Hôm nay,  

Những mất đi và tìm thấy trong lúc giao thời: Ann Phong và ký ức của những lần đổ vỡ

25/02/202200:34:00(Xem: 2629)
Bài viết của TS Trần Tuệ Quân*
Giảng viên & Điều hợp viên
Chương trình Dân tộc, Chủng tộc, và Di cư
Đại học Yale
 
Khi thế giới của chúng ta đổ vỡ, chúng ta đối phó với những hoàn cảnh xé toạc đi sự tồn tại của mình như thế nào? Chúng ta phải làm gì với những chấn thương tâm lý và mất mát mà sự đổ vỡ đó gây ra? Làm thế nào mà chúng ta có thể tìm thấy niềm hy vọng giữa sự đau đớn và tuyệt vọng? Chúng ta đi đâu từ đó?

ANN PHONG_CSUF Begovich Gallery March 12_May 21
 
Mang chủ đề Đánh giá lại sự bình thường, cuộc triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ Ann Phong tại Phòng trưng bày Nicholas + Lee Begovich tại Đại học Cal StateFullerton (ngày 12 tháng 3 – ngày 21 tháng 5 năm 2022) suy ngẫm những câu hỏi nêu trên. Trong dịp thăm lại trường cũ lần này, họa sĩ Ann Phong mời chúng ta chiêm nghiệm những khủng hoảng đang định hình lại cá nhân của cô và của chúng ta cũng như xã hội. Qua các tác phẩm mới nhất của cô, cuộc triển lãm suy nghiệm lại những ký ức về cuộc di cư trong quá khứ; về đại dịch Covid 19 đang diễn ra; về các căng thẳng trong xã hội, chính trị, vấn đề chủng tộc; và về các tác động tiêu cực của con người đối với môi trường. Cuộc triển lãm mở ra một nơi để chúng ta suy nghĩ về những thách thức hiện tại và ước định lại những gì chúng ta đã mất đi và tìm thấy trong lúc giao thời này.               
 
Với những đổ vỡ, Ann Phong không phải là người xa lạ. Các tác phẩm của cô chăm sóc những vết thương và kéo da cho các vết sẹo từ những tan vỡ đã góp phần định nghĩa bản sắc của cô: một người tị nạn, một phụ nữ Mỹ gốc Việt, một họa sĩ, và một nhà giáo. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Ann Phong trưởng thành trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, khi quê hương và đồng bào của cô chia rẽ theo các đường nứt của tư tưởng. Khi các lực lượng cộng sản chấm dứt cuộc chiến và chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1975, chính quyền mới đã gạt những gia đình như gia đình của cô ra ngoài lề vì giai cấp và mối liên hệ với chế độ Sài Gòn cũ của họ. Đối mặt với sự kỳ thị và cùng đường, nhiều người đã quay ra biển để tìm tự do và một tương lai công bằng hơn ở những xứ khác.         

Ann-Phong
Họa sĩ Ann Phong

Năm 1981, họa sĩ Ann Phong trốn theo ghe vượt biên tiến ra Biển Đông. Sau mấy đêm ngày lênh đênh trên biển trong sóng gió và bão táp, con tàu rò rỉ đã đến được trại tị nạn trên Đảo Bidong của Mã Lai Á, nơi cô sống một năm dài trước khi chuyển đến Phi Luật Tân và sau đó nhập cư vào nước Mỹ. Tuy thoát khỏi những thảm cảnh hãi hùng hơn đã xảy ra với những người khác, cô vẫn bị tổn thương. Chuyến vượt biên làm cô kinh sợ biển cả đời. Những câu chuyện về các cuộc tấn công của hải tặc mà cô đã nghe từ những người sống sót vẫn còn ám ảnh cô cho đến ngày hôm nay.

1-Ann-Phong.-Tiểu-Sử,-Acrylic-trên-quần-áo-cũ.-66x50-Inches

Tiểu sử, 2015.

