Hôm nay,  

Dáng liễu và Xuân gầy

28/10/202307:29:00(Xem: 2988)
Tạp bút

Cheo 


Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá.
    Mà dáng này lại là điều cấm kỵ với giới làm thơ, soạn nhạc với, có lẽ, duy nhất một ngoại lệ.
    Tìm lại những bài ca, bài thơ chúng ta sẽ tìm ra bao nhiêu là dáng gầy. Như Trịnh Công Sơn, hết “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc bay về chốn xa xăm” thì “gọi nắng trên vai em gầy”, rồi “mưa thì thầm gót chân ngà”: để có gót chân ngà thì thân thể không thể nào… tròn.
    Hay Vũ Đức Nghiêm, chỉ trong một khổ nhạc 6 câu của bài “Gọi người yêu dấu” thôi, đã hết ba câu trực tiếp nói đến sự gầy:
 
    Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
    Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
    Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
    Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
    Thương em mong manh như một cành lan
 
“Dáng vai gầy” thì đã rõ, đến dáng “buồn bơ vơ” và dáng “mong manh” là gì nếu không phải dáng gầy?
    Thơ cũng vậy, như Nguyên Sa, nào là “Em gầy như liễu trong thơ cổ / Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường” (“Em gầy như liễu trong thơ cổ”)’, nào là “Thơ trong tà áo, em trong gió / Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay” ("Hư ảo trăng"): em có thể lẫn vào trong gió thì em cũng phải gầy như là liễu.
    Hay, trong bài “Tám phố Sài Gòn”:
 
    Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
    Cánh tay tà áo sát vòng eo
    Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
    Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo
    […]   
    Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
    Thứ bẩy Sài Gòn đi Brodard
    Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
    Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
 
Vân vân, kể sao hết những hình ảnh gầy guộc trong nhạc, trong thơ, trừ ông Xuân Diệu, qua người đẹp cuối cùng trong bài “Nhị hồ”:
 
    Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
    Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
    Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
    Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi
 
Lịch sử Trung Hoa ghi lại hình ảnh đầy đặn của Dương Quý Phi, ái phi của Đường Minh Hoàng và khoa nhân chủng học cũng bàn về cái đẹp này, cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn hình thành từ quan niệm sống khát khao sự sinh sôi nảy nở nhằm lưu truyền nòi giống.
    Âu châu cũng một thời tôn sùng phụ nữ tròn nhưng rồi xu hướng thẩm mỹ này thay đổi với sự ra đời của điện ảnh: cái đẹp lúc này không còn bất động trên hình ảnh mà phải gắn liền với một dáng đi thanh thoát, do đó họ phải gầy. Cái đẹp này lại trở thành hình mẫu của các nữ nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn một thời rồi đi vào thơ, vào nhạc, vào họa của nhiều thập niên sau đó trong văn nghệ miền Nam.
    Nhưng rồi cái đẹp mảnh mai ấy lại bị “chỉnh lý” theo ám ảnh thiếu ăn. Thời tôi chớm lớn, cuối thập niên 1970, cái thời hầu như cả nước thèm cơm, chỉ là cơm trắng thôi, sự hấp dẫn của nữ tính lại nghiêng dần về độ… “múp”.
    “Múp”, hình dung như Dương Quý Phi nói trên, là cái đẹp với những đường cong đầy đặn sự no đủ. Rồi thì ám ảnh thiếu ăn ấy cũng lùi vào hoài niệm để cái đẹp no tròn bị sự thanh mảnh đẩy lùi theo sự thống trị của kỹ nghệ thời trang. Theo mức độ phổ biến của máy truyền hình, của smartphone, của iPad, sức lôi cuối của nữ phái bây giờ tỷ lệ thuận theo chiều dài của cặp giò và, thế là, độ cao của đôi chân trở thành thời thượng. Nhan sắc và độ thanh mảnh trong thân thể nữ giới đã trở thành một thứ tài nguyên cho kỹ nghệ quảng cáo và tiếng Việt cũng bùng nổ theo với nào là “chân dài”, nào là “siêu mẫu”, “hot girl”…
    Cũng cần kể thêm, thay đổi lớn nhất, mang tính cách mạng nhất trong quan niệm về cái đẹp, theo các nhà nhân chủng học tiến hóa, lại diễn ra lúc loài linh trưởng chuyển từ tư thế bò lết sang tư thế đi đứng. Thời chỉ biết bò, biết lết, hai chi trước vẫn là hai cái chân và loài thú ấy chỉ biết làm tình từ phía sau nên chỉ chú mục vào cặp mông của bạn tình, chỉ biết dùng đến mùi để quyến rũ bạn tình. Nhưng khi đã biết đi, hai chi trước đã biến thành hai cánh tay thì tư thế làm tình đã đảo ngược về phía trước thì loài thú sắp thành người này đã biết nhìn nhau khi làm động tác yêu và sự quyến rũ bắt đầu tiến hóa từ khứu giác đến thị giác. Chúng có những đòi hỏi như thế nào đó ở bộ mặt, để gọi là “dễ nhìn”. Chúng cũng có những đòi hỏi như thế nào đó ở lồng ngực của con cái để gọi là “ngon mắt”, cái sự ngon mắt hình thành từ sự cộng hưởng giữa ý niệm phồn thực gợi lên cặp mông đầy tròn tròn thời còn làm tình từ phía sau với nhu cầu cần mơn trớn vuốt ve với những khao khát ngồn ngộn một miền cong đầy đặn. Và đến phiên mình, những con cái, cũng bắt đầu có những nhu cầu “dễ nhìn” và “ngon mắt” trên bộ mặt và, nhất là, trên bộ ngực vạm vỡ và cánh tay vững chãi của con đực, như một sự che chở an toàn!
    Trở lại với Xuân Diệu, tại sao, tại sao trong câu cuối cùng của bài thơ ấy, nhà thơ này đã bộc lộ rằng ông mê một phụ nữ rất tròn?
    Chúng ta không nên nhảy từ trang thơ ra ngoài đời với giới tính đặc biệt của ông mà nhiều người đã nói. Chỉ căn cứ vào thơ thôi, thơ Xuân Diệu tràn ngập thiên nhiên bừng bừng sức sống, một thiên nhiên đầy đặn, kiểu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Phải chăng, vì thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu sinh sôi nẩy nở thế nên cái đẹp sâu kín trong lòng nhà thơ này -- bất kể mỹ học về sự gầy đang thống trị của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là một thành viên -- hẳn phải là cái đẹp phồn thực của một phụ nữ rất… tròn như là Dương Quý Phi!
    Nhìn lại, với giới chuyên trị dáng gầy thì thiên nhiên của họ chẳng hề là một thiên nhiên sinh sôi nẩy nở, chủ yếu là mùa thu tả tơi lá rụng. Như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, vạn nhất có nhắc đến mùa Xuân, mùa để thiên nhiên bùng nở đầy sức sống thì nghe cũng “trớt quớt” thế nào, như bài “Gọi tên bốn mùa”:
 
    Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
    Nụ xuân xanh cành thênh thang
    Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
    Rồi mùa Xuân không về…
 
Không chỉ Trịnh Công Sơn. Xuân của Nguyên Sa cũng vậy, không hề tươi tắn thiên nhiên, như cái cảnh:
 
    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
    Đạp xe qua nhà em
    Nhìn vào ngưỡng cửa
    Nhà số 20
    Anh nhớ em má hồng..
    (“Mùa xuân buồn lắm em ơi”)
 
Để rồi, trong “Thơ xuân áo vàng”, cũng lại là dáng “vai gầy”:
 
    Mùa xuân em mặc áo vàng,
    Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
    Em vừa xoay nhẹ vai gầy…
 
Mà cả tôi, hình như, cũng vậy, vào cái tuổi mười bảy, mười tám nhưng gầy gò vì thiếu dinh dưỡng: giữa sự lên ngôi của cái đẹp no tròn mang tên là “múp” mà, nhìn lại, những dấu in hằn đậm trong ký ức vẫn là dấu chân từ những dáng gầy.
    Đó, phải chăng, là do Xuân?
    Bởi, với tôi, những mùa Xuân của tuổi ấy, vào cuối thập niên 1970, lại là những Xuân buồn, những mùa Xuân gầy gò, tả tơi, không tươi tắn chút nào, những cái Xuân không hể sinh sôi, nẩy nở…
 

