Đọc “Dòng Đời” (Lê Lạc Giao, 2024):
Hành Trình Kiên Khổ Qua Tàn Tích Lịch Sử Để Tìm Lại Bản Thân
Tô Đăng Khoa
"Những gì chúng ta đã trải qua, và những gì chúng ta sẽ phải đối diện, đều là những vấn đề nhỏ nhặt so với những gì nội tại trong chính con người của chúng ta." – Ralph Waldo Emerson.
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
"Dòng Đời" là câu chuyện về sự sống còn, về sự kiên cường của tâm thức con người khi trải qua bao nhiêu nghịch cảnh khốc liệt như đi qua một mùa địa ngục. Đó là câu chuyện rất thật về những nỗi đau, mất mát và sự chịu đựng mà nhiều người Việt Nam đã trải qua trong suốt quá trình lịch sử đầy biến động. Đó là câu chuyện về sự kiên định của con người trong việc đi tìm ý nghĩa của đời sống giữa một biển đời toàn những điều phi lý. Tác giả Lê Lạc Giao, thông qua Hiểu, không chỉ kể lại câu chuyện của một cá nhân mà còn là câu chuyện của một thế hệ, một dân tộc. Và ở một bình diện khác: đó là câu chuyện ngàn đời của nhân loại về sự tìm kiếm ý nghĩa của đời sống và tìm lại bản thân giữa muôn vàn nghịch cảnh và vạn điều phi lý.
Trong "Dòng Đời", Hiểu đóng vai trò vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân của một thời điêu linh mà Hiểu và thế hệ của Hiểu bị ném vào. Qua câu chuyện của Hiểu, nhà văn Lê Lạc Giao phác họa những nét chung, nét riêng của lịch sử đầy biến động của Việt Nam, từ những hệ lụy vô hình sâu kín của chiến tranh đến những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của một xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Sự chú ý tỉ mỉ của Lê Lạc Giao đến từng chi tiết làm sống lại cảnh sắc, âm thanh và cảm xúc của thế hệ của Hiểu, đưa người đọc trở về một khung trời cũ với sự ngậm ngùi trong miền hồi tưởng.
Tính trung thực trong việc miêu tả nội tâm và kiến tạo các nhân vật của Lê Lạc Giao khiến cho tác phẩm vừa mang tính sử liệu vừa cưu mang giá trị nhân bản và tính phổ quát cao. Chính nhờ những tư duy trăn trở trong nội tâm của tác giả về vận nước, từ những trải nghiệm cá nhân đến những quan sát tinh tế, đã sinh ra nhân vật Hiểu với tất cả những phức tạp và đa chiều của con người. Vì thế, khi đọc "Dòng Đời" chúng ta có cảm tưởng nó không còn là những câu chuyện cá nhân mà là câu chuyện chung cho một thế hệ. Chúng ta nhận ra chính chúng ta và những người thân của chúng ta trong câu chuyện kể, những người vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng lịch sử cho một thời điêu linh.
Một trong những điểm son của cuốn sách nằm ở việc phơi bày những tác động và hệ lụy của các sự kiện lịch sử đến cuộc sống cá nhân như là những “hậu chấn” âm ỉ rất lâu dài trong tâm thức cộng đồng của thế hệ của Hiểu. Câu chuyện của Hiểu đan xen với câu chuyện lớn hơn của lịch sử Việt Nam, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thể cách mà biến động đời sống cá nhân và tập thể giao thoa. Nỗi đau của chiến tranh, sự mất mát và cuộc tìm kiếm, tái thiết lập ý nghĩa của hiện hữu là những chủ đề lặp đi lặp lại và càng lúc càng sâu sắc thêm qua từng dòng chảy tư duy của Hiểu, làm nổi bật sự kiên cường và sự phức tạp của tâm thức con người khi đối diện với mất mát và khổ đau.
Trong một xã hội độc đoán, chuyên quyền và áp bức, ý thức nạn nhân cùng với sự chấp nhận truyền thống mà không hề cật vấn, thường khiến con người không vượt qua được lề lối suy nghĩ tiêu cực mang tính cam chịu, chịu đựng và quên đi sự đấu tranh để thay đổi số phận. Tuy nhiên, thông qua việc mô tả giấc mơ và cuộc sống của Hiểu, tác giả Lê Lạc Giao đã trình bày khả năng nhân chứng của con người như là một sự lựa chọn cốt thiết nhất: Sự lựa chọn giữa nhân chứng và nạn nhân chính là sự lựa chọn giữa tự do và nô lệ. Từ đó, mục tiêu của Lê Lạc Giao là làm nổi bật vai trò nhân chứng của người sáng tạo qua nhân vật tiểu thuyết, biến người cầm bút thành chứng nhân của một sân khấu cuộc đời mà định mệnh của nó gắn liền với định mệnh của chính tác giả.
"Dòng Đời" mở đầu bằng một đoản thơ trong bài “Đời Tôi Một Nhánh Sông” của Phan Nhật Tân, cũng là một thành viên trụ cột của nhóm trietvan.com do nhà văn Lê Lạc Giao chủ biên.
“..chảy đi sông ơi chảy đi sông ơi chảy lên đồi cao cuốn thuyền trông đợi đá tượng đưa tay mắt người vời vợi chảy qua thang mây thành trận cuồng phong chảy về nhân gian nước mắt ròng ròng chảy về địa ngục hồn oan thương khóc cháy đỏ buồn đau còn mất được thua chảy qua bốn mùa vàng phai nắng cũ hồn nhiên xanh rêu bình yên sóng vỗ đá thành cuội cát đêm thở than lời nỉ non than van dâu biển thay rồi”
Nếu “Đời tôi một nhánh sông” thì điều không thể tránh khỏi là phải “chảy đi sông ơi.” Chảy chính là thay đổi và biến dịch, là làm mới chính mình. Ví như trong câu nói dân gian “sông có khúc, người có lúc,” con sông có khúc gầm thét, tung tóe bọt nước khi qua thác ghềnh, có lúc sạt lở bờ bên này đem phù sa bồi đắp bờ bên kia, có lúc lững lờ an bình trôi thanh thản soi bóng nguyệt.