Acrylic trên quần áo cũ. 66 x 50 inches.

Ảnh minh họa -- Không trưng bày trong cuộc triển lãm.


Trong tác phẩm Tiểu sử (2015), họa sĩ Ann Phong thoáng phác họa cuộc vượt biên mà cô và những “thuyền nhân” Việt Nam đã từng trải qua. Tác phẩm giống như tấm chăn bông được khâu cẩn thận từ những mảnh quần áo cũ tượng trưng cho quần áo đã bị xé rời từ thân thể của những người tị nạn trong các cơn bão, các vụ đắm tàu, ​​và các cuộc tấn công của hải tặc. Mỗi ô vuông nhỏ, thấm đẫm các gam màu xanh dương hoặc nâu, lưu trữ một ký ức vượt biên. Ở phía bên phải của bức tranh, người xem có thể nhận ra những bóng người mờ nhạt xếp hàng vào đêm để lên ghe vượt biên đang nấp bóng sau những nếp gấp tối hơn của bức tranh. Trong khi các ô vuông màu xanh nhạt ở bên trái gợi nhớ dòng nước đầy hy vọng đã đưa một số người đến nơi an toàn, thì tông màu tối hơn tương phản của các mảnh vải xung quanh lại gói gọn nỗi sợ hãi và các hiểm nguy mà thuyền nhân phải đối mặt trên biển. Ở góc dưới bên trái, một thi thể đang chìm xuống đáy đại dương. Gần đó, một phần khuôn mặt của một người phụ nữ trẻ xuất hiện, khuôn mặt mờ nhạt ấy hòa quyện vào bức tranh. Tác phẩm này tưởng nhớ các cô gái và phụ nữ đã vượt biển để thoát khỏi cộng sản Việt Nam. Nó cũng tỏ lòng thương tiếc những người đã chết hoặc mất tích trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm của họ.

Kinh nghiệm đời làm sống động các tác phẩm nghệ thuật đa chiều, đa diện và đầy thu hút của Ann Phong. Nét cọ của cô tràn đầy năng lượng và biểu cảm, tinh tế và ấn tượng. Màu sắc tinh vi và kết cấu bồi đắp sơn phong phú đặc trưng của phong cách trừu tượng của Ann Phong truyền tải và khơi gợi những cảm giác sâu sắc, phức tạp. Các tông màu sáng và tối tương phản trên tranh thể hiện các sắc thái trong tầm nhìn nghệ thuật của tác giả. Việc kết hợp những đồ vật bỏ đi vào tranh nâng cao sự tỉ mỉ trong tác phẩm của cô.

Khung vẽ truyền thống không thể chứa hết những cảm xúc, suy nghĩ và chất liệu sử dụng đã truyền cảm hứng cho các sáng tác tràn đầy năng lượng của họa sĩ Ann Phong. Các bức tranh phù điêu hay các tác phẩm điêu khắc bằng cọ và sơn của cô vượt tràn qua các cạnh của khung vẽ và nổi lên với độ phù điêu cao, tạo ra các địa hình, độ sâu và bề mặt mới, nơi các hình ảnh, phong cảnh, đồ vật và cảm xúc chơi trò trốn tìm với người xem, đòi hỏi họ phải ngắm tranh một cách tích cực, cẩn thận, và nghiền ngẫm. Trong thế giới đa chiều và không giới hạn của Ann Phong, các đổ vỡ mang đến sự đau đớn, tàn phá, và cũng đồng thời mang tính cách phát sinh. Các bức tranh sử dụng chất liệu hỗn hợp của cô là nơi để thương lượng; xem xét nội tâm; và nơi những khả năng mới có thể bộc phá, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai đồng thời nằm trong tầm nắm bắt nhưng khó nắm bắt, có thể nhìn thấy nhưng ẩn chứa, nơi các lớp cảm xúc và ký ức đan xen, kéo dài, từ chối các kết cuộc dễ dàng và sự quên lãng. Tranh của Ann Phong cũng là nơi hy vọng, chữa lành và tưởng nhớ.

