Hôm nay,  

Ân tình trong đời

10/11/202216:05:00(View: 3360)
Tản mạn

hoa-sống-đời


Sáng nay thức dậy choàng thêm áo

Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh

Huyền Không

 

Vũ trụ trước mắt vẫn mới tinh y như vũ trụ những mùa xuân trước, y như vũ trụ những mùa xuân sau. Đọc hai câu thơ của Thầy Huyền Không khiến tôi miên man nghĩ tới tình cảm của con người trong bao thế hệ cũng vậy. Có những ân tình mà biết bao giờ trả cho xong? Tình Ông Bà, Tình Cha Mẹ, Tình Vợ Chồng,  Tình Bạn, và bao thứ tình khác nữa.

 

Sức khỏe rất yếu kém xin viết để hồi tưởng lại kỷ niệm xa xưa nhất là để xin cảm tạ Ân Tình của những người đã cho Nhà Tôi, Anh Phạm Cao Dương và tôi trong bao năm qua, tuy biết rằng không, không  bút mực nào diễn tả được, hết được. Quãng đường dài 60 năm, làm  sao có thể kể hết nhưng xin viết chừng nào hay chừng đó trước khi không có thể. Xin tạ ơn những thầy cô giáo cũng như các bạn từ tiểu học đến đại học đã tạo cho tôi kiến thức cũng như con người của tôi. Viết đến đây tôi ngậm ngùi nghĩ tới mấy câu thơ của Tô Thùy Yên;

 

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta

 

Tuần trước, thật cảm động nhìn Anh VHĐ người bạn thuở học thời Trường Chu Văn An 70 năm trước. Tuy tuổi đời đã xa tuổi 80, người nhỏ nhắn đến lái xe cho tôi đi thăm bác sĩ ở hơi xa. Anh ân cần nắm tay Nhà Tôi để chắc chắn bạn mình không bị té ngã. Hai người bạn già mái đầu bạc phơ đi cạnh nhau. Tôi nghe Anh lầm bầm: Phạm Cao Dương B4!

 

Nhiều bạn của Nhà Tôi đã bỏ ra đi vào vùng miên viễn. Ban Sử Địa Khóa I của Trường Đại Học Sư Phạm Saigon chỉ còn có Anh NĐPhong bên Montréal, Canada. Anh Phong là Nhà Giáo rất mẫu mực, rất chân tình. Cùng trong khóa I Anh Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Đình Tiếu, Lâm Thanh Liêm, những Nhà Giáo Sử Địa thời Việt Nam Cộng Hoà,  các Anh có công rất lớn với sự phát triển của hai môn học Sử và Điạ đã vĩnh viễn rời bỏ môn sinh, phấn bảng để lại bao tiếc thương cho những người ở lại. Anh Phạm Đình Tiếu người lúc nào cũng bảo vệ chúng tôi, ngay cả khi sang Pháp thăm Anh, Anh bảo chúng tôi phải đi cạnh Anh vì kẻ gian nghĩ Anh Á Châu, to lớn, có võ do đó sẽ không làm gì, Anh Tiếu cũng âm thầm ra đi năm 1992 tại Paris, Pháp. Anh Nguyễn Khắc Ngữ người đưa Nhà Tôi vào con đường viết lách cũng rất bảo vệ vợ chồng Phạm Cao Dương, Anh Ngữ khi sinh thời thường cùng chúng tôi chiều 30 Tết đến tụ họp ở trụ sở Báo Trình Bày.  Anh Ngữ cũng ra đi năm 1992 tại Montréal, Canada. Anh Lâm Thanh Liêm, người mà chúng tôi thương mến gọi là Cậu Sáu cũng ra đi năm 2020 tại Paris, Pháp. Viết đến đây nước mắt lưng tròng, tôi chắc các Anh đã gặp lại nhau nơi xa xăm nào đó, nơi mà ai cũng đến sau khi rời cõi tạm này.  

