Hôm nay,  

Những mất đi và tìm thấy trong lúc giao thời: Ann Phong và ký ức của những lần đổ vỡ

25/02/202200:34:00(Xem: 3107)
Bài viết của TS Trần Tuệ Quân*
Giảng viên & Điều hợp viên
Chương trình Dân tộc, Chủng tộc, và Di cư
Đại học Yale
 
Khi thế giới của chúng ta đổ vỡ, chúng ta đối phó với những hoàn cảnh xé toạc đi sự tồn tại của mình như thế nào? Chúng ta phải làm gì với những chấn thương tâm lý và mất mát mà sự đổ vỡ đó gây ra? Làm thế nào mà chúng ta có thể tìm thấy niềm hy vọng giữa sự đau đớn và tuyệt vọng? Chúng ta đi đâu từ đó?

ANN PHONG_CSUF Begovich Gallery March 12_May 21
 
Mang chủ đề Đánh giá lại sự bình thường, cuộc triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ Ann Phong tại Phòng trưng bày Nicholas + Lee Begovich tại Đại học Cal StateFullerton (ngày 12 tháng 3 – ngày 21 tháng 5 năm 2022) suy ngẫm những câu hỏi nêu trên. Trong dịp thăm lại trường cũ lần này, họa sĩ Ann Phong mời chúng ta chiêm nghiệm những khủng hoảng đang định hình lại cá nhân của cô và của chúng ta cũng như xã hội. Qua các tác phẩm mới nhất của cô, cuộc triển lãm suy nghiệm lại những ký ức về cuộc di cư trong quá khứ; về đại dịch Covid 19 đang diễn ra; về các căng thẳng trong xã hội, chính trị, vấn đề chủng tộc; và về các tác động tiêu cực của con người đối với môi trường. Cuộc triển lãm mở ra một nơi để chúng ta suy nghĩ về những thách thức hiện tại và ước định lại những gì chúng ta đã mất đi và tìm thấy trong lúc giao thời này.               
 
Với những đổ vỡ, Ann Phong không phải là người xa lạ. Các tác phẩm của cô chăm sóc những vết thương và kéo da cho các vết sẹo từ những tan vỡ đã góp phần định nghĩa bản sắc của cô: một người tị nạn, một phụ nữ Mỹ gốc Việt, một họa sĩ, và một nhà giáo. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Ann Phong trưởng thành trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, khi quê hương và đồng bào của cô chia rẽ theo các đường nứt của tư tưởng. Khi các lực lượng cộng sản chấm dứt cuộc chiến và chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1975, chính quyền mới đã gạt những gia đình như gia đình của cô ra ngoài lề vì giai cấp và mối liên hệ với chế độ Sài Gòn cũ của họ. Đối mặt với sự kỳ thị và cùng đường, nhiều người đã quay ra biển để tìm tự do và một tương lai công bằng hơn ở những xứ khác.         

Ann-Phong
Họa sĩ Ann Phong

Năm 1981, họa sĩ Ann Phong trốn theo ghe vượt biên tiến ra Biển Đông. Sau mấy đêm ngày lênh đênh trên biển trong sóng gió và bão táp, con tàu rò rỉ đã đến được trại tị nạn trên Đảo Bidong của Mã Lai Á, nơi cô sống một năm dài trước khi chuyển đến Phi Luật Tân và sau đó nhập cư vào nước Mỹ. Tuy thoát khỏi những thảm cảnh hãi hùng hơn đã xảy ra với những người khác, cô vẫn bị tổn thương. Chuyến vượt biên làm cô kinh sợ biển cả đời. Những câu chuyện về các cuộc tấn công của hải tặc mà cô đã nghe từ những người sống sót vẫn còn ám ảnh cô cho đến ngày hôm nay.

1-Ann-Phong.-Tiểu-Sử,-Acrylic-trên-quần-áo-cũ.-66x50-Inches

Tiểu sử, 2015.

Acrylic trên quần áo cũ. 66 x 50 inches.

Ảnh minh họa -- Không trưng bày trong cuộc triển lãm.


