Hôm nay,  

Ba giọt cà phê bé tí...

05/10/202220:54:00(Xem: 3053)

Truyện dịch

woman-sorrow-38387917


Bình lọc cà phê nhãn hiệu Ý đang sôi sùng sục trên bếp ga. Amanda tắt bếp, cầm cái quai bằng nhựa đen, rồi đến bàn, chế cà phê vào tách, đặt bình lọc lên trên miếng lót bằng kim loại. Nàng kéo cái ghế màu hồng hoa tulip kêu ken két trên nền gạch, ngồi xuống, bỏ một viên đường vào tách, nhìn nó tan dần, với lấy cái muỗng nhỏ trong lọ sành và khuấy cà phê. Bàn tay nàng run run, cái muỗng tuột ra. Cà phê bắn lên, và ba giọt bé xíu rơi trên bàn gỗ trắng. Amanda đặt ngón tay trên một giọt, nhìn đăm đăm. Đồng hồ treo tường chỉ 9h05.

 

Nàng chọn cái túi du lịch bằng da cũ kỹ, có dây khóa kéo một bên. Cái túi này từng đi Việt Nam, đi Pouilles, đi Phi Luật Tân, đã đựng bao nhiêu là vật lưu niệm. Những cái tượng nhỏ, khăn quàng, mứt kẹo... là những món quà ngộ nghĩnh cho cha mẹ và cô em gái của nàng. Nàng mở tủ, lấy chiếc váy màu hoa cà có dây đeo nhỏ, và váy màu đen nữa, dáng nàng thật thanh tao khi mặc hai cái này. Nàng đặt chúng vào túi, rồi thêm ít áo quần nữa. Và kéo khóa cái túi lại, khi cầm lên, nàng có cảm giác sần sùi trên tay. Rồi tiếng ổ khóa kêu cách khi nàng đóng cửa lại. Một âm thanh khô khan, không vang. Leo xuống hai tầng lầu mới đến cửa ra vào. Amanda đẩy cánh cửa nặng chịch ra, không khí bên ngoài thật mát dịu, nàng kéo cổ áo khoác cao lên. Bước chân vang trên vỉa hè dọc theo khóm hoa cẩm tú cầu. Nàng hít một cách mê say hương của hoa xoan và hoa nhài Nhật Bản. Bầu trời xanh mướt, một màu xanh thẫm. Thật là một ngày vô cùng tươi đẹp đây.

 

Khi nàng bước đi trên đường, một cô bé nhìn nàng và mỉm cười, rồi một người đàn ông nhìn ngắm nàng hơi lâu. Là một anh chàng tóc nâu xoắn thật điển trai, tóc giống hệt Marc khi anh ta còn trai trẻ. Chiếc taxi đang đậu ngay đây, chờ nàng.

 

– Xin chào, vui lòng cho tôi đến phi trường.

 

– Dạ vâng ạ, ngay tức thì đây ạ – người tài xế tươi cười trả lời.

 

Khi nàng vào trong xe, giọng ông ta hỏi dịu dàng:

 

– Trời hôm nay đẹp nhỉ. Cô đi nghỉ hè à?

 

Xe chạy lướt qua các khu phố. Ở đại lộ chính, những gian hàng chất đầy đồ dệt và đồ vật trang trí được bày biện trên vỉa hè. Vài người khách bộ hành, đi ngang thoáng qua, ngừng lại, rồi lục tìm xem có thể sở hữu được một đồ vật nào đó không. Một chiếc gắn máy Vespa vượt qua họ. Xe màu xanh nhạt. Là xe của Fabrizio, anh họ của nàng lúc anh ta hai mươi tuổi, có cái đèn pha tròn to bự gắn ở phía trước xe. Nàng thì ngồi phía sau, họ chạy hết tốc lực trên các đường phố ở Naples. Mỗi khi anh nhấn ga, cái váy của nàng bay bổng lên, nàng cười vang, ôm chặt lấy anh, và nghe mùi chiếc áo khoác ngắn bằng da của anh.

