Hôm nay,  

Bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của Vua Trần Thái Tông – Phần 2

16/12/202310:08:00(Xem: 990)
Truyện

thaitong
Tượng Vua Trần Thái Tông.

Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng.
   Sau phần dọn dẹp khi ăn xong, cả ba chúng tôi lại có dịp ngồi cùng nhau trò chuyện bên đĩa mít. Thi đang loay hoay đun nước pha trà. Tôi biết, như đã hứa với Uyên, bổn phận của tôi bây giờ là phải nói cho Uyên nghe về bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông, vị vua tại ngôi đầu tiên của nhà Trần.
    Tôi đưa cho Uyên đọc sơ qua “bài tựa” đó. Tôi không quên nhắc nàng là toàn bộ quyển “Thiền Tông Chỉ Nam” đã bị thất lạc, nay chỉ còn giữ lại được “bài tựa” này mà thôi.
 
BÀI TỰA THIỀN TÔNG CHỈ NAM (1)

Trẫm thầm nghĩ: Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm cho người sau, là trọng trách của các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: "Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác". Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay trẫm đâu không thể lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.
   Vả lại, thuở trẫm còn niên thiếu, có chút ít hiểu biết vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh, nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý nói hồi hướng đã nẩy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.
   Năm mười sáu tuổi, Thái Hậu đã chán cõi đời, trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng Đế cũng băng hà, lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ: Công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan, thịt nát vẫn chưa đủ đền đáp trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng thêm hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo: trên đã không cha mẹ để nương tựa, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại: chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí trẫm đã quyết định.
    Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1242), trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung bảo tả hữu rằng: "Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ". Bấy giờ tả hữu theo trẫm không quá bảy, tám người. Giờ hợi đêm ấy, trẫm cưỡi một ngựa lặng lẽ ra đi; sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thực lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa Tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị đại Sa môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:
    "Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây".
     Trẫm nghe nói, hai hàng nước mắt tự trào, đáp lại Sư rằng: "Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thịnh suy không thường, cho nên trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác".
    Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".
    Bấy giờ ông chú Trần Công, người em họ mà Tiên quân gởi gấm đứa con côi. Sau khi Tiên quân bỏ thế gian và quần thần, trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chính. Nghe tin trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích rồi cùng người trong nước lên đến núi này.
    Gặp trẫm, ông thống thiết nói:"Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về".
    Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ trẫm, liền đem lời bày tỏ với Quốc sư. Quốc sư cầm tay trẫm bảo: "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".
    Vì thế, trẫm cùng mọi người trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, trẫm họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa... đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ Nam". Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng: "Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học".
    Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhơn đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.
   
