Hôm nay,  

Kỷ Niệm Cộng Đồng Cùng Hoa Cỏ Bên Đường Kiều Mỹ Duyên

31/12/202123:09:00(Xem: 2172)

Điểm sách

hoa co ben duong hinh


Đọc xong 496 trang gồm 36 bài báo trong cuốn tuyển tập Kiều Mỹ Duyên- Hoa Cỏ Bên Đường, gợi lòng tôi bao kỷ niệm về những sinh hoạt cộng đồng Việt Nam mấy chục năm qua tại Hoa Kỳ và hải ngoại.

 

Kiều Mỹ Duyên là nữ phóng viên chiến trường của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, từng cộng tác các nhật báo ở Sài Gòn như Công Luận, Hòa Bình, Trắng Đen. Khi vượt biển sang Hoa Kỳ năm 1976, người nữ ký giả bước vào đại học Fullerton tiểu bang California, rồi trở ra với mảnh bằng cử nhân báo chí năm 1982 rồi tiếp tục tham gia các sinh hoạt cộng đồng Việt Nam với ngòi bút và tài năng phỏng vấn người và việc đưa lên truyền thanh truyền hình cho đồng hương khắp nơi thưởng thức. Công việc truyền thông đó vẫn tiếp tục cho đến nay.

 

Tiếng nói âm thanh trên Radio và các đoạn phim trên truyền hình có thể bay vào không gian vô tận nhưng những bài báo vẫn còn đây được in trong tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường.

 

Bản tính xông xáo, phán đoán mau lẹ và có những nhận xét độc đáo để trở thành một nữ phóng viên Kiều Mỹ Duyên chiến trường Việt Nam năm xưa và hôm nay vẫn tiếp nối tại California. Có thêm kiến thức từ đại học Mỹ, từ kinh nghiệm sống từng trải bao thăng trầm đất nước và tuổi đời đã bước sang bát tuần mà lòng còn nồng nàn với công việc truyền thông.

 

Kiều Mỹ Duyên nhà báo còn là một chuyên viên địa ốc, chủ tịch công ty Ana Real Estate, Ana Funding tại Quận Cam California. Công việc kinh doanh bận rộn nhưng sự yêu thích truyền thông không giảm. Mỗi ngày văn phòng tiếp đón nhiều khách ; trong số đó có khách hàng liên quan địa ốc tới gặp chuyên viên An Nguyễn mà cũng có văn nghệ sĩ, nhân sĩ cộng đồng tới thăm nhà báo Kiều Mỹ Duyên. Dung hòa giữa kinh doanh và văn nghệ thật là khó khăn mà Kiều Mỹ Duyên đã làm điều này thật trôi chảy êm ái; công ty vẫn phục vụ khách hàng mấy chục năm qua và mối giao tình với văn nghệ sĩ và nhân vật cộng đồng vẫn đầy hương vị.

 

Văn tức là người – những bài báo ký tên Kiều Mỹ Duyên trải rộng nhiều đề tài từ những lần tham dự các đại hội, phỏng vấn các nhân sĩ, lãnh đạo tinh thần như Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Hòa Thượng Thích Tâm Châu; những lần tham dự hội nghị nhân quyền ở Copenhagen, nước Đan Mạch ( năm 2002 ), Bên Lề Hội Nghị Những Tổ Chức Phi Chính Phủ Á-Âu ở Helsinki Phần Lan ( năm 2006 ), Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Kỳ 6 tại Mã Lai (năm 2008), Hội Nghị Diên Hồng (2003), Đại Hội Toàn Quân ( 2003 )… Bài báo viết về Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, trưởng ban tổ chức các kỳ đại nhạc hội Cám Ơn Anh giúp Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, viết về tiệm sách Tú Quỳnh đóng cửa- tiệm sách đầu tiên ở Thủ Đô Tị Nạn Little Saigon Quận Cam Nam Cali…

 

Đọc những bài báo Kiều Mỹ Duyên, người đã từng sinh hoạt cộng đồng nhớ lại những kỷ niệm cũ với một số nhân vật nay đã giã từ nhân thế và những người khác sẽ hiểu biết thêm về sinh hoạt cộng đồng. Đây là những tài liệu tham khảo cho thế hệ con cháu mai sau muốn biết, muốn viết sách về các sinh hoạt người Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản trên đất nước Hoa Kỳ sau biến cố lịch sử Tháng Tư năm 1975.