Trong tác phẩm Tiểu sử (2015), họa sĩ Ann Phong thoáng phác họa cuộc vượt biên mà cô và những “thuyền nhân” Việt Nam đã từng trải qua. Tác phẩm giống như tấm chăn bông được khâu cẩn thận từ những mảnh quần áo cũ tượng trưng cho quần áo đã bị xé rời từ thân thể của những người tị nạn trong các cơn bão, các vụ đắm tàu, ​​và các cuộc tấn công của hải tặc. Mỗi ô vuông nhỏ, thấm đẫm các gam màu xanh dương hoặc nâu, lưu trữ một ký ức vượt biên. Ở phía bên phải của bức tranh, người xem có thể nhận ra những bóng người mờ nhạt xếp hàng vào đêm để lên ghe vượt biên đang nấp bóng sau những nếp gấp tối hơn của bức tranh. Trong khi các ô vuông màu xanh nhạt ở bên trái gợi nhớ dòng nước đầy hy vọng đã đưa một số người đến nơi an toàn, thì tông màu tối hơn tương phản của các mảnh vải xung quanh lại gói gọn nỗi sợ hãi và các hiểm nguy mà thuyền nhân phải đối mặt trên biển. Ở góc dưới bên trái, một thi thể đang chìm xuống đáy đại dương. Gần đó, một phần khuôn mặt của một người phụ nữ trẻ xuất hiện, khuôn mặt mờ nhạt ấy hòa quyện vào bức tranh. Tác phẩm này tưởng nhớ các cô gái và phụ nữ đã vượt biển để thoát khỏi cộng sản Việt Nam. Nó cũng tỏ lòng thương tiếc những người đã chết hoặc mất tích trong cuộc hành trình đầy nguy hiểm của họ.

Kinh nghiệm đời làm sống động các tác phẩm nghệ thuật đa chiều, đa diện và đầy thu hút của Ann Phong. Nét cọ của cô tràn đầy năng lượng và biểu cảm, tinh tế và ấn tượng. Màu sắc tinh vi và kết cấu bồi đắp sơn phong phú đặc trưng của phong cách trừu tượng của Ann Phong truyền tải và khơi gợi những cảm giác sâu sắc, phức tạp. Các tông màu sáng và tối tương phản trên tranh thể hiện các sắc thái trong tầm nhìn nghệ thuật của tác giả. Việc kết hợp những đồ vật bỏ đi vào tranh nâng cao sự tỉ mỉ trong tác phẩm của cô.

Khung vẽ truyền thống không thể chứa hết những cảm xúc, suy nghĩ và chất liệu sử dụng đã truyền cảm hứng cho các sáng tác tràn đầy năng lượng của họa sĩ Ann Phong. Các bức tranh phù điêu hay các tác phẩm điêu khắc bằng cọ và sơn của cô vượt tràn qua các cạnh của khung vẽ và nổi lên với độ phù điêu cao, tạo ra các địa hình, độ sâu và bề mặt mới, nơi các hình ảnh, phong cảnh, đồ vật và cảm xúc chơi trò trốn tìm với người xem, đòi hỏi họ phải ngắm tranh một cách tích cực, cẩn thận, và nghiền ngẫm. Trong thế giới đa chiều và không giới hạn của Ann Phong, các đổ vỡ mang đến sự đau đớn, tàn phá, và cũng đồng thời mang tính cách phát sinh. Các bức tranh sử dụng chất liệu hỗn hợp của cô là nơi để thương lượng; xem xét nội tâm; và nơi những khả năng mới có thể bộc phá, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai đồng thời nằm trong tầm nắm bắt nhưng khó nắm bắt, có thể nhìn thấy nhưng ẩn chứa, nơi các lớp cảm xúc và ký ức đan xen, kéo dài, từ chối các kết cuộc dễ dàng và sự quên lãng. Tranh của Ann Phong cũng là nơi hy vọng, chữa lành và tưởng nhớ.

2-Ann-Phong.-Mong-Manh.-Acrylic-với-các-đồ-vật-tìm-thấy.-Ảnh-minh-họa,-không-trưng-bày-trong-cuộc-triển-lãm.-2017

Mong manh, 2017.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 73 inches.

Ảnh minh họa -- Không trưng bày trong cuộc triển lãm.


