Hôm nay,  

Mặc Đỗ và Sài Gòn Của Tôi

4/24/202000:00:00(View: 4318)

Mặc Đỗ (1915 – 2015)

MĂC ĐỖ
Nhà văn Mặc Đỗ

Mặc Đỗ tên thật Đỗ Quang Bình, sinh năm 1917 tại Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954. Nơi đây ông sáng lập nhật báo Tự Do và nhóm Quan Điểm. Ông cũng là một trong những nhà văn có ảnh hưởng quan trọng với nền văn chương Miền Nam 1955 - 1975. Ngoài sáng tác, ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm văn học thế giới.

Mặc Đỗ tị nạn tại Hoa Kỳ từ năm 1975 và tạ thế vào ngày 20-9-2015 tại Austin, Texas, Hoa kỳ, hưởng đại thọ 100 tuổi.
Các tác phẩm đã xuất bản:

* Sáng tác: Bốn Mươi, Siu Cô Nương, Tân Truyện, Trưa Trên Đảo San Hô, Truyện Ngắn

* Biên khảo: Thần Nhân và Thần Thoại Tây Phương

* Dịch thuật: Lão Ngư Ông và Biển Cả (E. Hemingway), Con Người Hào Hoa (F.S. Fitzgerald), Một Giấc Mơ (Vicky Baum), Người Vợ Cô Đơn (F. Mauriac), Thời Nhỏ Trong Gia Đình Luvers (B. Pasternak), Tâm Cảnh (A. Maurois), Anh Môn (A. Fournier), Vùng Đất Hoang Vu (L. Tolstoi), Giờ Thứ 25 (C. V. Georghiu).

Kính mời quý độc giả đọc lại một bài viết ngắn của Mặc Đỗ đã đăng trên Giai phẩm Xuân Canh Tuất của tạp chí Vấn Đề, số tháng 1 & 2/1970.

***

Sài Gòn Của Tôi 

 

“… Sau này, ở Sàigòn, một dịp nói chuyện với anh Nhất Linh tôi có kể lại kỷ niệm đó và hỏi anh có đọc truyện đó không, khi anh còn nhỏ ở Cẩm Giàng. Hai mắt anh sáng lên cùng với trí nhớ bất đồ nhỏm dậy….” (M.Đ)
 
Thành phố của tôi đích thực là Hà Nội: tôi sinh ra ở đó, tôi đã sống trọn vẹn thời tuổi trẻ ở đó. Nhưng tôi có một ông bác ưa phiêu lưu, sớm rời bỏ thành phố sinh trưởng, đi bén rễ ở một nơi mà ngày nhỏ tôi tưởng như xa xôi lắm. Đảo Phú Quốc ở mãi tận cùng đất nước. Những giấc mơ tuổi trẻ của tôi thường hướng về chân trời thật xa đó. Những giấc mơ cũng có khi hiện thành sự thật với những gánh hát tự miền xa tới trình diễn. Bao nhiêu đêm rực rỡ ánh sáng tiền trường, vang vang tiếng ca giọng nói của miền xa đã gây nhộn nhịp, nao nức trong chuỗi ngày tuổi trẻ. Lần lượt những Năm Phỉ, Phùng Há, Sáu Nết, Tư Sang (làm sao nhớ hết những tên, những khuôn mặt ứ tràn sức chiêu dụ của miền xa?) là thứ tình nhân vô vọng làm đẹp những ngày tháng khát khao của tuổi trẻ. Nếu có thể vô cớ khóc lên được chỉ có những lúc buông tay cho tiếng ca vọng cổ thấm vào cơ thể, biến phút giây hiện tại thành những trang sách cổ tích đọc say mê một buổi chiều ngày nghỉ học. Đến bao giờ giọng nói miền xa vẫn lưu luyến như bài ca vọng cổ, đó là một chấp nhận in khắc mãi mãi, không phai.

