Hôm nay,  

Nhớ Tiếng À Ơi

03/01/202214:30:00(Xem: 2580)

Truyện ngắn


h01 

              – À... à... ơi... tiếng ru muôn đời...[1]

                                                                                            

Đám bạn đồng nghiệp lao xao hỏi nhau, có nên đi Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chăng. Ban đầu, nhận được thư mời đi dự hội nghị nhân viên tài chánh của hãng, ai nấy vui như hội. Ba ngày sẽ họp hành liên miên. Nhưng buổi tối, sẽ có những màn tiệc tùng chiêu đãi rất xôm tụ. Trước khi đi một tuần, tình hình an ninh của Istanbul có nhiều biến động, do cuộc họp của Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Có những biểu tình phản đối, có xô xát đụng độ giữa cảnh sát và các nhóm quá khích. Hội đồng quản trị của hãng thông báo gấp, nếu nhân viên nào cảm thấy không yên tâm, có thể hủy chuyến đi, mặc dù cuộc hội nghị mang ý nghĩa quan trọng cho tất cả thành viên.

 

Tôi cũng đắn đo. Buổi tối nghe trên radio có một vụ nổ trên máy bay. Dù chẳng gây thiệt hại, nhưng mọi người hoang mang hơn. Thiên hạ gởi email, SMS tứ tung hỏi chuyện. Buổi sáng nghe tin mới trong ngày, có một vụ cướp phi cơ trên chuyến bay từ Munich đến Istanbul. Sau đó, người ta cho biết, đó chỉ là hành động điên rồ của một người đàn ông muốn làm áp lực với vợ.

 

Tuy đã nhận được “giấy phép đi đường” của chồng con, tôi vẫn băn khoăn hỏi quanh. Ai cũng nói, báo chí ưa thổi phồng tất cả, để thoả mãn tính tò mò và thói quen thích nghe tin “nóng” của độc giả. Mọi chuyện có thể xảy ra, bất cứ lúc nào, khắp nơi, chẳng kiêng nể ai. Tôi nhớ, hồi nhỏ có đọc truyện cười. Người kia, sợ chết, chẳng dám làm gì, chẳng dám đi đâu, vì sợ tai nạn xảy ra. Anh ta nằm ỳ trên giường. Vậy mà, cuối cùng anh ta tử nạn, vì lò xo giường đâm trúng người. Ừ, như người Việt mình hay nói, giày dép còn có số mà.

 

Xe buýt chở chúng tôi từ phi trường về khách sạn. Tôi không hề nhận ra không khí căng thẳng ngột ngạt như báo chí tường thuật. Đường phố có nhiều cây xanh. Nhà cửa khang trang tươm tất. Khách sạn ở bên bờ Bosphorus. Từ đại sảnh, bên những bồn hoa thiên điểu (Strelitzia reginae hay còn gọi là bird of paradise), tôi nhìn ra sông, phong cảnh thật hữu tình.

Buổi chiều, sếp tôi mách nhỏ:

 

– Có một người Việt Nam từ văn phòng bên Pháp. Cũng là controller. A nice guy. Lát nữa tôi dẫn Thi đến giới thiệu với cậu ấy nhé.

 

Tôi tròn mắt, hồi hộp. Có lẽ như một thói quen của người tây phương, sếp ưa dùng chữ nice. Riêng với tôi, hễ gặp người Việt, tất nhiên là nice hơn người... không phải Việt. Đang thèm nói chuyện tiếng Việt, được như vậy, buồn ngủ, quả gặp chiếu hoa đó chứ.

 

h02

                                               

Vừa lúc đó sếp vẫy tay, rối rít:

 

– Pierre, Pierre lại đây. –  Quay qua tôi –  Tôi để cho hai người đồng hương hàn huyên tâm sự nhé.

 

Thông tin của sếp thật chính xác. Pierre có ngoại hình của một người Việt. Pierre bắt tay sếp:

 

– Thank you for bringing the Vietnamese together. –  Nhìn tôi –   Hi Thi, nice to meet you.

