Hôm nay,  

Đọc hồi kí "Sống và Viết ở Hải Ngoại" của Nguyễn Hưng Quốc

16/08/202212:29:00(Xem: 1606)

 

 

Song va Viet

 

***

 

Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học xuất sắc ở hải ngoại. Mới đây, anh cho xuất bản cuốn hồi kí nhan đề "Sống và Viết ở Hải Ngoại" với nhiều 'tiết lộ' mang tính chứng từ của một thời, kể cả tiết lộ về chuyện anh không được về Viêt Nam. Cái note này muốn giới thiệu cuốn hồi kí đến các bạn.

 

Nguyễn Hưng Quốc (tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn) được biết đến như là một nhà phê bình văn học ở hải ngoại. Vào cuối thập niên 1980s, Nguyễn Hưng Quốc xuất hiện trên văn đàn hải ngoại một cách sáng chói vì anh đem lại một luồng gió mới trong phê bình văn học. Những ai đã chán với cách phê bình văn học theo cảm tính về một tác phẩm, nhiều sáo ngữ về bối cảnh, và  nghiêng về những câu chuyện cá nhân tác giả, đột nhiên tìm thấy một cách phê bình văn học mới mẻ, có phương pháp luận rõ ràng, có khoa học tính, và có khi cả định lượng. Trước đây, đã có một nhà phê bình nổi tiếng là Đặng Tiến ở Pháp, nay chúng ta có thêm một Nguyễn Hưng Quốc. Nhà văn Võ Phiến cho rằng "Người xứ An Nam ta chưa có nhà lí luận văn học nào mà viết đẹp như Nguyễn Ngọc Tuấn. Nhiều đoạn đọc mà mê." Quả đúng như vậy.

 

Nhưng trong thế giới khoa bảng, Nguyễn Ngọc Tuấn còn là một nhà nghiên cứu và giảng viên môn Việt Học tại Đại học Victoria (Úc) và có nhiều đóng góp đáng kể cho việc duy trì môn Việt Học ở Úc. Anh từng được Hội đồng Nghiên Cứu Khoa học Úc (ARC: Australian Research Council) cấp tài trợ cho nghiên cứu về tiếng Việt và văn học Việt. Cần nói thêm rằng ARC chỉ tài trợ cho những nhà nghiên cứu có hạng và có tiềm năng. Sự thành công trong việc được ARC tài trợ là một minh chứng về khả năng học thuật của Nguyễn Hưng Quốc.

 

Cho đến nay, Nguyễn Hưng Quốc đã xuất bản khoảng 20 cuốn sách, kể cả sách tiếng Anh. Có thể nói cuốn nào của anh ấy tôi đều đọc và rất thích. Những cuốn mà tôi rất tâm đắc (như Thơ, v.v… và v.v…, Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản), và từng có bài giới thiệu (như Sống với chữ). Theo tôi biết cuốn "Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản" -- tuy cái tựa đề mang tính 'dữ dội' nhưng thật ra là một tổng quan rất công phu và tuyệt vời -- được các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học trong nước rất thích.

 

Nhưng đằng sau những thành tựu đó là một hành trình gian nan của người tị nạn, một con người yêu quê hương và đầy trăn trở. Những đoạn đường sự nghiệp và trăn trở đó được tác giả chắt chiu thành một cuốn hồi kí "Sống và Viết ở Hải Ngoại". Tác giả viết về con đường vào văn học mà tác giả gọi là "lộc văn", dạy học, những bạn văn, chuyện bị cấm nhập cảnh Việt Nam, và kết thúc bằng chương viết về "vấn đề bản sắc  của người cầm bút lưu vong." Chương nào cũng cuồn cuộn thông tin được chuyển tải bằng một văn phong sắc bén và gãy gọn.

 

Lộc văn

 

Nguyễn Hưng Quốc là một bút danh, và chữ 'Hưng Quốc' đã từng làm cho nhiều người lầm tưởng là tác giả có một chủ trương chánh trị, nhưng không phải. Thật ra, Nguyễn Hưng là một dòng họ ở Quảng Nam, còn "Quốc" thì chỉ là một ý nghĩ tình cờ này sinh khi còn ở Pháp. Nguyễn Ngọc Tuấn, sanh ra và lớn lên ở Quảng Nam, quê hương của những nhân vật lịch sử như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Phân Châu Trinh, v.v.  

 

Nguyễn Hưng Quốc cho biết anh có "lộc văn" đầu đời từ quãng thời gian theo học đại học ở Sài Gòn. Tốt nghiệp từ Đại học Sư phạm TPHCM vào cuối thập niên 1970s với hạng xuất sắc qua một bài luận văn về tư tưởng yêu nước, và được Gs Lê Trí Viễn ưu ái cho ở lại đại học làm cán bộ giảng dạy.  

