Hôm nay,  

Cơm rắc tóp mỡ

7/1/202308:21:00(View: 3903)
Truyện

rice

Ở Mỹ người ta không ăn mỡ của động vật như heo, bò, gà vịt, vì sợ tăng cholesterol. Nếu ăn mỡ họ ăn bacon, thịt ba chỉ ướp muối. Họ chiên bacon cho giòn, ăn kèm với trứng chiên và bánh mì. Một món điểm tâm rất được nhiều người yêu thích. Tôi thích dùng mỡ nhưng chỉ dùng ở một vài món. Mỡ heo, tôi mua miếng dày, thái hạt lựu, thắng riu riu cho đến khi tóp mỡ héo lại, màu vàng nhạt ngả sang nâu. Tôi vớt tóp mỡ, để riêng ra cho khô và giòn, dùng để kho cá bống. Vì cất nhiều công, nên tôi rất quý tóp mỡ.
    Hai cô khách, nói chuyện với nhau về một người thứ ba. Hai cô này là sinh viên đi du học. Sang đây, túng tiền, các cô đi làm nail, thấy nghề nail dễ kiếm sống, có dư tiền gửi về cho gia đình. Có một thời gian rất nhiều sinh viên mới ra trường tìm không được việc làm tốt, lương thấp. Các cô bỏ học đi làm nghề nail. Thỉnh thoảng các cô đến quán của tôi, sau giờ làm việc. Các cô biết nấu ăn, và thường ăn kiêng để đừng lên cân, do đó tự nấu ăn thay vì đi ăn hàng quán. Các cô đến quán của tôi chỉ để có dịp nói chuyện với nhau sau giờ làm việc. Các cô không ăn gì nhiều. Thường thường, mỗi cô một cái bánh giò, thỉnh thoảng một chai bia. Hay một chén cơm với đĩa cải chua, đôi khi, có cô xin thêm chút nước dưa chua, làm canh. Hoặc yêu cầu tôi nấu mì gói với chút rau cải và vài con tôm. Các cô bảo rằng chỉ muốn ăn cái gì đó có nước, ấm, và ngán các món ăn cầu kỳ. Quán của tôi sống được nhờ những người khách như vậy.
    “Nhỏ Hát. Nó về Việt Nam lấy chồng. Hai người quen nhau từ thuở thanh mai trúc mã.”
    “Năm nay Hát tuổi cũng đã ba mươi sáu. Gần bốn mươi rồi còn gì.”
    “Yêu nhau, chờ nhau, ít ra cũng hơn hai mươi năm.”
    “Tình yêu kiểu ấy bây giờ tưởng như chỉ còn trong cổ tích!”
 
Ông Yên bước vào dẫn theo một người bạn. Ông là biên tập viên của một tờ báo văn học có tiếng ở thành phố này. Ông thường đến quán tôi vào những tối mất ngủ. Ông Yên tính điềm đạm. Có lần ông đăng bài của một nhà văn trẻ đang vất vả với nghề viết và sau đó giúp cậu sinh viên ra mắt một tập truyện ngắn. Ông giới thiệu người bạn.
    “Đây là Bình. Ông là một blogger nổi tiếng chuyên viết phê bình các tiệm ăn.”
    Trước khi gọi món ăn, ông Bình rút từ trong túi ra đôi đũa bằng ngà, phía trên cẩn bạc, gói trong miếng vải nhung, rất trang trọng. Ông Yên gọi tôm lăn bột chiên và bia, cho cả hai người. Trái ngược với sự điềm đạm của ông Yên, ông Bình nói lớn tiếng, cười ha hả, có vẻ như muốn mọi người trong quán chú ý đến ông. Một trong hai cô khách cũng nhận ra ông Bình là blogger nổi tiếng về phê bình món ăn.
    “Tiệm ấy tuy là có tiếng nhưng pizza ở đó tôi nuốt không trôi. Sốt cà họ bỏ cả tấn muối. Bột pizza vừa nhão vừa dầy. Ngay cả ly wine họ dọn kèm không tính tiền cũng không giữ được tôi ngồi lại lâu hơn.”