 

Xe taxi vào một con hẻm, quẹo trái và đi dọc theo quảng trường. Hàng cây đoan chưa trổ bông. Một cô bé ngồi ở bờ một đài phun nước và vỗ nước vào đôi tay bé. Mỗi khi có nước bắn ra, cô bé cười như nắc nẻ. Bé Emma mặc áo đầm đỏ có dây đeo, mái tóc bù xù, hai má hồng lên vì háo hức. Những tiếng la hét vui cười của bé xen lẫn với tiếng la của Louis, cậu anh sinh đôi của bé, mũ thì đội lệch, kiếm thì đeo chéo qua vai, thật tuyệt trong vai hải tặc của bé. Những màn chơi tát nước trong vườn biệt thự Lilas. Tấm thân nhỏ bé của chúng mà nàng thọc léc, ghì chặt rồi ôm hôn khắp người chúng.  "Mẹ ơi, Mẹ ơi", những tiếng gọi đầy lo âu vang dội khắp ngôi nhà. Những bước chân vội vàng của chúng trên cầu thang bằng đá. Nhịp tim đập nhanh của chúng vang lên sát làn da của nàng. Rồi "mọi việc ổn thôi, các con ạ, mẹ đây nè". Giờ đây chúng thay đổi nhiều quá. Những giờ phút thân mật, âu yếm bên nhau bây giờ đã xa, chỉ còn sự trống vắng, sự lặng thinh. Đã bao lâu rồi các con và nàng chưa từng cười đùa với nhau hoặc nói chuyện cùng nhau nhỉ? Vừa về đến nhà, chúng trả lời mẹ một cách nhát gừng rồi chui vào phòng. Đó là cái hang bí mật của chúng, nơi chúng liên lạc với bạn bè qua điện thoại và máy vi tính. Chúng đang sống trong thế giới của chúng. Không có chỗ cho nàng. Bị ra rìa, bỏ rơi.

 

Xe ngừng trước sân nhà thờ. Cái cổng hình vòng cung, cánh cửa gỗ có hình thập giá, nơi đã cử hành lễ cưới của nàng và anh. Chiếc áo váy dài trắng tinh, bó hoa hồng trên đôi tay mang bao tay trắng, những cánh hoa đỏ rơi trên nền đất, chiếc khăn voan bằng tuyn rộng dài phất phơ theo gió, xoay xoay rồi bay đi mất.

 

Xe lại tiếp tục lướt nhanh, chui vào đường hầm, rồi một đường hầm nữa. Ánh sáng, màn tối đến, ánh sáng, rồi tối.

 

Từ lúc nào nàng đã không còn yêu anh nữa? Không có ngày tháng, không có thời điểm nhất định. Những câu nói gây tổn thương, những lần vắng nhà lặp đi lặp lại, những điều ẩn ý. Một chút rạn vỡ. Rồi dần dần lớn nhanh ra. Đến một ngày thì đã quá trễ để hàn gắn lại vết nứt. Rồi chỉ là sự im lặng, và cảm giác trống vắng, chôn thật sâu, ngay đây, ngay bên trong thân thể nàng.

 

Khi Marc được thăng chức, họ đã không còn ở biệt thự Lilas nữa. Trong khu nhà hiện nay, nàng không quen biết ai cả. Đôi lúc nàng chỉ gặp người này người nọ. Có khi gặp cô thiếu nữ có mái tóc dài màu hung ở cùng tầng lầu với gia đình nàng, cô gái chơi đàn cello. Nàng thích điệu nhạc êm dịu, u sầu ấy. Rồi lúc xưa ở Prague, ở quảng trường Phố Cổ, một phụ nữ cũng kéo đàn cello , và một người đàn ông ngâm thơ. Dây đàn lướt theo nhịp của vần thơ. Đó là lần đầu tiên nàng đi du lịch mà không có cha mẹ đi cùng, với cô bạn Cathy...