-- Nguyễn Hoàng Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Và chúng sẽ bỏ cái điện thoại thông minh ra để cầm bút ngòi lá tre hay sao? Chắc tôi đang mơ?...
Cũng như tất cả những người Việt Nam khác, tôi đang nói và viết bằng ngôn ngữ Việt, ai cũng bảo tiếng Việt là chữ quốc ngữ. Thậm chí như cụ Phạm Quỳnh còn đề cao:”… Tiếng Việt còn thì nước Việt còn...” nhưng thật sự tiếng Việt lại không phải do người Việt chế ra, ấy là nhờ công của những giáo sĩ phương tây, cụ thể như những giáo sĩ: Francesco Buzomi (Ý), Diogo Carvalho, Antonio Diaz, Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Alexandre de Rhodes…
Mùa thu, mùa Vu Lan còn níu kéo, mùa còn tưởng nhớ tới mẹ, tới cha. Tôi tưởng nhớ tới dì tôi, dì đây là mẹ kế, người bước sau một bước sau mẹ tôi vào gia đình bên nội tôi...
Ở tuổi 13, cô trở thành cánh tay đắc lực của Mạ cô, phụ giúp Mạ trông coi quán cà phê. Thuở đó, cô chưa hề có chút dáng dấp của nhân vật “nàng” trong bài thơ Tuổi Mười Ba của Nguyên Sa. Cô cũng chưa được phép đọc báo Tuổi Ngọc. Cô mê mẩn chúi đầu, chúi mũi vào báo Thiếu Nhi và Tuổi Hoa. Cô vương vương buồn, rươm rướm nước mắt, khi đọc Chiếc Lá Thuộc Bài của Nguyễn Thái Hải. Cô hồi hộp, tim đập thình thịch, lúc đọc Pho Tượng Rồng Vàng của Hoàng Đăng Cấp...
Chị nhớ rõ từng mô đất nhấp nhô ở khoảng bờ sông này. Hàng ngày chị vẫn lảng vảng quanh đây vớt dăm ba con tép, lắt nhắt như những mảnh móng tay cắt vụn, đem về kho đen quánh cả đáy nồi, ăn rỉ rả với những bát cơm rắc đầy những thóc. Gió luồn những ngón tay ma quái qua lớp vải áo, mấy mò chiếc yếm ngực làm chị rùng mình. Chính khoảng bãi sông này, năm ngoái năm kia người ta đã trôi sông một đôi gian phu dâm phụ trên chiếc bè đóng bằng những róng tre dầy đặc những mắt.
Tôi đứng trong buồng khách, nhìn ra ngoài trời. Trời quang và khô, cơn mưa hôm qua không để lại một vũng nước nào, chỉ giúp cho những chùm lá có mầu xanh sạch bóng, mướt rượt, và những cây có lá vàng thi nhau trút xuống nhưng vẫn giữ lại những cành đẹp nhất để rung múa với gió thu...
Ai sinh ra đời cũng biết ơn ông bà, cha mẹ của mình, cho dù ông bà, cha mẹ còn sinh tiền hay đã qua đời, con cháu vẫn nhớ. Nếu ông bà cha mẹ đã qua đời thì hằng năm đến ngày giỗ dù bận thế nào còn cháu cũng làm đám giỗ cúng ông bà cha mẹ...
Đối với những người yêu thích môn bóng đá thì không ai không biết Giải Bóng Đá Thế Giới (World Cup) năm nay được diễn ra tại Qatar từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 18 tháng 12. Tôi cũng xin tự nhận là “fan” của World Cup, với niềm háo hức nôn nao cho mùa giải bốn năm mới có một lần này, được ghi lại chút kỷ niệm của mình với những mùa World Cup đã qua trong đời...
Đó là vào một buổi chiều thời tiết khắc nghiệt của tháng mười, khi Hoàng hậu và tôi, người hầu gái của bà, cùng đi vào một hành lang ở viện bảo tàng Louvre cổ kính ấy, và tôi không thể quên được một khuôn mặt kinh khiếp đó mà cho đến bây giờ, khi ngồi viết lại những dòng này, nét mặt ấy lại hiện ra, cũng như không thể nào không chấp nhận sự thật về việc này...
Thế là tôi cũng chạm được vào giấc mơ, một giấc mơ huyền hoặc lạ lùng kéo dài bao nhiêu năm kể từ khi biết đọc sách, biết mộng mơ… Giấc mơ hình thành từ những dòng chữ trong sử sách, giấc mơ lung linh trong tâm tưởng suốt một quãng đường đời...
Từ khi Việt Nam bang giao rộng rãi với cộng đồng thế giới, gia nhập kinh tế thị trường (vì xấu hổ quá nên gắn thêm cái đuôi “định hướng XHCN”), các công ty ngoại quốc vào đầu tư xây dựng nhiều nhà máy, xí nghiệp công nghiệp và hoạt động trong nhiều ngành dịch vụ khác. Số vốn Foreign Direct Investment (FDI) ngày càng gia tăng kéo theo nhiều đổi thay trong xã hội Việt. Về hình thức thì có nhiều, mà một trong số đó là loạn đồng phục!
Kể từ ngày về hưu, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi hay ngồi viết thư cho bạn bè hoặc viết tán nhảm với mấy cô hàng xóm. Và trong những lá thư gửi đi ấy, tôi toàn nói chuyện phịa (chuyện giả tưởng). Tôi phịa ra đủ mọi thứ chuyện, từ chuyện to cho đến chuyện nhỏ, từ chuyện trong nhà ra đến chuyện ngoài đường. Tôi phịa nhiều quá đến nỗi tôi cũng bị “hỏa mù” với chính tôi, chẳng biết lúc nào tôi thật lúc nào tôi giả nữa...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.