    Tôi không ưa các nhà phê bình. Nhiều người hay chê bai nhưng chưa chắc họ có thể tự làm ra một món ăn vừa khẩu vị người khác. Nấu ăn cũng giống như viết văn vậy.
    Ông Yên nói điềm tĩnh. “Ông sẽ thấy món ăn ở đây rất vừa miệng.”
    Vừa lúc ấy ông Sinh bước vào. Mũ lưỡi trai, người dong dỏng, ông Sinh mang cây đàn guitar trước ngực. Như thường lệ ông Sinh vừa đàn vừa hát tặng tôi và khách trong quán một bản nhạc. Ông không nhận tiền của khách hàng. Ông nhìn tôi mỉm cười, nói:
    “Như thường lệ, xin chị.”
    Tôi đặt trước mặt ông một chén cơm rắc tóp mỡ. Ông rưới chút nước mắm vào chén cơm.
    Ông Sinh không phải là người đàn hát chuyên nghiệp. Đàn và hát chỉ là thú giải trí của ông. Khi có lời mời ông trình diễn trong các quán rượu vào những giờ quán ít khách, sắp đóng cửa. Ở quán của tôi ông chỉ hát tiếng Việt và chỉ mỗi một bài. Giọng Ca Dĩ Vãng.
    “Ngày xưa, mỗi lần em buông tiếng hát. Thì anh, tay phím nắn nót cung đàn. Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ…”
    Mỗi khi hát, ông Sinh có vẻ mơ màng, như trở về một nơi nào đó trong quá khứ. Một đôi lần, khi ông hát lời ca ngày đó đã xa rồi, mà ai còn chuốc mãi cung đàn vọng về tim tôi thấy ông ngước mặt nhìn lên trần, khóe mắt long lanh.
    Ăn xong, ông Sinh cúi đầu chào mọi người và ra về. Ông Bình nói.
    “Tôi không ngờ quán của bà có món này. Xin bà cho tôi cơm rắc tóp mỡ.” Ông Yên cũng nói. “Tôi nữa.”
    “Món này các ông có thể tự nấu ở nhà mà.” Tôi nói.
    Ông Bình nói như phân bua.
    “Vợ tôi lớn lên ở bên này. Cô ấy chỉ dùng bơ và ít khi dùng nước mắm vì sợ bốc mùi bay khắp nhà. Đôi khi thèm, tôi cho bơ vào cơm nóng và dùng nước tương thay nước mắm.”
    Ông Yên góp lời.
    “Nếu đi ăn ở quán người ta gọi cơm tấm bì sườn chả, chẳng ai đi gọi cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm.”
    Trước khi ra về, ông Bình hỏi thăm về ông Sinh.
    “Ông Sinh chỉ thỉnh thoảng mới đến đây, và nếu đến ông thường đến vào tối thứ Sáu. Ông ấy chỉ đàn và hát vì sở thích. Tôi mời ông ấy đến hát ở đây vì ông ấy hát tiếng Việt.”
    Sau đó, ông Bình đến quán tôi hằng tuần vào tối thứ Sáu. Lần nào ông cũng gọi cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm khiến tôi thầm nghĩ, ăn như ông liệu ông có thật sự biết cách phê bình thức ăn hay không. Ông Sinh bỗng nhiên không đến nữa. Khách đến quán ăn hỏi ông Bình sao không viết bài phê bình về quán của tôi, ông ấy cười bảo rằng: “Tôi biết viết gì về cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm? Và tôi cũng không muốn đến quán mà không tìm được chỗ ngồi.”
 
Mãi đến mấy tháng sau, ông Sinh đến nhưng lần này không mang theo đàn. Bàn tay trái của ông có đeo cái găng tay màu đen. Ông bị tai nạn nghề nghiệp, vài ngón tay bị giập xương, phải bó bột. Ngón tay tuy lành nhưng không còn cử động nhanh nhẹn như xưa cho nên không không thể đàn được nữa. Khi ông từ giã ra về thì ông Bình ngăn lại.
