Hôm nay,  

Di Chúc

29/10/202100:00:00(Xem: 3592)

Ông tới đó được không? Được chứ, mà mấy giờ thì cô có mặt ở đó?  Khoảng mười giờ sáng, tôi mong được gặp ông. Bà cụ nhắc tên ông hoài. Lúc tôi đến thăm lần cuối, bà ta cứ lập đi lập lại tên ông và nhất định nhét cái bao thư vào bóp của tôi. Có gì trong đó vậy? Tôi không biết, hình như giấy tờ hay tiền bạc gì đó, ông là người thừa kế duy nhất của bà cụ mà; biết đâu...

Trời mù sương. Cái lạnh buổi sáng mọc vẩy trên da. Người đàn ông trung niên ngập ngừng trước cánh cửa gỗ to bản khép hờ. Gió vỗ vào tường đá, dội ngược lại thân thể chàng, làm bay phất phơ hai vạt áo choàng mùa thu và đập phành phạch vào hai ống chân chàng. Chùi chân trên tấm thảm nhỏ theo thói quen xong, chàng chậm rãi bước vào tiền sảnh toà dinh thự. Ở đây không khí như keo đặc lại. Cái mùi ẩm mốc lạ lẫm xộc vào mũi chàng. Chàng nhìn quanh quất khoảng hành lang hẹp. Rồi mắt chàng dừng lại ở tấm bảng nhỏ mầu đen gắn bên một cánh cửa mầu cánh gián. Những chữ viết bằng phấn trắng. Chàng đọc được cái tên Việt Nam. Ngập ngừng trước cửa một chút, chàng thong thả bước vào. Ánh sáng nhạt nhòa của một ngày mùa thu ẩm ướt bên ngoài không lọt qua được những khung cửa kính lọc ngầu đục, hắt vào khoảng không gian trước mặt chàng cái hắt hiu, tù túng.
           
Cô nhân viên sở xã hội chưa tới. Chàng nhìn quanh. Một chút thắc mắc vẩn đục ý nghĩ chàng. Rồi chàng đuổi vội ý nghĩ không xứng đáng ấy đi. Bà cụ nghèo, lấy đâu ra của nổi của chìm mà để lại cho chàng. Chiếc quan tài gỗ nằm chênh vênh trên những chân ghế gỗ èo uột. Chẳng có ai trong gian nhà vắng tanh vắng ngắt ấy. Một cái tên Việt Nam ghi ngoài cửa, một chiếc quan tài lẻ loi bên trong. Vậy là không lộn với ai được, đúng bà già ở đây rồi. Chàng thầm nhủ và lặng lẽ bước về phía áo quan.
            
Nắp áo quan đóng kín. Chàng muốn nhìn mặt bà cụ một lần chót. Nhưng chàng ngại cái không khí âm u và thứ ánh sáng của gian nhà không đèn điện, như dạt về từ cõi âm, sẽ làm khuôn mặt người chết thêm tiều tụy. Chàng yêu những hình ảnh đẹp. Chàng mơ ước thấy lại nụ cười của người quá cố. Mới thứ bảy tuần trước, lúc ghé thăm, coi dùm cái cổ tay bị sưng của bà cụ lúc bà ngã chống tay xuống sàn nhà, chàng còn thấy bà cụ cười móm mém hàm răng rụng gần hết. Vậy mà bây giờ muôn trùng xa cách. Cho dù nắp áo quan đậy kín chàng vẫn hình dung được bà cụ nằm đó, đôi cánh tay xuôi xuống hai bên thân người.
            
“Sao không vợ con gì hết vậy. Ở một mình mãi, buồn chết!”
           
 “Từng này tuổi rồi ai mà dám lấy nữa, cụ à.”
            
“Ông cứ nói vậy. Tôi có con cháu gái, nó mới hai mươi ba tuổi...”
            
Chàng vừa xức dầu nóng trên cổ tay người đàn bà vừa mỉm cười một mình. Bà cụ kể hoài với chàng về cô cháu gái mới hai mươi ba tuổi bên Việt Nam. Chàng định có lúc nào đó sẽ hỏi coi cô ta là cháu nội hay cháu ngoại của bà.
            
“Có vợ nó lo cho đỡ vất vả cái thân.”
            
Thấy chàng ngần ngừ, bà cụ tiếp, “Đàn ông lấy vợ trẻ là cái lẽ tự nhiên, chỉ có đàn bà lấy chồng nhỏ hơn mình mới là kỳ khôi...”
            
Chàng vẫn loay hoay với cái cổ tay gầy gò, khẳng khiu, sưng múp lên ở chỗ khớp xương.
            
“Hay là ông tính ở vậy?” Bà cụ vừa nhăn nhó vì đau vừa thích thú tra vấn chàng.
            
“Chắc vậy quá cụ à.”
            
“Cái nhà ông này!” Bà lườm chàng, rồi dịu dàng, hệt như bà nội chàng thuở trước, “Năm nay bao nhiêu tuổi rồi nào?”
           
 Chàng cộng thêm bốn tuổi vào cái con số năm chồng chất trên vai rồi trả lời với nụ cười tinh quái, “Dạ bốn mươi sáu, cụ ạ.”
            