 

Văn phong Kiều Mỹ Duyên giản dị, ý tưởng hiện ra thì viết nhanh ra giấy, chuyện này liên tưởng đến chuyện kia, không gò bó trong khuôn khổ như một số phóng viên các báo khác phải tuân theo yêu cầu của tòa soạn để được trả nhuận bút; còn Kiều Mỹ Duyên thì viết theo cảm hứng, gởi cho các báo nếu họ thích thì đăng.

 

Ký giả Kiều Mỹ Duyên thường nhắc lại quan niệm viết báo của mình trong các bài báo rằng “… làm truyền thông vui lắm, được quen những người giỏi và nổi tiếng mà mình muốn quen. Làm truyền thông đi đến đâu cũng được đón tiếp ân cần, nhưng làm truyền thông phải công bình, người nào cũng có điểm tốt của họ. Nếu người nào nhìn được điều tốt của người khác thì đỡ phải gây thù chuốc oán. Có nhiều người bị phê phán quá sức uất ức rồi chết, cũng tội nghiệp cho người đó “ (trang 225).

 

Suy nghĩ lạc quan tích cực về cộng đồng Việt Nam và cuộc đời, nhìn điểm tốt của một con người và có tâm giúp đỡ người khốn khó thể hiện qua việc làm và ngòi bút của Kiều Mỹ Duyên, điều này bàng bạc trong các bài báo của tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường.

 

Viết về Mẹ của mình trong bài Tình Mẹ Tuyệt Vời (trang 336) có mấy dòng đáng nhớ: “ Mẹ tôi đi nhưng hình ảnh vẫn còn đây, vẫn còn ngồi trước bàn Phật tụng kinh mỗi buổi chiều , và tiếng reo vui của mẹ tôi khi tôi hỏi : – Má có đi chùa không? – Đi, để mẹ sửa soạn. Tiếng của mẹ tôi reo vui và rất hạnh phúc. Chỉ một câu thôi là mẹ tôi lập tức đi mặc áo dài , có lẽ cả ngày , cả tuần mẹ tôi chỉ chờ đợi có thế!”

 

Trong bài Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt (trang 223, 224) ký giả ghi rằng: “Tôi còn nhớ hôm đó là ngày chót chúng tôi thăm viếng trường thì Đề Đốc Lâm Quang Tánh mời chúng tôi dùng cơm với sinh viên. Sinh viên sĩ quan Trưởng Tràng nói : “Kính thưa Quý Nương, kính thưa Đề Đốc, thực đơn hôm nay gồm có… Câu chào “ Kính thưa Quý Nương “ của sinh viên Trưởng Tràng chúng tôi nhớ mãi đến bây giờ”.

 

Nhân chuyện này cũng xin nhắc rằng thời nay Việt Cộng cai trị đã làm cho xã hội Việt Nam không còn nét lịch sự tao nhã thời xưa. Thời đó khi cơ quan công quyền Việt Nam Cộng Hòa nhận đơn của một người dân và họ trả lời bằng văn bản với dòng chữ “Quý Đơn”, nói lên sự tôn trọng người dân.

 

Kiều Mỹ Duyên ăn chay trường mấy chục năm cho nên trong bài Những Bữa Cơm Đượm Tình Quê Hương Ở Phần Lan, kể rằng người quen mua 2 con vịt định làm thịt và tiết canh đãi khách nhưng tác giả đã năn nỉ chủ nhà không giết vịt và đồng ý sẽ đem nó về nhà quê cho họ để nuôi (trang 155).

