Hôm nay,  

Bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của Vua Trần Thái Tông – Phần 2

16/12/202310:08:00(Xem: 1534)
Truyện

thaitong
Tượng Vua Trần Thái Tông.

Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng.
   Sau phần dọn dẹp khi ăn xong, cả ba chúng tôi lại có dịp ngồi cùng nhau trò chuyện bên đĩa mít. Thi đang loay hoay đun nước pha trà. Tôi biết, như đã hứa với Uyên, bổn phận của tôi bây giờ là phải nói cho Uyên nghe về bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông, vị vua tại ngôi đầu tiên của nhà Trần.
    Tôi đưa cho Uyên đọc sơ qua “bài tựa” đó. Tôi không quên nhắc nàng là toàn bộ quyển “Thiền Tông Chỉ Nam” đã bị thất lạc, nay chỉ còn giữ lại được “bài tựa” này mà thôi.
 
BÀI TỰA THIỀN TÔNG CHỈ NAM (1)

Trẫm thầm nghĩ: Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm cho người sau, là trọng trách của các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: "Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác". Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay trẫm đâu không thể lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.
   Vả lại, thuở trẫm còn niên thiếu, có chút ít hiểu biết vừa nghe lời dạy của Thiền sư thì tâm tư lóng lặng, bỗng dưng thanh tịnh, nên để tâm nơi nội giáo, tham cứu Thiền tông, dốc lòng tìm thầy, chí thành mộ đạo. Tuy ý nói hồi hướng đã nẩy mầm, mà cơ cảm xúc chưa thấu suốt.
   Năm mười sáu tuổi, Thái Hậu đã chán cõi đời, trẫm nằm rơm gối đất, khóc ra máu mắt, đau đớn nát lòng; ngoài nỗi đau buồn này, đâu rảnh nghĩ việc khác. Chỉ vài năm sau, Thái Tổ Hoàng Đế cũng băng hà, lòng thương mẹ chưa nguôi, nỗi xót cha càng thống thiết, buồn thảm tràn trề khó bề dẹp được. Trẫm nghĩ: Công cha mẹ đối với con, nuôi nấng vỗ về không thiếu điều gì, dù con phải xương tan, thịt nát vẫn chưa đủ đền đáp trong muôn một. Huống nữa, Thái Tổ Hoàng đế khai cơ lập nghiệp rất đỗi gian nan, trị nước giúp đời càng thêm hệ trọng. Người đem đất nước giao cho ta khi còn thơ ấu, khiến ta ngày đêm canh cánh không chút thảnh thơi. Ta lòng riêng tự bảo: trên đã không cha mẹ để nương tựa, dưới ngại chẳng xứng lòng dân mong đợi. Phải làm sao đây? Ta suy đi nghĩ lại: chi bằng lui về ở chốn núi rừng, tìm học Phật pháp để hiểu rõ việc lớn sanh tử, lấy đó đền đáp công ơn cha mẹ, chẳng hay hơn sao? Thế là chí trẫm đã quyết định.
    Đêm mùng ba tháng tư năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ năm (1242), trẫm đổi y phục đi ra khỏi cửa cung bảo tả hữu rằng: "Trẫm muốn đi dạo để ngầm nghe lời dân, biết được chí dân, mới hiểu thấu nỗi khó khăn của họ". Bấy giờ tả hữu theo trẫm không quá bảy, tám người. Giờ hợi đêm ấy, trẫm cưỡi một ngựa lặng lẽ ra đi; sang sông thẳng về hướng đông, mới nói thực lòng cho tả hữu biết. Tả hữu ngạc nhiên, tất cả đều khóc. Giờ mẹo hôm sau, đến bến đò Đại Than bên núi Phả Lại, sợ có người biết, trẫm lấy áo che mặt qua sông, đi tắt theo đường núi. Đến tối vào nghỉ chùa Tăng Giác Hạnh, đợi sáng lại đi. Leo trèo lặn lội, núi hiểm suối sâu, ngựa mỏi mệt không thể tiến lên được; trẫm bèn bỏ ngựa vin vách đá lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử. Sáng hôm sau, trẫm trèo thẳng lên đỉnh núi, tham kiến vị đại Sa môn Quốc sư Trúc Lâm. Quốc sư vừa thấy trẫm mừng rỡ, ung dung bảo:
    "Lão tăng ở lâu nơi sơn dã, xương cứng mặt gầy, ăn rau đắng cắn hạt dẻ, uống nước suối, dạo cảnh rừng, lòng như mây nổi theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây".
