Hôm nay,  

Ra Trường

10/01/202500:00:00(Xem: 3452)
                           
Ra-Trường_Hoàng-Quân

sinh viên Mẹ & sinh viên Bê

                        
Sinh viên Mẹ
 
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ.
 
Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt. Dì Thành mặt mày đầy vẻ lo lắng, đang bế Bê đi lui, đi tới. Dì vội vàng trao Bê cho Mẹ. Dì nói:
-Hắn khóc dữ quá làm chị phát hoảng.
 
Mẹ nghĩ thầm, Bê như vầy, Mẹ làm sao dám gửi con cho ai. Mẹ quyết định nghỉ học một lục cá nguyệt, dành toàn bộ thời gian lo “cơm nước” cho Bê. Hên ghê, khi Mẹ định đi học lại, ông bà ngoại vừa sang Đức đoàn tụ và ở gần nhà Bê. Có ông bà ngoại và bà nội phụ trông coi Bê, Mẹ có thể đến trường đều hơn. Cuối tuần, Bê ở nhà chơi với Ba, trong lúc Mẹ đi làm thêm ở nhà hàng. Ngoài tiền lương 30 Đức mã cho một buổi làm, Mẹ còn mang về những hộp đồ ăn. Đấy là nhà hàng buffet, cuối ngày, chủ tiệm cho nhân viên chia nhau mang về vài món ăn còn thừa trên quầy. Mẹ kể, cô hầu bàn chính của nhà hàng cứ dụ Mẹ bỏ học. Cô ấy nói, thu nhập của chạy bàn nhờ vào tiền trà nước cao hơn lương của kỹ sư. Mẹ biết, nhưng vẫn nhất quyết làm sinh viên nghèo.
 
Thuở ấy, viết bài thuyết trình và làm luận án ra trường Mẹ mới xài computer. Bài vở ghi chép từ giảng đường là những chồng giấy copy chất đầy trên bàn học. Khi Mẹ học bài, Bê ngồi chơi bên cạnh. Bê thấy Mẹ dùng mấy cây bút màu vàng, cam, xanh lá cây, vẽ vẽ trên những trang giấy. Có lần, Mẹ đang học thì có điện thoại. Bê muốn học phụ Mẹ. Khi Mẹ trở lại bàn học, những trang bài vở của Mẹ ngoằn ngoèo đầy màu sắc. Mẹ chỉ mấy tờ giấy và hộp chì màu Mẹ để cho Bê, nghiêm mặt hỏi:

- Bê, tại sao con không vẽ trên mấy tờ giấy của con?
Thấy Mẹ không vui, Bê lo lo, ấp úng:
- Tại con muốn học như Mẹ.
Mẹ cúi xuống, nhấc bổng Bê lên, hôn má Bê một cái thật kêu:
- Khi con lớn, con sẽ học như Mẹ. Nhưng bây giờ con chỉ vẽ trong mấy tờ giấy của con thôi nghe.
 
Thời gian Mẹ chăm chỉ gõ lách cách bàn phím computer viết luận án ra trường, Bê quanh quẩn bên Mẹ. Bê không còn vẽ nguệch ngoạc những con giun trên mấy tờ giấy rời. Bây giờ Bê có cuốn tập đầy hình ảnh in sẵn. Thấy Bê đang chăm chú tô màu trong tập, Mẹ nghỉ tay, chạy ra bếp nấu nồi cơm. Chút nữa Ba về tới, Ba chơi với Bê, Mẹ sẽ nấu đồ ăn. Khi Mẹ trở lại bàn học, Bê chễm chệ trên ghế của Mẹ, đang bấm bấm loạn xạ trên bàn phím. Thấy mặt Mẹ hốt hoảng, Bê lật đật trèo xuống khỏi ghế. Mẹ chạy vội lại máy, trên màn hình chỉ còn những mẫu tự lộn xộn, Mẹ quýnh quíu tìm mấy trang bài Mẹ cặm cụi viết từ chiều. Mẹ quay qua Bê, quát:

- Bê, tại sao con phá quá vậy?
Chưa bao giờ Mẹ nói to như vậy với Bê. Bê sợ quá, nước mắt lưng tròng:
- Con đâu làm gì. Con chỉ làm giống Mẹ.
Mẹ dịu giọng, nhưng vẫn còn giận:
- Con bấm lung tung. Mất hết bài vở của Mẹ rồi.
Bê cảm thấy tủi thân, chắc Mẹ hết thương Bê rồi. Bê òa khóc, nói đứt quãng trong tiếng nấc:
- Con... muốn... học... như... Mẹ... thôi... mà.
Mẹ quỳ xuống, ôm Bê vào lòng, khóc thút thít:
- Không sao đâu, không sao đâu. Mẹ viết lại được mà.
Mẹ vỗ nhẹ lưng Bê:
- Nín đi con, nín đi con.
Ba đi làm về, thấy hai mẹ con đang ôm nhau khóc bù lu, bù loa làm Ba hết cả hồn.
 