 

Một tiếng còi hú vang lên từ xa. Rồi gần hơn, to dần lên, và trở nên inh ỏi. Chiếc xe cứu thương chat vượt qua họ, trên mui xe đèn đỏ báo hiệu chớp liên hồi. Cái áo bờ lu khi nàng là y tá. Những hành lang dài của bệnh viện, đôi giày trắng bằng chất dẻo kêu kin kít trên nền thảm nhựa, cái xe chuyển đồ vật chất đầy băng gạc, kim chích, thuốc thang nàng đẩy từ phòng này qua phòng kia, nụ cười của những bệnh nhân, những lần nghỉ giải lao, những trận cười ngặt nghẽo với cô bạn Rita có tài kể chuyện rất có duyên.

 

Đường sá bây giờ lại vắng vẻ. Một đường thẳng tắp thật dài . Những thảm cỏ và những khoảng đất trống, không có nhà ở.

 

– Trạm nào đây cô? – Người tài xế hỏi.

 

– Trạm 1.

 

Ở phi trường, người người đi đi lại lại liên tục. Chuyến đến, chuyến đi. Người thì đẩy xe chở hàng đầy nhóc hành lý, kẻ thì kéo vali có bánh xe. Nàng tiến đến bảng ghi các chuyến bay, tìm số chuyến của mình. Juárez Mexico, Cửa số 7.

 

Người nữ nhân viên ở quầy làm thủ tục hỏi nàng:

 

– Cô có hành lý để gởi không?

 

– Tôi chỉ có một hành lý.

 

Túi du lịch màu nâu to đùng đã mòn nhiều vì những lần nàng đi chu du khắp nơi rung rinh trên băng tải. Nàng nhìn nó trượt đi xa, rồi mất hút. Nàng bước qua các cổng kiểm soát, rồi đến ngồi ở chiếc ghế nhìn ra khung cửa kính nhìn ra đường băng và quan sát những máy bay liên tục lăn qua, lướt lại. Một chiếc lăn bánh dần vào đường bay, định tọa độ, ngừng lại, rồi tăng tốc, nghiêng cánh và bay vút lên. Rất nhanh sau đó sẽ chỉ còn là một chấm nhỏ, để lại phía sau những vệt trắng dài mảnh như sợi chỉ.

 

Trên loa phóng thanh vang lên tiếng gọi: "Xin mời quý khách đi Juárez Mexico bước ra cửa để lên tàu".

 

Nàng bước đi, trước mặt là một hành lang dài. Nàng ngừng bước, quay lại, và do dự. Bước vài bước trên đường bay, rồi leo lên cầu thang máy bay. Ngay cửa vào tàu, cô tiếp viên mỉm cười chào nàng. Nàng tiến đến ghế ngồi của mình, đặt túi đeo tay xuống và ngồi cạnh cửa sổ.

 

Qua cửa kính máy bay, những chi tiết mờ dần, và mặt đất chỉ còn là một bức tranh ghép mảnh. Những hình vuông màu nâu, xanh lá, vang càng lúc càng trở nên nhỏ dần, rồi biến hắn dưới mảng mây bông phơn phớt xanh trời...

 

Amanda nhìn đồng hồ đeo tay. Vẫn còn quá sớm. Louis sẽ về nhà trước nhất. Nó có ngạc nhiên khi thấy vắng mẹ không nhỉ? Chắc là ngạc nhiên hơn khi thấy màn cửa sổ phòng khách chưa được kéo ra. Nó sẽ mở tủ lạnh, lấy chai sữa chua uống rồi chui vô hang của nó. Mười lăm phút sau là đến lượt Emma. Nó sẽ vào bếp, lấy cái tô đồ ngũ cốc ướp mật ong rồi chan sữa lên. Ăn xong, nó sẽ để cái tô không trên bàn, đến gõ cửa phòng anh nó và hỏi: "Anh biết Mẹ đâu không?" Giọng của nó không hề biểu lộ một mảy may lo âu nào. Lát nữa kìa, rất rất lâu sau đó, khi sắp đến giờ cơm tối, thì đứa này rồi đứa kia sẽ tìm cách nói chuyện với nàng qua điện thoại. Những mẩu tin gãy gọn, vẻ bực dọc: "Này Mẹ, Mẹ ạ, Mẹ đang ở đâu vậy?"  "Mẹ ơi, Mẹ có thể trả lời con không? Mẹ đang làm gì vậy?" Và rồi, đến phiên Marc về. Tiếng leng keng của chùm chìa khóa trong cái đĩa bằng thủy tinh.

