Hôm nay,  

Điểm Sách: Ngôn Ngữ Xanh

03/01/202000:00:00(Xem: 4362)


BIASACH_NNX_Scanned
Nhắc đến thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, Phan Tấn Hải đã viết: “Đó là những dòng thơ, có khi đọc tới, và rồi có những lúc tôi đứng bật dậy, trân trọng đọc đi, đọc lại từng chữ, từng dòng.

   Đó là những dòng thơ, từng chữ một, khi được đọc tới đã hiện ra như một thiếu nữ bước rời khỏi trang sách để len vào đời thường, và rồi các chữ còn lại trên giấy đã tự trở thành những ẩn ngữ thơ mộng.”

 

*

 

Bước vào Ngôn Ngữ Xanh, là cùng tư duy với Nguyễn Thị Khánh Minh, là cùng với Thi Ca xoay lại nhìn về Thi Ca, là “phản quan tự kỷ” làm “bật tung những ẩn giấu”. Nó đòi hỏi một “ánh mắt cời khêu”. Có thể trích ra đây một bài “Thơ về Thơ” tiêu biểu trong tập Ngôn Ngữ Xanh này. Đó là bài có tựa đề chỉ có một chữ Thơ.

 

Nơi không gian thơ

Có thời gian cho lời đọng lại

Thầm thì đi. Bước chân đi mãi

 

Nơi bóng mát thơ

Khoảnh khắc chữ cho lời rơi xuống

Nghe lắng nghe. Quán tự tại yêu thương

 

Nơi lửa thơ

Những con chữ nhóm lời cháy đỏ

Thắp mặt trời cho những giấc mơ

 

Nơi biển thơ

Những con chữ bung lời nắng dậy

Đó là ban mai mỗi ngày được thấy

 

Bật lên triều xanh của lời

Chắp lên đôi cánh của lời

Bay xa bay xa. Trái tim của một người trao gửi

 

Bài thơ ngắn nhưng hàm súc cả triết lý về “metapoetry” của Nguyễn Thị Khánh Minh. Một bài “Thơ về Thơ” thật bình dị, dễ hiểu, nhưng sâu thẳm và rốt ráo. Nó cần lắm một “ánh mắt cời khêu” để:

   Không gian, thời gian của Thi Ca được dàn ra vô biên vô tận cho những bước chân thầm thì đi mãi.

   Cho bóng mát Thi Ca rợp bóng Quán tự tại yêu thương.

   Cho lửa thơ thắp ánh mặt trời cho những giấc mơ.

 

   Cho biển thơ bung lời nắng dậy.

   Cho bay xa xa mãi, trái tim của một người trao gửi.

 

   Ở đâu một ánh mắt? Để có Ngôn Ngữ Xanh?

 

– Tô Đăng Khoa

 

 

Giữa mong manh và thường trú, kéo lôi của bóng đêm chận ngăn ngày sáng, tiếng lời trỗi dậy biếc xanh mùi gió, lựng ngây thơm mây. Khánh mở ngày với ngôn ngữ xanh rất xanh,

 

Trở mình lá trong tàn cây mọc cánh

Nắng từng bầy nhảy nhót ban mai

Chạm vào nhau. Vỡ òa ra. Những mảnh…

                  (Nhịp Ngày, Ngôn Ngữ Xanh)

 

… Và buổi sáng phiêu nhiên, cái gì đang trôi trong không gian, điệu nhạc? Không nghe âm, chỉ một ngất ngưởng chuyển mình, không nói ra, tôi đang trôi, tôi lờn vờn trong từng âm điệu.

 

 

Mở cửa

Dòng nhạc trôi ra ngoài. Ban mai dậy sóng

 

Nắng lụt tôi trong căn phòng nhỏ

Và tôi. Đang ngộp thở ban mai

Bạn cảm thấy sao khi vừa mở cửa

đã rơi ngay trước mặt mình tiếng chim hót

Và bạn sẽ làm gì với những nốt nhạc ấy?

          (Những Nốt Nhạc, Những Buổi Sáng)

 

Như thế, Nguyễn Thị Khánh Minh vẽ. Không bằng cọ và mầu. Khánh vẽ bằng mực và viết. Cơn lụt nắng nâng cô lên, ban mai bừng đè nặng nhà thơ xuống, Khánh nhìn ngang, ồ cánh cửa. Hãy tung cánh rộng cho sóng dậy vào lòng. Chỉ mấy câu thơ mà thu tóm không gian ba chiều, trên, dưới và ngang, hội tụ vào hình tượng thi ca.

