Sai Lầm Chiến Lược
Vũ Linh
...ưu tiên sai lầm trong ngắn hạn, và hướng đi sai lầm trong dài hạn...
Cách đây một năm, TT Barack Obama nhậm chức trong không khí tưng bừng phấn khởi của đoàn kết và hy vọng.
Quen với truyền thống dân chủ chấp nhận quyết định của đa số, dân Mỹ đổ xô ủng hộ tân tổng thống, dành cho ông những cảm tình chân thành, cầu mong cho ông mang nước Mỹ ra khỏi những khó khăn chồng chất cuối thời Bush. Hậu thuẫn của tân tổng thống vọt lên tới mức bất bình thường trên 65%, hơn xa số phiếu 53% ông đã thu được trong cuộc bầu cử. Tức là một số không nhỏ những người trước đó bỏ phiếu cho ứng viên Cộng Hòa John McCain cũng đã quay qua ủng hộ tân tổng thống.
Tỷ lệ những người vẫn kiên cường không ủng hộ ông chỉ lẹt đẹt ở mức 20%, đưa đến khoảng cách biệt trên 45%, lớn hơn bất cứ tân tổng thống nào khác trong lịch sử cận đại Mỹ.
Nhiều quan sát viên chính trị lúc đó cho rằng mức hậu thuẫn này quá lớn và không thực tế. Nhưng rồi họ cũng cho rằng đây là kết quả của cách tranh cử của ứng viên Obama: ông vẽ ra một bức tranh quá đẹp, hứa hẹn một nước Mỹ gần như hoàn hảo trong khi bảo đảm với dân Mỹ là “Đúng, Chúng Ta Có Thể” (Yes, We Can).
Thực tế không giống hoài bão. Một năm sau khi chấp chánh, TT Obama đã chứng kiến một tình trạng khác xa với hứa hẹn của ông và hy vọng của dân Mỹ.
Trên cột báo này, chúng ta đã có dịp bàn qua nhiều lần về thành quả một năm chấp chánh của TT Obama, bây giờ chỉ cần tóm lược đại cương: tất cả các chương trình lớn lao ứng viên Obama hứa hẹn với dân Mỹ, chưa có cái gì ra cái gì hết. Hứa hẹn vẫn còn là hứa hẹn. Hy vọng vẫn còn là hy vọng. Từ chuyện chấm dứt chiến tranh tại Vùng Vịnh đến chuyện bảo đảm an toàn chống khủng bố; từ phục hồi kinh tế đến chỉnh đốn hệ thống ngân hàng; từ đối phó với nguy cơ hâm nóng địa cầu đến bảo đảm năng lượng sạch; và từ cải tổ y tế đến giải quyết thất nghiệp. Tất cả đều vẫn còn trong tình trạng “dự án chưa hoàn tất”.
Dân Mỹ chưa bao giờ được tiếng là kiên nhẫn. Một năm mà chưa hoàn tất được gì là không chấp nhận được. Kết quả cụ thể là mức hậu thuẫn của dân Mỹ đối với TT Obama rớt nhanh hơn sao chổi rụng.
Theo thăm dò của Real Clear Politics, mức cách biệt trung bình giữa hậu thuẫn và chống đối hiện đã rớt từ 45% xuống còn có 4%. Mức hậu thuẫn giảm từ 65% xuống còn 49%, trong khi mức chống đối tăng từ 20% lên 45%. Theo Washington Post, mức hậu thuẫn suy giảm trong tất cả các khối cử tri, bảo thủ, cấp tiến, độc lập, trẻ già, nam nữ, giàu nghèo, ngoại trừ khối dân da đen vẫn hoàn toàn trung thành.
Nhiều người ủng hộ Obama lên tiếng kêu gọi thông cảm với tân tổng thống và hiểu cho ông tất cả đều là những chương trình lớn lao, cần thời giờ mới có kết quả cụ thể, không thể thực hiện một sớm một chiều. Dĩ nhiên là họ cũng không quên đổ thừa những khó khăn quá lớn là tại Bush hết.