Sau khi chúng tôi cùng đọc bài tựa này, tôi tóm tắt và nêu lên vài ý chính cho Uyên thấy, để rộng đường thảo luận sau này.
    – Mở đầu bài văn, ngài khẳng định Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ và ngài sẽ theo chân các Thánh để góp công vào sự truyền bá giáo pháp của đạo Phật.
    – Từ thuở niên thiếu (11, 12 tuổi), ngài đã nghe qua về đạo Phật và đem lòng yêu thích. Tuy là vua (lên ngôi lúc 8 hay 9 tuổi) nhưng ngài vẫn phát tâm tìm học Phật pháp, tìm hiểu Thiền tông.
    – Năm 16 tuổi, ngài mất mẹ; hai năm sau, ngài mất cha. Nỗi thống khổ của ngài đến cùng cực. Bên cạnh đó, ngài lại phải gánh vác trọng trách của ông vua một nước mà cha ngài và cả dòng họ đã vất vả trăm phần mới gây dựng lên được. Ngài phân vân trong việc chọn lựa giữa trách nhiệm với quốc dân, sự đền ơn cha mẹ hay bỏ đi tu. Cuối cùng ngài chọn con đường thứ hai là vào rừng núi tu, mới mong đền đáp công ơn sinh dưỡng của song thân.
    – Ta thấy ngài đã không kể hay đả động gì tới sự bất mãn, tủi nhục khi phải bỏ vợ mình là Chiêu Thánh để cưới chị dâu – tức vợ của Trần Liễu – là công chúa Thuận Thiên làm vợ dưới áp lực của ông chú ruột là Trần Thủ Độ. Khi Quốc sư hỏi tại sao tới đây, ngài trào nước mắt mà không thổ lộ ra được.
    – Ngài tả lại về cuộc hành trình vất vả khi bỏ kinh thành để trốn vào vùng núi rừng hoang vu Yên Tử.
    – Ngài kể lại về cuộc đối thoại của ngài với Quốc sư Trúc Lâm. Cuộc đối thoại rất quan trọng đối với vua Trần Thái Tông trong việc tu học sau này. Thiền sư hỏi “Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây". Vua trả lời “trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác". Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".
    – Vua kể về sự thuyết phục của Trần Thủ Độ để ngài phải trở lại triều đình. Câu cuối cùng Trần Thủ Độ dùng như một tối hậu thư để vua không thể không về “Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về". Lúc này Quốc sư mới bảo "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".
    – Trong khi trị nước, ngài không ngừng nghiên cứu đạo Phật. Ngài được chứng ngộ và cống hiến sự ra đời của cuốn “Thiền Tông Chỉ Nam”. “Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ Nam"
    Uyên và Thi ngồi nghe tôi nói một cách chăm chú. Tôi nhìn thẳng vào mắt Uyên như để nhắc nàng nghe cho kỹ những điều tôi sắp nói thêm:
    – Cứ dựa theo bài “tựa” trên ta có thể nhận ra được một vài điểm tương đồng của ngài Trần Thái Tông với ngài Lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu trong “Kinh Bảo Đàn” của Thiền Tông Trung Hoa:
    Cùng nói Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu thành Phật.
    Cùng cầu thành Phật chứ không cầu gì khác.
    Cùng ngộ bằng kinh Kim Cang bởi câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". 
    Sau khi tôi nêu lên những nét tương đồng, Uyên ngẫm nghĩ một chút rồi mới nói:
    – Các vị đạt đạo, họ cùng có cái nhìn giống nhau anh nhỉ!
    Tôi hỏi Uyên:
    – Uyên có nhớ hôm chúng ta cùng đi nghe sư cụ làng mình giảng kinh không?
    – Thưa anh, em nhớ!
    – Uyên còn nhớ sư cụ giảng kinh Kim Cang. Hiểu được những gì, em nói cho anh nghe!
    Uyên cười chữa thẹn:
    – Hôm đó em bị phân tâm nên em không hiểu bài thuyết pháp ấy!
    Uyên chép miệng:
    – Mà có chú tâm nghe, chắc em cũng chẳng hiểu nổi!
    Tôi vờ tằng hắng, lên giọng hỏi Thi:
    – Thế còn cô này, có hiểu gì không?
    Thi nhẹ phùng má nói “Không!” một tiếng nhỏ rồi mới cười cười trả lời tôi:
    – Không ạ! Hôm đó em ngồi ngủ gật!
    Thi nói với giọng thách thức:
    – Anh hiểu thì bây giờ anh nói lại cho chúng em nghe đi!
    Tôi giữ vẻ nghiêm trang, ngửa mặt nhìn lên trần nhà, dõng dạc tuyên bố:
    – Anh cũng không hiểu!
    Nói xong tôi vẫn nhìn lên trần nhà cười khà khà. Cả hai cô cười rũ ra. Thi đưa tay cù vào nách tôi:
    – Thế mà lên giọng ông thầy! Anh chỉ giỏi bắt nạt chúng em!
    Tôi cuời:
    – Chúng ta đừng xấu hổ vì không hiểu nổi kinh Kim Cang. Cụ Nguyễn Du, trong một bài thơ, cụ tự thú đọc kinh này trên một nghìn lần mà vẫn không “ngộ” được. Chúng ta là “cái thá gì” mà đòi hiểu ngay. Đừng xấu hổ nữa! Kinh này đức Phật dùng để giảng dậy cho những vị hàng Bồ Tát thôi mà.
    Tôi xoay người về phía Thi:
    – Thôi, để anh nói một chút về bộ kinh này, một chút thôi. Nếu không, em lại bảo là anh chỉ biết bắt nạt “trẻ con”.
