Hôm nay,  

Điểm Sách: Ngôn Ngữ Xanh

03/01/202000:00:00(Xem: 2812)


BIASACH_NNX_Scanned
Nhắc đến thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, Phan Tấn Hải đã viết: “Đó là những dòng thơ, có khi đọc tới, và rồi có những lúc tôi đứng bật dậy, trân trọng đọc đi, đọc lại từng chữ, từng dòng.

   Đó là những dòng thơ, từng chữ một, khi được đọc tới đã hiện ra như một thiếu nữ bước rời khỏi trang sách để len vào đời thường, và rồi các chữ còn lại trên giấy đã tự trở thành những ẩn ngữ thơ mộng.”

 

*

 

Bước vào Ngôn Ngữ Xanh, là cùng tư duy với Nguyễn Thị Khánh Minh, là cùng với Thi Ca xoay lại nhìn về Thi Ca, là “phản quan tự kỷ” làm “bật tung những ẩn giấu”. Nó đòi hỏi một “ánh mắt cời khêu”. Có thể trích ra đây một bài “Thơ về Thơ” tiêu biểu trong tập Ngôn Ngữ Xanh này. Đó là bài có tựa đề chỉ có một chữ Thơ.

 

Nơi không gian thơ

Có thời gian cho lời đọng lại

Thầm thì đi. Bước chân đi mãi

 

Nơi bóng mát thơ

Khoảnh khắc chữ cho lời rơi xuống

Nghe lắng nghe. Quán tự tại yêu thương

 

Nơi lửa thơ

Những con chữ nhóm lời cháy đỏ

Thắp mặt trời cho những giấc mơ

 

Nơi biển thơ

Những con chữ bung lời nắng dậy

Đó là ban mai mỗi ngày được thấy

 

Bật lên triều xanh của lời

Chắp lên đôi cánh của lời

Bay xa bay xa. Trái tim của một người trao gửi

 

Bài thơ ngắn nhưng hàm súc cả triết lý về “metapoetry” của Nguyễn Thị Khánh Minh. Một bài “Thơ về Thơ” thật bình dị, dễ hiểu, nhưng sâu thẳm và rốt ráo. Nó cần lắm một “ánh mắt cời khêu” để:

   Không gian, thời gian của Thi Ca được dàn ra vô biên vô tận cho những bước chân thầm thì đi mãi.

   Cho bóng mát Thi Ca rợp bóng Quán tự tại yêu thương.

   Cho lửa thơ thắp ánh mặt trời cho những giấc mơ.

 

   Cho biển thơ bung lời nắng dậy.

   Cho bay xa xa mãi, trái tim của một người trao gửi.

 

   Ở đâu một ánh mắt? Để có Ngôn Ngữ Xanh?

 

– Tô Đăng Khoa

 

 

Giữa mong manh và thường trú, kéo lôi của bóng đêm chận ngăn ngày sáng, tiếng lời trỗi dậy biếc xanh mùi gió, lựng ngây thơm mây. Khánh mở ngày với ngôn ngữ xanh rất xanh,

 

Trở mình lá trong tàn cây mọc cánh

Nắng từng bầy nhảy nhót ban mai

Chạm vào nhau. Vỡ òa ra. Những mảnh…

                  (Nhịp Ngày, Ngôn Ngữ Xanh)

 

… Và buổi sáng phiêu nhiên, cái gì đang trôi trong không gian, điệu nhạc? Không nghe âm, chỉ một ngất ngưởng chuyển mình, không nói ra, tôi đang trôi, tôi lờn vờn trong từng âm điệu.

 

 

Mở cửa

Dòng nhạc trôi ra ngoài. Ban mai dậy sóng

 

Nắng lụt tôi trong căn phòng nhỏ

Và tôi. Đang ngộp thở ban mai

Bạn cảm thấy sao khi vừa mở cửa

đã rơi ngay trước mặt mình tiếng chim hót

Và bạn sẽ làm gì với những nốt nhạc ấy?

          (Những Nốt Nhạc, Những Buổi Sáng)

 

Như thế, Nguyễn Thị Khánh Minh vẽ. Không bằng cọ và mầu. Khánh vẽ bằng mực và viết. Cơn lụt nắng nâng cô lên, ban mai bừng đè nặng nhà thơ xuống, Khánh nhìn ngang, ồ cánh cửa. Hãy tung cánh rộng cho sóng dậy vào lòng. Chỉ mấy câu thơ mà thu tóm không gian ba chiều, trên, dưới và ngang, hội tụ vào hình tượng thi ca.

   Cũng như thế Nguyễn Thị Khánh Minh hòa âm. Nhạc khúc không viết bằng ký hiệu nhạc nhưng bằng mặt chữ đời thường. Và như thế tôi nghe âm nhạc thoát thai từ bức tranh trong tiết điệu thơ. Thi ca. Tài tình là thế. Và bạn sẽ làm gì với những nốt nhạc ấy? Thi sĩ hỏi, có ai cất tiếng trả lời? Có lẽ không còn cần thiết.

 

….