 

Tôi nghĩ, không cần phải ngại sếp mà nói tiếng Anh với nhau, tuôn ngay một tràng:

 

– Chào anh Pierre. Mới nghe ông boss tôi kể về anh đó.

 

Pierre bỗng lộ vẻ bối rối:

 

– Sorry, I cannot speak Vietnamese.

 

Tôi chưng hửng, bèn lịch sự một cách nhạt nhẽo rằng:

 

– Chẳng sao, mình nói tiếng Anh với nhau cũng được.

 

Chúng tôi trao đổi bâng quơ đôi chuyện. Đại khái vào hãng này lúc nào, công việc ra sao, trước làm ở đâu. Hai người Việt nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Cùng nói tiếng Anh, Pierre phát âm, có mùi phô-mai Camembert. Tôi nói, có vị bún bò Mụ Rớt. Chung chung, câu chuyện chúng tôi nhạt như nước ốc. Pierre kể, cha của anh qua Pháp từ hồi người Pháp chưa biết Điện Biên Phủ ở đâu. Thuở đó, nơi kinh đô ánh sáng hiếm các cô gái Việt, ông đành lập gia đình với người em mắt nâu. Pierre kể, cha anh quê ở Konto. Tôi lờ mờ đoán có thể ông ấy gốc Cam Bốt. Sau một hồi Pierre cắt nghĩa lòng vòng tôi mới hiểu là, ông cụ quê ở Cần Thơ. Coi như tôi buồn ngủ rục cả mắt, mà manh chiếu này sao khó dùng quá. Tôi hết cả háo hức. Chẳng biết nói chuyện gì nữa. Chắc Pierre cũng đang tự hỏi, phụ nữ nơi quê cha mình sao mà nhàn nhạt, chẳng có màu sắc gì. Vừa lúc đó, có tiếng thông báo trên loa phóng thanh, mời mọi người về hội trường. Cả hai dường như cùng cố giấu tiếng thở ra nhẹ nhõm.

 

Buổi chiều, hãng đặt tiệc ở một nhà hàng lớn. Nhà hàng ngày xưa là lâu đài xây dở dang, bị trận hỏa hoạn nên thiệt hại nặng. Sau này, một tay có đầu óc kinh doanh với tài kinh bang tế thế, biến những bức tường ám khói thành nhà hàng cao cấp. Giữa sân chính, mọi người đang điên cuồng theo những điệu nhạc. Đám bạn đồng nghiệp lôi kéo rủ nhảy. Tôi cười cười, lắc đầu. Christian nói to như cố át tiếng nhạc:

 

– Thi chẳng bao giờ nhảy nhót sao?

                                                                                               

Tôi nửa gật, nửa lắc, ai hiểu sao, thì hiểu. Trời ơi, hồi mới qua Âu Châu, năm đầu khi học Đức ngữ, thuở đó, đâu có nhiều nhạc Việt Nam, chỉ có mỗi cuốn băng cassette Mây Bốn Phương. Đám học trò chúng tôi rộn ràng chachacha: đàn nhịp nhàng cùng nhau chung bước[2]. Với cuốn Khánh Ly Tango, tôi bao sân cả 10 bài, cho đến khi người coi máy thay băng nhạc khác. Bây giờ, tôi treo giò. Tại, ở đây không thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Tôi lững thững dạo ra phía bờ sông. Sát bờ sông, người của nhà hàng trải những tấm thảm lớn, có những gối lụa bên cạnh chân bàn. Laura và Anette mời mọc:

 

– Ngồi đây chơi với tụi này luôn.

 

Tôi sà xuống. Nói chuyện một tí, mới hay, Anette vì có bầu nên tránh nơi ồn ào, Laura đang thất tình nên tìm nơi vắng vẻ. Tôi hơi tức cười:

 

– Tôi chẳng ở vào trường hợp của cả hai bạn.

 

– Vậy Thi ngồi đây làm gì?

 

– Ngắm cảnh. – Tôi khoát tay chỉ ra sông.

 

Tôi cảm thấy hình như mình có cũng có lý do khi ngồi đây. Cám cảnh trăng nước, nên nhớ nước, thương nhà chăng. Tôi nhìn qua bên phần Châu Á của thành phố, bên Anatolien.