    Thi “véo” nhẹ vào đùi tôi:
    – Này “trẻ con” này! Đã không hiểu lại còn đòi nói. Em không nghe nữa đâu!
    Uyên ngồi đối diện với Thi ở phía bên kia bàn, lườm cô em:
    – Cái cô này! Để anh ấy nói ra những cái “không hiểu” đã nào!
    Thi vênh mặt:
    – Thế thì cho anh nói đấy!
    Tôi cố nhớ lại những điều các sư đã từng giảng kinh này trong những ngày đại lễ Phật.
    Cả cuốn kinh Kim Cang chỉ tóm tắt để trả lời hai câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề (tên một đệ tử của Phật):
    Làm sao để an trụ tâm?
    Làm sao để hàng phục tâm?
    Chỉ có hai điều đó thôi mà muốn hiểu được nó, thực hành được nó thật vô cùng khó khăn.
    Ngay đến cụ Nguyễn Du cũng phải tự nhận là đã tụng kinh này hơn một nghìn lần mà cụ vẫn chưa “ngộ” được cốt tủy của kinh Kim Cang. Kẻ sơ cơ như anh em chúng ta chỉ cầu mong có ý niệm về kinh này thôi cũng đã thấy khó lắm rồi, ví chỉ như người mù dò dẫm trong bóng đêm “vô minh”.
    – An trụ tâm không để cho tâm chạy theo trần cảnh. Tức là ta sống vẫn mắt thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, thân xúc chạm nhưng tâm không đắm nhiễm, mà chỉ trụ tâm vào chỗ không chấp, không vướng mắc, đó là giữ tâm thanh tịnh, tự tại trước sự tham ái, sợ hãi, khổ đau, sinh diệt, vô thường . . . của cuộc đời.
    – Hàng phục được tâm phân biệt, vọng tưởng là ta đang an trụ tâm. Như vậy hàng phục tâm cũng chính là hay gần gũi với an trụ tâm vậy.
    Hãy tạm hiểu điều sơ đẳng:
    Mắt: Không thấy vật chất là vĩnh cửu, là quí giá, cần nắm giữ cho riêng mình. 
   Tai: Không nghe nhiều, không chấp vào tiếng khen chê, sanh tâm thương ghét phân biệt. 
    Mũi: Không để cho mùi vị, hương lạ làm tâm tán loạn, sanh tâm mê đắm, thích hưởng thụ. 
    Lưỡi: Không để cho cảm giác ngon dở, ưa thích sai khiến, tạo nghiệp chẳng lành.
    Thân: Không hơn thua, đẹp xấu phô trương, sanh lòng khinh mạn đua đòi. 
    Ý: Không để cho ý sanh vọng tưởng điên đảo, tâm thức tán loạn sẽ rơi vào tội lỗi.
   Tâm không trụ vào trần cảnh thì tâm sẽ trụ vào đâu? Trụ vào nơi không hình tướng, trụ vào nơi vô niệm (được nói rõ trong “Khóa Hư Lục” của vua Trần Thái Tông). Nói cách khác là tâm sẽ trụ vào nơi “vô trụ” hay cũng còn có thể nói một cách khác nữa là trụ vào nơi “vô dư niết bàn”. “Vô dư niết bàn” là “niết bàn” hiện tại của người còn đang sống; “hữu dư niết bàn” là “niết bàn” của những người đã nhập tịch (chết).
    Sau phần giải thích sơ lược vài điểm về kinh Kim Cang, rồi qua vài mẩu truyện thiền cho hai cô dễ hiểu, tôi nói thêm như một lời kết luận:
    – “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ấy cũng chính là cái thân tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo” của vua Trần Nhân Tông (3). Ở trong trần mà không bị nhiễm bởi trần là cách sống đạt đạo, an nhiên tự tại của ngài. Vua Trần Nhân Tông là con vua Trần Thánh Tông và là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
    Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
    Cơ tắc sang hề khốn tắc miên
    Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
    Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch:
    Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
    Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền
    Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa
    Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
    Thi lại nghiêng nghiêng đầu hỏi tôi:
    – Anh có hiểu những gì anh đang nói không?
    Tôi mau mắn trả lời:
    – Không!
    Thi ôm cánh tay tôi, cười trêu:
    – Hi! Hi! Hi! . . . Thế mà em cứ tưởng anh hiểu!
    Thi nép đầu vào vai tôi:
    – Em ghét anh lắm!
    Nghe thế, tôi véo nhẹ má Thi, nhái theo lời cụ Hồng nói với vợ trong tuyệt phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trong Phụng:
    – “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
    Thi ngúng nguẩy:
    – Em ghét anh!
    Tôi cười lặp lại:
    – “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
    Uyên cũng nhìn tôi, đùa nhái theo lời cụ Hồng hỏi lại bà vợ:
    – “Thế sao nữa, hả bà?”
    Chúng tôi cùng cười to. Thi không quên cắn nhẹ vào cánh tay tôi trước khi bỏ đi lấy thêm nước pha trà.
    Tôi tủm tỉm cười tự nghĩ cuộc nói chuyện của tôi với Uyên và Thi về Kinh Kim Cang chẳng khác nào như mẩu đối thoại vừa rồi của cụ Hồng với bà vợ trong truyện Số Đỏ.
 
