Hôm nay,  

Lãng đãng... cuối năm...

16/12/202310:04:00(Xem: 1188)
Tùy bút

IMG_8675

Canada năm nay kỳ thiệt à nghen!  Đó là tôi đang nói đến chuyện thời tiết, mà cụ thể là chuyện “tuyết rơi mùa Đông”, bởi nói đến Canada mà không nói chuyện nàng tuyết thì còn biết nói chuyện gì.
    Bắt đầu từ giữa Tháng 10, ai ai cũng chuẩn bị tinh thần đón những bông tuyết “lạc quẻ” nôn nóng xuống gian trần, mà chuyện đó rất ư là bình thường, chả có gì lạ ở xứ này. Tôi nhớ nhiều năm, mùa Halloween tuyết  phủ đầy đường, tội cho lũ nhỏ đi xin kẹo Trick Or Treat phải mặc đồ dầy cộm, chân mang boots, đầu đội mũ len, choàng thêm bộ costume phục phịch nặng nề. Vậy mà năm nay lạ thiệt, đêm Halloween trời khô ráo, gió lạnh hiu hiu, ôi thôi, xóm tôi tưng bừng ngày Hội của lũ trẻ, người lớn cũng vui lây, mừng cho chúng được một năm vui chơi thoải mái đến khuya mà không sợ bị cảm lạnh.
    Tuần đầu tháng 11, gia đình tôi chuẩn bị hành lý bay qua Oklahoma và Texas hai tuần ăn cưới đứa cháu ruột. Cũng như mọi lần qua Mỹ mùa cuối năm, chúng tôi mặc đồ lạnh mùa đông để ra phi trường, phòng hờ đột nhiên ông trời nổi hứng đem tuyết xuống chơi, khi qua tới phi trường bên đó thì cuốn gói mớ đồ lạnh vào hành lý, chờ ngày ra phi trường trở về Canada lại tròng vào, thiệt là lỉnh kỉnh, nhưng còn hơn là để bị lạnh, về nhà cảm cúm còn mệt hơn.
    Vậy mà năm nay, mặc đồ dầy cui ra phi trường bỗng trở thành lạc lõng vì thời tiết quá đẹp, rồi sau hai tuần lễ ở Oklahoma, Texas, chúng tôi bay về Edmonton trời cũng còn trong veo, chút gió lạnh, tuyệt nhiên không có một hột tuyết nào.
    Rút kinh nghiệm, một tuần sau đó, dịp Thanksgiving Mỹ, tôi lại khăn gói lên đường bay qua Nam California dự lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ 2023 . Ui chao, sung sướng thay, đi chơi mùa lạnh mà được diện áo đầm, chiếc áo khoác nhẹ, mang giày cao gót, tung tăng từ phi trường này qua phi trường kia, không vướng bận giày boots, áo choàng nặng nề, một cơ hội lâu lâu mới có.
    Lãnh giải xong, tôi trở về nhà, ông xã ra đón tại phi trường, tôi lại nhắc đến chuyện muôn thuở của xứ Cà ( hổng phải Cà... Chua mà là tên gọi tắt của Cà Na Đa do... tôi đặt):
    –  Anh ơi, sao trời đất vẫn sạch boong thế này, nắng vẫn vương nhè nhẹ trong gió lạnh thế này, chả lẽ Giáng Sinh năm nay sẽ là một Green Christmas?
    –  Ừa, ai cũng nói năm nay thời tiết bất thường.
    Tôi lại chuyển qua đề tài quen thuộc hàng năm của gia đình tôi, là chuyện mướn người xúc tuyết:
    – Vậy cả tháng nay cậu xúc tuyết chẳng làm gì mà mình vẫn phải trả tiền hen?
Chồng tôi vẫn vô tư:
    – Dự báo thời tiết là đến giữa tháng 12 vẫn chưa có tuyết nặng luôn nhe.
    – Trời! Vậy cậu ta ... lời cả gần hai tháng ...
    – Mà em mâu thuẫn nhỉ, khi cậu ta rảnh rang thì em xót của xót tiền, mà hễ qua tháng 1 tháng 2 cao điểm tuyết mù mịt dầy đặc, khi cậu ta nước mũi lòng thòng hì hục đứng xúc tuyết, thở xì ra khói, trong khi em ở trong nhà ấm áp uống trà, thì em lại áy náy cắn rứt lương tâm, muốn đưa thêm tiền cho cậu ta! Vậy là sao... là sao???
    Tôi cụt hứng, hờn mát:
    – Từ nay em sẽ chừa cái tính ủy mị cải lương đó, sẽ lạnh lùng phớt tỉnh Ăng Lê, cứ theo hợp đồng mà làm, được chưa?
      Ôi, lòng người phức tạp, tôi còn không hiểu tôi nữa là, hèn chị ông nhạc sĩ nào đó tên Thanh Tùng có mấy câu khá chí lý: “Cuộc đời lạ lùng. Cuộc đời ước mơ những điều viễn vông. Lòng người lạ lùng. Lòng hay thương nhớ những điều hư không”.
    Nói nào xa, tôi vừa đến nhà thờ, thì đầu câu chuyện trong nhóm ca đoàn, cũng là chuyện thời tiết. Chị Nở, lớn tuổi nhất trong ca đoàn, thường hay tâm tình với tôi, bữa nay cũng bày đặt nhớ tuyết:
    – Ui, năm nay tuyết trốn đi đâu hết vậy nè!?
    Đang còn ấm ức hôm qua bị ông xã “chỉnh” cái vụ cậu xúc tuyết, tôi trút hết lên chị Nở:
    – Ủa, năm ngoái tuyết nhiều thì chị rên rỉ, than van, còn năm nay tuyết chưa rơi thì chị phải vui mừng chứ. Tóm lại là chị muốn gì?
    Biết tôi đang lên cơn “sáng nắng chiều mưa”, chị cười để xoa dịu tôi:
    – Thì dù sao tụi mình cũng là dân Cà Na Điên, mùa đông mà thiếu tuyết cũng thấy sao sao á! Nói thiệt lòng, nếu được ước ao, thì chị chỉ mong có tuyết trong Tháng 12 thôi, để mình cảm nhận cái lạnh lẽo của mùa Noel, có “ đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời”, có hang đá phủ tuyết trắng xóa, đẹp như những tấm thiệp Giáng Sinh người ta vẫn gửi cho nhau. Ở nơi xứ nóng người ta còn làm bông tuyết giả, vậy tai sao ở xứ tuyết này mình không trông chờ tuyết, phải không cưng!?
    Tôi thấy chị Nở nói cũng ... hổng sai. Nhớ thời còn trẻ, tháng 12 se lạnh, tôi theo bè bạn dạo phố Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn say sưa ngắm những tấm thiệp Noel muôn màu, có cây thông đèn treo lấp lánh, có những ngôi nhà tuyết phủ mênh mông... mà thầm ước mơ được sống giữa khung cảnh đẹp như thần tiên ấy. Bây giờ thì chúng tôi toại nguyện rồi đấy. Mỗi mùa cuối năm, các khu phố, các ngôi nhà trang trí rực rỡ, đúng như những hình ảnh trên những tấm thiệp khao khát khi xưa. Nhưng đời không như là ... thiệp. Nhìn thì đẹp đấy, chụp hình thì đẹp đấy, nhưng sau đó phải xúc tuyết, phải đi làm trên những con đường trơn trợt, không cẩn thận là bị té u đầu bể trán chớ chẳng chơi.
    Mà sự thật là dân Cà ở đây lại khoái tuyết mùa Giáng Sinh. Cách đây gần chục năm, trời Edmonton cũng chỉ lạnh khô ráo suốt từ Tháng 11 qua tháng 12, khiến dân tình xôn xao lo lắng. Đài truyền hình địa phương có mục bản tin buổi sáng, hai xướng ngôn viên ngồi “tám” tào lao, tại sao năm nay chưa thấy tuyết, rồi mở đường dây nóng cho thiên hạ gọi phone vào phát biểu cảm tưởng. Cha chả, bà con ào ào hưởng ứng, nào là Giáng Sinh mà không có tuyết thì còn gì là Giáng Sinh, nào là mất hứng nếu là Green Christmas, nào là niềm vui đi shopping dưới trời tuyết rồi uống ly hot chocolate mới thú vị, nào là mùa holidays đi skiing đi skating mà hổng đủ tuyết thì làm sao chơi, nào là... đủ thứ trên đời, thiếu điều họ muốn rủ nhau kéo nhau... lên trời kiện cáo Thiên Đình phải trả tuyết lại cho xứ Cà! (Nhưng trong số những người gọi phone tham gia chiến dịch “No Green Xmas” hổng có dân da màu nhập cư , vì tôi tin chắc rằng dân nhập cư chẳng ai mặn mà với nàng tuyết cho lắm).
    Ở chỗ tôi làm việc là một Retirement Home, tôi hay nói chuyện với một vài ông bà già thân thiết. Hôm nọ, biết tôi sắp bay qua California, bà Maria, một bà da trắng, nói với tôi:
    – Ôi, California đẹp lắm, tôi có một căn nhà vùng ngoại ô San Francisco, hàng năm gia đình vợ chồng con cái chúng tôi thay phiên nhau qua đó nghỉ hè. Nhưng đã lâu sau khi chồng tôi mất, tôi vào Retirement Home này, con cái cũng bận rộn, chẳng ai muốn qua đó nữa, nên căn nhà đó hiện nay đang cho mướn.
    Tôi thắc mắc:
    – Vậy sao ông bà từ thời đó không qua Mỹ sinh sống cho ấm áp, ở bên đây chi cho lạnh?
    – No way!! Tôi là dân Cà chính hiệu, tôi yêu đất nước Cà này, tôi yêu khí hậu bốn mùa nơi đây, nhất là mùa Giáng Sinh tuyệt vời, đi đâu thì đi chớ tui không bao giờ đi khỏi xứ Cà mùa tuyết rơi.
    Thôi thì, ở đâu quen đó, mỗi người có một lý do để yêu hay không yêu mùa đông xứ Cà. Ngay cả chị Nở ca đoàn tôi đây, dân mũi tẹt da vàng, ăn nước mắm cả đời, mà còn đòi phải có tuyết mùa Noel nữa kìa.
    Khi tôi đang viết những dòng chữ này, ngoài trời dù lạnh nhưng rực nắng, trên đường phố chỉ là một lớp tuyết mỏng của một đêm khuya nào đó tuyết bay bay, chứ không như mọi năm tuyết ụ một đống đầy đường, cao ít nhất từ đầu gối trở lên.
    Ôi, biết đâu lại là một “green Xmas” đang đến thì sao? Thế thì các nữ ca viên ca đoàn sẽ sung sướng được diện áo dài thướt tha ngay từ nhà (khỏi phải bỏ vào giỏ xách, đến nhà thờ mới được thay như những năm trước). Vậy cũng hay, được đi lễ đón Chúa chào đời trong đêm lạnh khô ráo, như những đêm thánh vô cùng năm xưa trên quê hương Việt Nam.
    Mà nếu đến lúc đó, ông trời lại đổi ý, làm tuyết giăng trắng xóa cho thêm phần long lanh, lãng mạn, rét mướt, đúng kiểu White Xmas như nhiều người mong ước thì tôi cũng sẽ chẳng than phiền gì.
    Mà than cũng có được đâu nà!!

