NHÀ THƠ SINH NĂM TÝ - TẢN ĐÀ

24/01/202000:00:00(Xem: 5416)
TanDa_49
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu


Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1888 (tức ngày 29 tháng 4 năm Mậu Tý), tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nơi có núi Tản sông Đà. Thân sinh ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ Cử nhân, từng giữ chức Ngự sử trong kinh. Mẹ là Lưu Thị Hiền, cũng có sách ghi là đào Nghiêm, vốn là một đào hát, nổi tiếng tài sắc, giỏi văn thơ.

    Vốn dòng khoa bảng tài hoa,  Tản Đà nổi tiếng thi phú từ nhỏ, nhưng hai lần đi thi đều hỏng,  từ năm 28 tuổi,  Tản Đà quyết định sống bằng  nghề cầm bút, vào Nam ra bắc làm báo: viết  tuồng cho các  đoàn hát, làm chủ bút  Hữu Thanh tạp chí, lập nhà sách nhà in Tản Đà thư cục, sáng lập An Nam Tạp chí,  số 1 ra ngày 1/7/1926. Đây là tờ tạp chí đầu tiên chuyên về văn học tại Việt Nam.

    Báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn nhiều lần vẽ hí hoạ chê Tản Đà là thi sĩ theo kiểu “tửu nhập thi xuất.” Bị đả kích là chán đời, yếm thế, ông nói  trongmột lần diễn thuyết để trả lời Phạm Quỳnh, “Người mà không biết chán đời thì có khác gì lợn.”

   Những năm cuối đời, Tản Đà sống nghèo khổ và báo Ngày Nay mời ông dịch Đường thi trong hai năm 1937 -1938. Nhờ vậy mà có bản dịch Hoàng Hạc Lâu tuyệt tác. Thi sĩ mất vì bạo bệnh ngày 17 tháng 6 năm 1939, khi mới 51 tuổi.

 

Khai Bút Năm  Canh Thân 1920

 Năm nay tuổi đã ba mươi hai

Ta nghĩ mà ta chẳng giống ai.

Khắp bốn phương trời không thước đất,

Địa cầu những muốn ghé bên vai!

  

Khai bút năm Tân Dậu 1921

Năm nay tuổi đã ba mươi ba

Ta nghĩ mà ai chẳng giống ta.

Lo nước, lo nhà, lo thế giới,

Còn thêm lo nợ, nghĩ chưa ra!

 

Mậu Thìn xuân cảm

 

Cuộc thế xoay quanh đất một hòn

Sông chưa cạn đó, núi chưa mòn.

Dân hai nhăm triệu, ai người lớn ?

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Cám cảnh khói mây mờ mặt biển,

Lo đời sương tuyết bạc đầu non.

 

Ngày Xuân Tương Tư

 

Trách cái tằm xuân nhả mối tơ

Làm cho bối rối mối tương tư.

Sương mù mặt đất người theo mộng,

Nhạn lảng chân trời kẻ đợi thư.

Nghìn dặm dám quên tình lúc ấy

Trăm năm còn nhớ chuyện ngày xưa.

Tương tư một mối hai người biết

Ai đọc thơ này đã biết chưa?

  

Ngày xuân thơ rượu

 Trời đất sinh ra rượu với thơ

Không thơ không rượu sống như thừa!

Công danh hai chữ mùi men nhạt,

Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ.

Mạch nước sông Đà tim róc rách,

Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ.

Còn thơ còn rượu còn xuân mãi,

Còn mãi xuân, còn rượu với thơ.

Gặp xuân

 

Gặp xuân ta giữ xuân chơi,

Câu thơ chén rượu là nơi đi về.

Hết xuân, cạn chén, xuân về

Nghìn thu nét mực xuân đề vẫn xuân!

 

Vui Xuân

 

Tin xuân đến ngọn cây đào

Bảo cho hoa biết ra chào chúa xuân.

Mỗi năm xuân đến một lần,

Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai.

 

Ngày xuân còn mãi không thôi

Tuổi xuân ai dễ xanh rồi lại xanh?

Đường mây những khách công danh,

Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên.

Thành sầu mấy ả Khâm Thiên,

Én oanh dẫn lối con thuyền Tần Dương.

Làng văn mấy bạn văn chương

Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu.

 

Tiểu thư ai đó tựa lầu

Thơ đào chưa vịnh, mai hầu bảy ba.

Trời xanh trời cũng khi già

Xuân xanh xanh mãi đâu mà hỡi ai!

Gặp xuân ta hãy làm vui,

Kẻo nay xuân đến kẻo mai xuân về.

Vui xuân rượu uống thơ đề.

 

Đời Đáng Chán

 

Người đời thử ngẫm mà hay

Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê!

Còn ai ai tỉnh, ai mê,

Những ai thiên cổ đi về những đâu ?

 

Đời đáng chán hay không đáng chán ?

Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.

Giá khuynh thành nhất tiếu thiên kim 

Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục.

Giang hà nhật dạ nhân giai trọc

 

Thiên địa lô trung thực hữu tình. 

Đón đưa ai gió lá chim cành, (*)

Ấy nhân thế phù sinh là thế thế.

