Hôm nay,  

Nhớ Trần Quang Lộc, Người Nhạc Sĩ Lãng Du

08/06/202015:44:00(Xem: 6370)
tran quang loc
Ảnh: Youtube


Sáng nay, vừa thức dậy, nghe tin từ nhạc sĩ Tuấn Khanh trong nước: “Nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ trần. Được biết nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả nhiều bài hát quen thuộc với khán giả Việt Nam, đã ra đi vào lúc 5g40 chiều, ngày 7-6-2020, tại bệnh viện, bên cạnh người thân. Con trai của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, là anh Trần Quang Phương Nam, trước đó cho biết rằng nhạc sĩ bị ung thư bàng quang và ung thư phổi, bệnh đã ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn…”.

Thằng bạn văn nghệ còn ở trong nước của tôi viết như để tưởng niệm: “…Lại thêm người "tái ngộ" cùng tiền nhân. ‘Nghìn năm sau ta níu bóng quay về’...”. Đây là một câu hát trong ca khúc Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội.

Vào trước năm 1975, nhạc sĩ Trần Quang Lộc được xếp vào nhóm nhạc sĩ trong phong trào sinh viên, du ca. Ông là nhạc sĩ mà chỉ với một ca khúc “Về Đây Nghe Em” cũng đủ để trở thành bất tử:

Về đây nghe em về đây nghe em

Về đây mặc áo the đi guốc mộc

Kể chuyện tình bằng lời ca dao Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai

Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới

Và về đây nghe gọi tiếng xưa Để nhớ trong tiếng vỡ bờ…

Cả giai điệu và lời đều đẹp, lãng mạng như một bài thơ… Không thấy dấu ấn của một ca sĩ du tử…

Sau 1975, đến khoảng thập niên 1990s, nhạc của Trần Quang Lộc mới được phổ biến lại. Hầu hết là những tình khúc mà ông sáng tác sau 1975. Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của ông trong giai đoạn này là Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội. Cùng với “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” là hai nhạc phẩm viết về Hà Nội được yêu thích vào bậc nhất trong nước, cho dù cả hai  tác giả đều là những nhạc sĩ của Miền Nam…

Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
Có phải em mùa thu xưa?

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn
Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay…

Một lần nữa, giai điệu và lời lại đẹp như một bài thơ. Hẳn là Trần Quang Lộc phải là nhạc sĩ của những tình ca lãng mạn?...

Cũng theo thông tin từ nhạc sĩ Tuấn Khanh, Trần Quang Lộc đã để lại cho đời khoảng 600 ca khúc. Nhiều người hâm mộ sẽ ngạc nhiên: người nhạc sĩ này sáng tác nhiều đến thế sao?

Riêng chúng tôi- những người trong nhóm thân hữu “Hội Ca Cầm”- thì  không bất ngờ trước sự sung mãn trong sáng tác của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1984, anh Lộc (nhóm chúng tôi vẫn gọi như thế) hay đến “hát chui” tại những buổi văn nghệ bỏ túi tại tư gia  của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, của ca sĩ Duy Trác, của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Chúng tôi đã nghe rất nhiều sáng tác của anh Lộc sau 1975 trong khoảng thời gian này, mà không phải tất cả đều được phổ biến chính thức tại Việt Nam. Đối với chúng tôi, điểm đặc trưng nhất của nhạc Trần Quang Lộc là giai điệu của một kẻ lãng du, như bài hát Lãng Du Ca mà anh đã sáng tác từ trước 1975:

Về ngồi lại hát hát cho quên đời
Về tìm lại kiếp kiếp lãng du này
Đàn tình tang cho ta lòa xòa mộng dối ha ...
Về làm người rong chơi chín cõi đời
Về chào mừng cuộc đời mới

Bởi vì người cũng biết xót thương người
Và vì lòng vẫn cứ vấn vương lòng
Thì làm sao hay biết cuộc đời như mơ ...ha ...
Về nực cười vung gươm giết hết sầu
Về tìm lại chút duyên đầu…

Lãng du có lẽ cũng là nét đặc trưng của cuộc đời Trần Quang Lộc. Từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để học hành từ trước 1975. Sau ngày Miền Nam mất, anh xuống sinh sống tại Rạch Giá, rồi trở lên lại Sài Gòn, và rồi sống những ngày cuối đời tại Bà Rịa Vũng Tàu.