     Trẫm nghe nói, hai hàng nước mắt tự trào, đáp lại Sư rằng: "Trẫm còn thơ ấu vội mất hai thân, bơ vơ đứng trên sĩ dân không chỗ nương tựa. Lại nghĩ sự nghiệp các bậc đế vương đời trước, thịnh suy không thường, cho nên trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác".
    Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".
    Bấy giờ ông chú Trần Công, người em họ mà Tiên quân gởi gấm đứa con côi. Sau khi Tiên quân bỏ thế gian và quần thần, trẫm phong làm Thái sư tham dự quốc chính. Nghe tin trẫm trốn đi, ông liền sai tả hữu đi mọi nơi dò tìm tung tích rồi cùng người trong nước lên đến núi này.
    Gặp trẫm, ông thống thiết nói:"Thần nhận sự ủy thác của Tiên quân, tôn Bệ hạ làm chúa thần dân. Lòng dân trông đợi Bệ hạ như con nhỏ mong đợi cha mẹ. Huống nữa, ngày nay các cố lão trong triều đều là bề tôi thân thuộc, dân chúng sĩ thứ ai cũng vui vẻ phục tùng. Cho đến đứa bé lên bảy cũng biết Bệ hạ là cha mẹ dân. Vả Thái Tổ bỏ thần mà đi, nắm đất trên mồ chưa khô, lời dặn dò còn vẳng bên tai. Nay Bệ hạ trốn lánh vào núi rừng, ẩn cư để mong thỏa chí mình. Như thần nghĩ, Bệ hạ tính kế tự tu thì có thể được, còn quốc gia xã tắc thì sao? Chỉ để lời dạy suông cho đời, chi bằng đem thân mình làm gương trước cho thiên hạ. Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về".
    Trẫm thấy Thái sư cùng các cố lão quần thần không có ý bỏ trẫm, liền đem lời bày tỏ với Quốc sư. Quốc sư cầm tay trẫm bảo: "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".
    Vì thế, trẫm cùng mọi người trở về Kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, trẫm họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa... đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ Nam". Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng: "Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học".
    Trẫm nghe lời này, sai thợ viết chữ chân phương, ra lệnh khắc bản in. Chẳng những để chỉ đường mê cho hậu thế, mà còn muốn tiếp nối công lớn các bậc Thánh nhơn đời trước. Vì thế tự làm lời tựa này.
   
Sau khi chúng tôi cùng đọc bài tựa này, tôi tóm tắt và nêu lên vài ý chính cho Uyên thấy, để rộng đường thảo luận sau này.
    – Mở đầu bài văn, ngài khẳng định Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ và ngài sẽ theo chân các Thánh để góp công vào sự truyền bá giáo pháp của đạo Phật.
    – Từ thuở niên thiếu (11, 12 tuổi), ngài đã nghe qua về đạo Phật và đem lòng yêu thích. Tuy là vua (lên ngôi lúc 8 hay 9 tuổi) nhưng ngài vẫn phát tâm tìm học Phật pháp, tìm hiểu Thiền tông.
    – Năm 16 tuổi, ngài mất mẹ; hai năm sau, ngài mất cha. Nỗi thống khổ của ngài đến cùng cực. Bên cạnh đó, ngài lại phải gánh vác trọng trách của ông vua một nước mà cha ngài và cả dòng họ đã vất vả trăm phần mới gây dựng lên được. Ngài phân vân trong việc chọn lựa giữa trách nhiệm với quốc dân, sự đền ơn cha mẹ hay bỏ đi tu. Cuối cùng ngài chọn con đường thứ hai là vào rừng núi tu, mới mong đền đáp công ơn sinh dưỡng của song thân.
    – Ta thấy ngài đã không kể hay đả động gì tới sự bất mãn, tủi nhục khi phải bỏ vợ mình là Chiêu Thánh để cưới chị dâu – tức vợ của Trần Liễu – là công chúa Thuận Thiên làm vợ dưới áp lực của ông chú ruột là Trần Thủ Độ. Khi Quốc sư hỏi tại sao tới đây, ngài trào nước mắt mà không thổ lộ ra được.
