Hôm nay,  

Ba giọt cà phê bé tí...

10/5/202220:54:00(View: 3047)

Truyện dịch

woman-sorrow-38387917


Bình lọc cà phê nhãn hiệu Ý đang sôi sùng sục trên bếp ga. Amanda tắt bếp, cầm cái quai bằng nhựa đen, rồi đến bàn, chế cà phê vào tách, đặt bình lọc lên trên miếng lót bằng kim loại. Nàng kéo cái ghế màu hồng hoa tulip kêu ken két trên nền gạch, ngồi xuống, bỏ một viên đường vào tách, nhìn nó tan dần, với lấy cái muỗng nhỏ trong lọ sành và khuấy cà phê. Bàn tay nàng run run, cái muỗng tuột ra. Cà phê bắn lên, và ba giọt bé xíu rơi trên bàn gỗ trắng. Amanda đặt ngón tay trên một giọt, nhìn đăm đăm. Đồng hồ treo tường chỉ 9h05.

 

Nàng chọn cái túi du lịch bằng da cũ kỹ, có dây khóa kéo một bên. Cái túi này từng đi Việt Nam, đi Pouilles, đi Phi Luật Tân, đã đựng bao nhiêu là vật lưu niệm. Những cái tượng nhỏ, khăn quàng, mứt kẹo... là những món quà ngộ nghĩnh cho cha mẹ và cô em gái của nàng. Nàng mở tủ, lấy chiếc váy màu hoa cà có dây đeo nhỏ, và váy màu đen nữa, dáng nàng thật thanh tao khi mặc hai cái này. Nàng đặt chúng vào túi, rồi thêm ít áo quần nữa. Và kéo khóa cái túi lại, khi cầm lên, nàng có cảm giác sần sùi trên tay. Rồi tiếng ổ khóa kêu cách khi nàng đóng cửa lại. Một âm thanh khô khan, không vang. Leo xuống hai tầng lầu mới đến cửa ra vào. Amanda đẩy cánh cửa nặng chịch ra, không khí bên ngoài thật mát dịu, nàng kéo cổ áo khoác cao lên. Bước chân vang trên vỉa hè dọc theo khóm hoa cẩm tú cầu. Nàng hít một cách mê say hương của hoa xoan và hoa nhài Nhật Bản. Bầu trời xanh mướt, một màu xanh thẫm. Thật là một ngày vô cùng tươi đẹp đây.

 

Khi nàng bước đi trên đường, một cô bé nhìn nàng và mỉm cười, rồi một người đàn ông nhìn ngắm nàng hơi lâu. Là một anh chàng tóc nâu xoắn thật điển trai, tóc giống hệt Marc khi anh ta còn trai trẻ. Chiếc taxi đang đậu ngay đây, chờ nàng.

 

– Xin chào, vui lòng cho tôi đến phi trường.

 

– Dạ vâng ạ, ngay tức thì đây ạ – người tài xế tươi cười trả lời.

 

Khi nàng vào trong xe, giọng ông ta hỏi dịu dàng:

 

– Trời hôm nay đẹp nhỉ. Cô đi nghỉ hè à?

 

Xe chạy lướt qua các khu phố. Ở đại lộ chính, những gian hàng chất đầy đồ dệt và đồ vật trang trí được bày biện trên vỉa hè. Vài người khách bộ hành, đi ngang thoáng qua, ngừng lại, rồi lục tìm xem có thể sở hữu được một đồ vật nào đó không. Một chiếc gắn máy Vespa vượt qua họ. Xe màu xanh nhạt. Là xe của Fabrizio, anh họ của nàng lúc anh ta hai mươi tuổi, có cái đèn pha tròn to bự gắn ở phía trước xe. Nàng thì ngồi phía sau, họ chạy hết tốc lực trên các đường phố ở Naples. Mỗi khi anh nhấn ga, cái váy của nàng bay bổng lên, nàng cười vang, ôm chặt lấy anh, và nghe mùi chiếc áo khoác ngắn bằng da của anh.

