Hôm nay,  

Sai Lầm Chiến Lược

27/01/201000:00:00(Xem: 8112)

Sai Lầm Chiến Lược

Vũ Linh

...ưu tiên sai lầm trong ngắn hạn, và hướng đi sai lầm trong dài hạn...
Cách đây một năm, TT Barack Obama nhậm chức trong không khí tưng bừng phấn khởi của đoàn kết và hy vọng.
Quen với truyền thống dân chủ chấp nhận quyết định của đa số, dân Mỹ đổ xô ủng hộ tân tổng thống, dành cho ông những cảm tình chân thành, cầu mong cho ông mang nước Mỹ ra khỏi những khó khăn chồng chất cuối thời Bush. Hậu thuẫn của tân tổng thống vọt lên tới mức bất bình thường trên 65%, hơn xa số phiếu 53% ông đã thu được trong cuộc bầu cử. Tức là một số không nhỏ những người trước đó bỏ phiếu cho ứng viên Cộng Hòa John McCain cũng đã quay qua ủng hộ tân tổng thống.
Tỷ lệ những người vẫn kiên cường không ủng hộ ông chỉ lẹt đẹt ở mức 20%, đưa đến khoảng cách biệt trên 45%, lớn hơn bất cứ tân tổng thống nào khác trong lịch sử cận đại Mỹ.
Nhiều quan sát viên chính trị lúc đó cho rằng mức hậu thuẫn này quá lớn và không thực tế. Nhưng rồi họ cũng cho rằng đây là kết quả của cách tranh cử của ứng viên Obama: ông vẽ ra một bức tranh quá đẹp, hứa hẹn một nước Mỹ gần như hoàn hảo trong khi bảo đảm với dân Mỹ là “Đúng, Chúng Ta Có Thể” (Yes, We Can).
Thực tế không giống hoài bão. Một năm sau khi chấp chánh, TT Obama đã chứng kiến một tình trạng khác xa với hứa hẹn của ông và hy vọng của dân Mỹ.
Trên cột báo này, chúng ta đã có dịp bàn qua nhiều lần về thành quả một năm chấp chánh của TT Obama, bây giờ chỉ cần tóm lược đại cương: tất cả các chương trình lớn lao ứng viên Obama hứa hẹn với dân Mỹ, chưa có cái gì ra cái gì hết. Hứa hẹn vẫn còn là hứa hẹn. Hy vọng vẫn còn là hy vọng. Từ chuyện chấm dứt chiến tranh tại Vùng Vịnh đến chuyện bảo đảm an toàn chống khủng bố; từ phục hồi kinh tế đến chỉnh đốn hệ thống ngân hàng; từ đối phó với nguy cơ hâm nóng địa cầu đến bảo đảm năng lượng sạch; và từ cải tổ y tế đến giải quyết thất nghiệp. Tất cả đều vẫn còn trong tình trạng “dự án chưa hoàn tất”.
Dân Mỹ chưa bao giờ được tiếng là kiên nhẫn. Một năm mà chưa hoàn tất được gì là không chấp nhận được. Kết quả cụ thể là mức hậu thuẫn của dân Mỹ đối với TT Obama rớt nhanh hơn sao chổi rụng.
Theo thăm dò của Real Clear Politics, mức cách biệt trung bình giữa hậu thuẫn và chống đối hiện đã rớt từ 45% xuống còn có 4%. Mức hậu thuẫn giảm từ 65% xuống còn 49%, trong khi mức chống đối tăng từ 20% lên 45%. Theo Washington Post, mức hậu thuẫn suy giảm trong tất cả các khối cử tri, bảo thủ, cấp tiến, độc lập, trẻ già, nam nữ, giàu nghèo, ngoại trừ khối dân da đen vẫn hoàn toàn trung thành.
Nhiều người ủng hộ Obama lên tiếng kêu gọi thông cảm với tân tổng thống và hiểu cho ông tất cả đều là những chương trình lớn lao, cần thời giờ mới có kết quả cụ thể, không thể thực hiện một sớm một chiều. Dĩ nhiên là họ cũng không quên đổ thừa những khó khăn quá lớn là tại Bush hết.
