu thuyết giá trị, có bộ được dịch sang Anh ngữ, như cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế
Ông làm thơ từ khi còn rất trẻ, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài "Bến tâm hồn", đăng trên tạp chí Mai.
Việt Báo: Trong cuốn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng, chị thuật một câu chuyện buồn bằng một ngôn ngữ có tính hài, chủ ý của chị ở đây là gì ? Nó có liên quan gì đến tính cách trái ngược đến buồn cười của hai nhân vật chính, Hằng và LeeRoy?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.