Hôm nay,  

Bữa nhậu chiều

12/10/202312:05:00(Xem: 3259)
Truyện

bua nhau

May muốn gặp anh em chú bác cô dì một lần. Cũng đã hơn bốn mươi lăm năm, hơn bốn mươi lăm năm anh em thất tán, kẻ xiêu lạc ngõ này, người xiêu lạc ngõ kia. Nghĩa là qua cuộc đổi đời. Ngày đó May còn là một cô nữ sinh mười sáu tuổi, tóc thề thả chấm ngang vai, áo dài trắng thướt tha, ôm tập vở đến trường nữ trung học. Bỗng nhiên, như cuốn phim đang chiếu trong rạp, khán giả đang xem ngon lành, hấp dẫn, bị cắt đứt. Khán giả có la ó phản đối bao nhiêu rồi cũng thôi. May nghỉ học. Và từ đó anh em thất tán nhau. Người ta thường truyền miệng, ngày ấy là "ngày đứt phim".
    Từ đó, người theo bên này, kẻ theo bên kia, giằng xé, nhìn nhau bằng đôi mắt hình viên đạn, dè chừng, coi như không thân thiện, có kẻ còn chơi nhau sát ván. Những ganh ghét, thù oán cá nhân đều được đem ra tung hứng, đến nỗi, anh em, bà con trở nên hận thù, hay ít ra cũng xa cách.
    Có người kể rằng, ngày trước có ông thầy đuổi học một học trò ngỗ nghịch, chọc phá, gây ồn ào, náo loạn trong lớp. Anh ta chòng ghẹo nữ sinh, nói tục, xé ngang tà áo dài trắng của một cô, lộ ra một mảng ngực trắng phau, núm vú đỏ hồng. Cô nữ sinh chỉ biết khóc, co ro trong một xó. Ông thầy tức quá, bèn bợp tai đứa học trò ngỗ nghịch kia và lên văn phòng kể tội hắn với thầy hiệu trưởng. Đề nghị đuổi học. Đứa học trò tức quá, về nhà có dịp móc nối với phía bên kia, liền "nhảy núi".
    Đến ngày đứt phim, hắn trở về với nón tai bèo, khẩu AK, đến nhà ông thầy, kêu thấy ra bắn giữa sân, ông thầy chết miệng còn há hốc, chưa kịp nhận ra đứa học trò cũ, cũng không hiểu mình bị tội gì. Thầy chết, máu loang tung tóe, khiến ai cũng le lưỡi, sợ hãi.
    Nhưng ngày đó, đã qua lâu quá rồi. Mấy ông cậu, ông chú, ông bác "ngày đứt phim" còn trẻ măng, nay đã theo ông bà ông vải gần hết rồi. Chỉ còn đám trẻ loi choi, cuối cùng cũng tụ hội tại Mỹ. Nên May muốn mời mấy anh, chị, em, tới nhà mình chơi, lai rai chút đỉnh với ông xã. Ông chồng May cũng thích "lai rai" nên đồng ý ngay, cái điều May đề nghị.
    – Anh à, anh em bà con chú bác cô dì của em ở đây có khoảng đâu mười người, nhà mình có khu sân sau, chiều mát, em làm chút đồ ăn, kêu mấy người tới chơi, lai rai với anh, nhen.
    Hoạt thì nghe May nói, nghĩ ngay tới mấy chai bia Hein mà từ lâu, May không cho anh uống, nàng vẫn dè chừng, có phần dọa dẫm, anh cẩn thận đó, trong bia đường nhiều lắm, có nguy cơ cao đường đó nghe anh. Nay, nhân dịp này, vừa chìu lòng May, vừa được uống bia thỏa thích, dại gì không đồng ý.
    – Anh OK em à, anh chị em em lâu rồi không gặp, gặp lại ở đây thì vui, em tha hồ tâm sự.
    – Vậy nhe anh. Em sẽ làm bánh cuốn ram quê em để đãi khách, để nhớ lại những ngày nhỏ, bà nội thường làm cho tụi em ăn.
