Hôm nay,  

Dáng liễu và Xuân gầy

28/10/202307:29:00(Xem: 3000)
Tạp bút

Cheo 


Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá.
    Mà dáng này lại là điều cấm kỵ với giới làm thơ, soạn nhạc với, có lẽ, duy nhất một ngoại lệ.
    Tìm lại những bài ca, bài thơ chúng ta sẽ tìm ra bao nhiêu là dáng gầy. Như Trịnh Công Sơn, hết “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc bay về chốn xa xăm” thì “gọi nắng trên vai em gầy”, rồi “mưa thì thầm gót chân ngà”: để có gót chân ngà thì thân thể không thể nào… tròn.
    Hay Vũ Đức Nghiêm, chỉ trong một khổ nhạc 6 câu của bài “Gọi người yêu dấu” thôi, đã hết ba câu trực tiếp nói đến sự gầy:
 
    Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
    Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
    Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
    Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
    Thương em mong manh như một cành lan
 
“Dáng vai gầy” thì đã rõ, đến dáng “buồn bơ vơ” và dáng “mong manh” là gì nếu không phải dáng gầy?
    Thơ cũng vậy, như Nguyên Sa, nào là “Em gầy như liễu trong thơ cổ / Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường” (“Em gầy như liễu trong thơ cổ”)’, nào là “Thơ trong tà áo, em trong gió / Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay” ("Hư ảo trăng"): em có thể lẫn vào trong gió thì em cũng phải gầy như là liễu.
    Hay, trong bài “Tám phố Sài Gòn”:
 
    Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
    Cánh tay tà áo sát vòng eo
    Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
    Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo
    […]   
    Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
    Thứ bẩy Sài Gòn đi Brodard
    Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
    Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
 
Vân vân, kể sao hết những hình ảnh gầy guộc trong nhạc, trong thơ, trừ ông Xuân Diệu, qua người đẹp cuối cùng trong bài “Nhị hồ”:
 
    Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
    Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
    Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
    Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi
 