Những ngày Mẹ có giờ học trong giảng đường, Mẹ nhờ ông ngoại đón Bê từ Kindergarten về ông bà ngoại. Khi Mẹ chỉ cần ghé trường lấy tài liệu, ghé thư viện mượn sách, Mẹ dắt Bê theo. Nếu còn thì giờ, hai mẹ con vào bảo tàng viện Senckenberg, Frankfurt. Bê rất thích ngắm nghía những con khủng long trưng bày ở đó. Lần Mẹ ghé văn phòng khoa lấy lịch thi vấn đáp, cô phụ tá giáo sư nhắc đi, nhắc lại, ngày lãnh bằng tốt nghiệp, Mẹ nhất định phải dắt con trai theo. Cô bảo:

- Như vậy để mọi người thấy rằng, có con nhỏ, vẫn có thể hoàn tất chương trình đại học.
Mẹ rạng rỡ:
- Vâng, thưa cô. Chắc chắn em sẽ dẫn cháu theo. Cháu đã hộ tống em suốt thời gian học. Bằng tốt nghiệp của em có phần cháu học chung nữa mà.
 
Mẹ tưởng tượng, khi cùng những sinh viên khác đứng trên bục cao, có Bê một bên, chờ giáo sư đọc tên lên lãnh bằng, Mẹ sẽ hãnh diện và vui sướng vô vàn. Nhưng một món quà bất ngờ của Ba, đã khiến Mẹ không thực hiện được dự định. Trong thời gian Mẹ chuẩn bị thi vấn đáp, Ba có chương trình bí mật. Khi Mẹ hớn hở báo tin đã thi đậu và hai tuần sau là lễ tốt nghiệp, Ba hoan hỉ “bật mí” món quà: tuần tới Ba Mẹ Bê sẽ bay về Việt Nam. Ba kín đáo sắp xếp mọi việc. Từ chuyện xin visa, mua vé máy bay, cho đến chuyện xin phép nhà trường cho Bê nghỉ học. Nhà trường chấp thuận, vì Bê đang học lớp Một, và Bê học cũng giỏi nữa. Mẹ hơi buồn và tiếc, không được tham dự lễ tốt nghiệp. Học hành trầy vi tróc vảy hơn sáu năm trời, có được ít phút huy hoàng vinh danh công sức của mình là một nguyện vọng chính đáng chứ. Nhưng Mẹ nghĩ đến niềm vui trở về Việt Nam sau gần 15 năm xa cách. Vả lại, hồi ấy chuyện xin visa Việt Nam, cho dù mình là công dân Đức, rắc rối, khó khăn lắm. Sau chuyến đi Việt Nam, về lại Đức, Mẹ đến văn phòng khoa xin nhận bằng tốt nghiệp. Mọi chuyện nhanh gọn, máy móc quá chừng. Cô thư ký đưa cho Mẹ bao thư khổ to màu nâu nhạt, khô khan nói lời chúc mừng. Mẹ ra trường, chấm dứt đời sinh viên trong âm thầm. Nhưng gần 30 năm trên trường đời, Mẹ đã nhận được nhiều công việc lý thú trong những công ty nổi trội của kinh tế Đức và thế giới. Giữa những đồng nghiệp cao lớn, Mẹ không để mình chịu thấp cổ bé họng, mà vẫn luôn phấn đấu để đồng nghiệp phải công nhận Mẹ klein aber oho, nôm na là “nhỏ mà có võ”. Giờ đây Mẹ về hưu, trải qua mấy chục năm là công dân gương mẫu, đi làm, lo cho gia đình và đóng góp vào xã hội của nước Đức, quê hương thứ hai của Mẹ. 
 