    Bánh ram cuốn là một món ăn dân dã, chỉ có từ Nha Trang trở ra Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tuy gọi là ram, nhưng mỗi nơi có lối làm riêng. Món ram thơm ngon, giòn rụm quấn bánh tráng rau sống, cũng làm nhiều người nhớ về thời thơ ấu ở quê, mẹ thường làm cho ăn. May điện thoại cho những người thân, hẹn, nói với từng người, đúng 4 giờ chiều nghe anh, chị. Giờ này trời đã mát, ngồi ngoài sân nhậu mới vui.
    Bữa tiệc nhậu toàn là anh em chú bác cô cậu dì, những người "ngày đứt phim" mới mười sáu, mười bảy, bây giờ ai cũng đã lên trên hàng sáu, có người đã ngồi sui, có người đã có cháu nội, ngoại. Thời gian qua choáng ngợp cuộc đời.
    Anh Dinh mang đến môt hộp lê Hàn quốc, những trái lê màu vàng ươm. Anh chị Thụy thì đem một thùng táo tàu. Và nhiều anh chị em khác nữa. Riêng anh Duy, chỉ một mình anh tới, không có người đàn bà đi theo, kệ nệ vác thùng bia Hein 24 chai, lên cầu thang lầu 2 của căn nhà. Khi lên tới nơi, khuôn mặt đỏ hồng của Duy đã thấm mồ hôi, thở dốc. Duy là người đến trễ nhất, ai cũng đã ngồi vô bàn, đã tâm sự hỏi thăm sức khỏe nhau, đã cụng gần hết một chai Ken. Thấy Duy mở cửa bước vào, ai cũng đứng bật lên, tiếp đón. May đon đả nhất:
    –  Anh Duy, tìm không ra nhà sao đến trễ vậy anh?
    Duy con ông chú, nhưng lớn tuổi hơn May, nên nàng vẫn gọi là anh. Duy cười, nụ cười của bốn mươi lăm năm về trước. Nụ cười của chàng thanh niên tươi rói hai mươi tuổi.
    – Chào các anh chị. Thật vạn hạnh gặp gỡ anh chị ở đây.
    Anh đến bắt tay từng người, ai anh cũng cầm tay anh thật lâu. Có người lên tiếng nói (kháy):
    – Anh Duy cũng qua Mỹ ha? Nhớ năm xưa, ngày xa lơ xa lắc ấy. Hồi đó anh Duy "cách mạng" dữ lắm mà.
    Duy cười, nụ cười có chút e thẹn, ngượng ngùng. Chàng cố biện hộ cho mình:
    – Chuyện cũ rồi mà! Có một nhà văn Nga đã nói, năm hai mươi tuổi ai không theo cộng sản là người không có quả tim. Năm bốn mươi tuổi, ai còn theo cộng sản là người không có cái đầu.
    Câu nói có vẻ triết lý sâu xa.
    Ai cũng nhớ ngày đó, Duy đã hoạt động rất hăng say trong đoàn thanh niên sinh viên Sài Gòn. Đến ngày đứt phim, anh về quê nhận lãnh một chức vụ trong ban thanh niên quận ủy. Anh hăng say hoạt động, chạy bên này, sang bên kia, kêu gọi, đẩy mạnh mọi công tác, đảng, đoàn. Thế mà nay cũng đã sang Mỹ, cùng chung với những người cùng lứa tuổi anh, đã vượt biên sống chết trên biển đông.
    Khi Duy an tọa xong, ai cũng nghĩ hôm nay là bữa tiệc vui, sum họp gia đình trên hơn bốn mươi bốn năm. Anh em, bên này, bên kia mới gặp nhau, ngày đó, kẻ đỏ, người vàng, người xanh chia cắt, hận thù nhau. Bây giờ thì đã xa lắc rồi, cái chiến thắng sau cùng là sự họp mặt ở Mỹ. Nay ai cũng lên chức nội, ngoại. Nghĩa là đã thành người lớn tuổi, trên dưới hàng sáu, hàng bảy rồi chứ ít gì đâu.
