Hôm nay,  

Ba giọt cà phê bé tí...

05/10/202220:54:00(Xem: 1967)

Truyện dịch

woman-sorrow-38387917


Bình lọc cà phê nhãn hiệu Ý đang sôi sùng sục trên bếp ga. Amanda tắt bếp, cầm cái quai bằng nhựa đen, rồi đến bàn, chế cà phê vào tách, đặt bình lọc lên trên miếng lót bằng kim loại. Nàng kéo cái ghế màu hồng hoa tulip kêu ken két trên nền gạch, ngồi xuống, bỏ một viên đường vào tách, nhìn nó tan dần, với lấy cái muỗng nhỏ trong lọ sành và khuấy cà phê. Bàn tay nàng run run, cái muỗng tuột ra. Cà phê bắn lên, và ba giọt bé xíu rơi trên bàn gỗ trắng. Amanda đặt ngón tay trên một giọt, nhìn đăm đăm. Đồng hồ treo tường chỉ 9h05.

 

Nàng chọn cái túi du lịch bằng da cũ kỹ, có dây khóa kéo một bên. Cái túi này từng đi Việt Nam, đi Pouilles, đi Phi Luật Tân, đã đựng bao nhiêu là vật lưu niệm. Những cái tượng nhỏ, khăn quàng, mứt kẹo... là những món quà ngộ nghĩnh cho cha mẹ và cô em gái của nàng. Nàng mở tủ, lấy chiếc váy màu hoa cà có dây đeo nhỏ, và váy màu đen nữa, dáng nàng thật thanh tao khi mặc hai cái này. Nàng đặt chúng vào túi, rồi thêm ít áo quần nữa. Và kéo khóa cái túi lại, khi cầm lên, nàng có cảm giác sần sùi trên tay. Rồi tiếng ổ khóa kêu cách khi nàng đóng cửa lại. Một âm thanh khô khan, không vang. Leo xuống hai tầng lầu mới đến cửa ra vào. Amanda đẩy cánh cửa nặng chịch ra, không khí bên ngoài thật mát dịu, nàng kéo cổ áo khoác cao lên. Bước chân vang trên vỉa hè dọc theo khóm hoa cẩm tú cầu. Nàng hít một cách mê say hương của hoa xoan và hoa nhài Nhật Bản. Bầu trời xanh mướt, một màu xanh thẫm. Thật là một ngày vô cùng tươi đẹp đây.

 

Khi nàng bước đi trên đường, một cô bé nhìn nàng và mỉm cười, rồi một người đàn ông nhìn ngắm nàng hơi lâu. Là một anh chàng tóc nâu xoắn thật điển trai, tóc giống hệt Marc khi anh ta còn trai trẻ. Chiếc taxi đang đậu ngay đây, chờ nàng.

 

– Xin chào, vui lòng cho tôi đến phi trường.

 

– Dạ vâng ạ, ngay tức thì đây ạ – người tài xế tươi cười trả lời.

 

Khi nàng vào trong xe, giọng ông ta hỏi dịu dàng:

 

– Trời hôm nay đẹp nhỉ. Cô đi nghỉ hè à?

 

Xe chạy lướt qua các khu phố. Ở đại lộ chính, những gian hàng chất đầy đồ dệt và đồ vật trang trí được bày biện trên vỉa hè. Vài người khách bộ hành, đi ngang thoáng qua, ngừng lại, rồi lục tìm xem có thể sở hữu được một đồ vật nào đó không. Một chiếc gắn máy Vespa vượt qua họ. Xe màu xanh nhạt. Là xe của Fabrizio, anh họ của nàng lúc anh ta hai mươi tuổi, có cái đèn pha tròn to bự gắn ở phía trước xe. Nàng thì ngồi phía sau, họ chạy hết tốc lực trên các đường phố ở Naples. Mỗi khi anh nhấn ga, cái váy của nàng bay bổng lên, nàng cười vang, ôm chặt lấy anh, và nghe mùi chiếc áo khoác ngắn bằng da của anh.

 