Cũng vậy, thế hệ của Hiểu đã “chảy qua” những thương yêu những ly biệt của “thuyền trông đợi,” của “đá tượng đưa tay,” của “mắt người vời vợi.” Thế hệ đó đã “chảy qua” những tang thương của “nhân gian nước mắt ròng ròng.” Họ đã “chảy qua” những thống khổ của địa ngục trần gian với những “hồn oan thương khóc cháy đỏ buồn đau.” Để rồi sau bao nhiêu thăng trầm vượt thác ghềnh, tâm thức nhân chứng giúp thế hệ của Hiểu chợt nhận ra rằng: những còn mất được thua chẳng qua cũng chỉ như sự chảy qua của bốn mùa vàng phai nắng cũ. Chính sự nhận ra này của tâm thức nhân chứng, đã cho Hiểu và những người thuộc thế hệ của anh tìm lại chính bản thân sau khi kinh qua bao nhiêu khổ nạn. Tâm thức họ trở nên “hồn nhiên xanh rêu bình yên sóng vỗ đá thành cuội cát.”
Có thể nói rằng nếu “Dòng Đời” của Lê Lạc Giao là một bức vẽ lớn với nhiều màu sắc, bố cục đa dạng và chi tiết về tâm thức của thế hệ Hiểu, thì “Đời Tôi Một Nhánh Sông” của Phan Nhật Tân là bức tranh thủy mặc nhưng cũng hàm chứa những nét chấm phá đặc thù và có tính phổ quát cao. Tuy hai hình thức khác nhau, nhưng điểm tương đồng của cả hai tác giả là họ đều là chứng nhân của thời cuộc. Họ lên ghềnh xuống thác theo dòng đời, nhưng không hề bị dòng đời cuốn trôi. Câu chuyện của họ kể là câu chuyện về hành trình kiên khổ của một thế hệ đi qua tàn tích lịch sử và chiến tranh để tìm lại bản thân.
Trong "Dòng Đời," Lê Lạc Giao phơi bày bản chất của dòng chảy cuộc sống, nơi mỗi khoảnh khắc đều là sự tiếp nối của quá khứ và là tiền đề cho tương lai. Lê Lạc Giao đã tạo nên một câu chuyện vừa mang tính cá nhân rất gần gũi với đời thường vừa mang tính phổ quát cao. Câu chuyện nhắc nhở người đọc về những kết nối sâu xa giữa cuộc sống của chúng ta và thế giới xung quanh. Văn phong của nhà văn Lê Lạc Giao vừa trữ tình vừa sâu lắng, mời gọi người đọc tham gia vào những độc thoại nội tâm và những đấu tranh cảm xúc của Hiểu. Giọng văn suy tư của câu chuyện cho phép người đọc kết nối sâu sắc với nhân vật chính, làm cho cuộc hành trình tự khám phá của bản thân của Hiểu trở nên hấp dẫn hơn. Mỗi khi Hiểu gợi lại những ký ức hay tư duy để đối mặt với thực tại, người đọc bị cuốn vào một sự phản quan sâu sắc về bản Ngã, sự thuộc về và sự trôi chảy của thời gian.
Xuyên suốt câu chuyện của Hiểu, "Dòng Đời" đồng thời cũng mang đến một bức tranh sống động về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Những mô tả chi tiết của nhà văn Lê Lạc Giao về cuộc sống hàng ngày, về các phong tục truyền thống và cảnh quan thay đổi của Việt Nam cung cấp một ngữ cảnh văn hóa quý giá làm tăng tính chân thực của câu chuyện. Cuốn sách như một cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, mang lại những hiểu biết sâu sắc về di sản của lịch sử Việt Nam đối với những thế hệ mai sau.
Làm thế nào để có thể trút bỏ tâm thức nạn nhân, trầm tĩnh đóng vai trò của nhân chứng để bước tiếp trên hành trình kiên khổ qua những tàn tích của lịch sử để tìm lại bản thân? Làm thế nào để “những nấm mồ của quá khứ” sẽ không nhuộm đen quãng đời còn lại của một thế hệ bị ném vào lò lửa của chiến tranh? Đó là những câu hỏi mà người đọc có thể tìm thấy câu trả lời khi đọc "Dòng Đời." Với tôi, tác phẩm thứ sáu "Dòng Đời" của nhà văn Lê Lạc Giao là một bước tiếp nối trên hành trình sáng tạo bền bỉ của chính anh. "Dòng Đời" gói trọn tinh hoa của sự kiên cường con người và cuộc tìm kiếm tự thân và ý nghĩa của đời sống. Cuốn sách này phơi bày sức mạnh của việc kể chuyện như là nhân chứng cho một thời điêu linh có thật trong lịch sử Việt Nam, nó soi sáng tình trạng con người khi bị ném vào bối cảnh khốc liệt đó. "Dòng Đời" là một cuốn sách phải đọc cho bất kỳ ai muốn hiểu những phức tạp của bản sắc, ký ức và lịch sử Việt Nam cận đại. Xin cảm ơn nhà văn Lê Lạc Giao và trân trọng giới thiệu tác phẩm mới nhất của Anh với quý độc giả.
Sách có thể mua ở đây:
https://www.barnesandnoble.com/w/dong-doi-lac-giao-le/1146022254?ean=9798895049204