Sinh viên Bê
 
Bê báo cho Ba Mẹ biết Bê chọn học Jura, học Luật. Mẹ mừng, mà cũng lo nhiều. Hồi đó, trong chương trình học của ngành Quản Trị Kinh Doanh, Mẹ phải thi hai chứng chỉ về Luật. Khó quá trời, Mẹ học vất vả lắm, mà chỉ đạt điểm vừa đủ đậu. Mấy sinh viên luật sang dạy kèm sinh viên kinh tế thường phân bì, học Quản Trị Kinh Doanh dễ như chơi, ra trường ào ào, chứ bên Luật, khó dàn trời, sàng lọc kỹ lắm. Trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mang về bài luận đầu tay của Bê:

- Mẹ đọc đi. Con hài lòng với bài viết này lắm.
 
Mẹ vui ghê. Mẹ đọc bài, chữ nào cũng biết, thế mà Mẹ không hiểu thấu đáo toàn bài. Tuy vậy, Mẹ thấy bài luận của Bê rất hay. Mẹ nghĩ thầm: “Ồ, anh sinh viên Luật trẻ tuổi này chữ nghĩa thâm sâu quá chừng.” Ngày xưa, Bê nhiều lần theo Mẹ vào khuôn viên đại học Frankfurt. Sau khi Mẹ xong công chuyện, Mẹ thường dừng chân ở sạp sách báo cũ trước trường, gần trạm xe Bockenheimer Warte. Bê thích lắm. Mẹ cho Bê sà xuống ngắm những cuốn sách màu sắc thật đẹp. Thể nào Mẹ cũng mua tặng Bê vài cuốn sách. Mẹ nói:

- Sách người ta đã dùng. Nhưng cũ người ta, mới mình.
Bê cười tươi:
- Sách đẹp quá. Con thích ghê.
 
Lên xe lửa, Mẹ khệ nệ khuân sách của Mẹ. Bê vui sướng ôm mấy cuốn sách mới. Chắc nhờ vậy, Bê ghiền đọc sách từ hồi còn bé. Thật thuận tiện cho chuyện học Luật của Bê. Vì phương châm của sinh viên luật là: đọc sách, đọc sách và đọc sách. Bê đi học xa nhà mấy trăm cây số. Ba Mẹ chưa đến trường Bê lần nào. Thỉnh thoảng, nghe Bê nói đang học thi, Ba Mẹ lóng ngóng, cuối tuần đến thăm Bê, nấu nướng bới xách cho Bê nồi cá kho, vài chục cuốn chả giò. Vậy thôi. Mẹ ước chi ở gần, để nấu nướng hằng ngày những món “ruột” của Bê, Bê khỏi phải gặm bánh mì sướt cả cổ. Bê bực bội khi đơn xin mượn tiền đi học của Bê bị từ chối. Lý do là thu nhập của Ba Mẹ cao. Mẹ cắt nghĩa:

- Con phải vui nhiều, vì Ba Mẹ đủ khả năng tài trợ cho con. Như vậy con khỏi mang nợ khi ra trường. Ngoài ra, hồi xưa, Ba Mẹ có thể mượn tiền chính phủ để đi học, chắc cũng nhờ nhiều sinh viên khác “nhường” phần cho Ba Mẹ.
 
Để tăng thêm “thu nhập”, ngoài giờ học, Bê đi làm nhiều việc. Lao động trí óc như phụ giúp, chuẩn bị bài vở cho sinh viên khiếm thị. Lao động chân tay như đạp xe đi giao thuốc cho những bệnh nhân cao niên.
 
Giờ đây Bê đi làm đã mấy năm, với tư cách luật sư của phòng Pháp Lý trong cơ quan chính phủ thành phố. Một hôm, Bê gọi điện thoại cho Mẹ:
- Bữa nay Mẹ có thì giờ không? Con có chuyện này muốn hỏi Mẹ.
Mẹ nhẹ nhàng, tràn đầy yêu thương:
- Lúc nào con cần Mẹ, Mẹ cũng có nhiều thì giờ.
Bê kể sơ dự định của mình. Tòa Hành Chánh của tỉnh F, gần nhà Ba Mẹ, đang tìm người. Bê kể về công việc Bê đang chú ý.
- Mẹ nghĩ, con nên nộp đơn những chỗ này không...
 