 

Nhưng thập niên 1970s, 1980s là thời của chủ nghĩa lí lịch, mà theo đó những người có liên quan với chế độ VNCH không thể tiến thân, thậm chí không thể vào học đại học. Do đó, nhiều người đã chọn con đường vượt biên. Gs Mai Quốc Liên từng khuyên chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Tuấn rằng "Cậu ráng tìm đường đi vượt biên đi. Với lí lịch cậu bây giờ, chế độ này sẽ không sử dụng cậu đâu. Như vậy thì phí tài của cậu".  Có lẽ nghe theo lời khuyên đó, Nguyễn Hưng Quốc đã tìm đường vượt biên.

 

Giữa tháng 6 năm 1985, anh đến Pulau Laut, Nam Dương. Anh được Pháp nhận cho đi định cư, và tháng 11/1985 thì anh tới Pháp bắt đầu hành trình của một người tị nạn. Ở Pháp, sau một thời gian làm phụ bếp (giống tôi), anh lại hưởng một lộc văn khác: làm việc cho tạp chí Quê Mẹ của Thi Vũ Võ Văn Ái. Khi đã ổn định cuộc sống một chút, cũng nhờ "lộc văn" mà anh đã thành công trong việc bảo lãnh vợ con từ Việt Nam sang Pháp định cư.

 

Lộc văn của anh ấy còn tiếp tục khi sang Úc. Qua sự bảo trợ Ts Nguyễn Xuân Thu, lúc đó là một giảng viên Việt học ở Úc, Nguyễn Hưng Quốc được sang Úc định cư vào đầu năm 1991. Ở Úc, cũng nhờ tài viết văn và những cuốn sách phê bình văn học anh viết ở Pháp, nên được nhận vào vừa giảng dạy tiếng Việt vừa theo học tiến sĩ mà không qua chương trình cao học (masters).

 

Trong sách, Nguyễn Hưng Quốc tiết lộ một thông tin thú vị là vào năm 1992, tổ chức của Hoàng Cơ Minh từng quyết định trao giải thưởng cho anh, nhưng anh từ chối vì không muốn dính dáng vào các tổ chức chánh trị.

 

Phê bình văn học

 

Nguyễn Hưng Quốc bắt đầu viết về văn học trong thời gian làm việc cho tạp chí Quê Mẹ ở Pháp. Những bài viết đó sau này được tập hợp và in thành một cuốn sách "Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam" gây tiếng vang. Nhà văn Mai Thảo từng nhận xét rằng: "Bình luận về thơ ở ngoài nước hiện giờ chúng ta có một tài viết thông minh và xuất sắc: đó là Nguyễn Hưng Quốc".

 

Tại sao Mai Thảo viết như vậy? Tại vì Nguyễn Hưng Quốc đem lại một cách phê bình mới mang tính khoa học hơn trước đây. Trước đây, Nguyễn Hưng Quốc phát hiện rằng văn học Việt Nam thường được nhận xét qua 3 hình thức: (i) phê bình một tác giả; (ii) phê bình một tác phẩm; và (iii) tổng kết một giai đoạn. Đọc những bài phê bình như thế thì thấy văn chương bay bổng, nhưng hình như nội dung thì có vẻ 'định tính', chủ quan. Đào sâu thêm quá trình hình thành văn học Việt Nam, Nguyễn Hưng Quốc nhận ra 5 đặc điểm nổi bật:

 

  • tính chất truyền khẩu;
  • tính chất thực dụng;
  • tính chất phản trí thức;
  • tính chất nghiệp dư; và
  • tính chất thuộc địa.

 

Những nhận định trên được đúc kết trong tác phẩm "Văn học Việt Nam từ điểm h(ậu h)iện đại". Cuốn sách này gây ra vài tranh cãi vì những cái nhìn mới mẻ mà những người bảo thủ hay những người thiên về 'nguyên trạng' khó có thể cảm nhận được.

 

Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học có khả năng khuấy động không khí văn học ở hải ngoại và không ngại xông vào những trận bút chiến.  Một trong những 'ồn ào' mà tôi từng theo dõi và thích thú là những tranh luận chung quanh bài thơ Con Cóc. Ai trong chúng ta cũng biết đó là một bài thơ dở, dở đến độ thầy cô hay lấy bài thơ ra để minh hoạ cho cái dở. Thế nhưng chỉ có Nguyễn Hưng Quốc lí luận rằng đó là một bài thơ hay! Mà, lí luận dễ hiểu chứ chẳng có gì quá siêu hình và trừu tượng. Bài viết của Nguyễn Hưng Quốc làm cho một số nhà phê bình trong nước như Đỗ Minh Tuấn và Đinh Bá Anh, cùng các cây viết ở hải ngoại như Đặng Tiến, Phạm Thị Hoài, Bùi Vĩnh Phúc, và Thuỵ Khuê tham gia tranh luận.