“Bốn mươi sáu lấy vợ hai mươi ba là chuyện tự nhiên. Rồi cũng sinh con đẻ cái. Đàn bà mau già hơn đàn ông, đẻ đái hai ba lần là già hơn chồng ngay thôi.”
            
Như thích thú với điều chính mình nói ra, bà cụ móm mém một nụ cười lấp lánh niềm vui. Rồi cụ chợt trở nên nghiêm trang, “Liệu có hỏng cái bàn tay không, bác sĩ?”
            
Chàng tự tin, “Không đâu cụ ạ.”
           
 “Sao nó rức thế?”
            
“Thì cái dây chằng khớp nó bị dãn quá đấy. Không sao, cụ cứ yên tâm, dưỡng sức.”
            
Bà cụ nhìn vào mắt chàng, đôi con mắt kéo mây làm lòng chàng nao nao, “Không có bác sĩ chắc tôi chết lâu rồi.”
            
“Cụ cứ nói thế!”
            
“Thật đấy. Ông bác sĩ à!”
           
 Bà cụ vừa nói vừa vặn mình cho đỡ mỏi, xương cốt lỏng khỏng dãn ra lụp cụp phía dưới hai ba lớp áo.

“Cụ mỏi lưng để cháu đấm lưng cho.” Chàng đề nghị rồi kéo chiếc ghế sát lại cạnh giường, nắm hai tay lại, đấm khe khẽ lên lưng bà cụ. “Với lại cụ đừng gọi cháu là bác sĩ, tây nó nghe được nó kiện chết.”
            
“Đứa nào dám kiện nhà ông?”
           
 “Thật đấy!”
            
“Tôi đố đứa nào dám kiện.”
           
“Thôi cụ à. Để cháu mở ti-vi cho cụ coi nhá.”
            
Không đợi bà cụ trả lời, chàng nhanh nhảu đứng dậy, xăm xăm đi lại góc phòng, vặn nút cái ti-vi cũ xì lên. Tiếng xè xè phát ra từ hệ thống loa rạn vỡ, rồi màn ảnh nhá lên muôn ngàn hạt tuyết trắng nhảy múa nhức cả mắt nhìn. Chàng vặn nút đổi đài. Cũng vẫn tiếng xè xè chói tai và những hạt mưa tuyết lăn tăn trên màn ảnh xám ngoắt.
            
“Làm gì có đài mà coi!”
            
“Ừ nhỉ” Chàng thất vọng vặn nút tắt. Tiếng xè xè đứt ngang và những hạt tuyết vụn biến mất.
            
“Nhà nước họ nuôi ngày hai bữa đã là quá rồi, ai rỗi hơi gắn đài ti vi cho mình coi nữa chứ. Cái ông này rõ là lẩn thẩn. Lần nào cũng đòi mở ti-vi.”
            
Chàng ngượng ngùng trước cái khoảnh bền bỉ của trí nhớ bà cụ. Mà đúng vậy, chàng đến săn sóc bà lão bao nhiêu lần rồi mà vẫn không nhớ là chiếc ti-vi trắng đen cũ rích nhà thờ mua được ở tiệm đồ cũ nào đó đem cho, chỉ bắt được có mỗi một đài địa phương mà hình ảnh thì cũng lúc được lúc mất.

Để chữa thẹn, chàng cố cười thật trẻ thơ, “Lẩn thẩn thật, có mỗi cái đó mà quên hoài!”
            
“Chịu cháu gái tôi đi. Lấy nó, nó nhắc cho. Cưới nó xong, bảo lãnh nó qua bên này. Bác sĩ thì được vợ, còn tôi thì được đứa cháu.”
            
Bà cụ cười với chàng thật tươi. Nụ cười móm mém làm lòng chàng mềm đuối.
            
“Mà sao cái nghề thầy thuốc thì ông lại không quên là thế nào nhỉ?”
            
Chàng ngồi rũ xuống chiếc ghế bên giường bà cụ, “Có lẽ tại cháu mê cái nghề ấy quá.”
            
“Vậy mà không cho người ta hành nghề!”
            
“Cháu cũng có hành nghề đấy chứ.”
            
“Ở đâu nào, phòng mạch chỗ nào? Kể tên bệnh nhân tôi nghe xem.”
            
“Thì cụ là một này...”
           
“Ai nữa?”
           
 “Thì cháu nữa này.”
            
Bà cụ không hòa vào được với màn diễu của chàng, “Người ta kỳ thị đấy ông bác sĩ ạ!”
            
“Chẳng phải đâu.”
            
“Tôi phải làm ra chuyện.”
            
“Thôi cụ à. Cháu cũng chả thích nhiều bệnh nhân đâu.”
            
“Cái nhà ông này, bác sĩ mà lại không thích nhiều bệnh nhân. Không thấy mấy ông mấy bà bác sĩ kia đấy à, từ sáng sớm đến tối mịt, gạt ra không hết khách.”
            
“Cháu chả thích vậy.”
            
“Hay là chịu con cháu gái tôi đi.” Bà cụ đổi đề tài đột ngột. “Chồng già vợ trẻ là tiên.”
            
