Hôm nay,  

Quân Tử Cầm và Ông Lão Vườn Đào

03/01/202209:10:00(Xem: 2826)

Truyện ngắn

 

hoadao

 

Chiều cuối năm hiu hắt, cái nắng hanh hao, vàng vọt, lọt qua kẻ lá, kéo thành những vệt dài gầy guộc và ẻo lả. Gió ngoài sông Vân vẫn thổi từng chặp, từng chặp, khiến những cành đào mảnh mai như run lên cùng với cái lạnh mùa đông, cứ thấm từng chút một khiến ông lão cứ như giật mình thon thót.

 

Vườn đào năm nay đã thu hẹp lại, như cái bánh đa nhỏ, bị trẻ con gặm dần từng chút một, bởi hai, ba cái dự án gì đó kéo dài hết vệt đất bờ tây của sông Vân, chỉ còn chừa lại rẻo đất nhỏ như lòng bàn tay cho cái vườn hoa đào đã có từ bao đời nay của ông cố, ông nội, cha và bây giờ là của lão.

 

Căn chòi nhỏ, xiêu vẹo, nhưng lại được cất dựng công phu theo hình bát giác, kiểu những căn nhà nghinh phong, đón nguyệt, cầm ca, xướng hát của những bực thức giả hay trí nhân quân tử, hoặc giả người mai danh ẩn tánh, muốn tận hưởng kho “phong nguyệt” của trời đất, bỏ mọi chính sự, thế sự ngoài tai, tẩy rửa tâm hồn cùng thiên nhiên. Có lẽ cũng đã được làm từ rất lâu rồi. Cứ nhìn những cây cột, kèo, làm bằng tre gai đằm bùn và ngâm nước, lâu ngày láng bóng, đen như gỗ mun thì khắc biết.

 

Ông lão chủ nhân của căn chòi và khu vườn, người nhỏ nhắn, thanh mảnh như phụ nữ, trên mình luôn mặc bộ bà ba màu chàm. Điểm nổi bật của ông lão có lẽ là mái tóc trắng muốt, chải tém rất điệu nghệ, như một kép lão về già. Còn đôi mắt, lúc nào cũng như vời vợi buồn thương rất khó tả. Gia tài duy nhất trong căn chòi là cái hòm gỗ đen bóng, cùng cây đàn “Quân tử cầm” cũng đã lên nước bóng loáng vì thời gian và tay người chơi đàn.

 

Gió cứ lê thê lướt thướt làm run rẩy từng giọt nắng chiều. Vườn đào năm nay xơ xác, thất trắng vì bão lũ, duy chỉ còn một gốc đào già, sần sùi những nốt u, nốt nần, là chúm chím dăm chục nụ hoa hàm tiếu, màu hồng phơn phớt tím, như ngạo nghễ, thách thức cùng cơn gió cuối năm bực dọc và rét buốt.

 

Ông lão quí gốc bích đào này nhất. Cứ nhìn cách ông chăm chút, cắt lá, tỉa cành cũng đủ biết ông nâng niu gốc đào đến nhường nào. Theo lời kể bất chợt của lão, đây là gốc đào chiết từ cây đào mà vua Quang Trung đã mang về tặng công chúa Ngọc Hân từ ngày xửa, ngày xưa, khi mà ông cố của lão là lính cấm vệ trong kinh thành Phú Xuân. Nhưng mỗi khi có ai tò mò, vặn vẹo cặn kẻ, thì lão lại lờ sang chuyện khác. Phải chăng cái bí mật nửa kín, nửa hở của ông lão đã có từ thời ông cố của lão, khi vương triều của Tây Sơn rơi vào tay Nguyễn Ánh, và với chủ trương trả thù truy cùng, bắt kiệt, những người theo Tây Sơn, đã khiến ông cố của lão phải mai danh ẩn tích, cảnh giác và bí mật về thân thế của mình?

 

Duy chỉ có chiếc đàn “Quân tử cầm” ( ấy là theo cái cách gọi sang trọng của lão, khách thì gọi là đàn Nguyệt, hoặc nôm na là cây đờn kìm theo kiểu người Nam bộ) là lão kể tận tình gốc tích, sau khi đã sương sương gần bứt xị rượu đế.

 

– Trước khi nói tông tích, lai lịch của cái anh “Quân tử cầm” này, xin dạo anh nghe mấy bản “Xuân” và mấy bản “Oán” để anh “rửa tai” đã… Ông lão nói như tự giễu cợt.

