Thơ Khánh Trường: “Một Vạt Nắng Trong”

18/04/202422:30:00(Xem: 6316)
Thơ KT
Bìa tập Thơ Khánh Trường. Sách dày 242 trang.
Do NXB Mở Nguồn phát hành. 

 

Sáng sớm Chủ Nhật, điện thoại gõ nhẹ, nhìn vào messenger thấy dòng chữ nhắn tin từ chú Khánh Trường: “Tập thơ in xong rồi. Ghé lấy nhé.” 30 phút sau tôi ghé nhà, chú chỉ lên kệ sách: “Chỉ mới in 3 cuốn. Cháu cầm 1 cuốn về đọc trước.” Mở trang đầu dưới dòng chữ THƠ KHÁNH TRƯỜNG là hàng chữ “Tặng cháu, Nina Hòa Bình Lê”.  Cảm động. 
 
Bài viết này xin có lúc được gọi Chú, xưng cháu.
 
Thú thật tôi chỉ thật sự tìm đọc Khánh Trường trong những năm gần đây, sau khi thường xuyên lui tới thăm hỏi chú sau khi tờ Việt Báo chuyển thành tuần báo văn học nghệ thuật. Trước kia đọc đây đó những mẩu truyện ngắn, dài trên các trang mạng, những trang sách với khá nhiều tình tiết bạo lực và dục tính không lôi cuốn tôi mấy, dẫu bản thân luôn thán phục tinh thần làm báo dấn thân lì lợm và công trình HỢP LƯU “dày cộm” cũng như những đóng góp khai phá của người chủ biên, tạo khung trời mới vun xới những cây bút chủ lực cho nền văn học hải ngoại và trong nước.
 
Với nhiều kỳ tích, người viết người đọc không ai xa lạ với cái tên Khánh Trường. Khánh Trường-Nhà Văn, ngang ngược tung hoành trong 25 cuốn sách. Khánh Trường-Nhà Báo, lì lợm qua 12 năm Hợp Lưu gai góc. Khánh Trường-Họa Sĩ, ngỗ nghịch trên 400 bức tranh sơn dầu táo bạo. Và Khánh Trường-Nhà thơ, với tập thơ mới “THƠ KHÁNH TRƯỜNG” do NXB Mở Nguồn vừa phát hành, dày 242 trang. Liệu bức chân dung Khánh Trường-Nhà Thơ có đủ đậm nét so với những bức chân dung Khánh Trường khó bì khác?
 
Thật ra, đây không phải là tập thơ đầu của Khánh Trường, như trong lời mở, Khánh Trường viết: “Tôi làm thơ rất sớm, và nhiều, từ năm mười sáu tuổi đến nay đã ngót sáu mươi năm, nhưng vẫn nghĩ thơ mình tầm thường, làm chỉ cho riêng mình như một hình thức ghi lại những biến cố đã trải nghiệm hoặc ngẫu hứng, cốt vui.” Tập thơ đầu ”Đoản Thi Khánh Trường” ra đời 42 năm trước khi Khánh Trường mới đến Mỹ mà theo ông chỉ vì nhà in nơi ông làm việc đang “ế”. “Với tôi, vẽ, viết văn xuôi hay làm thơ chỉ cốt vui, không có tham vọng đi vào văn học sử. Tập thơ này cũng thế.”
 
Tập “Thơ Khánh Trường” ra đời chỉ để “Vui thôi mà”, gồm ba phần: Phần 1: Ngẫu Hứng. Phần 2: Mai Anh Về Miền Trung & Những Bài Thơ Khác; và Phần 3: Khổ Lụy.
 
Ngẫu Hứng là phần tôi thích nhất, tập hợp những bài thơ ngắn “bất chợt nẩy ra trong đầu”. Thơ được viết tự nhiên, không màu mè, không cơ bắp, không gồng, không làm dáng. Là phần mở đầu, Ngẫu Hứng cũng là phần tách riêng khỏi tập thơ, ở một vùng đất cao hơn, trên một khí hậu tươi mát, có nhịp sống tâm linh riêng. Trong khuôn khổ bài này xin chỉ đọc phần “Ngẫu Hứng”.
 
