Hôm nay,  

Kỷ Niệm Cộng Đồng Cùng Hoa Cỏ Bên Đường Kiều Mỹ Duyên

31/12/202123:09:00(Xem: 2161)

Điểm sách

hoa co ben duong hinh


Đọc xong 496 trang gồm 36 bài báo trong cuốn tuyển tập Kiều Mỹ Duyên- Hoa Cỏ Bên Đường, gợi lòng tôi bao kỷ niệm về những sinh hoạt cộng đồng Việt Nam mấy chục năm qua tại Hoa Kỳ và hải ngoại.

 

Kiều Mỹ Duyên là nữ phóng viên chiến trường của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, từng cộng tác các nhật báo ở Sài Gòn như Công Luận, Hòa Bình, Trắng Đen. Khi vượt biển sang Hoa Kỳ năm 1976, người nữ ký giả bước vào đại học Fullerton tiểu bang California, rồi trở ra với mảnh bằng cử nhân báo chí năm 1982 rồi tiếp tục tham gia các sinh hoạt cộng đồng Việt Nam với ngòi bút và tài năng phỏng vấn người và việc đưa lên truyền thanh truyền hình cho đồng hương khắp nơi thưởng thức. Công việc truyền thông đó vẫn tiếp tục cho đến nay.

 

Tiếng nói âm thanh trên Radio và các đoạn phim trên truyền hình có thể bay vào không gian vô tận nhưng những bài báo vẫn còn đây được in trong tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường.

 

Bản tính xông xáo, phán đoán mau lẹ và có những nhận xét độc đáo để trở thành một nữ phóng viên Kiều Mỹ Duyên chiến trường Việt Nam năm xưa và hôm nay vẫn tiếp nối tại California. Có thêm kiến thức từ đại học Mỹ, từ kinh nghiệm sống từng trải bao thăng trầm đất nước và tuổi đời đã bước sang bát tuần mà lòng còn nồng nàn với công việc truyền thông.

 

Kiều Mỹ Duyên nhà báo còn là một chuyên viên địa ốc, chủ tịch công ty Ana Real Estate, Ana Funding tại Quận Cam California. Công việc kinh doanh bận rộn nhưng sự yêu thích truyền thông không giảm. Mỗi ngày văn phòng tiếp đón nhiều khách ; trong số đó có khách hàng liên quan địa ốc tới gặp chuyên viên An Nguyễn mà cũng có văn nghệ sĩ, nhân sĩ cộng đồng tới thăm nhà báo Kiều Mỹ Duyên. Dung hòa giữa kinh doanh và văn nghệ thật là khó khăn mà Kiều Mỹ Duyên đã làm điều này thật trôi chảy êm ái; công ty vẫn phục vụ khách hàng mấy chục năm qua và mối giao tình với văn nghệ sĩ và nhân vật cộng đồng vẫn đầy hương vị.

 

Văn tức là người – những bài báo ký tên Kiều Mỹ Duyên trải rộng nhiều đề tài từ những lần tham dự các đại hội, phỏng vấn các nhân sĩ, lãnh đạo tinh thần như Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Hòa Thượng Thích Tâm Châu; những lần tham dự hội nghị nhân quyền ở Copenhagen, nước Đan Mạch ( năm 2002 ), Bên Lề Hội Nghị Những Tổ Chức Phi Chính Phủ Á-Âu ở Helsinki Phần Lan ( năm 2006 ), Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Kỳ 6 tại Mã Lai (năm 2008), Hội Nghị Diên Hồng (2003), Đại Hội Toàn Quân ( 2003 )… Bài báo viết về Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, trưởng ban tổ chức các kỳ đại nhạc hội Cám Ơn Anh giúp Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, viết về tiệm sách Tú Quỳnh đóng cửa- tiệm sách đầu tiên ở Thủ Đô Tị Nạn Little Saigon Quận Cam Nam Cali…

 

Đọc những bài báo Kiều Mỹ Duyên, người đã từng sinh hoạt cộng đồng nhớ lại những kỷ niệm cũ với một số nhân vật nay đã giã từ nhân thế và những người khác sẽ hiểu biết thêm về sinh hoạt cộng đồng. Đây là những tài liệu tham khảo cho thế hệ con cháu mai sau muốn biết, muốn viết sách về các sinh hoạt người Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản trên đất nước Hoa Kỳ sau biến cố lịch sử Tháng Tư năm 1975.