Bà lão lại cười. Chàng thầm hỏi không biết mình đã già thật chưa. Ở cái tuổi của chàng, những bạn bè cùng lớp ở quê nhà đã thênh thang với nhà cao cửa rộng và những trương mục nặng ký trong ngân hàng. Không tìm được câu trả lời, chàng cũng cười vu vơ. Chàng nhìn bà cụ. Chàng yêu cái cười móm xọm trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn ấy quá đi thôi
.
            
Mới sáng thứ bẩy vừa rồi chàng còn xoa dầu lên cái cổ tay sưng của bà cụ, còn cười giỡn bâng quơ, lan man bao nhiêu là chuyện không đầu đuôi. Hôm nay bà đã nằm đó, lặng thinh, câm nín. Chàng nhớ nụ cười của bà cụ. Chàng thèm được thấy thêm một lần, cái cằm nhọn đưa ra phía trước, vòng môi khô túm lại với nhau, tua tủa những nếp nhăn và đôi con mắt híp lại để tiếng cười khúc khích thoát ra từ cái miệng lưa thưa vài chiếc răng mòn vẹt tới sát nướu.

Ơi nụ cười hiền, của tiên, của Phật!

May I help you?

Câu nói làm chàng giật bắn người. Chàng quay vội lại. Người đàn ông to lớn mặc đồ vét mầu đen đứng sau lưng chàng từ lúc nào. Chàng không biết có phải tại nền nhà lót thảm nên chàng không nghe được tiếng chân bước lại phía mình hay tại chàng chìm đắm quá sâu vào vùng ký ức xa xăm với người quá cố.

Chàng lúng túng, “Tôi tới viếng bà cụ...”

“Ô.” Người đàn ông cao lớn nhìn chàng đăm đăm, “Ông phải là thân nhân không?”

“Người quen thôi.”

“Vậy sao?” Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên. Hai mắt gã quét từ đầu đến chân chàng một tia nhìn có chút gì như nghi hoặc.

Chàng lúng túng xoay lại nhìn chiếc quan tài gỗ sơn bên ngoài một lớp màu vàng nhạt như thứ verni rẻ tiền bên nhà.

“Tôi muốn nhờ ông một chuyện.” Chàng chần chừ một lát. Người đàn ông nhìn chàng bằng cặp mắt mầu xanh biếc. Bây giờ, chàng mới nhận ra gã có mái tóc vàng óng. Màu mắt và màu tóc gã không hòa hợp chút nào với chất mầu tối ám của bộ đồ gã mặc, và đôi giầy bóng loáng mà gã mang dưới chân. Gã không có vẻ gì của một nhân viên nhà quàn hết.

“Ông nói gì?

“Tôi có thể nhìn mặt bà cụ lần cuối không?” Chàng buột miệng nói. Rồi sực nhớ ra rằng mình rất ngại phải thấy nét tiều tụy trên mặt người quá cố. Trong một giây, nỗi bối rối giằng co trong lòng chàng.

Người đàn ông tóc vàng cúi đầu, nhìn vào mắt chàng, “Tại sao?”

Chàng nói liều, “Cũng như chào vĩnh biệt vậy mà!”

“Ông không phải thân nhân mà!”

“Nhưng tôi là người thân duy nhất của bà cụ ở đây.”

“Hèn chi!”

“Hèn chi... cái gì?”

“Chỉ có mình ông đến thăm bà già này. Mấy đám tang trước kia đông nghẹt người lại phúng điếu. Cũng người Việt đấy...”
Cái đầu của gã đàn ông lắc nhẹ trên chiếc cổ dài ngoằng không tỏ bày ra được một cách minh bạch những điều gã có trong óc. Nhưng gã vẫn lẩm bẩm,

“Mấy đám kia bao nhiêu là vòng hoa chia buồn, bao nhiêu là người đi đưa đám, đủ các loại xe sang trọng, đắt tiền. Bà già này chắc nghèo, phải không?”
Chàng không biết là mình vừa mới gật đầu hay lắc đầu. Lúc này chàng không muốn bận tâm đến chuyện se sua của những người đồng hương ngay trong những đám tang, chàng chỉ muốn nhìn mặt người đàn bà già nua, nghèo nàn, bệnh tật, sống một mình ở thành phố lạ, và chết một mình cũng trong cái thành phố chưa quen biết ấy.

“Được không, ông?”

“Cũng được!”

Người đàn ông dẫn chàng vào sát bên áo quan. Trong suốt những năm tháng hành nghề ở quê nhà cũng như bên trại tị nạn, chàng đã quá quen thuộc với bệnh nhân hấp hối, đã quá rành cái mùi thuốc ướp xác chết trong nhà xác, vậy mà hôm nay chàng hồi hộp đến tê dại cả hai chân. Chàng cố nhích từng bước nặng nề theo gã nhân viên nhà tang.

Thì ra quan tài chưa đóng hẳn. Nhân viên nhà quàn mở nắp áo quan lên một bên. Khuôn mặt người già hiện ra xám xịt, héo quay héo quắt dưới ánh sáng lờ mờ của căn phòng thênh thang. Chàng không thấy được nụ cười quen thuộc hôm nào.