– Nguyễn Giụ Hùng
 
GHI CHÚ:
 
Bản dịch của Hoà thượng Thích Thanh Từ.
Theo Thích Nữ Chân Liễu

Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, hai lần đánh thắng quân Nguyên, cũng là vị tổ sáng lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang tính chất thuần túy văn hóa Việt Nam. Con gái là Huyền Trân Công Chúa được ngài gả cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân đến bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay).
 
THAM KHẢO:
    – Kinh Kim Cang
    – Bảo Pháp Đàn Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư...
Tôi là con nhỏ Bắc di cư, nên hết Hè năm 75 tôi học xong đại học, chuẩn bị đi dạy. Ai dè ngày 30/4 ập đến, tất cả sinh viên miền Nam tạm ngưng việc học, để đi làm lao động công ích, dọn dẹp đường phố, phụ việc đổi tiền, đào kênh…
Có một lần, tôi gặp bài của một tác giả viết về nước Mỹ, rất hay rất cảm động, bà ấy nói về chồng bà và gọi ông là « y của tôi », cái cụm từ thật thân mật, y của tôi, nghe hợp thời hơn chồng tôi, anh tôi, nhà tôi… nhứt là trong trường hợp mà tôi đang muốn nói về chồng của bạn mình, thì còn tiện và hay hơn nữa. Thí dụ: Chồng của bạn Liên, tôi gọi là y Liên, chồng của bạn Dung, thì tôi gọi là y Dung, chồng của bạn Thu, thì tôi gọi là y Thu…
Thế là thiên hạ thoát khỏi cơn đại dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn còn sệt, một số giới chức và bọn truyền thông quen lối bé xé ra to và hù dọa cứ tung tin linh tinh. Tất nhiên cũng có những trường hợp tái nhiễm virut nhưng không có gì nghiêm trọng. Dịch đã trở thành bình thường như những loại cúm theo mùa...
Chị Bông vào diễn đàn Cô Gái Việt đọc bài thơ của chị Hoài Mộng mà ngậm ngùi với những lời thơ thương nhớ người chồng đã khuất mấy năm nay, không có anh cùng uống trà mỗi buổi sớm mai, không có anh cùng đi chùa những ngày rằm ngày lễ lớn, v.v. Trong diễn đàn còn có chị Hiền Thảo vừa mới mất chồng chưa tròn năm...
Mùa này trời tối nhanh, Tết sắp đến, trên con đường làng vắng vẻ, hai bên là những mái tranh nghèo xơ xác, thấp thoáng vài ngọn đèn dầu tù mù, nhìn xa như những đốm ma trơi thoắt ẩn hiện sau những hàng rào tre, càng làm tăng cái vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Ở đây, người dân lo ăn cơm cho nhanh trước khi mặt trời đi ngủ để còn thấy đường dọn dẹp và rửa chén; hơn nữa là để tiết kiệm nhiên liệu vì tiêu chuẩn mỗi gia đình một tháng, chỉ mua được 1 lít dầu hôi thắp đèn...
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, tr
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.