    Mà người lớn tuổi thì phải rộng lượng, bao la.
    Anh Dinh là người có số tuổi lớn nhất trong đám, lại là có vai vế cao, anh là con người bác cả.
    – Dô đi anh em, bốn mươi bốn năm với bao thăng trầm, anh em mình mới gặp nhau, nên vui lên đi chứ! Dô, dô, dô!
    Mấy người đàn bà cũng dô, nhưng dô nước lọc trong chai hay nước cam, còn mấy anh đàn ông thì ai cũng cầm chai Hein lên tu ngon lành, hết ba mươi phần trăm. Lúc qua chai thứ ba, Duy bắt đầu đỏ mặt. Anh giọng trầm ngâm, tâm sự:
    – Kể lại hồi đó, bây giờ em mới thấy mình ngu. Mười tám tuổi, đang là sinh viên mà theo lệnh ông già đem tiếp tế thuốc men, tiền bạc cho phía bên kia ở tận Long An. Ông già đóng sẵn một thùng cạc tông, biểu mang xuống chợ Long An giao cho người phía bên kia, gặp nhau ngoài phía hông chợ, nói mật khẩu rồi giao hàng. Còn có cả xấp tiền đô nữa, trao tay cho bên đó. Nghĩ mà lạnh người.
    Ông già của Duy tức là chú Chín, là chú, là cậu, những người có mặt ở đây. Ông là tay kinh tài cho phía bên kia. Ông đã làm nhiều phi vụ như Duy vừa kể, sai thằng con trai mới lớn tiếp tế tiền bạc, gạo thóc, thuốc men đến tận các tỉnh miền tây. Chuyến đi nào cũng trót lọt. Duy, khi thì đóng vai người nông dân, người xe ôm, người bộ hành, người bán hàng rong... đủ mọi vai diễn, mục đích là tiếp tế thành công. Lúc đó Duy nghĩ cha mình là người giàu lý tưởng, vì mục đích giải phóng dân tộc mà mạo hiểm làm những chuyện phi thường. Không phi thường sao được, nếu chuyện mà đổ bể, sẽ bị tù cả đám, sẽ mọt gông ở Côn Đảo hay ra pháp trường bị xử bắn là cái chắc.
    Nhưng sau này đứt phim, chú Chín mới thấy được phía bên kia. Nó hiện diện trên cuộc sống với những tư thù tư oán. Người bên kia tìm giết, sát hại, đưa đi tập trung cải tạo những người thua cuộc. Và chú cũng bị cho ra rìa vì gia đình có ông cha là người Việt gốc Hoa. Chú không được tin dùng. Những người bà con trong dòng họ, người người lục tục kéo nhau ra khỏi nước, dù có chết. Tại sao vậy cà? Chú suy nghĩ suốt hai mươi năm, đến năm thứ hai mươi mốt chú vượt biên. Chú đem hết con cái qua Mỹ, bỏ hết gia tài ra để đóng một chiếc thuyền ra khơi. Sống ở Mỹ được mười năm thì chú mất.
    Lại tiếp tục cụng ly, lai rai ba sợi. Với anh Dinh, anh Thụy, anh Duy, bia Hein, nói theo thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, 40 chai đồ bỏ. Bây giờ mỗi người đã cạn đến chai thứ sáu, sáu lần bốn hai bốn. Đúng là một thùng Hein Hoạt đã mua, đã dự tính, thế là quá đủ. Nhưng anh đã tính sai. Có thể nói các anh ở đây là "hũ chìm". Mỗi người cưa 6 chai mà thấy tỉnh queo. Hoạt thì khoan thai, yên tâm uống vì anh là chủ nhà, say xỉn thì vào giường nằm ngủ có sao, đâu có lái xe mà sợ cảnh sát hốt.
