Hôm nay,  

Ân tình trong đời

11/10/202216:05:00(Xem: 2222)
Tản mạn

hoa-sống-đời


Sáng nay thức dậy choàng thêm áo

Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh

Huyền Không

 

Vũ trụ trước mắt vẫn mới tinh y như vũ trụ những mùa xuân trước, y như vũ trụ những mùa xuân sau. Đọc hai câu thơ của Thầy Huyền Không khiến tôi miên man nghĩ tới tình cảm của con người trong bao thế hệ cũng vậy. Có những ân tình mà biết bao giờ trả cho xong? Tình Ông Bà, Tình Cha Mẹ, Tình Vợ Chồng,  Tình Bạn, và bao thứ tình khác nữa.

 

Sức khỏe rất yếu kém xin viết để hồi tưởng lại kỷ niệm xa xưa nhất là để xin cảm tạ Ân Tình của những người đã cho Nhà Tôi, Anh Phạm Cao Dương và tôi trong bao năm qua, tuy biết rằng không, không  bút mực nào diễn tả được, hết được. Quãng đường dài 60 năm, làm  sao có thể kể hết nhưng xin viết chừng nào hay chừng đó trước khi không có thể. Xin tạ ơn những thầy cô giáo cũng như các bạn từ tiểu học đến đại học đã tạo cho tôi kiến thức cũng như con người của tôi. Viết đến đây tôi ngậm ngùi nghĩ tới mấy câu thơ của Tô Thùy Yên;

 

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta

 

Tuần trước, thật cảm động nhìn Anh VHĐ người bạn thuở học thời Trường Chu Văn An 70 năm trước. Tuy tuổi đời đã xa tuổi 80, người nhỏ nhắn đến lái xe cho tôi đi thăm bác sĩ ở hơi xa. Anh ân cần nắm tay Nhà Tôi để chắc chắn bạn mình không bị té ngã. Hai người bạn già mái đầu bạc phơ đi cạnh nhau. Tôi nghe Anh lầm bầm: Phạm Cao Dương B4!

 

Nhiều bạn của Nhà Tôi đã bỏ ra đi vào vùng miên viễn. Ban Sử Địa Khóa I của Trường Đại Học Sư Phạm Saigon chỉ còn có Anh NĐPhong bên Montréal, Canada. Anh Phong là Nhà Giáo rất mẫu mực, rất chân tình. Cùng trong khóa I Anh Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Đình Tiếu, Lâm Thanh Liêm, những Nhà Giáo Sử Địa thời Việt Nam Cộng Hoà,  các Anh có công rất lớn với sự phát triển của hai môn học Sử và Điạ đã vĩnh viễn rời bỏ môn sinh, phấn bảng để lại bao tiếc thương cho những người ở lại. Anh Phạm Đình Tiếu người lúc nào cũng bảo vệ chúng tôi, ngay cả khi sang Pháp thăm Anh, Anh bảo chúng tôi phải đi cạnh Anh vì kẻ gian nghĩ Anh Á Châu, to lớn, có võ do đó sẽ không làm gì, Anh Tiếu cũng âm thầm ra đi năm 1992 tại Paris, Pháp. Anh Nguyễn Khắc Ngữ người đưa Nhà Tôi vào con đường viết lách cũng rất bảo vệ vợ chồng Phạm Cao Dương, Anh Ngữ khi sinh thời thường cùng chúng tôi chiều 30 Tết đến tụ họp ở trụ sở Báo Trình Bày.  Anh Ngữ cũng ra đi năm 1992 tại Montréal, Canada. Anh Lâm Thanh Liêm, người mà chúng tôi thương mến gọi là Cậu Sáu cũng ra đi năm 2020 tại Paris, Pháp. Viết đến đây nước mắt lưng tròng, tôi chắc các Anh đã gặp lại nhau nơi xa xăm nào đó, nơi mà ai cũng đến sau khi rời cõi tạm này.  

 

Có lẽ rất nhiều người vẩn còn nhớ Đại Học Xá Minh Mạng và Trần Quý Cáp là nơi cư trú cho các sinh viên ở xa thời trước 30 Tháng Tư, 1975. Tuy rất bận rộn việc giảng dạy, viết lách Nhà Tôi nhận kiêm nhiệm làm Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng - Trần Quý Cáp vì quý nể  bạn học, Giáo Sư Lâm Thanh Liêm, Tổng Thư Ký Viện Đại Học Saigon. Tôi cũng xin tạ ơn ông gác dan tại Đại Học Xá Minh Mạng,  luôn đi theo sau Nhà Tôi, ý muốn bảo vệ Nhà Tôi  mỗi khi Anh đi quan sát trong Đại Học Xá Minh Mạng. Để nhắc lại kỷ niệm với Đại Học Xá Minh Mạng,  xin mạn phép chép email ngắn  trao đổi với nhà Giáo Trần Bang Thạch, WebMaster của Trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm khi Ông viết về Đại Học Xá Minh Mạng hồi đầu năm.