 

– Dạ, dạ không dám! Xin được lắng tai nghe! Khách từ tốn trả lời.

 

Khúc Xuân trỗi lên, khách như nổi da gà. Nghe như có nắng ấm chan hòa, muôn hoa khoe sắc, và nổi bật cái màu bích đào của hoa, bắt người nghe phải hướng mắt về cội đào một cách kỳ lạ…

 

Rồi khúc Oán với tiếng réo rắt thảm sầu. Muôn ngàn cánh hoa lả chả, tơi tả trong cuồng phong thịnh nộ…Khách nghe như thấy đoạn trường của kiếp đời, nghiệp chướng, u uất đến tận tâm can.

 

Khách ngồi nghe mà lòng chìm đắm trong men say mơ màng, hun hút tiếng sóng, tiếng gió với bao thế sự thăng trầm qua lời kể của lão.

 

– Cái đàn Quân tử cầm này xưa vốn là của một cao tăng ở ngoại ô kinh thành Phú Xuân, là bạn thâm giao với tướng quân Trần Quang Diệu. Chỉ khi có vợ chồng tướng quân Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, cao tăng mới đưa đàn ra dạo những cung điệu của vùng An Khê thượng và cùng bàn luận việc nước rất tâm đắc. Nguyễn Ánh lên ngôi, vợ chồng tướng quân Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân bị trả thù một cách dã man. Cao tăng treo đàn phía sau Phật điện, bỏ đi vào núi. Lúc ấy, ông cố tôi cũng vừa chạy trốn vào chùa xin cưu mang. Cây đàn được giao cho cố tôi cất giữ cho đến đời tôi…

 

Ông lão bỗng ngưng kể đột ngột, đôi mắt trĩu buồn, nhìn xa xăm ra ngoài hướng sông Vân. Khách trịnh trọng rót thêm vào ly rượu, hai tay nâng lên kính cẩn mời ông lão:

 

– Mời lão uống thêm ly rượu cho đỡ… sầu bi.

 

Ông lão cầm ly rượu, uống cạn, không một tiếng khà. Giọng ông bỗng trở nên đờ đẫn, lắp bắp:

 

– Anh… anh biết không? Quân… Quân tử cầm cũng có linh hồn anh ạ! Gần cuối đời cố tôi, những sợi dây đàn khi khảy lên, không hề có âm thanh… anh ạ! Chỉ khi người con trai trưởng của cố tôi, mang đàn đến dẻo đất này, trồng xuống gốc đào ghép từ thời Tây Sơn, hay còn gọi là gốc đào tổ, cây đàn lúc đó mới lên tiếng. Anh biết không? Mùa đào năm ấy, đẹp như chưa bao giờ có. Ánh nắng cuối đông, đầu xuân như cũng nhuộm hồng, rực rỡ cùng với sắc thắm của đào. Một màu hồng đỏ ấm đến từng cọng cỏ, dấu rêu…

 

*

 

Mùa xuân năm ấy, ánh dương quang đầm ấm dịu dàng, cái màu sắc đẹp nhất của đất trời vào đầu năm mới, điểm xuyết bằng những hạt mưa phùn tha thiết bịn rịn, vương lên vai áo, tóc người cái ngan ngát của hoa, của hương, của khói trầm như tích tụ màu trời đất sau mùa hôn phối, long lanh mắt ướt và hây hây môi má, thắm đỏ, tươi tắn.

 

Một nữ khách đến thăm vườn đào trong những ngày đầu xuân ấy. Khách tuổi chừng độ nguyệt tròn, có lẽ lúc ấy tôi cũng độ mười bảy, sức trai phơi phới xuân thì, có thể quật ngã con trâu mộng, vậy mà… vậy mà tôi bỗng như cây sậy run rẩy, yếu đuối trước ánh nhìn rạng rỡ, tinh nghịch của khách. Nữ khách tóc chấm ngang vai, óng ả, đen mượt. Sợi tóc mỏng manh, mềm mại là thế mà… như trói buộc tôi đến tận bây giờ? Ông lão thở dài ngậm ngùi. Giọng như ngọn gió bị tàn cây cản lại, dồn cục, lào thào đến khó nghe:

 

– Anh biết không? Nữ khách xin gặp nội tôi và đòi mua cây đào tổ, gốc đào mang từ kinh thành về. Nàng sẵn lòng trả bằng mọi giá!