    Anh thấy nên tiếp tục cuộc vui. Anh ra lấy thùng bia của Duy đem tới. Hoạt đến tủ lạnh lấy đá, bỏ vào một cái sô rồi đem cây gắp đá đến bàn. Những chiếc ly được mang ra, tiếp tục, mỗi người một ly cối. Hoạt nói:
    – Mời quý anh tiếp tục. Còn thùng bia này của anh Duy đem đến, không được lạnh nên mình uống đá. Không say không về.
    Khi đến chai thứ bảy, có lẽ nỗi sợ hãi về lái xe bị cảnh sát chộp, cũng ít đi, các anh em dạn dĩ hơn, coi trời bằng vung hơn, dù ai cũng biết rằng, cảnh sát kêu dừng lại khi đang lái xe, qua máy kiểm nghiệm, nồng độ rượu lên trên số quy định là đời tàn. Nhưng bây giờ đang vô cơ, sá gì phương hướng nữa.
    Bàn tiệc chỉ có Duy là nhỏ tuổi hơn, nhưng anh đã trải qua những thăng trầm, bầm giập của cuộc đời, cuộc sống, từ một thanh niên lớn lên, yêu nước tràn đầy trong hồn. Anh đã qua một đời vợ, với hai đứa con trai, nhưng bây giờ không còn gì, người vợ đã ly dị, trước ly dị giả để qua Mỹ, nay trở thành ly dị thiệt. Người vợ cũ không chịu được sự lọc lừa đó. Chàng ôm nỗi buồn đau vào lòng, gặm nhấm theo tháng ngày, một mình một chợ ở Mỹ. Ngày anh qua, đến phi trường Los, vào phòng vệ sinh rửa mặt, thấy giấy vệ sinh lau, chùi, ê hề, không như ở quê nhà, vào toilet, tìm một miếng giấy không ra, phải mua. Nên anh nhận thức ngay, đây là một nơi đáng sống.
    Chàng uống cho quên đời, hôm nay, chàng là em út, nhưng cuộc đời khuấy động trong Duy nhiều uẩn khúc, nên Duy nói nhiều. Nói cũng là một chia sẻ, để làm vơi đi. Đến chai thứ mười hai thì Duy gục xuống. Anh Dinh, anh Thụy, chị Anh, anh chị Quang, lục tục ra về, còn Duy xỉn tại chỗ. May nói với Hoạt:
    – Anh cứ để anh Duy nằm đây. Chút nữa, em dọn dẹp xong, lái xe chở ảnh về.
    Hoạt cũng trong cơn lơ tơ mơ. Chàng biết chàng không thể lái xe được, nên ậm ừ:
    – Em tính thế cũng được. Em đưa anh Duy về hộ anh.

 

– Trần Yên Hòa

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lơ đảng nhìn mây trời và đèn đường, tôi từ tốn chuyển xe sang tuyến trái để cua. Cha tôi thường nói, “Con phải tập bỏ tính lơ đểnh, nếu không, sẽ có ngày gặp phiền phức.” Nhưng lơ đểnh là nơi nghệ sĩ lang thang, ngẫu hứng tìm thấy những sáng tạo không ngờ. Chợt thoáng trong hộp kính nhìn lui, thấy chiếc xe đen nhỏ bắn lên với tốc độ nguy hiểm, tôi chuyển xe về lại bên phải, sau gáy dựng lên theo tiếng rít bánh xe thắng gấp chà xát mặt đường, trong kính chiếu hậu, một chiếc xe hạng trung màu xám đang chao đảo, trơn trợt, trờ tới, chết rồi, một áp lực kinh khiếp đập vào tâm trí trống rỗng, chỉ còn phản xạ tự động hiện diện. Chợt tiếng cha tôi vang lên: “đạp ga đi luôn.” Chân nhấn xuống, chiếc xe lồng lên, chồm tới như con cọp phóng chụp mồi. Giữa mơ hồ mất kiểm soát, tử sinh tích tắc, tôi thoáng nhận ra trước mặt là thành cây cầu bắt qua sông.
