Hôm nay,  

Vancouver Ký Sự

10/12/202421:12:00(Xem: 3165)

                                           

BokThan
HAI BOK TÂM VÀ BOK THÂN (đang nói) TẠI BUỔI FUND RAISING Ở NHÀ HÀNG VANCOUVER, CANADA

 

Trời Vancouver đang cuối mùa hè, sắp vào Thu, vẫn còn giữ lại một chút nóng ấm của mùa qua; thời khắc giao mùa đem đến một khung cảnh lãng mạn đầy thi vị và quyến rũ. Bầu trời xanh trong điểm xuyết những đám mây trắng nhẹ nhàng trôi lơ lửng. Ánh nắng vàng nhạt của buổi chiều tà chiếu nghiêng qua kẽ lá những tia nắng lung linh trên mặt hồ lấp lánh như những hạt kim cương nhỏ đính trên áo nàng Thu.

Hàng cây hai bên đường bắt đầu khoác lên mình chiếc áo mới với các gam màu vàng nhạt, màu cam, báo hiệu một mùa thay lá sắp tới. Những cơn gió muộn màng thoảng qua xua đi cái nóng còn sót lại của mùa hè oi bức. Gió mang theo hương thơm dịu dàng của hoa cỏ và không khí trong lành của cây rừng hai bên đường xa lộ dẫn về Vancouver. Mặt trời lặn dần sau núi, ánh hoàng hôn rực rỡ phủ lên vạn vật một sắc màu cam ấm áp báo hiệu một mùa lá rụng sắp đến tạo nên một cảnh sắc tuyệt vời và không gian tĩnh lặng, bình yên trong từng nhịp thở của trái tim.

Theo thông lệ trước đây, hằng năm vào đầu tháng 9, CVKer 65 Bok Thân có tổ chức buổi tiệc gây quỹ cho địa phận Kontum. Năm nào Bok Thân cũng thành công mỹ mãn, gởi về quê nhà nhiều số tiền lớn lao dùng cho các hoạt động bác ái của địa phận. Sau dịch cúm Tàu phù, kinh tế trì trệ, dân chúng cũng ngại đám đông nên Bok Thân phải uyển chuyển tổ chức 2 năm một lần; lần này là Đêm Tình Thương lần thứ Sáu.

Mặc dù có cả cộng đoàn giáo xứ hỗ trợ sau lưng trong việc tổ chức tiệc gây quỹ, một công việc không dễ dàng chút nào, Bok Thân vẫn là người cầm chịch, đứng mũi chịu sào, tất bật liên lạc, chạy tới chạy lui mệt phờ cả râu. Cũng may Bok Thân “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nên ai cũng tưởng ngài phẻ re như con bò … không kéo xe! Vậy mà Bok vẫn lo lắng cho anh em CVKers chỗ ăn ở, đi đứng thế nào cho thuận tiện và thoải mái.

Sự tham gia của anh em CVKers là một động lực rất lớn, khích lệ tinh thần mạnh mẽ, là một “moral support”, một viên vitamin tăng lực thần kỳ giúp Bok Thân như được lên giây cót, phấn chấn tinh thần và thể xác đang hao mòn theo thời gian. Nhìn gương mặt Bok Thân sáng lên, nụ cười thật tươi khi ngài bắt tay từng anh em một. Anh em CVKers thì khỏi nói, ai nấy đều thích thú được góp phần vào ngày đặc biệt này và nhất là có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự và nói dóc cho sướng sau bao năm không hoặc chưa được gặp nhau.

Thật xúc động và tràn đầy hào khí khi quan khách đi dự tiệc gây quỹ cho Kontum, lại được gặp gỡ những “công dân” Kontum một thời, khiến buổi gây quỹ thêm phần ý nghĩa biết bao nhiêu. Các bô lão, Kontum senior citizen đứng trên sân khấu mở màn, đồng ca bài “Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời, lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng …”. Lời ca như một làn gió mới đem đến sự thôi thúc, rộn rã trong tâm hồn tất cả khách tham dự đêm hôm đó. Ca trưởng Ngô Đình Hòa quả thật xuất sắc khiến khán thính giả vô cùng thích thú với 2 bài đồng ca của dân CVK Kontum.