Những ca khúc theo thể loại giang hồ lãng tử, Trần Quang Lộc viết nhiều đến độ chính anh có khi cũng không nhớ hết. Hồi năm 2010, anh Lộc có dịp sang Hoa Kỳ, có buổi hát hò hội ngộ với nhóm Hội Ca Cầm. Chúng tôi chào đón anh bằng bài hát “Có Phải Xuân Về Không Em”, ca khúc mà ở Việt Nam, mỗi lần họp mặt hát hò trong dịp tết, chúng tôi đều hát ngay sau bài mở màn Ly Rượu Mừng:

Em ơi mai nở, có tiếng nói cười, mùa xuân đã về rồi sao
Đi qua phố chợ, mua dăm ly rượu, mừng xuân uống cho say đời…
Lô nhô bóng người, thấp thóang giữa đời, chào nhau chén rượu đầu môi
Quen thân lưu lạc, hát giữa phố người, bài ca ấm êm cho đời…

Nghe lại ca khúc “lãng tử” này, anh Lộc nói rằng anh quên mất, đã từ lâu không hát lại. Việt Báo đã từng đăng một bài viết nói về dòng nhạc lãng du của Trần Quang Lộc cũng trong dịp này. Mới đó mà đã 10 năm… https://vietbao.com/a161765/chieu-nhac-tran-quang-loc

Hầu hết mọi người đều biết đến anh Trần Quang Lộc như một nhạc sĩ. Nhưng không phải ai cũng biết anh Lộc là một người có giọng hát độc đáo không kém gì nhạc của anh. Bác sĩ Bích Liên của Ca Đoàn Ngàn Khơi còn nhớ giọng hát của anh Lộc trước 1975: “…Nhớ năm 1974 thì phải, lần đầu tiên gặp anh Lộc từ trường Nông Lâm Súc sang hát ở Dược Khoa. Anh hát Lá Đổ Muôn Chiều thật hay, giọng thật ấm và truyền cảm. Rồi anh hát Về Đây Nghe Em anh vừa sáng tác. Sau đó theo anh tham dự những buổi văn nghệ Thanh Sinh Công.  Mấy chục năm rồi không được gặp anh…”

Tôi còn nhớ trong những buổi văn nghệ bỏ túi “chui” sau 1975 ở tư gia nhà văn Doãn Quốc Sỹ, mỗi khi có anh Lộc, tụi tôi đều phải kéo nhau xuống nhà bếp để hát, chứ không ngồi ở phòng khách như thường lệ. Bởi vì giọng của anh rền vang, có khi cả cái xóm lao động trong con hẻm đều nghe, chắc chắn sẽ phiền hà với anh công an khu vực! Anh Lộc tự đàn guitar cho mình hát, theo phong cách đàn rất du ca. Tụi tôi vẫn ví giọng hát của anh với tiếng kèn saxophone. Anh có đặc điểm là càng uống rượu, anh hát càng hay. Tiếng hát của anh có khi sang sảng, phóng khoáng khi hát những ca khúc lãng du. Có khi mượt mà, nỉ non khi hát những tình khúc. Khi rền rỉ, kể lể, thống thiết lên bổng xuống trầm trong những ca khúc của anh kể về cuộc đời thăng trầm của chính mình, như bài hát Chỉ Còn Bóng Đổ Dài:

Làm sao em hiểu thấu, trong lòng anh điêu tàn,

Trong lòng anh mới đổ, một bóng dài lẻ loi…

Anh hát bằng con tim, với tất cả hơi thở.  Một giọng hát cũng đầy cá tính như nhạc của Trần Quang Lộc.

Nói về nhạc của Trần Quang Lộc, ca sĩ Duy Trác đã từng nói rằng: “… Trần Quang Lộc là một hiện tượng, một quái kiệt. Nhạc của Lộc qua giọng hát của chính Lộc là độc nhất vô nhị, nghe hay không chịu được!”. Còn nhà văn Nguyễn Đình Toàn- người cũng hay có mặt trong những buổi văn nghệ “chui” của Hội Ca Cầm- nhận xét: “… Nếu có một nhạc sĩ thuộc thế hệ sau mà tài năng đến gần với Phạm Duy nhất, thì đó sẽ là Trần Quang Lộc…”. Có lẽ một cái giống trong cuộc đời của anh Lộc với nhạc sĩ Phạm Duy là anh sống hết mình, sống trọn vẹn với tất cả vui buồn của một kiếp người.