   Cũng như thế Nguyễn Thị Khánh Minh hòa âm. Nhạc khúc không viết bằng ký hiệu nhạc nhưng bằng mặt chữ đời thường. Và như thế tôi nghe âm nhạc thoát thai từ bức tranh trong tiết điệu thơ. Thi ca. Tài tình là thế. Và bạn sẽ làm gì với những nốt nhạc ấy? Thi sĩ hỏi, có ai cất tiếng trả lời? Có lẽ không còn cần thiết.

 

….

Khoảng thời gian im lặng

Là không gian mình đánh mất

Nơi rơi xuống của lời

 

Thủy chung nào

Ngưng được thời gian

Không gian nào

Giữ những lời đi…

       (Đường Mật, Ngôn Ngữ Xanh)

 

 

Lời rơi xuống ở khoảng thời gian im lặng, cũng là khi ta mất chốn về, được phía này thì biển dâu giằng co phía ấy? Lựa chọn thành ngã ba trầm thống của đoạn trường. Thủy chung chết cứng dưới nhịp bước thời gian, phôi pha ước hẹn khi lời đã cất và bay đi, không gian rộng đến muôn phương nào giữ lại được. Như mây bay về vô xứ? Lời trở thành chiếc bóng? Như nhạn của Hương Hải? “Ngôn” vô di tích chi ý?

   Một liên tưởng không tránh khỏi khi đọc thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh và Dickinson. Tôi chẳng làm sự so sánh vì một sự so sánh như vậy vô nghĩa ở đây. Chữ nghĩa họ cuồn cuộn hồi sinh trở về trong nguyên ngữ tối hậu. “Đường mật” và “A word is dead” là chốn hội tụ anh thư tài tử, đề huề giao hưởng.

 

A word is dead

When it is said,

Some say.

I say it just

Begins to live

That day.

     (A Word Is Dead, Emily Dickinson)

 

Chữ chết đi

Khi vừa thốt,

Người bảo vậy.

Tôi cho rằng

Lời sống dậy

Lúc rời môi.

     (VHT phỏng dịch)

 

Tôi bắt gặp sự tương lân đồng điệu trong thơ của Khánh và Emily ở chỗ hai cô nương suốt cuộc bình sinh sống chết với Thơ, cật lực hít thở Thơ, chữ thơ ở đây phải được viết hoa cho đúng niềm trân trọng. Một trong những cách định nghĩa thơ của Khánh như thế này,

 

Thơ

Là dòng sông. Cho tôi trôi đi

Là tiếng khóc. Cho tôi rơi lệ

Là dấu mốc. Nhắc tôi trở về

 

Là bàn tay. Cho tôi nắm lấy

Nhưng thường khi. Nó là bóng đám mây bay

                                  (Thơ, Ngôn Ngữ Xanh)

 

Như vậy hội ngộ với Nàng Thơ quả là bất khả, như thể nhắn nhủ với nhân quần, này, tưởng là vậy mà không phải vậy. Cho đến khi ngươi chưa tan hòa trong tinh thể, đừng nghĩ sẽ nắm lấy được tay ta.

 

Trong mật của Nắng
Hoa hướng dương nở
Trong say men Thơ
Tôi đắm

Nắng và Thơ
Đường mật
Tôi và hoa hướng dương
Buông mình. Rơi. Và tan

    (Đường Mật, Ngôn Ngữ Xanh)

 

Thi ca như một vụ mùa, dù Khánh chỉ nhặt được “đôi ba hạt lúa chín”, chìm vào thơ tựa ngụp lặn ở dòng sông mát mẻ, cho dù “không mang về một hạt nước nào của nó”, cô còn giữ mãi “dư âm cái trườn mình của dòng chảy”  (Phút mong manh giữa những từ, tập thơ Ngôn Ngữ Xanh). Từ đó, thơ luồn phong ba dồn dập, thơ ghé bầu khí hậu bàng bạc cô đơn, thơ đưa người vào mơ. Để làm gì? Để mơ với mình thành một.