“Để tôi mở điện lên. Không có ai đến viếng thành ra...” Người đàn ông bỏ lửng câu nói và bước ra góc phòng, bật công tác điện. Chàng không biết tại nhà quàn tiết kiệm điện hay vì bà cụ không có tiền trang trải nên không được hưởng chút ánh sáng trong những giây phút cuối cùng của kiếp người trên mặt đất. Ý nghĩ chàng bị cắt ngang khi ánh đèn lóe lên, soi rõ khuôn mặt gầy gò đầy những nếp nhăn xám xanh trên làn da trắng bệch như sáp. Lòng chàng rưng rưng một nỗi niềm.

“Này ông tiêm hộ tôi một mũi thuốc đi nhá.”

“Thuốc gì vậy cụ?”

“Thuốc đau rức ấy mà. Mấy cái khớp xương mùa này chúng nó cứ thi nhau mà làm khổ tôi.”

“Phong thấp đấy cụ ạ.”

“Buổi sáng ngủ dậy chân tay cứ cứng đờ cả ra như gỗ ấy thôi.”

“Cháu không có bằng hành nghề làm sao dám chích thuốc cho cụ bây giờ!”

“Lại cái bằng chết tiệt ấy!”

“Thôi để lúc nào rảnh rỗi cháu lại bóp chân cho cụ.”

“Nhưng ông còn phải đi làm nữa mà.”

“Cháu thất nghiệp rồi cụ ạ. Để mỗi sáng cháu lại đây đấm lưng cho cụ.”

“Ông tốt quá, mai kia trời trả công cho...”

Giọng nói bà lão dịu xuống, ươn ướt nỗi xúc động.

Rồi bỗng dưng cụ trầm ngâm, như chìm xuống vùng ký ức nào đó xa xăm, “Vẫn cái bằng chết tiệt ấy. Rõ khổ!”

Chàng nghe được tiếng lẩm bẩm của bà cụ trong gian phòng rộng thênh thang của nhà tang. Vẫn cái bằng chết tiệt ấy. Rõ khổ! Chiếc quan tài gỗ sơn màu vàng nhạt, lớp sơn mỏng đến độ chàng còn thấy được những đường vân vằn vèo của thớ gỗ. Mới hôm nào đây thôi chứ đã lâu lắc gì đâu. Chợt chàng thấy cay cay ở sống mũi và ngưa ngứa ở cổ họng. Chàng che miệng ho khan. Và bây giờ chàng mới để ý đến cái mùi ẩm mốc xa xăm của nhà quàn. Lâu lắm rồi chàng không có dịp ghé vào nhà tang. Vài năm trước, có một lần đi viếng một ông già quá cố, ba của một người bạn tây làm chung hãng, chàng có dịp chứng kiến, quan sát cách biểu lộ tình cảm của người tây phương. Hồi đó chàng đã dè bỉu cái lạnh lùng đến độ dửng dưng của thân nhân người chết. Lúc người bạn Canada hỏi chàng về tang lễ bên nhà, chàng đã hãnh diện khoe rằng người nước chàng rất giàu tình cảm, người nước chàng rất kính trọng người già cả, thành ra đám tang; nhất là đám tang người lớn tuổi, bao giờ cũng nườm nượp người phúng điếu và tiễn đưa. Bây giờ chàng mới biết mình lầm.
            
Người nhân viên nhà tang bỏ mặc chàng bên quan tài với nỗi xúc động quắt quay. Gã biến đi sau cánh cửa khép hờ ở cuối phòng.
            
Bà cụ mặc trên người bộ quần áo mới tinh, còn hằn rõ những nếp gấp. Chưa bao giờ chàng thấy cụ mặc bộ quần áo này. Chắc cụ để dành cho một chuyến đi xa nào đó trong ước mơ.
            
“Bao giờ mới hết mùa đông hở bác sĩ?”
            
“Sắp hết rồi cụ ơi.”
            
“Lần nào hỏi ông cũng bảo sắp hết rồi, mà tôi nhìn ra ngoài thì cứ vẫn tuyết trắng chói cả mắt ấy thôi.”
            
“Thì sớm muộn gì rồi cũng phải hết tuyết.”
            
“Mùa đông gì mà dài gớm ghiếc. Cứ được như bên mình mà lại hay, cứ nắng chán rồi lại mưa. Nắng lên mưa xuống, mưa thuận gió hòa có phải hơn không nào.”
            
“Cụ còn nhức lưng không?”
            
“Còn. Uống đến mấy viên thuốc mới hết rức đấy bác sĩ ạ.”
            
“Cụ đừng uống thuốc nhiều quá không tốt đâu.”
           
 Bà cụ nghiêng đầu như cố bắt cho kịp điều chàng vừa nói. Chàng tiếp, “Thuốc đau nhức uống nhiều hại bao tử chết.”
            
“Bác sĩ nói sao cơ?”
            
“Cụ đừng uống nhiều thuốc quá.”
            
“Tại cái mùa đông chết tiệt ấy mà! Biết vậy chả đi làm gì.”
            
Câu thở than của bà cụ đánh trúng ngay nỗi thắc mắc của chàng. Chàng ngần ngừ, “Ừ mà cụ vượt biên làm gì nhỉ?”
           
 Bà cụ nhướng cặp mắt kéo mây lên nhìn chàng như cố đoán xem chàng nói gì, rồi bất chợt bà trầm ngâm như thể ai đó mới chạm phải một vết thương đang kéo da non trong đáy sâu tâm tư.
            