 

Biết tin đi Istanbul từ lâu, tôi dự định sẽ tìm hiểu thêm về thành phố liêu trai này. Nhưng vì cố tật lười, đổ tội cho bận bịu. Cho nên, đến đây chỉ nhớ mang máng rằng, Istanbul với hơn mười triệu dân, là thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul, thành phố với lịch sử hơn ba ngàn năm, ngày xưa là Constantinople, thành phố duy nhất trên thế giới trải dài trên hai lục địa: châu Á và châu Âu. Đến đây tôi còn biết thêm một điều: Con sông, hay đúng hơn, cửa biển Bosphorus ngăn thành phố trên hai phần lục địa. Ngồi bên bờ sông bên này, nhìn qua bên kia là châu Á, lục địa quê nhà tôi. Tưởng tượng, nếu cứ nhắm phía đông đi miết, là tới nhà. Trăng mười bốn sáng vằng vặc. Ánh trăng trải dài bàng bạc trên mặt nước. Nhớ ngày xưa còn nhỏ, tôi thích chạy theo trăng. Ngước mặt nhìn trăng, mình bước chậm, trăng kiên nhẫn đi theo, mình chạy nhanh, trăng cuống quít cho kịp.

 

Quay qua bên trái nghe xuýt xoa, fantastic. Quay bên phải nghe magnifique. Tôi ngồi giữa cũng muốn buột miệng: tuyệt vời. Tôi muốn được trầm trồ trong tiếng Việt thân yêu của mình. Bỗng dưng tôi thèm nói, thèm nghe tiếng Việt kinh khủng. Tôi nghĩ, mình có thể chơi ngông, lấy điện thoại di động, cho hệ thống sóng của Vodafone, chạy lòng vòng từ Đức qua Thổ Nhĩ Kỳ, tìm gặp sóng Turkcell. Cuối tháng, tôi sẽ nhận hoá đơn năm bảy đồng một phút. Chẳng sao! Tôi đã quen nộp tiền cho hãng điện thoại. Chi tiền cho sinh hoạt nghe và nói trên hệ thống viễn thông đối với tôi luôn là một chi tiêu chính đáng. Nhưng, bây giờ đã hơn 11 giờ đêm. Tưởng tượng chồng con đang ngái ngủ, sẽ tỉnh hẳn, hốt hoảng, tưởng tôi gặp chuyện gì ở đây. Rồi sẽ bực bội, nếu tôi nói, chỉ thích nghe và nói chuyện tiếng Việt. Bây giờ đang giữa tuần, ai cũng còn ngày dài trước mặt. Mặc cho tiếng nhạc điên cuồng bám theo, tôi thả hồn theo đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta[3].

 

*

 

Tôi tìm Anne, tính nói cho Anne biết tôi về phòng trước. Anne đang ngồi chuyện trò với người bạn đồng nghiệp. Anne vui vẻ:

 

– Thi à, giới thiệu với bạn, đây là anh Jacques, trưởng phòng Pháp Lý. –  Quay qua Jacques. –  Đây là Thi, tôi đã kể cho anh nghe đó.

 

– Chào em. Tôi nghĩ em tên Thi chứ không phải Ti.

 

Tôi ngạc nhiên quá đỗi, lẫn chút thích thú. Trong văn thư ở hãng, người ta viết đúng tên tôi, nhưng khi nói, phát âm nghe như Ti. Tôi chẳng buồn sửa đổi.

 

– Chào anh Jacques. Đúng rồi. Sao anh hay quá vậy?

