Hôm nay,  

Lân Xóm Chợ

11/09/202114:25:00(Xem: 2313)

 


 Tiếng trống thì thùng vang khắp xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… Âm thanh trống lân giục giã đầy hào hứng tỏa đến từng nhà, lọt vào lỗ nhĩ thằng Tí. Tiếng trống kích thích nó, làm cho nó và cơm thật lẹ, đoạn nó chan canh vào chén để húp cho xong, dường như nó nuốt chứ hổng có nhai. Cô Hai nhìn nó rồi đưa mắt cho chú Hai:

- Thường ngày đâu có vậy, nó ăn nhơi nhơi cả buổi hổng hết chén cơm, vậy mà bữa nay nó ăn nhanh như lân ăn bắp cải.

 Chú Hai cười, cả nhà cũng cười theo. Thằng Tèo, anh hai của nó tài lanh:

- Nó ăn lẹ để chạy ra ngoài xóm coi múa lân đó!

 Thằng Tí quạu:

- Bộ anh hai hổng đi coi hả?

 Nói xong nó buông cái chén sạch trơn xuống bàn rồi vội vàng uống ly nước thât to:

- Má, con đi coi múa lân đó nha!

 Vừa nói vừa chạy, cô Hai với theo:

- Hổng chờ anh hai đi sao Tí? Đi nhớ về sớm, không được theo đoàn lân đi xa!

 Tiếng dạ của thàng Tí mất hút theo bóng nó. Cô Hai bảo:

- Tèo, con đi coi múa lân ngoài xóm nhớ trông chừng em nha, đừng để nó theo lân đi xa đó!

 Thằng Tèo cũng vội vàng lao ra khỏi cửa, đuổi theo thằng Tí.

 Trời mới đầu hôm mà con nít từ các xóm túa hết ra đường, mà nào chỉ có con nít, thanh niên nam nữ cũng tụ tập tụm năm tụm ba, ai ai cũng bâu quanh đoàn múa lân. Đêm nay mới là đêm mười bốn thôi, nhưng trăng đã tròn vành vạnh to như cái mâm, ánh sáng trăng bàng bạc rải khắp xóm, những cây đuốc lồ ô cháy hừng hực soi ánh lửa vàng pha sắc đỏ soi tỏ mặt người. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng bàn tán xôn xao, tiếng trống thì thùng, tiếng chiêng phèng phèng…làm tưng bừng cơ hồ như đêm nay sẽ không ngủ. Đoàn lân xóm chợ xưa nay nổi tiếng nhất quận, ba năm liền đoạt giải nhất. Lân xóm chợ đẹp nhất, oai phong nhất, lân biết chớp mắt, nhép mở hàm. Ông địa cũng đẹp, miệng cười toa toét, ngoài lân và địa ra còn có thêm nhân vật Trư bát Giới để xôm tụ thêm. Anh Hai Luân làm trưởng đoàn lân, anh có tài nghệ múa lân giỏi nhất quận. Anh lại sẵn lòng truyền nghệ cho đàn em, Tụi thằng Mùi, thằng Cảnh, thằng Đức… đều được anh kèm cặp chỉ bảo từng động tác, từng điệu bộ. Anh hai Luân múa Lân giỏi là vậy, nhưng dân các xóm vẫn khoái xem anh làm ông địa hơn. Khi làm ông địa anh không cần độn bụng vì cái bụng anh chang bang như ông địa rồi. Anh thủ vai ông địa thì y như nhập thần vậy, lúc ấy người ta không biết anh nhập vai ông địa hay ông địa hóa thành Hai Luân. Ông địa cười ngả ngớn, phe phẩy quạt mo. Ông địa Hai Luân dập dềnh như người say, khi thì xàng qua bên này khi thì ngả nghiêng bên nọ...Con nít cười bể bụng luôn. Thằng Tí cứ xáp vào vỗ vỗ cái bụng ông địa Hai Luân. Ông địa quạt quạt nó, cười với nó.

 Đoàn lân đang múa trước sân đình Vân Hội để làm lễ trước khi xuất quân. Ông từ giữ đình treo một cái bao thơ đỏ để làm lộc cho đoàn lân, ngoài ra còn có mấy cái bắp cải để thưởng cho lân. Ông từ hiền từ thật, ổng treo vừa tầm với chứ không chơi ác treo cao như mấy nhà giàu trong xóm. Năm nào cũng vậy, lân phải trầy trật khó lắm mới ngoạm được cái bao thơ treo cao chót vót ấy.