 

Nội tôi cũng là người hào hoa phong nhã, dù tuổi đã thất tuần, ông tinh quái hỏi nữ khách:

 

– Tôi sẵn sàng nhường lại cây đào tổ cho cô, nhưng cô phải… phải làm thiếp tôi, cô có chịu không?

 

Đang ngồi ngoài hiên hóng chuyện và ngắm trộm dung nhan nữ khách, trái tim non tơ của tôi như bị ngọn gió xuân phới phới, mơn trớn tơ tưởng một khuôn mặt đào hoa tuyệt thế của nữ khách. Nghe câu nói của nội, tôi bỗng bừng bừng… ngồi ngây như hóa đá…Trong nhà vẫn tiếng của nội tôi:

 

– Nếu cô bằng lòng, nội nhật hôm nay sẽ cho người mang hoa đến tận nhà cô và xin phép được rước…

 

Tai tôi như bị ù đi, tiếng trả lời của nữ khách tôi không nghe thấy. Nữ khách đứng dậy cáo từ, bước ra như tiên nữ từ trong tranh, mặt không hề biến sắc. Đôi mắt long lanh, môi hoa chúm chím. Đón nàng phía trước còn có một nữ đồng tay cầm dù hồng. Cả hai khoan thai yểu điệu khuất dần sau những nhánh đào ửng đỏ.

 

Nội trong nhà bỗng cười lên sảng khoái. Tôi oán trách nội:

 

– Người ta còn quá… bé mà nội…

 

Nội nghiêm nét mặt:

 

– Ấy là ta thử lòng người cũng như giá trị của gốc đào tổ. Ta già rồi, còn thiết chi… Ta muốn cô bé là… cháu dâu của ta đó! Ha… ha… ha…

 

Tôi lại chết lặng trong cảm giác ngất ngây, lâng lâng trong tràng cười sảng khoái của nội. Người không hổ danh là trí lự của dòng họ.

 

Cô bé ấy hẹn ba ngày sau sẽ đến trả lời, nội cho tôi biết vậy. Có lẽ nàng còn phải về trình báo lên song thân. Cuộc “mua bán”, trao đổi có vẻ huyền hoặc này không biết có thành sự thật hay không? Tôi như người sống trong khắc khoải chờ đợi, người nhẹ như chiếc lá, sợ cơn gió làm rụng đi lúc nào không biết.

 

– Tôi chờ và chờ đến bây giờ…

 

Tiếng ông lão bỗng giống như tiếng mưa rơi lào phào trên phiến lá non tơ của nhánh đào vừa biếc lộc.

 

*

 

Khách cứ ngây người ngồi nghe, lạc dần vào trang dã sử mà chỉ có những con người bình dân, chân đất, ngang tàng, nghĩa khí mới dám nghĩ ra và lưu truyền trong dòng tộc, cũng như việc mua bán gốc đào tổ đầy hồ nghi huyền hoặc của ông lão.

 

Cả vườn đào bỗng dậy thơm bảng lảng, gió như quấn quít, bịn rịn, không nở bay đi. Mưa tạnh. Ánh nắng đầu xuân nhuốm hồng phơn phớt. Ông lão đã nghiêng đầu lên chiếc gối mây, mắt lim dim ngủ. Khách nhẹ nhàng lấy cái chăn len đắp ngay ngắn trên ngực ông lão. Cầm lấy cây đàn, khách bỗng rùng mình như bị điện giật trước cái mát lạnh của cần đàn. Vuốt ve Quân tử cầm, khách thử búng ngón dạo khúc Hành vân. Nhưng tiếng bục, bục vang lên lạnh lẽo. Cái vô âm bất ngờ của cây đàn làm da gà của khách cứ nổi lên rờn rợn. Ông lão bỗng cựa mình và trên đôi môi thâm tái của lão bỗng rạng rỡ một nụ cười vô ưu như trẻ nhỏ.

 

Khách biết mình đạo hạnh kém cỏi, kính cẩn nâng đàn lên treo ở cột lớn của căn chòi. Bỗng một âm thanh náo nức, như khúc Nghê thường, hay phút giao hòa giữa trời đất, giữa đông xuân ấm áp ngân rung. Thấy trên chiếc kệ nhỏ có chiếc lư hương và thẻ nhang. Khách đốt lên nén nhang. Mùi trầm thơm tràn ngập.

 

Ngoài kia, những cành đào đã hé mở, trông như những đôi môi đào trong buổi chiều cuối năm rừng rực ráng đỏ…

 

Trần Hoàng Vy

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.