Khoảng thời gian im lặng

Là không gian mình đánh mất

Nơi rơi xuống của lời

 

Thủy chung nào

Ngưng được thời gian

Không gian nào

Giữ những lời đi…

       (Đường Mật, Ngôn Ngữ Xanh)

 

 

Lời rơi xuống ở khoảng thời gian im lặng, cũng là khi ta mất chốn về, được phía này thì biển dâu giằng co phía ấy? Lựa chọn thành ngã ba trầm thống của đoạn trường. Thủy chung chết cứng dưới nhịp bước thời gian, phôi pha ước hẹn khi lời đã cất và bay đi, không gian rộng đến muôn phương nào giữ lại được. Như mây bay về vô xứ? Lời trở thành chiếc bóng? Như nhạn của Hương Hải? “Ngôn” vô di tích chi ý?

   Một liên tưởng không tránh khỏi khi đọc thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh và Dickinson. Tôi chẳng làm sự so sánh vì một sự so sánh như vậy vô nghĩa ở đây. Chữ nghĩa họ cuồn cuộn hồi sinh trở về trong nguyên ngữ tối hậu. “Đường mật” và “A word is dead” là chốn hội tụ anh thư tài tử, đề huề giao hưởng.

 

A word is dead

When it is said,

Some say.

I say it just

Begins to live

That day.

     (A Word Is Dead, Emily Dickinson)

 

Chữ chết đi

Khi vừa thốt,

Người bảo vậy.

Tôi cho rằng

Lời sống dậy

Lúc rời môi.

     (VHT phỏng dịch)

 

Tôi bắt gặp sự tương lân đồng điệu trong thơ của Khánh và Emily ở chỗ hai cô nương suốt cuộc bình sinh sống chết với Thơ, cật lực hít thở Thơ, chữ thơ ở đây phải được viết hoa cho đúng niềm trân trọng. Một trong những cách định nghĩa thơ của Khánh như thế này,

 

Thơ

Là dòng sông. Cho tôi trôi đi

Là tiếng khóc. Cho tôi rơi lệ

Là dấu mốc. Nhắc tôi trở về

 

Là bàn tay. Cho tôi nắm lấy

Nhưng thường khi. Nó là bóng đám mây bay

                                  (Thơ, Ngôn Ngữ Xanh)

 

Như vậy hội ngộ với Nàng Thơ quả là bất khả, như thể nhắn nhủ với nhân quần, này, tưởng là vậy mà không phải vậy. Cho đến khi ngươi chưa tan hòa trong tinh thể, đừng nghĩ sẽ nắm lấy được tay ta.

 

Trong mật của Nắng
Hoa hướng dương nở
Trong say men Thơ
Tôi đắm

Nắng và Thơ
Đường mật
Tôi và hoa hướng dương
Buông mình. Rơi. Và tan

    (Đường Mật, Ngôn Ngữ Xanh)

 

Thi ca như một vụ mùa, dù Khánh chỉ nhặt được “đôi ba hạt lúa chín”, chìm vào thơ tựa ngụp lặn ở dòng sông mát mẻ, cho dù “không mang về một hạt nước nào của nó”, cô còn giữ mãi “dư âm cái trườn mình của dòng chảy”  (Phút mong manh giữa những từ, tập thơ Ngôn Ngữ Xanh). Từ đó, thơ luồn phong ba dồn dập, thơ ghé bầu khí hậu bàng bạc cô đơn, thơ đưa người vào mơ. Để làm gì? Để mơ với mình thành một.

 

Em vào giấc mơ anh

        Nơi, em được là một giấc mơ…

                         (Tôi Đang Mơ)

 

… Tôi nghe niềm hy vọng xanh và lời thầm thì giữa đêm, thoại. Rất nhiều thoại. Độc thoại, giao thoại, đồng thoại với cái bóng của chính cô. Giữa đêm huyền tan chảy.

 

– Vũ Hoàng T

 

 

 

 

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh bao nhiêu năm rồi vẫn như thế, thi ngôn nền nã, sáng đẹp, thi tứ trữ tình, lãng mạn, đậm buồn, giàu thi ảnh, tràn đầy cảm xúc, và luôn luôn có những biến ảo lạ lùng trong ngôn ngữ khiến thơ như chắp cánh bay cao và bay xa trong những chiều kích khôn cùng.

   Nhan đề bài thơ là Phố Rất Xa. Hiển nhiên, nhà thơ muốn nói về miền đất quê hương của quá khứ, xa lắm rồi, bây giờ chỉ còn mơ hồ hiện về trong tâm tưởng những lúc ngồi cô độc nhìn mảnh trăng non vừa nhú. Thế nhưng suốt bài thơ, tôi không thấy Nguyễn Thị Khánh Minh nói gì về mảnh đất xa xôi ấy, tuyệt đối không, một dấu vết mờ nhạt cũng không thấy, mà chỉ là nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm của một tâm cảnh trong lúc nhìn trăng lên.