 Đêm mười bốn âm lịch vui ơi là vui, đình Vân Hội như sống dậy những ngày xa xưa, cửa đình mở rộng, đèn cầy cháy sáng lung linh, ngoài sân người cầm đuốc đi lại lăng xăng. Ánh trăng như tơ vàng trải từ không gian xuống mái đình rêu phong cổ kính. Ánh trăng lại như dòng sữa chảy tràn cả xóm chợ, xóm đình, xóm chùa… Ánh trăng xuyên qua tán lá rơi rải rác những mảng sáng loang loáng khắp các con đường trong xóm. Con đường từ đình đi ra gò Yến vốn tối thẫm vì những hàng tre ken dày hai bên, vậy mà dưới ánh trăng trông đẹp và thơ mộng quá chừng. Thường ngày, những đêm tối trời, ít ai dám qua lại con đường này. Dân mấy xóm quanh đình sợ ma, có người còn cả quyết đã thấy ma đánh đu tòn teng trên mấy bụi tre. Ánh trăng dát bạc khắp cánh đồng Ông Tà, đồng Ông Tà nằm ngay trước đình, mỗi khi lúa gặt xong thì cánh đồng trở thành sân chơi của con nít trong xóm. Còn những đêm trăng như đêm nay thì trai gái tụ tập hóng mát, ngồi tâm tình, có nhóm gầy độ nhậu ngoài đồng dưới ánh trăng. 

 Sau khi bái yết xong, đoàn lân bắt đầu kéo đi múa trong xóm. Tiếng trống của đoàn lân đi tới đâu thì con nít rần rần theo tới đó, cả một đoàn dài cầm đuốc đi trong đêm trăng, có một số khác thì cầm lồng đèn, nào là đèn ngôi sao, đèn bánh ú, đèn cá chép… đủ kiểu, đủ màu sắc. Hễ nhà nào có treo thưởng thì đoàn lân dừng lại để múa. Đoàn lân đến nhà thằng Tí, chú Hai treo nải chuối và bao thơ làm phần thưởng, cửa mở rộng ra. Thằng Tí theo lân chạy vào nhà, nó mừng vui và hãnh diện nói với thằng Tùng, thằng Đẹn, cu Sứt, cu Lọt…:

- Nhà tao năm nào cũng được lân dzô nhà đó nhen! Ba tao nói lân hên lắm, lân tới thì tà ma lui. Lân đem lại may mắn cho nhà nào mà nó dzô.

 Thằng Tí còn đang say sưa tám thì thằng Tèo chạy lại:

- Nãy giờ mầy đi đâu mất tiêu, tao tìm mầy khắp nơi mà hổng thấy. Má biểu tao canh chừng mầy, không được theo lân đi xa đó nha!

- Tui biết rồi, mà nãy giờ anh hai đi đâu dzậy?

- Thì tao cũng theo coi múa lân

- Sao tui hổng thấy anh?

- Đông như vầy bộ dễ thấy lắm hả?

Cu Lọt chen vào giữa hai anh em nó:

- Mấy nhà mua bán giàu có ở xóm chợ thường rước lân dzìa múa khai trương, mở hàng để lấy hên. Sáng mai là rằm tháng tám, lân còn lên chùa Bàu Lương lễ nữa đó.

 Cu Sót lý luận:

- Ba tao nói lân mình khác lân Tàu. Lân Tàu có năm màu theo ngũ hành, lân mình chỉ một lân là đủ rồi. Người Tàu thích múa rồng dài thòn lòn.

 Thằng Tí vậy mà lanh, nó có cái nhìn khá sành điệu so với cái tuổi của nó:



- Lân Tàu hổng có ông địa, lân mình có hai ông địa rập rền hai bên. Ông địa hầu lân, ông địa vui tánh và dễ thương gì đâu á!

 Thằng Tèo lớn tuổi nhất đám con nít xóm chợ, nó có cái hiểu biết hơn hẳn. Nó hỏi đố:

- Tụi bay có biết tại sao ông địa cái bụng chang bang, cái miệng cười toe toét?

 Gần như đồng loạt, cu Tí, cu Sót, cu Đẹn, thằng Đức...đồng biễu môi:

- Ai mà biết!

 Thằng Tèo nghênh nghênh cái mặt ra vẻ đàn anh:

- Ba tao nói, địa là đất, đất thì phải rộng rãi to lớn mới chứa được mọi thứ, bởi vậy người ta mới chế ra ông địa cái bụng chang bang như bà bầu, cái miệng cười qúa cỡ thợ mộc là để cho người ta vui, đem may mắn đến cho mọi người. 

 Cả đám con nít hả miệng ra:

- Ờ hớ, ừ hứ… vậy mà hồi nào giờ có biết đâu, cứ ngỡ ông địa nhậu nhiều nên cái bụng chang bang như chú Hai Luân.

 Nãy giờ tụi nhóc đang tám, tiếng trống rì rầm thì thụp giữ điệu cho lân say, lân ngủ. Bất chợt trống đập thùng thùng, chiêng dập phèng phèng cao độ, thì ra là đã đến nhịp lân ăn, lân chúc phúc gia chủ và lân cáo từ. Đoàn lân ra khỏi nhà thằng Tí để đi đến những nhà khác có treo thưởng. 