Phái đoàn CVKers đi phó hội năm nay cũng khá hùng hậu, tổng số 19 người. Đầu tiên là các “võ lâm kiếm khách” đến từ miền Trung Tây gồm Bok Tâm Oklahoma dẫn đầu và hai cặp vợ chồng huynh đệ CVK 69, Hiền-Đạm và Hùng-Lan từ miền viễn Tây Hoa Kỳ, tiểu bang của các chàng chăn bò bắn súng nhanh như chớp. Trời xui đất khiến làm sao, trong chuyến bay trung chuyển, Bok Tâm và nhóm sư huynh đệ, không hẹn, lại gặp nhau trên chuyến bay từ Dallas đến Seattle, Washington. Đây là dấu hiệu báo trước buổi đại hội sẽ đầu xuôi đuôi lọt.

Bok Tâm về hưu đã gần 3 năm nên ngài tha hồ sống kiếp lãng du đây đó. Ở đâu hú một tiếng là ngài đáp lời “tú đờ suỵt”. Bok tâm sự với anh em rằng bây giờ hưu rồi, ngoài việc đi giúp các giáo họ lẻ, ngài vẫn vui thích được sống bình yên, khỏe mạnh, du lịch đây đó, ăn ngon và đặc biệt là uống cũng phải thật ngon mới OK. 

Phái đoàn thứ hai từ miền Nam California gồm vợ chồng CVKer 69 Thành-Lan và vợ chồng CVK 70 Thiên-Thêu, sẽ bay thẳng đến Vancouver, Canada, mà không ghé Seattle. Trong lúc nhóm này đang đằng vân giá vũ thì CVKer 67 Cửu, bí danh là anh Chín Đờn Cò, đã đáp xuống Seattle từ rất sớm, đang rung đùi, ngồi thưởng thức mấy lon bia ướp lạnh ở phi trường, mắt dõi theo những bóng hồng đây đó. Anh Chín vốn tính vui vẻ, dễ dãi nên “tới đâu thì tới”, mỗ cứ tà tà “èn doi’ từng giọt đắng trên môi.

Kiến trúc sư của toàn chuyến đi và cũng là đương kim võ lâm minh chủ của cả nhóm hiệp khách giang hồ từ xứ Kỳ Hoa là CVKer 66 Đậu Quang Đại đã có mặt tại Seattle từ mấy hôm trước, chuẩn bị nghênh đón tất cả quần hùng tại phi tràng SeaTac, sẵn sàng một chiếc full-size Van 15 chỗ ngồi. Khi tập hợp đầy đủ lực lượng, cả nhóm sẽ trực chỉ hướng Bắc, El Norte, tiến thẳng đến nơi phó hội. Bỏ nhỏ anh em CVKers một câu, anh Đại đang bí mật tham gia một “chiến dịch đặc biệt”, không giống như “special operation” của Uncle Putox bên xứ Nga La Tư, cho nên anh đến Seattle sớm hơn mọi người, khi nào thuận tiện, sẽ bật mí với anh em sau.

Riêng hai vợ chồng CVKer 70 Đức-Tâm bay riêng vì đang rong chơi với mấy anh em cọc chèo khác, tiếng Mẽo gọi là đám “The In-law”, mà tôi gọi là “The Out-law” thì đúng hơn vì đám này khi chịu quậy thì tới bến luôn. Đức-Tâm tách khỏi “đám ngoài vòng pháp luật” xong, cũng gia nhập đoàn lữ hành tiến lên phía Bắc. Dọc đường, anh em ghé đón vợ chồng anh Hòa-Liên CVKer 69, dân “lô cồ”, thổ địa ở Seattle.

Nhóm cuối cùng, chúng tôi đã khởi hành rất sớm từ Seattle đi Vancouver gồm vợ chồng CVKer 71 Hùng Phong-Ngọc Diệp, dân Seattle, và vợ chồng tôi, CVKer 70 Sáu Cam-Chiêu Hòa. Chúng tôi từ vùng hoang mạc, đồng khô cỏ cháy Arizona, chó ăn đá, gà … không có muối mà ăn, đã bay đến trước đó một ngày, thăm Phong, thằng bạn thuở hàn vi ở Pleiku, rồi tranh thủ đi cỡi ngựa xem hoa, sau đó mới nhắm phía Bắc mà tiến. Dọc đường đi, chúng tôi còn phải ghé một tiền trạm mà Bok Tâm đã dặn dò, để mang theo một số hiện vật bán đấu giá cho buổi gây quỹ.