 

Bạn văn

 

Trong chương viết về bạn văn, bạn đọc sẽ được dịp biết qua các nhà văn nổi tiếng ở trong nước và hải ngoại. Tác giả thuật lại những kỉ niệm nho nhỏ với các 'văn nhân' trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên (người mà anh xem là thân nhứt), v.v. Có chuyện vui vui là khi Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ tặng tác giả, ông chỉ ghi là "tặng Nguyễn Ngọc Tuấn" mà không dám dùng bút danh "Nguyễn Hưng Quốc"!

 

Ở hải ngoại, tác giả quen với những nhà văn nổi tiếng, trong đó có Võ Phiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo (chủ bút tạp chí Văn), và Nguyễn Mộng Giác (chủ bút tạp chí Văn học). Mai Thảo là một văn tài nhưng khi qua Mĩ ông sống một cuộc sống nghèo nàn và cô đơn. Tuy nghèo, nhưng Mai Thảo lại rất hào hiệp với bạn bè, và bạn văn của ông thì không khi nào thiếu. Và, trong căn phòng nhỏ mà ông ở đó cũng chính là 'văn phòng' của tạp chí Văn lừng danh một thời.  Đọc những trang viết về Mai Thảo tôi mới biết bút danh Mai Thảo đến từ đâu:

 

"Sở dĩ tôi lấy bút hiệu Mai thảo là vì hồi nhỏ, khi đi học, ở trong trường, tôi có một thằng bạn làm thơ với bút hiệu Mai Luân. Thơ cũng vừa thôi, nhưng hồi đó, chẳng hiểu tại sao, tôi mê thơ hắn lạ lùng. Coi hắn như thần tượng. Nên mới đặt cho mình bút hiệu Mai Thảo. Cùng là Mai cả. Mai Luân. Mai Thảo. Năm đó, tôi khoảng mười lăm tuổi".

 

Võ Phiến là một văn tài mà Nguyễn Hưng Quốc rất ngưỡng mộ. Anh ấy viết đến 2 cuốn sách về Võ Phiến (Võ Phiến, Nxb Văn Nghệ 1996; Thư Võ Phiến, Người Việt 2015). Võ Phiến là người từng theo Việt Minh nhưng sau này 'dinh tê', rồi trở thành một nhà văn lừng danh ở miền Nam. Nhưng chẳng hiểu sao sau 1975 nhà cầm quyền mới xem Võ Phiến là một 'biệt kích văn nghệ'. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhà cầm quyền trong nước cho in lại một số tác phẩm của ông. Trong một lần gặp Võ Phiến ở California (lúc đó ông đã cao tuổi), ông hỏi Nguyễn Hưng Quốc:

 

"Anh nghĩ bây giờ ở trong nước người ta có đọc tôi không, hả anh?"

 

Nguyễn Hưng Quốc đáp: "Có chứ. Một cuốn sách của bác mới được in lại ở trong nước, được nhiều người đọc là khen lắm".

 

Ông tặc lưỡi "Lạ nhỉ! Không ngờ người ta lại cho in lại sách của tôi."

 

Cấm nhập cảnh Việt Nam

 

Bấy lâu nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đồn đại rằng Nguyễn Hưng Quốc không được nhà cầm quyền cho nhập cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết được câu chuyện đằng sau là như thế nào. Hai chương cuối của cuốn sách này là một tường thuật về diễn biến của sự việc.

 

Ngày 19/11/2005, Nguyễn Hưng Quốc dẫn một nhóm sinh viên của Đại học Victoria (Úc) về Việt Nam để làm một chuyến du khảo (study tour). Các sinh viên thì được nhập cảnh, nhưng riêng Nguyễn Hưng Quốc thì gặp trở ngại. Anh được một viên chức an ninh dẫn vào phòng chờ và được thông báo là Nhà nước Việt Nam không chào đón anh tới Việt Nam. Xin trích đoạn đối thoại giữa viên công an ở phi trường Tân Sơn Nhứt và Nguyễn Hưng Quốc:

 

"'Anh tên Nguyễn Ngọc Tuấn hay Nguyễn Tuấn Ngọc?'

 

'Nguyễn Ngọc Tuấn.'

 

'Anh sinh ở đâu?'