Thật ra, dân Mỹ không trách TT Obama vì ông chưa làm được gì. Họ cũng hiểu một năm chưa đủ thời gian để thực hiện các chương trình vĩ đại của ông đưa ra. Đúng ra, họ chống đối ông trên hai vấn đề: ưu tiên sai lầm trong ngắn hạn, và hướng đi sai lầm trong dài hạn.
ƯU TIÊN NGẮN HẠN SAI
Vẫn theo Washington Post, ưu tư hàng đầu của dân Mỹ hiện nay là các vấn đề kinh tế trong đó dĩ nhiên là có công ăn việc làm. Theo thăm dò mới nhất, đó là mối quan tâm quan trọng nhất của 42% dân Mỹ.
Con số này chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Chúng ta ra đường ngay trong khu Bolsa đã thấy tình trạng buôn bán ế ẩm, siêu thị nhiều người đi coi mà chẳng mấy ai mua, tiệm ăn lưa thưa vài người, phở mì xuống giá để lôi cuốn khách. Hàng loạt cửa tiệm và nhà hàng “tưng bừng khai trương rồi âm thầm đóng cửa”. Nhìn ngang nhìn dọc, đâu đâu cũng thấy nhà bán đổ bán tháo hay bị sai áp.
Chúng ta nhìn chung quanh cũng thấy đầy rẫy bạn bè bà con mất việc. Thống kê chính thức cho thấy hiện nay tỷ lệ thất nghiệp là trên 10%, cao nhất từ hơn hai chục năm qua. Nhưng con số này thiếu chính xác vì chỉ ghi nhận những người “chính thức” thất nghiệp, lãnh tiền thất nghiệp và tích cực ghi tên tìm việc làm. Do đó không tính những người thất nghiệp mà không xin tiền thất nghiệp hay không ghi tên kiếm việc. Cũng không tính những người làm bán thời, hay những người làm nghề bán nhà, bán xe, bán bảo hiểm,… hiện tuy vẫn mang tiếng là không thất nghiệp, nhưng chỉ có mức lợi tức cầm hơi là may. Theo các chuyên gia kinh tế, mức thất nghiệp thực sự hiện nay là gần 18%. Nói cách khác, cứ mười người Mỹ thì đã có hai người có vấn đề với công ăn việc làm, thất nghiệp hoàn toàn hay thất nghiệp một phần. Đó là chưa kể một số lớn những người khác đang có việc nhưng phập phòng lo sợ không biết mất việc lúc nào. Thống kê mới nhất cho thấy Tháng Chạp vừa qua, gần một năm sau khi TT Obama nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng trên 43 tiểu bang.
Nhìn vào bức tranh trên thì hầu như ai cũng thấy ưu tiên số một hiện nay của Nhà Nước phải là phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm càng sớm càng tốt.Hầu như ai cũng thấy vậy, ngoại trừ TT Obama và các cộng sự viên và cố vấn của ông.
Tình trạng thất nghiệp tới mức kỷ lục đã kéo dài cả năm trời mà chẳng ai thấy có tiến triển gì, cũng như chẳng ai thấy TT Obama đặc biệt chú tâm giải quyết nạn thất nghiệp. Trái lại, ưu tiên số một của TT Obama hiện nay như chúng ta biết chính là vấn đề cải tổ y tế, với ưu tiên số hai là vấn đề… hâm nóng địa cầu!
Cải tổ y tế là một vấn đề quan trọng cần phải trực diện, đó là điều ít ai phản đối, ít ra cũng vì lý do nhân đạo. Ngoài ra đó cũng là một vấn đề chính trị quan trọng cho đảng Dân Chủ khi ta biết rằng đại đa số khối ba chục triệu người mới nhận được bảo hiểm y tế sẽ trở thành một khối cử tri trung kiên và quan trọng của đảng Dân Chủ trong tương lai. Đây là yếu tố then chốt trong bài toán của TT Obama và quốc hội Dân Chủ mặc dù không ai dám lên tiếng nhìn nhận.