 

Anh ấy sẽ ngạc nhiên vì không nghe thấy mùi thức ăn trong bếp và cái bàn trống trơn. Anh sẽ gọi: "Amanda? Này, Amanda? Louis? Emma?" Không nghe ai trả lời cả, anh sẽ đến phòng của chúng. Bọn trẻ sẽ bảo rằng nàng không có trong đó.

 

Nổi cáu, anh sẽ tìm cách liên lạc với nàng qua điện thoại cầm tay của nàng. Một, rồi hai, ba, bốn tin nhắn.

 

Cho đến bao giờ thì sự tức giận sẽ phải nhường cho sự lo âu nhỉ? Lát nữa, lúc trời tối dần? Sáng mai, anh ấy sẽ qua hỏi bên nhà hàng xóm chăng? Rồi anh có đến báo cảnh sát không? Họ sẽ bảo anh phải chờ bốn mươi tám giờ đồng hồ, thời hạn do luật lệ định ra, rồi sau đó mới bắt đầu cuộc tìm kiếm. Rồi thời gian sẽ qua đi. Nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng. Rồi sẽ có những tấm áp phích nhỏ có dán hình của nàng niêm yết lên các bờ tường ở thành phố.

 

 Amanda, mất tích ngày 22 tháng 4.

 

Cửa ra vào mở ra, rồi đóng sập lại. Louis ném cặp ở hành lang rồi bước vào nhà bếp. Mẹ cậu ta ngồi đó, mắt nhìn bâng quơ vào khoảng không.

 

– Mẹ ơi, có gì ăn không mẹ? Con hy vọng rằng mẹ không quên là con có trận đấu bóng chuyền lúc 2 giờ chiều chứ mẹ?

 

Amanda ngước nhìn con trai. 

 

Đồng hồ trên tường chỉ 12g40. Trên bàn, ba giọt cà phê đã khô ran.

 