Mẹ cám ơn Bê đã hỏi Mẹ. Bây giờ Mẹ đã hết đi làm. Những kiến thức của Mẹ về nghề nghiệp e đã lỗi thời. Thật tình mà nói, nghe Bê cắt nghĩa về công việc, Mẹ chỉ hiểu lờ mờ. Nhưng Mẹ cảm động lắm. Bê hỏi ý kiến Mẹ, Mẹ như thấy đứa con bé bỏng ngày xưa. Đứa bé giờ đây là người lớn, nhưng vẫn cần đến Mẹ. Mẹ không biết cho con lời khuyên như thế nào. Nhưng con luôn nhớ rằng, trong mọi việc, nếu con cần đến sự giúp đỡ của Mẹ, Mẹ vẫn luôn có đó với muôn vàn yêu thương.
 
Ra trường, cả Mẹ lẫn Bê đều lỡ dịp áo mão xênh xang mừng đại đăng khoa. Cả Mẹ lẫn Bê đều không có tấm hình ra trường trang trọng để gắn trong Album. Tuy vậy, hai mẹ con đã vào đời vững vàng.
 
Năm ngoái, trong chuyến Mỹ du, hai mẹ con đi dạo trong khuôn viên trường luật của đại học Harvard, Mẹ thắc mắc:
-Trường của Bê có giống như trường này không?
 
Bê vui vẻ:
-Bữa nào con sẽ đưa Ba Mẹ đến thăm trường con ở Münster. Mình sẽ mặc áo quần đẹp để chụp hình trước trường con nữa nghe Ba Mẹ.
 
Trong tim Mẹ dâng lên niềm hạnh phúc, trong trí Mẹ sáng rỡ tấm hình đứa con yêu quý của Mẹ ra trường, vững bước trên đường đời. 
 