Nhưng với đa số dân Mỹ, cải tổ y tế không phải là ưu tư hàng đầu của họ. Hơn 85% dân Mỹ hiện nay đang có bảo hiểm và họ thỏa mãn với bảo hiểm đó, không thấy nhu cầu sống chết là phải có cải tổ. Có cải tổ thì tốt, không có cũng chẳng sao. Đã vậy, cuộc tranh luận về cải tổ suốt nửa năm qua đã làm cho họ nhìn thấy rõ viễn tượng chưa hẳn là tốt đẹp sau khi cải tổ: họ lo sợ mất những quyền lợi đang có cũng như phải chịu chi phí y tế cao hơn trong tương lai, hay là phải đóng thuế cao hơn.
Khoan nói tới hâm nóng địa cầu, chỉ so sánh hai nhu cầu việc làm và cải tổ y tế, người dân Mỹ có cảm tưởng TT Obama đã hoàn toàn đặt sai ưu tiên, tập trung cố gắng vào một chuyện không cấp bách trong khi lại lơ là một chuyện sinh tử trước mắt.
HƯỚNG ĐI LÂU DÀI SAI
Gia tài Bush để lại, bất kể lỗi tại ông hay không, là một gia tài không hấp dẫn. Dân chúng Mỹ muốn thay đổi. Ứng viên Barack Obama nhìn thấy ước vọng đó, rao bán “Thay Đổi và Hy Vọng”, và thành công vượt ra ngoài mọi dự đoán. Ông hạ được cả bà Hillary Clinton lẫn ông John McCain vì cả hai vẫn bị dân Mỹ nghi ngờ là thuộc chế độ “vẫn như cũ”.
Đắc cử tổng thống trong huy hoàng, ông kéo theo sự đại thắng của đảng Dân Chủ tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, đưa đảng này vào vị thế kiểm soát tuyệt đối cả hành pháp lẫn lập pháp. Chiến thắng lớn lao này bị TT Obama và nhóm lãnh đạo Dân Chủ hiểu như là một tuyên cáo của dân Mỹ muốn thay đổi hướng đi của nước Mỹ sau ba mươi năm sống dưới chế độ bảo thủ của TT Reagan và phe Cộng Hoà.
Trước đó, TT Reagan và các vị kế nhiệm Cộng Hòa (Bush cha và Bush con) trong chính sách đối nội, đã chủ trương giảm thuế để kích động đầu tư phát triển kinh tế, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của Nhà Nước và công chức qua quá nhiều luật lệ khắt khe kiểm soát mọi sinh hoạt để phát huy tiềm năng tư nhân.
Chính sách đó đã mang lại cho nước Mỹ một chu kỳ thịnh vượng kéo dài ba thập niên, cho đến những năm 2007-2008. Chu kỳ bảo thủ đó đã bị gián đoạn phần nào bởi thời kỳ tám năm Clinton, nhưng TT Clinton, với quan điểm ôn hòa cũng như vì tính nhút nhát, đã không có quyết định quan trọng nào lật ngược chính sách của Reagan.
Bây giờ TT Obama tự cho là có trách nhiệm phải hoá giải những gì Reagan đã khởi xướng đầu thập niên 80, và hai ông Bush phát huy. Ông cũng nhìn cái thế Dân Chủ kiểm soát toàn bộ guồng máy chính trị Mỹ hiện nay như là một cơ hội hiếm, không dễ gì kéo dài qua khỏi cuộc bầu cử quốc hội năm 2010.
Do đó cần phải hành động mau và mạnh để thay đổi triệt để.
Vấn đề ở đây là cái “thay đổi” mà ông nghĩ đến và hô hào không phải là cái “thay đổi” mà dân Mỹ mong muốn.