2-Ann-Phong.-Mong-Manh.-Acrylic-với-các-đồ-vật-tìm-thấy.-Ảnh-minh-họa,-không-trưng-bày-trong-cuộc-triển-lãm.-2017

Mong manh, 2017.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 73 inches.

Ảnh minh họa -- Không trưng bày trong cuộc triển lãm.


Các trải nghiệm bị mất chỗ đứng trong đời giúp họa sĩ Ann Phong hiểu được sự vô thường của cuộc sống. Trong tác phẩm Mong manh (2017), cô mời người xem suy ngẫm về sự bấp bênh này bằng cách cẩn thận di chuyển các vòng tròn nhỏ có nam châm mà cô đã đặt trên bức tranh. Tuy mang hình ảnh của những chiếc thuyền tị nạn Việt Nam, các bức tranh tí hon như bọt nước này bày tỏ lòng kính trọng đối với “tất cả những ai buộc phải chạy trốn khỏi quê hương của họ để tìm đến một vùng đất mới bằng đường biển,” theo lời họa sĩ ghi chú. Tùy vào nơi người xem di chuyển chúng, một số bọt nước này sẽ dính an toàn trên tranh, tượng trưng cho sự thành công và may mắn của người xem trong việc thoát khỏi dòng nước nguy hiểm và tìm được nơi ẩn náu. Trong khi đó, các bọt nước rơi khỏi bức tranh tượng trưng cho các số phận bi thảm của những ai không may mắn, nhấn mạnh sự phù du và vô lường của cuộc sống.

Là người đã sống sót qua trùng dương đầy bão tố và cập bến an toàn ở Mỹ, họa sĩ Ann Phong đã tìm thấy cách hàn gắn những vết thương qua thời gian và nghệ thuật. Tuy nhiên, ngay khi các vết nứt gãy từ những lần đổ vỡ trước tưởng như đã được liền lặn trở lại, đại dịch Covid-19 ập xuống gây hỗn loạn trên toàn cầu. Thế giới của họa sĩ Ann Phong lại rạn vỡ, kích hoạt cảm giác đã từng xảy ra và đồng thời mang đến những quan điểm mới. Để đối phó với những phiền toái mới nhất, Ann Phong đã xoay sang điều cô biết rõ nhất và làm tốt nhất: Cô vẽ.

3-Ann-Phong,Từ-Những-Bình-Minh-Đến-Những-Hoàng-Hôn.-Acrylic.,-30x59,-acrylic-2021

Từ những bình minh đến những hoàng hôn, 2021.

Acrylic trên vải bạt. 30 x 59 inches.

4-Ann-Phong,-2020-Không-Có-Dịch-Vụ,-48x80,-acrylic-with-found-objects,-2021

KHÔNG có dịch vụ, 2021.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 80 inches.


5-Ann-Phong,-Một-Mình-Trong-Lúc-Giữ-Khỏang-Cách,-28x24,-Acrylic-on-wood-panel-and-found-objects,-2020

Một mình trong lúc giữ khoảng cách xã hội, 2020.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 28 x 24 inches.