 

Có lẽ rất nhiều người vẩn còn nhớ Đại Học Xá Minh Mạng và Trần Quý Cáp là nơi cư trú cho các sinh viên ở xa thời trước 30 Tháng Tư, 1975. Tuy rất bận rộn việc giảng dạy, viết lách Nhà Tôi nhận kiêm nhiệm làm Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng - Trần Quý Cáp vì quý nể  bạn học, Giáo Sư Lâm Thanh Liêm, Tổng Thư Ký Viện Đại Học Saigon. Tôi cũng xin tạ ơn ông gác dan tại Đại Học Xá Minh Mạng,  luôn đi theo sau Nhà Tôi, ý muốn bảo vệ Nhà Tôi  mỗi khi Anh đi quan sát trong Đại Học Xá Minh Mạng. Để nhắc lại kỷ niệm với Đại Học Xá Minh Mạng,  xin mạn phép chép email ngắn  trao đổi với nhà Giáo Trần Bang Thạch, WebMaster của Trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm khi Ông viết về Đại Học Xá Minh Mạng hồi đầu năm.

 

“Kính Anh Sơn

 

Thật vui khi nhận được email của anh. Dễ chừng hơn 50 năm ít thấy ai nhắc tới ĐHX/MM dù cư dân ở đó trong nhiều năm rất là đông, cả ngàn. Tôi ở đó từ 65 đến giữa 70, dãy 3. Dọn lên lầu 2 vài tháng là rời SG. Anh nhắc anh Sơn, tôi nhớ ngay: anh không cao, hơi đen, chơi bóng chuyền giỏi. Còn có anh Đinh Văn Thạnh (cũng đen, cũng Lý hóa/ĐHSP, hiện ở Houston TX, cùng ra trường năm 70 với tôi). Nhắc thêm để anh nhớ lại luôn: Có 1 anh đẹp trai mà tánh tình hơi mát, được gọi là triết gia. Còn có 1 "sử gia" cũng hơi gàn, là SV Bắc vượt vĩ tuyến 17. Thời tôi có SV/ĐHSP tên Trần Văn Chi (hiện ở CA), làm Đại diện SV/ĐHX. Chắc anh nhớ mỗi phần ăn là 5 đồng, mỗi bàn 4 người. Mỗi thứ năm đều có 2 chai bia con cọp cho 1 bàn. Mỗi sáng có ông già Bắc nhỏ người đi từng dãy rao phở. Thời đó có chút tiền thì ăn phở Hồng Long (góc NgTri Phương-Trần Hoàng Quân, gần cư xá nữ sinh Sao Mai). Có dư tiền thì tối ra đường NgTri Phương góc Bà Hạt ngồi bên đường ăn nghêu uống bia. Nhắc hoài không hết đâu. Chắc có dịp mình nhắc thêm. 

 

Thân chúc bình an

 

TBT

 

Thưa,

Đã từng là một cư dân của Đại Học Xá Minh Mạng từ năm 1967 đến 1970 ( dãy 4 phòng 10 ) chúng tôi đã được tận hưởng tương đối đầy đủ phương tiện sinh sống của thời Sinh Viên tại Đại Học Xá này.

 

Trung Úy Nam là trưởng ban an ninh lo phần trật tự, giải quyết các vần đề sinh hoạt nội bộ về phương diện an ninh trong ĐHX.

 

Một số cải tổ chính trong suốt thời gian này đã giúp cho Sinh Viên có nơi ăn, chốn ngủ và vệ sinh cá nhân tương đối hoàn hão nhất lúc bấy giờ, so với các sinh viên cư ngu ở các nơi khác, đó là:

 

– Không trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước. Chỉ trả tiền ăn căn bản, rất vừa túi tiền của SV.

 

– Phòng ốc rộng rãi ( 10 SV một phòng. Có divan để ngủ, và một bàn nhỏ để viết lách...) nhất là sau khi xây thêm hai dãy nhà lầu ở phía sau;

 

– Phòng tắm và phòng vệ sinh nằm cuối dãy nhà rất tiện nghi ở vào thời điểm đó (nửa thế kỷ trước mà có nhà tấm, cầu tiêu rộng rãi… đâu phải nơi nào cũng có dành cho Sinh Viên từ các tỉnh về Thủ Đô  theo việc bút nghiêng!)