Danh đi làm lúc 5 giờ sáng, ra về lúc 2 giờ trưa, từ sở làm đến đây khoảng 10 phút đường phi thuyền bay. Giờ này vắng khách. Những lúc khác, buôn bán khá bận rộn. Áo quần lót ở đây khắn khít thời trang, từ đồ ngủ may bằng vải lụa trong suốt, nhìn xuyên qua, cho đến hàng bằng kim loại nhẹ, mặc lên giống chiến sĩ thời xưa mang áo giáp nhưng chỉ lên giường. Hầu hết khách hàng đến đây vì Emily và Christopher. Người bàn hàng độc đáo. Họ đẹp, lịch sự, làm việc nhanh nhẹn, không lầm lỗi. Cả hai có trí nhớ phi thường. Không bao giờ quên tên khách. Nhớ tất cả món hàng của mỗi người đã mua. Nhớ luôn ngày sinh nhật và sở thích riêng. Ngoài ra, họ có thể trò chuyện với khách về mọi lãnh vực từ triết lý đến khoa học, từ chính trị đến luật pháp, từ du lịch đến nấu ăn… Khách hàng vô cùng hài lòng
Sau hơn ba mươi năm gắn bó với cuộc sống ở Mỹ, ông Hải và bà Lan quyết định về hưu và bắt đầu một chương mới của cuộc đời. Quyết định này, mặc dù bất ngờ với những người xung quanh, lại xuất phát từ một ước mơ giản dị-sống những ngày cuối đời an nhàn tại quê hương. Hai ông bà đã dành dụm được một khoản lương hưu kha khá, cộng thêm số tiền đầu tư từ kế hoạch lương hưu 401k, đủ để họ cảm thấy có thể an tâm sống thoải mái ở Việt Nam.
Mẹ chị vừa bước qua tuổi 90, cụ đã bắt đầu lẫn, không tự săn sóc mình và không dùng máy móc được nữa. Bố chị mới mất cách đây hai năm và Mẹ chị xuống tinh thần rất nhanh sau khi Bố mất. Bắt đầu là buồn bã, bỏ ăn, thiếu ngủ, sau đi tới trầm cảm. Chị đi làm bán thời gian, giờ còn lại cả ngày chạy xe ngoài đường đưa đón mấy đứa nhỏ, hết trường lớp thì sinh hoạt sau giờ học. Chị không thể luôn ở bên Mẹ. Chị tìm được nhà già cho Mẹ rất gần trường học của con, lại gần nhà nữa, nên ngày nào cũng ghé Mẹ được, Mẹ chị chỉ cần trông thấy chị là cụ yên lòng.
Má ơi! Thế giới vô thường, thay đổi và biến hoại trong từng phút giây nhưng lòng con thương má thì không biến hoại, không thay đổi, không suy hao. Nguyện cầu ngày đêm cho má, hướng phước lành đến cho má. Cầu chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh tăng ba đời mười phương gia hộ má vượt qua đau bệnh để sống an lạc trong những ngày tháng tuổi già bóng xế.
Truyện đầu tiên kể nơi đây là kể về một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca. Khi đó, ngài được gọi là một vị Bồ Tát. Ngày xưa rất là xưa, có hai người thợ săn, là hai vị thủ lĩnh của hai ngôi làng gần nhau. Hai vị trưởng làng đã lập một giao ước rằng nếu con của họ tình cờ khác giới tính, họ sẽ sắp xếp cho hai đứa con này kết hôn với nhau. Đó là một thời phần lớn hôn nhân là do sắp xếp của ba mẹ. Một vị trưởng làng có một cậu con trai được đặt tên là Dukūlakumāra, vì cậu bé được sinh ra trong một tấm vải bọc đẹp; vị trưởng làng kia có một cô con gái tên là Pārikā, vì cô bé được sinh ra ở bên kia con sông. Khi chàng trai và cô gái lớn lên, cha mẹ hai bên đã kết hôn cho hai người con này. Tuy nhiên, chàng trai Dukūlakumāra và cô gái Pārikā đã có nhiều kiếp tu, cùng giữ hạnh trong sạch, cho nên cô dâu và chú rể cùng cam kết bí mật với nhau rằng hai người sẽ ở chung nhà như vợ chồng, sẽ yêu thương nhau như vợ chồng nhưng sẽ không làm mất hạnh trong sạch của nhau.