Thật ra, dân Mỹ không trách TT Obama vì ông chưa làm được gì. Họ cũng hiểu một năm chưa đủ thời gian để thực hiện các chương trình vĩ đại của ông đưa ra. Đúng ra, họ chống đối ông trên hai vấn đề: ưu tiên sai lầm trong ngắn hạn, và hướng đi sai lầm trong dài hạn.
ƯU TIÊN NGẮN HẠN SAI
Vẫn theo Washington Post, ưu tư hàng đầu của dân Mỹ hiện nay là các vấn đề kinh tế trong đó dĩ nhiên là có công ăn việc làm. Theo thăm dò mới nhất, đó là mối quan tâm quan trọng nhất của 42% dân Mỹ.
Con số này chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Chúng ta ra đường ngay trong khu Bolsa đã thấy tình trạng buôn bán ế ẩm, siêu thị nhiều người đi coi mà chẳng mấy ai mua, tiệm ăn lưa thưa vài người, phở mì xuống giá để lôi cuốn khách. Hàng loạt cửa tiệm và nhà hàng “tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa”. Nhìn ngang nhìn dọc, đâu đâu cũng thấy nhà bán đổ bán tháo hay bị sai áp.
Chúng ta nhìn chung quanh cũng thấy đầy rẫy bạn bè bà con mất việc. Thống kê chính thức cho thấy hiện nay tỷ lệ thất nghiệp là trên 10%, cao nhất từ hơn hai chục năm qua. Nhưng con số này thiếu chính xác vì chỉ ghi nhận những người “chính thức” thất nghiệp, lãnh tiền thất nghiệp và tích cực ghi tên tìm việc làm. Do đó không tính những người thất nghiệp mà không xin tiền thất nghiệp hay không ghi tên kiếm việc. Cũng không tính những người làm bán thời, hay những người làm nghề bán nhà, bán xe, bán bảo hiểm,… hiện tuy vẫn mang tiếng là không thất nghiệp, nhưng chỉ có mức lợi tức cầm hơi là may. Theo các chuyên gia kinh tế, mức thất nghiệp thực sự hiện nay là gần 18%. Nói cách khác, cứ mười người Mỹ thì đã có hai người có vấn đề với công ăn việc làm, thất nghiệp hoàn toàn hay thất nghiệp một phần. Đó là chưa kể một số lớn những người khác đang có việc nhưng phập phòng lo sợ không biết mất việc lúc nào. Thống kê mới nhất cho thấy Tháng Chạp vừa qua, gần một năm sau khi TT Obama nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng trên 43 tiểu bang.
Nhìn vào bức tranh trên thì hầu như ai cũng thấy ưu tiên số một hiện nay của Nhà Nước phải là phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm càng sớm càng tốt.Hầu như ai cũng thấy vậy, ngoại trừ TT Obama và các cộng sự viên và cố vấn của ông.
Tình trạng thất nghiệp tới mức kỷ lục đã kéo dài cả năm trời mà chẳng ai thấy có tiến triển gì, cũng như chẳng ai thấy TT Obama đặc biệt chú tâm giải quyết nạn thất nghiệp. Trái lại, ưu tiên số một của TT Obama hiện nay như chúng ta biết chính là vấn đề cải tổ y tế, với ưu tiên số hai là vấn đề… hâm nóng địa cầu!
Cải tổ y tế là một vấn đề quan trọng cần phải trực diện, đó là điều ít ai phản đối, ít ra cũng vì lý do nhân đạo. Ngoài ra đó cũng là một vấn đề chính trị quan trọng cho đảng Dân Chủ khi ta biết rằng đại đa số khối ba chục triệu người mới nhận được bảo hiểm y tế sẽ trở thành một khối cử tri trung kiên và quan trọng của đảng Dân Chủ trong tương lai. Đây là yếu tố then chốt trong bài toán của TT Obama và quốc hội Dân Chủ mặc dù không ai dám lên tiếng nhìn nhận.