Các trải nghiệm bị mất chỗ đứng trong đời giúp họa sĩ Ann Phong hiểu được sự vô thường của cuộc sống. Trong tác phẩm Mong manh (2017), cô mời người xem suy ngẫm về sự bấp bênh này bằng cách cẩn thận di chuyển các vòng tròn nhỏ có nam châm mà cô đã đặt trên bức tranh. Tuy mang hình ảnh của những chiếc thuyền tị nạn Việt Nam, các bức tranh tí hon như bọt nước này bày tỏ lòng kính trọng đối với “tất cả những ai buộc phải chạy trốn khỏi quê hương của họ để tìm đến một vùng đất mới bằng đường biển,” theo lời họa sĩ ghi chú. Tùy vào nơi người xem di chuyển chúng, một số bọt nước này sẽ dính an toàn trên tranh, tượng trưng cho sự thành công và may mắn của người xem trong việc thoát khỏi dòng nước nguy hiểm và tìm được nơi ẩn náu. Trong khi đó, các bọt nước rơi khỏi bức tranh tượng trưng cho các số phận bi thảm của những ai không may mắn, nhấn mạnh sự phù du và vô lường của cuộc sống.

Là người đã sống sót qua trùng dương đầy bão tố và cập bến an toàn ở Mỹ, họa sĩ Ann Phong đã tìm thấy cách hàn gắn những vết thương qua thời gian và nghệ thuật. Tuy nhiên, ngay khi các vết nứt gãy từ những lần đổ vỡ trước tưởng như đã được liền lặn trở lại, đại dịch Covid-19 ập xuống gây hỗn loạn trên toàn cầu. Thế giới của họa sĩ Ann Phong lại rạn vỡ, kích hoạt cảm giác đã từng xảy ra và đồng thời mang đến những quan điểm mới. Để đối phó với những phiền toái mới nhất, Ann Phong đã xoay sang điều cô biết rõ nhất và làm tốt nhất: Cô vẽ.

3-Ann-Phong,Từ-Những-Bình-Minh-Đến-Những-Hoàng-Hôn.-Acrylic.,-30x59,-acrylic-2021

Từ những bình minh đến những hoàng hôn, 2021.

Acrylic trên vải bạt. 30 x 59 inches.

4-Ann-Phong,-2020-Không-Có-Dịch-Vụ,-48x80,-acrylic-with-found-objects,-2021

KHÔNG có dịch vụ, 2021.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 80 inches.


5-Ann-Phong,-Một-Mình-Trong-Lúc-Giữ-Khỏang-Cách,-28x24,-Acrylic-on-wood-panel-and-found-objects,-2020

Một mình trong lúc giữ khoảng cách xã hội, 2020.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 28 x 24 inches.


Trong các tác phẩm Từ những bình minh đến những hoàng hôn (2021); Một mình trong lúc giữ khoảng cách xã hội (2021); và KHÔNG có dịch vụ (2021), họa sĩ Ann Phong nắm bắt được cảm giác cô lập, gián đoạn, và những bất ổn sâu đậm mà đại dịch đã gây ra. Qua những bức tranh nói trên chúng ta nhìn thấy mình, thấy sự mệt mỏi của chính mình, của xã hội đang thay đổi của mình. Con vi khuẩn và các biến thể của nó đã làm gián đoạn các sinh hoạt hàng ngày cũng như cảm giác về địa điểm và quan điểm của chúng ta. Nó đã và đang lấy đi sinh mạng của những người thân yêu và trong vòng quen biết của chúng ta, làm vơi đi các tiếp xúc xã hội của chúng ta, và gây ra nỗi đau lớn lao về thể chất và tinh thần trên khắp thế giới. Những bức tranh của họa sĩ Ann Phong làm chứng cho thời kỳ khi những đường phố và nơi vui chơi sầm uất trở nên vắng bóng người; khi một số cánh cửa khép kín và đã không bao giờ mở lại; khi chúng ta thu mình nhỏ lại và tìm nơi ẩn náu trong nhà, giữ khoảng cách; khi chúng ta củng cố phạm vi an toàn của mình bằng chất khử trùng và khẩu trang trong khi con vi khuẩn tàng hình tiếp tục càn quét; khi các phương tiện điện tử của chúng ta trở thành cách duy nhất để duy trì các mối liên hệ; khi ngày và đêm chảy vào nhau và thời gian dường như đứng yên và tăng tốc cùng một lúc. Giữa những thay đổi đáng lo âu này và những mất mát to lớn về sinh mạng và sinh kế, chúng ta thấy mình mất phương hướng và phủ nhận sự thật, các thói quen của chúng ta hỗn loạn, nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta tăng cao. Bị xa rời và cách ly từ thế giới quen thuộc, chúng ta khao khát được trở lại sự bình thường của thời trước Covid. Tuy nhiên, những tổn thương phức tạp vẫn tiếp tục tích tụ. Những mất mát mà chúng ta đã trải qua không thể đảo ngược lại được.