Phần lớn những giao tình tuổi trẻ của tôi đều dành cho những người tự cái miền hai mùa mưa nắng đem tới những âm hưởng suy đồi day dứt trong tiếng ca vọng cổ. Giọng nói còn chuyên chở những cung cách sống, những món ăn ngon (mắm nêm, mắm thái… hương vị đất nước nhưng cảm giác gợi bao nhiêu mới lạ, bao nhiêu xa xôi!). Tôi từ bỏ những nề nếp cho rằng chật hẹp để mơ tưởng tới cái xa rộng của vùng đất nước mà ruộng đồng chạy dài tới chân trời, không một bóng núi che khuất. Liên tiếp năm sáu năm trời, mỗi tuần lễ một lần, hai lần, những khoảnh khắc rạo rực tuổi trẻ là những lúc đọc thư, viết thư. Bến đợi ở đầu bên kia đất nước là cô em gái một người bạn lớn. Mỗi giòng chữ là một lời hẹn họ, mời gọi. Sàigòn của tôi từ hồi đó.
Tuổi trẻ đã để lại sau lưng, tôi mới bắt đầu xích gần tới miền xa bao lâu mong ước. Ngày xưa xê dịch không dễ dàng như ngày nay, phương tiện duy nhất là những chuyến xe lửa lần lần bò rất chậm dọc theo vùng duyên hải ngời sáng, lượn vừa đúng trên vòng cung bao lơn ngó ra đại dương. Những thuận tiện riêng không cho phép một mạch lao tới nơi mong đợi. Từ Tháp Chàm tôi phải rẽ lên Cao Nguyên chịu thêm một thời mong đợi thử thách nữa. Nhưng Đà Lạt đã gần như Sàigòn rồi, giọng nói chiêu dụ rất thường nghe thấy chung quanh, những hàng chữ mời gọi bữa trước bữa sau đã tới tay. Vậy mà cũng phải ba năm chờ đợi.

Sàigòn rõ ràng là nơi tận cùng của chuyến đi. Ga xe lửa nằm gọn trong thành phố. Đó là nơi đến, nhất định đến. Không phải là chỗ ghé qua như hầu hết những nhà ga khác. Muốn từ đây đi người ta phải lùi lại trên con đường đã đến, chờ một khúc rẽ mới tiếp tục cuộc đi. Nhưng có tiếp tục đi nữa cũng chẳng đi được bao xa. Sàigòn – Mỹ Tho không đầy một trăm cây số. Mà không phải vẫn con tàu đó. Sàigòn nhất định là nơi đến, không cách nào khác.

Nhưng, với người bấy lâu khao khát, ga Sàigòn có làm thất vọng. Một dẫy nhà thấp, rất ít ồn ào của những chuyến tới chuyến đi, chỉ là một ga nhỏ, như nhiều ga nhỏ khác dọc đường lại thua kém cái hun hút của hai nẻo đường dài. Thất vọng, nếu trên sân ga không có những người đón đợi. Biển tiếng nói chiêu dụ vây lấy người mới đến, xô đẩy người mới đến vào những khám phá rất nhiều đang chờ bắt đầu từ hè phố trước ga. Đà Lạt - Sàigòn hành trình vừa đúng một đêm nằm ngủ trên xe. Người đến tỉnh dậy cùng thành phố trở dậy, khám phá càng ham hố vì có cả ngày dài trước mặt, đầy đủ, quá nhiều…


Cây, những cây, Sàigòn buổi sáng tươi mát trong ánh nắng. Người mới đến được thành phố chấp nhận ngay từ những bước chân đầu, không bỡ ngỡ ngơ ngác. Làm sao còn thấy mình là khách khi ngồi giữa một tiệm mì, giữa đông đảo người Sàigòn ăn sáng. Những món điểm tâm tự nhiên đưa tới trước bàn, không cần gọi. Lựa chọn bằng mắt dễ dàng, cứ ăn như mọi người chung quanh đang ăn. Chỉ một chút nhận xét là ngay bữa đầu đã có thể thông thạo hết thảy mọi người. Người Sàigòn nghĩ tới mình nhiều hơn là bận tâm tới mọi người khác ở chung quanh, cho nên người mới đến rất mau hòa mình được vào đám đông người không cùng ngôn ngữ – người Tàu, người Chà – họ tới, họ phát triển và không ai nghĩ rằng họ quá đông, thao túng một phần lớn đời sống trong thành phố, của cả một miền.