 

Em vào giấc mơ anh

        Nơi, em được là một giấc mơ…

                         (Tôi Đang Mơ)

 

… Tôi nghe niềm hy vọng xanh và lời thầm thì giữa đêm, thoại. Rất nhiều thoại. Độc thoại, giao thoại, đồng thoại với cái bóng của chính cô. Giữa đêm huyền tan chảy.

 

– Vũ Hoàng T

 

 

 

 

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh bao nhiêu năm rồi vẫn như thế, thi ngôn nền nã, sáng đẹp, thi tứ trữ tình, lãng mạn, đậm buồn, giàu thi ảnh, tràn đầy cảm xúc, và luôn luôn có những biến ảo lạ lùng trong ngôn ngữ khiến thơ như chắp cánh bay cao và bay xa trong những chiều kích khôn cùng.

   Nhan đề bài thơ là Phố Rất Xa. Hiển nhiên, nhà thơ muốn nói về miền đất quê hương của quá khứ, xa lắm rồi, bây giờ chỉ còn mơ hồ hiện về trong tâm tưởng những lúc ngồi cô độc nhìn mảnh trăng non vừa nhú. Thế nhưng suốt bài thơ, tôi không thấy Nguyễn Thị Khánh Minh nói gì về mảnh đất xa xôi ấy, tuyệt đối không, một dấu vết mờ nhạt cũng không thấy, mà chỉ là nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm của một tâm cảnh trong lúc nhìn trăng lên.

   A! Phải chăng đấy cũng là tâm cảnh cho một tứ thơ sầu vạn cổ, “Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương?” Nhưng câu chữ của Nguyễn Thị Khánh Minh ở bài thơ này đã làm người đọc tôi rụng rời để nghiệm ra cái tứ thơ sầu vạn cổ ấy ở bất cứ thời-không-gian nào cũng khiến con người có cơ hội sống thật với hiện thể và bản thể của hắn.

 

Tôi ngồi cong mảnh trăng non

 

Trời! Làm sao có thể cảm nhận được hiệu ứng của từ “cong” trong câu thơ? Như được phả bùa phép, cảm xúc từ câu thơ như được đẩy tới một biên vực mới. Tôi ngồi cong người nhìn trăng, hay trăng thượng huyền cong cong nhìn tôi? Có lẽ chẳng cần thiết phải biện biệt như thế, bởi cái nhị đối trở thành cái nhất nguyên và tôi đã tìm về cái tôi trong suốt.

   Thế rồi, cái hình tượng tôi-cong-trăng-cong ấy tan vỡ dưới thềm nhà biến thành những “miểng trăng im”.

 

Vỡ trên thềm những miểng trăng im

 

Từ một hình tượng tương đối bi sầu nhưng không mấy bi thảm, từ “miểng” của câu thơ trên đã khiến tâm cảnh biến đổi toàn diện. Chua xót. Đau đớn. Ánh trăng tan vỡ trên thềm biến thành những ký ức hãi hùng, những cảnh đời tưởng như chỉ có trong ác mộng!

   Lý Bạch ngày xưa “Ngửng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, Nguyễn Thị Khánh Minh ngày nay “Cúi xuống một hồn trôi ảo ảnh/ Kéo về đâu tôi bốn phía đêm”. Cách nhau hơn nghìn năm, nhưng hiện thể uyên nguyên là một. Xin cảm ơn, ở chân trời vẫn có người bay, và cảm ơn Khánh Minh.

 