    “Mấy tháng nay tôi cố ý đến đây để nghe ông hát nhưng mãi đến hôm nay mới gặp. Tôi có mang theo cây đàn. Xin ông cho phép tôi đàn theo giọng hát của ông.”
    Ông Sinh nhìn tôi có vẻ như hỏi ý kiến. Tôi gật đầu.
    “Xin anh tự nhiên. Khách ở đây ai cũng thích giọng hát và tiếng đàn của anh.”
    Ông Sinh nhìn ông Bình vẻ ngờ ngợ, nhưng khi ông Sinh hát đến chỗ “Cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai.” thì ông Sinh ngừng lại như chợt nhận ra người quen.
    “Phải Bình không?”
    “Dạ, Bình đây! Em nhận ra thầy từ khi lần đầu tiên em gặp thầy ở đây. Bữa đó thầy hát đến chỗ cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai, cái cách thầy nghiêng đầu, nhướng mắt giống hệt như hổi mấy chục năm về trước thầy đến nhà em dạy đàn. Em cũng nhận ra thầy từ chén cơm rắc tóp mỡ rưới nước mắm. Sau đó em đến đây hằng tuần hy vọng gặp lại thầy mà mãi đến hôm nay mới gặp.” 
    Hai người kéo nhau đến một góc khác châu đầu trò chuyện với nhau.
    “Từ khi ra nước ngoài, tôi làm nghề thợ tiện để kiếm sống, nhưng vẫn đàn hát cho vui. Năm 2000 tôi có về Việt Nam xóm cũ, nhưng gia đình em đã dọn đi. Hỏi trong xóm không ai biết gia đình em dọn đi đâu.” 
    “Em và gia đình đi sau thầy vài tháng. Chỉ riêng chị em còn ở lại Việt Nam. Chị bán căn nhà cũ dọn về quê ở vậy không lấy chồng. Chị thích hát. Ngày xưa chị hay một mình tập đàn và hát bài Giọng Ca Dĩ Vãng. Cứ mỗi lần nghe chị hát đến câu “Lời ca ngày đó đã xa rồi. Mà ai còn chuốt mãi cung đàn vọng về tim” là em thấy chị ấy chảy nước mắt. Gia đình em làm giấy tờ rước chị sang đây ở nhưng chị sang chơi một thời gian rồi trở lại quê nhà. Chị bảo rằng chị thích sống ở Việt Nam hơn. Bây giờ chị vẫn sống độc thân. Chị mở tiệm karaoke để tạo cơ hội cho những người thích hát được hát.”
    “Tôi nhớ mỗi lần sau buổi dạy em học đàn, cô ấy thường mang cơm ra đãi. Cơm chỉ có tóp mỡ rưới chút nước mắm mà sao ngon lạ lùng.” Ông Sinh nói.
    Món ăn ngon nhất là món ăn trong trí nhớ. Tôi thầm nghĩ.
    Tôi nhìn ông Sinh. “Anh đã hát một bài hát chất chứa kỷ niệm về cô ấy mấy chục năm nay. Có lẽ đã đến lúc về quê thăm người cũ.”
    Một thời gian sau, ông Sinh đến. Cùng đi với ông là người chị của ông Bình. Sau cuộc đổi đời, người đánh đàn năm xưa không còn cơ hội trở thành nhà nghệ sĩ, nhưng may mắn thay cô gái năm xưa không làm dâu người ta. Ông Bình cho biết sẽ về Việt Nam giúp vợ chăm sóc quán cà phê có karaoke. Tôi nhớ đến lời của hai cô khách hôm nào. Một tình yêu tưởng như chỉ có trong cổ tích.