Trong các tác phẩm Từ những bình minh đến những hoàng hôn (2021); Một mình trong lúc giữ khoảng cách xã hội (2021); và KHÔNG có dịch vụ (2021), họa sĩ Ann Phong nắm bắt được cảm giác cô lập, gián đoạn, và những bất ổn sâu đậm mà đại dịch đã gây ra. Qua những bức tranh nói trên chúng ta nhìn thấy mình, thấy sự mệt mỏi của chính mình, của xã hội đang thay đổi của mình. Con vi khuẩn và các biến thể của nó đã làm gián đoạn các sinh hoạt hàng ngày cũng như cảm giác về địa điểm và quan điểm của chúng ta. Nó đã và đang lấy đi sinh mạng của những người thân yêu và trong vòng quen biết của chúng ta, làm vơi đi các tiếp xúc xã hội của chúng ta, và gây ra nỗi đau lớn lao về thể chất và tinh thần trên khắp thế giới. Những bức tranh của họa sĩ Ann Phong làm chứng cho thời kỳ khi những đường phố và nơi vui chơi sầm uất trở nên vắng bóng người; khi một số cánh cửa khép kín và đã không bao giờ mở lại; khi chúng ta thu mình nhỏ lại và tìm nơi ẩn náu trong nhà, giữ khoảng cách; khi chúng ta củng cố phạm vi an toàn của mình bằng chất khử trùng và khẩu trang trong khi con vi khuẩn tàng hình tiếp tục càn quét; khi các phương tiện điện tử của chúng ta trở thành cách duy nhất để duy trì các mối liên hệ; khi ngày và đêm chảy vào nhau và thời gian dường như đứng yên và tăng tốc cùng một lúc. Giữa những thay đổi đáng lo âu này và những mất mát to lớn về sinh mạng và sinh kế, chúng ta thấy mình mất phương hướng và phủ nhận sự thật, các thói quen của chúng ta hỗn loạn, nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta tăng cao. Bị xa rời và cách ly từ thế giới quen thuộc, chúng ta khao khát được trở lại sự bình thường của thời trước Covid. Tuy nhiên, những tổn thương phức tạp vẫn tiếp tục tích tụ. Những mất mát mà chúng ta đã trải qua không thể đảo ngược lại được.



Đại dịch cũng phơi bày và làm trầm trọng thêm những sự bất bình đẳng, bất công và căng thẳng trong xã hội của chúng ta. Tin tức về một số vụ cảnh sát giết người da đen và da nâu không vũ trang, sự gia tăng theo cấp số nhân của các vụ thù ghét chống người Châu Á, thảm họa môi trường do con người gây ra, sự siêu phân cực trong chính trị bầu cử, vấn đề tiêm chủng, và các chính sách về khẩu trang cuốn chúng ta vào một đường lòng vòng đầy các chấn thương.

6-Ann-Phong,-Trước-Khi-Nó-Là-Thiết-Yếu,-84x48,-acrylic-with-found-objects.-2020.1

Trước khi nó là thiết yếu, 2020

Acrylic với các đồ vật tìm thấy.

84 x 48 inches.


Như họa sĩ Ann Phong đã đề cập trong bài ghi nhận nghệ thuật của mình, là một phụ nữ Mỹ gốc Á Châu, cô cảm nghiệm các khủng hoảng phức tạp này sâu trong nội tâm. Đại dịch và các bất công chủng tộc đang diễn ra trong hiện thực làm nổi bật những mâu thuẫn gay gắt của xã hội Hoa Kỳ của chúng ta. Một mặt, đó là đất nước đã cho những người tị nạn và di dân như họa sĩ Ann Phong cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời. Mặt khác, họa sĩ Ann Phong nhận ra rằng quê hương thứ hai của mình cũng là một xã hội bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, và gãy vỡ, đầy rẫy các vết thương chưa được chữa trị từ những thảm họa mà nhiều thế hệ đã trải qua. Nhận thức đau lòng này buộc cô phải đánh giá lại mặt tiền hồng hào của thành ngữ “nồi pha trộn các văn hóa” và những câu chuyện về Giấc mơ Mỹ. Trong bức tranh Trước khi nó là thiết yếu (2020), họa sĩ Ann Phong đặt ra các câu hỏi quan thiết về những gì đi theo sau các cuộc vui chơi; những gì ẩn khuất sau tiền cảnh đầy ánh sáng; những gì mà đám đông huyên náo làm im lặng. Cô tự hỏi về những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo trong tư cách cá nhân và xã hội; về những gì chúng tiết lộ và che giấu. Cô nhìn vào bóng tối của nước Mỹ và khám phá ra một thực tế sững sờ: Ở đất nước này, những việc tưởng chừng như thông thường của những người thuộc các chủng tộc thiểu số có thể, và đã có những hậu quả chết người — đi bộ trên phố, dạo chơi trong công viên, ghé ngang qua tiệm tạp hóa ở góc phố.

