Trang Thơ Tháng Ba

03/03/202315:24:00(Xem: 1816)
AutoStyle-Louis Soutter (1871-1942)
Autostyle của họa sĩ Louis Soutter (1871-1942).



QUẢNG TÁNH TRẦN CẦM


 

ngày mùa đông

 

1.

thơ viết buổi tối rất đen

đen cháy / đen mun / đen than / đen lọ nồi

nàng nói đen như huyền thoại

đen như phim noir

chậm chạp nhỏ từng giọt trong bầu khí quyển căng thẳng

đôi khi vương ánh nến chập chờn

trong những giờ phút chờ đợi rạng đông bừng sáng. 

 

2.

mưa nơi này  ̶ ̶ ̶  như tôi biết  ̶ ̶ ̶  không nhiều

nhưng gần đây có thể dai dẳng cả ngày đêm

nàng kéo cao cổ áo

sáng nay thức dậy chợt thấy chứng sổ mũi viêm họng và

cơn ho tức ngực không còn

không là hoang tưởng

mùi huệ trắng thật thà nồng ngái

lan tỏa cùng khắp phòng đợi

khoảng không bỗng nhiên chơ vơ xa cách mênh mông

chờ đợi lời chia tay sau cùng và những giọt nước mắt

chấm phá trên bức thủy mặc bến bờ thiên thu hiu quạnh. 

 

3.

bia hơi bên bia đá

những chân nhang bạc màu bụi tro vương vãi

buổi chiều vẩn vơ trong nghĩa trang

trời sụt sùi chuyển mưa

bóng người xiêu đổ trong cơn mất trí tập thể

thời tiết mùa đông ở đây bất định

nhẫn nhục chịu đựng nỗi ám ảnh không rời.

 

4. 

hạnh phúc là vạt nắng lấp lánh linh hoạt ngày mùa đông

bên hành lang dài sâu thẳm

bất chấp giấc mơ lênh đênh xuyên suốt giấc ngủ vùi

buổi trưa bước qua dòng cảm xúc tươi mát 

lẫn lộn đôi chút ngờ vực

những khuôn mặt / tiếng nói / điệu cười / danh tính

lảng vảng chập chờn  ̶ ̶ ̶  nghe chừng xa lạ bỗng dưng gần gũi

có phải hạnh phúc đến khi chúng ta không tìm nó? 

 

Quảng Tánh Trần Cầm

 

*

 

THY AN

 

 

Bạc tóc đèn đêm

 

đốt cháy niềm tin như đốt sợi tóc

bốc lên mùi khét

kêu cái xèo ngắn gọn

rồi xong

kỳ vọng làm chi ở những bám víu và vá víu

thời gian đang xói mòn hoài niệm

và ký ức bị lủng một lỗ quá to

 

làm thế nào định vị trái tim thật thà nhất

giữa rừng hoa hay rơm rạ

để treo lên đỉnh ngọn làm thần tượng tôn thờ

hơi hám văn minh không đủ an ủi  

chỉ đem lại thật nhiều ảo tưởng như rượu và thơ

cạn ly tửu trần chữ nghĩa

khác chi giọt nước mưa rơi xuống giếng đời

bằng hữu xôn xao rồi bặt tiếng

 

chui vào hang động đầy góc tối

trăng soi trăm ngàn hình vật biến dạng

một đống câu hỏi chập chùng

chồng chất tình yêu, gia đình, bản ngã, quê hương

mấy con đường xao động đáy sâu tri kỷ

 

nỗi buồn vẽ lên những dấu hỏi và chấm than

cô đơn bạc tóc đèn đêm…

 

 

Chữ nghĩa đàn hồi

 

ta chạy nhảy với con mắt mù vì vui

có sáng ngời bao nhiêu cũng không thấy con đường mê lộ

ta cười to với trí khôn bị giam tù

tiếng át cả lương tâm bé nhỏ

ta nâng ly rượu nồng vô cảm

đắng trái tim chiều đông

và trôi bềnh bồng

nhẹ như rơm rạ

 

máu chảy nhưng ruột chưa mềm

miệng lưỡi dẻo như cao su

chữ nghĩa nghe tội nghiệp đàn hồi

lăn trầm như viên sỏi

không ngóc đầu lên nổi

 

vung tay đánh gió thấy đau

mùa bao dung chạy vòng vòng xin lỗi

cẩu một thánh giá hay tượng Phật

treo lên cao và ngắm

ve vuốt

đồi xanh có bóng ai qua nhanh

 

thy an

 

*

 

VĨNH  NGỘ

 

Chào em

 

Chào em buổi sáng tinh khôi
Chào anh buổi tối lên đồi thẩn thơ
Chào cô một mối tình hờ
Chào người giã biệt đừng chờ đợi nhau

Chào em thấp thoáng ngày sau
Chào anh sám hối lên cầu lang thang
Chào ai chưa hết bẽ bàng
Chào người đã hết nợ nần gì đâu

Chào ai còn chạnh lòng đau
Chào ta lòng vẫn còn sầu tư hương
Chào người đi hết con đường
Chào em ở lại hết buồn hết mong.