 

“Kính Anh Sơn

 

Thật vui khi nhận được email của anh. Dễ chừng hơn 50 năm ít thấy ai nhắc tới ĐHX/MM dù cư dân ở đó trong nhiều năm rất là đông, cả ngàn. Tôi ở đó từ 65 đến giữa 70, dãy 3. Dọn lên lầu 2 vài tháng là rời SG. Anh nhắc anh Sơn, tôi nhớ ngay: anh không cao, hơi đen, chơi bóng chuyền giỏi. Còn có anh Đinh Văn Thạnh (cũng đen, cũng Lý hóa/ĐHSP, hiện ở Houston TX, cùng ra trường năm 70 với tôi). Nhắc thêm để anh nhớ lại luôn: Có 1 anh đẹp trai mà tánh tình hơi mát, được gọi là triết gia. Còn có 1 "sử gia" cũng hơi gàn, là SV Bắc vượt vĩ tuyến 17. Thời tôi có SV/ĐHSP tên Trần Văn Chi (hiện ở CA), làm Đại diện SV/ĐHX. Chắc anh nhớ mỗi phần ăn là 5 đồng, mỗi bàn 4 người. Mỗi thứ năm đều có 2 chai bia con cọp cho 1 bàn. Mỗi sáng có ông già Bắc nhỏ người đi từng dãy rao phở. Thời đó có chút tiền thì ăn phở Hồng Long (góc NgTri Phương-Trần Hoàng Quân, gần cư xá nữ sinh Sao Mai). Có dư tiền thì tối ra đường NgTri Phương góc Bà Hạt ngồi bên đường ăn nghêu uống bia. Nhắc hoài không hết đâu. Chắc có dịp mình nhắc thêm. 

 

Thân chúc bình an

 

TBT

 

Thưa,

Đã từng là một cư dân của Đại Học Xá Minh Mạng từ năm 1967 đến 1970 ( dãy 4 phòng 10 ) chúng tôi đã được tận hưởng tương đối đầy đủ phương tiện sinh sống của thời Sinh Viên tại Đại Học Xá này.

 

Trung Úy Nam là trưởng ban an ninh lo phần trật tự, giải quyết các vần đề sinh hoạt nội bộ về phương diện an ninh trong ĐHX.

 

Một số cải tổ chính trong suốt thời gian này đã giúp cho Sinh Viên có nơi ăn, chốn ngủ và vệ sinh cá nhân tương đối hoàn hão nhất lúc bấy giờ, so với các sinh viên cư ngu ở các nơi khác, đó là:

 

– Không trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước. Chỉ trả tiền ăn căn bản, rất vừa túi tiền của SV.

 

– Phòng ốc rộng rãi ( 10 SV một phòng. Có divan để ngủ, và một bàn nhỏ để viết lách...) nhất là sau khi xây thêm hai dãy nhà lầu ở phía sau;

 

– Phòng tắm và phòng vệ sinh nằm cuối dãy nhà rất tiện nghi ở vào thời điểm đó (nửa thế kỷ trước mà có nhà tấm, cầu tiêu rộng rãi… đâu phải nơi nào cũng có dành cho Sinh Viên từ các tỉnh về Thủ Đô  theo việc bút nghiêng!)

 

– Có sân bòng chuyền, phòng Bóng Bàn và nhất là có một phòng dành riêng cho môn phái VoViNam, với các huấn luyện viên như Võ Thanh Nhàn, Bình... Võ Sư Trần Quý Phong, Đệ Nhị đẳng Hồng Đai cũng là cư dân của Đại học Xá Minh Mạng. Về môn bóng chuyền, chắc chắn các cư dân của ĐHX Minh Mạng  không thể nào không nhớ đến  cầu thủ bóng chuyền nỗi danh Sơn Super. (Trương Sơn, dân Xóm Mới Nha Trang, SV Khoa Lý Hóa  Đại Học Sư Phạm SG). 

 

– Phòng ăn tập thể được sửa sang từ phòng ốc cho đến nhân viên phục vụ, rất đầy đủ. Mỗi phần ăn, 4 Sinh Viên. 

 

– Ban Điều Hành Đại học Xá được SV cư dân bầu chọn trong mỗi 3 năm. Vào thời điểm tôi sinh sống, Nhóm SV dân Kiến Hòa giữ nhiệm vụ Điều Hành cư xá.