Tất cả chúng tôi đều tiến lên phía Bắc trực chỉ thành phố Surrey, Vancouver, giáo xứ Bernadette của Bok Thân trong cùng ngày thứ Sáu, kẻ trước người sau. Chiều hôm đó, phái đoàn xe Van đến trễ nhất vì bị “đậu phộng”, đi lạc, do cái phone của bác tài Đại-Đậu, đang ở xứ nóng lên xứ lạnh nên nó cứ chạy vòng vòng, không chịu chạy thẳng dùm cho bà con nhờ. Thêm nữa, trên xe lắm người, nhiều ý, trên đường thiên lý, hay bị cái bệnh dễ lây “TO PEE or not TO PEE”.

Anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng, vui hơn Tết. Năm nay kinh tế eo hẹp, lạm phát kinh hồn, bok Thân không còn lobster, nhưng bù lại, giáo dân của ngài chiêu đãi anh em một bữa thịnh soạn không thua nhà hàng bao nhiêu.



Ăn uống xong, ca trưởng Hòa 69 mời anh em “retouche” lại những giọng ca đang bị rỉ sét lâu năm, bị nhét dưới đáy rương, bây giờ móc ra, chà giấy nhám, xài lại nên âm thanh có hơi bị rè rè. Nghe hát xong, Bok Tâm phán “not bad, not bad”. Bok Tâm khen ca trưởng không tiếc lời, ngài phán rằng nhờ làm ca trưởng nên chàng zớt luôn cô ca viên xinh đẹp nhất của giáo xứ Phương Quý, bây giờ là bà xã của anh, chị Liên. Cả hai cho ra đời mấy cô con gái “zịu”, cô nào giống cha mẹ đều đẹp gái hết ráo. Có một cô đi tu, nên khi đến nhà thờ, người ta hay chào ông bà cố. CVKers nào, nhanh chân thì làm sui với anh chị Hòa-Liên, chậm chân cũng … vẫn còn cô Út.

Chia tay nhau cũng gần nửa đêm, hẹn ngày mai đi thăm một góc Vancouver, sẽ ghé cầu treo Lynn Canyon Park. Cây cầu này nhỏ hơn cầu treo Capilano nhưng “free” và phong cảnh còn hoang sơ, chưa bị thương mại hóa; trong khi cầu Capilano to hơn và “chém đẹp” hơn, mỗi người $71.95. Sau một ngày đi bộ rã rời đôi chân, phái đoàn lo về sớm, trở lại 2 căn nhà AirBNB, tắm rửa, sửa soạn, nhất là để các phu nhân còn make-up và sửa soạn xiêm áo cho kịp giờ.

Đêm đại tiệc gây quỹ Tình Thương 6 diễn ra như mọi năm, khách tham dự lên đến hơn 500 người, chật kín nhà hàng, cho biết sẽ thành công như mong đợi. Bok Thân bận rộn tối tăm mặt mày và sau khi khách về hết, ngài phải ở lại cùng hai thiện nguyện viên lo phần dọn dẹp đến quá nửa đêm mới về.

Ngày Chúa Nhật tiếp theo, sau khi Google địa điểm, bác tài Đại-Đậu đề nghị đi khám phá một góc khác của Vancouver là bến thuyền của bán đảo nhỏ ở khu trung tâm. Đi dạo bến cảng, nghe nhạc sống, ăn uống, rồi mướn thuyền đi trên sông. Khi ai nấy an vị trên xe Van xong, máy nổ rồi mà bác tài vẫn nhìn quanh quất trên dashboard xe như tìm kiếm gì đó, cặp thiên lý nhãn đảo qua lại nhiều lần, buông một tiếng thở dài não nuột hỏi tên co-pilot ngồi kế bên là Sáu Cam:

-          Hey, Sáu Cam có biết cái lỗ… đổ xăng nó nằm ở chỗ nào không?

-          Anh mần tài xế mấy bữa nay mà không biết hay sao?

-          Chưa hết xăng nên nỏ biết nó nằm chỗ mô!