Lịch sử Trung Hoa ghi lại hình ảnh đầy đặn của Dương Quý Phi, ái phi của Đường Minh Hoàng và khoa nhân chủng học cũng bàn về cái đẹp này, cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn hình thành từ quan niệm sống khát khao sự sinh sôi nảy nở nhằm lưu truyền nòi giống.
    Âu châu cũng một thời tôn sùng phụ nữ tròn nhưng rồi xu hướng thẩm mỹ này thay đổi với sự ra đời của điện ảnh: cái đẹp lúc này không còn bất động trên hình ảnh mà phải gắn liền với một dáng đi thanh thoát, do đó họ phải gầy. Cái đẹp này lại trở thành hình mẫu của các nữ nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn một thời rồi đi vào thơ, vào nhạc, vào họa của nhiều thập niên sau đó trong văn nghệ miền Nam.
    Nhưng rồi cái đẹp mảnh mai ấy lại bị “chỉnh lý” theo ám ảnh thiếu ăn. Thời tôi chớm lớn, cuối thập niên 1970, cái thời hầu như cả nước thèm cơm, chỉ là cơm trắng thôi, sự hấp dẫn của nữ tính lại nghiêng dần về độ… “múp”.
    “Múp”, hình dung như Dương Quý Phi nói trên, là cái đẹp với những đường cong đầy đặn sự no đủ. Rồi thì ám ảnh thiếu ăn ấy cũng lùi vào hoài niệm để cái đẹp no tròn bị sự thanh mảnh đẩy lùi theo sự thống trị của kỹ nghệ thời trang. Theo mức độ phổ biến của máy truyền hình, của smartphone, của iPad, sức lôi cuối của nữ phái bây giờ tỷ lệ thuận theo chiều dài của cặp giò và, thế là, độ cao của đôi chân trở thành thời thượng. Nhan sắc và độ thanh mảnh trong thân thể nữ giới đã trở thành một thứ tài nguyên cho kỹ nghệ quảng cáo và tiếng Việt cũng bùng nổ theo với nào là “chân dài”, nào là “siêu mẫu”, “hot girl”…
    Cũng cần kể thêm, thay đổi lớn nhất, mang tính cách mạng nhất trong quan niệm về cái đẹp, theo các nhà nhân chủng học tiến hóa, lại diễn ra lúc loài linh trưởng chuyển từ tư thế bò lết sang tư thế đi đứng. Thời chỉ biết bò, biết lết, hai chi trước vẫn là hai cái chân và loài thú ấy chỉ biết làm tình từ phía sau nên chỉ chú mục vào cặp mông của bạn tình, chỉ biết dùng đến mùi để quyến rũ bạn tình. Nhưng khi đã biết đi, hai chi trước đã biến thành hai cánh tay thì tư thế làm tình đã đảo ngược về phía trước thì loài thú sắp thành người này đã biết nhìn nhau khi làm động tác yêu và sự quyến rũ bắt đầu tiến hóa từ khứu giác đến thị giác. Chúng có những đòi hỏi như thế nào đó ở bộ mặt, để gọi là “dễ nhìn”. Chúng cũng có những đòi hỏi như thế nào đó ở lồng ngực của con cái để gọi là “ngon mắt”, cái sự ngon mắt hình thành từ sự cộng hưởng giữa ý niệm phồn thực gợi lên cặp mông đầy tròn tròn thời còn làm tình từ phía sau với nhu cầu cần mơn trớn vuốt ve với những khao khát ngồn ngộn một miền cong đầy đặn. Và đến phiên mình, những con cái, cũng bắt đầu có những nhu cầu “dễ nhìn” và “ngon mắt” trên bộ mặt và, nhất là, trên bộ ngực vạm vỡ và cánh tay vững chãi của con đực, như một sự che chở an toàn!
    Trở lại với Xuân Diệu, tại sao, tại sao trong câu cuối cùng của bài thơ ấy, nhà thơ này đã bộc lộ rằng ông mê một phụ nữ rất tròn?
    Chúng ta không nên nhảy từ trang thơ ra ngoài đời với giới tính đặc biệt của ông mà nhiều người đã nói. Chỉ căn cứ vào thơ thôi, thơ Xuân Diệu tràn ngập thiên nhiên bừng bừng sức sống, một thiên nhiên đầy đặn, kiểu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Phải chăng, vì thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu sinh sôi nẩy nở thế nên cái đẹp sâu kín trong lòng nhà thơ này -- bất kể mỹ học về sự gầy đang thống trị của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là một thành viên -- hẳn phải là cái đẹp phồn thực của một phụ nữ rất… tròn như là Dương Quý Phi!
    Nhìn lại, với giới chuyên trị dáng gầy thì thiên nhiên của họ chẳng hề là một thiên nhiên sinh sôi nẩy nở, chủ yếu là mùa thu tả tơi lá rụng. Như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, vạn nhất có nhắc đến mùa Xuân, mùa để thiên nhiên bùng nở đầy sức sống thì nghe cũng “trớt quớt” thế nào, như bài “Gọi tên bốn mùa”:
 
    Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
    Nụ xuân xanh cành thênh thang
    Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
    Rồi mùa Xuân không về…
 
Không chỉ Trịnh Công Sơn. Xuân của Nguyên Sa cũng vậy, không hề tươi tắn thiên nhiên, như cái cảnh:
 
    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
    Đạp xe qua nhà em
    Nhìn vào ngưỡng cửa
    Nhà số 20
    Anh nhớ em má hồng..
    (“Mùa xuân buồn lắm em ơi”)
 
Để rồi, trong “Thơ xuân áo vàng”, cũng lại là dáng “vai gầy”:
 
    Mùa xuân em mặc áo vàng,
    Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
    Em vừa xoay nhẹ vai gầy…
 
Mà cả tôi, hình như, cũng vậy, vào cái tuổi mười bảy, mười tám nhưng gầy gò vì thiếu dinh dưỡng: giữa sự lên ngôi của cái đẹp no tròn mang tên là “múp” mà, nhìn lại, những dấu in hằn đậm trong ký ức vẫn là dấu chân từ những dáng gầy.
    Đó, phải chăng, là do Xuân?
    Bởi, với tôi, những mùa Xuân của tuổi ấy, vào cuối thập niên 1970, lại là những Xuân buồn, những mùa Xuân gầy gò, tả tơi, không tươi tắn chút nào, những cái Xuân không hể sinh sôi, nẩy nở…
 