Trong khi dân chúng nhìn vào những thất bại của TT Bush và muốn có sự thay đổi để cuộc sống của họ khá hơn một chút thì TT Obama lại nghĩ đến chuyện thay đổi chế độ tận gốc rễ: phục hồi lại vai trò “vú em” của Nhà Nước, đẩy mạnh sự can thiệp của chính quyền vào mọi sinh hoạt, phát triển kinh tế dựa trên các dự án quốc doanh đồ sộ tốn kém, theo mô thức của TT Roosevelt, và tái phân phối lợi tức dưới hình thức đánh thuế “nhà giàu” để chi trả các dịch vụ xã hội cho “người nghèo”.
Suy tư của ông đưa đến quyết định tung ra những chương trình khổng lồ. Chỉ trong vòng ba tháng đầu sau khi chấp chánh, ông đã chi ra trên dưới hai ngàn tỷ cho kế hoạch kích động kinh tế, trực tiếp can thiệp vào việc cứu nguy ngân hàng và các hãng xe. Rồi đến cải tổ y tế tốn kém cả ngàn tỷ nữa.
Dân chúng Mỹ bàng hoàng nhìn tân tổng thống tung lưới Nhà Nước chụp lên đầu thiên hạ và vung tiền qua cửa sổ. Hàng triệu người xuống đường tham gia các cuộc mít-tinh Tea Parties để phản đối và bày tỏ sự lo sợ đối với tình trạng sưu cao thuế nặng trong tương lai. Khối dân cử Cộng Hoà chống đối đã đành, nhưng khối dân cử Dân Chủ bảo thủ cũng hoảng sợ không kém.
Hiển nhiên là TT Obama đã sai lầm khi đã lượng giá sai các cuộc bầu cử năm 2006-2008, đi quá xa về phía tả, xa hơn ước vọng của dân Mỹ quá nhiều.
***
Những quyết định của ông đã khiến dân Mỹ thay đổi cái nhìn đối với ông.
Tỷ lệ hậu thuẫn ông rớt mau chóng trong khi các đồng minh cấp tiến thất cử tại những thành đồng cấp tiến Virginia và New Jersey hồi tháng Mười Một năm ngoái. Tuần vừa qua, đến phiên thành đồng cấp tiến Massachusetts lên tiếng: cái ghế thượng nghị sĩ mà cố TNS Ted Kennedy ngồi trong 47 năm bất ngờ lọt vào tay một ứng viên Cộng Hòa vô danh, chỉ được biết đến cách đây vài tháng, qua việc chống lại sách lược xuống thang chống khủng bố và nhất là chống lại cải tổ y tế.
Theo báo phe ta Washington Post, dân Massachusetts bỏ phiếu cho Cộng Hòa để chống lại hướng đi thiên tả, chống lại sự bành trướng vai trò của Nhà Nước, cũng như chống lại cải tổ y tế. Cả nước nhìn thấy thông điệp của dân Virginia, New Jersey và Massachusetts, ngoại trừ TT Obama.
Ngay khi dân chúng bỏ phiếu bầu ứng viên Cộng Hòa tại Massachusetts, TT Obama vẫn tìm được lý do để… đổ thừa cho Bush. Ông tuyên bố đó là những lá phiếu nói lên sự bất mãn của dân chúng đối với chính quyền, một sự bất mãn mà ông cho là đã có từ tám năm nay. Thật là lạ lùng, nếu là những lá phiếu chống Bush, sao ứng viên Cộng Hòa lại thắng" Chỉ có chính trị gia cỡ Obama mới có khả năng ngụy biện như vậy.
Rồi sau đó, ông đề nghị một loạt biện pháp can thiệp mạnh hơn nữa vào hệ thống ngân hàng. Phản ứng của giới tài chánh: thị trường chứng khoán rớt ngay hơn 500 điểm trong ba ngày liền.
Chiến thắng của Cộng Hoà tại Massachusetts là động đất, là tiếng chuông cảnh tỉnh TT Obama và các đồng chí cấp tiến cực đoan của ông. TNS Dân Chủ Evan Bayh của Indiana tuyên bố: “nếu chúng ta (đảng Dân Chủ) thua tại Massachusetts mà tiếng chuông thức tỉnh đó vẫn không đánh thức được thì chẳng còn gì đánh thức được” chúng ta nữa.
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.