Thế là Sáu Cam bốc cái phone lên, hỏi bác Google ngay lập tức. Ngồi sau lưng là hai anh em Hiền, Hùng 69, nghe lỏm câu chuyện, họ cũng Google nhanh không kém. Cả hai người đều có cùng một kết quả mà chẳng giúp được gì vì Google diễn tả rất là mơ hồ và rất là chung chung. Bè lũ “tứ nhân bang” vội xuống xe, chia nhau đi tam phương, tứ hướng, vòng quanh chiếc van, 4 cặp mắt như những tia Laser, soi rọi từng centimet trên thân xe, cố tìm ra chỗ đổ xăng nằm nơi nao. Kiểu này, con kiến cũng không lọt qua mắt chúng tôi. Quái lạ thật! Vẫn không thấy. Chúng tôi kéo cánh cửa xe về phía sau, vẫn không thấy; tôi ra đằng sau, đưa tay nhấc bảng số xe coi phía sau nó có núp phía sau không. Thất bại toàn tập.

Đang chán nản và tuyệt vọng vì xe gần hết xăng mà không biết phải đổ xăng ở chỗ nào trên xe. Nếu uống xăng, để xe chạy được, tôi cũng dám uống lắm chứ chẳng chơi. Chợt mấy lệnh bà ngồi trên xe chỉ vào một miếng sắt nhỏ ngay phía trong, đằng trước, chỗ tiếp giáp giữa cửa xe và khung thân xe, nơi mà nãy giờ chẳng ai để ý vì nó không giống tí ti ông cụ nào với cái nắp che bình xăng thường thấy. Đưa tay bật lên, bên dưới là nắp bình xăng. Giời ạ! Phi ní lô đia (hết nước nói).

Cha nội nào thiết kế chỗ đổ xăng của chiếc xe Ford này, xứng đáng lãnh giải “Designer of the Year”. Thật là dốt như quan huyện! Mất cả 15 phút mới kiếm ra; trong khi, đơn sơ như các bà, chẳng biết tí ti gì về xe cộ, thì họ lại tìm ra. Trong trường hợp này, tôi xin phép các đấng bậc sửa lại một câu trong Kinh Thánh Tân Ước: Hãy trở nên đơn sơ nhưcác bà (những trẻ nhỏ), thì các ngươi sẽ tìm được nắp bình xăng (nước trời). Matthew 19, 14.

Khi điều khiển một chiếc drone trên chiến trường, người phi công muốn bắn 1 trái hỏa tiễn, chỉ cần lật cái nắp nhựa trong veo có ghi chữ màu đỏ “FIRE”, nhấn cái nút đỏ nằm phía dưới là… xong phim. Vậy mà chiếc xe van khó ưa này lại làm 4 tên mặt mũi sáng sủa đến tối sủa như chúng tôi, phải điên cái đầu chỉ vì 1 cái lỗ… đổ xăng. Than ôi! Gã designer đáng nguyền rủa này chỉ cần in cái ký hiệu quốc tế “GASOLINE” hay hình cây xăng ngay bên trên thì người dốt như tôi cũng sẽ ngộ ra ngay cái mình muốn tìm. Đời nó thế các cụ ạ, bài học rút ra: muốn có được cái lỗ, các cụ phải ra công đào bới.

Mấy ngày đi chơi bên nhau, tham dự buổi gây quỹ, cùng dâng thánh lễ bỏ túi do Bok Tâm chủ tế, hàn huyên tâm sự, nhắc lại chuyện hồi xửa hồi xưa mà ai nấy đều bâng khuâng tiếc nuối. Ngồi bên nhau với cây đàn guitar, hát những bài tình ca nhẹ nhàng, không gian ấm cúng gợi lại biết bao kỷ niệm thân thương. Những mảnh vụn ký ức chợt ùa về đưa chúng tôi bập bềnh sống lại thuở học trò ngày xưa dưới mái trường tiểu chủng viện thừa sai Kontum.

Ngày chia tay cũng đến, chúng tôi cố níu kéo thêm khi trở lại Seattle, ghé nhà Phong, thưởng thức tài nấu nướng tuyệt ngon của Diệp buổi trưa hôm đó. Nói ngoài đề một chút, nếu Diệp chịu mở nhà hàng thì thằng bạn nối khố của tôi đã thành triệu phú từ lâu rồi, nhưng số nó chưa được vinh danh trong Forbes List vì nó nói cày mửa cả mật ở Boeing mà vẫn còn thiếu $1 nữa mới có trong Saving Account đủ 1 triệu. Đúng là số con rệp!

Chưa kịp tiêu hóa xong, chiều cùng ngày, phái đoàn lại lại ghé nhà ca trưởng Hòa-Liên với món ăn nhẹ là một nồi lẩu cá Sturgeon, một loại cá hiếm, thịt trắng phau, đậm đà, rất ngon, chỉ có sụn nhưng không có xương. Thời vua chúa ở Việt Nam còn không có cá này để mà ăn. Bây giờ phe ta cứ việc ăn “vô tư”.