Ngẫu Hứng, theo tác giả, là những “ngẫu hứng đến không hẹn trước”, gồm một số bài đã được in trong tập Đoản Thi Khánh Trường xuất bản 40 năm trước, và một số bài thơ ngắn rải rác khác trước đây chỉ được viết xuống, hoặc chỉ nằm trong trí óc, nay được gom lại đưa vào sách.
 
một đài mai trắng nở
run bên bờ tử sinh
một đài mai trắng nở
rực sáng nghìn tạng kinh
 
Bài thơ bốn câu có tựa “tuệ mai” mở đầu phần ngẫu hứng cũng như mở đầu cuốn sách đã ngay tức thì đưa tập thơ vào một cõi giới riêng, nơi Khánh Trường-Nhà văn luôn gồng mình thách thức với đời hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho Khánh Trường-người họa sĩ tài ba đưa nét cọ vào thơ, vẽ nên bức tranh tâm linh vừa tĩnh vừa động, phản ảnh một tiến trình sinh, tử, tiến hóa, “một đài mai trắng nở”, một “rực sáng” trí tuệ, âu cũng là một sự giác ngộ/tái sinh của một Khánh Trường-Nhà thơ, chân phương như đất:
 
Ngả lưng gối lá nhìn trời
nắng muôn sợi nhỏ rơi rơi đầy hồn
 
Ở đây, nhà thơ của chúng ta an nhiên chan hòa:
 
cúi hôn em – cảm ơn đời
cảm ơn hạnh phúc tuyệt vời chim bao
cảm ơn sợi tóc ngọt ngào
ngủ trên buồng ngực xôn xao nhịp trầm
 
Ở đây, ở trong thơ, không còn chút bóng dáng của một Khánh Trường ngang ngược bất cần, thay vào đó là một tâm hồn yên phận, ví mình như một kiếp cây:
 
người là bóng mây
giăng ngang trời rộng
ta là kiếp cây
trên đồi gió lộng
 
người là cánh chim
bay ngoài biển rộng
ta đứng lặng chìm
ôm nỗi tình không
 
ôm chút tình không
ủ đời giá lạnh
như sợi nắng hồng
rơi ngoài mênh mông
 
Làm sao có thể không xúc động khi nghĩ đến hình ảnh Khánh Trường ngồi yên lặng trong căn phòng tối nhìn cuộc đời đi qua, thân xác ở bên trong 4 vách tường nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn rong ruổi ngoài kia “như sợi nắng hồng”, để rồi sẽ “rơi ngoài mênh mông”.
 
Ai đó đã nói, thơ là tiếng vọng, là lời mời gọi bóng hình nhảy múa, thơ Khánh Trường có những ngẫu hứng như thế, giữa những tháng năm cằn cỗi vẫn mọc những “nụ xanh”:
 
có đêm trăng rải lụa mềm
có cây nhớ gió bên thềm tịch liêu
có đời rộng cánh tay yêu
có ta cành nẩy ít nhiều nụ xanh
 
hay
 
ngồi bên song cửa
nhìn người đi qua
ô vườn hồn ta
một bông hồng nhỏ
bắt đầu mãn khai
 
So với Khánh Trường-nhà văn, Khánh Trường-nhà thơ của chúng ta lành hơn, hoà hoãn và cũng dịu dàng với chính mình hơn:
 
quanh co dốc đá rêu mù
vực thăm thẳm đáy non mù mù sương
dừng chân bối rối tìm đường
chừng như dấu cũ trong sương đã nhòa
 
hay
 
gối đầu trang sách mỏng
thả khói bay vật vờ
nương hồn qua bến lạ
ta lạc ta nữa rồi
 
Cái ta của Khánh Trường là cái ta của cả một tiến trình biến động, từ những than oán vùng vẫy sau cơn tai biến:
 
nghe trong thể phách lụy phiền
máu cao niên đổ mưa điên trận sầu
nghe ngoài tịch mịch vó câu
gõ như búa nện trên đầu áo quan
nghe ra thôi đã muộn màng
tiếng con chim bệnh bàng hoàng kêu thương.
 
Đến những phút giây xăm xoi, tự kiểm lại bản thân:
 
ta có hai lỗ tai
cộng thêm hai con mắt
nhưng nhiều khi quá quắt
tai chẳng thuận điều ngay
mắt không nhìn nẻo thẳng
 
Cái ta biến đổi theo định mệnh, từ một cái ta ngang tàng, lăn lóc không khuất phục, đến một cái ta của những tháng ngày “mỗi sáng buồn so”.
 
ta ngồi trong động trông ra
dưới sâu mây phủ bóng tà huy bay
nghĩ đời một cuộc tỉnh say…
 
Những ai thường xuyên đến thăm Khánh Trường, quen thuộc với hình ảnh chú yếu gầy ngồi im lìm trên xe lăn trông ra trời rộng thật không khỏi chạnh lòng:
 
ngoài vuông kiếng đục mưa mù
ngồi im như tượng hồn thu xác gầy…
 
Trong căn nhà nhỏ im lìm, giữa bốn vách tường, trong bệnh viện, hay trên ghế nằm chạy thận, khi ngồi đợi xe rước đi lọc thận, chờ xe rước về, những “ngẫu hứng” thơ đến và đi cũng chính là tâm trạng của một người đã “từ bỏ cuộc chơi”, sống với “cái ta mãn cuộc”:
 
lăn trong cõi sống vô tình
có khi chỉ một cái hình phù du
loay quay ăn ngủ mệt đừ
muôn năm chẳng hiểu chân như chốn nào
 
Làm sao có thể hiểu được, khi chính mình ngồi một chỗ nhìn bạn bè khỏe hơn, trẻ hơn từ từ ra đi, ngậm ngùi cho bản thân:
 
ta có hai bàn chân
đi hoài không tới đích
ta có một sợi xích
trói hoài đôi cánh tay
ta có một cơ may
sống hoài như giẻ rách.
 