Đại dịch cũng phơi bày và làm trầm trọng thêm những sự bất bình đẳng, bất công và căng thẳng trong xã hội của chúng ta. Tin tức về một số vụ cảnh sát giết người da đen và da nâu không vũ trang, sự gia tăng theo cấp số nhân của các vụ thù ghét chống người Châu Á, thảm họa môi trường do con người gây ra, sự siêu phân cực trong chính trị bầu cử, vấn đề tiêm chủng, và các chính sách về khẩu trang cuốn chúng ta vào một đường lòng vòng đầy các chấn thương.

6-Ann-Phong,-Trước-Khi-Nó-Là-Thiết-Yếu,-84x48,-acrylic-with-found-objects.-2020.1

Trước khi nó là thiết yếu, 2020

Acrylic với các đồ vật tìm thấy.

84 x 48 inches.


Như họa sĩ Ann Phong đã đề cập trong bài ghi nhận nghệ thuật của mình, là một phụ nữ Mỹ gốc Á Châu, cô cảm nghiệm các khủng hoảng phức tạp này sâu trong nội tâm. Đại dịch và các bất công chủng tộc đang diễn ra trong hiện thực làm nổi bật những mâu thuẫn gay gắt của xã hội Hoa Kỳ của chúng ta. Một mặt, đó là đất nước đã cho những người tị nạn và di dân như họa sĩ Ann Phong cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời. Mặt khác, họa sĩ Ann Phong nhận ra rằng quê hương thứ hai của mình cũng là một xã hội bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, và gãy vỡ, đầy rẫy các vết thương chưa được chữa trị từ những thảm họa mà nhiều thế hệ đã trải qua. Nhận thức đau lòng này buộc cô phải đánh giá lại mặt tiền hồng hào của thành ngữ “nồi pha trộn các văn hóa” và những câu chuyện về Giấc mơ Mỹ. Trong bức tranh Trước khi nó là thiết yếu (2020), họa sĩ Ann Phong đặt ra các câu hỏi quan thiết về những gì đi theo sau các cuộc vui chơi; những gì ẩn khuất sau tiền cảnh đầy ánh sáng; những gì mà đám đông huyên náo làm im lặng. Cô tự hỏi về những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo trong tư cách cá nhân và xã hội; về những gì chúng tiết lộ và che giấu. Cô nhìn vào bóng tối của nước Mỹ và khám phá ra một thực tế sững sờ: Ở đất nước này, những việc tưởng chừng như thông thường của những người thuộc các chủng tộc thiểu số có thể, và đã có những hậu quả chết người — đi bộ trên phố, dạo chơi trong công viên, ghé ngang qua tiệm tạp hóa ở góc phố.

7-Ann-Phong,Tôi-Không-Phải-Là-Con-Vi-Khuẩn,-40Hx30W,-acrylic-with-found-objects,-2021

Tôi không phải là con vi khuẩn, 2021.

Acrylic với các đồ vật tìm thấy.

10 x 30 inches.


Trong tác phẩm Tôi không phải là con vi khuẩn (2021), Ann Phong đối mặt với sự bài ngoại và thù ghét nhắm vào người Mỹ gốc Á Châu trong thời kỳ đại dịch. Là một tiếng kêu từ tâm can, tiêu đề của tác phẩm bác bỏ phản ứng kỳ thị liên tưởng vi khuẩn Covid 19 với cơ thể người Á Châu. Bức chân dung tự họa cho thấy người họa sĩ đang chìm sâu trong suy nghĩ. Ánh mắt cô nhìn xuống, ẩn sau chiếc mặt nạ hóa trang. Một chiếc khẩu trang y tế đeo lửng lơ ở phía bên phải khuôn mặt của cô. Bố cục đơn sắc này thể hiện cảm giác bất an khi bị gạt ra khỏi buổi tiệc hội nhập. Nhân vật cô đơn thể hiện sự đau buồn khi mất đi cảm giác an toàn và thuộc về xã hội, cùng lúc cô phải chiến đấu với những nỗi sợ hãi và lo lắng gây ra bởi sự hung hăng công khai và ngầm chống lại những người nhìn giống cô. Bức tranh cũng thoáng gợi lại ký ức trước đây, lúc trận đại dịch vừa bùng lên, khi nhiều người Mỹ gốc Á Châu, bao gồm cả họa sĩ Ann Phong, phải cân nhắc kỹ lưỡng những tác động của việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Đối với những người vô cớ bị đổ lỗi vì đại dịch, việc đeo khẩu trang vào thời kỳ mà điều đó còn là một khái niệm xa lạ ở nước Mỹ có thể dẫn đến sự sách nhiễu, phân biệt chủng tộc, và bạo lực.