 

Jacques kể chuyện, bằng tiếng Anh, nhưng thỉnh thoảng pha vài chữ tiếng Việt. Jacques làm việc với tư cách luật sư tư vấn cho một hãng thầu xây cất ở Sài Gòn hai năm. Nói chung, tôi ít có cảm tình với dân luật. Tôi có cảm tưởng như họ luôn “bẻm mép”. Có lẽ thói quen luồn lách giữa chữ nghĩa, luật lệ trong nghề nghiệp ăn sâu vào đời sống thường nhật của họ. Hơn nữa, hồi còn ở đại học, tôi ngất ngư con tàu đi, khi làm những chứng chỉ về luật kinh doanh thương mại. Xém mấy lần ca cẩm, “thi không ăn ớt thế mà cay.” Nói chuyện với Jacques một hồi, nghe Jacques kể chuyện ăn bún bò, ăn bánh bèo, ác cảm với dân luật dần đổi thành mỹ cảm qua Jacques. Jacques khoe, ở Đức, có lần thèm ăn phở quá, Jacques vào nhà hàng tàu, hỏi món phở. Chủ tiệm là người Việt, họ không có món phở trên thực đơn nhà hàng. Nhưng tình cờ, ngày đó họ nấu phở trong bếp nhà. Thấy Jacques ngồ ngộ. Họ đãi Jacques tô phở. Từ đó, Jacques thành người quen của tiệm. Tôi cố nén cười, khi chợt nghĩ đến câu chuyện ví von nhảm của cơm và phở. Không biết lúc ở Việt Nam có ai kể cho Jacques nghe, cơm là vợ, phở là bồ, sáng đưa cơm đi ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm là gì không.                                

 

Ngày sau, tôi phải bươn bả chạy theo tiếng Anh trong những bài thuyết trình, để đến giờ thảo luận nối tiếp khỏi “ấm ớ hội tề.” Mãi đến chiều mới được thong thả, lòng vòng dăm ba phút, hẹn nhau uống nước. Tôi bước vào tiệm cà phê, đang ngó quanh quất tìm chỗ trống. Đám bạn đồng nghiệp nhanh chân thiệt. Mới đó mà ai yên chỗ nấy rồi. Tôi định chạy lại phía Laure, vừa khi đó tôi nghe tiếng gọi, “Thi ơi!”. Tôi giật cả người. Đang định thần xem thử mình có nghe lầm chăng. Lại nghe, “Thi ơi, join us.” Tôi quay nhìn góc phải của tiệm, nhóm bạn đang cười vui, tay ngoắt ngoắt. Lúc đó, tôi thấy Jacques ngồi đầu bàn, đang nhích người vào bên cạnh:

 

– Thi ơi, come here.

 

Tôi đến ngồi bên cạnh Jacques, lại ngạc nhiên và thích thú, hỏi Jacques bằng tiếng Anh:

 

– Anh học chữ “ơi” này ở đâu vậy?

 

– Mấy năm ở Việt Nam, chữ ơi là chữ tôi học đầu tiên đó. Jacques vui vẻ.

 

Đám bạn đồng nghiệp lao nhao:

 

– Ơi nghĩa là gì?

 

Tôi chậm rãi giải thích:

 

– Ơi là tiếng đệm, tách riêng không có nghĩa cụ thể. Nhưng khi đi chung với chữ khác, nhất là với đại danh từ, hoặc tên riêng, đôi khi lại là tất cả.

 

Đám đồng nghiệp cười thích thú, kêu nhau ơi ới, sweetheart ơi, Liebling ơi… Mặc không khí ồn ào chung quanh, tôi ngồi im, tưởng tượng như được nghe, “Em ơi, bé ơi, cưng ơi.” Ui chao, nếu thọ đến trăm tuổi, tôi vẫn xao xuyến tâm hồn, khi nghe những tiếng à ơi của tiếng nước tôi.

 

Từ ngày đổi qua hãng này, tôi không còn cảm thấy khó chịu khi ai hỏi tôi từ đâu đến. Văn phòng của hãng ở Đức chưa tới 200 nhân viên, mà có gần 30 quốc tịch. Nhóm Controller ở München với một người Thụy Điển, một người Hy Lạp, một người Pháp. Tôi là người Đức duy nhất. Là người có quốc tịch Đức, nói tiếng Đức tương đối thành thạo. Họ cũng nói võ vẽ đôi câu tiếng Đức. Nhưng không cảm thấy thật sự cần thiết học thêm thứ ngôn ngữ khục khặc này. Tự nhiên tôi thành cầu thủ đá sân nhà. Tôi thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Đức, dù bây giờ trong công việc tôi ít xài. Có lẽ không sợ người Đức “thiệt” xét nét, táy máy sửa sai. Có lần Dimitri gặp vấn đề với nhà ở, hí hoáy viết thư khiếu nại rằng, nước không đủ nóng, lò sưởi không đủ ấm. Dimitri hỏi Erik lui tới hoài. Thấy Erik hết đường binh, Paul hướng về tôi:

– Sao mấy bạn không hỏi Thi? Tiếng Đức là Muttersprache (tiếng mẹ đẻ) của cô ấy mà.