7-Ann-Phong,Tôi-Không-Phải-Là-Con-Vi-Khuẩn,-40Hx30W,-acrylic-with-found-objects,-2021

Tôi không phải là con vi khuẩn, 2021.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy.

10 x 30 inches.


Trong tác phẩm Tôi không phải là con vi khuẩn (2021), Ann Phong đối mặt với sự bài ngoại và thù ghét nhắm vào người Mỹ gốc Á Châu trong thời kỳ đại dịch. Là một tiếng kêu từ tâm can, tiêu đề của tác phẩm bác bỏ phản ứng kỳ thị liên tưởng vi khuẩn Covid 19 với cơ thể người Á Châu. Bức chân dung tự họa cho thấy người họa sĩ đang chìm sâu trong suy nghĩ. Ánh mắt cô nhìn xuống, ẩn sau chiếc mặt nạ hóa trang. Một chiếc khẩu trang y tế đeo lửng lơ ở phía bên phải khuôn mặt của cô. Bố cục đơn sắc này thể hiện cảm giác bất an khi bị gạt ra khỏi buổi tiệc hội nhập. Nhân vật cô đơn thể hiện sự đau buồn khi mất đi cảm giác an toàn và thuộc về xã hội, cùng lúc cô phải chiến đấu với những nỗi sợ hãi và lo lắng gây ra bởi sự hung hăng công khai và ngầm chống lại những người nhìn giống cô. Bức tranh cũng thoáng gợi lại ký ức trước đây, lúc trận đại dịch vừa bùng lên, khi nhiều người Mỹ gốc Á Châu, bao gồm cả họa sĩ Ann Phong, phải cân nhắc kỹ lưỡng những tác động của việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Đối với những người vô cớ bị đổ lỗi vì đại dịch, việc đeo khẩu trang vào thời kỳ mà điều đó còn là một khái niệm xa lạ ở nước Mỹ có thể dẫn đến sự sách nhiễu, phân biệt chủng tộc, và bạo lực.

Những lúc rắc rối này mang đến cho họa sĩ Ann Phong cảm giác mất mát, hoang mang và mất phương hướng. Những cảm xúc đó nổi bật trong tác phẩm Đừng ra ngoài vào đêm (Lời con gái của tôi dặn dò) (2021). Trong tranh, nữ họa sĩ đang ngồi giữa những cảnh quan thành thị ngổn ngan từ quá khứ và hiện tại của cô. Một vật thể giống như điện thoại phát ra ánh sáng trên tay cô soi sáng khuôn mặt lo âu của cô. Bố cục tranh dường như gợi ý rằng tin nhắn từ con gái nhắc nhở cô đừng ra đường khi trời tối đã dẫn đến một loạt hồi tưởng. Ở phía bên phải của họa sĩ, làn sóng sợ hãi dường như đang trỗi dậy, kéo cô trở lại giữa đại dương tối tăm và bão tố mà cô đã vượt qua bốn thập kỷ trước. Những nguy hiểm mà cô đã phải đối mặt trong quá khứ và đang đối mặt trong hiện tại cùng hội tụ tại một thời điểm, lôi cuốn người họa sĩ vào một chuỗi không gian-thời gian liên tục.

8-Ann-Phong,-Đừng-Ra-Ngòai-Vào-Đêm-(Lời-Con-Gái-của-Tôi-Dặn-Dò).-30x59.-acrylic.-2021

Đừng ra ngoài vào đêm (Lời con gái của tôi dặn dò), 2021.