    – Ngài tả lại về cuộc hành trình vất vả khi bỏ kinh thành để trốn vào vùng núi rừng hoang vu Yên Tử.
    – Ngài kể lại về cuộc đối thoại của ngài với Quốc sư Trúc Lâm. Cuộc đối thoại rất quan trọng đối với vua Trần Thái Tông trong việc tu học sau này. Thiền sư hỏi “Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, nghĩ đến nơi quê hèn rừng núi, chẳng hay Bệ hạ mong cầu điều gì mà đến đây". Vua trả lời “trẫm đến núi nầy chỉ cầu làm Phật, chớ không cầu gì khác". Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, gọi là chơn Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài".
    – Vua kể về sự thuyết phục của Trần Thủ Độ để ngài phải trở lại triều đình. Câu cuối cùng Trần Thủ Độ dùng như một tối hậu thư để vua không thể không về “Bệ hạ nếu không nghĩ lại, chúng thần cùng người trong thiên hạ đồng chết ngay hôm nay, quyết chí không trở về". Lúc này Quốc sư mới bảo "Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ trở về, Bệ hạ không về sao được. Song phần nghiên cứu nội điển, mong Bệ hạ đừng xao lãng".
    – Trong khi trị nước, ngài không ngừng nghiên cứu đạo Phật. Ngài được chứng ngộ và cống hiến sự ra đời của cuốn “Thiền Tông Chỉ Nam”. “Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", trong khoảng để quyển xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là "Thiền Tông Chỉ Nam"
    Uyên và Thi ngồi nghe tôi nói một cách chăm chú. Tôi nhìn thẳng vào mắt Uyên như để nhắc nàng nghe cho kỹ những điều tôi sắp nói thêm:
    – Cứ dựa theo bài “tựa” trên ta có thể nhận ra được một vài điểm tương đồng của ngài Trần Thái Tông với ngài Lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu trong “Kinh Bảo Đàn” của Thiền Tông Trung Hoa:
    Cùng nói Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu thành Phật.
    Cùng cầu thành Phật chứ không cầu gì khác.
    Cùng ngộ bằng kinh Kim Cang bởi câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". 
    Sau khi tôi nêu lên những nét tương đồng, Uyên ngẫm nghĩ một chút rồi mới nói:
    – Các vị đạt đạo, họ cùng có cái nhìn giống nhau anh nhỉ!
    Tôi hỏi Uyên:
    – Uyên có nhớ hôm chúng ta cùng đi nghe sư cụ làng mình giảng kinh không?
    – Thưa anh, em nhớ!
    – Uyên còn nhớ sư cụ giảng kinh Kim Cang. Hiểu được những gì, em nói cho anh nghe!
    Uyên cười chữa thẹn:
    – Hôm đó em bị phân tâm nên em không hiểu bài thuyết pháp ấy!
    Uyên chép miệng:
    – Mà có chú tâm nghe, chắc em cũng chẳng hiểu nổi!
    Tôi vờ tằng hắng, lên giọng hỏi Thi:
    – Thế còn cô này, có hiểu gì không?
    Thi nhẹ phùng má nói “Không!” một tiếng nhỏ rồi mới cười cười trả lời tôi:
    – Không ạ! Hôm đó em ngồi ngủ gật!
    Thi nói với giọng thách thức:
    – Anh hiểu thì bây giờ anh nói lại cho chúng em nghe đi!
    Tôi giữ vẻ nghiêm trang, ngửa mặt nhìn lên trần nhà, dõng dạc tuyên bố:
    – Anh cũng không hiểu!
    Nói xong tôi vẫn nhìn lên trần nhà cười khà khà. Cả hai cô cười rũ ra. Thi đưa tay cù vào nách tôi:
    – Thế mà lên giọng ông thầy! Anh chỉ giỏi bắt nạt chúng em!
    Tôi cuời:
    – Chúng ta đừng xấu hổ vì không hiểu nổi kinh Kim Cang. Cụ Nguyễn Du, trong một bài thơ, cụ tự thú đọc kinh này trên một nghìn lần mà vẫn không “ngộ” được. Chúng ta là “cái thá gì” mà đòi hiểu ngay. Đừng xấu hổ nữa! Kinh này đức Phật dùng để giảng dậy cho những vị hàng Bồ Tát thôi mà.