 

Xe taxi vào một con hẻm, quẹo trái và đi dọc theo quảng trường. Hàng cây đoan chưa trổ bông. Một cô bé ngồi ở bờ một đài phun nước và vỗ nước vào đôi tay bé. Mỗi khi có nước bắn ra, cô bé cười như nắc nẻ. Bé Emma mặc áo đầm đỏ có dây đeo, mái tóc bù xù, hai má hồng lên vì háo hức. Những tiếng la hét vui cười của bé xen lẫn với tiếng la của Louis, cậu anh sinh đôi của bé, mũ thì đội lệch, kiếm thì đeo chéo qua vai, thật tuyệt trong vai hải tặc của bé. Những màn chơi tát nước trong vườn biệt thự Lilas. Tấm thân nhỏ bé của chúng mà nàng thọc léc, ghì chặt rồi ôm hôn khắp người chúng.  "Mẹ ơi, Mẹ ơi", những tiếng gọi đầy lo âu vang dội khắp ngôi nhà. Những bước chân vội vàng của chúng trên cầu thang bằng đá. Nhịp tim đập nhanh của chúng vang lên sát làn da của nàng. Rồi "mọi việc ổn thôi, các con ạ, mẹ đây nè". Giờ đây chúng thay đổi nhiều quá. Những giờ phút thân mật, âu yếm bên nhau bây giờ đã xa, chỉ còn sự trống vắng, sự lặng thinh. Đã bao lâu rồi các con và nàng chưa từng cười đùa với nhau hoặc nói chuyện cùng nhau nhỉ? Vừa về đến nhà, chúng trả lời mẹ một cách nhát gừng rồi chui vào phòng. Đó là cái hang bí mật của chúng, nơi chúng liên lạc với bạn bè qua điện thoại và máy vi tính. Chúng đang sống trong thế giới của chúng. Không có chỗ cho nàng. Bị ra rìa, bỏ rơi.

 

Xe ngừng trước sân nhà thờ. Cái cổng hình vòng cung, cánh cửa gỗ có hình thập giá, nơi đã cử hành lễ cưới của nàng và anh. Chiếc áo váy dài trắng tinh, bó hoa hồng trên đôi tay mang bao tay trắng, những cánh hoa đỏ rơi trên nền đất, chiếc khăn voan bằng tuyn rộng dài phất phơ theo gió, xoay xoay rồi bay đi mất.

 

Xe lại tiếp tục lướt nhanh, chui vào đường hầm, rồi một đường hầm nữa. Ánh sáng, màn tối đến, ánh sáng, rồi tối.

 

Từ lúc nào nàng đã không còn yêu anh nữa? Không có ngày tháng, không có thời điểm nhất định. Những câu nói gây tổn thương, những lần vắng nhà lặp đi lặp lại, những điều ẩn ý. Một chút rạn vỡ. Rồi dần dần lớn nhanh ra. Đến một ngày thì đã quá trễ để hàn gắn lại vết nứt. Rồi chỉ là sự im lặng, và cảm giác trống vắng, chôn thật sâu, ngay đây, ngay bên trong thân thể nàng.

 

Khi Marc được thăng chức, họ đã không còn ở biệt thự Lilas nữa. Trong khu nhà hiện nay, nàng không quen biết ai cả. Đôi lúc nàng chỉ gặp người này người nọ. Có khi gặp cô thiếu nữ có mái tóc dài màu hung ở cùng tầng lầu với gia đình nàng, cô gái chơi đàn cello. Nàng thích điệu nhạc êm dịu, u sầu ấy. Rồi lúc xưa ở Prague, ở quảng trường Phố Cổ, một phụ nữ cũng kéo đàn cello , và một người đàn ông ngâm thơ. Dây đàn lướt theo nhịp của vần thơ. Đó là lần đầu tiên nàng đi du lịch mà không có cha mẹ đi cùng, với cô bạn Cathy...

 

Một tiếng còi hú vang lên từ xa. Rồi gần hơn, to dần lên, và trở nên inh ỏi. Chiếc xe cứu thương chat vượt qua họ, trên mui xe đèn đỏ báo hiệu chớp liên hồi. Cái áo bờ lu khi nàng là y tá. Những hành lang dài của bệnh viện, đôi giày trắng bằng chất dẻo kêu kin kít trên nền thảm nhựa, cái xe chuyển đồ vật chất đầy băng gạc, kim chích, thuốc thang nàng đẩy từ phòng này qua phòng kia, nụ cười của những bệnh nhân, những lần nghỉ giải lao, những trận cười ngặt nghẽo với cô bạn Rita có tài kể chuyện rất có duyên.