Sau bữa ăn, tới giờ ma men Thần Tửu nhập, anh em bắt đầu “hát tiếng lạ”, với cây đàn thùng của Đại-Đậu, những bản tình ca nhạc Pháp du dương tỏa lan trong không gian ấm cúng căn nhà ca trưởng Hòa-Liên. Bok Tâm hôm nay như sống lại với những ngày “anh đàn, em hát” ngày xưa lúc mới tới Mỹ, khi ngài đang phân vân giữa hai chữ Tu và Hú; nhưng rồi khi cầm cây đàn, lại than những ngón tay sao cứng ngắt không chạy được trên phím như những “ngày xưa Hoàng Thị”. Chỉ biết than thở ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!

Buổi tối cuối cùng chia tay với Bok Thân ở Vancouver, ngài tâm sự rằng không biết có sức tổ chức thêm lần nữa hay không. Cố kiếm thêm một ít cho người nghèo và các em mồ côi ở Kontum trước khi quy ẩn về vườn, mà chỉ sợ lực bất tòng tâm. Nhìn lại anh em, ai cũng đầu đã bạc, mỏi gối chồn chân đã nhiều. Tuy nhiên, vài anh em nhận xét Bok Thân còn “ngon cơm” lắm, chắc chắn sẽ làm được. On verra! Chia tay nhau ra về trong lưu luyến, ai cũng biết sẽ còn lần tới nữa vào tháng 9, năm 2026.

NGUYỄN VĂN TỚI CVKer 70.

Chú thích: Bok tiếng Thượng Bahnar là Father/linh mục.