“Hả cụ?”
            
“Thì có ba bà cháu. Chúng nó đi tôi ở lại với ai?”
            
“Thế cháu cụ đâu cả rồi?”
           
 “Hai đứa đều là con gái.”
            
“...”
           
“Một đứa bị hụt chuyến ghe, vướng lại. Đứa kia...”
            
“Đứa kia... à cô kia thì sao?”
            
“Cướp biển...”
            
“Ô!”
            
“Con bé em vướng lại bên ấy thế mà lại hay. Năm nay nó hai mươi ba tuổi rồi. Muốn làm mối cho ông mà ông cứ lờ đi thôi.”
            
Chàng bối rối, ngượng ngùng, “Tại cháu chả có công ăn việc làm gì ra hồn, thành ra không dám.”
            
“Chứ không phải là ông chê nó ở Việt Nam, quê mùa?”
            
“Không dám đâu ngoại ơi.”
            
Chàng nhìn đăm đăm con mắt nhắm hờ của người quá cố. Không biết ai đã vuốt mắt cho bà cụ mà đôi mắt kéo mây ấy vẫn không chịu nhắm lại, như thể vẫn còn điều gì vướng mắc với trần gian. Chàng nhớ là từ hôm ấy chàng đổi cách xưng hô. Chàng gọi bà lão là ngoại, và tưởng chừng như chàng được thêm một lần làm trẻ con, ngây thơ, bé bỏng bên bà ngoại của mình ngày xưa.
           
 Nhưng bà cụ thì cứ nhất định gọi chàng là bác sĩ.
            
“Ngoại ơi, ngoại đừng cữ ăn như vậy, hại người lắm đó.”
            
“Bác sĩ nói gì cơ?”
           
 “Ngoại nhớ ăn uống đầy đủ.”

“Sợ cái thứ cô lét cô liếc gì đó ông bác sĩ à.”
           
 “Cholesterol phải không?”
            
“Ừ, mấy cái bà quen lại chơi cứ bảo đừng ăn, sợ nó dính vào tim rồi chết sớm.”
            
Chàng cười, cố gắng giải thích cho bà cụ hiểu về chất mỡ trong máu và những tai biến của bệnh tim gây ra do lượng mỡ quá cao trong máu.
            
“Này, bác sĩ ơi. Sao ông không mở phòng mạch?”
            
“Người ta không cho đâu ngoại à.”
            
“Ông còn thiếu cái gì nữa mà họ không cho chứ?”
            
“Thiếu bằng hành nghề. Như thợ uốn tóc thì có bằng hành nghề uốn tóc, thợ sửa xe thì có bằng thợ máy sửa xe, thợ sửa ống nước thì có bằng hành nghề sửa ống nước. Cháu cần cái bằng hành nghề cụ ạ.”
            
“Ông có tấm lòng nhân ái, ông lại mát tay như ông bác sĩ Kính ở đầu ngõ nhà tôi bên Phú Nhuận, vậy thì ông còn thiếu cái gì nữa mà không cho mở phòng mạch chứ?”
            
“Mảnh giấy ngoại à, cháu thiếu mỗi một mảnh giấy thôi. Mảnh giấy có mấy chữ bằng hành nghề ấy mà.”
            
“Được rồi, để tôi tính xem sao. Tôi tức lắm. Ai đời người có tài thì ém.”
            
“Người ta không ém đâu ngoại à. Tại xứ người ta có quá đủ bác sĩ rồi.”
            
“Nhưng mà có được mấy người như ông đâu.”

Chàng nhìn hai bàn tay gầy guộc đan vào nhau trên khuôn ngực lép kẹp của bà lão. Bàn tay xương xẩu ba bốn chục năm về trước đã nâng niu bú mớm con thơ; bàn tay cầm tay con tay cháu, nắn nót tập viết những chữ vỡ lòng thuở nào.

Chàng còn nhớ rõ lắm. Khoảng nửa tháng trước, bà cụ nhờ chàng mua dùm mấy cái bao thư và xấp giấy (chắc là để viết thư về Việt Nam cho đứa cháu gái.) Chàng mua mà lòng lo lắng bâng khuâng. Chàng sợ chuyện mối mai. Bây giờ người ta lấy nhau một cách cầu may. Chả cần yêu thương gì hết ráo. Cô gái thích có chồng ở nưóc ngoài. Người thanh niên cần vợ cho bớt lạnh lẽo nơi xứ người. Một hai câu mối mai, giới thiệu, đưa hình cho xem, tả cảnh tả tình đại khái. Vé máy bay khứ hồi. Vậy là cưới nhau. Dễ dàng, thoải mái. Chàng ngán chuyện đó quá thôi.
Chàng xưa như trái đất. Thời buổi này mà chàng còn cứ nghĩ là lấy nhau mà không có tình yêu thì làm sao mà sống!
            
Lúc đưa bao thư và tập giấy cùng cây bút cho bà cụ, chàng muốn hỏi cụ tính viết gì cháu viết hộ cho, nhưng lại thôi. Chàng cố hình dung vóc dáng người con gái Việt Nam mảnh mai, dịu hiền ở quê nhà. Và bỗng dưng lòng chàng thấp thoáng niềm vui.
            