Những lúc rắc rối này mang đến cho họa sĩ Ann Phong cảm giác mất mát, hoang mang và mất phương hướng. Những cảm xúc đó nổi bật trong tác phẩm Đừng ra ngoài vào đêm (Lời con gái của tôi dặn dò) (2021). Trong tranh, nữ họa sĩ đang ngồi giữa những cảnh quan thành thị ngổn ngan từ quá khứ và hiện tại của cô. Một vật thể giống như điện thoại phát ra ánh sáng trên tay cô soi sáng khuôn mặt lo âu của cô. Bố cục tranh dường như gợi ý rằng tin nhắn từ con gái nhắc nhở cô đừng ra đường khi trời tối đã dẫn đến một loạt hồi tưởng. Ở phía bên phải của họa sĩ, làn sóng sợ hãi dường như đang trỗi dậy, kéo cô trở lại giữa đại dương tối tăm và bão tố mà cô đã vượt qua bốn thập kỷ trước. Những nguy hiểm mà cô đã phải đối mặt trong quá khứ và đang đối mặt trong hiện tại cùng hội tụ tại một thời điểm, lôi cuốn người họa sĩ vào một chuỗi không gian-thời gian liên tục.

8-Ann-Phong,-Đừng-Ra-Ngòai-Vào-Đêm-(Lời-Con-Gái-của-Tôi-Dặn-Dò).-30x59.-acrylic.-2021

Đừng ra ngoài vào đêm (Lời con gái của tôi dặn dò), 2021.

Acrylic trên vải bạt. 30 x 59 inches.


Đã từng chiến thắng những cuộc đấu tranh và sự tuyệt vọng trong quá khứ, họa sĩ Ann Phong và các tác phẩm của cô mang đến cho chúng ta những hướng dẫn quý giá trong lúc chúng ta đối mặt với những thách thức đương đại của mình. Trong tác phẩm Bóng tối không thể xua lùi bóng tối (2019), Ann Phong tìm thấy sức mạnh từ những trải nghiệm trước đây và niềm lạc quan đã giúp cô vượt qua những thời điểm khó khăn. Cọ vẽ, màu sắc, và khung vải của cô đã triệu vời một bông hoa rực lửa thắp sáng cả màn đêm như ngọn hải đăng của hy vọng. Món quà này nhắc nhở chúng ta rằng nhân loại - được thể hiện bằng những đôi chân trần quay quần bên hoa lửa - đã trải qua những thời kỳ tăm tối trước đó và ngọn lửa hy vọng vẫn cháy sáng. Đồng thời, tâm điểm của hình ảnh mạnh mẽ này truyền tải một thông điệp khác. Bố cục các đôi chân trần đứng ngay giữa trung tâm đóm lửa nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở giữa nhiều thảm họa. Khi chúng ta ưu tiên lo cho những điều gần đây nhất, chúng ta không được quên các công việc chưa hoàn thành mà chúng ta đã bắt đầu trước khi bị những sự gián đoạn.

9-Ann-Phong,-Bóng-Tối-Không-Thể-Xua-Lùi-Bóng-Tối,,-60x48,-acrylic-on-un-stretched-canvas,-2019

Bóng tối không thể xua lùi bóng tối, 2019.

Acrylic trên vải bạt. 60 x 48 inches.


Một trong những mối quan tâm trước đại dịch của họa sĩ Ann Phong là tác động tàn phá của con người đối với môi trường. Trong hai tác phẩm Vùng đất bị tàn pháChúng ta làm hại nhiều hơn tốt (2021), cô quay lại những vấn đề cấp bách này với sức thuyết phục và sự khẩn trương mới tìm lại được. Những nét cọ và màu sắc ấn tượng và tràn đầy năng lượng của hai bức tranh khổ lớn này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng các vấn đề môi trường của chúng ta vẫn chưa biến mất trong thời kỳ đại dịch. Trên thực tế, đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm hiện có. Điều này hiện rõ trên các bức tranh, chúng ta đang đổ thêm rác mới vào các bãi rác và đại dương — khẩu trang, hộp đựng thức ăn mang đi, vật liệu đóng gói mua hàng trên mạng. Trong bối cảnh đó, tiêu đề của cuộc triển lãm, Đánh giá lại sự bình thường, nhắc chúng ta nên suy nghĩ lại về thói quen của mình và chỉnh đốn lại đường lối của chúng ta. Chúng ta có nhiều việc phải làm.