 

Tôi cười:

 

– Giúp các bạn hả? Tôi sẵn sàng. Ờ, tôi xong trung học, đại học Đức. Thời gian tôi sống ở đây bằng thời gian tôi sống ở Việt Nam. Nhưng tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng Việt.

 

Tôi nói thầm trong bụng, tiếng Đức chắc giống tiếng mẹ… ghẻ. Bởi, tôi đã có lần dở khóc, dở mếu vì tiếng Đức. Lúc còn làm ở hãng cũ, tôi là thành viên duy nhất không phải Đức chính cống trong nhóm. Tôi đã cảm thấy cái sự “không quốc tế” của môi trường làm việc, dù đấy là phòng Tín Dụng Quốc Tế của ngân hàng lớn thứ hai ở Đức. Trong bản phân tích báo cáo tài chánh, chúng tôi dùng tiếng Anh. Nhưng đôi dòng tóm tắt lời bàn… Mao Tôn Cương, chúng tôi phải viết bằng tiếng Đức. Thật ra, đôi dòng tóm tắt đó chẳng đòi hỏi phải làu làu văn chương Bertholt Brecht, hay trơn tru chữ nghĩa Heinrich Böll. Thời gian đầu học việc, tôi lấy mấy tập hồ sơ cũ, những bộ đơn đã được hội đồng quản trị chấp thuận, đem ra nghiên cứu, lựa nhiều trường hợp tiêu biểu khác nhau. Mỗi trường hợp, tôi “chôm” một câu mẫu, rồi cứ vậy chỉ thay đổi chủ từ, túc từ tí tí. Còn động từ, tôi không đụng đến, vì biết các tiếp đầu ngữ trong văn phạm Đức ngữ nguy hiểm chết người. Làm ăn suôn sẻ như vậy. Đại đa số các đơn xin tín dụng tôi đều bàn vào. Lần nọ, tìm hoài không đủ lý do xin chấp thuận, tôi đành phải bàn ra, từ chối khoản hạn mức tín dụng vay nóng. Boss của tôi gật gù, cho tôi có lý, đồng ý như lời đề nghị của tôi. Ngày hôm sau, cô Bauer đồng nghiệp bên phòng Quan Hệ Quốc Tế, người đã gởi đơn xin cấp tín dụng cho một ngân hàng Nam Dương, gọi cho tôi. Vừa câu thăm hỏi ngắn gọn bài bản xong, cô đổi giọng hạch sách:

 

– Tại sao chị lại đề nghị từ chối đơn này?

 

– Mọi lý do tôi đã ghi rõ ràng. Xin chị cứ đọc kỹ trong khung tóm tắt.

 

– Tôi đọc rồi. Chị viết như vậy là sai. – Giọng cô Bauer gay gắt.

 

– Không đâu chị. – Tôi bắt đầu cảm thấy bực bội. Yêu cầu chị so sánh các con số trong bản báo cáo tài chánh.                                             

 

– Không phải tôi nói con số sai. Mà câu văn chị viết sai. – Giọng cô ta khiêu khích.

 

– Sai chỗ nào?

 

Tôi chột dạ. Vừa hỏi, vừa đọc lại mấy dòng chữ trong bộ hồ sơ:

 

– Tôi không thấy lỗi văn phạm nào cả.  – Tôi cố giữ giọng bình tĩnh.

 

Ngày xưa khi còn trung học Đức, thầy cô khó tìm ra lỗi văn phạm trong các bài luận văn của tôi. Nhưng có thầy cô đùa, văn phong Đức ngữ của tôi nghiêm chỉnh và hơi cổ hay đúng ra lỗi thời.                      