Bây giờ bà cụ nằm đây. Không còn cằn nhằn về cái mùa đông dài dằng dặc ở xứ người, không còn nhăn nhó về cơn đau nhức ê ẩm châu thân. Và chẳng còn ai làm mai cho chàng người con gái hai mươi ba tuổi ở quê nhà.
           
 “Tuần tới cháu phải đi xa ngoại ạ.”
            
“Ông đi đâu cơ?”
           
 “Cháu đi Vancouver.”
            
“Xa lắm phải không?”
            
“Cũng gần thôi.”
           
 “Rồi bao giờ thì về?”
           
 “Một tuần.”
            
“Chắc nhá.”
            
“Chắc mà ngoại. Cháu đi xem tình hình công ăn việc làm.”
           
 Đôi mắt bà cụ chớp nhanh, “Đừng bỏ tôi đấy. Tôi yếu lắm rồi cơ!”
            
Chàng không bao giờ ngờ, lúc về tới, chàng chỉ kịp lại thăm bà cụ lần cuối trong nhà quàn.
            
Người nhân viên trở lại, lịch sự xin phép chàng đóng áo quan lại. Chàng nhìn thêm một lần nữa đôi con mắt nhắm hờ của người quá cố. Chàng nhìn chăm chú xem cổ tay cụ có còn sưng như bữa trước không. Nhưng tay áo dài lòng thòng che đi mất một nửa bàn tay.

Bà ngoại (hay bà nội) vợ sắp cưới của chàng đó.

Mảnh gỗ đóng lại một khuôn mặt tha hương và khép lại một kiếp đời cô quạnh.

Khoảng nửa tiếng sau, cô nhân viên bên sở xã hội mới đến để làm giấy tờ thanh toán tiền bạc với nhà tang (hay để đưa tiễn người đàn bà xa xứ?). Người công chức mặc áo vét và váy đầm mầu đen bắt tay chàng và đặt ngay cho chàng một câu hỏi, “Ông là người nhà?”

Mùi nước hoa vây quanh cô gái làm chàng ngây ngất, thành ra chàng phải suy nghĩ mất vài giây rồi mới gật đầu. Chàng nghĩ đến cô cháu gái bà cụ. Nếu mai này chuyện có thành thì chàng sẽ là cháu rể của cụ, chàng sẽ chính thức là người nhà.

“Tuần trước lúc tôi tới thăm, bà cụ có đưa cho tôi cái này.”

Người đàn bà vừa nói vừa mở dây kéo chiếc túi xách, lôi ra một xấp giấy tờ. Chàng thấy lòng mình nôn nóng, nhưng chàng cố thản nhiên; chàng cố không nghĩ đến những của nổi của chìm của người quá cố. Chàng cố không nghĩ đến một tài sản bất ngờ dành cho những điều tốt lành chàng đã làm vô điều kiện bấy lâu nay.

Cô nhân viên xã hội lật xấp giấy, chăm chú tìm. Một lát, cô ta lôi ra được bao thư, đưa cho chàng. Chàng nhận ra loại bao thư chàng đã mua cho bà cụ trước khi đi Vancouver. Hẳn cụ đã đoán trước được những ngày cuối đời sắp tới nên viết thư về quê nhà cho cô cháu gái.

“Phải tên ông đây không?”

Người công chức chỉ vào cái tên người nhận viết ở bao thư. Dòng chữ quều quào run rẩy như những con giun đất, nhưng chàng vẫn nhận ra tên mình bên cạnh con số điện thoại nhà chàng. Chàng gật đầu vội vã. Bà cụ còn cẩn thận viết chữ Doctor trước tên chàng nữa. Chàng đón vội lấy bao thư, lật mặt sau lên coi. Chàng không muốn cô ta hỏi bộ chàng là bác sĩ thật sao.

Nhưng cô ta không hỏi gì.

Một lát, cô gợi chuyện, “Chắc bà cụ chỉ có mình ông là người thân?”

Chàng lúng túng gật đầu. Chàng nghĩ đến cô cháu gái hai mươi ba tuổi của bà cụ còn ở Việt Nam. Dạo này chàng thấy mình nghĩ hơi nhiều đến người con gái chưa bao giờ gặp mặt ấy.

           
“Tội nghiệp bà cụ. Rồi cũng xong!” Cô gái lẩm bẩm một mình. Chàng thử liếc vào cặp mắt xanh biếc trên khuôn mặt hồng hào của cô xem có bao nhiêu phần cảm xúc chân thực và bao nhiêu phần do nhu cầu nghề nghiệp mà có. Nhưng chàng không thể nào đoán ra.
            
“Bây giờ chúng tôi sẽ chuyển người chết đi.” Người nhân viên nhà quàn nói sau khi xếp xấp giấy tờ vào cái kẹp hồ sơ.
            
Chàng ngập ngừng, “Tôi theo được không?”
            
“Không được đâu.”
           
 “Tôi muốn,” Giọng chàng bỗng trở nên bâng khuâng. Chàng loay hoay tìm chữ, “Tôi muốn ném xuống mộ bà cụ... một nắm đất.”
            