 

Đường sá bây giờ lại vắng vẻ. Một đường thẳng tắp thật dài . Những thảm cỏ và những khoảng đất trống, không có nhà ở.

 

– Trạm nào đây cô? – Người tài xế hỏi.

 

– Trạm 1.

 

Ở phi trường, người người đi đi lại lại liên tục. Chuyến đến, chuyến đi. Người thì đẩy xe chở hàng đầy nhóc hành lý, kẻ thì kéo vali có bánh xe. Nàng tiến đến bảng ghi các chuyến bay, tìm số chuyến của mình. Juárez Mexico, Cửa số 7.

 

Người nữ nhân viên ở quầy làm thủ tục hỏi nàng:

 

– Cô có hành lý để gởi không?

 

– Tôi chỉ có một hành lý.

 

Túi du lịch màu nâu to đùng đã mòn nhiều vì những lần nàng đi chu du khắp nơi rung rinh trên băng tải. Nàng nhìn nó trượt đi xa, rồi mất hút. Nàng bước qua các cổng kiểm soát, rồi đến ngồi ở chiếc ghế nhìn ra khung cửa kính nhìn ra đường băng và quan sát những máy bay liên tục lăn qua, lướt lại. Một chiếc lăn bánh dần vào đường bay, định tọa độ, ngừng lại, rồi tăng tốc, nghiêng cánh và bay vút lên. Rất nhanh sau đó sẽ chỉ còn là một chấm nhỏ, để lại phía sau những vệt trắng dài mảnh như sợi chỉ.

 

Trên loa phóng thanh vang lên tiếng gọi: "Xin mời quý khách đi Juárez Mexico bước ra cửa để lên tàu".

 

Nàng bước đi, trước mặt là một hành lang dài. Nàng ngừng bước, quay lại, và do dự. Bước vài bước trên đường bay, rồi leo lên cầu thang máy bay. Ngay cửa vào tàu, cô tiếp viên mỉm cười chào nàng. Nàng tiến đến ghế ngồi của mình, đặt túi đeo tay xuống và ngồi cạnh cửa sổ.

 

Qua cửa kính máy bay, những chi tiết mờ dần, và mặt đất chỉ còn là một bức tranh ghép mảnh. Những hình vuông màu nâu, xanh lá, vang càng lúc càng trở nên nhỏ dần, rồi biến hắn dưới mảng mây bông phơn phớt xanh trời...

 

Amanda nhìn đồng hồ đeo tay. Vẫn còn quá sớm. Louis sẽ về nhà trước nhất. Nó có ngạc nhiên khi thấy vắng mẹ không nhỉ? Chắc là ngạc nhiên hơn khi thấy màn cửa sổ phòng khách chưa được kéo ra. Nó sẽ mở tủ lạnh, lấy chai sữa chua uống rồi chui vô hang của nó. Mười lăm phút sau là đến lượt Emma. Nó sẽ vào bếp, lấy cái tô đồ ngũ cốc ướp mật ong rồi chan sữa lên. Ăn xong, nó sẽ để cái tô không trên bàn, đến gõ cửa phòng anh nó và hỏi: "Anh biết Mẹ đâu không?" Giọng của nó không hề biểu lộ một mảy may lo âu nào. Lát nữa kìa, rất rất lâu sau đó, khi sắp đến giờ cơm tối, thì đứa này rồi đứa kia sẽ tìm cách nói chuyện với nàng qua điện thoại. Những mẩu tin gãy gọn, vẻ bực dọc: "Này Mẹ, Mẹ ạ, Mẹ đang ở đâu vậy?"  "Mẹ ơi, Mẹ có thể trả lời con không? Mẹ đang làm gì vậy?" Và rồi, đến phiên Marc về. Tiếng leng keng của chùm chìa khóa trong cái đĩa bằng thủy tinh.

 

Anh ấy sẽ ngạc nhiên vì không nghe thấy mùi thức ăn trong bếp và cái bàn trống trơn. Anh sẽ gọi: "Amanda? Này, Amanda? Louis? Emma?" Không nghe ai trả lời cả, anh sẽ đến phòng của chúng. Bọn trẻ sẽ bảo rằng nàng không có trong đó.

 

Nổi cáu, anh sẽ tìm cách liên lạc với nàng qua điện thoại cầm tay của nàng. Một, rồi hai, ba, bốn tin nhắn.

