Hôm nay,  

Dáng liễu và Xuân gầy

28/10/202307:29:00(Xem: 2974)
Tạp bút

Cheo 


Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá.
    Mà dáng này lại là điều cấm kỵ với giới làm thơ, soạn nhạc với, có lẽ, duy nhất một ngoại lệ.
    Tìm lại những bài ca, bài thơ chúng ta sẽ tìm ra bao nhiêu là dáng gầy. Như Trịnh Công Sơn, hết “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc bay về chốn xa xăm” thì “gọi nắng trên vai em gầy”, rồi “mưa thì thầm gót chân ngà”: để có gót chân ngà thì thân thể không thể nào… tròn.
    Hay Vũ Đức Nghiêm, chỉ trong một khổ nhạc 6 câu của bài “Gọi người yêu dấu” thôi, đã hết ba câu trực tiếp nói đến sự gầy:
 
    Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
    Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
    Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
    Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
    Thương em mong manh như một cành lan
 
“Dáng vai gầy” thì đã rõ, đến dáng “buồn bơ vơ” và dáng “mong manh” là gì nếu không phải dáng gầy?
    Thơ cũng vậy, như Nguyên Sa, nào là “Em gầy như liễu trong thơ cổ / Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường” (“Em gầy như liễu trong thơ cổ”)’, nào là “Thơ trong tà áo, em trong gió / Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay” ("Hư ảo trăng"): em có thể lẫn vào trong gió thì em cũng phải gầy như là liễu.
    Hay, trong bài “Tám phố Sài Gòn”:
 
    Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
    Cánh tay tà áo sát vòng eo
    Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
    Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo
    […]   
    Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
    Thứ bẩy Sài Gòn đi Brodard
    Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
    Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
 
Vân vân, kể sao hết những hình ảnh gầy guộc trong nhạc, trong thơ, trừ ông Xuân Diệu, qua người đẹp cuối cùng trong bài “Nhị hồ”:
 
    Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
    Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
    Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
    Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi
 
Lịch sử Trung Hoa ghi lại hình ảnh đầy đặn của Dương Quý Phi, ái phi của Đường Minh Hoàng và khoa nhân chủng học cũng bàn về cái đẹp này, cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn hình thành từ quan niệm sống khát khao sự sinh sôi nảy nở nhằm lưu truyền nòi giống.
    Âu châu cũng một thời tôn sùng phụ nữ tròn nhưng rồi xu hướng thẩm mỹ này thay đổi với sự ra đời của điện ảnh: cái đẹp lúc này không còn bất động trên hình ảnh mà phải gắn liền với một dáng đi thanh thoát, do đó họ phải gầy. Cái đẹp này lại trở thành hình mẫu của các nữ nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn một thời rồi đi vào thơ, vào nhạc, vào họa của nhiều thập niên sau đó trong văn nghệ miền Nam.
    Nhưng rồi cái đẹp mảnh mai ấy lại bị “chỉnh lý” theo ám ảnh thiếu ăn. Thời tôi chớm lớn, cuối thập niên 1970, cái thời hầu như cả nước thèm cơm, chỉ là cơm trắng thôi, sự hấp dẫn của nữ tính lại nghiêng dần về độ… “múp”.
    “Múp”, hình dung như Dương Quý Phi nói trên, là cái đẹp với những đường cong đầy đặn sự no đủ. Rồi thì ám ảnh thiếu ăn ấy cũng lùi vào hoài niệm để cái đẹp no tròn bị sự thanh mảnh đẩy lùi theo sự thống trị của kỹ nghệ thời trang. Theo mức độ phổ biến của máy truyền hình, của smartphone, của iPad, sức lôi cuối của nữ phái bây giờ tỷ lệ thuận theo chiều dài của cặp giò và, thế là, độ cao của đôi chân trở thành thời thượng. Nhan sắc và độ thanh mảnh trong thân thể nữ giới đã trở thành một thứ tài nguyên cho kỹ nghệ quảng cáo và tiếng Việt cũng bùng nổ theo với nào là “chân dài”, nào là “siêu mẫu”, “hot girl”…
    Cũng cần kể thêm, thay đổi lớn nhất, mang tính cách mạng nhất trong quan niệm về cái đẹp, theo các nhà nhân chủng học tiến hóa, lại diễn ra lúc loài linh trưởng chuyển từ tư thế bò lết sang tư thế đi đứng. Thời chỉ biết bò, biết lết, hai chi trước vẫn là hai cái chân và loài thú ấy chỉ biết làm tình từ phía sau nên chỉ chú mục vào cặp mông của bạn tình, chỉ biết dùng đến mùi để quyến rũ bạn tình. Nhưng khi đã biết đi, hai chi trước đã biến thành hai cánh tay thì tư thế làm tình đã đảo ngược về phía trước thì loài thú sắp thành người này đã biết nhìn nhau khi làm động tác yêu và sự quyến rũ bắt đầu tiến hóa từ khứu giác đến thị giác. Chúng có những đòi hỏi như thế nào đó ở bộ mặt, để gọi là “dễ nhìn”. Chúng cũng có những đòi hỏi như thế nào đó ở lồng ngực của con cái để gọi là “ngon mắt”, cái sự ngon mắt hình thành từ sự cộng hưởng giữa ý niệm phồn thực gợi lên cặp mông đầy tròn tròn thời còn làm tình từ phía sau với nhu cầu cần mơn trớn vuốt ve với những khao khát ngồn ngộn một miền cong đầy đặn. Và đến phiên mình, những con cái, cũng bắt đầu có những nhu cầu “dễ nhìn” và “ngon mắt” trên bộ mặt và, nhất là, trên bộ ngực vạm vỡ và cánh tay vững chãi của con đực, như một sự che chở an toàn!
    Trở lại với Xuân Diệu, tại sao, tại sao trong câu cuối cùng của bài thơ ấy, nhà thơ này đã bộc lộ rằng ông mê một phụ nữ rất tròn?
    Chúng ta không nên nhảy từ trang thơ ra ngoài đời với giới tính đặc biệt của ông mà nhiều người đã nói. Chỉ căn cứ vào thơ thôi, thơ Xuân Diệu tràn ngập thiên nhiên bừng bừng sức sống, một thiên nhiên đầy đặn, kiểu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Phải chăng, vì thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu sinh sôi nẩy nở thế nên cái đẹp sâu kín trong lòng nhà thơ này -- bất kể mỹ học về sự gầy đang thống trị của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là một thành viên -- hẳn phải là cái đẹp phồn thực của một phụ nữ rất… tròn như là Dương Quý Phi!
    Nhìn lại, với giới chuyên trị dáng gầy thì thiên nhiên của họ chẳng hề là một thiên nhiên sinh sôi nẩy nở, chủ yếu là mùa thu tả tơi lá rụng. Như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, vạn nhất có nhắc đến mùa Xuân, mùa để thiên nhiên bùng nở đầy sức sống thì nghe cũng “trớt quớt” thế nào, như bài “Gọi tên bốn mùa”:
 
    Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
    Nụ xuân xanh cành thênh thang
    Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
    Rồi mùa Xuân không về…
 
Không chỉ Trịnh Công Sơn. Xuân của Nguyên Sa cũng vậy, không hề tươi tắn thiên nhiên, như cái cảnh:
 
    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
    Đạp xe qua nhà em
    Nhìn vào ngưỡng cửa
    Nhà số 20
    Anh nhớ em má hồng..
    (“Mùa xuân buồn lắm em ơi”)
 
Để rồi, trong “Thơ xuân áo vàng”, cũng lại là dáng “vai gầy”:
 
    Mùa xuân em mặc áo vàng,
    Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
    Em vừa xoay nhẹ vai gầy…
 
Mà cả tôi, hình như, cũng vậy, vào cái tuổi mười bảy, mười tám nhưng gầy gò vì thiếu dinh dưỡng: giữa sự lên ngôi của cái đẹp no tròn mang tên là “múp” mà, nhìn lại, những dấu in hằn đậm trong ký ức vẫn là dấu chân từ những dáng gầy.
    Đó, phải chăng, là do Xuân?
    Bởi, với tôi, những mùa Xuân của tuổi ấy, vào cuối thập niên 1970, lại là những Xuân buồn, những mùa Xuân gầy gò, tả tơi, không tươi tắn chút nào, những cái Xuân không hể sinh sôi, nẩy nở…
 