 

– Có sân bòng chuyền, phòng Bóng Bàn và nhất là có một phòng dành riêng cho môn phái VoViNam, với các huấn luyện viên như Võ Thanh Nhàn, Bình... Võ Sư Trần Quý Phong, Đệ Nhị đẳng Hồng Đai cũng là cư dân của Đại học Xá Minh Mạng. Về môn bóng chuyền, chắc chắn các cư dân của ĐHX Minh Mạng  không thể nào không nhớ đến  cầu thủ bóng chuyền nỗi danh Sơn Super. (Trương Sơn, dân Xóm Mới Nha Trang, SV Khoa Lý Hóa  Đại Học Sư Phạm SG). 

 

– Phòng ăn tập thể được sửa sang từ phòng ốc cho đến nhân viên phục vụ, rất đầy đủ. Mỗi phần ăn, 4 Sinh Viên. 

 

– Ban Điều Hành Đại học Xá được SV cư dân bầu chọn trong mỗi 3 năm. Vào thời điểm tôi sinh sống, Nhóm SV dân Kiến Hòa giữ nhiệm vụ Điều Hành cư xá.

Nhìn chung, trong vai trò Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng, Giáo Sư Phạm Cao Dương đã đem lại một cuộc sống tương đối sung túc cho Sinh Viên lúc bấy giờ.

 

Trần Hữu Sơn (Cư dân ĐHX Minh Mạng 1967 - 1970, khu SV Nha trang - Khánh Hòa ).

 

Kính gởi Ông Trn Bang Thạch,

 

Xin cảm ơn Ông đã nhắc lại thời mọi người tóc còn xanh, nghị lực tràn đầy của hơn năm thập niên trước.

 

Là một gíáo sư đại học trẻ đầy nhiệt huyết, với tinh thần phục vụ vô vị lợi  cho công bằng xã hội, Ông Phạm Cao Dương đã nhận lời Bác Sĩ Trần Quang Đệ, Viện Trưởng Viện Đại Học Saigon  để kiêm nhiệm thêm chức Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng- Trần Quý Cáp, hy vọng có thể làm tốt đẹp hơn cho sinh viên tuổi trẻ và có thể "làm sạch sẽ" những tệ hại trong Đại Học Xá, thưa Ông.

 

Khi mời các vị cư ngụ trong Đại Học Xá dọn ra khòi đó để có thể dọn dẹp, để xây cất dẫy lầu hai tầng phía sau hầu có thể giúp cho các sinh viên xa nhà có chổ ở, Ông Dương đã  gặp rất nhiều chống đối, đe dọa gay cấn của một số "cây cổ thụ " đã từng  cư ngụ ở tại Đại Học Xá Minh Mạng nhiều năm. 

 

Sau khi trải qua khó nhọc, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ thì Ông Dương đã được giải nhiệm nhờ có bức tâm thư của gia đình.

Khánh Vân

 

Nhà Giáo Trần Thế Đức, Úc Châu:

Kính thưa Thầy Cô,

 

Gần đây, em mới biết thêm một đức tính cao đẹp của Thầy: cương quyết, dám làm, dám gánh lấy trách nhiệm nặng nề.

 

Thưa Thầy Cô,

 

Dù bận rộn dậy biết bao sinh viên từ nam đến bắc, Thầy vẫn gồng mình nhận trách nhiệm Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng. Từ thời em còn đi học, ai cũng biết đây là một khu phức tạp, biết bao thế lực nằm trong đó (kể cả Việt Cộng nắm vùng), sẵn sàng chống đối những ai dám đụng đến giang sơn của họ. Vậy mà Thầy đã "gan cùng mình" dám đụng vào ổ kiến lửa và Thầy đã thành công: đem lại bình yên cho sinh viên nghèo ham học. Đây là thành công lớn của Thầy ngoài việc giảng dậy sinh viên tại các giảng đường đại học. Em nghĩ công việc "bình định" và "xây dựng" của Thầy không ngoài mục đích "đem lại lợi ích thiết thực cho sinh viên nghèo hiếu học".

