Hôm nay,  

Đọc Sách Đầu Xuân: Từ Mặc Chiếu Tới Như Huyễn - Nguyên Giác Phan Tấn Hải

2/16/202400:00:00(View: 3213)

từ-mặc-chiếu-tới-như-huyễn

Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải.

Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.

Niềm hứng khởi bừng lên ngay khi nhìn bìa sách trang nhã, đọc trên bìa sách 6 chữ “Từ Mặc Chiếu Tới Như Huyễn”. Phía bìa sau có giòng chú thích của tác giả:

“Mặc Chiếu là gì? Mặc là lặng lẽ, là tịch tĩnh. Chiếu là tỉnh thức, là quán sát.
Mặc và Chiếu là hai phương diện của tâm. Y hệt như mặt hồ nước, hễ có tịch lặng thì sẽ hiện ra ảnh của ánh trăng và bầu trời. Cũng y như gương sáng hiện ra hình ảnh trong gương, là nhờ sạch bụi nên cảnh mới hiện ra.
 Như Huyễn là gì? Là thực tướng của các pháp, là không phải thực và cũng không phải giả. Hễ ai thấy tánh như huyễn, tức là thấy thực tướng, sẽ lìa được cả Có Hiện Hữu và cả Không Hiện Hữu. Do vậy, thấy như huyễn thường trực ngày đêm, sẽ lìa được tham sân si, sẽ giải thoát”.

Đối với tôi, như vậy là đủ rồi, không đọc thêm cũng được! Bởi vì có dịp đọc nhiều cuốn sách của anh Hải, uống cà phê nói chuyện với anh, hình như mọi chủ đề Phật Pháp rồi cũng sẽ hướng về một vấn đề cốt lõi mà anh vẫn thường nhắc đi nhắc lại: “Cái Thấy chỉ là Cái Thấy, Cái Nghe chỉ là Cái Nghe…” Anh Hải làm tôi nhớ đến Thầy Phước Tịnh, người giảng pháp cả gần hai mươi năm nay chỉ xoay quanh một chủ đề: thắp sáng Sự Nhận Biết sáng rỡ hiện tiền, không bị những tiếng thầm thì trong tâm trí lôi kéo. “Chỉ có ngần đó việc thôi!” Thầy thường nói vậy.  Và cũng giống như khi Thầy Phước Tịnh nói về Sư Ông Làng Mai: chỉ với một đề tài “quán niệm hơi thở” trong Thiền Tứ Niệm Xứ cũng đủ đem Phật Pháp đi cùng trời cuối đất, rộng khắp xã hội Âu Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Phật Pháp nếu qua thực hành sẽ dễ cảm nhận hơn nhiều khi diễn đạt bằng chữ nghĩa. Hình như đọc sách của anh Hải trong tinh thần “nhìn xuyên qua chữ để thấy nghĩa” như vậy, đọc ít mà không sợ hiểu sai.

Tập sách “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” bao gồm những bài viết, bài thơ anh Hải từng phổ biến trong vài năm gần đây. Đọc lại, tôi cũng tự chọn một vài bài mình thích nhất. Thí dụ như bài viết: “Bồ Đề Đạt Ma, Từ Huyền Thoại Đến Tâm Kinh”. Tôi đã từng thử tò mò tưởng tượng rằng nếu anh Hải là một nhà tu, anh Hải sẽ giống ai? Thật là thú vị, tôi nghĩ ngay đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma với hình tướng dữ dằn, với thứ ngôn ngữ trực diện. Anh Hải cho rằng “…Thiền Tông đầy những sương khói và huyền thoại…” Chung quanh Ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng thêu dệt bao nhiêu huyền thoại. Nhưng với đoạn đối thoại kinh điển giữa vua Lương Vũ Đế và Bồ Đề Đạt Ma, thì những hư ảo đó hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một thứ ngôn ngữ trực chỉ Chân Tâm:

Vũ Đế hỏi: "Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì chăng?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức."
- Tại sao không công đức?
- Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

- Thế nào là công đức chân thật?
-Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu. 
-Thế nào là Thánh Đế nghĩa thứ nhất?
- Rỗng rang không thánh.
- "Đối diện với trẫm là ai?
- Không biết.
 
Những ai đã từng nói chuyện với anh Hải, có thể nhận thấy anh cũng có lối đối thoại thẳng thắn tương tự.