-- Nguyễn Hoàng Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm thứ Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đến ga NTG đón hai mẹ con người bạn vào chơi trên chuyến tàu Bắc-Nam SE7 dự kiến sẽ đến ga lúc 9h15 AM, Chúng tôi ngồi ở phòng đợi cùng với những hành khách đón tàu xuôi các ga phía Nam...
Tôi đạp xe về nhà với cõi lòng lâng lâng. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7, 8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát, tiếng hát ngọt ngào của anh đã rót vào trái tim 16 tuổi trăng tròn của tôi những tình cảm bâng khuâng. Anh đi lính, xóm vắng anh, vắng cả những đêm khuya tiếng hát tiếng đàn...
Ở vùng quê người ta vẫn dùng một vài thứ lá như lá vối, lá "ngấy" (không phải lá ngái), lá bò bò, dây lá nhãn lồng (có nơi gọi lá mắm nêm) kiếm từ rừng rẫy về xắt ra, phơi khô trữ từng bao để nấu uống dần thay lá chè (trà). Nước các thứ lá ấy ai cũng dùng được, cả nhà sẽ uống suốt ngày...
Tôi sắp kể một chuyện thật ghê sợ, kể một cách không màu mè. Tôi chẳng mong đợi ai tin chuyện tôi kể cả. Quả vậy, có điên mới mong như vậy, vì chính những giác quan thật của tôi cũng phủ nhận sự hiển nhiên này. Phải.Tôi không điên và chắc chắn là tôi không nằm mơ. Nhưng ngày mai tôi không còn sống, và hôm nay tôi phải cất đi gánh nặng này trong tâm hồn. Mục đích trước mắt của tôi là trình bày một chuỗi các sự việc một cách rõ ràng, ngắn gọn, không bình luận. Bởi hậu quả của nó, những sự việc này đã làm tôi hoảng sợ, đã hành hạ tôi, đã hủy hoại tôi. Sau này có thể ai đó điềm tĩnh hơn, có đầu óc lập luận hơn tôi và không dễ bị kích động như tôi, sẽ hiểu được trường hợp của tôi không có gì khác hơn là luật nhân quả thông thường và rất tự nhiên.
Tuổi học trò là tuổi mang nhiều kỷ niệm khôn nguôi. Chúng ta nghĩ về thuở xa xưa đó như nghĩ về sân đá banh, suối Đốc Học, suối Mu-ri (Maury), thác Nhà Đèn, hồ Piscine, hồ Trung Tâm hay cột đèn ba ngọn, kể cả con chim, con dế, một thứ keo dính chặt trong trí nhớ học trò...
Trực thăng vừa đáp, cánh quạt thổi cát bụi tung mịt trời, cỏ tranh bên dưới ngã rạp, thân dập dềnh như sóng. Thăng nhảy xuống trước tiên, đảo mắt quan sát chung quanh rồi quay người lại giơ tay cho Chinh bám lấy để bước xuống. Cũng chiếc máy truyền tin cũ đeo sau lưng, nhưng hôm nay có vẻ nặng hơn vì gương mặt Chinh đanh lại chứ không nhìn Thăng cười và khẽ gật đầu như những lần đổ bộ trực thăng trước. Chinh mang máy cho Thăng đã ba năm, đeo hạ sĩ gần một năm. Thầy trò đã kề cận, cùng vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, chưa bao giờ Chinh biểu lộ sợ hãi kể cả những lúc nguy khốn nhất, bị địch vây hãm phải mở đường máu để triệt thoái...
Chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối mùa Hè năm 1956, trước cổng trường Võ Tánh Nha Trang, Trọng nhìn theo mái tóc dài thả sau hai bờ vai và tà áo dài trắng, và gọi lớn tên nàng nhưng Thu Nguyệt vẫn lặng lẽ tiếp tục đạp xe đạp, không đáp lại lời kêu gọi của Trọng, ngay cả ngoái đầu nhìn lại nhau lần cuối...
Sau khi đưa được gia quyến sang Tàu, Trần Ích Tắc đã được Nguyên chủ Hốt Tất Liệt cấp một dinh thự tại Ngạc Châu để ở. Nguyên chủ cũng ban cho ông nhiều bổng lộc nên gia đình ông vẫn có một cuộc sống sung túc...
Chị Bông gởi tâm sự cho chị Ngân Bình phụ trách mục “Tình Chàng Ý Thiếp” của một tuần báo. Chị than thở chuyện tình cảm hai vợ chồng già nhà chị lúc nào cũng xung khắc cãi nhau. Ông ấy lát gạch vườn sau chỗ cao chỗ thấp làm chị Bông vấp ngã mấy lần đã không biết điều xin lỗi còn mắng vợ xớn xác. Chị Bông tiết kiệm ngân quỹ gia đình, ở nhà chuyên mặc đồ thừa của con gái thì ông ấy nói quần áo ngắn cũn cỡn, váy màu mè xanh đỏ như bà đồng bóng...
Hình như có cái gì đó cần phải suy nghĩ cho trọn vẹn kỹ càng? Tôi dừng lại. Bắt gặp ánh mắt của tôi, người đàn bà tấp xe vào lề, mời mua vé số. Tôi lục tìm tất cả những đồng bạc lẻ. Xác suất rất nhỏ cho hạnh phúc rất lớn, thậm chí có thể đổi đời. Xác suất rất lớn cho nỗi thất vọng rất nhỏ – nhỏ đến độ thường bị lãng quên đâu đó ở ngăn ngoài chiếc ví, trong túi áo quần…
Con gái của tôi, làm Registered Nurse trong một bệnh viện. Bữa đó, nó bước vào phòng thăm một bệnh nhân nam, cỡ tuổi gần 70, đang truyền đạm truyền nước vì gặp vấn đề tiêu hoá, đúng lúc bác ấy đang facetime nói chuyện với người ở nhà bằng Tiếng Việt. Nó sinh ra ở Canada, nhưng có khiếu Tiếng Việt, nghe và nói khá rành rẽ, chỉ có đọc và viết thì nó không biết...
Năm 1972 là quãng thời gian với nhiều lo âu cho tôi và các bạn nam sinh cùng lớp vì hết niên học chúng tôi phải qua kỳ thi Tú tài I, đậu hay rớt tương lai sẽ là những khúc rẽ cuộc đời...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.