Có chút chua cay, mỉa mai cho một số phận nghiệt ngã, từ những lăn lộn dày dặn của một người chí khí bất thuần, đến hình ảnh bánh xe lăn, sợi xích, và chiếc giẻ rách, sao vẫn cứ phải sống, vẫn phải lăn theo cuộc đời. Có lẽ vì cuộc đời tuy bất trắc cũng không thiếu những dịu dàng:
 
vẽ em trán ngọc tay ngà
đường ngôi chẻ giữa tóc pha hương trầm
vẽ em răng khểnh duyên thầm
môi non mộc dược má dầm tuyết sương
vẽ em vẽ bóng vẽ hình
làm sao vẽ được cái tình xưa sau?
 
“Cái tình”, có lẽ đây là thứ duy nhất còn đọng lại sau bao nhiêu tai biến, được thua, mất mát. Cái tình của thế gian, của gia đình, của bạn bè văn hữu, cái tình của người đọc, người thưởng ngoạn, cái tình thủy chung son sắt của người bạn đời luôn bên cạnh, là lượng máu bơm đầy trái tim, giữ cho chiếc rương châu báu trong tâm hồn người thơ vẫn tràn đầy, cho "vạt nắng" vẫn "trong", để Khánh Trường-Nhà thơ của chúng ta cuối cùng vẫn y bản Khánh Trường, bằng cách nào đó, vẫn ngông:
 
ta có một trái tim
bơm hoài một lượng máu
ta có một kho báu
cho hoài sao chẳng vơi?
 
Sau cùng thì người nghệ sĩ là một trong những kẻ hào phóng nhất, luôn chăm chỉ với sứ mệnh tô đẹp thế giới, cuộc đời. Vẽ hoài. Viết hoài. Cho hoài.
 
Riêng cảm ơn chú đã treo cho cháu “một vầng trăng mơ”.
 
Nina HB Lê
 
*Toàn bộ chữ nghiêng trong bài là chữ của Khánh Trường.
** Độc giả có thể mua sách tại: https://www.barnesandnoble.com/w/th-417-kh-nh-tr-432-7901-ng-khanh-truong/1145194277?ean=9798869273086

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
sắc màu huyễn ảo như áo em trong mơ | xuân hạ vu vơ | buổi sáng bận lòng thiếu chữ bài thơ
Những hệ lụy cuộc đời | Có khi là hạnh phúc | Mỗi một phút gọi mời | Đau thương và ngã gục
Như thế là qua những ngày tròn 50 năm sau ngày ba mươi tháng tư của năm 1975. Tôi nghiệm ra một điều rằng, đó là những con số rất ít người quên, và rất nhiều người sử dụng các con số trong nhóm 30/4/1975 để dùng trong tên (username) và mật khẩu (password) trong các ứng dụng tin học. Thêm nữa, bạn sẽ thấy rằng những con số này khi viết thành số và khi viết thành chữ sẽ cho bạn các cảm xúc khác nhau. Trời ạ, khó quên tới như vậy sao.
tôi rị mọ lục lọi trí nhớ | chỉ còn năm ba mảng vớ vẩn bâng quơ | ai thương hại quăng vào tôi | và tôi không kịp né
Tôi quay đi | những đứa bé còm cõi ngày mai sẽ ra sao | có thở hơi cuối cùng trong vòng tay bê bết căm hờn và nước mắt | có để lại anh trai nghiến răng thể thốt | một ngày lớn khôn trả truyền kiếp hận này
Hôm qua ta đau cái lườn | Mưa đâu thấm lạnh vào | Sương | Miệt mài
3 giờ sáng thức dậy làm gì? Này cái xác mỏi mệt. / Chuột rút bắp chân. / Lấy gân. / Đạp không rớt nỗi niềm. / Điếu thuốc hút nửa chừng trong mơ nhắc điềm nhớ lần mẹ cấm hút thuốc. / Con bỏ thuốc lâu rồi nhưng hút trong chiêm bao. / Hơi thở tình nhà đã ám sâu trong phổi. / Những tối chờ khuya, chờ mẹ ngủ, mẹ chê khói hôi, thơm đến mê hồn. / Mẹ dạy mười điều con chỉ làm được một. / Rồi đột nhiên xa cách cả đại dương. /