-- Nguyễn Hoàng Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mẹ là từ gọi đầu tiên của loài người khi bắt đầu biết nói và cũng có lẽ cho mọi sinh vật trên trái đất, bởi hơn thế nữa mẹ là người đã đưa những sinh linh bé nhỏ đi vào cuộc đời mênh mông sau những tháng ngày ấp ủ trong lòng mình. Vì thế quả thật mẹ là ngôn từ vĩ đại nhất mà mọi sinh vật phải biết ơn và tự hào để có mặt trên cuộc đời này.
Đêm Rằm tháng Tư, chùa Châu Lâm lung linh trong muôn ngàn ngọn nến, hoa toả hương, mùi trầm thoang thoảng… tượng bổn sư ngồi an nhiên tự tại dưới cội bồ đề. Một cảnh tượng khiến nhiều người liên tưởng đến một thời pháp hội ở tịnh xá Kỳ Hoàn. Năm ấy, khi Thế Tôn còn tại thế, tịnh xá Kỳ Hoàn có pháp hội lớn. Vương tôn công tử và bá tánh nô nức cúng dường hương thơm và đèn. Có một bà lão ăn mày vét hết túi chỉ được đồng bạc, bà mua đèn và ít dầu đem đến cúng dường Phật. Khi đêm về khuya, các vị tăng đi tắt đèn, bao nhiêu ngọn đều tắt hết, duy chỉ có một ngọn đèn không sao tắt được, có vị vận thần thông mà cũng không tắt được, càng quạt thì càng sáng hơn. Các vị tăng bèn vào thưa với Phật, Phật bảo "Đó là cây đèn cúng dường của bà lão ăn mày, đó là ngọn tâm đăng, các ông không thể dập tắt, không có ai có thể làm tắt được."
Tôi đến tiển đưa Anh vào buổi chiều hoen nắng. Trời Chicago đang độ vào thu đượm màu vàng úa của lá và mây trời ẩm đục. Gió se lạnh. Giờ này anh đã an vị. Anh bình thản nằm trong quan tài sau bao nhiêu năm chiến đấu cho Tự do Dân chủ. Anh đã đi qua thời khói lửa như một người lính chiến trong màu áo trận. Anh đã bắt đầu thời hòa bình hơn 12 năm trong lao tù cải tạo của Chuyên Chính Vô Sản: từ khám lớn Chí Hòa đến Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Sơn La, Lý Bá Sơ, Nghệ Tĩnh…Không có vùng đất gian khổ nào của quê hương,của tổ quốc thiếu dấu chân anh. Không có thời điểm nào nguy biến cũng như vinh quang của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa mà anh không cùng anh em chia sẻ.
Bầu trời đen kịt, từng lằn chớp loé lên chằng chịt rạch nát không gian, những tia chớp xanh lè bén như lưỡi đao truỷ thủ mà laị nóng kinh hồn, hễ phóng đụng vật gì thì vật ấy cháy và nát ra. Sấm đì đùng động đến tận đường địa ngục, sấm bổ tan cả đá, đánh vỡ những gì cản đường của nó. Gió giật từng hồi, thổi tung tất cả những vật trên đường đi, cả đất trời như tận thế. Các vị thiên sợ sệt, khép thân không dám nói lời nào.
Qua khung kính cửa sổ phi cơ, Hạnh thấy những ánh đèn ly ty lùi lại trong bóng đêm. Khoảng không gian giữa những chấm sáng ly ty đó và chiếc Boeing đồ sộ này có lẽ xa lắm; nhưng Hạnh tưởng như nàng thấy rõ những con đường mòn len lõi trong rừng thông, từng làn sóng òa vỡ lao xao trên ghềnh đá và những bệ xi-măng vỡ vụn của một phi trường bỏ hoang. Phi trường đó mang tên Orote Point. Cái tên lạ, vô nghĩa như khoảng thời gian dài vô vị trong căn lều vải, trên những chiếc ghế bố nhà binh.
Khi em đưa cái Thẻ Kiểm Tra, mình chưa đọc tên đã biết ngay là em. Nhưng mình cứ làm tỉnh ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Em thì tình thiệt không biết mình. Nhớ hồi nhỏ hai đứa cũng quyến luyến nhau, dầu chưa tới mười tuổi. Em hay giận hờn