Rõ ràng thằng bé đã thức. Nhưng khi An bước đến bên giường, mắt cu cậu nhắm tịt lại vờ như đang ngủ. An cù vào nách con : — Giả bộ này. Giả bộ này… / Bin uốn éo người, cười khanh khách. An xốc con dậy, hôn vào đôi má phúng phính: / — Con đánh răng rồi ti sữa cho ngoan nhé. Mẹ đi làm đây. / Bin choàng vòng tay nhỏ xíu quanh cổ mẹ, giọng ngọng nghịu: / — Mẹ ứ đii… / Bà đưa tay đỡ lấy cu Bin: / — Sang đây bà bế. Chiều mẹ lại về với Bin nào. / Chỉ nũng nịu với mẹ chút thôi, chứ Bin rất ngoan. Chưa bao giờ em khóc nhè, vòi vĩnh như những đứa trẻ khác. Sự hiểu chuyện của con, nhiều khi làm An nghe buốt lòng.
Chiếc ghế đá hầu như rất quen thuộc, dù nó cũng như mọi chiếc ghế khác trong công viên. Tháng Sáu. Bầy ve kêu inh ỏi. Chúng vô tư thật! Đoan ngồi xuống. Mấy buổi chiều nay, tan học, Đoan ghé khu vườn rộng lớn này, như một người trở về, cảm giác thật khó tả. Chợt nghe trong đầu vẳng lại lời của một bài thơ:
Cuộc đời trung úy Đỗ Lệnh Dũng, một sĩ quan VNCH, là biểu tượng bi tráng của lòng trung thành, khí phách giữa chiến tranh tàn khốc, và là minh chứng cho nỗi đau kéo dài của những người lính và thương phế binh miền Nam sau cuộc chiến.
Lớn hơn anh Hợp một tuổi, tháng 4 năm 1975, anh Đăng chưa xong năm thứ nhất về Cơ khí ở Phú Thọ, vận nước xoay chiều, ba anh cũng phải đi "học tập cải tạo" như hơn ba trăm ngàn Sĩ quan QLVNCH. Là con trai đầu lòng, anh Đăng bỏ cả ước mơ, bỏ trường về quê, điền vào chỗ trống của người chủ gia đình mà ba anh bỏ lại. Anh sinh viên kính trắng của Phú Thọ bỗng chốc trở thành phụ xe, lơ xe, cũng đổi đời như gần hai chục triệu người dân miền Nam.
Bây giờ trời đã tối, nhiều người đi ngủ sớm. Bọn trẻ học bài dưới bóng ngọn đèn dầu ở ngoại ô, ngọn đèn đường gần bờ sông. Trước hàng rào kẽm gai, một người lính mang súng đi đi lại lại, một đôi tình nhân đi chơi về muộn. Ngọn đèn hỏa châu sáng bừng góc trời một lát rồi tắt. Người yêu quê hương đã đi ra khỏi mảnh đất của những hận thù dai dẳng mà vẫn muốn trở về. Người nông dân muốn cày lại thửa ruộng của mình. Người thợ sửa đồng hồ muốn ngồi lại cái ghế vải nhỏ thấp của mình sau tủ kiếng bày đồng hồ cũ và mới. Lò bánh mì chiếu sáng nhấp nhô bóng những đứa trẻ bán bánh mì đứng trước cửa sổ với bao tải lớn đựng bánh nóng mới ra lò. Con chim về ngủ muộn biến mất trong bụi cây chỗ anh đứng.
Em nằm im lặng nghe đêm thở | Tháng Tư mở đôi mắt trong đêm | Anh ạ, em nghe Tháng Tư khóc | Tháng Tư nhỏ những giọt lệ đen.(tmt)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.