Buổi trưa Sàigòn. Hai mươi lăm năm sau, hôm nay, làm sao tìm lại được những buổi trưa Sàigòn thời đó. Du khách Tây phương đã từng viết về Sàigòn, ví Sàigòn như một thành phố miền Nam nước Pháp. Nhận xét thật đúng những lúc ban trưa mọi hoạt động hầu ngưng trệ hẳn để mọi người nghỉ ngơi. Bóng cây buổi trưa Sàigòn quả là những bóng cây với tất cả sự êm tịnh, vắng lặng, những lá me lay động in bóng trên mặt hè vắng Sàigòn thật khác, so với những thành phố miền Trung, miền Bắc. Nhưng đặc biệt nhất là đêm Sàigòn. Buổi sáng, buổi chiều, Sàigòn làm việc, đêm đến Sàigòn mới thật sự sống. Ra quán uống cà-phê, ăn sáng, đó là một cần thiết ngắn. Tối đến ra đường, đó mới là thời gian của mình của mỗi người Sàigòn. Ăn và chơi mọi thứ đều có đủ. Bỏ ra một năm trời khám phá chưa chắc đã biết hết mọi thứ ăn và mọi thứ chơi của Sàigòn. Rất nhiều người đến Sàigòn rồi không thể bỏ đi. Chưa hẳn bởi họ ham ăn ham chơi. Đêm Sàigòn là của hết thảy mọi người, ai cũng có thể tìm thấy cái phần của mình ở một nơi nào đó trong thành phố nô nức về đêm. Bởi có đêm Sàigòn đời sống thấy dễ chịu hơn. Ban ngày làm việc, đêm đến có cơ hội tức khắc đền bù những nhọc mệt trong ngày. Cần cù, cố gắng được chia thành nhiều đoạn ngắn. Hãy sống cho ngày hôm nay, sáng mai lại tiếp tục. Đời sống Sàigòn đáng yêu bởi lẽ không đòi hỏi nhiều cố gắng tích lũy.

Hai mươi lăm năm sau, những gốc cây của Sàigòn ngày xưa lần lần bị đánh ngã. Chẳng cần tới những lưỡi cưa tàn nhẫn, riêng bụi và khói độc của đường phố cũng đủ làm nghẹt thở từng cành lá. Sàigòn đâu còn là Sàigòn nữa. Đâu còn thứ Sàigòn hoan hỉ mời gọi và tức thời biến người lạ thành quen. Bóng mát không tìm thấy. Bây giờ chỉ còn đám đông những người lạ, từ bốn phương kéo tới và ồ ạt tranh sống. Sàigòn của ai, của những người mạnh tay, lanh mắt. Hãy đổ lỗi hết cho chiến tranh, để lương tâm mỗi người tạm yên. Cho cái gốc thực sự Sàigòn đừng mất.

Cuộc sống bây giờ ai thấy cũng tạm. Cho nên đừng đánh giá gắt gao. Chiến tranh như cơn lốc xô đẩy những đám người quy tụ thành từng tập thể bát nháo. Hoàn cảnh nhất thời đâu giữ mãi được gót chân người nếu không khí tình cảm chung quanh không là bóng mát níu kéo. Như những bóng cây buổi trưa Sàigòn hồi nào. Như những đêm Sàigòn ngày xưa đem thoải mái đến, sau những ngày làm việc. Nghĩ cho cùng, bóng mát cũng không do ý muốn của con người. Đừng ai nghĩ là muốn hay không muốn tạo bóng mát. Bóng mát của Sàigòn ngày xưa là hợp thành của chính bao nhiêu cái vô tâm của người Sàigòn. Người mới đến cũng mang cái vô tâm của mình hòa trộn vào mớ vô tâm chung. Sàigòn ngày xưa quyến rũ không phải vì ai, do ai. Có một quy luật cởi mở mặc nhiên ai nấy cùng theo và hết sức tôn trọng. Cái chén nhỏ tư lợi hẹp hòi của mỗi người làm sao so sánh được với lượng vô biên của một miền phù sa chỉ thèm tranh đua với riêng biển cả. Sàigòn, miền Nam, tương lai là ở trước mặt. Điều đáng sợ là sợ mất cái gốc tươi mát ngày xưa.