 

– Nhị Ngã

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Đêm Rằm tháng Tư, chùa Châu Lâm lung linh trong muôn ngàn ngọn nến, hoa toả hương, mùi trầm thoang thoảng… tượng bổn sư ngồi an nhiên tự tại dưới cội bồ đề. Một cảnh tượng khiến nhiều người liên tưởng đến một thời pháp hội ở tịnh xá Kỳ Hoàn. Năm ấy, khi Thế Tôn còn tại thế, tịnh xá Kỳ Hoàn có pháp hội lớn. Vương tôn công tử và bá tánh nô nức cúng dường hương thơm và đèn. Có một bà lão ăn mày vét hết túi chỉ được đồng bạc, bà mua đèn và ít dầu đem đến cúng dường Phật. Khi đêm về khuya, các vị tăng đi tắt đèn, bao nhiêu ngọn đều tắt hết, duy chỉ có một ngọn đèn không sao tắt được, có vị vận thần thông mà cũng không tắt được, càng quạt thì càng sáng hơn. Các vị tăng bèn vào thưa với Phật, Phật bảo "Đó là cây đèn cúng dường của bà lão ăn mày, đó là ngọn tâm đăng, các ông không thể dập tắt, không có ai có thể làm tắt được."
Tôi đến tiển đưa Anh vào buổi chiều hoen nắng. Trời Chicago đang độ vào thu đượm màu vàng úa của lá và mây trời ẩm đục. Gió se lạnh. Giờ này anh đã an vị. Anh bình thản nằm trong quan tài sau bao nhiêu năm chiến đấu cho Tự do Dân chủ. Anh đã đi qua thời khói lửa như một người lính chiến trong màu áo trận. Anh đã bắt đầu thời hòa bình hơn 12 năm trong lao tù cải tạo của Chuyên Chính Vô Sản: từ khám lớn Chí Hòa đến Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Sơn La, Lý Bá Sơ, Nghệ Tĩnh…Không có vùng đất gian khổ nào của quê hương,của tổ quốc thiếu dấu chân anh. Không có thời điểm nào nguy biến cũng như vinh quang của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa mà anh không cùng anh em chia sẻ.
Bầu trời đen kịt, từng lằn chớp loé lên chằng chịt rạch nát không gian, những tia chớp xanh lè bén như lưỡi đao truỷ thủ mà laị nóng kinh hồn, hễ phóng đụng vật gì thì vật ấy cháy và nát ra. Sấm đì đùng động đến tận đường địa ngục, sấm bổ tan cả đá, đánh vỡ những gì cản đường của nó. Gió giật từng hồi, thổi tung tất cả những vật trên đường đi, cả đất trời như tận thế. Các vị thiên sợ sệt, khép thân không dám nói lời nào.
Qua khung kính cửa sổ phi cơ, Hạnh thấy những ánh đèn ly ty lùi lại trong bóng đêm. Khoảng không gian giữa những chấm sáng ly ty đó và chiếc Boeing đồ sộ này có lẽ xa lắm; nhưng Hạnh tưởng như nàng thấy rõ những con đường mòn len lõi trong rừng thông, từng làn sóng òa vỡ lao xao trên ghềnh đá và những bệ xi-măng vỡ vụn của một phi trường bỏ hoang. Phi trường đó mang tên Orote Point. Cái tên lạ, vô nghĩa như khoảng thời gian dài vô vị trong căn lều vải, trên những chiếc ghế bố nhà binh.
Khi em đưa cái Thẻ Kiểm Tra, mình chưa đọc tên đã biết ngay là em. Nhưng mình cứ làm tỉnh ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Em thì tình thiệt không biết mình. Nhớ hồi nhỏ hai đứa cũng quyến luyến nhau, dầu chưa tới mười tuổi. Em hay giận hờn
Điện thoại rung, tôi coi thấy Dũng gọi. Biết Dũng chưa bao giờ đi làm sở, sẽ gọi lại nhiều lần nếu không được trả lời nên tôi khẽ đứng dậy bước ra phòng họp gọi bấm phône hỏi: - Có chuyện gì không Dũng? - Chiều nay anh có rảnh không? Tới em. Em làm vài món, mình làm lai rai vài lon. Thứ hai nhà hàng em đóng cửa. - Được ông chủ nhà hàng nấu là nhất rồi. Chết cũng phải mò tới. Anh đang bận họp. Tí anh gọi lại em.