 

Thầy không ngại khó khăn, dám đương đầu với những thách đố phức tạp.


Kính mong Thầy sức khỏe tốt để sống với con cháu, học trò và dân tộc Việt của Siêu Quốc Gia Việt Nam.

 

Đức

 

Đã vào Thu, trời bắt đầu trở lạnh ban đêm, không ngủ được tôi viết trong xúc động nghĩ tới tình cảm Quý Anh Chị cho Nhà Tôi và xin kể vài việc như Anh Đạt, cựu học sinh Trường Võ Trường Toản gọi đến và muốn mỗi cuối tuần sẽ lại bấm huyệt  chân của Nhà Tôi, Anh Đạt cũng đã qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng luôn nghĩ tới và biếu những dụng cụ tốt cho sức khỏe Nhà Tôi, cũng như mỗi khi gặp Anh Phan Hồng Long,  Hội Trưởng Hội Ái Hữu Đại Học Vạn Hạnh, Anh thường nhắc tới mấy câu Nhà Tôi viết “Cho Khánh Vân. Em đã lê lết nhiều tuần lễ trong bệnh viện để chăm sóc cho tôi  trong tác phẩm của Nhà Tôi, “ Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, Bảo Đại -Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam”. Xin cảm ơn Anh thật nhiều.


Tôi biết không có đủ chữ đễ diễn tả lòng thâm cảm tình thương yêu của Quý Anh Chị  dành cho Ông Dương. Có một điều tôi có thể nói là chính nhờ sự ân cần chăm sóc của Quý Anh Chị những người đã ngồi chung trong các giảng đường cùng nhà tôi trong Võ Trường Toản, Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Huế, CSULong Beach, UCI, UCLA   đã cho Ông ấy nghị lực, cũng như niềm hạnh phúc vô biên tối cần trong lúc sức khoẻ suy kém này. Những tấm thiệp, điện thoại, điện thư,  text thăm hỏi, quà tặng từ những nơi thật xa xôi đến những mớ rau, thức ăn, phở gà, rượu nếp, bánh ngọt... để trước cửa nhà.  Ngoài ra lại còn có trái cây tượng trưng "vừa đù xàì" để cúng ngày TẾT, thật chả thiếu thứ nào.

 

Những bát phở gà, mướp đắng nhồi thịt do  "Ông học trò già Đoàn Đ.Tâm, cựu Trường Võ Trường Toản" tự tay nấu nướng đem lại. Thật đau buồn khi nghe Anh Tâm chia sẻ về tai nạn thảm khốc xẩy ra cho thân mẫu của Anh ngày 29/4/1975 khiến Anh Tâm thành mồ côi Mẹ.  khi Anh còn đang du học tại Hoa Kỳ. Bây giờ gia đình Anh Em đều thành công nên người thì không còn Mẹ nữa để báo đáp!

 

Hơn 45 năm trước chúng tôi cũng ngậm ngùi nuốt nước mắt chia sẻ sự ra đi vĩnh viễn trên đường vượt biên của thân mẫu của Anh Ng.Tr. Hy, Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Saigon.

 

Cũng xin kể Anh Chị Trần Đ. Nghĩa cựu Võ Trường Toản ân cần tỉ mỉ chăm sóc chúng tôi như mua tặng  pulse oximeter vì biết tôi hay bị khó thở, mua cả shoehorn cho Nhà Tôi dễ đi giầy.

 

Ông Dương cũng thường trầm ngâm kể cho tôi nghe về dĩ vãng về tuổi thơ tuổi trẻ cực nhọc, luôn luôn phải sống còn, để ngoi lên.

 Anh kể về thời tản cư, bốn năm thất học, về lần cuối cùng Anh được gặp “Thày” khi đó Anh chưa tới tuổi lên mười.

 

 “Thày” Anh, vốn là một nhà giáo, một Đại Biểu Quốc Hội 1946 đã bị Việt Minh bắt và bị thủ tiêu không biết ngày nào và ở đâu.