Acrylic trên vải bạt. 30 x 59 inches.


Đã từng chiến thắng những cuộc đấu tranh và sự tuyệt vọng trong quá khứ, họa sĩ Ann Phong và các tác phẩm của cô mang đến cho chúng ta những hướng dẫn quý giá trong lúc chúng ta đối mặt với những thách thức đương đại của mình. Trong tác phẩm Bóng tối không thể xua lùi bóng tối (2019), Ann Phong tìm thấy sức mạnh từ những trải nghiệm trước đây và niềm lạc quan đã giúp cô vượt qua những thời điểm khó khăn. Cọ vẽ, màu sắc, và khung vải của cô đã triệu vời một bông hoa rực lửa thắp sáng cả màn đêm như ngọn hải đăng của hy vọng. Món quà này nhắc nhở chúng ta rằng nhân loại - được thể hiện bằng những đôi chân trần quay quần bên hoa lửa - đã trải qua những thời kỳ tăm tối trước đó và ngọn lửa hy vọng vẫn cháy sáng. Đồng thời, tâm điểm của hình ảnh mạnh mẽ này truyền tải một thông điệp khác. Bố cục các đôi chân trần đứng ngay giữa trung tâm đóm lửa nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở giữa nhiều thảm họa. Khi chúng ta ưu tiên lo cho những điều gần đây nhất, chúng ta không được quên các công việc chưa hoàn thành mà chúng ta đã bắt đầu trước khi bị những sự gián đoạn.

9-Ann-Phong,-Bóng-Tối-Không-Thể-Xua-Lùi-Bóng-Tối,,-60x48,-acrylic-on-un-stretched-canvas,-2019

Bóng tối không thể xua lùi bóng tối, 2019.

Acrylic trên vải bạt. 60 x 48 inches.


Một trong những mối quan tâm trước đại dịch của họa sĩ Ann Phong là tác động tàn phá của con người đối với môi trường. Trong hai tác phẩm Vùng đất bị tàn pháChúng ta làm hại nhiều hơn tốt (2021), cô quay lại những vấn đề cấp bách này với sức thuyết phục và sự khẩn trương mới tìm lại được. Những nét cọ và màu sắc ấn tượng và tràn đầy năng lượng của hai bức tranh khổ lớn này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng các vấn đề môi trường của chúng ta vẫn chưa biến mất trong thời kỳ đại dịch. Trên thực tế, đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm hiện có. Điều này hiện rõ trên các bức tranh, chúng ta đang đổ thêm rác mới vào các bãi rác và đại dương — khẩu trang, hộp đựng thức ăn mang đi, vật liệu đóng gói mua hàng trên mạng. Trong bối cảnh đó, tiêu đề của cuộc triển lãm, Đánh giá lại sự bình thường, nhắc chúng ta nên suy nghĩ lại về thói quen của mình và chỉnh đốn lại đường lối của chúng ta. Chúng ta có nhiều việc phải làm.

10-Ann-Phong,-Vùng-Đất-Bị-Tàn-Phá.-Acrylic-with-found-objects,-48x80,-2021

Vùng đất bị tàn phá, 2021

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 80 inches

11-Ann-Phong,-Chúng-Ta-Làm-Nhiều-Điều-Hại-Hơn-Tốt,-48Hx60W,-acrylic-with-found-objects,-2021

Chúng ta làm nhiều điều hại hơn tốt, 2021

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 60 inches

12-Ann-Phong.-Công-Lý-Nằm-trong-Xương-Của-Chúng-Ta..-Acrylic-on-wood-panel.-48x20,-2019

Công lý nằm trong xương của chúng ta, 2021.

Acrylic trên khung gỗ. 48 x 20 inches.