 

– Văn phạm không sai. Nhưng người Đức không nói như vậy.

 

Tôi thấy máu nóng dồn hết trên mặt. Tôi lên giọng:

 

– Vậy thì vấn đề ở đâu? Văn phạm đúng. Người viết là tôi. Tôi cũng là người Đức mà.–  Tôi giật mình, nghe chính miệng mình buông ra một câu quái đản, chẳng lọt tai. Bình thường, tôi không bao giờ nói ra câu này, mà không kèm thêm đôi lời thanh minh. Rằng, tôi chỉ là người Đức trên căn cước, giấy thông hành. Chứ tôi thực sự là người Việt.

 

– Ý tôi nói là người nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, sẽ không bao giờ viết câu văn như vậy. Cô ném cho tôi một câu chí tử.

 

– Chuyện đó tôi sẽ xem lại. Nhưng đó chẳng phải là lý do để thay đổi quyết định về bộ đơn này.

 

Tôi chấm dứt cuộc điện đàm bằng câu nói bị động và cảm thấy không ổn của cái sự người Đức mà không phải Đức của tôi.

 

Ralph, bạn đồng nghiệp ngồi đối diện, ban đầu không để ý. Nhưng đến những câu sau cùng, khi tôi bắt đầu lớn giọng, chăm chú nhìn tôi dò hỏi. Gác điện thoại, tay tôi còn run. Giọng tôi như nghẹn lại:

 

– Ralph, làm ơn đọc giúp tôi đoạn tóm tắt này và chỉ cho tôi cách viết khác cho chuẩn đi.

 

Dầu sau đó, Ralph đoan chắc với tôi, đó là câu văn rất bình thường, rất Đức. Rằng cô Bauer đã có cái biệt danh Hexe (mụ phù thủy), vì cái tánh nhọn mồm của cô. Tôi vẫn luôn cảm thấy không thoải mái, khi phải dùng tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ với những người Đức thật.

 

Mùa hè tôi bị dị ứng phấn hoa. Thấy tôi sụt sịt, hắt hơi, Ralph hỏi han:

 

– Bộ bị cảm cúm hả?

 

– Không, tôi bị dị ứng Pollen (phấn hoa).

 

Có lẽ tôi phát âm chưa đủ “đô”. Ralph cười tủm tỉm:

 

– Hồi giờ tui đâu có dè Thi kỳ thị chủng tộc, không hạp tụi Polen (Người Ba Lan) hả?

 

Tôi hiểu liền, xụ mặt xuống. Ralph liền nói ngay:

 

– Giỡn chút thôi, tôi hiểu Thi muốn nói gì. Nhưng, ráng uốn lưỡi lâu hơn một tí, vì hai chữ l ở giữa lận.

 

Tôi nói cám ơn, cảm thấy hơi hơi mắc cỡ.

 

Lần khác, bữa ăn trưa, tôi khèo khèo trái ô–  liu trong dĩa rau trộn, Ralph nhìn tôi:

 

– Đang nghiên cứu gì đó?

 

– Tôi không thích Olive.

 

– Ô, chắc anh Oliver sẽ thất vọng, khi biết Thi không thích anh ta.

 

Tôi tròn mắt nhìn Ralph, chẳng hiểu tại sao Ralph nói như vậy. Một giây sau, tôi hiểu, mím môi nhìn tránh ra cửa sổ. Ralph cười cười cầu hoà:

– Tôi rất thích nghe Thi nói tiếng Đức. So süß. Ngộ lắm. Thỉnh thoảng, Thi nhấn giọng hơi chệch một tí, tôi hiểu Thi. Nhưng vẫn thích hiểu lệch theo một tí. Nói vậy chứ, nếu tôi mà nói tiếng Việt, chắc có nhiều ngộ nhận kinh hoàng lắm, phải không.

 

Đương nhiên “cha nội”! Tiếng Việt của chúng tôi, mấy thanh dấu không đúng chỗ, hiểu lầm, hết biết đường gỡ. Chị bạn đi Mỹ về, vui vẻ dúi vào tay tôi dĩa hát:

 

– Mình có dắt về cho Thi một chàng TN đây.