 

Ông Dương không  bao giờ có một ngày giỗ cha!

 

Thế hệ của chúng mình chịu nhiều đau thương oan trái quá, thưa Quý Anh Chị.

 

Ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quý Anh Cựu Hội Trưởng Trần Bình Chánh và cũng là Cựu sinh viên Đại Học Vạn Hạnh  đại diện Trường Trung Học Võ Trường Toản Saigon đến tặng cho Thày Giáo Già Phạm Cao Dương tấm plaque thật nhiều ý nghĩa.

 

kv 1 

Xin nhắc lại Võ Trường Toản là nhiệm sở toàn thời gian  đầu tiên của Ông Dương và Đại Học Sư Phạm Saigon là nhiệm sở toàn thời gian cuối cùng trước Biến Cố 30/4/1975. Sáu thập niên đã qua nhưng tôi biết trong tâm tư của Nhà Tôi lúc nào cũng hết lòng trân quý các kỷ niệm ở Trường Võ Trường Toản. "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy"... bao kỷ niệm khi tóc còn xanh, nghị lực còn tràn đầy.

 

Ngày 9/16/2022 Quý Anh Chị trong Ban Điều Hành của Hội Ái Hữu Đại Học Vạn Hạnh đã lại thăm và Quý Anh Chị đưa đón chúng tôi đi ăn tiệm, Anh Chị Trần Bình Chánh - Trang Thuý đã đặt những món ăn thật lạ, thật ngon. Thật là hạnh phúc!

 

Sáu chục năm trôi nổi cùng nhau, bao nhiêu người đã đi qua trong cuộc đời, làm sao có thể viết hết, kể hết được...cá nhân tôi xin thâm cảm đa tạ vị Bác Sĩ giải phẫu TXN, Anh của cô bạn tuổi thơ của tôi, luôn săn sóc chữa bịnh cho gia đình chúng tôi bao năm cũng như  Cô bạn từ thuở học trò tên Đ T Thảo tuổi đã quá xa thất thập cổ lai hy, vẫn cặm cụi đan áo len, khăn len màu tím cho tôi vì biết tôi rất yêu màu tím.

 

Thật không biết dùng sao cho đủ chữ để viết đa tạ tình thương yêu của Quý Anh Chị cho Nhà Tôi. 

 

Những Ân tình này chúng tôi xin mãi mãi ghi sâu trong tâm!

 