Chính vì còn nhiều việc phải làm nên chúng ta không thể để sự đau khổ làm chúng ta bất động quá lâu. Các tác phẩm của họa sĩ Ann Phong kêu gọi chúng ta hành động; đánh giá lại tất cả những gì chúng ta đã coi là sự đương nhiên; ghi nhận những gì chúng ta đã mất đi và đạt được khi đối phó với những nghịch cảnh của thời đại này; nhìn thấy bản thân chúng ta trên bìa vực của sự thay đổi; và dũng cảm quyết tâm chọn những quyết định khôn ngoan có thể giúp giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Trong giây phút mất mát, đau đớn, bất hòa, kiệt quệ, và cô lập lớn lao này, chúng ta phải cố gắng chữa lành cho cá nhân và tập thể, để chúng ta có thể xây dựng lại một tương lai nhân ái, công bằng, và bền vững hơn. Các cuộc khủng hoảng hiện tại đã phá vỡ các định mức của chúng ta trước đây, nhưng chúng cũng buộc chúng ta phải dừng lại, suy ngẫm, tìm lại sự sáng suốt, và định hướng lại bản thân. Như họa sĩ Ann Phong đã nhắc nhở trong tác phẩm Công lý nằm trong xương của chúng ta (2021): Nhân loại luôn khao khát ánh sáng và công lý vì những điều đó mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Để đạt được ánh sáng đó và tìm được công lý, chúng ta phải vượt qua những thi thể mà sự tàn phá đã để lại. Hãy để điều này tiếp tục là chiếc la bàn hướng dẫn chúng ta vượt qua thời gian đang chuyển biến. Chúng ta có nhiều việc phải làm.