Nhìn chung, trong vai trò Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng, Giáo Sư Phạm Cao Dương đã đem lại một cuộc sống tương đối sung túc cho Sinh Viên lúc bấy giờ.

 

Trần Hữu Sơn (Cư dân ĐHX Minh Mạng 1967 - 1970, khu SV Nha trang - Khánh Hòa ).

 

Kính gởi Ông Trn Bang Thạch,

 

Xin cảm ơn Ông đã nhắc lại thời mọi người tóc còn xanh, nghị lực tràn đầy của hơn năm thập niên trước.

 

Là một gíáo sư đại học trẻ đầy nhiệt huyết, với tinh thần phục vụ vô vị lợi  cho công bằng xã hội, Ông Phạm Cao Dương đã nhận lời Bác Sĩ Trần Quang Đệ, Viện Trưởng Viện Đại Học Saigon  để kiêm nhiệm thêm chức Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng- Trần Quý Cáp, hy vọng có thể làm tốt đẹp hơn cho sinh viên tuổi trẻ và có thể "làm sạch sẽ" những tệ hại trong Đại Học Xá, thưa Ông.

 

Khi mời các vị cư ngụ trong Đại Học Xá dọn ra khòi đó để có thể dọn dẹp, để xây cất dẫy lầu hai tầng phía sau hầu có thể giúp cho các sinh viên xa nhà có chổ ở, Ông Dương đã  gặp rất nhiều chống đối, đe dọa gay cấn của một số "cây cổ thụ " đã từng  cư ngụ ở tại Đại Học Xá Minh Mạng nhiều năm. 

 

Sau khi trải qua khó nhọc, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ thì Ông Dương đã được giải nhiệm nhờ có bức tâm thư của gia đình.

Khánh Vân

 

Nhà Giáo Trần Thế Đức, Úc Châu:

Kính thưa Thầy Cô,

 

Gần đây, em mới biết thêm một đức tính cao đẹp của Thầy: cương quyết, dám làm, dám gánh lấy trách nhiệm nặng nề.

 

Thưa Thầy Cô,

 

Dù bận rộn dậy biết bao sinh viên từ nam đến bắc, Thầy vẫn gồng mình nhận trách nhiệm Quản Đốc Đại Học Xá Minh Mạng. Từ thời em còn đi học, ai cũng biết đây là một khu phức tạp, biết bao thế lực nằm trong đó (kể cả Việt Cộng nắm vùng), sẵn sàng chống đối những ai dám đụng đến giang sơn của họ. Vậy mà Thầy đã "gan cùng mình" dám đụng vào ổ kiến lửa và Thầy đã thành công: đem lại bình yên cho sinh viên nghèo ham học. Đây là thành công lớn của Thầy ngoài việc giảng dậy sinh viên tại các giảng đường đại học. Em nghĩ công việc "bình định" và "xây dựng" của Thầy không ngoài mục đích "đem lại lợi ích thiết thực cho sinh viên nghèo hiếu học".

 

Thầy không ngại khó khăn, dám đương đầu với những thách đố phức tạp.


Kính mong Thầy sức khỏe tốt để sống với con cháu, học trò và dân tộc Việt của Siêu Quốc Gia Việt Nam.

 

Đức

 

Đã vào Thu, trời bắt đầu trở lạnh ban đêm, không ngủ được tôi viết trong xúc động nghĩ tới tình cảm Quý Anh Chị cho Nhà Tôi và xin kể vài việc như Anh Đạt, cựu học sinh Trường Võ Trường Toản gọi đến và muốn mỗi cuối tuần sẽ lại bấm huyệt  chân của Nhà Tôi, Anh Đạt cũng đã qua tuổi thất thập cổ lai hy nhưng luôn nghĩ tới và biếu những dụng cụ tốt cho sức khỏe Nhà Tôi, cũng như mỗi khi gặp Anh Phan Hồng Long,  Hội Trưởng Hội Ái Hữu Đại Học Vạn Hạnh, Anh thường nhắc tới mấy câu Nhà Tôi viết “Cho Khánh Vân. Em đã lê lết nhiều tuần lễ trong bệnh viện để chăm sóc cho tôi  trong tác phẩm của Nhà Tôi, “ Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới, Bảo Đại -Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam”. Xin cảm ơn Anh thật nhiều.