   A! Phải chăng đấy cũng là tâm cảnh cho một tứ thơ sầu vạn cổ, “Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương?” Nhưng câu chữ của Nguyễn Thị Khánh Minh ở bài thơ này đã làm người đọc tôi rụng rời để nghiệm ra cái tứ thơ sầu vạn cổ ấy ở bất cứ thời-không-gian nào cũng khiến con người có cơ hội sống thật với hiện thể và bản thể của hắn.

 

Tôi ngồi cong mảnh trăng non

 

Trời! Làm sao có thể cảm nhận được hiệu ứng của từ “cong” trong câu thơ? Như được phả bùa phép, cảm xúc từ câu thơ như được đẩy tới một biên vực mới. Tôi ngồi cong người nhìn trăng, hay trăng thượng huyền cong cong nhìn tôi? Có lẽ chẳng cần thiết phải biện biệt như thế, bởi cái nhị đối trở thành cái nhất nguyên và tôi đã tìm về cái tôi trong suốt.

   Thế rồi, cái hình tượng tôi-cong-trăng-cong ấy tan vỡ dưới thềm nhà biến thành những “miểng trăng im”.

 

Vỡ trên thềm những miểng trăng im

 

Từ một hình tượng tương đối bi sầu nhưng không mấy bi thảm, từ “miểng” của câu thơ trên đã khiến tâm cảnh biến đổi toàn diện. Chua xót. Đau đớn. Ánh trăng tan vỡ trên thềm biến thành những ký ức hãi hùng, những cảnh đời tưởng như chỉ có trong ác mộng!

   Lý Bạch ngày xưa “Ngửng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, Nguyễn Thị Khánh Minh ngày nay “Cúi xuống một hồn trôi ảo ảnh/ Kéo về đâu tôi bốn phía đêm”. Cách nhau hơn nghìn năm, nhưng hiện thể uyên nguyên là một. Xin cảm ơn, ở chân trời vẫn có người bay, và cảm ơn Khánh Minh.

 

– Trịnh Y Thư

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, các máy bay trực thăng Mỹ đã bay lên bầu trời Sai Gòn và tìm các đường đến các tàu ở Biển Đông (được những người bên ngoài Việt Nam gọi là Biển Hoa Nam). Chiếc máy bay mà người Việt gọi là "con chuồn chuồn", đã xé nát các gia đình nhưng cũng ràng buộc Mỹ và Việt Nam với nhau.
Chiến tranh ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều giống nhau, nó như những hạt giống gieo trên mặt đất, nhưng điều khác biệt là hạt giống nẩy mầm và nuôi sống loài người, còn bom đạn gieo xuống tàn phá và giết chết loài người, hay để lại những hố sâu trên mặt đất và những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng vết thương không lành là những vết thương đau nhất và cũng "đẹp nhất." -- Trần Mộng Tú.
Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, dày 280 trang, gồm các bài viết: Đẹp & Xấu, Thời Gian Hiện Tượng & Sự Tái Diễn, Từ Chối, Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng LĐ 258 TQLC, Chiến Thắng Phượng Hoàng, Ảnh Hưởng Của Lời Nói, Nói Chuyện Anh Hùng, Tôi & Ý Trời, Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim, Cách Suy Nghĩ Của Một Người Công Chức, Lương Tâm & Lòng Tận Tụy, Bằng Trời Bằng Bể, Yêu & Rất Yêu, Đang Ở Nơi Khác, Đắc Thế Thất Thế & Tư Cách…
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão...
Tôi rất phục những người viết sách, in sách, nhất là những nhà văn định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi rất cảm phục tác giả đã chịu khó viết văn. Khi tôi cầm quyển sách "Thiền Tập Với Pháp Ấn" của Cư sĩ, nhà văn Nguyên Giác, nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, Tâm Diệu, một Phật tử đã học ở Cal State Fullerton, trình bày, điều đầu tiên tôi tự nhủ: hình bìa đẹp quá, màu sắc nổi bật, Phật đang ngồi thiền trên tòa sen...
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi / thấy tâm tịch lặng không người, không ta / ai hỏi thì nhấc cành hoa / thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …” (bài thơ “Như nắng tà huy” của Cư sĩ Nguyên Giác viết tặng “quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và pháp huynh HT Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng,”)
"Các bài viết nơi đây hầu hết là trích từ Kinh Phật, ghi lại trong nỗ lực hoằng pháp để rủ nhau tu học. Người viết không bao giờ tự nhận là giáo sư, giảng sư, thầy dạy hay bậc đàn anh trong đạo.Trong khi những chữ này được gõ lên nơi đây, chỉ là do duyên mà hiện lên. Người viết luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ, cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong trong tinh thần như thế, trong khi trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước sang bờ bên kia." Đó là Lời Thưa của tác giả Nguyên Giác về cuốn Thiền Tập Với Pháp Ấn.
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác...
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ...
“Trọn Đời Yêu Thương” là tuyển tập gồm có 36 truyện ngắn, cũng là tập truyện thứ tư của nhà văn Duy Nhân. Như trong lời tựa, Duy Nhân đã nhắc nhở “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Tư tưởng này đã quán xuyến xuyên suốt 36 truyện ngắn của tập truyện Trọn Đời Yêu Thương...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.