Hànội, Huế, Sàigòn. Ba mối tình, một bản hòa tấu. Làm sao thiếu được một khúc. Thiếu thốn chính là những người dễ dàng cam chịu ẩn núp trong một ngõ ngách địa phương, cam tâm đứng lại trong khi dòng đời đang chảy. Cái nhịp diễn tiến hiển hiện trong ngôn ngữ hòa trộn. Thử lắng nghe những sân khấu bình dân nhất. Những người đứng lại có thấy chăng ngôn ngữ – phương tiện cảm thông số một – đã đi tiên phong bồi đắp phù sa san bằng những ranh giới tư lợi trước mũi. Đào Duy Từ đã sống lại trong một số người hôm nay. Nhưng Đào Duy Từ hôm nay đã không cưỡng lại nổi sức giao hòa của ngôn ngữ…

Mặc Đỗ

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Một buổi chiều, từ rất lâu rồi, tôi thấy mình đơn độc trên bãi biển Vũng Tàu, Việt Nam, một thành phố biển gần Sài Gòn, đứng nhìn ra khơi. Chiến tranh ngày một tệ hơn. Huế và Đà Nẵng đã thất thủ. Tiếp theo là cao nguyên Trung Phần. Sài Gòn đang hoảng loạn. Quân đội cộng sản đang tiến quân mà không bị cản trở. Tôi mới mười một tuổi và khá nhỏ con so với tuổi của mình. Bãi biển gần như vắng tanh. Gió và sóng như thét gào bên tai tôi. Với hai cánh tay dang rộng, tạo thành những hình thù kỳ lạ trên không, tôi lớn tiếng tụng niệm những câu thần chú.
Nhật Bản là một nước Phật giáo, mà cách đây một thời gian theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật, những người theo Phật giáo chiếm đại đa số và đúng theo lịch sử truyền bá và phát triển, Phật giáo đến nước nào thì mang sắc thái văn hóa của nước đó. Cho nên, Phật giáo khi vào Nhật Bản cũng mang một số sắc thái riêng. Nay có tác phẩm Bồ-tát Quan Âm - Tín Ngưỡng & 50 Tượng Tuyến ở Nhật Bản của nhà nghiên cứu Bùi Chí Trung, người đã sống và làm việc lâu năm tại quốc gia này sẽ cung cấp cho chúng ta một số thông tin quý báu về những nét rất riêng của Phật giáo Nhật Bản...
Cô nhà văn Hoàng Quân, tự xưng là đại diện “Hội Những Người Trán Dồ Yêu Lung Tung”, tự xưng luôn là có cùng ngày sinh nhật với một ông trán dồ nổi tiếng là ông Albert Einstein, ngày 14/3, có gửi mail yêu cầu tôi viết về trán dồ để hy vọng “trán dồ sẽ góp mặt trong mười…một thương”. Tôi nể ông Einstein nên phóng bút. Trán dồ hay trán dô là cùng một category trán…phi trường. Trán là khu vực nằm từ chân lông mày cho tới chân tóc. Trán bình thường chiếm khoảng 1/3 chiều dài gương mặt. Trán dô lấn sân hơn, vượt qua kích thước thông thường khiến khuôn mặt mất cân đối, kém hài hòa. Nếu nhìn ngang, người ta sẽ thấy phần xương trán của những người trán dô nhô lên cao. Vậy nên nhà văn Hoàng Quân không nên chụp hình profile!
Nói kết không phải là món quà trên trời rớt xuống, nó sinh ra trong những nỗ lực âm thầm và kéo dài, bắt đầu từ trò chuyện, tương tác, gặp gỡ và bao dung. Bạn tập nhìn thấy điều tốt lành ở người khác, nhìn thấy điểm chung để chia sẻ. Nếu bạn nối kết nhưng độc lập, thì mối quan hệ ấy có tính lành mạnh, nâng đỡ. Nếu bạn nối kết và a dua bầy đàn, thì quan hệ ấy sẽ bệnh hoạn, xóa mất bạn vào đám đông.
