Hôm nay,  

Mùa Mía

18/09/202117:42:00(Xem: 2595)

 


Thiên đạp xe hết tốc lực, cái sức một thằng bé mười lăm tuổi đang nhổ giò phát lớn cộng với sự háo hức chờ mấy ngày qua, chẳng mấy chốc là đến nhà nội. Nhà nội Thiên ở quê, cách thị trấn chừng ba cây số, ngôi nhà nằm giữa một vườn cây xanh mát nào là mít, ổi, xoài, chanh, khế… ra khỏi vườn cây là đến rẫy mía phía sau nhà. Rẫy mía mênh mông, mía cao quá đầu người lớn, đứng trước rẫy mía là không còn thấy gì phía trước, rẫy mía như một mê cung trong những câu chuyện cổ tích mà Thiên đã đọc qua. 

 Mỗi mùa hè về cũng là lúc vào mùa mía, năm nào Thiên cũng xin ba về nội chơi khi nhà nội bước vào mùa ép mía làm đường. Thiên theo mấy người anh họ đi vào rẫy mía, những người anh họ chặt mía còn thiên đi nhặt những tổ chim bị lộ ra khi mía bị chặt. Có nhiều loài chim mía mà Thiên không biết tên, Thiên chỉ biết có chim dồn dộc, chim sa sả, chim se sẻ...mía chặt tới đâu thì chim dáo dác ào ạt bay ra, chúng bỏ cả tổ và chim non. Những bó mía được mang đến chỗ ép mía để nấu đường, máy ép mía được gọi là ông che. Ông che nhà nội Thiên to nhất vùng, được làm bằng gỗ lim, to ơi là to. Ông che gồm một bộ mâm ở dưới, có khoét những rãnh để nước mía ép ra chảy vào một thùng hứng, giữa mân nổi lên một cù lao, trên cù lao có gắn bốn khúc gỗ lim to bằng cái vòng ôm người lớn,, đầu những khúc gỗ được đẽo thành những răng cưa để quay. Những người thợ ép mía dùng hai con bò mắc ách vào, hai con bò sẽ đi vòng tròn quanh ông che và kéo cho bánh xe gỗ quay. Hai người ngồi mỗi bên, một bên đút mía vào che và một bên lấy xác mía đã ép xong. Nước mía ép ra đem đến lò nấu đường cũng gần một bên. Chảo đường to như bồn tắm hình tròn, người ta đào cái hầm và đặt chảo lên, một cửa để nhét củi vào và cửa phía sau để thông hơi và móc tro. Lửa từ cái hầm cháy phừng phừng như hỏa ngục, chảo đường sôi sùng sục, mùi đường tỏa ra bay theo gió thơm ngọt cả một vùng.

 Anh Thông căn vặn 

- Thiên, mầy phải gọi là ông che, không được gọi là cái che hay máy che đấy nhé! Phải lễ độ như ngư dân gọi cá voi là ông vậy!

 Thiên thắc mắc tại sao thì anh ấy giải thích

- Nghe nói từ thời cụ tổ xa xưa, dòng họ đã dùng ông che này rồi. Có người cho che ăn mía bất cẩn bị che cán nát tay. Có người cà rỡn mà bị rơi vào chảo đường đang sôi. Bởi vậy từ đời ông cố đã gọi ông che, không ai dám xem thường cả.

 Thiên ngẫm nghĩ và cho đó là những tai nạn vì bất cẩn mà thôi nhưng Thiên không cãi lời anh Thông. Thiên mon men đến bên ông che và muốn thử cho che ăn mía. Nội trông thấy la lớn

- Con ra rẫy mía chơi, đừng láng cháng chỗ người lớn làm việc

- Nội, con muốn thử cho ông che ăn mía

- không được, việc nguy hiểm chứ chẳng phải chuyện chơi.

 Bác Ba đang đút mía vào che nghe thế bèn nói

- Ba, không sao đâu, để con chỉ cho thằng Thiên cách làm.