Chào anh một thuở long đong
Chào em một dạ một lòng chờ ai
Chào ai còn sợ ngày dài
Chào ta chào hết cảnh đời trầm luân.

Chào em buổi sáng phân vân
Chào người buổi tối tần ngần chưa đi
Chào sương còn đọng rèm mi
Còn chào ai nữa, xuân thì đã qua.

 

Vĩnh Ngộ

 

*

 

NGUYỄN HÀN CHUNG

 

 

Trung úy và trung sĩ

 

Thi rớt răng khểnh bỏ tôi

dạo phố với chàng trung úy

 

Bây giờ trung úy đã già

tôi hoài đeo lon trung sĩ

trung sĩ vẫn còn ngơ ngơ

ngó nàng bón cơm trung úy

trung sĩ trở thành nhà thơ

lưu vong cuối trời xứ Mỹ

 

Năm mươi năm đã qua rồi

chiều nay một cựu trung sĩ

ngâm bài thơ gió mồ côi

gửi sóng tình về cố lý

 

Không biết trung úy phu nhân

đọc thơ ghét mình không nhỉ!

 

 

Thề không triệt sản

 

Bây chừ anh sang nước Mỹ

Lắp bắp cũng thành công dân

Sao em giục anh triệt sản

Không cho anh đẻ tản thần

 

Triệt sản anh còn cái xác

Hoặc như mới vừa thai sinh

Anh cứ hoài thai rụng trứng

Không em anh đẻ một mình

Anh đẻ trong niềm phấn hứng

Con bầy nhưng cũng khá xinh

 

Không tin em hỏi bạn hữu

của anh trên khắp hành tinh

Bạn trai cũng như bạn gái

Sao anh triệt sản cho đành!

 

Anh xin thề không triệt sản

Trời cho cứ đẻ tành tành

Miễn không đẻ loài phản bạn

Suốt đời dối trá lưu manh

 

Anh đẻ và anh dạy dỗ

con yêu đất nước của mình

chung lưng với người đói khổ

phận đời trôi nổi điêu linh

 

Chín mươi nếu anh còn sống

Vẫn đẻ, em đừng cấm anh!

 

Nguyễn Hàn Chung

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đau lòng nhất là tái ngộ với anh chị Phan Xuân Sinh-Thiên Nga sau 20 năm xa cách trong một buổi gặp gỡ với ACE văn nghệ vùng Houston, Texas vào trưa ngày 17 tháng 2 năm 2024, ngay ngày hôm sau anh phải nhập viện khẩn cấp vì bệnh tim mạch. Nằm hôn mê sâu 10 ngày vô phương cứu chữa, anh lặng lẽ từ giã cõi đời trong niềm thương tiếc của vợ con và bằng hữu. Ghi lại một vài chặng tương tác thân tình với anh Phan Xuân Sinh những ngày trước, như một nén tâm nhang tiễn đưa bạn hiền về nơi chín suối...
Lê An Thế -- Một du tử làm thơ, từ bao năm nay, tưởng xa xôi, nhưng rất gần. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Xôn xao chút nắng chiều xưa / Nghe ra câu hát đẩy đưa bạt ngàn / Tiếng dần xa, tiếng vọng còn… / Bóng sầu theo những véo von trùng trùng...
Cứ thử đi, ngươi không thể hủy diệt di tích vĩnh hằng của trái tim con người-tình yêu. (Victor Hugo)...
nước Việt dù vui hay buồn | cũng là thứ | mẹ không còn sở hữu | tài sản của bà không nhiều như vậy | tài sản hôm nay ở trên thân thể con người | khi cần, có thể mang thế chấp hay bán đi | là những thứ mà bà không còn giữ được
Chiều 30 tháng Chạp Giáp Thìn, đọc và nhớ thi sĩ Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng Năm, Bính Thìn, 1916, mất ngày 6 tháng Chín, Bính Thìn, 1976 - nguyên vẹn con rồng.
Việt Nam từ xưa theo nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nên thời vụ của cây trái hoa lúa lập trình nhịp sống con người, từ nếp sống cho đến những tin tưởng tâm linh. Khi đồng lúa nghỉ ngơi, hoa đào hoa mai chớm nụ đầu mùa, người dâ n quay về tụ tập vui chơi ăn uống, từ đấy mà có một mỹ tục gọi là Tết (được phiên âm theo chữ Hán là Tiết, có nghĩa là đốt tre đốt trúc, nghĩa rộng là một đoạn thời gian trong năm), rơi vào lúc cuối một năm, thời điểm kết sổ và dấy lên niềm hy vọng cho năm mới. Gần đây có người đặt vấn đề có nên bỏ tục ăn Tết không. Tại sao vậy? Cây cỏ còn sửa mình để thay lá đơm hoa đón khí tiết đẹp của trời đất, can cớ chi con người phải bỏ niềm vui mừng đón năm mới với một mỹ tục đẹp đẽ là Ăn Tết? miễn là đừng Tháng Giêng là tháng ăn chơi (ca dao) thôi.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và đã bị cầm tù trong nhiều năm. Năm 1998, Hòa Thượng được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Hòa Thượng là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Hòa Thượng được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật, được coi là nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đã soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.