Hôm nay,  

Dáng liễu và Xuân gầy

28/10/202307:29:00(Xem: 3061)
Tạp bút

Cheo 


Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá.
    Mà dáng này lại là điều cấm kỵ với giới làm thơ, soạn nhạc với, có lẽ, duy nhất một ngoại lệ.
    Tìm lại những bài ca, bài thơ chúng ta sẽ tìm ra bao nhiêu là dáng gầy. Như Trịnh Công Sơn, hết “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc bay về chốn xa xăm” thì “gọi nắng trên vai em gầy”, rồi “mưa thì thầm gót chân ngà”: để có gót chân ngà thì thân thể không thể nào… tròn.
    Hay Vũ Đức Nghiêm, chỉ trong một khổ nhạc 6 câu của bài “Gọi người yêu dấu” thôi, đã hết ba câu trực tiếp nói đến sự gầy:
 
    Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
    Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
    Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
    Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
    Thương em mong manh như một cành lan
 
“Dáng vai gầy” thì đã rõ, đến dáng “buồn bơ vơ” và dáng “mong manh” là gì nếu không phải dáng gầy?
    Thơ cũng vậy, như Nguyên Sa, nào là “Em gầy như liễu trong thơ cổ / Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường” (“Em gầy như liễu trong thơ cổ”)’, nào là “Thơ trong tà áo, em trong gió / Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay” ("Hư ảo trăng"): em có thể lẫn vào trong gió thì em cũng phải gầy như là liễu.
    Hay, trong bài “Tám phố Sài Gòn”:
 
    Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
    Cánh tay tà áo sát vòng eo
    Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
    Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo
    […]   
    Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
    Thứ bẩy Sài Gòn đi Brodard
    Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
    Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
 
Vân vân, kể sao hết những hình ảnh gầy guộc trong nhạc, trong thơ, trừ ông Xuân Diệu, qua người đẹp cuối cùng trong bài “Nhị hồ”:
 
    Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
    Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
    Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
    Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi
 
Lịch sử Trung Hoa ghi lại hình ảnh đầy đặn của Dương Quý Phi, ái phi của Đường Minh Hoàng và khoa nhân chủng học cũng bàn về cái đẹp này, cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn hình thành từ quan niệm sống khát khao sự sinh sôi nảy nở nhằm lưu truyền nòi giống.
    Âu châu cũng một thời tôn sùng phụ nữ tròn nhưng rồi xu hướng thẩm mỹ này thay đổi với sự ra đời của điện ảnh: cái đẹp lúc này không còn bất động trên hình ảnh mà phải gắn liền với một dáng đi thanh thoát, do đó họ phải gầy. Cái đẹp này lại trở thành hình mẫu của các nữ nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn một thời rồi đi vào thơ, vào nhạc, vào họa của nhiều thập niên sau đó trong văn nghệ miền Nam.
    Nhưng rồi cái đẹp mảnh mai ấy lại bị “chỉnh lý” theo ám ảnh thiếu ăn. Thời tôi chớm lớn, cuối thập niên 1970, cái thời hầu như cả nước thèm cơm, chỉ là cơm trắng thôi, sự hấp dẫn của nữ tính lại nghiêng dần về độ… “múp”.
    “Múp”, hình dung như Dương Quý Phi nói trên, là cái đẹp với những đường cong đầy đặn sự no đủ. Rồi thì ám ảnh thiếu ăn ấy cũng lùi vào hoài niệm để cái đẹp no tròn bị sự thanh mảnh đẩy lùi theo sự thống trị của kỹ nghệ thời trang. Theo mức độ phổ biến của máy truyền hình, của smartphone, của iPad, sức lôi cuối của nữ phái bây giờ tỷ lệ thuận theo chiều dài của cặp giò và, thế là, độ cao của đôi chân trở thành thời thượng. Nhan sắc và độ thanh mảnh trong thân thể nữ giới đã trở thành một thứ tài nguyên cho kỹ nghệ quảng cáo và tiếng Việt cũng bùng nổ theo với nào là “chân dài”, nào là “siêu mẫu”, “hot girl”…
    Cũng cần kể thêm, thay đổi lớn nhất, mang tính cách mạng nhất trong quan niệm về cái đẹp, theo các nhà nhân chủng học tiến hóa, lại diễn ra lúc loài linh trưởng chuyển từ tư thế bò lết sang tư thế đi đứng. Thời chỉ biết bò, biết lết, hai chi trước vẫn là hai cái chân và loài thú ấy chỉ biết làm tình từ phía sau nên chỉ chú mục vào cặp mông của bạn tình, chỉ biết dùng đến mùi để quyến rũ bạn tình. Nhưng khi đã biết đi, hai chi trước đã biến thành hai cánh tay thì tư thế làm tình đã đảo ngược về phía trước thì loài thú sắp thành người này đã biết nhìn nhau khi làm động tác yêu và sự quyến rũ bắt đầu tiến hóa từ khứu giác đến thị giác. Chúng có những đòi hỏi như thế nào đó ở bộ mặt, để gọi là “dễ nhìn”. Chúng cũng có những đòi hỏi như thế nào đó ở lồng ngực của con cái để gọi là “ngon mắt”, cái sự ngon mắt hình thành từ sự cộng hưởng giữa ý niệm phồn thực gợi lên cặp mông đầy tròn tròn thời còn làm tình từ phía sau với nhu cầu cần mơn trớn vuốt ve với những khao khát ngồn ngộn một miền cong đầy đặn. Và đến phiên mình, những con cái, cũng bắt đầu có những nhu cầu “dễ nhìn” và “ngon mắt” trên bộ mặt và, nhất là, trên bộ ngực vạm vỡ và cánh tay vững chãi của con đực, như một sự che chở an toàn!
    Trở lại với Xuân Diệu, tại sao, tại sao trong câu cuối cùng của bài thơ ấy, nhà thơ này đã bộc lộ rằng ông mê một phụ nữ rất tròn?
    Chúng ta không nên nhảy từ trang thơ ra ngoài đời với giới tính đặc biệt của ông mà nhiều người đã nói. Chỉ căn cứ vào thơ thôi, thơ Xuân Diệu tràn ngập thiên nhiên bừng bừng sức sống, một thiên nhiên đầy đặn, kiểu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Phải chăng, vì thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu sinh sôi nẩy nở thế nên cái đẹp sâu kín trong lòng nhà thơ này -- bất kể mỹ học về sự gầy đang thống trị của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là một thành viên -- hẳn phải là cái đẹp phồn thực của một phụ nữ rất… tròn như là Dương Quý Phi!
    Nhìn lại, với giới chuyên trị dáng gầy thì thiên nhiên của họ chẳng hề là một thiên nhiên sinh sôi nẩy nở, chủ yếu là mùa thu tả tơi lá rụng. Như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, vạn nhất có nhắc đến mùa Xuân, mùa để thiên nhiên bùng nở đầy sức sống thì nghe cũng “trớt quớt” thế nào, như bài “Gọi tên bốn mùa”:
 
    Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
    Nụ xuân xanh cành thênh thang
    Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
    Rồi mùa Xuân không về…
 
Không chỉ Trịnh Công Sơn. Xuân của Nguyên Sa cũng vậy, không hề tươi tắn thiên nhiên, như cái cảnh:
 
    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
    Đạp xe qua nhà em
    Nhìn vào ngưỡng cửa
    Nhà số 20
    Anh nhớ em má hồng..
    (“Mùa xuân buồn lắm em ơi”)
 
Để rồi, trong “Thơ xuân áo vàng”, cũng lại là dáng “vai gầy”:
 
    Mùa xuân em mặc áo vàng,
    Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
    Em vừa xoay nhẹ vai gầy…
 
Mà cả tôi, hình như, cũng vậy, vào cái tuổi mười bảy, mười tám nhưng gầy gò vì thiếu dinh dưỡng: giữa sự lên ngôi của cái đẹp no tròn mang tên là “múp” mà, nhìn lại, những dấu in hằn đậm trong ký ức vẫn là dấu chân từ những dáng gầy.
    Đó, phải chăng, là do Xuân?
    Bởi, với tôi, những mùa Xuân của tuổi ấy, vào cuối thập niên 1970, lại là những Xuân buồn, những mùa Xuân gầy gò, tả tơi, không tươi tắn chút nào, những cái Xuân không hể sinh sôi, nẩy nở…
 

