Hôm nay,  

Bụi đời trong mắt tôi

04/05/202211:07:00(Xem: 3820)


Bụi đời trong mắt tôi
 

HT Thích Thái Hòa
 
blank

Mỗi khi ngồi vào bàn vi tính (computer) để làm việc, tôi ngồi thật yên lắng, chắp tay lại, sau đây:
 

“Làm việc bằng vi tính
xin nguyện cho mọi loài
biết sử dụng khoa học
làm sạch cõi trần ai”.
 

Cõi trần ai là cõi của bụi nên ở đâu ta cũng thấy không khí bị ô nhiễm, hơi thở bị ngột. Ngột từ gia đình đến xã hội và tôn giáo.
 

Bụi không đơn thuần chỉ thuộc về vật chất mà còn là thuộc về tinh thần nữa.
 

Những âm thanh không lành mạnh, không trong sáng, ta nghe làm cho ta vẩn đục tâm hồn. Chính âm thanh ấy là bụi. Những hương vị và mùi vị không trong sáng, không lành mạnh, ta tiếp xúc, làm cho ta vẩn đục tâm hồn. Chính hương vị và mùi vị ấy là bụi.
 

Những sự nhớ nghĩ nào làm cho ta u ám và vẩn đục tâm hồn, thì sự nhớ nghĩ ấy là bụi.
 

Bởi vậy, bất cứ sự tiếp xúc nào mà làm cho ta bị vẩn đục tâm hồn, thì sự tiếp xúc của ta đều là sự tiếp xúc với bụi.
 

Nên, bụi rất thô mà cũng rất tinh tế. Bụi thô ta dễ nhận ra để khắc phục, nhưng bụi bặm tinh tế và thẳm sâu, ta rất khó nhận ra, khó phòng hộ và rất khó tẩy trừ, nếu ta không thiết lập bản nguyện bằng những quyết tâm và định tâm.
 

Bụi đời được tạo nên không đơn thuần là những hạt bụi vật chất mà còn là những hạt bụi của tâm.
 

Ở nơi nào có đất, ở nơi đó có bụi của đất; ở nơi nào có nước, ở nơi đó có bụi của nước; ở nơi nào có lửa, ở nơi đó có bụi của lửa; ở nơi nào có gió, ở nơi đó có bụi của gió; ở nơi nào có không khí, ở nơi đó có bụi của không khí; ở nơi nào có nhận thức, ở nơi đó có bụi của nhận thức; ở nơi nào có hiểu biết, ở nơi đó có bụi của hiểu biết; ở nơi nào có ngôn ngữ, ở nơi đó có bụi của ngôn ngữ; ở nơi nào có tâm thức vận hành, ở nơi đó có bụi của tâm thức vận hành; ở nơi nào có tình cảm ở nơi đó có bụi của tình cảm.
 

Vì bụi bặm có mặt cùng khắp như vậy, nên người xưa đã gọi cõi nầy là cõi trần ai hay là cõi bụi đời.
 

Ta sống trong cõi bụi đời như vậy, mở mắt ra thì mắt ta bị xốn, nhưng nhắm mắt lại mà bước đi, thì bị sa ngã hố hầm, rơi vào cạm bẫy.
 

Nên, sống giữa trần ai, nhắm mắt hay mở mắt, ta không thể thoát ra khỏi tình trạng của bụi bặm và những hiểm nghèo do bụi bặm đem lại. Chính đó là một trong những nỗi khổ căn để và thường tạo ra những bi đát cho thân phận con người.
 

Vậy, có hướng nào giúp ta thoát khỏi tình trạng ấy không? – Có chứ. Ta sống với niềm tin cao thượng và ta phải biết biến niềm tin cao thượng ấy trở thành hiện thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta, là ta có khả năng lọc bụi từ bên ngoài, khiến chúng không thể đi vào trong đời sống của ta một cách tự do.
 