    Tôi xoay người về phía Thi:
    – Thôi, để anh nói một chút về bộ kinh này, một chút thôi. Nếu không, em lại bảo là anh chỉ biết bắt nạt “trẻ con”.
    Thi “véo” nhẹ vào đùi tôi:
    – Này “trẻ con” này! Đã không hiểu lại còn đòi nói. Em không nghe nữa đâu!
    Uyên ngồi đối diện với Thi ở phía bên kia bàn, lườm cô em:
    – Cái cô này! Để anh ấy nói ra những cái “không hiểu” đã nào!
    Thi vênh mặt:
    – Thế thì cho anh nói đấy!
    Tôi cố nhớ lại những điều các sư đã từng giảng kinh này trong những ngày đại lễ Phật.
    Cả cuốn kinh Kim Cang chỉ tóm tắt để trả lời hai câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề (tên một đệ tử của Phật):
    Làm sao để an trụ tâm?
    Làm sao để hàng phục tâm?
    Chỉ có hai điều đó thôi mà muốn hiểu được nó, thực hành được nó thật vô cùng khó khăn.
    Ngay đến cụ Nguyễn Du cũng phải tự nhận là đã tụng kinh này hơn một nghìn lần mà cụ vẫn chưa “ngộ” được cốt tủy của kinh Kim Cang. Kẻ sơ cơ như anh em chúng ta chỉ cầu mong có ý niệm về kinh này thôi cũng đã thấy khó lắm rồi, ví chỉ như người mù dò dẫm trong bóng đêm “vô minh”.
    – An trụ tâm không để cho tâm chạy theo trần cảnh. Tức là ta sống vẫn mắt thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, thân xúc chạm nhưng tâm không đắm nhiễm, mà chỉ trụ tâm vào chỗ không chấp, không vướng mắc, đó là giữ tâm thanh tịnh, tự tại trước sự tham ái, sợ hãi, khổ đau, sinh diệt, vô thường . . . của cuộc đời.
    – Hàng phục được tâm phân biệt, vọng tưởng là ta đang an trụ tâm. Như vậy hàng phục tâm cũng chính là hay gần gũi với an trụ tâm vậy.
    Hãy tạm hiểu điều sơ đẳng:
    Mắt: Không thấy vật chất là vĩnh cửu, là quí giá, cần nắm giữ cho riêng mình. 
   Tai: Không nghe nhiều, không chấp vào tiếng khen chê, sanh tâm thương ghét phân biệt. 
    Mũi: Không để cho mùi vị, hương lạ làm tâm tán loạn, sanh tâm mê đắm, thích hưởng thụ. 
    Lưỡi: Không để cho cảm giác ngon dở, ưa thích sai khiến, tạo nghiệp chẳng lành.
    Thân: Không hơn thua, đẹp xấu phô trương, sanh lòng khinh mạn đua đòi. 
    Ý: Không để cho ý sanh vọng tưởng điên đảo, tâm thức tán loạn sẽ rơi vào tội lỗi.
   Tâm không trụ vào trần cảnh thì tâm sẽ trụ vào đâu? Trụ vào nơi không hình tướng, trụ vào nơi vô niệm (được nói rõ trong “Khóa Hư Lục” của vua Trần Thái Tông). Nói cách khác là tâm sẽ trụ vào nơi “vô trụ” hay cũng còn có thể nói một cách khác nữa là trụ vào nơi “vô dư niết bàn”. “Vô dư niết bàn” là “niết bàn” hiện tại của người còn đang sống; “hữu dư niết bàn” là “niết bàn” của những người đã nhập tịch (chết).
    Sau phần giải thích sơ lược vài điểm về kinh Kim Cang, rồi qua vài mẩu truyện thiền cho hai cô dễ hiểu, tôi nói thêm như một lời kết luận:
    – “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ấy cũng chính là cái thân tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo” của vua Trần Nhân Tông (3). Ở trong trần mà không bị nhiễm bởi trần là cách sống đạt đạo, an nhiên tự tại của ngài. Vua Trần Nhân Tông là con vua Trần Thánh Tông và là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
    Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
    Cơ tắc sang hề khốn tắc miên
    Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
    Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch:
    Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
    Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền
    Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa
    Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
    Thi lại nghiêng nghiêng đầu hỏi tôi:
    – Anh có hiểu những gì anh đang nói không?
