Hôm nay,  

Chuyện Chàng Nàng

03/01/202207:56:00(Xem: 2681)

Truyện ngắn  


h01

Chuyện hoa

 

Thuở còn là tình nhân, chàng chạy xe mấy trăm cây số đến thăm nàng. Chàng đem tặng nàng một cành hoa. Chỉ hoa thôi, không có lá. Thật ra, nàng thấy hoa giống cái lá màu đỏ. Hình như nàng chưa thấy loài hoa này bao giờ. Chàng nói:

 

–  Anh chọn hoa này vì cô hàng hoa bảo hoa này lâu tàn và… Chàng cười cười –  Giá cũng phải chăng.

 

Dạo ấy chưa có Google, nên nàng phải “truy cập” thông tin ngoài chợ. Đảo qua nhiều hàng tiệm, cuối cùng nàng biết, đó là Anthurium. Mãi sau này, tình cờ đọc trong tờ báo Việt, nàng mới nghe thêm tên Việt của hoa: hồng sơn môn.

 

Lại chuyện hoa

 

Mùa hè, chàng về đến nhà, mồ hôi nhễ nhại, tay bưng chậu tiểu hồng màu phấn thật đẹp. Nàng mừng rỡ đón chàng và đón lấy chậu hoa từ tay chàng. Nàng duyệt nhanh trong trí nhớ, xem hôm nay có sự kiện gì “vĩ đại” mà chàng tặng hoa. Ngày cưới đã qua. Chàng đã quên như thường lệ.

 

Nàng rạng rỡ:

 

– Cám ơn anh nghen. Hoa đẹp ghê. Có dịp gì đây anh?

 

– Dịp gì mà dịp. Anh ngồi trong xe ngủ gà, ngủ gật. Đến trạm chót, người ta xuống hết. Ông soát vé kêu anh dậy và chỉ chậu hoa. Anh nói, không phải của anh. Ông bảo, không sao, đây là trạm chót, anh đem về mà dùng.

 

Nàng nghĩ thầm, chàng, tuy không “ga lăng”, nhưng được tính thật thà.                    

 

Chuyện đàn

 

Nàng có học đàn guitar cổ điển, thỉnh thoảng đem đàn ra tính tính tình tang. Vui miệng, nàng rủ chàng học đàn. Chàng nói bằng giọng người Việt gốc… Nam:

 

– Ông bà mình hay nói đàn địch. Em đàn rồi thì phần địch để anh.

 

Nàng bực bực, đành cười trừ. Chớ gây gổ có được gì đâu. Trong những bài nàng hay tập, chàng chỉ nhớ mang máng được giai điệu của bài 14 trong cuốn Carulli. Chàng hỏi:

– Bữa nay sao chưa thấy em đàn cái bài gì mà từng tưng tưng tưng tứng tứng tưng

 

Nàng nhớ, có đọc bài thơ cách đây vài chục năm, khi nàng là còn bé tí ti, lời đối thoại giữa hai người.

 

Không là chúa, chẳng là vua,

Không là lính trận mà ra chiến trường!

Chỉ là nhạc sĩ lang thang,

Yêu đàn là một, yêu nàng là hai!

 

Chẳng ưa chúa, chẳng ưa vua

Chẳng ưa lính trận, chỉ ưa tiếng đàn!

Lấy chàng, nghe hát tình tang,

Còn hơn chung đỉnh giàu sang bất nghì!

 

Nàng ơi, thú thật tình si!

Yêu nàng, nói dối biết gì đàn đâu!

 

Chàng ơi, em biết từ lâu!

Lấy em, em dạy đàn sau ngại gì!

 

Nàng biết tài nghệ của mình, không hề có “tham vọng” dạy chàng đàn. Nhưng, nàng đôi lần ướm ý, rủ chàng đi học chung. Chàng nói, để coi, tới hồi nào mà anh biết đọc nốt, để phụ em lật trang trong khi em đánh đàn, là mãn nguyện rồi. Nghe chàng nói vậy, nàng mát ruột. Cho dù, cái “hồi nào” của chàng không biết đến bao giờ mới thực hiện.

 

Chuyện hát

 

“Gu” nghe nhạc của chàng nàng khác hẳn nhau. Ví dụ như chuyện phổ nhạc bài thơ của Hữu Loan,  Màu Tím Hoa Sim. Nàng mê mẩn Áo Anh Sứt Chỉ Đuờng Tà do Thái Thanh hát. Còn chàng nhất định, Phương Dung ca Những Đồi Hoa Sim mới “dzách lầu”.

 

Vậy mà, có lần họp mặt bạn bè, chàng và một ông bạn già lên song ca bài Mãi Mãi Bên Em của Từ Công Phụng, nói, để tặng hai bà vợ... hiền. Nàng cảm động quá, bèn đồng ca với chàng bài Biển Tình. Chàng, nàng tình tứ cầm tay nhau khi hát đến câu (và có sửa chữa đôi chút mà không xin phép nhạc sĩ) đời anh rất đẹp vì có em, đời em cũng đẹp vì có anh

 

Chuyện ngôn ngữ

 

Nàng vừa về đến nhà, chàng hí hửng khoe:

 

– Lúc nãy Ba qua chơi, Ba dọn “dường” của mình.

 

Nàng giật mình:

 

– Sao anh không dọn đi mà để Ba làm?

 

Chàng tỉnh bơ:

 

– Ba thích, để Ba làm chớ sao lại cản!

 

Nàng nhăn nhó:

 

– Ai mà lại để Ba dọn giường, coi sao được!