Cách đây vài năm, tôi đã từng hứa là sẽ tập cho nhóm văn nghệ thân hữu Việt Báo hợp ca bài “Có Phải Xuân Về Không Em” trong mỗi dịp cùng đón năm mới tại vùng Little Saigon. Vậy mà tới nay vẫn chưa làm được. Thôi thì năm nay nhất định phải làm. Cũng là một cách để tưởng nhớ anh Trần Quang Lộc, người nhạc sĩ lãng tử của nền tân nhạc Việt Nam…

Cung Mi

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bị nước Tàu đô hộ ngàn năm, Việt Nam không bị đồng hóa mà vẫn giữ được truyền thống dân tộc. Tiếng nói, chữ viết, cách ăn mặc, tập tục, phong thái...và nói chung, mọi thứ đều là Việt Nam. Chuyện đó ai cũng biết.
Vào khoảng năm 1985, nhóm ca viên cũ của Ca Đoàn Trùng Dương được dịp họp mặt lần đầu tiên trên đất Mỹ với hai cựu ca trưởng của Trùng Dương là nhạc sĩ Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Trần Chúc. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa hôm đó đã cho mọi người nghe cassette tape nhạc giao hưởng trình bày trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương với 4 giọng tứ ca, rồi nói “nếu chúng ta có một ban đại hợp xướng thì sẽ khác hơn nhiều.
Một chương trình ca nhạc đánh dấu 30 năm ngày thành lập ban hợp xướng vốn được xem là nổi bật nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại, với những khúc nhạc bất hủ của bảy, tám mươi năm tân nhạc VN, trình diễn bởi những ca sĩ tên tuổi hiện thời, cùng hàng trăm nhạc sĩ, ca viên, dưới tài điều khiển của những nhạc trưởng đầy khả năng và giàu kinh nghiệm, hiển nhiên phải là một chương trình đặc sắc, để lại dư âm trong lòng người nghe một thời gian thật dài, nếu không muốn nói là mãi mãi…
Nhạc trưởng Trần Chúc năm 1989. 2. Ngàn Khơi ra đời, lần đầu tiên hát Viễn Du tháng 6, 1989. 3. Thái Thanh, hát Việt Nam Quê Hương Mến Yêu trong buổi hòa nhạc đầu tiên 1990. 4. Mai Hương hát VNQHMY 1990. 5. Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi tại Concert 2007. 6. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương & Nhạc trưởng Lê Văn Khoa 1990.
WESTMINSTER, CA (Little Saigon) - Vở kịch “140 Lbs: How Beauty Killed My Mother” (“140 Lbs: Sắc Đẹp Đã Giết Chết Mẹ Tôi Như Thế Nào”) sẽ được trình diễn bởi chính tác giả Susan Liễu vào hai suất: thứ Bảy, ngày 21 tháng 12, lúc 7:00 P.M. và Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12, lúc 2:00 P.M. tại Phòng Sinh Hoạt Người Việt, số 14771 Đường Moran, thành phố Westminster. Giá vé: $15 (sinh viên) và $25 (đồng hạng).
Ca nhạc sĩ Chế Linh là một biểu tượng cột trụ của dòng nhạc Vàng, ông là người Việt gốc Chàm và được xem là tứ trụ của nền Nhạc Vàng (chung với Duy Khánh, Nhật Trường, Hùng Cường). Tuy nhiên, trong “tứ trụ” đó, chỉ có duy nhất Chế Linh còn đi hát tới tận bây giờ và vẫn được đông đảo công chúng ngưỡng mộ.
Bốn mươi năm trước, tháng 11 năm 1979, ban nhạc rock Pink Floyd tại Anh đã trình làng băng nhạc thứ 11 có tên “The Wall” [Bức Tường].“The Wall” gồm 26 bài hát, 2 bản thu âm và một câu chuyện bí ẩn nhạc kịch, băng nhạc tiếp tục trở thành băng nhạc bán chạy thứ 2 trong lịch sử, theo bản tin của trang mạng www.theconverstion.com
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.