Hoàng Quân


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Văn hóa phương Tây, rắn vừa là biểu tượng trong lĩnh vực y khoa vừa là nguồn cảm hứng trong hội họa, kiến trúc và văn học. Văn hóa Hy Lạp bắt nguồn từ vị thần cổ đại Hermes, sứ giả của các vị thần. Thần Esculape được coi là ông tổ của ngành y dược. Biểu tượng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization) con rắn quấn quanh cây gậy Esculape cầm. Cục Quân Y VNCH có thêm đôi cánh trên thanh kiếm.
Hồi năm sáu tuổi tôi vẫn hay theo chúng bạn ra chơi trước đình làng Thanh Thủy. Nơi đó có mấy cây sanh cổ thụ rất lớn luôn tỏa bóng râm mát mẻ cả đoạn đường bến chạy qua làng. Bên kia con đường bến là hồ Vọng Nguyệt, một cái hồ trông như vuông vức, rộng chừng nửa mẫu tây, dân địa phương vẫn quen gọi là hồ làng...
Phải chi khách đến thăm vườn hồng hơn trăm giống quý đủ màu sắc của ông Chu hằng ngày là khách mua hoa thì chắc thu nhập của gia đình ông đỡ hơn. Ông nghèo, nhưng cái máu nghệ sĩ của ông lại mạnh mẽ hơn chuyện tiền bạc, lại gặp bà vợ hết mực chiều chồng, nên cứ nghe đâu có giống hồng lạ là bằng mọi cách phải có cho bằng được. Năm ba ký gạo đắp đổi hằng ngày đã khó, mà có những giống người ta đổi cả tấn lúa ông cũng lắc đầu.
Không nhớ từ bao giờ đã không còn ngồi xuống bàn trà, tay bốc miếng mứt hạt sen bỏ vô miệng, vị ngọt tươm ra không quá gắt như ăn miếng mứt bí, vị ngọt nhẹ, thanh, kích thích vị giác bởi hương sen quyện ngọt điệu đà, tới khi nhai cái hạt sen đã ấm ấm trong miệng nên không còn cứng cũng không quá mềm như khoai lang luộc. Độ dẻo của hạt sen khi đã sên mứt rất mê hoặc và cũng đâu có gì vội để nuốt đi cho mau, cứ ngậm mà nghe hương vị đất trời tinh khiết của hương sen xông lên khoang mũi làm cho người thưởng thức lâng lâng cảm giác xuân đã về. Có thể nói món gì có hạt sen góp mặt cũng ngon như món vịt tiềm có nhân bên trong là thịt bằm, nấm mèo, táo tàu, gia vị nhiều thứ, nhưng những hạt sen luôn khêu gợi những đôi đũa gắp vì hấp dẫn và ngon lạ miệng. Nhưng đã nhiều năm không ăn mứt hạt sen sao vẫn nhớ khá rõ hương vị độc đáo của hạt sen trong món ngọt ăn chơi ngày tết, hay món mặn ăn tiệc đều ngon.
Cậu Hà người Bắc di cư năm 1954, cậu di cư có một thân một mình khi còn trẻ, nên cậu cũng không có nhiều phương tiện được học hành nhiều. Khi lớn lên ở miền Nam, lối chừng 19, 20 tuổi khoảng năm 1965-1966, cậu từ giã học đường đăng lính, cậu đi lính Việt Nam Cộng Hòa ngành Biệt Động Quân. Sau chuyển qua Thám Báo. Cậu đóng quân như ở miền đồng ruộng, lúc bấy giờ còn loáng thoáng xa xa, ít dân cư, tiếp giáp một bên Đồng Ông Cộ, miệt Gò Vấp, Gia Định.
Chị nhớ lại, vào một buổi sáng ngày cuối tháng 1 năm 1973, khi Chị đi lấy bản tin ở bên Macv về cho AP, chị thấy sao hôm nay văn phòng đông thế. Ký giả của AP và cả của NBC News bên cạnh cũng chạy qua chạy lại, Chị nghe ông chánh văn phòng nói: Viêt Nam sắp ngưng bắn rồi, sắp hòa bình rồi…” Văn phòng Associated Press xôn xao, từ ông chánh văn phòng đến các ký giả, nhân viên của AP đều hứng khởi với cái tin “Nóng bỏng” này. Chị thấy các phóng viên của các hãng thông tấn, hãng truyền hình ngoại quốc chạy hối hả sang nhau và chạy qua cả đài phát thanh Quân Đội Việt Nam để cập nhật tin tức viết bài…
Chị đi bằng xe hàng. Là dân Đà Lạt gốc Huế nên chị gọi xe đò là “xe hàng”. Đi xe hàng, tức là xe đò, là xe chở người và cả hàng chứ không chở riêng hàng. Tiếng Việt hay như vậy đó! Đến Gò Công rồi đi xe lam vào Đồng Nguơn. Ấp Đồng Nguơn. Không phải đây là lần đầu tiên chị được thấy cảnh đồng quê. Đồng quê miền nam hầu như đâu đâu cũng giống nhau. Nhưng có đi nhiều mới thấy mỗi nơi có một chút khác. Phải thế không? Hay chính là cảm giác của chị mỗi lần một khác?
Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…
Tôi đã có bốn cái Tết trong trại Panatnikhom và Sikiew, Thailand. Tết đầu tiên thật nhiều kỷ niệm và bất ngờ, vì lúc đó chúng tôi vừa nhập trại trong khi còn hơn một tuần nữa là Tết. Tôi và ba cô bạn đi chung chưa kịp gửi thư cho thân nhân ở nước ngoài để ca bài ca “xin tiền”. Ai lo bận bịu đón Tết thì lo, còn chúng tôi thì lo đi mượn tiền để mua vài vật dụng cần thiết như tấm trải nhựa, tre nứa, dây nilon để làm “nhà” (phải “an cư” mới “lập nghiệp” tỵ nạn được chớ).Khoảng một tuần trước Tết, có một nhóm mấy thanh niên đến thăm vì nghe nói chúng tôi là dân Gò Vấp, nên muốn nhận “đồng hương đồng khói”. Họ là những người trẻ như chúng tôi, nên câu chuyện mau chóng trở nên thân mật và rôm rả
Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
Có lẽ những rộn ràng, hân hoan nhất trong năm không phải là "ba ngày tết", mà là những ngày cận tết. Bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp, tối đưa ông Táo về trời. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về việc chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, chào đón nguyên đán và mấy ngày xuân trước mặt. Lúc nhỏ là mùi vải thơm của bộ đồ mới, mùi gạo nếp ngâm cho nồi bánh và hương thơm ngào ngạt cho sàng phơi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngoài sân. Những đêm ngủ gà ngủ gật ngồi canh bên nồi bánh tét cùng với má, với gia đình xúm quanh. Mùi bếp lửa, mùi khói hương, mùi áo mới lan tỏa của tuổi thơ ngan ngát những ngày xa...
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể. Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.