Hôm nay,  

Đọc Sách Đầu Xuân: Từ Mặc Chiếu Tới Như Huyễn - Nguyên Giác Phan Tấn Hải

2/16/202400:00:00(View: 3183)

từ-mặc-chiếu-tới-như-huyễn

Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải.

Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.

Niềm hứng khởi bừng lên ngay khi nhìn bìa sách trang nhã, đọc trên bìa sách 6 chữ “Từ Mặc Chiếu Tới Như Huyễn”. Phía bìa sau có giòng chú thích của tác giả:

“Mặc Chiếu là gì? Mặc là lặng lẽ, là tịch tĩnh. Chiếu là tỉnh thức, là quán sát.
Mặc và Chiếu là hai phương diện của tâm. Y hệt như mặt hồ nước, hễ có tịch lặng thì sẽ hiện ra ảnh của ánh trăng và bầu trời. Cũng y như gương sáng hiện ra hình ảnh trong gương, là nhờ sạch bụi nên cảnh mới hiện ra.
 Như Huyễn là gì? Là thực tướng của các pháp, là không phải thực và cũng không phải giả. Hễ ai thấy tánh như huyễn, tức là thấy thực tướng, sẽ lìa được cả Có Hiện Hữu và cả Không Hiện Hữu. Do vậy, thấy như huyễn thường trực ngày đêm, sẽ lìa được tham sân si, sẽ giải thoát”.

Đối với tôi, như vậy là đủ rồi, không đọc thêm cũng được! Bởi vì có dịp đọc nhiều cuốn sách của anh Hải, uống cà phê nói chuyện với anh, hình như mọi chủ đề Phật Pháp rồi cũng sẽ hướng về một vấn đề cốt lõi mà anh vẫn thường nhắc đi nhắc lại: “Cái Thấy chỉ là Cái Thấy, Cái Nghe chỉ là Cái Nghe…” Anh Hải làm tôi nhớ đến Thầy Phước Tịnh, người giảng pháp cả gần hai mươi năm nay chỉ xoay quanh một chủ đề: thắp sáng Sự Nhận Biết sáng rỡ hiện tiền, không bị những tiếng thầm thì trong tâm trí lôi kéo. “Chỉ có ngần đó việc thôi!” Thầy thường nói vậy.  Và cũng giống như khi Thầy Phước Tịnh nói về Sư Ông Làng Mai: chỉ với một đề tài “quán niệm hơi thở” trong Thiền Tứ Niệm Xứ cũng đủ đem Phật Pháp đi cùng trời cuối đất, rộng khắp xã hội Âu Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Phật Pháp nếu qua thực hành sẽ dễ cảm nhận hơn nhiều khi diễn đạt bằng chữ nghĩa. Hình như đọc sách của anh Hải trong tinh thần “nhìn xuyên qua chữ để thấy nghĩa” như vậy, đọc ít mà không sợ hiểu sai.

Tập sách “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” bao gồm những bài viết, bài thơ anh Hải từng phổ biến trong vài năm gần đây. Đọc lại, tôi cũng tự chọn một vài bài mình thích nhất. Thí dụ như bài viết: “Bồ Đề Đạt Ma, Từ Huyền Thoại Đến Tâm Kinh”. Tôi đã từng thử tò mò tưởng tượng rằng nếu anh Hải là một nhà tu, anh Hải sẽ giống ai? Thật là thú vị, tôi nghĩ ngay đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma với hình tướng dữ dằn, với thứ ngôn ngữ trực diện. Anh Hải cho rằng “…Thiền Tông đầy những sương khói và huyền thoại…” Chung quanh Ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng thêu dệt bao nhiêu huyền thoại. Nhưng với đoạn đối thoại kinh điển giữa vua Lương Vũ Đế và Bồ Đề Đạt Ma, thì những hư ảo đó hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một thứ ngôn ngữ trực chỉ Chân Tâm:

Vũ Đế hỏi: "Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì chăng?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức."
- Tại sao không công đức?
- Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong cõi người cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

- Thế nào là công đức chân thật?
-Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu. 
-Thế nào là Thánh Đế nghĩa thứ nhất?
- Rỗng rang không thánh.
- "Đối diện với trẫm là ai?
- Không biết.
 
Những ai đã từng nói chuyện với anh Hải, có thể nhận thấy anh cũng có lối đối thoại thẳng thắn tương tự.