“Không được, vì chúng tôi sẽ hỏa táng bà cụ...” Người đàn ông ậm ừ một lúc rồi nói tiếp, vội vàng như lỡ lời, “Cho đỡ tốn tiền.”
            
Chàng xoay người trở lại, lừng khừng đến sát bên áo quan, vỗ nhẹ vào miếng ván thiên màu vàng nhạt. Hơi gỗ lạnh lẽo ám lên da tay chàng. Chàng thì thầm, “Ngoại yên nghỉ nghe ngoại!”
            
Trở về nhà uể oải trong cái lạnh gai gai da thịt, chàng mặc nguyên chiếc áo choàng mùa thu, kéo ghế ngồi trang trọng trước bàn làm việc của chàng và tẩn mẩn mở cái bao thư có kỷ vật của bà cụ. Chàng cố đừng nghĩ tới những con số tròn trịa trên tấm chi phiếu dễ thương; chàng cố đừng hình dung đến những trương mục ngân hàng đầy quyến rũ. Và chàng từ từ lôi tờ giấy trắng ra khỏi cái bao thư mầu xanh lợt.
            
Chàng nhìn đăm đăm những chữ viết trên tấm giấy chữ nhật. Lòng chàng thắt lại cái cảm xúc không thể đặt tên.

Bằng hành nghề Bác sĩ Y khoa.

Cấp cho Bác sĩ Châu, đã tốt nghiệp Y khoa ở Việt Nam, đã đậu bằng tương đương ở Canada. BS Châu có tấm lòng, có khối óc, có bàn tay của người thầy thuốc lý tưởng. Nếu không có bác sĩ Châu, tôi đã chết lâu rồi.

Bằng hành nghề này có giá trị trên toàn thế giới.

Chữ ký của bà cụ run rẩy như con giun phía dưới.

Chàng nghe mình thở dài. Di chúc của bà cụ đó. Những ngón tay chàng ngậm ngùi mân mê trang giấy. Tiếng loạt xoạt nhắn nhủ chàng rằng thôi thì cũng cố tôn trọng ước muốn sau cùng của người đã khuất. 

Đầu óc chàng bồng bềnh như mây, như gió. Chàng thấy bàn tay mình xé trang giấy trắng trong cuốn tập, trải ra trên mặt bàn. Chàng thấy tay phải mình cầm cây bút lên, hí hoáy. Chàng thấy mình nguyệch ngoạc những chữ viết ngoằn ngoèo trên trang giấy.

A, thì ra chàng sắp viết thư cho bố mẹ. Có cái gì đó thúc giục chàng phải viết một điều gì, cho nguôi cơn bão tố trong lòng. Thư cho bố mẹ. Lâu lắm không viết thư cho bố mẹ. Tại chả có chuyện gì mới lạ. Hôm nay thì có tin vui, có thể viết thư về nhà được rồi. Không như những lần trước nói quanh quất vài ba lời thăm hỏi rồi kể lể qua loa rằng bên này vẫn thường, con đang làm trong hãng cũ. Rằng con đang sợ mất việc làm...
Niềm vui xông hương ngào ngạt trong lòng, khiến chàng không thể đợi cho xong những câu theo thủ tục viết thư thông thường. Chàng đặt bút viết ngay đầu trang giấy, Ba má ơi, con có bằng hành nghề rồi.
            
Rồi chàng sựng lại đó, ngây người ra hình dung vóc dáng cô gái nhỏ mà bà cụ làm mai cho chàng. Chàng tiếc là đã không hỏi xem cô là cháu ngoại hay cháu nội của bà cụ để báo tin cho bố mẹ chàng hay. Chàng thấy bàn tay mình viết ra những chữ không phát ra từ đầu óc chàng: Và con cũng mới có một cô bạn gái, ở Việt Nam...
           