Xe taxi vào một con hẻm, quẹo trái và đi dọc theo quảng trường. Hàng cây đoan chưa trổ bông. Một cô bé ngồi ở bờ một đài phun nước và vỗ nước vào đôi tay bé. Mỗi khi có nước bắn ra, cô bé cười như nắc nẻ. Bé Emma mặc áo đầm đỏ có dây đeo, mái tóc bù xù, hai má hồng lên vì háo hức. Những tiếng la hét vui cười của bé xen lẫn với tiếng la của Louis, cậu anh sinh đôi của bé, mũ thì đội lệch, kiếm thì đeo chéo qua vai, thật tuyệt trong vai hải tặc của bé. Những màn chơi tát nước trong vườn biệt thự Lilas. Tấm thân nhỏ bé của chúng mà nàng thọc léc, ghì chặt rồi ôm hôn khắp người chúng.  "Mẹ ơi, Mẹ ơi", những tiếng gọi đầy lo âu vang dội khắp ngôi nhà. Những bước chân vội vàng của chúng trên cầu thang bằng đá. Nhịp tim đập nhanh của chúng vang lên sát làn da của nàng. Rồi "mọi việc ổn thôi, các con ạ, mẹ đây nè". Giờ đây chúng thay đổi nhiều quá. Những giờ phút thân mật, âu yếm bên nhau bây giờ đã xa, chỉ còn sự trống vắng, sự lặng thinh. Đã bao lâu rồi các con và nàng chưa từng cười đùa với nhau hoặc nói chuyện cùng nhau nhỉ? Vừa về đến nhà, chúng trả lời mẹ một cách nhát gừng rồi chui vào phòng. Đó là cái hang bí mật của chúng, nơi chúng liên lạc với bạn bè qua điện thoại và máy vi tính. Chúng đang sống trong thế giới của chúng. Không có chỗ cho nàng. Bị ra rìa, bỏ rơi.

 

Xe ngừng trước sân nhà thờ. Cái cổng hình vòng cung, cánh cửa gỗ có hình thập giá, nơi đã cử hành lễ cưới của nàng và anh. Chiếc áo váy dài trắng tinh, bó hoa hồng trên đôi tay mang bao tay trắng, những cánh hoa đỏ rơi trên nền đất, chiếc khăn voan bằng tuyn rộng dài phất phơ theo gió, xoay xoay rồi bay đi mất.

 

Xe lại tiếp tục lướt nhanh, chui vào đường hầm, rồi một đường hầm nữa. Ánh sáng, màn tối đến, ánh sáng, rồi tối.

 

Từ lúc nào nàng đã không còn yêu anh nữa? Không có ngày tháng, không có thời điểm nhất định. Những câu nói gây tổn thương, những lần vắng nhà lặp đi lặp lại, những điều ẩn ý. Một chút rạn vỡ. Rồi dần dần lớn nhanh ra. Đến một ngày thì đã quá trễ để hàn gắn lại vết nứt. Rồi chỉ là sự im lặng, và cảm giác trống vắng, chôn thật sâu, ngay đây, ngay bên trong thân thể nàng.

 

Khi Marc được thăng chức, họ đã không còn ở biệt thự Lilas nữa. Trong khu nhà hiện nay, nàng không quen biết ai cả. Đôi lúc nàng chỉ gặp người này người nọ. Có khi gặp cô thiếu nữ có mái tóc dài màu hung ở cùng tầng lầu với gia đình nàng, cô gái chơi đàn cello. Nàng thích điệu nhạc êm dịu, u sầu ấy. Rồi lúc xưa ở Prague, ở quảng trường Phố Cổ, một phụ nữ cũng kéo đàn cello , và một người đàn ông ngâm thơ. Dây đàn lướt theo nhịp của vần thơ. Đó là lần đầu tiên nàng đi du lịch mà không có cha mẹ đi cùng, với cô bạn Cathy...

 

Một tiếng còi hú vang lên từ xa. Rồi gần hơn, to dần lên, và trở nên inh ỏi. Chiếc xe cứu thương chat vượt qua họ, trên mui xe đèn đỏ báo hiệu chớp liên hồi. Cái áo bờ lu khi nàng là y tá. Những hành lang dài của bệnh viện, đôi giày trắng bằng chất dẻo kêu kin kít trên nền thảm nhựa, cái xe chuyển đồ vật chất đầy băng gạc, kim chích, thuốc thang nàng đẩy từ phòng này qua phòng kia, nụ cười của những bệnh nhân, những lần nghỉ giải lao, những trận cười ngặt nghẽo với cô bạn Rita có tài kể chuyện rất có duyên.

 

Đường sá bây giờ lại vắng vẻ. Một đường thẳng tắp thật dài . Những thảm cỏ và những khoảng đất trống, không có nhà ở.

 

– Trạm nào đây cô? – Người tài xế hỏi.

 

– Trạm 1.

 

Ở phi trường, người người đi đi lại lại liên tục. Chuyến đến, chuyến đi. Người thì đẩy xe chở hàng đầy nhóc hành lý, kẻ thì kéo vali có bánh xe. Nàng tiến đến bảng ghi các chuyến bay, tìm số chuyến của mình. Juárez Mexico, Cửa số 7.

 

Người nữ nhân viên ở quầy làm thủ tục hỏi nàng:

 

– Cô có hành lý để gởi không?

 

– Tôi chỉ có một hành lý.