Chiến tranh bao giờ cũng đi đôi với nỗi chết. Chết vì bom đạn, chết vì chạy loạn, đói khát, dẫm đạp lên nhau… nhưng trong những bức ảnh chiến tranh đau thương đó, như một phép màu, ta thỉnh thoảng lại bắt gặp một sự sống còn ngoài sức tưởng tượng của con người: Như em bé sơ sinh được lôi ra dưới đóng gạch còn sống khi một đầu cuống rốn vẫn dính vào cuống nhau của người mẹ đã chết, và em đươc đặt tên là Aya (tiếng A Rập có nghĩa là may mắn). Như một gia đình 8 người, không ai sống sót trừ bé gái lên 5 tuổi, được lôi ra dưới đống gạch ngói vụn vỡ… và còn bao nhiêu phép màu nữa chỉ có Thượng Đế mới giải thích được.
Có lẽ, người chết cháy cần phải chôn cất vội vã. Sự chuẩn bị của mọi người gần như tối thiểu. Yến biết anh mình không tin đời sau. Mọi ý nghĩa, mọi giá trị đều ở đời này. Anh tin vào sự hữu hiệu, hữu ích của tinh thần và vật chất. Có trường hợp tinh thần cao hơn. Có trường hợp vật chất cần thiết hơn. Anh thường nói với Yến, sống là chuổi chọn lựa giữa tinh thần và vật chất. Vì vậy, nàng chọn lựa không khí tinh thần cho đám tang thay vì vật chất rình rang.
Lũ con cháu chúng tôi sang thăm cô Nhã chú Từ ở thành phố Malmo, miền Nam Thụy Điển, vào khoảng giữa tháng 10 2024. Có chúng tôi về, cô chú vui lắm và thường cùng chúng tôi ra ngoài dạo phố, ngắm cảnh, ăn uống. Trong một buổi chiều đi uống cà phê, chúng tôi chụp được tấm hình cô chú nắm tay nhau đi dạo trong một công viên thanh bình, khi trời đất vào thu, dưới ánh nắng nghiêng nghiêng của buổi hoàng hôn cuối ngày. Chúng tôi đặt tên tấm hình đó là “Vẫn nắng vàng dù buổi chiều của đời”, là câu đầu tiên trong bài hát Vầng Trăng Xưa, chú Từ sáng tác trong trại giam Hàm Tân vào năm 1985.
Cô ngồi bên cửa sổ nhìn trời tối buông xuống đại lộ. Đầu cô dựa lên rèm cửa sổ và trong mũi cô là mùi vải cretonne bụi bặm. Cô cảm thấy mệt mỏi...
Mỗi ngày bạn cảm nhận được nhiều nhịp đập của những trái tim khác nhau. Bạn thông minh hơn và hiểu biết hơn vì những người tốt lành chiếu ánh sáng của họ lên đường đi của bạn. Bạn sống một cuộc đời giàu có vì những ngôi nhà của người khác bạn được ghé thăm, bữa ăn tối của họ bạn được mời tới. Những món quà quý nhất mà tôi nhận được trong đời đều đến từ người nghèo khó.
Đời sống thật của bạn cũng thú vị không kém gì một bộ phim trinh thám hay cuốn tiểu thuyết diễm tình. Tôi không cho rằng văn học hay phim ảnh hay mạng xã hội là không cần thiết. Tôi chỉ nghĩ đời sống thật của bạn hiện đang bị quên lãng. Hãy trở về chính căn phòng của mình, nhìn mặt người bên cạnh, trò chuyện. Hãy pha ấm trà nóng, chọn cái áo thật đẹp, hãy uống tất cả những tách trà buổi sáng của đời bạn. Nhìn thật lâu những nan hoa của chiếc xe đạp chạy trên đường. Chẳng để làm gì cả.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.