    Tôi mau mắn trả lời:
    – Không!
    Thi ôm cánh tay tôi, cười trêu:
    – Hi! Hi! Hi! . . . Thế mà em cứ tưởng anh hiểu!
    Thi nép đầu vào vai tôi:
    – Em ghét anh lắm!
    Nghe thế, tôi véo nhẹ má Thi, nhái theo lời cụ Hồng nói với vợ trong tuyệt phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trong Phụng:
    – “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
    Thi ngúng nguẩy:
    – Em ghét anh!
    Tôi cười lặp lại:
    – “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
    Uyên cũng nhìn tôi, đùa nhái theo lời cụ Hồng hỏi lại bà vợ:
    – “Thế sao nữa, hả bà?”
    Chúng tôi cùng cười to. Thi không quên cắn nhẹ vào cánh tay tôi trước khi bỏ đi lấy thêm nước pha trà.
    Tôi tủm tỉm cười tự nghĩ cuộc nói chuyện của tôi với Uyên và Thi về Kinh Kim Cang chẳng khác nào như mẩu đối thoại vừa rồi của cụ Hồng với bà vợ trong truyện Số Đỏ.
 
– Nguyễn Giụ Hùng
 
GHI CHÚ:
 
Bản dịch của Hoà thượng Thích Thanh Từ.
Theo Thích Nữ Chân Liễu

Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần, hai lần đánh thắng quân Nguyên, cũng là vị tổ sáng lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang tính chất thuần túy văn hóa Việt Nam. Con gái là Huyền Trân Công Chúa được ngài gả cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân đến bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay).
 
THAM KHẢO:
    – Kinh Kim Cang
    – Bảo Pháp Đàn Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Buổi chiều ra cổng nghĩa trang, nắng thu vàng còn đậu lại ngang tường đất thánh, những cây hạt dẻ lá đỏ lá vàng vẫn như đứng đó để chào tạm biệt, mười cây vẫn đó không thiếu một cây.
Có thể nói không ngoa, rằng bầu cử Tổng Thống Mỹ được cả thế giới quan tâm, huống chi Canada là hàng xóm kế bên, hỏi sao không “hot”?
Thiện là hành động, lời nói hay ý nghĩ tốt, thường mang lại an vui cho người, cho mình có khi là cho cả hai phía và cho tất cả mọi người xung quanh. Thí dụ việc là của cơ quan Médecin du Monde, luôn cứu giúp tài chánh cho những người nghèo khó, hoạn nạn ở khắp năm châu lục. Việc làm gần đây của thầy Minh Thiền ở Đức Hòa Dĩ An, thầy và các phật tử đi cứu trợ thiên tai bão lụt Yagi ở miền Bắc Việt Nam, ở Lào Cai, Yên Bái và các vùng, miền người thượng, miền cao do bão lũ gây ra. Họ đói, khổ, lạnh, mất người thân. Phái đoàn chùa Đức Hòa tới tận nơi, lội nước bì bõm ngang bụng mang tặng nạn nhân mì gói, áo quần, tiền và lời vấn an cho những người còn sống sót, đem lời cầu nguyện vãng sanh cho những người đã bị nước lũ cuốn đi, A Di Đà Phât. Người làm việc thiện luôn mang lại niềm vui hạnh phúc và dĩ nhiên được mọi người thương mến, thích gần gũi.
Là trả lời cho bốn mươi năm, cứ vào thu, hắn chưa bao giờ quên gởi đi một lời chúc sinh nhật, để sau đó thẫn thờ dặn lòng đừng làm thế nữa vì không có ích gì cho cả hai. Hãy để ngày ấy lụi tàn sẽ nhẹ nhàng hơn cho cả hai trong cuộc sống không có đường quay lại mỗi lần nhìn thấy lá vàng rơi là thêm một mùa thu xa cách.