 

Túi du lịch màu nâu to đùng đã mòn nhiều vì những lần nàng đi chu du khắp nơi rung rinh trên băng tải. Nàng nhìn nó trượt đi xa, rồi mất hút. Nàng bước qua các cổng kiểm soát, rồi đến ngồi ở chiếc ghế nhìn ra khung cửa kính nhìn ra đường băng và quan sát những máy bay liên tục lăn qua, lướt lại. Một chiếc lăn bánh dần vào đường bay, định tọa độ, ngừng lại, rồi tăng tốc, nghiêng cánh và bay vút lên. Rất nhanh sau đó sẽ chỉ còn là một chấm nhỏ, để lại phía sau những vệt trắng dài mảnh như sợi chỉ.

 

Trên loa phóng thanh vang lên tiếng gọi: "Xin mời quý khách đi Juárez Mexico bước ra cửa để lên tàu".

 

Nàng bước đi, trước mặt là một hành lang dài. Nàng ngừng bước, quay lại, và do dự. Bước vài bước trên đường bay, rồi leo lên cầu thang máy bay. Ngay cửa vào tàu, cô tiếp viên mỉm cười chào nàng. Nàng tiến đến ghế ngồi của mình, đặt túi đeo tay xuống và ngồi cạnh cửa sổ.

 

Qua cửa kính máy bay, những chi tiết mờ dần, và mặt đất chỉ còn là một bức tranh ghép mảnh. Những hình vuông màu nâu, xanh lá, vang càng lúc càng trở nên nhỏ dần, rồi biến hắn dưới mảng mây bông phơn phớt xanh trời...

 

Amanda nhìn đồng hồ đeo tay. Vẫn còn quá sớm. Louis sẽ về nhà trước nhất. Nó có ngạc nhiên khi thấy vắng mẹ không nhỉ? Chắc là ngạc nhiên hơn khi thấy màn cửa sổ phòng khách chưa được kéo ra. Nó sẽ mở tủ lạnh, lấy chai sữa chua uống rồi chui vô hang của nó. Mười lăm phút sau là đến lượt Emma. Nó sẽ vào bếp, lấy cái tô đồ ngũ cốc ướp mật ong rồi chan sữa lên. Ăn xong, nó sẽ để cái tô không trên bàn, đến gõ cửa phòng anh nó và hỏi: "Anh biết Mẹ đâu không?" Giọng của nó không hề biểu lộ một mảy may lo âu nào. Lát nữa kìa, rất rất lâu sau đó, khi sắp đến giờ cơm tối, thì đứa này rồi đứa kia sẽ tìm cách nói chuyện với nàng qua điện thoại. Những mẩu tin gãy gọn, vẻ bực dọc: "Này Mẹ, Mẹ ạ, Mẹ đang ở đâu vậy?"  "Mẹ ơi, Mẹ có thể trả lời con không? Mẹ đang làm gì vậy?" Và rồi, đến phiên Marc về. Tiếng leng keng của chùm chìa khóa trong cái đĩa bằng thủy tinh.

 

Anh ấy sẽ ngạc nhiên vì không nghe thấy mùi thức ăn trong bếp và cái bàn trống trơn. Anh sẽ gọi: "Amanda? Này, Amanda? Louis? Emma?" Không nghe ai trả lời cả, anh sẽ đến phòng của chúng. Bọn trẻ sẽ bảo rằng nàng không có trong đó.

 

Nổi cáu, anh sẽ tìm cách liên lạc với nàng qua điện thoại cầm tay của nàng. Một, rồi hai, ba, bốn tin nhắn.

 

Cho đến bao giờ thì sự tức giận sẽ phải nhường cho sự lo âu nhỉ? Lát nữa, lúc trời tối dần? Sáng mai, anh ấy sẽ qua hỏi bên nhà hàng xóm chăng? Rồi anh có đến báo cảnh sát không? Họ sẽ bảo anh phải chờ bốn mươi tám giờ đồng hồ, thời hạn do luật lệ định ra, rồi sau đó mới bắt đầu cuộc tìm kiếm. Rồi thời gian sẽ qua đi. Nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng. Rồi sẽ có những tấm áp phích nhỏ có dán hình của nàng niêm yết lên các bờ tường ở thành phố.

 

 Amanda, mất tích ngày 22 tháng 4.

 

Cửa ra vào mở ra, rồi đóng sập lại. Louis ném cặp ở hành lang rồi bước vào nhà bếp. Mẹ cậu ta ngồi đó, mắt nhìn bâng quơ vào khoảng không.

 

– Mẹ ơi, có gì ăn không mẹ? Con hy vọng rằng mẹ không quên là con có trận đấu bóng chuyền lúc 2 giờ chiều chứ mẹ?

 

Amanda ngước nhìn con trai. 

 

Đồng hồ trên tường chỉ 12g40. Trên bàn, ba giọt cà phê đã khô ran.

 

Sandra Dullin

(Tháilan dịch)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.