Sandra Dullin

(Tháilan dịch)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
An lớn lên bên cạnh mẹ từ tấm bé, đến khi có trí khôn hiểu biết em cũng chỉ thấy có mẹ. Em không thắc mắc dù trên khai sinh của em tên cha là vô danh. Một đôi lần hiếm hoi lúc mẹ con gần khít bên nhau, rảnh rang như đi hè, ngồi trên bãi biển, trời cao gió mát, biển mênh mông, An vô tình hỏi mẹ vô danh là gì? Mẹ trả lời là không có tên, rồi mẹ cũng giải thích thêm là, ba đi buôn bán xa, tận ngoài Bắc hay đâu đó, bên tàu bên tây, đi lâu quá là lâu rồi, cũng quên liên lạc về nhà nên phải khai như vậy, đặng con có giấy khai sinh đi học...
Thỉnh thoảng, tôi vẫn hồi tưởng lại thời gian hai năm dịch Covid hoành hành, chuyện khẩu trang, cách ly, hand sanitizers, vaccine Pfizer, Astrazeneca... đặng mai mốt còn kể lại cho đám cháu chắt nghe. Chúng sẽ không thể tưởng tượng nổi những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua, lo lắng, buồn phiền, âu sầu với những hệ lụy còn kéo dài sau đó. Nhưng hôm nay tôi xin nhớ lại chuyện vui, dẫu sao cũng là chút “điểm sáng vui vẻ” trong những tháng ngày u ám đó...
Chúng tôi rời toà nhà “Tuyên Bố Độc Lập” để đến Quảng Trường Lịch Sử xem chiếc Chuông Tự Do (Liberty Bell) nổi tiếng. “Chuông Tự Do” với đường nứt của nó đã dính liền với nhiều biến cố lịch sử. Những câu chuyện về chuông đôi khi đã trở thành huyền thoại rất nhiều thú vị và cũng đã gây nhiều tranh cãi. Một điều chính yếu mà mọi người công dân Hoa Kỳ không ai chối bỏ và hãnh diện, đó là: “Chuông Tự Do” là một biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ...
Gia đình tôi có sáu anh chị em. Trước 1975, bố tôi là một công chức, mẹ tôi nội trợ, cho nên cuộc sống rất thanh bạch. Cả nhà theo Đạo Phật kiểu truyền thống gia đình, giống như nhiều gia đình Việt khác. / My family has six siblings. My life was very simple before 1975 because my father was a civil servant and my mother was a housewife. Like many Vietnamese families, my entire family practices traditional Buddhism....
Căn nhà của cha mẹ tôi dựng trên một khu đất rộng, chung quanh có hàng rào, là những cây chè tàu được cắt ngay hàng thẳng lối, có cổng ra vào được xây cao, có bức tường thành bằng quánh bao bọc...
Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa / Cho lòng già nặng sầu thương / Con đi say tình viễn xứ / Đâu có quên tình cố hương...
Tháng 5, tháng diễn ra lễ mừng Mother Day ở nhiều nước trên thế giới. Đó là ngày nhắc nhở để nhân loại biết tôn vinh người Mẹ và tình mẹ...
Gửi đến Mẹ tình yêu của con / Mong Mẹ nơi xa ấm linh hồn / Đời con kể từ khi vắng Mẹ / Chẳng còn nỗi buồn nào buồn hơn...
Bên ngoài trời mưa tầm tã. Cửa đóng kín nhưng trong nhà vẫn nghe tiếng gió giật từng cơn. Vinh nhìn lên đồng hồ treo tường thấy đã chín giờ tối, như vậy cơn mưa đã kéo dài hơn hai tiếng. Nếu trời không mưa giờ này chắc Vinh vẫn còn ngồi ở quán cà phê nói chuyện với anh em cho qua thì giờ vì vợ con đã về quê, hết giờ làm về nhà thấy trống vắng buồn bã. Cầm ly trà lên, Vinh uống hết một chút còn lại...
Sau ngày chính quyền VNCH sụp đổ, chồng tôi phải đi tù bảy năm. Mãn tù, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, chồng tôi đưa gia đình đến sống ở một xã kinh tế mới thuộc tỉnh Phước Tuy cũ, đó là xã Xuân Sơn. Hồi ấy, xã này mới được khai phá, đất đai còn hầu hết là núi đồi hoang dã, ngay cả cái tên xã cũng còn xa lạ không mấy ai biết đến. Nhưng xã Xuân Sơn lại nằm giáp cạnh một cái xã khác danh đã nổi như cồn, gần như cả miền Nam đều có nghe tới: xã Bình Giả...
Mấy năm qua bị con Virus Corona hoành hành, một phần bị cách ly một phần sợ bi lây nhiễm nên tôi phải bó gối nằm nhà, bế môn tỏa cảng, không dám đi đâu, bạn bè không thăm, người thân không tới. Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung có anh chàng "độc cô cầu bại" thuộc loại đệ nhất cao thủ võ lâm mỗi lần đấu võ chỉ cầu thua mà không được, tôi làm "độc cô cầu bạn" sáng nghe chim hót, chiều ngắm hoa nở, tối về ôm sách vở, cầu gặp được bạn bè thân thiết mà không được. Nên khi vừa hết cách ly tôi liền tới thăm người bạn thâm niên của tôi...
Từ New York, tôi bay về San Jose thăm mẹ. Trong bữa cơm tối, lòng tôi nặng trĩu lo nghĩ nên im lặng không gợi chuyện như thường lệ. Đã mấy tháng trời, ngày nào cũng bão tuyết, hàng họ ế ẩm, tiệm vắng không một bóng người. Khủng hoảng kinh tế lan tràn làm nhiều khách của tôi dè dặt, không dám ăn xài. Tôi về nhà hy vọng sẽ khuây khoả, để quên hết những phiền phức, để không khí ấm cúng gia đình xoa dịu những ưu lo đã khiến tôi khó ăn khó ngủ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.