Bụi đời đi vào trong đời sống của ta một cách tự do, là do ta sống không có niềm tin và hạnh nguyện nào cả. Hay chỉ là niềm tin và hạnh nguyện suông mà không biết biến niềm tin và hạnh nguyện trở thành những hành động thiết thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
 

Ta không biến niềm tin và bản nguyện trở thành hiện thực trong đời sống của chúng ta, thì đời sống của chúng ta chẳng khác nào một cái ghè chứa bụi và bất cứ loại bụi gì trong cõi đời nầy đều có thể rớt vào trong cái ghè chứa bụi của ta, khiến cho đời sống của ta chỉ là bụi với bụi.
 

Nên, ta muốn phòng hộ và chuyển hóa bụi bặm trong đời sống của ta, là ta phải sống có niềm tin hay bản nguyện, và phải biết biến niềm tin cao thượng hay bản nguyện ấy trở thành hiện thực trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
 

Ta phải biết thực tập niềm tin cao thượng hay bản nguyện luôn luôn đi kèm với chánh niệm hay chánh kiến.
 

Niềm tin cao thượng hay bản nguyện đi kèm với chánh niệm, là niềm tin hay bản nguyện ấy luôn luôn có mặt hiện tiền trong mỗi động tác sinh hoạt bình thường của ta. Ta ăn cơm hay uống nước, thì niềm tin hay bản nguyện ấy đều có mặt một cách rõ ràng trong hành động ăn, hay trong hành động uống của ta. Ta mặc áo quần, tắm rửa, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc cũng đều như vậy. Nghĩa là ta phải thực tập làm như thế nào đó, để niềm tin và bản nguyện của ta luôn luôn có mặt trong mọi động tác hằng ngày của ta, đó gọi là thực tập niềm tin cao thượng và bản nguyện đi kèm với chánh niệm.

Ta thực tập miên mật như vậy, thì mọi loại bụi đời không thể đi vào trong đời sống của ta và không thể khuất lấp niềm tin cũng như bản nguyện của ta. Ta có tự do đối với các loại bụi đời.
 

Ta cũng có thể thực tập niềm tin cao thượng và bản nguyện đi kèm với chánh kiến. Nghĩa là ta làm bất cứ cái gì là ta nhìn thật sâu sắc vào cái đó, để thấy được sự thật của việc ta làm ở nơi cái đó, khiến cho niềm tin và bản nguyện của ta không bị lầm lẫn mà sáng lên từ nơi việc làm ấy. Và không những chỉ sáng lên, mà còn thấy một cách tường tận những tập khởi nhân duyên và hiệu quả khởi sinh của niềm tin và bản nguyện, khiến ta không bị lầm lẫn giữa bản chất niềm tin và bản nguyện của nhân duyên nầy với nhân duyên kia; không lầm lẫn giữa những tác dụng niềm tin và bản nguyện của nhân duyên nầy với nhân duyên kia; không bị lầm lẫn giữa những hậu quả của niềm tin và bản nguyện nầy với niềm tin và bản nguyện kia; không lầm lẫn giữa căn bản niềm tin nầy với căn bản của niềm tin kia và không lầm lẫn giữa căn bản của bản nguyện nầy với căn bản của bản nguyện kia.
 

Thực tập theo phương pháp nầy, ta không những chỉ làm cho niềm tin cao thượng và bản nguyện của ta không bị rơi mất, trong từng niệm hiện tiền qua các sinh hoạt bình thường của cuộc sống, mà còn làm cho niềm tin cao thượng và bản nguyện của ta tươi nhuận và sáng lên từ những sinh hoạt bình thường ấy của ta, khiến cho những bụi bặm tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định không thể sinh khởi trong đời sống hằng ngày của ta.
 

Và trong đời sống của ta, các loại bụi bặm nầy không có điều kiện để bám vào, thì các loại bụi bặm của hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm cũng như những ngoại cảnh bên ngoài và những ảnh tượng hay ấn tượng bên trong, không còn chỗ để bám víu nơi đời sống của ta, nên khiến cho thân tâm ta có sự nhẹ nhàng, trong sáng và tự do một cách tự nhiên.
 