 

Cho đến bao giờ thì sự tức giận sẽ phải nhường cho sự lo âu nhỉ? Lát nữa, lúc trời tối dần? Sáng mai, anh ấy sẽ qua hỏi bên nhà hàng xóm chăng? Rồi anh có đến báo cảnh sát không? Họ sẽ bảo anh phải chờ bốn mươi tám giờ đồng hồ, thời hạn do luật lệ định ra, rồi sau đó mới bắt đầu cuộc tìm kiếm. Rồi thời gian sẽ qua đi. Nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng. Rồi sẽ có những tấm áp phích nhỏ có dán hình của nàng niêm yết lên các bờ tường ở thành phố.

 

 Amanda, mất tích ngày 22 tháng 4.

 

Cửa ra vào mở ra, rồi đóng sập lại. Louis ném cặp ở hành lang rồi bước vào nhà bếp. Mẹ cậu ta ngồi đó, mắt nhìn bâng quơ vào khoảng không.

 

– Mẹ ơi, có gì ăn không mẹ? Con hy vọng rằng mẹ không quên là con có trận đấu bóng chuyền lúc 2 giờ chiều chứ mẹ?

 

Amanda ngước nhìn con trai. 

 

Đồng hồ trên tường chỉ 12g40. Trên bàn, ba giọt cà phê đã khô ran.

 

Sandra Dullin

(Tháilan dịch)

 