Khánh-Vân

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Buổi sáng định mệnh đó, thầy giáo lớp 5 của Max, nhận được một cú điện thoại. Max còn nhớ khuôn mặt thầy tái đi sau cú điện thoại đó, Thầy bảo Max thu dọn cặp sách lên ngay văn phòng của trường. Max kinh ngạc nhưng vâng lời Thầy thu xếp ra về. Ở cửa văn phòng, Mẹ của Max đứng đó, khuôn mặt nhợt nhạt, thất thần còn hơn cả Thầy giáo. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có ai đó nói với Max "chúng tôi rất tiếc, ba của bạn đã qua đời", người đàn ông 30 tuổi đã buồn bã trả lời "Không, ông bị giết chết bởi không tặc."
Mọi người như muốn cướp thời gian để vui sống. Họ không chịu ngồi yên nhìn thời gian trôi nhanh vuột khỏi tầm tay. Las Vegas là nơi họ thích đến để “hành lạc” mỗi năm một lần, hay vài ba lần (Có thể họ còn đến những nơi khác để chen vào những kẽ hở của một năm cặm cụi làm việc). Thế nhưng đại dịch đã ngang nhiên xía vào cuộc sống của họ. Nay “xả cảng”, thì họ phải vội vàng “đến bù”.
Một con cú to lớn màu trắng, đột nhiên quay đầu nhìn Steven, đôi mắt nó tròn đen như hai hột nhãn, cứ như ai đó gắn vào cái mặt bẹt của nó, cái nhìn lạnh tanh mà xoáy vào lòng người ta. Steven nổi da gà, nỗi sợ bắt đầu len lỏi từng tế bào, luồng sóng lạnh lan tỏa từ thần kinh trung ương đi khắp thân. Steven thoáng nghĩ: ”Con cú nhồi bông không thể cử động được? mình đã nhìn nó bao nhiêu năm nay rồi cơ mà”.
Buổi chiều mưa rây rây. Thành phố lạ. Nhà hàng có cái tên quen. Chúng tôi vào, náo nức gọi món ăn. Sau gần một tuần lễ rong ruổi núi đá chênh vênh, với thác nước tung bọt trắng, với mặt hồ biếc xanh, với vô vàn những con dốc cheo leo, chúng tôi về thành phố. Cả tuần lễ ăn toàn đồ Tây, hôm nay ai cũng thèm món Á châu. Vừa ngồi vào ghế, âm thanh nhốn nháo đã kéo tôi ngước nhìn màn hình ti vi trước mặt. Khung cảnh quen thuộc từ ký ức nào đó bỗng dưng chói lòa. Lũ người chen chúc nhau bu quanh chiếc máy bay khổng lồ đang lăn bánh trên phi đạo. Mắt tôi dán lên màn hình. Ngực tôi thắt lại. Tôi không dám nhìn. Tôi nhắm mắt. Tôi cố không nghe. Nhưng hình ảnh và những âm thanh ấy vẫn còn. Thật rõ nét. Dù tôi chỉ tình cờ bắt gặp.
Bà Tám Niệm chết hai ngày rồi, nhà chưa lo được đủ bộ ván hòm. Thằng con Út ở nông trường về chiều hôm qua đã không biết làm gì để tiếp giúp mọi người, chỉ ngồi đầu giường mà khóc. Đầu hôm, có người này người nọ, đi ra đi vô cũng đỡ trống lạnh. Khuya lại, âm u thấy mà ghê. Nhà ngoài còn hai người, ông Xã Miễng và thằng Cu Ngọng ngồi đánh cờ tướng. Cái chái lợp bằng tàu dừa, không có vách vừng, gió thổi u u mà bốn năm đứa nhỏ nằm trên bàn ngủ ngon lành.
Ánh trăng bàng bạc phủ khắp sơn hà, gió thổi qua tàng lá cây quanh vùng làm cho ánh sáng loang loáng rơi trên mặt đất, tạo ra những mảng sáng tối xen kẽ nhau. Dòng ánh sáng chảy từ đỉnh Stone Mountain xuống trông cứ như những dòng sữa từ biển Hương Thủy. Stone Mountain không phải là núi lớn, nó chỉ là một hòn đá liền khối khổng lồ. Người ta ước tính nó đã hai trăm năm mươi triệu tuổi rồi. Nó đã chứng kiến biết bao dâu bể của xứ sở này. Đêm nay cũng như hàng vạn đêm trăng khác, lặng lẽ, tịch mịch đến vô cùng. Chợt có tiếng chuông từ đâu đó ngân lên, làn sóng âm thanh lan tỏa khắp đất trời. Dòng ánh sáng của trăng chảy từ trên xuống hòa vào dòng âm thanh bay lên lay động cả ngân hà. Tiếng chuông loang như những vòng sóng âm tan vào không gian cả một vùng ngoại thành đang yên ả ngủ. Thằng Jeffrey lẩm bẩm: - Quái lạ nhỉ? Giờ này sao lại có tiếng chuông? Mà tiếng chuông cũng không ngân nga thánh thót như chuông nhà thờ của cha xứ Jame Winston. Tiếng chuông này thỉnh thoảng