 

'Quảng Nam.'

 

'Anh dạy đại học ở Úc, phải không?'

 

'Vâng.'

 

'Anh đến Việt Nam có chuyện gì không?'

 

'Tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam tham quan và học tiếng Việt.'

 

'Đoàn sinh viên Úc có bao nhiêu người?'

 

'14 người, nhưng ở đây với tôi chỉ có 11 người. Một người đã đến Hà Nội và hai người sẽ bay từ Bangkok đến Hà Nội tối nay.'

 

'Xin anh chờ một lát.'

 

[...]

 

'Tôi xin thông báo với anh biết là chúng tôi được lệnh không cho anh nhập cảnh vào Việt Nam.'

 

Tôi sửng sốt: 'Cái gì? Tôi không được vào Việt Nam?'

 

'Nhưng tại sao tôi không được nhập cảnh vào Việt Nam?'

 

'Tôi không được biết. Tôi chỉ làm theo lệnh từ Bộ Công An'.

 

'Nhưng ít ra Bộ Công An phải cho biết lí do chứ.'

 

'Chúng tôi không được quyền biết. Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành'."

 

(Hết trích).

 

Bốn năm sau (2009), Nguyễn Hưng Quốc được Đại sứ quán Việt Nam tại Úc cấp visa để anh về Việt Nam tham dự một hội nghị về văn học ở Hà Nội. Với visa, anh ấy lại lên đường đi Việt Nam, và nghĩ lần này thì chắc sẽ hanh thông. Nhưng anh đã sai, vì lần này anh lại gặp trở ngại tại phi trường Nội Bài. Xin trích lời tác giả mô tả:

 

"[...] 'Chuyện gì xảy ra cho việc nhập cảnh của tôi?' Lê Thao [nhân viên hãng hàng không Thai Airways] đáp: 'Em là đại diện của hãng hàng không Thái Lan. Em được công an cho biết là phải lo vé cho anh trở lại Bangkok.'

 

Tôi ngạc nhiên 'Nhưng tôi có visa vào Việt Nam mà.' Lúc ấy một trong 4-5 tên công an đứng chung quanh mới lên tiếng: 'Nhưng nhà nước Việt Nam không hoan nghênh anh vào Việt Nam.'

 

Tôi lặp lại câu vừa rồi: 'Nhưng tôi đã được toà đại sứ Việt Nam tại Úc cấp visa nhập cảnh Việt Nam rồi mà.' Viên công an ấy lại đáp: 'Nhưng nhà nước Việt Nam không hoan nghênh anh vào Việt Nam.'

 

Tôi ngạc nhiên thật sự: 'Nếu vậy sao Toà đại sứ Việt Nam tại Úc lại cấp visa cho tôi?' Viên công an ấy đáp: 'Chuyện ấy thì anh về hỏi lại Toà đại sứ ở Úc'."

 

Kể từ đó đến nay (2022) đã 13 năm, Nguyễn Hưng Quốc không về lại Việt Nam. Và, có lẽ anh cũng không có dự tính về quê nhà, và anh là một cây bút lưu vong thật sự.

 

Không được về Việt Nam, nhưng tác giả lúc nào cũng trăn trở về quê hương và quan tâm đến những diễn biến thời cuộc ở trong nước. Anh tự xem mình là một nhà văn lưu vong và cô đơn. Anh nhận định rằng những cây viết như anh ở nước ngoài chỉ là những 'người đứng bên lề' đối với những sinh hoạt văn học ở trong nước, và anh đi đến kết luận "Không có ai cô đơn cho bằng nhà văn lưu vong."

 

Tuy nhiên, Nguyễn Hưng Quốc vẫn cầm bút, vẫn viết bằng tiếng Việt, và vẫn giãi bày những nỗi niềm của mình trước những biến động của thời cuộc:

 

"Phần tôi, mặc dù sống ở ngoại quốc đã gần 40 năm, vẫn chủ yếu viết bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là quê hương của tôi. Các thứ tiếng khác chỉ là những cõi lưu đày, ở đó, tôi không có quá khứ, cũng không có họ hàng. Tiếng Việt còn là thân thể của tôi. Khác với tất cả các ngôn ngữ khác mà tôi biết, cảm xúc của tôi đối với tiếng Việt, và chỉ với tiếng Việt, là những cảm giác mang tính vật lý, thậm chí, nhục thể để tôi có thể run lên với chữ, phập phồng thở với từng thanh bằng thanh trắc. Viết tiếng Việt, với tôi, là tham gia vào một cuộc giao hoan. Lặng lẽ và cô độc."