*Bài này do TS Trần Tuệ Quân viết cho Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật tại Đai học Cal State Fullerton nhân dịp cuộc triển lãm 'Ann Phong: Đánh Giá Lại Sự Bình Thường.' Cuộc triển lãm sẽ được thực hiện từ ngày 12 tháng 3 đến ngày 21 tháng 5 năm 2022 tại Phòng trưng bày Begovich. Bài viết và các hình ảnh chỉ được sử dụng cho việc giáo dục mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Loạt phim "The Sympathizer" bắt đầu chiếu trên HBO hôm 14/4, mỗi tuần một tập. VIệt Báo sẽ trích đăng một số ý kiến, bình phẩm của một số người viết từ khắp nơi về loạt phim này, từ nay cho đến khi chiếu hết 7 tập. Loạt bài viết này là quan điểm của các tác giả, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của ban biên tập Việt Báo.
Đã lâu lắm, cũng trên hai mươi năm tôi hầu như quên mất việc vào rạp hát coi ciné như hồi xưa ở bên nhà. Cho đến tuần rồi, người bạn trẻ Tôn Thất Hùng gọi phone nói chị Kiều Chinh có nhã ý mời tôi đi coi phim chị đóng: The Sympathizer. Tết Nguyên Đán năm Kỷ Hợi, chị Kiều Chinh và tôi gặp nhau tại tòa soạn Việt Báo ở Quận Cam đến nay vẫn chưa có dịp găp lại; thiết nghĩ đi xem phim Kiều Chinh đóng cũng là một cách tái ngộ nữ tài tử gạo cội này. Cuốn phim The Sympathizer được trình chiếu tại rạp hát TIFF Bell Lightbox nằm trên một đoạn đường King Street còn gọi là Phố Festival tức Phố Lễ Hội TIFF thường niên vào tháng 9 qui tụ nhiều ngôi sao trên thế giới.
Ai chết? Chị Chung đã qua đời, chị không chết, không hết, vẫn còn lan man đâu đó, ở đâu đó, khi chị đi qua cuộc đời này. Không có ý định trở về tìm chị nhưng bỗng nhiên đang đứng nơi đây, hứng những trái trứng cá ngọt ngào mà chị thả xuống. Làm sao để phân biệt khi mút trái trứng cá chín và những đầu ngón tay của chị, mềm mềm, êm êm, ướt đẫm.
Theo lời Ban Tổ Chức, “Dòng Chuyển Của m Thanh” là sự kết hợp Đông-Tây độc đáo, mang những thang âm mới mẻ, chưa từng được công diễn bất cứ nơi nào qua những tiếng đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh, đàn T'rưng hoà quyện cùng dàn nhạc giao hưởng và ban hợp xướng Tây phương...
Những tràng pháo tay kéo dài sau mỗi màn trình diễn của các nghệ sĩ, cả khán phòng gần một ngàn khán giả im lặng, thả cảm xúc vào từng mỗi bản nhạc. Khó có thể diễn tả hết những cảm xúc lẫn lộn của mỗi khán giả đã theo dõi trọn vẹn một chương trình nhạc thính phòng dài hơn ba tiếng đồng hồ cho đến tận phút chót, mà theo lời Nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã phát biểu trên sân khấu là "lần đầu tiên trên thế giới" có một chương trình âm nhạc Việt Nam như vậy.
Khi tác giả Việt Thanh Nguyễn lớn lên ở California như một người tị nạn sau Chiến tranh Việt Nam , những miêu tả về cuộc xung đột đó hiện diện khắp nơi trong văn hóa đại chúng Mỹ. Platoon, Apocalypse Now, Full Metal Jacket, và nhiều bộ phim khác miêu tả các chiến sĩ Mỹ chiến đấu trong vùng nước lạc hậu đen tối và sau đó đối phó với những tổn thất tâm lý tại quê nhà. Rất ít bộ phim trong số đó nói đến trải nghiệm của người Việt Nam – những người tự xem cuộc xung đột là cuộc Chiến chống Mỹ.
Tối thứ sáu, 5 tháng Tư, 2024, tại rạp chiếu bóng AMC Orange 30, thành phố Orange, chỉ cách trung tâm Little Saigon năm, sáu dặm, HBO đã tổ chức buổi tiếp tân và chiếu phim đặc biệt nhằm giới thiệu bộ phim truyền hình 7 tập, The Sympathizer / Cảm tình viên, do kênh truyền hình HBO thực hiện, dựa trên cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer năm 2016 nổi tiếng cùng nhan đề của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, kể về một điệp viên Cộng Sản nửa Pháp, nửa Việt trong những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam...
Tối thứ Hai 1 tháng Tư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã gặp gỡ khán giả ở miền bắc California để giới thiệu bộ phim “Cảm tình viên / The Sympathizer” dựa trên tiểu thuyết cùng tên đã đưa ông lên đỉnh văn đàn Mỹ với giải Pulitzer 2016.
Mỗi khi tôi nghe ca khúc Summertime, lòng không khỏi băn khoăn về tâm sự màu da, nhất là khúc nhạc blue này được trình bày qua những giọng hát thần kỳ, run rẩy tức tưởi cho thân phận con người. Nhạc sĩ George Gershwin sáng tác ca khúc này năm 1934, gần một trăm năm sau khi tu chính án 13 của hiếp pháp Hoa kỳ được công bố xác nhận quyền tự do, hủy bỏ luật nô lệ cho màu da đen tháng 12 năm 1865. Đời sống dân da đen bắt đầu khá giả hơn. Sau nhà có ao nuôi đầy cá. Trên đồng mồ hôi đã nở những hoa gòn. Những thành tựu đó cho phép người mẹ người chị thoát cảnh lam lủ, được trang điểm nhan sắc, y phục đẹp đẽ hơn. Cho phép cha già được an vui, nghỉ ngơi và các em bé nô đùa vang tiếng cười.
Phim "Mai"của đạo diễn Trấn Thành, vừa là nhà sản xuất phim vừa là diễn viên, cùng với dàn diên viên: Phương Anh Đào, Tuấn Trần, Hồng Đào, Ngọc Giàu, Việt Anh... Bộ phim tình cảm, tâm lý xã hội được đầu tư lên tới 50 tỉ đồng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.