CVKer: Người tu học ở Chủng Viện Kontum.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
Tôi làm việc giữ xe cho một casino ở ngoại ô Toronto, gọi là parking attendant. Đó là nghề mà thanh niên ít chịu làm, phần vì lương thấp, mức tối thiểu, hồi đó 5 đồng một giờ, nhưng lý do chính là vì nó buồn. Bãi đậu xe nằm dưới hầm tối, không nhìn thấy người qua lại, nếu ở ngoài trời cũng sau lưng nhà cao tầng. Không ai làm chỗ đậu xe ở khung cảnh xinh đẹp, nơi ấy dành cho hàng quán. Đi học ban ngày, tôi làm thêm ban đêm là việc thích hợp, có thể thỉnh thoảng ngồi học bài. Nhân viên trong phiên gác trước tôi là cô gái bằng tuổi hoặc cùng lắm lớn hơn một hai tuổi, nhưng không hiểu sao cô vẫn có thói quen gọi tôi là em và xưng chị.
Anh cho xe dừng lại nơi góc đường rồi đi bộ về phía căn nhà. Tuyết đang rơi dầy đặc trắng xóa cả bầu trời, đúng là một White Christmas như nhiều người mong muốn. Những ánh đèn màu trang hoàng trước sân các nhà nhấp nháy vui tươi như đang mừng đón Chúa Hài Đồng giáng trần. Anh bước lên bậc thềm gỗ, bước rón rén đến cửa sổ nhìn qua tấm rèm mỏng, hơi giật mình sựng lại khi thấy ba mẹ con cô ấy đang dọn bữa ăn đêm Noel. Hẳn là họ vừa đi lễ về, anh thầm nghĩ. Nhìn đứa con trai mười ba tuổi và đứa con gái mười một tuổi giúp mẹ sắp xếp bày biện thức ăn trên bàn, anh thoáng chút xúc động và an tâm vì các con đã lớn, có thể đỡ đần mẹ trong nhiều việc nhà, anh cũng thấy bớt đi mặc cảm tội lỗi của mình.
Chuyện xảy ra trên một chuyến xe Greyhound. Xe đò Greyhound có vẽ con chó sói xoải cẳng phi nước đại bên hông là thứ nối liền các thành phố bên Mỹ và Canada. Nhiều người trong chúng ta chắc đã từng ngự trên những chuyến xe xuyên liên bang này. Tôi cũng đã từng xuôi ngược với Greyhound. Từ Montreal qua Washington D.C. thăm bạn bè dân thủ đô nước Mỹ như các ông Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Tường Đằng. Từ Vancouver qua Portland thăm ông Từ Công Phụng. Từ Seattle về Vancouver sau khi cưỡi du thuyền đi Alaska thăm mấy chú gấu tuyết. Nói như vậy để thấy tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chen vai thích cánh cùng những người không có hoặc ngại lái xế riêng.
Hai chữ giang hồ không mấy xa lạ trong đời sống của mỗi người đều thường đề cập trong thơ, văn, điện ảnh… và cũng là câu nói thường tình với cá nhân, nhóm người trong xã hội. Tác phẩm Thủy Hử ban đầu là Giang Hồ Khách Truyện, sau lấy tên là Thủy Hử vì “căn cứ địa” Lương Sơn là vùng đầm, hồ nên Thủy Hử (bến nước). Truyện nầy qua bản dịch của La Thần và Á Nam Trần Tuấn Khải, gồm 3 cuốn, năm 1973, sau đó với Tử Vi Lang nên rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Trong truyện Thủy Hử của của nhà văn Thi Nại Am (1296-1372) ở Trung Hoa vào triều Nguyên-Mông (1295-1368), kể về câu chuyện của Tống Giang triều nhà Tống, nổi dậy kéo theo “giang hồ hảo hán” gồm 108 người đến núi Lương Sơn. Gọi là anh hùng Lương Sơn Bạc.
Ở Sơn Tây, tôi là khách lạ nhưng mang tâm trạng sâu đậm như người trở về nguồn cội. Đầu tiên tôi tìm mua tấm bản đồ tỉnh lỵ nhưng không ai bán, họ chỉ dẫn địa điểm Thành Cổ rồi theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc của hình vuông ấy là sẽ tìm ra mọi nơi. Hướng Nam đối diện với phố Quang Trung còn gọi là Cửa Tiền, Cửa Hậu ở hướng Bắc có phố Lê Lợi và nếu đi thẳng đến cuối đường sẽ gặp sông Hồng, hướng Đông là Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và cuối cùng hướng Tây hay Cửa Hữu có phố Ngô Quyền.
Buổi sáng cuối tuần, mùa đông chớm về với những cụm mây xám nhạt, lơ lửng trôi trên bầu trời California, không khí se se lạnh, tôi và Hoàng ngồi ngoài hàng hiên quán Coffee Lovers của Thành phố Hoa vàng nhìn trời hưu quạnh. Bên hai ly cà phê sữa nóng và dĩa bánh Patechaud, Hoàng nói chậm dãi, nhỏ nhẹ, kể cho tôi nghe về quê ngoại của Hoàng thời niên thiếu.
Memphis là thành phố lớn của tiểu bang Tennessee, nổi tiếng là một trong những cái nôi của dòng nhạc Blues & Jazz của nước Mỹ. Cách đây 4 năm, tôi lái xe đến thăm Memphis chỉ để được nghe nhạc Blues “nguyên chất” tại B.B King’s Blues Club, một trong những “việc đáng làm trong đời” đối với những người mê nhạc Jazz. Nghe nhạc Jazz ở Memphis sẽ thấy được dòng nhạc như chảy trong huyết quản của người da đen ở Miền Nam Hoa Kỳ. Vào đầu tháng 10 năm nay, tôi trở lại thành phố Memphis, nhưng đó không phải là đích đến của chuyến đi. Memphis có phi trường chỉ cách Tu Viện Mộc Lan khoảng hơn một tiếng lái xe. UH, một cô bạn đồng tu đã từng cùng học với một vị thầy, cùng sinh hoạt trong một nhóm Phật tử ở Quận Cam California được chấp nhận vào ni đoàn, làm lễ xuống tóc xuất gia tại Mộc Lan. Tôi cùng một nhóm bạn nhận lời mời đến dự sự kiện trọng đại của một đời người này.
Đọc xong email của Cathy, Khôi mỉm cười khoan khoái, bước xuống phòng khách pha cho mình ly cà phê nóng của buổi sáng cuối tuần. Trời đã cuối Thu, những chiếc lá khô cuối cùng lao xao đuổi nhau theo những cơn gió nhẹ trên mặt đường, tạo nên một âm thanh vui tai. Hàng cây khô trụi lá khẳng khiu đang rung rinh trước gió, chuẩn bị cho những ngày đông dài sắp tới. Khung cảnh thật bình yên. Bình yên như tâm hồn Khôi sau những tháng ngày băn khoăn, ray rứt đã qua.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.