 

_____

 

TB: Sống và Viết ở Hải Ngoại, do Lotus Media xuất bản 2022, phát hành toàn cầu trên Amazon.com

 

https://www.amazon.com/S%E1%BB%90ng-Vi%E1%BA%BEt-H%E1%BA%A2i-Ngo%E1%BA%A0i-Vietnamese/dp/108805076X/ref=sr_1_20?crid=DM8DMJQSNTKO&keywords=nguyen+hung+quoc&qid=1660371479&s=books&sprefix=nguyen+hung+quoc%2Caps%2C366&sr=1-20

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tóm lại, A History of the Vietnamese là một cuốn sách rất công phu, chi tiết về lịch sử Việt Nam, chú trọng về văn hóa và xã hội, do một Giáo sư Sử học và Việt học người Mỹ từng huấn luyện nhiều sử gia Mỹ về chuyên ngành Việt Nam. Người quen đọc (hay học) sử tiếng Việt theo truyền thống chủ nghĩa dân tộc, hay người từng dùng chủ nghĩa dân tộc như một khí cụ chính trị có thể không đồng ý về một số kết luận, ví dụ về nguồn gốc tiếng Việt hiện đại hay về sự hiện hữu hay không của một "quốc hồn, quốc tính" Việt Nam. Tuy nhiên, đọc một cuốn sử dùng các sử liệu mới nhất và phân tích theo chiều hướng khoa học sử và chính trị hiện đại, người viết bài này cảm thấy biết ơn một nhà học giả ngoại quốc đã đem bao nhiêu thời giờ và tâm huyết để tạo nên một công trình đồ sộ như vậy, chưa từng có trong Anh văn. Ước mong một bản dịch tiếng Việt với đối chiếu các danh từ Anh-Việt và Hán sẽ xuất hiện một ngày nào đó không xa.
Trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, các máy bay trực thăng Mỹ đã bay lên bầu trời Sai Gòn và tìm các đường đến các tàu ở Biển Đông (được những người bên ngoài Việt Nam gọi là Biển Hoa Nam). Chiếc máy bay mà người Việt gọi là "con chuồn chuồn", đã xé nát các gia đình nhưng cũng ràng buộc Mỹ và Việt Nam với nhau.
Chiến tranh ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều giống nhau, nó như những hạt giống gieo trên mặt đất, nhưng điều khác biệt là hạt giống nẩy mầm và nuôi sống loài người, còn bom đạn gieo xuống tàn phá và giết chết loài người, hay để lại những hố sâu trên mặt đất và những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng vết thương không lành là những vết thương đau nhất và cũng "đẹp nhất." -- Trần Mộng Tú.
Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, dày 280 trang, gồm các bài viết: Đẹp & Xấu, Thời Gian Hiện Tượng & Sự Tái Diễn, Từ Chối, Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng LĐ 258 TQLC, Chiến Thắng Phượng Hoàng, Ảnh Hưởng Của Lời Nói, Nói Chuyện Anh Hùng, Tôi & Ý Trời, Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim, Cách Suy Nghĩ Của Một Người Công Chức, Lương Tâm & Lòng Tận Tụy, Bằng Trời Bằng Bể, Yêu & Rất Yêu, Đang Ở Nơi Khác, Đắc Thế Thất Thế & Tư Cách…
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão...
Tôi rất phục những người viết sách, in sách, nhất là những nhà văn định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi rất cảm phục tác giả đã chịu khó viết văn. Khi tôi cầm quyển sách "Thiền Tập Với Pháp Ấn" của Cư sĩ, nhà văn Nguyên Giác, nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, Tâm Diệu, một Phật tử đã học ở Cal State Fullerton, trình bày, điều đầu tiên tôi tự nhủ: hình bìa đẹp quá, màu sắc nổi bật, Phật đang ngồi thiền trên tòa sen...
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi / thấy tâm tịch lặng không người, không ta / ai hỏi thì nhấc cành hoa / thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …” (bài thơ “Như nắng tà huy” của Cư sĩ Nguyên Giác viết tặng “quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và pháp huynh HT Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng,”)
"Các bài viết nơi đây hầu hết là trích từ Kinh Phật, ghi lại trong nỗ lực hoằng pháp để rủ nhau tu học. Người viết không bao giờ tự nhận là giáo sư, giảng sư, thầy dạy hay bậc đàn anh trong đạo.Trong khi những chữ này được gõ lên nơi đây, chỉ là do duyên mà hiện lên. Người viết luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ, cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong trong tinh thần như thế, trong khi trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước sang bờ bên kia." Đó là Lời Thưa của tác giả Nguyên Giác về cuốn Thiền Tập Với Pháp Ấn.
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác...
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.