Hạnh phúc không phải chỉ được nhìn thấy ở những gì tốt đẹp sẵn có, hanh phúc còn được tìm thấy khi ta chuyển hóa những điều tệ hại đến với ta, thành những điều tốt đẹp. Tư duy về cuộc sống không phải là làm sao sống qua cơn bão tố, mà làm sao ta vẫn thấy được hanh phúc ngay cả khi ta đi dưới cơn mưa rào...
Chợ hoa Bà Kiều im ắng lặng ngắt không một bóng người, những sạp hàng trơ trọi sầu, không một cánh hoa rơi, đến cả một tiếng vo ve của ruồi nhặng cũng không. Ngày thường chợ rất sầm uất, nhộn nhịp, mọi người nhóm chợ từ hai giờ sáng, kẻ bán người mua tấp nập. Hoa từ Đà Lạt xuống, từ miền tây lên, miền trung vào, hoa ngoại từ phi trường đến để rồi từ đây hoa được các mối sỉ chia lẻ cho các mối nhỏ hơn và tỏa đi khắp các quận nội thành, ngoại thành và cả các tỉnh gần xa. Lệnh phong tỏa đã giết chết chợ hoa, mà nào chỉ chợ hoa, tất cả các chợ lớn nhỏ đều bị đóng cửa cả. Chị Hai Thương thốt lên giọng đầy chán nản: - Đóng cửa kiểu này chắc ăn cám heo mà sống. Anh hai Thành, chồng chị cười méo xẹo: - Có cám ăn đã là phước! Không chừng cạp đất mà ăn. Chị Hai vẫn rền rĩ: - Đã mấy tháng nay cà giựt cà thọt, làm ăn bết bát, ai còn lòng dạ nào mà chưng hoa nhưng dù sao cũng còn sống lất lây, giờ cấm chợ ngăn sông thì chết chắc! Mình chết, nhà vườn cũng chết, họ cò
Sau thời công phu khuya vào sáng ngày 16 tháng 8 năm 2021, Thầy trò, Ông cháu chúng tôi lạy Tổ để chuẩn bị sang thăm Tổ Đình Khánh Anh, nơi Ni Sư Thích Nữ Diệu Trạm đang Trụ Trì, thì được Thượng Tọa Trụ Trì Thích Quảng Đạo và Thầy Thích Chúc Thành mời xuống hồ Sen nơi cổng chùa để xem hai đóa Sen đang nở. Theo lời Thầy Quảng Đạo cho biết thì một hoa Sen đã nở đúng vào ngày 8 tháng 8 vừa qua, nhân lễ húy nhật lần thứ 8 của Sư Ông Minh Tâm
Từ ngày chị dâu tôi qua đời cách đây ba năm, tinh thần anh tôi suy sụp thấy rõ. Các con của anh ở Mỹ muốn đưa anh sang Mỹ anh vẫn từ chối. Anh quyết tâm ở lại với chị đến hơi thở cuối cùng. Giờ này anh tôi đã được an vị bên cạnh mộ phần của chị dâu tôi. Và với anh, Việt Nam lúc nào cũng là quê hương. Dù sao đi nữa, Anh tôi đã toại nguyện với chị dâu tôi và sống chết với Nha Trang, với quê cha đất tổ../.
Mùa hè năm 2020 là thời điểm nghiêm trọng nhất trong đại dịch Covid toàn cầu. Cũng như hầu hết các sinh hoạt cộng đồng khác, Khoá Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm (TNSP) hằng năm của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California (BĐDCTTVN) không thể thực hiện được như ba mươi mốt lần trước. Phải đợi đến mùa hè năm nay, vào hai ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, 7-8 tháng Tám, 2021, khi tình hình dịch bệnh đã có phần thuyên giảm nhờ đa số mọi người đã được chích ngừa
Dần dà, cũng từ chiếc xe lăn, cô suy nghĩ lại tất cả những gì đã xẩy ra trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Cô học được điều đầu tiên: sự kiên nhẫn. Với sự kiên nhẫn, cô tin rằng mình có thể học làm được nhiều thứ, dù phải ngồi xe lăn. Kế tiếp, cô học được sự cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác. Như cha mẹ cô, gia đình cô đã cảm thông với cô và hết lòng thương yêu cô, trước cũng như sau tai nạn. Nếu cô cứ mãi mãi ngồi xe lăn, không thể làm việc để tự nuôi sống mình, hẳn cha mẹ và gia đình cô cũng sẽ rất vui vẻ lo lắng cho cô suốt đời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.