 Nội không nói gì thêm, bỏ đi đến chỗ lò đường. Bác Ba bảo Thiên ngồi xuống bên cạnh và lấy mía đút vào cái khe giữa những khúc gỗ đang quay. Tiếng kẽo kẹt của cỗ che nghiến mía, tiếng nước mía chảy lỏng tỏng từ mân che xuống cái thùng hứng phía dưới làm choThiên thích thú. Bác Ba chú ý cách Thiên đút mía vào che và nói.

- Khi cây mía được bánh xe che nghiến vào một phần là buông tay ra và lấy cây mía khác để đút vào khe bên kia, giữ một khoảng cách vừa đủ an toàn để không bị bánh xe che cuốn tay mình.

 Thiên làm chừng mươi phút là chán đứng dậy, bác Ba cười to

- Chán rồi phải không? Ra rẫy mía với mấy anh đi lụm chim non đi.

 Trước khi đi Thiên múc một gáo nước mía uống ngon lành, nước mía ngọt thanh làm dịu bớt cái nắng hè. Thiên nhìn hai con bò từng bước nặng nề đi vòng tròn để kéo cỗ che mà thương, nó bước đi uể oải miệng nhai không ngừng, hai bên mép bọt trắng xùi ra. Đời con bò là chuỗi ngày cực nhọc âm u, mùa lúa thì cày bừa ngoài đồng, hết mùa thì kéo xe chở đủ thứ nặng nề, mùa mía thì kéo che ròng rã. Ăn thì toàn cỏ dại, rơm khô; chỉ những con bò cái mới đẻ hoặc những con bệnh mới được bồi bổ thêm cháo trắng. Hai con bò kéo che cả buổi mới được mở ách cho nghỉ ngơi để ăn và uống, cùng là kiếp thú nhưng kiếp con bò tội quá, thương gì đâu á! 

 Giấc xế, bác Ba gái bưng một mâm đậu phộng rang và dừa bào ra, bác lấy gáo dừa múc đường nước đang sôi chế lên mân, chỉ chừng mươi phút sau Thiên và anh em họ có một mâm kẹo đậu phộng dừa. Những người thợ mía cũng ngừng tay nghỉ giải lao bâu lại ăn kẹo đậu phộng dừa, ai cũng tấm tắc khen ngon.

 Có lần đám giỗ, bác Ba kể cho Thiên và mấy anh em họ của Thiên nghe về tích của giòng họ 

- Họ Nguyễn mình vốn ở vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà dẹp loạn xong và trở về nam, cụ tổ họ nhà mình đã đem một nhánh gia tộc đi theo

 Hôm tháng chạp Thiên theo ba đi dẫy mả, ba chỉ cho Thiên cái mả to như ngọn đồi ở bên rẫy mía và bảo đó là mả tổ. Mả tổ xây bằng đá ong, ô dước, vôi, có tường bao quanh, phía trước là cái khám nho nhỏ dựng tấm bia và bốn trụ biểu cao vượt đầu người lớn. Mả tổ bị sập một khúc tường bao và hai trụ biểu bị đổ. Bác Ba nói hồi nẳm Mỹ bỏ bom xuống căn cứ, có một quả bom to bằng hai người ôm nổ cách đó mấy cây số nhưng vì chấn động quá mạnh nên mả tổ bị sạt một góc như thế .

Cả một vùng rộng lớn, đất An, Hội, Sơn, Thạnh… này, hầu hết là người họ Nguyễn và phần lớn đều có họ hàng gần xa với nhau. Họ Nguyễn bên nội, họ Nguyễn bên ngoại vốn là thông gia, sui gia với nhau nhiều đời, bởi vậy đi đâu cũng thấy họ hàng cả, không bên nội thì cũng bên ngoại, hoặc là cả hai bên.