– Trịnh Y Thư

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
THUYỀN là cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tác phẩm thuật lại chuyến vượt biên bằng đường biển của một nhóm người khi phong trào vượt biên trong nước lên cao, vào khoảng giữa hai thập niên 70s và 80s. Vì là tiểu thuyết nên cuốn sách thoát xác ra khỏi dạng hồi ký (mặc dù tự sự của nó bám sát sự thật và những điều có thể xem như sự thật) và nhất là nhờ được viết với bút pháp “dòng ý thức” nên nó đồng thời bật mở những suy nghiệm về lịch sử, chiến tranh, quê hương, tình yêu, sự sống, sự chết, sự tàn bạo, lòng nhân đạo, ký ức, lòng khao khát được sống, dòng chảy thời gian, cái nhẹ của nhân sinh, và nhiều thứ khác...
Tôi kinh ngạc khi thấy mình có thể sống trong rất nhiều thế giới trong một ngày. Bật máy vi tính lên, tìm các bản tin thế giới và quê nhà qua Google, chọn tin và dịch. Từ những xúc động có khi rơi nước mắt khi đọc tin về nỗi đau đớn của những người đang sống dưới mưa bom như Palestine, Ukraine, cho tới nỗi lo lắng khi thấy các bản tin về Biển Đông và đói kém ở quê nhà, cho tới những sân si trong thế giới quyền lực ở Hoa Kỳ... Thời gian nghỉ tay, đọc những dòng thơ nơi này hay nơi kia, từ khắp thế giới, là hạnh phúc đời thường của tôi. Trong đó, tôi thường theo dõi những dòng chữ của nhà thơ Thiện Trí, người cũng là một thiền sư đang dạy Thiền thực nghiệm ở Nam California. Có khi tôi mở bản sách giấy ra xem, và có khi vào Facebook tìm đọc "Monk Thiện Trí."
Cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư là một tác phẩm ám ảnh và đầy trăn trở, khiến tôi phải đọc đi đọc lại và phải suy ngẫm nhiều lần. Vì sao? Vì mỗi khi khép sách lại, tôi luôn có cảm tưởng dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó…
Tôi sẽ nói gì về Phiến Hạ khi mùa hè chưa tới? Khi biển đã rộn ràng khơi nồng trong gió? Tôi có thể gợi khêu gọi nắng lên nhân quần khi lạnh gây vẫn u ẩn không gian? Có lẽ tôi sẽ mơ một khắc giây hội tụ, khát vọng liền tâm. Những mối dây xoắn gút cột thắt linh hồn. Ôi tôi mong bức đứt, chặt phăng mắt xích trói ghì...
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Có những cách để tưởng niệm 50 năm ngày Miền Nam tự do sụp đổ. Trong khi những cuộc hội thảo, chiếu phim, nhạc hội... do cộng đồng tổ chức sôi nổi khắp những tuần lễ trong tháng 4/2025, nhà văn Phan Nhật Nam và dịch giả Kim Vu có một cách lặng lẽ hơn: Dịch giả Kim Vu trong tháng Tư 2025 đã ấn hành tác phẩm tiếng Anh “The Sound Of A Suffering Land” – tuyển tập bản dịch 8 truyện của nhà văn Phan Nhật Nam.
Thơ mộng, uyên bác, thấu suốt Phật lý... Những dòng thơ của Thầy Tuệ Sỹ hiện lên trang giấy như các dãy núi nơi những đỉnh cao ẩn hiện mơ hồ giữa các vầng mây. Do vậy, dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ qua tiếng Anh cũng là một công trình lớn, khi phải cân nhắc từng chữ một để giữ được cái thơ mộng, cái uyên bác, và cái nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường của một nhà sư thiên tài, độc đáo của dân tộc. Hai dịch giả Terry Lee và Phe X. Bạch đã làm được phần rất lớn trong việc giới thiệu thơ của Thầy Tuệ Sỹ cho các độc giả trong thế giới Anh ngữ.
Mặc dù chỉ mới ba năm trôi qua kể từ khi bà Merkel rời nhiệm sở, nhưng thế giới đã thay đổi quá nhiều đến mức mà chức thủ tướng của bà đã được cảm thấy như nó thuộc về một thời đại khác. Cuốn hồi ký mới của bà cho thấy bà bình tâm với những quyết định đã đưa ra, bao gồm cả những quyết định bị phê phán nghiêm khắc nhất.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Chu Sa đã tổ chức một buổi ra mắt hai tác phẩm trong vòng thân hữu tại tư gia của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần chiều Thứ Sáu 2/5/2025. Tập thơ nhan đề “Tình Không” -- ấn hành cuối đời, gom lại tất cả các bài thơ tình của nhà thơ trong đó có 36 bài thơ đã đăng trước 1975 trên các tuần báo Khởi Hành, Tuổi Ngọc và các tạp chí Văn, Vấn Đề... và nhiều bài thơ tình gần đây. Cuốn thứ nhì là hồi ức “Chuyện Làng Văn” về các mảng đời trước và sau 1975 của 50 văn nghệ sĩ mà tác giả có cơ duyên thân tình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.