 

Tôi cám ơn chị rối rít. Đúng tim đen của nàng rồi. Tôi mân mê dĩa nhạc. Vẫn tiếp tục chuyện trò với chị bạn về xứ cờ hoa. Nhưng mắt đang cố giải mã những dòng chữ li ti, ghi tựa những bài ca. Ờ, những bài hát tôi quen, tôi thích Mộng Du, Dốc Mơ. Mắt tôi gặp bản nhạc Hùng Hổ. Trời ơi, bộ hết nhạc hay sao mà ca sĩ lại hát bản nhạc nghe... thượng cẳng chân, hạ cẳng tay như vầy. Dù câu chuyện về phố Việt giữa đất Mỹ rất hào hứng, đầu óc tôi cứ lẩn quẩn quanh bài hát. Tôi tò mò quá sức, định mở miệng hỏi chị bạn cho phép mượn máy nghe thử, thì lúc ấy chị có khách đến. Tôi từ giã chị, phóng một mạch về nhà, để nghe cho được bản nhạc có mùi… bạo lực. Về nhà, tôi lọ mọ tìm cặp “kính lão” để đọc danh sách cho kỹ càng. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ô, thì ra, chàng trách nàng hững hờ, chứ không phải chàng hùng hổ. Xém chút, tôi hung hăng đòi “bỏ” chàng ca sĩ ruột vì tội chọn sai nhạc.

 

Phải vậy chứ. Tôi mơ màng nghe nhạc. Cho dù em không thương, cho dù em ghét bỏ, cho dù em phỉnh phờ… Cho dù em hững hờ... yêu rồi thì không quên, yêu rồi thì không nguôi… cho dù em hững hờ, tình này riêng tặng người thôi[4]. Chao ôi, tiếng Việt tuyệt vời.

 

*                                   

           

Mấy hôm ở Istanbul, sao mà dài đằng đẵng. Ngày cuối, thiên hạ rủ nhau ra phố chợ uống cà phê Thổ. Tôi cù rũ như con gà nuốt giây thun. Tôi chẳng háo hức đi uống chất nước màu nâu, nghe đâu đắng không thua gì trà khổ qua. Uống vào tim đập thình thịch như thể gặp… tiếng sét ái tình. Tôi loanh quanh trong khuôn viên khách sạn chờ giờ ra phi trường. Tôi vẫn có nỗi nhớ gia đình, mỗi khi đi làm xa nhà. Nhưng lần này, không những nhớ người nhà, mà còn như nỗi nhớ quê nhà, nhớ tiếng nước nhà. Có lẽ là hiện tượng của những người lớn… tuổi chăng.

 

Tôi đẩy cửa, khệ nệ bê túi xách hành trang lỉnh kỉnh vào nhà. Bê, dù đã vào tuổi thanh niên, vẫn là con nít khi trông mẹ về.

 

– Mẹ ơi, Mẹ à, Mẹ có quà gì cho con không?

 

Đột nhiên trong lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi đã về đến nhà, à ơi, ơi à. Thì ra, mấy hôm nay tôi vẫn có cảm tưởng “mắc cạn” bởi không được nói, không được nghe tiếng mẹ đẻ. Mở túi xách, lấy cho con mấy thỏi sô–  cô–  la, mấy hộp kẹo đặc sản của Thổ. Bê vẫn ríu rít:

 

– Mẹ ơi, Mẹ đi qua Thổ có gì vui không?

 

Không trả lời câu hỏi của Bê, tôi ôm choàng lấy con:

 

– Mấy hôm nay mẹ nhớ tiếng à ơi, nhớ quá trời.

 

– Hoàng Quân

 

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

 

[1] Tình ca, nhạc sĩ Phạm Duy.

[2] Nguyệt Cầm, nhạc sĩ Cung Tiến.

[3] Xin Người Hãy Vui (nhạc ngoại quốc Pepito (mi corazon)), lời Việt: nhạc sĩ  Trường Hải.

[4] Hững Hờ, nhạc sĩ Hồng Khanh.

Tranh minh họa của Nguyễn Đức Tuấn Đạt.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.