Do đó, ta phải biết thực tập niềm tin cao thượng hay bản nguyện đi kèm với chánh niệm hay chánh kiến, là ta có khả năng phòng hộ và chuyển hóa bụi bặm cho thân tâm ta, khiến thân tâm ta luôn luôn hòa điệu với nhau trong sự nhẹ nhàng, tươi vui và trong sáng giữa những bụi bặm của cuộc đời.

Ta sống không trong sáng và không tươi vui là do thân tâm ta bị bám đầy bụi đời.
 

Cũng vậy, chiếc máy vi tính của ta không hoạt động được là do chiếc máy vi tính đã bị bụi của vi tính bám vào quá nhiều, khiến cho máy mất hiệu năng và phương hướng hoạt động, hoặc máy có khởi động, nhưng không biểu hiện được những gì mà chức năng của máy vi tính vốn có.
 

Bởi vậy, trong máy vi tính có một bộ phận lọc và quét bụi, gọi là refresh.
 

Ta sử dụng refresh cho máy vi tính là ta giữ gìn sự trong sáng của máy, trước khi ta vào các chương trình và sau khi ta kết thúc các chương trình.
 

Cũng vậy, ta muốn giữ gìn sự trong sáng, nhẹ nhàng và đầy sức sống cho thân và tâm ta, là ta phải thắp sáng niềm tin, chánh niệm và chánh kiến cho thân tâm ta, trước khi ta hành động, trong khi ta đang hành động và lại tiếp tục sau khi ta đã hành động.
 

Ta thực tập miên mật như vậy thì tuy bụi đời có đó và ngàn đời vẫn có đó, nhưng chúng không hề gây được ảnh hưởng đến thân và tâm ta.
 

Dù ta đang có mặt giữa cuộc đời, ta vẫn ăn uống, nói cười, làm việc tiếp xúc với tất cả, nhưng ta vẫn có được những phong thái tự do, bởi vì trong ta đã có niềm tin, chánh niệm và chánh kiến hiện tiền hay đã có refresh bảo chứng cho ta trong từng khoảnh khắc của sự sống. Chúng ta không cần phải lý luận nhiều, chỉ cần nỗ lực thực tập đúng pháp, hiệu quả tốt đẹp tự nó sẽ dẫn sinh, mà không cần phải mong đợi.
 