 

Bài viết cuối sách là Lạc Quan, Yêu Đời, Yêu Người Mà Sống nói lên nhân sinh quan của nhà báo Kiều Mỹ Duyên: “Hạnh phúc giản dị lắm, tình yêu cũng giản dị lắm. Một cơn gió heo may thoáng qua, mình nghĩ đến một người nào đó cũng là tình yêu. Tình yêu thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim chó, cô thỏ trắng cưng với người thân, bà con láng giềng, bạn bè chung quanh. Nơi nào cũng có tình yêu. Tình yêu có sẵn trong tim của mỗi chúng ta, thì tại sao chúng ta không mỉm cười chứ?”

 

Quí vị muốn có tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường phát hành năm 2021, xin liên lạc tác giả email: kieumyduyen1@yahoo.com.

 

– Trần Củng Sơn

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
WESTMINSTER (VB) -- Nhà xuất bản Văn Học Press cho biết vừa ấn hành thi tập mới của Trầm Phục Khắc, nhan đề "Gã tình nhân & Vở kịch không dành cho sân khấu"...
Cư sĩ Nguyên Giác, tức nhà văn Phan Tấn Hải, cho biết trong hai ngày qua ông đã đích thân cầm một số ấn bản tới dâng cúng các bậc tu hành tôn quý tại Quận Cam
ra mắt vào ngày 8 tháng 3 năm 2020 tại Viện Việt Học Nam Cali. Lạ là vì đây là một tác phẩm mang hồn Việt đến từ Pháp Quốc! Tác phẩm mang tên cũng đặc biệt, gây tính tò mò cho độc giả: "Một lối đi riêng vào cõi thơ"!
thể hiện những ý nghĩa chua chát của tình đời bằng lối hành văn sáng sủa. Xin mời quí độc giả đọc văn họ Đào qua những đoản thiên phong phú, cũng là để suy gẫm về triết lý xã hội, thế sự nổi trôi thăng trầm của loài người.
Nguyễn Vy Khanh - Nhận định về 73 tác giả - gồm một số các tác-giả đã khởi đầu sự nghiệp thời miền Nam 1954-1975 và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ khi rời đất nước sau 30-4-1975
Tập thơ mới Ngôn Ngữ Xanh của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, xuất bản cuối năm 2019, đã được nhiều tác giả chú ý và viết lời bình phẩm. Việt Báo xin giới thiệu Ngôn Ngữ Xanh qua các trích đoạn dưới đây của ba tác giả: Tô Đăng Khoa, Vũ Hoàng Thư và Trịnh Y Thư.
Thơ mộng và đau đớn. Truyện Lưu Na hiển lộ một định mệnh của rất nhiều người... quê hương là hình ảnh không dứt bỏ được… đó là những dòng chữ lay động tận sâu các góc thương đau của những người con Sài Gòn – nơi tôi đã sinh ra và chia sẻ một phận chung của đất nước.
thơ thời kỳ này của thi sĩ Lê Giang Trần dễ làm chúng ta mất ngủ, với những thao thức về những đời thơ bay theo gió lộng ra biển. Có phải thơ chàng là để trôi theo biển gió? Hay là thơ cũng lấm bụi theo chân giang hồ
Nhân sinh nhật thứ 80 của nhà văn Nhã Ca năm 2019, Văn Học Press đã cộng tác với chị xuất bản cuốn tiểu thuyết nhan đề Phượng Hoàng, mà được biết là một cuốn sách đã bị lưu lạc suốt 50 năm.
Tên thật là Trần Tuấn Kiệt, còn ký bút hiệu Sa Giang. Ông sinh ngày 1/6/1939 lại Sa Đéc. Thuở bé sống tản cư ở Đồng Tháp Mười, mẹ mất lúc lên 8, cha bỏ đi giang hồ, ông sống với bà ngoại cho đến lớn. Có lần ông cưỡi trâu vượt sông Cửu Long từ Đồng Tháp Mười về Sa Đéc, bị lính Ma-rốc đánh nên rất thù bọn Ma-rốc. Ông bỏ lên Saigon sống lang bạt lúc 11 tuổi, học âm nhạc rồi bỏ dù đậu hạng Nhất về thổi sáo ở trường Quốc gia Âm nhạc. Về sau ông làm huấn luyện viên võ Thiếu Lâm môn phái Tây Sơn Nhạn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.