Hôm nay,  

Mùa Mía

18/09/202117:42:00(Xem: 2565)

 


Thiên đạp xe hết tốc lực, cái sức một thằng bé mười lăm tuổi đang nhổ giò phát lớn cộng với sự háo hức chờ mấy ngày qua, chẳng mấy chốc là đến nhà nội. Nhà nội Thiên ở quê, cách thị trấn chừng ba cây số, ngôi nhà nằm giữa một vườn cây xanh mát nào là mít, ổi, xoài, chanh, khế… ra khỏi vườn cây là đến rẫy mía phía sau nhà. Rẫy mía mênh mông, mía cao quá đầu người lớn, đứng trước rẫy mía là không còn thấy gì phía trước, rẫy mía như một mê cung trong những câu chuyện cổ tích mà Thiên đã đọc qua. 

 Mỗi mùa hè về cũng là lúc vào mùa mía, năm nào Thiên cũng xin ba về nội chơi khi nhà nội bước vào mùa ép mía làm đường. Thiên theo mấy người anh họ đi vào rẫy mía, những người anh họ chặt mía còn thiên đi nhặt những tổ chim bị lộ ra khi mía bị chặt. Có nhiều loài chim mía mà Thiên không biết tên, Thiên chỉ biết có chim dồn dộc, chim sa sả, chim se sẻ...mía chặt tới đâu thì chim dáo dác ào ạt bay ra, chúng bỏ cả tổ và chim non. Những bó mía được mang đến chỗ ép mía để nấu đường, máy ép mía được gọi là ông che. Ông che nhà nội Thiên to nhất vùng, được làm bằng gỗ lim, to ơi là to. Ông che gồm một bộ mâm ở dưới, có khoét những rãnh để nước mía ép ra chảy vào một thùng hứng, giữa mân nổi lên một cù lao, trên cù lao có gắn bốn khúc gỗ lim to bằng cái vòng ôm người lớn,, đầu những khúc gỗ được đẽo thành những răng cưa để quay. Những người thợ ép mía dùng hai con bò mắc ách vào, hai con bò sẽ đi vòng tròn quanh ông che và kéo cho bánh xe gỗ quay. Hai người ngồi mỗi bên, một bên đút mía vào che và một bên lấy xác mía đã ép xong. Nước mía ép ra đem đến lò nấu đường cũng gần một bên. Chảo đường to như bồn tắm hình tròn, người ta đào cái hầm và đặt chảo lên, một cửa để nhét củi vào và cửa phía sau để thông hơi và móc tro. Lửa từ cái hầm cháy phừng phừng như hỏa ngục, chảo đường sôi sùng sục, mùi đường tỏa ra bay theo gió thơm ngọt cả một vùng.

 Anh Thông căn vặn 

- Thiên, mầy phải gọi là ông che, không được gọi là cái che hay máy che đấy nhé! Phải lễ độ như ngư dân gọi cá voi là ông vậy!

 Thiên thắc mắc tại sao thì anh ấy giải thích

- Nghe nói từ thời cụ tổ xa xưa, dòng họ đã dùng ông che này rồi. Có người cho che ăn mía bất cẩn bị che cán nát tay. Có người cà rỡn mà bị rơi vào chảo đường đang sôi. Bởi vậy từ đời ông cố đã gọi ông che, không ai dám xem thường cả.

 Thiên ngẫm nghĩ và cho đó là những tai nạn vì bất cẩn mà thôi nhưng Thiên không cãi lời anh Thông. Thiên mon men đến bên ông che và muốn thử cho che ăn mía. Nội trông thấy la lớn

- Con ra rẫy mía chơi, đừng láng cháng chỗ người lớn làm việc

- Nội, con muốn thử cho ông che ăn mía

- không được, việc nguy hiểm chứ chẳng phải chuyện chơi.

 Bác Ba đang đút mía vào che nghe thế bèn nói

- Ba, không sao đâu, để con chỉ cho thằng Thiên cách làm.