10-Ann-Phong,-Vùng-Đất-Bị-Tàn-Phá.-Acrylic-with-found-objects,-48x80,-2021

Vùng đất bị tàn phá, 2021

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 80 inches

11-Ann-Phong,-Chúng-Ta-Làm-Nhiều-Điều-Hại-Hơn-Tốt,-48Hx60W,-acrylic-with-found-objects,-2021

Chúng ta làm nhiều điều hại hơn tốt, 2021

Acrylic với các đồ vật tìm thấy. 48 x 60 inches

12-Ann-Phong.-Công-Lý-Nằm-trong-Xương-Của-Chúng-Ta..-Acrylic-on-wood-panel.-48x20,-2019

Công lý nằm trong xương của chúng ta, 2021.

Acrylic trên khung gỗ. 48 x 20 inches.

Chính vì còn nhiều việc phải làm nên chúng ta không thể để sự đau khổ làm chúng ta bất động quá lâu. Các tác phẩm của họa sĩ Ann Phong kêu gọi chúng ta hành động; đánh giá lại tất cả những gì chúng ta đã coi là sự đương nhiên; ghi nhận những gì chúng ta đã mất đi và đạt được khi đối phó với những nghịch cảnh của thời đại này; nhìn thấy bản thân chúng ta trên bìa vực của sự thay đổi; và dũng cảm quyết tâm chọn những quyết định khôn ngoan có thể giúp giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Trong giây phút mất mát, đau đớn, bất hòa, kiệt quệ, và cô lập lớn lao này, chúng ta phải cố gắng chữa lành cho cá nhân và tập thể, để chúng ta có thể xây dựng lại một tương lai nhân ái, công bằng, và bền vững hơn. Các cuộc khủng hoảng hiện tại đã phá vỡ các định mức của chúng ta trước đây, nhưng chúng cũng buộc chúng ta phải dừng lại, suy ngẫm, tìm lại sự sáng suốt, và định hướng lại bản thân. Như họa sĩ Ann Phong đã nhắc nhở trong tác phẩm Công lý nằm trong xương của chúng ta (2021): Nhân loại luôn khao khát ánh sáng và công lý vì những điều đó mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Để đạt được ánh sáng đó và tìm được công lý, chúng ta phải vượt qua những thi thể mà sự tàn phá đã để lại. Hãy để điều này tiếp tục là chiếc la bàn hướng dẫn chúng ta vượt qua thời gian đang chuyển biến. Chúng ta có nhiều việc phải làm.