-- Nguyễn Hoàng Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mùa đông xuân năm nay, trời lạnh sớm, cái lạnh tái tê kéo dài từng đợt trên khắp cả nước, từ miền cao đến châu thổ. Có những nơi như đèo Ô Qui Hồ, Mẫu Sơn, Y Tý… tuyết rơi trắng xóa. Tuyết nơi miền chí tuyến! Cùng với tiết trời là những đợt gió rét mướt vi vu dễ làm chùng lòng, chẳng dám dậy sớm đi biển. Nên nhớ vẩn vơ. Nhớ gió qua bao nỗi niềm.
Bà mỉm cười khi thấy chén bát thằng bé đã xếp gọn gàng. Bà nhấc lên khỏi mặt bàn, dưới cái đĩa cuối cùng thì bà thấy có một tờ giấy bạc 50.000 đồng chặn ở dưới! Con cám ơn.
“Sắp về Việt Nam đó.” Dễ Thương thông báo một buổi chiều thứ tư. Trời còn chút mùa xuân. Nắng trong, gió nhẹ. Bất ngờ như hụt chân bước lọt vào khoảng trống, người đàn ông hoảng hốt, “Chừng nào về?” “July.” “Sắp tháng Bảy rồi.” Nụ cười nở ra trên cánh môi. Con mắt ướt như có gió có mưa đâu đó tạt về. Cõi lòng như cái ống nước cao su bị xoắn, người đàn ông kiếm giùm cô một cái cớ. Tháng Bảy ở Việt Nam thì có gì nhỉ. Loài hoa nào nở vào tháng Bảy ở quê nhà. Mùa mưa bắt đầu từ tháng nào. Bão nhiệt đới thổi về. Bão rớt từ biển đông. Tháng Bảy có gì. Xa Việt Nam lâu quá, người đàn ông quên mất tiêu.
Tiếp tục loạt bài về trận đánh Điện Biên Phủ kết thúc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nhà văn Trần Vũ phân tích chiến thuật chiến lược của đôi bên, Pháp và Việt Minh, từ mắt nhìn của một nhà quân sự. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Hôm nay, ngày 30 tháng 3 năm 2022, đúng 47 năm ngày kỷ niệm trận Khánh Dương, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù rút quân về Phan Rang, theo sau là đoàn xe của quân đội và đồng bào theo chân quân đội quốc gia xuôi về nam lánh nạn cộng sản.
Anh ta là bạn cùng xóm và cùng lớp với anh tôi. Trong khi anh tôi hiền lành thật thà bao nhiêu thì anh ta mưu mô, gian xảo bấy nhiêu...
Chỉ có tình thương mới đem hòa bình cho thế giới, chỉ có lòng thương yêu bớt hận thù, và người bị bệnh nói nhiều cũng phải vì lý do gì đó, sự uất ức dồn nén trong đầu, trong tim...
Mùa xuân Tự Thánh nguyên niên, Trường An tưng bừng khai hội hoa xuân, bá tánh trong ngoài thành hớn hở trẩy hội, nam thanh nữ tú dập dìu, tài tử giai nhân lả lướt, đại gia quyền thế cũng chen chúc vào ra. Trường An chưa bao giờ rực rỡ và đẹp như thế....
Gái muộn chồng thì thậm khổ/ Trai muộn vợ cũng thậm khổ/ Mây trên trời thì kéo xuống/ Gió ngoài biển thì thổi vô...
Đại Quan họ Đỗ, quê cha đất tổ ở Huyện Nho Quan, Tỉnh Ninh Bình, một vùng núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình nhưng nghèo. Ninh Bình là vùng đất hẹp, người đông cho nên đất đai quý hơn vàng. Tổ tiên bao đời sống bằng nghề nông, đổ mồ hôi nước mắt trên vài mẫu ruộng, sống chết với ruộng đồng nhưng cuộc đời vẫn không khá.
Gần 2 thập niên quen biết, học hỏi và làm việc cùng Thầy. Mới thấy sự tận tụy, miệt mài của Thầy, nhất là những khi dịch kinh điển. Tuổi cao mắt mờ và không rành máy tính, Thầy viết bằng tay, dò từ chữ với kính rọi phóng đại. Rồi nhờ người đánh máy, rồi Thầy dò lại, v.v… Nghiệp làm sách, trong đó có những tập kinh của Thầy dịch, có lần Thầy gởi tiền lì xì tặng "người thiết kế sách" và nhắc anh chàng tội nghiệp, bảo rằng "dẫu có hư, nhưng không hỏng", hãy thương yêu đùm bọc nhau và làm việc cho Phật giáo. Thầy là một số ít vị Tăng lữ xem việc ấn bản những kinh kệ, sách vở văn hoá Phật giáo là quan trọng và thường khuyến tấn. Thầy, một con người khiêm cung, hiền hoà và mẫu mực.
Alphonse Daudet (13/5/1840 - 16/12/1897) là một nhà văn Pháp và là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng. Ông sinh ra ở Nîmes (thuộc miền Nam nước Pháp). Ông bắt đầu viết văn từ năm 14 tuổi, đến năm 18 tuổi Alphonse ra thi tập "Những Người Đàn Bà Đang Yêu" (Les Amoureuses, 1858) và được đón nhận ngay. Độc giả Pháp đặc biệt yêu mến ông qua các tiểu thuyết "Thằng Nhóc Con" (Le Petit Chose), gần như là thiên hồi ký của thời niên thiếu đau khổ của chính mình mà đôi khi cũng được ví với nhân vật trong tác phẩm "David Copperfield" của đại văn hào Charles Dickens của Anh. Những năm sau ông viết nhiều tiểu thuyết cũng thành công không kém, qua các đề tài xã hội của một nước Pháp dân chủ thay thế cho chế độ quân chủ. Cho đến cuối đời, Daudet dao động từ niềm vui thẳng thắn (Nhân vật huyền thoại Tartarin de Tarascon) đến sự mỉa mai như quất mạnh (Numa Roumestan), hoặc nỗi u sầu bệnh hoạn nhất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.