 

Chàng vỡ lẽ:

 

– Không, đâu phải dọn “dường” để ngủ, mà dọn “dường” để trồng hoa đó mà.


Nàng thở phào:

 

– May quá, chỉ là Trung Nam bất đồng.

 

Chàng cũng mừng:

 

– Hên thiệt, chớ không là bị “dợ” dũa cho te tua.

 

Chuyện trí nhớ

 

Chàng ngồi trước computer, nóng chân, bèn cởi chiếc vớ cầm nơi tay. Chưa kịp cởi chiếc thứ hai, nghe điện thoại reo. Chàng, tay cầm vớ, tay nhấc máy. Nói chuyện xong, nàng thấy chàng lom khom như đang tìm kiếm gì. Nàng hỏi:

 

– Kiếm gì vậy anh?

 

Chàng giơ giơ chiếc vớ trước mặt:

 

– Không biết đâu mất chiếc vớ rồi.

 

Nàng nhìn xuống chân chàng:

 

– Có phải còn nơi chân anh đó không?

 

Chàng phì cười:

 

– Ừ, đúng rồi.               

 

Chuyện nhìn nhau

 

Có lần đi chung với chàng mấy trạm xe điện ngầm, nàng lấy mắt kính ra mang, tính nhìn rõ trang quảng cáo trên báo. Nhưng nàng đổi ý, quay qua tán dóc đôi câu bâng quơ với chàng. Chàng phải xuống xe, chàng vuốt má nàng, nói: “Chiều gặp”. Nàng nhìn vào tờ báo. Nàng hơi hoảng, vì thấy chữ không được rõ như mọi khi. Nàng lo lo, không lẽ mình lên độ nhanh như vậy. Nàng không đọc nữa, nhìn mông lung ra cửa sổ. Nàng có cảm tưởng, hai người đối diện đang nhìn nàng khó hiểu. Chẳng lẽ họ chưa bao giờ thấy đàn ông Á Châu âu yếm vợ nơi công cộng. Hay là, hôm nay nàng duyên dáng, xinh xắn khác thường. Nhưng ánh mắt của họ không có vẻ gì đang chiêm ngưỡng nàng. Nàng nghĩ, không đọc sách nữa thì gỡ mắt kính xuống. Khi bỏ kính vào túi, tay nàng chạm phải miếng thủy tinh tròn cứng. Nàng rụng rời. Thì ra, nãy giờ, nàng làm… độc nhãn đại hiệp. Trời ơi, vậy là, lúc nãy “bịn rịn” chia tay, chàng đã bỏ mất phần đầu của một câu nói nổi tiếng: Yêu nhau không những chỉ nhìn nhau, mà cùng nhìn về một hướng…

 

 Chuyện  chu đáo

 

Nàng đi làm xa ở xứ nóng. Về nhà, đúng ngay ngày vào đông bất ngờ, tuyết trắng xóa. Nàng rất nhát lạnh. Đi đón nàng, chàng cẩn thận gói ghém áo lạnh và giày ống. Sau khi làm xong thủ tục chào đón nhau, chàng kéo va –li của nàng lại ghế. Chàng bảo nàng mặc áo khoác và đổi giày. Nàng xổ giày trong bao ra. Đích thị là một đôi giày ống mùa đông, có hai chiếc đàng hoàng. Nhưng, một chiếc màu đen, một chiếc màu nâu. Và, cả hai chiếc cùng là giày bên phải. Nàng không nhịn được cười:

 

– Anh coi nè, vầy thì làm sao  đây?

 

Chàng hơi quê, cũng cười:

 

– Ai mà biết em mua chi hai đôi giày giống hệt nhau như vậy.

 

Nàng giỡn cho chàng đỡ “xệ”:

 

– Không sao đâu anh. Chắc đôi ở nhà cũng bị lỗi như vậy.

 

Hôm đó, dù hơi bị lạnh chân một chút, nàng vẫn thấy vui lắm. Chàng hơi lơ đễnh một tí, nhưng quả thật chàng chu đáo chứ bộ.

                               

Chuyện dài ngày

 

Từ khi thằng con vào đại học, “ra riêng”, chàng nàng thấy nhà vắng quá. Bạn bè có người bảo, giống vợ chồng son. Người khác cãi, son nồi gì, giống tụi tui đây, như hai con khỉ già. Nàng nghĩ, hình như người bạn cãi có lý. Thỉnh thoảng, chàng ca ư ử: Tôi dới nàng, hai đứa già như nhau, mơ ước cùng dui cho đến ngày bạc đầu... Lâu lâu, nàng hát ê a: May mà có nhau, đời còn dễ thương...

 

Ngó đi, ngoảnh lại, chàng nàng góp tuổi hùn chung, nay đã tròn bách niên. Theo lịch trên tường, năm sắp hết, tết sắp đến. Nhưng, đất trời nơi chàng nàng ở, vẫn đang co ro trong tiết đông buốt giá. Nàng mượn mấy câu vè ngày xuân của anh bạn, để chàng nàng chúc tết lẫn nhau:

 

Tân niên xin chúc quý bà

Luôn tìm được chút Mình à, Mình ơi.

Dẫu rằng tuyết đổ, mưa rơi,

Vẫn luôn cần chút Mình ơi, Mình à.

 

Các ông dầu trẻ, hay già,

Chớ đừng quên tiếng Mình à, Mình ơi".

Dẫu đi khắp bốn phương trời,

Vẫn luôn nhớ gọi Mình ơi, Mình à".

 

 Hoàng Quân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.