08 tháng 09, 1997
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư.
Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.
Nhân tuần lễ kỷ niệm 49 ngày Khánh Trường rời cuộc thế gian, tờ Ngôn Ngữ số đặc biệt tháng Hai dành trọn số báo tưởng niệm người họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài hoa Khánh Trường, do nhà thơ Luân Hoán và bạn hữu nhóm Ngôn Ngữ ưu ái thực hiện. Mời đọc bài viết của Trần Yên Hòa trích nhà phê bình văn học Thụy Khuê như một nén nhang tưởng nhớ người họa sĩ/nhà văn tài hoa.
Có thể nói cuộc đời của những du học sinh thời VNCH như tôi trải qua khá nhiều truân chuyên từ dạo ấy, sau tháng Tư đen 1975, từ khi cộng sản Bắc Việt thống trị Nam Việt Nam. Khác với quyết định đi tìm Tự Do, đi tìm sự sống trên cái chết qua hình thức vượt biên vượt biển của đồng hương sau 1975, chúng tôi may mắn hơn, đơn thuần chỉ phải chọn lựa một trong hai: về Việt Nam hay ở lại nước ngoài. Nếu quyết định về VN thì phải cúi đầu phục tùng nhóm sinh viên đoàn kết và toà đại sứ Việt Cộng. Còn ngược lại nếu quyết định ở lại nước ngoài thì phải chấp nhận xa quê hương, xa gia đình, bạn bè anh em và không biết khi nào mới gặp lại!
Văn hóa phương Tây, rắn vừa là biểu tượng trong lĩnh vực y khoa vừa là nguồn cảm hứng trong hội họa, kiến trúc và văn học. Văn hóa Hy Lạp bắt nguồn từ vị thần cổ đại Hermes, sứ giả của các vị thần. Thần Esculape được coi là ông tổ của ngành y dược. Biểu tượng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO (World Health Organization) con rắn quấn quanh cây gậy Esculape cầm. Cục Quân Y VNCH có thêm đôi cánh trên thanh kiếm.
Hồi năm sáu tuổi tôi vẫn hay theo chúng bạn ra chơi trước đình làng Thanh Thủy. Nơi đó có mấy cây sanh cổ thụ rất lớn luôn tỏa bóng râm mát mẻ cả đoạn đường bến chạy qua làng. Bên kia con đường bến là hồ Vọng Nguyệt, một cái hồ trông như vuông vức, rộng chừng nửa mẫu tây, dân địa phương vẫn quen gọi là hồ làng...
Phải chi khách đến thăm vườn hồng hơn trăm giống quý đủ màu sắc của ông Chu hằng ngày là khách mua hoa thì chắc thu nhập của gia đình ông đỡ hơn. Ông nghèo, nhưng cái máu nghệ sĩ của ông lại mạnh mẽ hơn chuyện tiền bạc, lại gặp bà vợ hết mực chiều chồng, nên cứ nghe đâu có giống hồng lạ là bằng mọi cách phải có cho bằng được. Năm ba ký gạo đắp đổi hằng ngày đã khó, mà có những giống người ta đổi cả tấn lúa ông cũng lắc đầu.
Không nhớ từ bao giờ đã không còn ngồi xuống bàn trà, tay bốc miếng mứt hạt sen bỏ vô miệng, vị ngọt tươm ra không quá gắt như ăn miếng mứt bí, vị ngọt nhẹ, thanh, kích thích vị giác bởi hương sen quyện ngọt điệu đà, tới khi nhai cái hạt sen đã ấm ấm trong miệng nên không còn cứng cũng không quá mềm như khoai lang luộc. Độ dẻo của hạt sen khi đã sên mứt rất mê hoặc và cũng đâu có gì vội để nuốt đi cho mau, cứ ngậm mà nghe hương vị đất trời tinh khiết của hương sen xông lên khoang mũi làm cho người thưởng thức lâng lâng cảm giác xuân đã về. Có thể nói món gì có hạt sen góp mặt cũng ngon như món vịt tiềm có nhân bên trong là thịt bằm, nấm mèo, táo tàu, gia vị nhiều thứ, nhưng những hạt sen luôn khêu gợi những đôi đũa gắp vì hấp dẫn và ngon lạ miệng. Nhưng đã nhiều năm không ăn mứt hạt sen sao vẫn nhớ khá rõ hương vị độc đáo của hạt sen trong món ngọt ăn chơi ngày tết, hay món mặn ăn tiệc đều ngon.
Cậu Hà người Bắc di cư năm 1954, cậu di cư có một thân một mình khi còn trẻ, nên cậu cũng không có nhiều phương tiện được học hành nhiều. Khi lớn lên ở miền Nam, lối chừng 19, 20 tuổi khoảng năm 1965-1966, cậu từ giã học đường đăng lính, cậu đi lính Việt Nam Cộng Hòa ngành Biệt Động Quân. Sau chuyển qua Thám Báo. Cậu đóng quân như ở miền đồng ruộng, lúc bấy giờ còn loáng thoáng xa xa, ít dân cư, tiếp giáp một bên Đồng Ông Cộ, miệt Gò Vấp, Gia Định.
Chị nhớ lại, vào một buổi sáng ngày cuối tháng 1 năm 1973, khi Chị đi lấy bản tin ở bên Macv về cho AP, chị thấy sao hôm nay văn phòng đông thế. Ký giả của AP và cả của NBC News bên cạnh cũng chạy qua chạy lại, Chị nghe ông chánh văn phòng nói: Viêt Nam sắp ngưng bắn rồi, sắp hòa bình rồi…” Văn phòng Associated Press xôn xao, từ ông chánh văn phòng đến các ký giả, nhân viên của AP đều hứng khởi với cái tin “Nóng bỏng” này. Chị thấy các phóng viên của các hãng thông tấn, hãng truyền hình ngoại quốc chạy hối hả sang nhau và chạy qua cả đài phát thanh Quân Đội Việt Nam để cập nhật tin tức viết bài…
Chị đi bằng xe hàng. Là dân Đà Lạt gốc Huế nên chị gọi xe đò là “xe hàng”. Đi xe hàng, tức là xe đò, là xe chở người và cả hàng chứ không chở riêng hàng. Tiếng Việt hay như vậy đó! Đến Gò Công rồi đi xe lam vào Đồng Nguơn. Ấp Đồng Nguơn. Không phải đây là lần đầu tiên chị được thấy cảnh đồng quê. Đồng quê miền nam hầu như đâu đâu cũng giống nhau. Nhưng có đi nhiều mới thấy mỗi nơi có một chút khác. Phải thế không? Hay chính là cảm giác của chị mỗi lần một khác?
Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.