 Nội không nói gì thêm, bỏ đi đến chỗ lò đường. Bác Ba bảo Thiên ngồi xuống bên cạnh và lấy mía đút vào cái khe giữa những khúc gỗ đang quay. Tiếng kẽo kẹt của cỗ che nghiến mía, tiếng nước mía chảy lỏng tỏng từ mân che xuống cái thùng hứng phía dưới làm choThiên thích thú. Bác Ba chú ý cách Thiên đút mía vào che và nói.

- Khi cây mía được bánh xe che nghiến vào một phần là buông tay ra và lấy cây mía khác để đút vào khe bên kia, giữ một khoảng cách vừa đủ an toàn để không bị bánh xe che cuốn tay mình.

 Thiên làm chừng mươi phút là chán đứng dậy, bác Ba cười to

- Chán rồi phải không? Ra rẫy mía với mấy anh đi lụm chim non đi.

 Trước khi đi Thiên múc một gáo nước mía uống ngon lành, nước mía ngọt thanh làm dịu bớt cái nắng hè. Thiên nhìn hai con bò từng bước nặng nề đi vòng tròn để kéo cỗ che mà thương, nó bước đi uể oải miệng nhai không ngừng, hai bên mép bọt trắng xùi ra. Đời con bò là chuỗi ngày cực nhọc âm u, mùa lúa thì cày bừa ngoài đồng, hết mùa thì kéo xe chở đủ thứ nặng nề, mùa mía thì kéo che ròng rã. Ăn thì toàn cỏ dại, rơm khô; chỉ những con bò cái mới đẻ hoặc những con bệnh mới được bồi bổ thêm cháo trắng. Hai con bò kéo che cả buổi mới được mở ách cho nghỉ ngơi để ăn và uống, cùng là kiếp thú nhưng kiếp con bò tội quá, thương gì đâu á! 

 Giấc xế, bác Ba gái bưng một mâm đậu phộng rang và dừa bào ra, bác lấy gáo dừa múc đường nước đang sôi chế lên mân, chỉ chừng mươi phút sau Thiên và anh em họ có một mâm kẹo đậu phộng dừa. Những người thợ mía cũng ngừng tay nghỉ giải lao bâu lại ăn kẹo đậu phộng dừa, ai cũng tấm tắc khen ngon.

 Có lần đám giỗ, bác Ba kể cho Thiên và mấy anh em họ của Thiên nghe về tích của giòng họ 

- Họ Nguyễn mình vốn ở vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà dẹp loạn xong và trở về nam, cụ tổ họ nhà mình đã đem một nhánh gia tộc đi theo

 Hôm tháng chạp Thiên theo ba đi dẫy mả, ba chỉ cho Thiên cái mả to như ngọn đồi ở bên rẫy mía và bảo đó là mả tổ. Mả tổ xây bằng đá ong, ô dước, vôi, có tường bao quanh, phía trước là cái khám nho nhỏ dựng tấm bia và bốn trụ biểu cao vượt đầu người lớn. Mả tổ bị sập một khúc tường bao và hai trụ biểu bị đổ. Bác Ba nói hồi nẳm Mỹ bỏ bom xuống căn cứ, có một quả bom to bằng hai người ôm nổ cách đó mấy cây số nhưng vì chấn động quá mạnh nên mả tổ bị sạt một góc như thế .

Cả một vùng rộng lớn, đất An, Hội, Sơn, Thạnh… này, hầu hết là người họ Nguyễn và phần lớn đều có họ hàng gần xa với nhau. Họ Nguyễn bên nội, họ Nguyễn bên ngoại vốn là thông gia, sui gia với nhau nhiều đời, bởi vậy đi đâu cũng thấy họ hàng cả, không bên nội thì cũng bên ngoại, hoặc là cả hai bên.