Trong số các bạn, có những người đã ra đi không bao giờ trở lại, em tôi là một trong những người đó. Người dân Miền Nam vẫn luôn giữ hình ảnh hào hùng của các bạn trong trái tim với lòng biết ơn bao la. Thầy Năng Tĩnh ở một mình trong ngôi Chùa nhỏ vùng ngoại ô, rất xa thành phố. Ngôi Chùa chỉ là chiếc “mobile home” trên vài mẫu đất, trước kia là một nông trại bé tí teo, có hàng rào kẽm gai chung quanh để trại chủ nuôi bò. Từ ngày lập Chùa, Thầy chỉ nuôi một con chó nhỏ để làm bạn và mấy con gà trống, thả chạy tự do đặng nghe tiếng gáy cho vui. Sát hàng rào Thầy trồng mấy dây mùng tơi, khổ qua, giàn bầu và mướp trái xum xuê, bên cạnh đó là mấy luống cải xanh, rau thơm, cà pháo. Sân trước, Thầy đào chiếc hồ xinh xinh, có hòn non bộ, đầy đủ cảnh “Sơn Thủy Tùng Đình” với “Ngư Tiều Canh Mục”, trông cũng vui mắt
Tôi có cảm giác mọi người trong xưởng rất thương mến anh em ông chủ hơn sợ chủ đuổi việc, và anh em ông chủ cũng thương mến mọi người như anh em chứ không chủ thợ rạch ròi. Việc đến phải đến, ông chủ mướn người vô chạy máy sỏi đá mà tiếng Anh gọi là “deburr machine” thay cho ông Mỹ đen đã qua đời. Ông này dị tướng nên anh em chờ xem tài của ông vì ông bà mình nói những người dị tướng thường có tài. Nhưng một tuần trôi qua, chỉ có tuần tới tiếp tục chứ không có gì lạ về ông trọ trẹ. Ai cũng biết ông người miền trung nhưng ai hỏi ông là người tỉnh nào ngoài trung thì ông gắt gỏng chứ không trả lời. Ông lên lớp giảng giải cho người miền bắc, người trong nam hiểu ra chính sách chia để trị của thực dân Pháp chứ đất nước Việt nam liền một dải, người dân từ bắc vô nam nói chung một ngôn ngữ là tiếng Việt từ đời cha ông để lại giang sơn gấm vóc nước Việt cho con cháu. Sao người Việt lại nô lệ tự nguyện cho Pháp, đi phân biệt bắc trung nam để chia rẽ chính dân tộc mình…
Ba chục năm trước, Bê đã bắt đầu sự nghiệp thể thao của Bê. Số là, Ba vừa học xong lớp chuyển nghiệp. Thời gian chuẩn bị thi cử, Ba dạy kèm cho một người bạn cùng lớp. Thi đậu, người bạn tạ ơn Ba một cặp vé Musik Konzert. Lúc đó, Bê ở trong bụng Mẹ đã hơn sáu tháng. Mẹ kể, Mẹ đang năm đầu ở đại học. Trời mùa đông, Mẹ đi học, mặc áo khoác dày cui. Bởi vậy, bạn học không ai biết Mẹ sắp sửa có em bé, chỉ ngỡ Mẹ hơi lên cân, zugenommen. Bác bạn của Ba có lẽ không dè vợ của bạn là bà bầu nên mới mời đi Rock Pop Konzert của ca sĩ Jennifer Rush.
Năm đó, 1999, miền Trung Việt Nam nhất là ở Huế đang chịu trận thiên tai bão lụt lịch sử lớn nhât từ trước cho đến thời điểm bấy giò. Trong hội chợ tết, người Việt ở đây San Jose vui Xuân nhưng không quên đồng bào ở quê nhà. Từng đoàn Hướng Đạo Sinh Việt Nam được phân phối nhiệm vụ cầm những thùng lạc quyên để quyên tiền cứu trợ. Đang lang thang trong hội chợ, hai em bé trong đồng phục Hướng Đạo chận tôi lại. Một trai một gái. Bé gái cao hơn bé trai non nữa cái đầu, chửng chạc nói “Chú ơi, ủng hộ đồng bào bảo lụt đi chú”. Trọn một câu tiếng Việt, tuy phát âm không trọn vẹn, nhưng khá rõ ràng. Tôi nhìn hai em, nhất là bé gái đang thắt cái nơ trên đầu cái nơ mầu đỏ! Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng man mác.
