( Đọc ẲN THOẠI ĐÊM của ĐẶNG TOẢN, NXB Hoa Kỳ ấn hành, tháng 7/2024)
Thi phẩm “Ấn Thoại đêm” ( ÂTĐ) của nhà thơ Đặng Toản dày 260 trang, gồm 245 bài thơ đủ thể loại, song hầu hết là thơ lục bát, tứ tuyệt, là thi phẩm thứ tư của cây bút quen thuộc với bạn đọc yêu thơ của Hội Văn Bút vùng Houston, Texas.
Đặng Toản sinh năm 1960 tại Nha Trang, quê quán Quảng Nam, hiện là công nhân thợ tiện cho một hãng ống dầu ở Texas, do vậy rất nhiều bài thơ, tác giả ghi “ Viết bên máy Laser CNC...”, như một sự khẳng định, nghề nghiệp và công việc luôn là nguồn cảm hứng cho tứ thơ của Toản...
Suy nghĩ về thơ, Đặng Toản đã viết: “ ... Thơ chấp nhận mọi sự đẽo gọt và không đẽo gọt, từ vi tế đến thô ráp, từ dân gian đến bác học và các thành phần tham gia vào chiếu thơ có mặt phu xe và tể tướng, gã ăn mày và đại phú hộ...” ( Nghĩ về thơ, trang 258). Do đó sẽ càng thú vị hơn, khi ta bắt gặp những hình ảnh thơ, những câu thơ với những ngôn ngữ “nghề nghiệp” song cũng đầy mới lạ và ấn tượng của “gã thợ tiện’ bên những tia laser cắt... ống sắt!
Bài thơ mở đầu thi phẩm ÂTĐ và cũng là tựa đề của bài thơ với thể thơ ngũ ngôn, 11 khổ kéo dài trên 3 trang giấy, là bài thơ thú vị và mới lạ như vậy: “ Ngày ngày nâng ống sắt/ Anh với nghề trôi lăn/ trong cuộc tình cút bắt/ Xin quay về ăn năn”, lấy cuộc tình để ví với nghề “nâng ống sắt, trôi lăn...”, một so sánh lạ và cũng thật ấn tượng, thú vị, khi nhà thơ tiếp tục thủ thỉ: “ Anh cắt tà áo nhớ/ Đo độ dài cách xa/ Em hiện ra rạng rỡ/ Hân hoan cặp mắt ngà.” Bởi vì: “ Em là thiên thần nhỏ/ Anh là kẻ dại khờ/ Thiên thần không nở bỏ/ Kẻ dại khờ bơ vơ”. Để rồi: “ Anh nối sợi thẹn thùng/ Vào chùm tia mắt cuối/ Hoang phế và mông lung/ Trên tay tình đã nguội”. Ôi cái thực tế nao lòng, cho dù thi sĩ có lúc mơ “ Anh ngồi trong vũ trụ/ Với từng chùm sát na/ Thời kinh ngày dẫn dụ/ Đường ra khỏi thiên hà...”, thì cái ống sắt thực tế sau những phút thắng hoa bởi những tia laser thì cũng có lúc... nguội lạnh trên tay, chứ nào phải cuộc tình, dày công thương nhớ? Thi sĩ chính là thế đấy!
Đọc thơ Toản, ừ thì cũng có lúc mộc mạc, thô ráp, có khi cũng dàn trải, “thương vay khóc mướn” như “ Ngài Putin không kềm chế được rồi!...” hay như “ Thằng Út xỉn chỉ sau vài nốt nhạc...” (Bên bàn rượu tất niên nơi xóm vắng, trang 12), đó cũng là cái thường tình của “Vò rượu mở bởi say mèm quên đậy/ Nhạc Xuân mềm như hoa cỏ quanh đây!” Song cái hay, cái mới thì vẫn luôn bàng bạc trong từng câu “gọt dũa”: “Mùa vừa khóa cảnh cửa vườn/ Ngăn từ khoảng hạ, thu trườn sang đông/ Anh vừa thả xuống dòng sông/ Một câu thơ biết rằng không khứ hồi” ( Vừa, trang 79), Hoặc như “ Nắng vừa đứng dựa bên hè/ Nhìn trăng sao rụng đầy xe bốn mùa/ Đôi khi gió bị bỏ bùa/ Ngây trưa, chẳng nhín tiến mua chỗ chiều!” ( trang 87), cái lạ và cái phi lý, dường như trộn lẫn, người đọc thì cứ bâng khuâng bên hình ảnh “nắng đứng, ngắm trăng sao...” mà vẫn đồng cảm với cái xúc cảm của tác giả...
Sự lãng mạn, hơi thở cuộc sống và thơ tràn ngập: “Cúc cười vàng nụ thu lam/ Lựu cười đỏ hạ nụ hàm tiếu khao /Sen hồng thắm nụ ca dao/ Mai cười ửng biếc, thì thào lập xuân” ( Hoa cười, trang 102), và đây nữa: “Anh ngồi trên tốc độ lăn/ Lặng im nhìn bánh xe ăn con đường/ Nắng và cây cối phi thường/ Lâm râm niệm chú, ngàn phương gió về.” ( Trên freeway, trang 103). Người đọc bắt gặp sự “Lập ngôn”: “Áo đã chèn đêm vào nét gấp/ Nụ hôn còn ấm giữa chân ngày/ Môi xa cười gợi chiều áp thấp/ Thơ còn thao thức, lập ngôn say!” ( trang 155)
Một vườn thơ, một vườn bông, lắm nụ hàm tiếu, nhiều nụ mãn khai. Có một điều hình như nhà thơ muốn “để dành” ngắm tất cả, quên đi sự chọn lựa. Phải chăng đó cũng là... cái điểm yếu của người vì quá... say mà chấp nhận đủ mọi điều thương, nhớ.
Và người đọc thì vẫn thấy thích, và lạ trước những câu thơ: “ Anh vẽ điện tâm đồ ngọn khói/ Thăm dò huyết áp của làn sương/ như thể mùa xuân vừa chín bói/ Quan hà cũng kẹp tóc soi gương...” Mong tác giả luôn là: “ Mai về anh đổ thêm hương nhớ/ chăm bón bấu thơ đã sắp cằn/ Em đứng thật xa nhìn bỡ ngỡ/ Con chữ gầy cũng biết trôi lăn!” ( Con chữ trôi lăn, trang 251)
Katy, August, 01/2024
TRẦN HOÀNG VY