Giữa bất an, và lo buồn của mùa.... mắc dịch, vẫn có những điều làm người ta vui hơn, an tâm vì dù tình hình có xấu đến đâu đi nữa, vẫn có những tấm lòng. Chẳng hạn ở Severna Park, Maryland, từ vài tuần nay, mỗi ngày vào khoảng 11 giờ sáng ở một góc đường, trên một cái bàn màu trắng, có một số túi giấy màu nâu (lunch bags) để ngay ngắn trên bàn với tấm bảng viết tay khá lớn : "Phần ăn trưa miễn phí cho bất cứ ai cần" .
Ánh nắng chói chang như thiêu đốt nhức cả mắt, cháy cả da thịt, da dẻ ai cũng sạm đen thô ráp, đầu bù tóc rối, môi nút nẻ tứa máu, có vệt đã khô, có vệt mới còn tươi. Mọi người nằm rũ rượi như những tàu lá chuối bị hơ lửa, áo quần nhàu nát, dơ dáy, xốc xếch trông như những hình nhân.
Ôi, Sài Gòn của Ngà, cái Sài Gòn xưa với đủ mọi sắc màu tươi thắm lấm lem, cổ tích với dân dã, ngọt ngào lẫn tủi cực, cái Sài Gòn mà người ta nhất quyết bôi xóa, nó đã mọc lên ở đây, ở cái khe đất người bản xứ không chú ý, như những cây me con con đã nhờ gió thổi hạt bay tứ phương rồi lén lút trồi lên ở bất cứ rãnh đất trống nào, trong khi Sài Gòn ngày nay ở quê nhà lại như những con phố ngoại quốc lòe loẹt cửa hàng thời trang với những tòa nhà chọc trời che hết thổi bay hết các sắc mùi quê hương yêu dấu.
Ba tôi là một sĩ quan truyền tin của quân đội VNCH. Gia đình tôi sống trong Bộ Tổng Tham Mưu, gần sát phi trường Tân Sơn Nhất. Vì sống trong trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu nên ba tôi nói rất nguy hiểm và ba đã xây một cái hầm cho mẹ con tôi trốn đạn. Mẹ nói ba làm rất cực để giữ an toàn cho gia đình. Ba vì công việc nên đi hoài, mẹ ở nhà mỗi khi nghe đạn pháo nổ dắt chúng tôi chạy xuống hầm trốn đạn. Và ngày ấy đạn pháo bay như mưa, tôi còn nhớ cứ lâu lâu nghe tiếng súng bắn và nghe người ta la "chết rồi, máy bay cháy", hoặc "chết rồi, nổ rồi, cháy ..cháy" và trên radio thì cứ nghe bài hát "một cánh tay đưa lên, hàng ngàn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh…. ".
Bài viết “Đánh Trận Là Một Nghệ Thuật” đã được đăng trên “The Journal of Military History” số 68 vào năm 2004. Đây là một quyển báo rất có uy tín của quân đội Hoa Kỳ từ năm 1937, chuyên đăng những bài nghiên cứu có giá trị về lịch sử quân đội của mọi nơi trên thế giới. Dù đã ra đời mười sáu năm, bài viết này có một giá trị lịch sử đặc biệt vì người viết đã tham khảo rất công phu nhiều tài liệu của cả Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và Bắc Việt. Bài viết này đã được Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa nhận định là chính xác đến 95%.
Máu đã đổ suốt từ thời chiến tranh cho tới lúc hòa bình 45 năm nay, những giọt máu của người dân trong nước khao khát nền Tự Do Dân Chủ vẫn còn chảy trong nhà tù với những bản án khắc nghiệt dành cho họ và những người đã chết đều có thật. Rất thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.