Qua sự giới thiệu của phụ huynh học sinh, chiều nay tôi có thêm học trò mới. Tuy tin tưởng vào người giới thiệu, nhưng tôi cũng có sự dè dặt thường lệ. Đây không phải là lớp dạy thêm bình thường, mà là lớp dạy kèm “Anh văn chui” tại nhà. Nếu bị bắt “tại trận”, tôi có thể bị đuổi việc (nhẹ) hoặc cả vào trại tù "miệt thứ" dài hạn như chơi. Tuy rất nguy hiểm, nhưng được sự “bảo mật” của học trò lẫn phụ huynh và nhất là khoản tiền thù lao rất hậu. Lương giáo viên cấp 3 lúc đó (1978-1979) mỗi tháng $70 đồng cộng nhu yếu phẩm, thì mỗi học sinh "dạy thêm" tôi nhận được $80/ tháng. Chỉ cần ba học trò là mỗi tháng tôi có thêm đến $240 đồng. Đối với giáo viên lúc đó không phải nhỏ! Cà phê cà pháo, cơm hàng cháo chợ cuối tháng vẫn dư tiền bỏ ống. Phần nữa, học trò lớp “Anh văn chui” của tôi thông thường chỉ vài ba tháng là “ra đi”, nên cũng thường xuyên thay đổi.
Vừa đi vừa ngắm lá vàng vừa suy nghĩ chuyện cũ mà đến nhà Sarah hồi nào hổng hay. Sarah mở cửa với nụ cười thật tươi, Lệ thấy ngay phòng khách những giỏ táo đầy ắp, Sarah giải thích: - Hễ cuối hè đầu thu là nhà tớ hái toàn bộ các trái táo ngoài vườn sau, một phần để sên mứt, phần sấy khô, và phần làm bánh táo nướng.
Nhà thơ Trần Mộng Tú gửi tới tôi bài “Mùa Hạ Đom Đóm và Dế Mèng” khi tôi muốn cùng các ông bạn đồng lứa tuổi trở về những ngày xưa thật xưa. Chị Tú hình như cũng cùng tâm trạng với các bạn không còn trẻ của tôi: “Tháng sáu, tôi đến chơi với anh tôi ở Virginia. Cái nóng rịn mồ hôi trên thái dương, và khó ngủ lắm, buổi tối, tôi với anh ra ngồi ở bực thềm, nói chuyện. Tôi bỗng thấy thỉnh thoảng có những chớp nho nhỏ như lân tinh sáng lóe lên rồi lại biến mất trong bụi cây thấp trước mặt, hỏi anh tôi, cái gì thế? “Đom Đóm” Tôi lặng người đi một lúc như nghe thấy ai nhắc tên một người bạn thân cũ, nó làm tôi xúc động. Xúc động một cách rất mơ hồ, chẳng có nguyên nhân gì cả, chỉ là cái tên của một loại côn trùng bé tí được gọi lên. Cái tên nhắc nhở một quê hương xa lắc, một dĩ vãng nằm dưới tấm chăn phủ dầy lớp bụi thời gian. Trong bóng tối, tôi ngắm những cái chấm lửa nhỏ nhoi, lóe lên rồi tắt ngóm với trái tim nôn nao trong ngực. Có đến cả hơn bốn mươi năm tôi không được nhìn thấy những đố
Tọa lạc trong vùng ngoại ô Saint Maur, kề bên là bờ sông Marne hàng hiên ngang cửa nhà chú, chú đổ đầy đất đen đất vụn phải đi mua từng bao ở siêu thị bán cây trồng đất mua chú đổ vào lưng một cái bac ciment rộng lớn chạy ngang hàng hiên nhà. Trong bac chú trồng đầy hoa vàng, hoa nở thì lớn bằng đồng 50 xu, có năm cánh y hệt mai vàng ở Việt Nam, lá xanh non to bằng bàn tay con nít 5, 3 tuổi. Lá cũng rất thưa, hoa rất đẹp, vàng trong như mai ngày tết. Khi nắng gắt, mầu vàng có đậm thêm tí chút, sáng hé nở, trưa ấm nở rộ. Chiều chiều hoa cúp lại ngủ, ngày mai sáng sớm lại mãn khai, thân cây hoa chỉ cao lắm là đến đầu em bé 5, 6 tuổi. Nên hoa và cây không che vướng tầm nhìn từ trong nhà ra ngoài trời. Chú Phương yêu quý những cây hoa đó lắm. Vun tưới thường xuyên. Hỏi tên hoa đó là hoa gì? Chú trả lời ngon ơ: Đó là hoa vông vang của Đỗ Tốn, Chúng tôi không nhớ và cũng không biết ông Đỗ Tốn là ai
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.