“Thiền Mặc Chiếu - Thiền Sư Thánh Nghiêm” là bài trích dịch từ bản Anh Ngữ của Giáo Sư Dan Stevenson, cũng cho thấy một phần công việc mà anh Hải đang dành nhiều thời gian: dịch kinh sách Phật từ phiên bản tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Trong những người cư sĩ mà tôi quen biết, anh Hải là người có vốn từ Phật Giáo tiếng Anh nhiều nhất. Tại sao anh Hải lại quan tâm đến kinh Phật từ phiên bản tiếng Anh? Có thể là vì anh nhận thấy tiếng Anh diễn đạt Phật Pháp một cách thực tế, dễ hiểu và dễ thực hành. Thầy Phước Tịnh từng nhận xét rằng người Mỹ không tu thì thôi; nhưng khi đã cảm nhận được lợi ích của Phật Pháp đối với đời sống, họ thực hành hết mình, chuyên cần, một sự tinh tấn mà không phải Phật tử Việt Nam nào cũng có. Điều này giải thích vì sao các phương pháp Phật Giáo áp dụng trong đời sống hằng ngày hiện nay đang phố biến rộng rãi trong xã hội Âu Mỹ.

Thiền Sư Thánh Nghiêm là người Thượng Hải, sau chiến tranh tu hành ở Đài Loan, bắt đầu hoằng pháp ở Mỹ từ năm 1977. Tính đến năm 2002, Thầy có khoảng 3,000 thiền sinh ở Mỹ. Một đoạn văn nói về cốt tủy của thiền Mặc Chiếu:

“… Mặc Chiếu là một phương pháp đơn giản, quá đơn giản, thực vậy, rằng sự đơn giản này trở thành sự khó khăn của nó. Trong cùng tận, nó là phương pháp của không phương pháp, trong đó học nhân buông bỏ hết mọi tìm kiếm, mọi ràng buộc gắn bó, mọi mong đợi, và chỉ việc sống Thiền một cách trực tiếp… Hãy đơn giản để cho tâm tỉnh thức một cách tự nhiên của bạn đón nhận mọi thứ, y hết như chúng là chúng. Đó là sự tĩnh lặng và chiếu sáng tự nhiên của thiền…”

Với những ai chỉ từng biết về thiền qua sách vở, sẽ thấy đoạn văn trên “hư ảo” giống như trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, đoạn Trương Tam Phong dạy Trương Vô Kỵ múa Thái Cực Quyền! Nhưng với những người đã từng thực hành thiền, thì nó không khác gì với câu anh Hải thường nói: “Cái Thấy chỉ là Cái Thấy, Cái Nghe chỉ là Cái Nghe…”

Hay là trong bài viết “Tưởng Niệm Thầy Nhất Hạnh, Đạo Bụt Nguyên Chất”, anh Hải tri ân Thầy vì đã phiên dịch và giải nghĩa bài kệ 20 trong Kinh Chuyển Hóa Bạo Động & Sợ Hãi. Theo anh, bài kệ mang trọn đủ pháp hành Bát Chánh Đạo, với đầy đủ nghĩa của Tâm Kinh Bát Nhã:

“…Nhìn xuống không thấy hãnh diện, nhìn lên không thấy sợ hãi, vị mâu ni an trú nơi tự tính bình đẳng, không còn bị vướng vào một kiến chấp nào. Bấy giờ tất cả mọi tranh chấp đều đã được ngưng lại, oán thù và tật đố không còn có mặt, vị ấy tuy đứng trên tuệ giác mà chẳng thấy mảy may tự hào…”

Đọc bấy nhiêu đó thôi, tôi cũng cảm thấy mãn nguyện cho một ngày đọc sách đầu năm của mình. Đọc sách với tinh thần tri kỷ, đâu cần phải đọc nhiều…
Tôi viết bài này không với mục đích “phê bình” cuốn sách Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn. Tôi chỉ muốn được nói lời cảm ơn đời cho đủ cơ duyên để được gặp và học hỏi ở những người thiện trí thức, trong đó có anh Nguyên Giác Phan Tấn Hải. Tấm lòng tri ân đó cũng nhắc nhở rằng một kiếp người không dễ có duyên lành với Phật Pháp. Đừng bỏ phí quãng đời còn lại, làm thêm những việc đáng làm khi có thể…

Xin chép tặng tác giả bài thơ thiền, cho dù không được nhắc tới, nhưng vẫn bàng bạc trong cuốn sách Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không, 
Xuân về hoa nở rộn trong lòng. 
Chúa Xuân nay bị ta khám phá, 
Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng. 

(Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông)
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Có một năm chúng tôi đi leo núi ở Red Rock, Las Vegas, chồng tôi gặp một người Hàn Quốc. Anh ta làm nghề sửa các thiết bị điện lạnh, sống một mình. Khi gặp người cùng ngôn ngữ, anh ta vui mừng mời chồng tôi về nhà. Căn phòng đó thật kỳ lạ. Hoàn toàn không có vật dụng cá nhân gì cả, kể cả giường. Chỉ là một căn phòng thuê trống để anh ta về nằm ngủ.
Bạn đang cư trú ở một nơi rất xa quê nhà. Thế rồi, một hôm, bạn mở TV xem và bất chợt nhìn thấy một vở kịch Nhật Bản thể loại Noh, và bạn bùi ngùi nhớ về quê nhà, nơi thời thơ ấu bạn đã từng xem một tuồng hát bội, một thể loại kịch cổ điển thường hát ở các ngôi đình Miền Nam Việt Nam. Khi vở Kịch Noh vừa chấm dứt, cho dù bạn chưa hiểu tận tường tuồng Nhật Bản nói gì, nước mắt đã đầm đìa trên mắt của bạn, đó là nước mắt khi nhớ về thời tuổi nhỏ chạy chơi trong sân đình, nơi các nghệ sĩ tuồng ngồi vẽ mặt của những buổi chiều trước giờ kéo màn.
Trước năm 2005, tôi đọc vài bài viết ký tên Vương Thư Sinh, Hoàng Tiểu Ca với lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng nên rất thích. Khi hỏi người bạn đồng khóa, nhà văn Dương Viết Điền cùng ở Los Angeles, cho biết đó là nhà văn Trần Việt Hải. Hè năm 2005, tôi ra tờ Cali Weekly, mời người bạn thân Nguyễn Ngọc Chấn làm chủ bút, và ngỏ ý với Việt Hải làm tổng thư ký, anh vui vẻ nhận lời. Năm 2008, tôi phục trách Section B của nhật báo Saigon Nhỏ, mỗi ngảy với chủ đề riêng, Thứ Bảy là Văn Học Nghệ Thuật, tôi cần bài gì và Việt Hải gợi ý cho tôi viết bài gì đều đáp ứng suốt 7 năm.
"Những gì chúng ta đã trải qua, và những gì chúng ta sẽ phải đối diện, đều là những vấn đề nhỏ nhặt so với những gì nội tại trong chính con người của chúng ta." – Ralph Waldo Emerson.
Giới thiệu sách với tôi là giới thiệu cảm hứng sáng tác văn học của chính tác giả. Có thể là một đề tài mang tính triết học văn chương rộng rãi, hay một điều nào đó nặng tính cảm xúc như buồn vui đời thường mà bất kỳ ai cần bạn bè, người thân chung quanh chia sẻ. Nói như thế có nghĩa tôi muốn đơn giản hóa một vấn đề lớn lao mà có thể phải mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu.
Đọc Trịnh Y Thư là đọc một nghệ thuật viết tiểu thuyết vừa siêu hình vừa hiện thực. Nó thực thực hư hư đầy bất ngờ ở những bước ngoặt tình tiết. Độc giả thoạt thấy câu chuyện là như vầy, nhưng đoạn sau nó lại mở ra một cảnh mới, nhân vật cũ mà cảnh thì khác. Lối sắp xếp câu chuyện, dàn cảnh như trong phim trường. Tác giả dẫn dắt khán giả như đang xem một cuốn phim mà nhà đạo diễn đổi cảnh quay, đổi đề tài, đổi tâm tính mà vẫn luôn giữ khán giả ở lại với nhân vật của truyện, của con người Việt Nam trong suốt ba cuộc bể dâu...
“ VÀ EM, LỄ KHẤN DÒNG” ( VE,LKD) là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Đình Bảng, sau 23 tác phẩm đã xuất bản gồm các sách Giảng văn, Giáo trình sách giáo khoa, Thơ, Văn, Bút ký... xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Sách dày 110 trang gồm 63 bài thơ và lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, do nhà Xuất bản Tuổi Hoa Publishing, Hoa Kỳ ấn hành tháng 8 năm 2024, với tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Hà và ký họa chân dung tác giả của họa sĩ Chóe.
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024. Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.
Sách mới "Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ" của Nguyễn Viện, do NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành, 2024. Gồm 2 truyện kịch: VÀ, HẮN ĐÃ ĐẾN & Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Ở phía đông âm phủ” độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam… Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc. Nhà nghiên cứu lý luận Ngu Yên đúc kết: Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.