 

Văn phong Kiều Mỹ Duyên giản dị, ý tưởng hiện ra thì viết nhanh ra giấy, chuyện này liên tưởng đến chuyện kia, không gò bó trong khuôn khổ như một số phóng viên các báo khác phải tuân theo yêu cầu của tòa soạn để được trả nhuận bút; còn Kiều Mỹ Duyên thì viết theo cảm hứng, gởi cho các báo nếu họ thích thì đăng.

 

Ký giả Kiều Mỹ Duyên thường nhắc lại quan niệm viết báo của mình trong các bài báo rằng “… làm truyền thông vui lắm, được quen những người giỏi và nổi tiếng mà mình muốn quen. Làm truyền thông đi đến đâu cũng được đón tiếp ân cần, nhưng làm truyền thông phải công bình, người nào cũng có điểm tốt của họ. Nếu người nào nhìn được điều tốt của người khác thì đỡ phải gây thù chuốc oán. Có nhiều người bị phê phán quá sức uất ức rồi chết, cũng tội nghiệp cho người đó “ (trang 225).

 

Suy nghĩ lạc quan tích cực về cộng đồng Việt Nam và cuộc đời, nhìn điểm tốt của một con người và có tâm giúp đỡ người khốn khó thể hiện qua việc làm và ngòi bút của Kiều Mỹ Duyên, điều này bàng bạc trong các bài báo của tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường.

 

Viết về Mẹ của mình trong bài Tình Mẹ Tuyệt Vời (trang 336) có mấy dòng đáng nhớ: “ Mẹ tôi đi nhưng hình ảnh vẫn còn đây, vẫn còn ngồi trước bàn Phật tụng kinh mỗi buổi chiều , và tiếng reo vui của mẹ tôi khi tôi hỏi : – Má có đi chùa không? – Đi, để mẹ sửa soạn. Tiếng của mẹ tôi reo vui và rất hạnh phúc. Chỉ một câu thôi là mẹ tôi lập tức đi mặc áo dài , có lẽ cả ngày , cả tuần mẹ tôi chỉ chờ đợi có thế!”

 

Trong bài Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt (trang 223, 224) ký giả ghi rằng: “Tôi còn nhớ hôm đó là ngày chót chúng tôi thăm viếng trường thì Đề Đốc Lâm Quang Tánh mời chúng tôi dùng cơm với sinh viên. Sinh viên sĩ quan Trưởng Tràng nói : “Kính thưa Quý Nương, kính thưa Đề Đốc, thực đơn hôm nay gồm có… Câu chào “ Kính thưa Quý Nương “ của sinh viên Trưởng Tràng chúng tôi nhớ mãi đến bây giờ”.

 

Nhân chuyện này cũng xin nhắc rằng thời nay Việt Cộng cai trị đã làm cho xã hội Việt Nam không còn nét lịch sự tao nhã thời xưa. Thời đó khi cơ quan công quyền Việt Nam Cộng Hòa nhận đơn của một người dân và họ trả lời bằng văn bản với dòng chữ “Quý Đơn”, nói lên sự tôn trọng người dân.

 

Kiều Mỹ Duyên ăn chay trường mấy chục năm cho nên trong bài Những Bữa Cơm Đượm Tình Quê Hương Ở Phần Lan, kể rằng người quen mua 2 con vịt định làm thịt và tiết canh đãi khách nhưng tác giả đã năn nỉ chủ nhà không giết vịt và đồng ý sẽ đem nó về nhà quê cho họ để nuôi (trang 155).

 

Bài viết cuối sách là Lạc Quan, Yêu Đời, Yêu Người Mà Sống nói lên nhân sinh quan của nhà báo Kiều Mỹ Duyên: “Hạnh phúc giản dị lắm, tình yêu cũng giản dị lắm. Một cơn gió heo may thoáng qua, mình nghĩ đến một người nào đó cũng là tình yêu. Tình yêu thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim chó, cô thỏ trắng cưng với người thân, bà con láng giềng, bạn bè chung quanh. Nơi nào cũng có tình yêu. Tình yêu có sẵn trong tim của mỗi chúng ta, thì tại sao chúng ta không mỉm cười chứ?”

 

Quí vị muốn có tuyển tập Hoa Cỏ Bên Đường phát hành năm 2021, xin liên lạc tác giả email: kieumyduyen1@yahoo.com.