 

–  Kim Loan

Edmonton, Tháng 12/2023

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư...
Tôi là con nhỏ Bắc di cư, nên hết Hè năm 75 tôi học xong đại học, chuẩn bị đi dạy. Ai dè ngày 30/4 ập đến, tất cả sinh viên miền Nam tạm ngưng việc học, để đi làm lao động công ích, dọn dẹp đường phố, phụ việc đổi tiền, đào kênh…
Có một lần, tôi gặp bài của một tác giả viết về nước Mỹ, rất hay rất cảm động, bà ấy nói về chồng bà và gọi ông là « y của tôi », cái cụm từ thật thân mật, y của tôi, nghe hợp thời hơn chồng tôi, anh tôi, nhà tôi… nhứt là trong trường hợp mà tôi đang muốn nói về chồng của bạn mình, thì còn tiện và hay hơn nữa. Thí dụ: Chồng của bạn Liên, tôi gọi là y Liên, chồng của bạn Dung, thì tôi gọi là y Dung, chồng của bạn Thu, thì tôi gọi là y Thu…
Thế là thiên hạ thoát khỏi cơn đại dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn còn sệt, một số giới chức và bọn truyền thông quen lối bé xé ra to và hù dọa cứ tung tin linh tinh. Tất nhiên cũng có những trường hợp tái nhiễm virut nhưng không có gì nghiêm trọng. Dịch đã trở thành bình thường như những loại cúm theo mùa...
Chị Bông vào diễn đàn Cô Gái Việt đọc bài thơ của chị Hoài Mộng mà ngậm ngùi với những lời thơ thương nhớ người chồng đã khuất mấy năm nay, không có anh cùng uống trà mỗi buổi sớm mai, không có anh cùng đi chùa những ngày rằm ngày lễ lớn, v.v. Trong diễn đàn còn có chị Hiền Thảo vừa mới mất chồng chưa tròn năm...
Mùa này trời tối nhanh, Tết sắp đến, trên con đường làng vắng vẻ, hai bên là những mái tranh nghèo xơ xác, thấp thoáng vài ngọn đèn dầu tù mù, nhìn xa như những đốm ma trơi thoắt ẩn hiện sau những hàng rào tre, càng làm tăng cái vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Ở đây, người dân lo ăn cơm cho nhanh trước khi mặt trời đi ngủ để còn thấy đường dọn dẹp và rửa chén; hơn nữa là để tiết kiệm nhiên liệu vì tiêu chuẩn mỗi gia đình một tháng, chỉ mua được 1 lít dầu hôi thắp đèn...
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, tr
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.