Bấy giờ cuộc sống là hạnh phúc và ta là hạnh phúc trong cuộc sống ấy.
.
Nguồn: https://hoangphap.org/ht-thich-thai-hoa-bui-doi-trong-mat-toi/ 
.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hồi ấy, những ngày nghỉ học tôi hay theo cha tôi vào rẫy để làm phụ một số việc vặt. Tôi thích lắm, vì đó là cơ hội để tôi có thể mặc tình bắt chuột bắt chim. Chỉ trong tháng đầu kỳ nghỉ hè tôi đã bắt được cả chục tổ chim và một con rùa nữa...
Mấy nay thiên hạ xì xầm bàn tán về lão Tạ nhưng chẳng ai biết rõ nguồn gốc lão ta. Người thì bảo lão từ phương đông đến, kẻ thì nói lão bên tây qua bởi vì họ thấy phảng phất trong mớ chữ nghĩa của lão có bóng dáng đông lẫn tây. Lắm kẻ còn vẹo mồn nói mân nào cũng có mặt lão, tây đông đề huề, bắc nam lủ khủ, đạo đời nhập nhằng. Tuy nhiên tất cả chỉ là đồn đoán vu vơ, ngay cả cái danh xưng của lão cũng khiến người ta thắc mắc...
Những ngày cuối năm âm lịch, bận rộn nhiều việc: dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ, mua sắm, lo cúng lễ, chuẩn bị phong bì lì xì... nhưng tâm trí tôi vẫn nhớ về người anh thứ hai của mình. Tất cả tái hiện và trôi đi trong dòng nhớ miên man về những cái Tết đã qua trong đời từ khi mình có nhận thức lúc ở quê cũng như khi ra phố bên gia đình và mãi sau này khi làm ăn xa, đón Tết với vợ con...
Không phải lỗi của tôi. Vì vậy, tôi không thể gánh chịu. Tôi chẳng những không làm chuyện này mà còn không biết nó xảy ra như thế nào. Không mất hơn một giờ, sau khi họ kéo con bé ra khỏi giữa hai chân, lúc đó, tôi mới nhận ra có điều gì đó không ổn. Thực là sai lầm. Nó đen đến nỗi làm tôi kinh sợ. Đen nửa đêm, đen Sudan. Tôi có màu da ít đen, tóc đẹp, gọi là vàng lợt, và bố của Lula Ann cũng vậy. Không ai trong gia đình có màu da gần giống màu này. Tar là người gần giống nhất mà tôi có thể nghĩ đến, nhưng tóc của nó không hợp với da. Khác hẳn - thẳng nhưng xoăn, giống như tóc của những bộ lạc khỏa thân ở Úc. Có thể nghĩ con bé là một nhân vật tổ tiên đầu thai, nhưng đầu thai cái quái gì? Các người nên gặp bà tôi; bà theo phe người da trắng, kết hôn với đàn ông da trắng, không bao giờ nói lời nào với bất cứ con cái của bà.
Khi ta làm chuyện gì không phải ta đều sợ người khác chê cười. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Nhưng cũng có khi ta ngẫm việc đời thì phó mặc, cười hở mười cái răng. Cười hở mười cái răng thì hở cũng hơi nhiều thật, nhưng khi cười có ai kìm hãm được niềm vui bộc lộ. Cười thì cứ thoải mái cho nó muốn hở bao nhiêu cái thì hở, cho thấy nụ cười gắn liền với hàm răng...
Cô bé bỗng nghẹn lời làm Bách ngạc nhiên, anh mở hẳn cửa bước ra ngoài chưa kịp hỏi thêm thì Chinh đã quay ngoắt đi y như lúc nãy để bước lên thang lầu, nhưng lần này cô đứng gần Bách quá, chùm tóc đuôi ngựa của Chinh vùng vằng đã hắt vào mặt Bách, sự dỗi hờn vô cớ làm Bách càng thêm ngạc nhiên...
Chuyện vợ chồng Hạnh-Bằng cãi nhau, rồi goánh nhau (thực ra là chị bị goánh), rồi lại huề nhau vui vẻ “như chưa hề có cuộc… goánh nhau” xảy ra như cơm bữa, riết rồi trong con hẻm này, chẳng ai còn để ý nữa...
Chuyến về quê của tôi chỉ là đi từ Nam ra Bắc, vì tôi là một cư dân của Sài An, tức là Sài Gòn, nói văn vẻ dựa hơi Tràng An một tí. Đối với tôi, thành phố hoa lệ một thời mà tôi đã sinh sống từ thuở thơ ấu đến ngày bạc tóc hôm nay vẫn mãi là Sài Gòn. Và chỉ là Sài Gòn thôi...
Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc...
Tương truyền đây là những lời thơ Nôm mà vua Quang Trung phê vào sớ tâu của dân làng Văn Chương. Tờ sớ khá dài, trong đó nêu lên sự hư hoại gãy đổ bia tiến sĩ ở văn miếu. Người dân đồ đoán văn miếu bị tàn phá là do quân Tây Sơn trong lúc đánh dẹp họ Trịnh đã gây ra vừa đưa thêm giả thuyết do Trịnh Khải cho người phá hoại để đổ vấy cho Tây Sơn. Điều đáng nói ở đây là khi nhận sớ, vua Quang Trung chẳng những không giận dữ mà còn đích thân dùng chữ Nôm để phê với thái độ cầu thị vô cùng đặc biệt của ngài...
Mấy người khác đều thay nhau thử bồng nhưng đứa trẻ nhất quyết không chịu và cứ một mực đòi sư Khánh Vân. Sư Khánh Vân gọi chú tiểu Công Sơn lại bế thử thì người ta lại ngạc nhiên thấy đứa nhỏ nín khóc chịu cho bồng. Mọi người đều cười...
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.