“Thiền Mặc Chiếu - Thiền Sư Thánh Nghiêm” là bài trích dịch từ bản Anh Ngữ của Giáo Sư Dan Stevenson, cũng cho thấy một phần công việc mà anh Hải đang dành nhiều thời gian: dịch kinh sách Phật từ phiên bản tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Trong những người cư sĩ mà tôi quen biết, anh Hải là người có vốn từ Phật Giáo tiếng Anh nhiều nhất. Tại sao anh Hải lại quan tâm đến kinh Phật từ phiên bản tiếng Anh? Có thể là vì anh nhận thấy tiếng Anh diễn đạt Phật Pháp một cách thực tế, dễ hiểu và dễ thực hành. Thầy Phước Tịnh từng nhận xét rằng người Mỹ không tu thì thôi; nhưng khi đã cảm nhận được lợi ích của Phật Pháp đối với đời sống, họ thực hành hết mình, chuyên cần, một sự tinh tấn mà không phải Phật tử Việt Nam nào cũng có. Điều này giải thích vì sao các phương pháp Phật Giáo áp dụng trong đời sống hằng ngày hiện nay đang phố biến rộng rãi trong xã hội Âu Mỹ.

Thiền Sư Thánh Nghiêm là người Thượng Hải, sau chiến tranh tu hành ở Đài Loan, bắt đầu hoằng pháp ở Mỹ từ năm 1977. Tính đến năm 2002, Thầy có khoảng 3,000 thiền sinh ở Mỹ. Một đoạn văn nói về cốt tủy của thiền Mặc Chiếu:

“… Mặc Chiếu là một phương pháp đơn giản, quá đơn giản, thực vậy, rằng sự đơn giản này trở thành sự khó khăn của nó. Trong cùng tận, nó là phương pháp của không phương pháp, trong đó học nhân buông bỏ hết mọi tìm kiếm, mọi ràng buộc gắn bó, mọi mong đợi, và chỉ việc sống Thiền một cách trực tiếp… Hãy đơn giản để cho tâm tỉnh thức một cách tự nhiên của bạn đón nhận mọi thứ, y hết như chúng là chúng. Đó là sự tĩnh lặng và chiếu sáng tự nhiên của thiền…”

Với những ai chỉ từng biết về thiền qua sách vở, sẽ thấy đoạn văn trên “hư ảo” giống như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, đoạn Trương Tam Phong dạy Trương Vô Kỵ múa Thái Cực Quyền! Nhưng với những người đã từng thực hành thiền, thì nó không khác gì với câu anh Hải thường nói: “Cái Thấy chỉ là Cái Thấy, Cái Nghe chỉ là Cái Nghe…”

Hay là trong bài viết “Tưởng Niệm Thầy Nhất Hạnh, Đạo Bụt Nguyên Chất”, anh Hải tri ân Thầy vì đã phiên dịch và giải nghĩa bài kệ 20 trong Kinh Chuyển Hóa Bạo Động & Sợ Hãi. Theo anh, bài kệ mang trọn đủ pháp hành Bát Chánh Đạo, với đầy đủ nghĩa của Tâm Kinh Bát Nhã:

“…Nhìn xuống không thấy hãnh diện, nhìn lên không thấy sợ hãi, vị mâu ni an trú nơi tự tính bình đẳng, không còn bị vướng vào một kiến chấp nào. Bấy giờ tất cả mọi tranh chấp đều đã được ngưng lại, oán thù và tật đố không còn có mặt, vị ấy tuy đứng trên tuệ giác mà chẳng thấy mảy may tự hào…”

Đọc bấy nhiêu đó thôi, tôi cũng cảm thấy mãn nguyện cho một ngày đọc sách đầu năm của mình. Đọc sách với tinh thần tri kỷ, đâu cần phải đọc nhiều…
Tôi viết bài này không với mục đích “phê bình” cuốn sách Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn. Tôi chỉ muốn được nói lời cảm ơn đời cho đủ cơ duyên để được gặp và học hỏi ở những người thiện trí thức, trong đó có anh Nguyên Giác Phan Tấn Hải. Tấm lòng tri ân đó cũng nhắc nhở rằng một kiếp người không dễ có duyên lành với Phật Pháp. Đừng bỏ phí quãng đời còn lại, làm thêm những việc đáng làm khi có thể…

Xin chép tặng tác giả bài thơ thiền, cho dù không được nhắc tới, nhưng vẫn bàng bạc trong cuốn sách Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không, 
Xuân về hoa nở rộn trong lòng. 
Chúa Xuân nay bị ta khám phá, 
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng. 

(Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông)
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ...
Tiểu Lục Thần Phong, tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định, hiện sinh sống tại Georgia, Hoa Kỳ, là cây viết sung sức và quen thuộc của các báo Chánh Pháp, Việt Báo (California), Trẻ (Houston, Texas)... Đã xuất bản 10 tác phẩm gồm Văn, Thơ và nhiều tác phẩm in chung khác...
Phê Bình . Nhận Định -- BÙI VĨNH PHÚC -- VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.