Tôi biết không có đủ chữ đễ diễn tả lòng thâm cảm tình thương yêu của Quý Anh Chị  dành cho Ông Dương. Có một điều tôi có thể nói là chính nhờ sự ân cần chăm sóc của Quý Anh Chị những người đã ngồi chung trong các giảng đường cùng nhà tôi trong Võ Trường Toản, Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Huế, CSULong Beach, UCI, UCLA   đã cho Ông ấy nghị lực, cũng như niềm hạnh phúc vô biên tối cần trong lúc sức khoẻ suy kém này. Những tấm thiệp, điện thoại, điện thư,  text thăm hỏi, quà tặng từ những nơi thật xa xôi đến những mớ rau, thức ăn, phở gà, rượu nếp, bánh ngọt... để trước cửa nhà.  Ngoài ra lại còn có trái cây tượng trưng "vừa đù xàì" để cúng ngày TẾT, thật chả thiếu thứ nào.

 

Những bát phở gà, mướp đắng nhồi thịt do  "Ông học trò già Đoàn Đ.Tâm, cựu Trường Võ Trường Toản" tự tay nấu nướng đem lại. Thật đau buồn khi nghe Anh Tâm chia sẻ về tai nạn thảm khốc xẩy ra cho thân mẫu của Anh ngày 29/4/1975 khiến Anh Tâm thành mồ côi Mẹ.  khi Anh còn đang du học tại Hoa Kỳ. Bây giờ gia đình Anh Em đều thành công nên người thì không còn Mẹ nữa để báo đáp!

 

Hơn 45 năm trước chúng tôi cũng ngậm ngùi nuốt nước mắt chia sẻ sự ra đi vĩnh viễn trên đường vượt biên của thân mẫu của Anh Ng.Tr. Hy, Ban Sử Địa Đại Học Sư Phạm Saigon.

 

Cũng xin kể Anh Chị Trần Đ. Nghĩa cựu Võ Trường Toản ân cần tỉ mỉ chăm sóc chúng tôi như mua tặng  pulse oximeter vì biết tôi hay bị khó thở, mua cả shoehorn cho Nhà Tôi dễ đi giầy.

 

Ông Dương cũng thường trầm ngâm kể cho tôi nghe về dĩ vãng về tuổi thơ tuổi trẻ cực nhọc, luôn luôn phải sống còn, để ngoi lên.

 Anh kể về thời tản cư, bốn năm thất học, về lần cuối cùng Anh được gặp “Thày” khi đó Anh chưa tới tuổi lên mười.

 

 “Thày” Anh, vốn là một nhà giáo, một Đại Biểu Quốc Hội 1946 đã bị Việt Minh bắt và bị thủ tiêu không biết ngày nào và ở đâu.

 

Ông Dương không  bao giờ có một ngày giỗ cha!

 

Thế hệ của chúng mình chịu nhiều đau thương oan trái quá, thưa Quý Anh Chị.

 

Ngày 31 tháng 12 năm 2021 Quý Anh Cựu Hội Trưởng Trần Bình Chánh và cũng là Cựu sinh viên Đại Học Vạn Hạnh  đại diện Trường Trung Học Võ Trường Toản Saigon đến tặng cho Thày Giáo Già Phạm Cao Dương tấm plaque thật nhiều ý nghĩa.

 

kv 1 

Xin nhắc lại Võ Trường Toản là nhiệm sở toàn thời gian  đầu tiên của Ông Dương và Đại Học Sư Phạm Saigon là nhiệm sở toàn thời gian cuối cùng trước Biến Cố 30/4/1975. Sáu thập niên đã qua nhưng tôi biết trong tâm tư của Nhà Tôi lúc nào cũng hết lòng trân quý các kỷ niệm ở Trường Võ Trường Toản. "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy"... bao kỷ niệm khi tóc còn xanh, nghị lực còn tràn đầy.

 

Ngày 9/16/2022 Quý Anh Chị trong Ban Điều Hành của Hội Ái Hữu Đại Học Vạn Hạnh đã lại thăm và Quý Anh Chị đưa đón chúng tôi đi ăn tiệm, Anh Chị Trần Bình Chánh - Trang Thuý đã đặt những món ăn thật lạ, thật ngon. Thật là hạnh phúc!

 

Sáu chục năm trôi nổi cùng nhau, bao nhiêu người đã đi qua trong cuộc đời, làm sao có thể viết hết, kể hết được...cá nhân tôi xin thâm cảm đa tạ vị Bác Sĩ giải phẫu TXN, Anh của cô bạn tuổi thơ của tôi, luôn săn sóc chữa bịnh cho gia đình chúng tôi bao năm cũng như  Cô bạn từ thuở học trò tên Đ T Thảo tuổi đã quá xa thất thập cổ lai hy, vẫn cặm cụi đan áo len, khăn len màu tím cho tôi vì biết tôi rất yêu màu tím.

 

Thật không biết dùng sao cho đủ chữ để viết đa tạ tình thương yêu của Quý Anh Chị cho Nhà Tôi. 

 

Những Ân tình này chúng tôi xin mãi mãi ghi sâu trong tâm!

 

Khánh-Vân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.