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tôi trở về làng khi xã tôi đã tổ chức làm ăn theo lề lối tập thể. Công việc chính cũng chỉ là ruộng với rẫy. Ngày còn đi học tôi đã từng phụ giúp việc đồng áng cho cha tôi, sau này lại được dồi mài khá chăm trong "trại cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền" nên việc ruộng rẫy đối với tôi cũng không xa lạ. Dĩ nhiên, dù muốn dù không, tôi vẫn phải tham gia...
Trưa chủ nhật tuần vừa qua, bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 83 của tôi đã được các con cháu xúm nhau tổ chức tại nhà gia đình đứa con thứ hai của tôi. Đếm sơ đầu người thì thấy vắng tới gần một nửa, thế mà cũng trên ba chục nhân mạng, gồm cả con trai con gái, con dâu, con rể, con kết nghĩa lẫn các cháu nội ngoại ríu rít lần lượt đến khoanh tay trình diện và thưa trình với tôi, ông nội, ông ngoại. Đang ăn uống thì nhiều cú phôn liên tiếp gọi về, của những đứa con và cháu đang bận việc bất ngờ hay vì nhà ở xa, những Bắc Cali hay San Diego, không kịp đến...
“FIFA World Cup 2022,” Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới lần thứ 22 đang diễn ra tại Qatar, vùng đất của thế giới Ả Rập và Hồi Giáo. Những rộn ràng sôi nổi của bạn bè xung quanh, toàn là người hâm mộ môn túc cầu, những trận đấu trực tiếp trên TV Mỹ, và những bảng kết quả từ các trận đấu được các đài truyền hình Mỹ Việt, báo chí khắp nơi loan tải từng ngày, từng giờ, đã đưa Uyên trở về với tuổi thơ, về những kỷ niệm xưa, và về cái thuở người dân miền Nam khắp nơi ham mê môn bóng tròn...
Đây là ngôi làng tiêu biểu của người Amish sinh sống ở vùng này. Làng được dựng lên để giới thiệu với du khách ghé thăm những sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm tiểu công nghệ có tính cách cổ truyền đặc thù của người Amish...
Khi tôi về làm dâu mợ, bà còn khá trẻ, khoảng năm mươi. Bà lanh lẹ, vóc dáng nhỏ và có khuôn mặt vui với nụ cười tươi. Bà luôn niềm nở cởi mở với mọi người. Bà như thế đó, chưa bao giờ làm buồn lòng ai và cũng chẳng ai quấy phiền chi bà...
Tôi đành vay mượn tên nhạc phẩm “Con đường mang tên em” của Trúc Phương để đặt cho con đường nhà tôi vì quá hợp lý luôn, không thể đặt tựa đề khác được. Con đường này dài hơn một cây số nhưng chỉ một đoạn đường ngắn nơi khu buôn bán gần những trại lính thật khó mà tin nổi 9 căn nhà liên tiếp nhau đã có 3 người con gái tên Thanh, thật ngẫu nhiên chúng tôi cùng lứa tuổi mới lớn, lại ngẫu nhiên nữa là có hai người cùng họ Nguyễn Thị…
Cuối tuần rảnh, cú phonetalk hai chị em cỡ chừng… hai tiếng chớ nhiêu! Chị hơn tôi 8 tuổi, cùng trang lứa với mấy ông anh tôi, nhưng vì hai chị em đã có dịp đi vượt biên (hụt) với nhau một chuyến, có hơn một tuần lễ vi vu Miền Tây, ăn ngủ cùng nhau, tâm sự đủ điều. Nhất là đêm cuối cùng chờ tàu lớn ra khơi, cả hai thao thức suốt đêm, nghe cả tiếng lục bình vật vờ trôi sông, rồi kể nhau nghe “chuyện con tim”…
Dường như con người có thể phát tiết ra khả năng kỳ lạ để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh sống mà có lẽ chính họ đôi khi cũng không ngờ. Khi một người bị khuyết tật từ thuở ấu thời thì họ có thể phát triển một thứ khả năng kỳ diệu đến mức bất khả tư nghì đề bù đắp lại phần bị mất mát. Người chị Thứ Ba của tôi là điển hình như thế. / It appears to be that people can foster an uncanny capacity to adjust to conditions and circumstances that they may not know about. When a person has a disability since childhood, they can have an incredible ability to compensate for the loss. My Third Sister is such an example.
Không hiểu lý do nào ông bà Hai lấy tên Hụi để đặt cho con mình. Lúc còn nhỏ, Hụi trông khôi ngô sáng sủa lắm. Hụi lại ít bị bệnh hoạn và rất chóng lớn. Năm lên bốn tuổi, Hụi đã lớn kịp anh ruột mình là Hùng, lớn hơn Hụi hai tuổi. Hai anh em cũng ham chơi, cũng nghịch ngợm như bao trẻ con cùng trang lứa trong vùng...
Thật ra, cho đến ngày "tan hàng" khăn gói đi tù, Nhạc chưa có một căn nhà cho vợ con chui ra, chui vào. Là một sĩ quan ở đơn vị tác chiến, anh chẳng có phương tiện gì để làm ra tiền, ngoài một đám lính chỉ biết bóp cò, gài mìn và hô xung phong, khi đụng trận. Với số lương trung úy, cộng thêm một vợ, ba con, được khoảng bốn chục ngàn đồng một tháng, mà tiền để xây hay mua một căn nhà nho nhỏ cũng gần hơn triệu bạc, nên Nhạc cứ khất đi, khất lại hoài, với Hậu...
Người Việt bị người Tàu đô hộ hàng ngàn năm, các triều đại phong kiến Tàu ra sức hủy diệt văn hóa Việt, đồng hóa người Việt, sáp nhập đất Việt vào đất Tàu. Lịch sử cho thấy họ không thể làm được việc đó. Người Việt vẫn giữ được nước và bản sắc văn hóa riêng của mình, tuy nhiên bị ảnh hưởng nặng nề về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, tư tưởng, thể chế chính trị…
Buổi sáng thênh thang. Nắng dịu dàng vướng trên những ngọn cây. Được nghỉ hai giờ đầu, thằng bé học trò chạy xe qua Phú Nhuận, thả dài lên Tân Định hóng gió. Sài Gòn sớm mai như cô gái vẫn còn ngái ngủ. Tóc mượt mà đen thẫm trên mặt gối trắng tinh. Thằng bé học trò không biết đi đâu. Một tay cầm chắc tay lái chiếc Honda Dame, tay kia thỉnh thoảng lại đưa lên đẩy cặp mắt kính cận cứ chực tuột xuống. Cặp mắt kính thay đã lâu lắm rồi, bây giờ nhìn mọi thứ đã bắt đầu mờ ảo, nhưng chưa dám xin tiền bố mẹ để thay. Con đường Hai Bà Trưng ngập nắng. Chợt một tấm biển quảng cáo phía trên một cửa tiệm đập vào mắt thằng bé học trò. Và nó sực nhớ đã đến lúc phải khám, phải đo xem mắt có tăng độ hay không rồi. Hai con mắt không cận thị bằng nhau, một bên ba độ rưỡi, một bên hai độ bảy mươi lăm. Và cả hai bên nhìn cuộc sống đều nhòe nhoẹt như nhau.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.