 Ngày đất nước chia đôi, nội bị đi tập kết và có tìm về vùng Thanh – Nghệ để tìm vết tích tổ nhưng không tìm ra. Những tưởng đi hai năm thì về, nào ngờ kéo dài mút chỉ cà tha. Bà nội ở nhà bị hương ấp hội tề o ép quấy nhiễu không ít nhưng vẫn một lòng chờ ông.

 Ngày nội trở về, bà nội mừng như trẻ lại mươi niên, ông nội rơm rớm nước mắt, những ngày tháng sau đó thì ông dường như u uất, cả ngày lặng lẽ không nói gì cả. Ai có vô tình nhắc chuyện nước non thì ông phủi tay bỏ đi

 Ngày giỗ tổ, họ hàng đông đảo. Có người bên ngoại nói khoáy chuyện nội đi tập kết. Bên nội có người đáp trả sanh ra tiếng lại lời qua, tuy chẳng đến nỗi ồn ào nhưng dần dần lơ nhau, né nhau, xa nhau. Họ Nguyễn bên nội, họ Nguyễn bên ngoại bao đời nay là họ hàng thông gia với nhau, cùng chung sống ở vùng đất này, giờ vì chuyện thiên hạ đâu đâu mà bỗng dưng lạnh lùng xa nhau. Thiên tuy còn nhỏ nhưng cũng cảm nhận được điều này nên hỏi ba. Ba bảo

- Chuyện người lớn rắc rối lắm, mai kia con lớn lên con sẽ hiểu.

 Thiên nghe thế thì không hỏi gì nữa, chạy ra sân chơi với những người anh em họ của cả bên nội lẫn bên ngoại

 Ngày giỗ ông cao ở từ đường bên ngoại, Thiên theo má về ăn giỗ. Từ đường họ Nguyễn bên ngoại là một ngôi nhà cổ to lớn nhất vùng, rất nhiều phòng ốc kho lẫm. Thiên khoái ngồi chơi và trượt trên tấm phản gỗ của ngoại, nó láng như gương và lên nước bóng rất đẹp, thứ nữa là chơi ở cái chỗ giếng trời giữa nhà, mấy con cá hóa long gắn ở đầu máng xối, mỗi khi mưa xuống là nước từ miệng cá xối xả tuôn ra, bên hông nhà có cây khế to hai người ôm, mỗi mùa khế chín, bọn chim két kéo về tranh ăn  đánh nhau kêu chí chóe cả góc vườn. Thiên hỏi má.

- Chim két ăn khế có trả vàng không?

 Má Thiên cười

- Đó là chuyện cổ tích dân gian.

 Lớn hơn chút nữa, Thiên được gởi lên thành trọ nhà người bà con để đi học. Ở quê, ruộng vườn, rẫy mía, đất hương hỏa từ đường...bên nội, bên ngoại đều bị buộc vào hợp tác xã hết ráo dù cả hai bên đều chẳng ai ký bất cứ giấy tờ gì. Ruộng bên ngoại, đất bên nội giờ thành của chung của thiên hạ nhưng thiên hạ là ai thì cũng chẳng ai biết. Vì của chung nên chẳng ai làm, có làm cũng làm qua quýt lấy có, từ đó ruộng không còn nhiều lúa như ngày xưa, mặc dù vẫn đất ấy, giống ấy, vẫn con bò ấy kéo cày. Rẫy mía cũng không còn mía, giờ trồng mì, ông che cũng thất nghiệp luôn. Bác Ba lấy tấm vải dù của lính Mỹ ngày xưa nhảy dù phủ lên và để ở nhà kho. Có người bên ngoại trách.

- Đi với người ta làm chi để giờ ruộng bị người ta lấy, rẫy mía không còn, ông che bỏ chỏng chơ ở nhà kho?

 Nội vốn lặng lẽ bao lâu nay, chưa bao giờ thanh minh hay đính chính điều gì, vậy mà đột nhiên lớn tiếng

- Xã hội nhiễu nhương, hoàn cảnh đưa đẩy, có ai làm chủ được mệnh mình? Mấy người giỏi sao không chọn lấy một con đường?

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2021



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.