Khách phù thế chưa dứt câu phù thế

Người phong lưu càng đượm vẻ phong lưu.

Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu

Chuyện kim cổ một vài câu phải trái.

Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thúy Ái 

Sóng Tiền Đường, cỏ áy bến Ô giang .

Ngẫm nghìn xưa: ai tài hoa, ai tất liệt,

                                                ai đài trang,

Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ.

Đời đáng chán biết thôi là đủ

Sự chán đời xin nhủ lại tri âm.

Nên chăng nghĩ lại kẻo lầm.

                                                                1922

(*)  Một cười đáng giá ngàn vàng.
(**) Sông ngày một cạn, người đời dơ đục.
      Trong lò tạo hoá, ai có tình ?

  
Xuân ơi xuân hỡi!

 

Vắng xuân lâu ta vẫn đợi chờ mong

Trải bao nhiêu ngày tháng hạ, thu, đông

Ròng rã nỗi nhớ nhung, xuân có biết?

 

Khứ tuế xuân qui, sầu cửu biệt

Kim niên xuân đáo, khách tương phùng (*)

 

Vịnh Bức Địa Đồ Rách

 

Nọ bức dư đồ thử đứng coi

Sông sông núi núi khéo bia cười!

Biết bao lúc mới công vờn vẽ

Sao đến bây giờ rách tả tơi ?

Ấy trước ông cha mua để lại

Mà sau con cháu lấy làm chơi.

Thôi thôi có trách chi đàn trẻ

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.

                                                 1921

 

Xuân Tứ

 

Xuân xưa Hàng Lọng cờ bay

Thoi đưa ngày tháng đã đầy mười năm.

Biết bao ra Bắc vào Nam,

Bức dư đồ rách đã cam khó lòng.

Văn chương chút nghĩa đèo bòng

Thuyền không tay lái vẫy vùng được sao ?

Ngày xuân thêm tuổi càng cao,

Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng!

                                                                                1936

 

Gió Thu

 Trận gió thu phong rụng lá vàng,

Lá rơi hàng xóm, lá bay sang.

Vàng bay mấy lá năm già nửa,

Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng.

 

Trận gió thu phong rụng lá hồng,

Lá bay tường bắc, lá sang đông.

Hồng bay mấy lá năm hồ hết,

Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông.

                                                                1925.

 

Mỵ Châu Trọng Thuỷ

 Một đôi kẻ Việt người Tần

Nửa phần ân ái nửa phần oán thương

Vuốt rùa chàng đổi móng

Lông ngỗng thiếp đưa đường

Thề nguyền phu phụ

Dạ quân vương

Duyên nọ tình kia dở dở dang

Trăm năm giọt lệ

Ngọc trai nước giếng

Nghìn thu khói nhang.

Tống Biệt

 

Lá đào rơi rắc lối thiên thai

Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi

Nửa năm tiên cảnh

Một bước trần ai

Ước cũ duyên thừa có thế thôi

Đá mòn rêu nhạt

Nước chảy huê trôi

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Trời đất từ đây xa cách mãi

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...

 

 

Thề Non Nước

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi ra biển non còn ngóng trông

 

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái hãy còn tuyết sương

 

Trời tây nổi bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét càng phôi pha

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non

 

Dù như sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa

Non xanh đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

 

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề

 

TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những tương phản | chiều sâu và bề mặt | hai bên của đồng tiền không nhìn thấy nhau, là một nhưng xa lạ | Cháy lên hay tan vào đất | lá đơn sơ chỉ có hai chọn lựa
Ghi lên đá một thuở áo sờn vai / Vác thập ác quảy tiêu điều âm vọng / Nợ máu xương, nợ người lận đận / Của một thời vàng tím trẻ trai...
Nhà phê bình văn học Trung Quốc đời nhà Thanh, Viên Mai, có nói, “Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Thi hào Tagore cho rằng, “Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ảnh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. Cả hai nhận định này đều đề cao cái Tôi-làm-Thơ, và cách biểu hiện những thuộc tính về Tôi ấy như thế nào trên ngôn từ thơ. Có hai yếu tố không ai phủ nhận được là cảm xúc và sáng tạo, chính hai yếu tố này định hình phong cách của nhà thơ. Cảm xúc thực được chuyển tải qua thi ngữ, thi ảnh mới mẻ, cá biệt, thì thơ càng có sắc thái nổi bật để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc, dường như không quá để nói rằng điều này định đoạt sinh mệnh một bài thơ. Thơ chỉ thực sự sống khi nó phản ảnh được bản ngã độc đáo của nhà thơ.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
là khi nước mắt khô đi | mọi thứ đều trở nên dư thừa | hiểu biết càng vô hiệu | những đốm loang không thể tẩy xóa
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Rõ ràng, có tai không nghe, | có mắt không thấy, | có tay chỉ thòng lòng, | có chân chỉ đi lui đi tới, | duy nhất có miệng, người nói không ngừng.
tình yêu lạnh như biển | những cái giống không cùng đời | có thể là một vì sao nhỏ bé | có thể là một nét mày hung tợn | trả treo trước gi
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...