 

– Trần Củng Sơn

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Chân dung” do Ngô Thế Vinh vẽ ra không giống các chân dung của các tác giả khác. Đặc biệt là với các cây viết đã khuất núi, anh phân tích chi tiết căn bệnh đưa tới sự ra đi của các bạn này. Như bệnh ung thư cột sống sarcoma của Nguyễn Xuân Hoàng, ung thư gan của Nguyễn Mộng Giác, ung thư mắt của Cao Xuân Huy, ung thư tụy tạng của Nghiêu Đề, ung thư tuyến tiền liệt của Đinh Cường. Những chi tiết này sẽ là những tài liệu quý báu cho văn học sử sau này.
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy. Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào...
Alexander Solzhenitsyn sau 8 năm lao tù (1945-1953) trong chế độ Cộng Sản Liên Xô đã ghi lại hình ảnh kinh hoàng, đau thương đó trong các tác phẩm The First Circle (Tầng Đầu Địa Ngục), One Day in The Life of Ivan Denitsovich (Một Ngày Trong Đời Của Ivan Denitsovich), Khu Ung Thư (Cancer Ward), Tầng Đầu Địa Ngục (The First Circle), Quần Đảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)… Những tác phẩm này đã được dịch sang Việt ngữ, ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn...
Hồi ký "Người muôn năm cũ" của nhà văn Phạm Gia Đại dày trên 500 trang gồm có 17 chương, mỗi chương với vẻ riêng, đặc sắc của từng chương. Cuốn sách đưa chúng ta trở về những năm tháng tươi đẹp đầy kỷ niệm thương yêu của Sài Gòn, của miền Nam và những ký ức đau buồn sau ngày mất miền Nam, và những năm tháng sống trở lại với cuộc đời mới trên miền đất tạm dung...
Tuyển tập Những Mẩu Chuyện Đời của Đào Ngọc Phong là những dòng chữ phần lớn rất buồn, kể lại chuyện đời của anh, chuyện đời của những người anh gặp trong đời từ Việt Nam cho tới xứ người, chuyện của những người trong thế hệ của anh bị cuốn vào cuộc chiến phân đôi, chuyện của những người xa xứ đang ra sức mưu sinh, và chuyện vui buồn của một kiếp người. Chuyện rất buồn xen lẫn với chuyện rất vui. Và hầu hết là giữa những dòng chữ vẫn có các niềm vui có hậu.
Chủ Nhật (2PM-5PM), 24 tháng 3 năm 2024, GS Trần Gia Phụng từ Canada sang thuyết trình “Những Học Thuyết Chính Trị Hoa Kỳ Về Chiến Tranh Việt Nam” tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St, Suite 222, thành phố Westminster và tham dự Giỗ Lễ Nhà Cách Mạng Phan Chu Trinh Lần Thứ 98 cùng ngày của Hội Ái Hữu Phan Chu Trinh Đà Nẵng (ông là giáo sư dạy sử của trường nầy)...
Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc vừa ấn hành tác phẩm “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” – nội dung là viết về Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Cuốn sách dày 440 trang, chữ nhỏ, gồm các nhận định của Bùi Vĩnh Phúc (BVP) về các nhà văn, nhà thơ đã nuôi lớn một thời tuổi trẻ của tôi. Họ là những cây đa bóng mát của tôi, không chỉ ngoài đời và trong văn học, mà cũng là cả trong các giấc mơ những ngày tôi còn ôm sách tới trường. Tôi đã nói với Bùi Vĩnh Phúc như thế, rằng những người này, trong sách của bạn, thiệt sự là cả một cánh đồng tuổi thơ của tôi. Và tôi nghĩ rằng không thể nào viết đầy đủ về các khuôn mặt văn học này.
Xưa nay, mọi cuốn tiểu thuyết đều được xây dựng quanh một chủ đề. Dù trừu tượng hay cụ thể, từ chủ đề “mẹ” rẽ ra những nhánh chủ đề “con” - tất cả bám chặt vào một (hay hơn một) nhân vật, đan xen giữa những tình tiết, nối thắt những mẩu chuyện, từ đó phần hồn cuốn tiểu thuyết xuất hiện, tồn tại giữa những trang giấy, hóa kiếp thành suy tư của người đọc.
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.