*Bài này do TS Trần Tuệ Quân viết cho Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật tại Đai học Cal State Fullerton nhân dịp cuộc triển lãm 'Ann Phong: Đánh Giá Lại Sự Bình Thường.' Cuộc triển lãm sẽ được thực hiện từ ngày 12 tháng 3 đến ngày 21 tháng 5 năm 2022 tại Phòng trưng bày Begovich. Bài viết và các hình ảnh chỉ được sử dụng cho việc giáo dục mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.
Vào chiều ngày 3 tháng 9, 2024, tại rạp Frida Cinema, thành phố Santa Ana, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) chính thức khởi động Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2024 (Viet Film Fest-VFF), sự kiện phim ảnh quốc tế thường niên lớn và lâu dài nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đội Los Angeles Lakers vừa công bố kết quả cuộc thi tuyển nghệ thuật “Lakers In The Paint - 2023-2024”, nhằm vinh danh mười nghệ sĩ da màu từ khắp khu vực Los Angeles như một phần của chương trình nghệ thuật thường niên của đội nhằm ghi nhận, hỗ trợ và nâng cao tinh thần cho các nghệ sĩ đến từ các cộng đồng thiểu số. Trong mười họa sĩ trúng tuyển, có hai họa sĩ gốc Việt, gồm họa sĩ Ann Phong và Michael Trần Thế Khôi, và 8 họa sĩ từ các cộng đồng đa dạng Abby Aceves, Estefania Ajcip, Jessica Taylor Bellamy, Daryll Cumbie, Derick Edwards, Megan Gabrielle Harris, Marlon Ivory, Larry Li
Khán thính giả yêu nhạc Từ Công Phụng sẽ có dịp nghe nhạc, mua sách, gặp mặt, được ký tặng sách tại hai buổi chiều cuối tuần Thứ Bảy 21/09 và Chủ Nhật 22/09/2024, từ 2:00 PM đến 6:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Báo Người Việt (14771 Moran St. Westminster) qua chương trình nhạc để giới thiệu Tuyển Tập Tình Khúc Từ Công Phụng. Đây là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của Từ Công Phụng trước và sau 1975, cùng những bài viết về người nhạc sĩ tài hoa này từ người thân và bằng hữu.
Vào tối ngày Thứ Bảy 31 tháng 8 tới đây, tại sân khấu ngoài trời Garden Grove Amphitheater (12762 Main Street, Garden Grove CA 92843), Đài Truyền Hình SBTN, hội thiện nguyện Bên Em Đang Có Ta sẽ có một sự kiện đặc biệt dành cho những người yêu nhạc: Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024 (SBTN Music Festival). Nhiều ca sĩ hải ngoại nổi tiếng sẽ có mặt để cống hiến một chương trình ca nhạc đặc sắc cho khán giả. Hai ca nhạc sĩ Sỹ Đan, Việt Khang đã có cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với Việt Báo, chia sẻ tâm tình của mình về Đại Hội Nhạc Trẻ Mùa Hè 2024.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
Vương Trùng Dương, tên khai sinh là Trần Ngọc Dưỡng, sinh đầu tháng 2 năm 1945 (âm lịch tuổi Giáp Thân) tại Quảng Nam. Gia đình của Dương, từ lâu, định cư tại Chợ Được, một ngôi chợ khang trang nằm bên bờ sông Trường. Chợ cũng là bến ghe thuyền. Đò dọc theo sông dài, đò ngang qua bên kia sông là vùng ven biển Đông. Gần biển, những đêm mùa đông, trong chiếu chăn hãy còn nghe tiếng sóng biển ầm vang.
Nhà xuất bản nổi tiếng của Hoa Kỳ Barnes and Noble vừa phát hành cuốn hồi ký 500 trang của Kiều Chinh. Giới văn chương Mỹ gọi cô là nghệ sĩ lưu vong. Tra cứu trên Internet chúng ta thấy bản văn Anh ngữ nhà Barnes khen ngợi tác giả. Bản văn Việt Ngữ khen ngợi cô Kiều Chinh do nữ đại úy Phan của quân lực Mỹ viết. Cuốn hồi ký đặc biệt này đã ghi bán 30 đồng giấy thường và sách bìa cứng giá 40 đồng. Đại úy Phan là nữ quân nhân trẻ hiếm có đọc được cuốn hồi ký tiếng Việt đã ước mong rằng sẽ có phiên bản Anh Ngữ sớm phát hành.
Khi nói đến âm nhạc, người ta thường liên tưởng đến khái niệm về “tâm hồn” hay “cảm xúc”. Khi nói đến giáo dục lại thường liên kết với “trí tuệ”. Một bên là nghệ thuật, một bên là tri thức. Một bên là những chàng nghệ sĩ, một bên là những nhà mô phạm. Thực ra hai lĩnh vực này có nhiều khi đan lẫn, kết hợp với nhau. Âm nhạc là một ngành học với học vị lên tới tiến sĩ, không thua kém gì học bác sĩ, kỹ sư. Và khoa học đã chứng minh từ lâu rằng học âm nhạc góp phần phát triển khả năng trí tuệ toàn diện cho trẻ em.
Cuốn phim Từ Sài Gòn đến Điện biên Phủ cũng được ra mắt lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Phim do hãng Mỹ Vân hoàn tất tại Việt Nam trước 1975. Chưa từng chiếu được giữ lại trên 50 năm qua sẽ ra mắt đồng bào rất may mắn tại San Jose. Xin mời đến để gặp Kiều Chinh và Sài Gòn sau hơn nửa thế kỷ. Vào 1 giờ chiều thứ bẩy 27 tháng 7-2024 tại hội trường Santa Clara County
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.