Điện thoại rung, tôi coi thấy Dũng gọi. Biết Dũng chưa bao giờ đi làm sở, sẽ gọi lại nhiều lần nếu không được trả lời nên tôi khẽ đứng dậy bước ra phòng họp gọi bấm phône hỏi: - Có chuyện gì không Dũng? - Chiều nay anh có rảnh không? Tới em. Em làm vài món, mình làm lai rai vài lon. Thứ hai nhà hàng em đóng cửa. - Được ông chủ nhà hàng nấu là nhất rồi. Chết cũng phải mò tới. Anh đang bận họp. Tí anh gọi lại em.
Giữa bất an, và lo buồn của mùa.... mắc dịch, vẫn có những điều làm người ta vui hơn, an tâm vì dù tình hình có xấu đến đâu đi nữa, vẫn có những tấm lòng. Chẳng hạn ở Severna Park, Maryland, từ vài tuần nay, mỗi ngày vào khoảng 11 giờ sáng ở một góc đường, trên một cái bàn màu trắng, có một số túi giấy màu nâu (lunch bags) để ngay ngắn trên bàn với tấm bảng viết tay khá lớn : "Phần ăn trưa miễn phí cho bất cứ ai cần" .
Ánh nắng chói chang như thiêu đốt nhức cả mắt, cháy cả da thịt, da dẻ ai cũng sạm đen thô ráp, đầu bù tóc rối, môi nút nẻ tứa máu, có vệt đã khô, có vệt mới còn tươi. Mọi người nằm rũ rượi như những tàu lá chuối bị hơ lửa, áo quần nhàu nát, dơ dáy, xốc xếch trông như những hình nhân.
Ôi, Sài Gòn của Ngà, cái Sài Gòn xưa với đủ mọi sắc màu tươi thắm lấm lem, cổ tích với dân dã, ngọt ngào lẫn tủi cực, cái Sài Gòn mà người ta nhất quyết bôi xóa, nó đã mọc lên ở đây, ở cái khe đất người bản xứ không chú ý, như những cây me con con đã nhờ gió thổi hạt bay tứ phương rồi lén lút trồi lên ở bất cứ rãnh đất trống nào, trong khi Sài Gòn ngày nay ở quê nhà lại như những con phố ngoại quốc lòe loẹt cửa hàng thời trang với những tòa nhà chọc trời che hết thổi bay hết các sắc mùi quê hương yêu dấu.
Ba tôi là một sĩ quan truyền tin của quân đội VNCH. Gia đình tôi sống trong Bộ Tổng Tham Mưu, gần sát phi trường Tân Sơn Nhất. Vì sống trong trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu nên ba tôi nói rất nguy hiểm và ba đã xây một cái hầm cho mẹ con tôi trốn đạn. Mẹ nói ba làm rất cực để giữ an toàn cho gia đình. Ba vì công việc nên đi hoài, mẹ ở nhà mỗi khi nghe đạn pháo nổ dắt chúng tôi chạy xuống hầm trốn đạn. Và ngày ấy đạn pháo bay như mưa, tôi còn nhớ cứ lâu lâu nghe tiếng súng bắn và nghe người ta la "chết rồi, máy bay cháy", hoặc "chết rồi, nổ rồi, cháy ..cháy" và trên radio thì cứ nghe bài hát "một cánh tay đưa lên, hàng ngàn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh…. ".
Bài viết “Đánh Trận Là Một Nghệ Thuật” đã được đăng trên “The Journal of Military History” số 68 vào năm 2004. Đây là một quyển báo rất có uy tín của quân đội Hoa Kỳ từ năm 1937, chuyên đăng những bài nghiên cứu có giá trị về lịch sử quân đội của mọi nơi trên thế giới. Dù đã ra đời mười sáu năm, bài viết này có một giá trị lịch sử đặc biệt vì người viết đã tham khảo rất công phu nhiều tài liệu của cả Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Bắc Việt. Bài viết này đã được Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa nhận định là chính xác đến 95%.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.