 Ngày đất nước chia đôi, nội bị đi tập kết và có tìm về vùng Thanh – Nghệ để tìm vết tích tổ nhưng không tìm ra. Những tưởng đi hai năm thì về, nào ngờ kéo dài mút chỉ cà tha. Bà nội ở nhà bị hương ấp hội tề o ép quấy nhiễu không ít nhưng vẫn một lòng chờ ông.

 Ngày nội trở về, bà nội mừng như trẻ lại mươi niên, ông nội rơm rớm nước mắt, những ngày tháng sau đó thì ông dường như u uất, cả ngày lặng lẽ không nói gì cả. Ai có vô tình nhắc chuyện nước non thì ông phủi tay bỏ đi

 Ngày giỗ tổ, họ hàng đông đảo. Có người bên ngoại nói khoáy chuyện nội đi tập kết. Bên nội có người đáp trả sanh ra tiếng lại lời qua, tuy chẳng đến nỗi ồn ào nhưng dần dần lơ nhau, né nhau, xa nhau. Họ Nguyễn bên nội, họ Nguyễn bên ngoại bao đời nay là họ hàng thông gia với nhau, cùng chung sống ở vùng đất này, giờ vì chuyện thiên hạ đâu đâu mà bỗng dưng lạnh lùng xa nhau. Thiên tuy còn nhỏ nhưng cũng cảm nhận được điều này nên hỏi ba. Ba bảo

- Chuyện người lớn rắc rối lắm, mai kia con lớn lên con sẽ hiểu.

 Thiên nghe thế thì không hỏi gì nữa, chạy ra sân chơi với những người anh em họ của cả bên nội lẫn bên ngoại

 Ngày giỗ ông cao ở từ đường bên ngoại, Thiên theo má về ăn giỗ. Từ đường họ Nguyễn bên ngoại là một ngôi nhà cổ to lớn nhất vùng, rất nhiều phòng ốc kho lẫm. Thiên khoái ngồi chơi và trượt trên tấm phản gỗ của ngoại, nó láng như gương và lên nước bóng rất đẹp, thứ nữa là chơi ở cái chỗ giếng trời giữa nhà, mấy con cá hóa long gắn ở đầu máng xối, mỗi khi mưa xuống là nước từ miệng cá xối xả tuôn ra, bên hông nhà có cây khế to hai người ôm, mỗi mùa khế chín, bọn chim két kéo về tranh ăn  đánh nhau kêu chí chóe cả góc vườn. Thiên hỏi má.

- Chim két ăn khế có trả vàng không?

 Má Thiên cười

- Đó là chuyện cổ tích dân gian.

 Lớn hơn chút nữa, Thiên được gởi lên thành trọ nhà người bà con để đi học. Ở quê, ruộng vườn, rẫy mía, đất hương hỏa từ đường...bên nội, bên ngoại đều bị buộc vào hợp tác xã hết ráo dù cả hai bên đều chẳng ai ký bất cứ giấy tờ gì. Ruộng bên ngoại, đất bên nội giờ thành của chung của thiên hạ nhưng thiên hạ là ai thì cũng chẳng ai biết. Vì của chung nên chẳng ai làm, có làm cũng làm qua quýt lấy có, từ đó ruộng không còn nhiều lúa như ngày xưa, mặc dù vẫn đất ấy, giống ấy, vẫn con bò ấy kéo cày. Rẫy mía cũng không còn mía, giờ trồng mì, ông che cũng thất nghiệp luôn. Bác Ba lấy tấm vải dù của lính Mỹ ngày xưa nhảy dù phủ lên và để ở nhà kho. Có người bên ngoại trách.

- Đi với người ta làm chi để giờ ruộng bị người ta lấy, rẫy mía không còn, ông che bỏ chỏng chơ ở nhà kho?

 Nội vốn lặng lẽ bao lâu nay, chưa bao giờ thanh minh hay đính chính điều gì, vậy mà đột nhiên lớn tiếng

- Xã hội nhiễu nhương, hoàn cảnh đưa đẩy, có ai làm chủ được mệnh mình? Mấy người giỏi sao không chọn lấy một con đường?

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2021



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.