 Đêm dần về khuya, tiếng trống nghe thanh lạ lùng, tiếng trống khơi dậy sự tịch mịch của cả năm trường ở xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… Tiếng trống khuấy động cái trầm lắng của cánh đồng Ông Tà. Tiếng trống vọng vào đình, len lỏi từng ngõ ngách trong thôn xóm, Tiếng trống len trong tâm tư ký ức của thàng Tí, của đám nhóc con và cả tâm tư của bao thế hệ người ở đây. Trong khi ấy ánh trăng đêm mười bốn lại chiếu rõ tâm tư mọi người, dù là chưa phải đêm rằm chính nhưng đôi khi trăng mười bốn lại là trăng đẹp hơn, có nhiều thời gian rỗi hơn để ngắm. Mặt trăng như tấm kiếng khổng lồ từ trên cao hắt ánh sáng dìu dịu xuống xóm làng. Ánh trăng lay động theo nhịp của trống lân.

Ánh trăng rập rờn qua tán lá cành cây. Ánh trăng rơi trên những con đường trong thôn tạo thành những vệt sáng dài thăm thẳm, cứ ngỡ như những dòng sông ánh sáng trong đêm trung thu tháng tám. Thằng Tí nắm tay thằng Tèo giựt giựt chỉ mặt trăng:

- Thằng Cuội ở trên ấy chắc buồn lắm phải hôn anh Hai? Nó đâu có được coi múa lân, đâu có  lồng đèn hay đuốc để chơi. Nó mà nghe trống lân chắc nó thích lắm ha anh Hai?

 Thằng Tèo ra vẻ già dặn kiểu người lớn:

- Ừ, buồn là cái chắc, cung trăng hay cung dzua cũng dzậy thôi, thui thủi một mình buồn chết!

 Gần mười một giờ đêm hai anh em Tí và Tèo mới qquay về nhà. Cô Hai và chú Hai rầy nhẹ:

- Đã bảo đừng có theo lân đi xa về khuya, dzậy mà cũng hổng nghe lời. Hai đứa vô rửa ráy lại rồi đi ngủ.

 Chú Hai lại nói với cô Hai:

- Trưa mai, đúng ngọ, đoàn lân xóm chợ sẽ múa cúng dường ở chùa Bàu Lương, vừa đúng ngày rằm tháng tám vừa để an vị tôn tượng bồ tát Địa Tạng luôn. Mai cả nhà mình luôn chùa lễ Phật.

 Cô Hai trả lời:

- Dạ, em nhớ mà, để sáng mai em nhắc cậu Bảy với má luôn, nếu có đi thì đi chung. Má vẫn lên chùa vào ngày rằm và mùng một, chưa bỏ sót bao giờ.

 Cả nhà tắt đèn đi ngủ, ngoài sân ánh trăng ngà đêm mười bốn bao phủ cả không gian, ánh trăng trùm lên sơn hà vạn vật, người và muôn loài chìm vào trong giấc ngủ êm đềm trong không khí thanh bình.

 Trong lúc người ta ngủ hay thức dòng đời như dòng sông vẫn trôi mãi không ngừng nghỉ bao giờ, dòng thời gian vô tình như nước chảy mây bay, dòng thiên nhiên thay đổi biến hoại liên miên, dòng tử sanh vẫn tất bật sanh diệt trong mỗi sát na. Xóm chợ ngày nào giờ trở thành một thị trấn nhỏ nhưng khá sầm uất, mua bán rộn ràng. Thằng Tí ngày xưa giờ đã là ba của hai thằng Tí, Tèo mới. Ba má của thằng Tí trước thì giờ đã là ông bà nội ở vào cái tuổi “ Cổ lai hy” rồi! Thằng Tí cũng đã là dân thành đô hơn hai mươi mấy năm trời, nó xa cái xóm chợ kể từ khi lên thành trọ học. 

 Đêm thành đô lặng lẽ im lìm chi lạ, nhiều lúc cứ ngỡ như thành phố ma trong phim “ Walking Dead”. Thành đô bị phong thành đã mấy tháng qua. Dân chúngđiêu đứng, mọi hoạt động kinh tế, xã hội đều dừng lại hết, cuộc sống càng lúc càng túng thiếu. Tình hình như thế này thì trung thu năm nay coi như tiêu. Người lớn thì không nói gì chỉ tội tụi nhóc con không có được cái vui của tuổi thơ. Ti vi đưa tin người nhiễm bệnh, người chết vẫn tăng chứ chưa thấy giảm dù đó là con số không thật. Thành đô vẫn phong tỏa rất ngặt nghèo, nhân viên hành xử vô lý và máy móc như robot, việc sống chết bây giờ quả thật vô thường thấy rõ. Nhiều người mới hôm qua còn đó, vậy mà hôm nay bị cách ly và vài ngày sau lại thấy về trong cái hũ sành đựng nhúm tro. Anh Tí thấy cũng nản và sợ lắm chứ, nhưng vẫn phải hy vọng mà sống, hy vọng dịch bệnh qua nhanh để cuộc sống trở lại bình thường. Anh Tí nói với vợ:

- Tội mấy đứa nhỏ, không có được cái khung cảnh trăng trung thu thanh bình như tụi mình ngày xưa ở dưới quê. Con nít thành đô đâu có biết cái thú chạy theo đoàn lân để nghe trống và xem múa lân. Thành đô cũng có những đoàn lân sư rồng nhưng đó là việc kinh doanh chuyên nghiệp, họ chỉ múa theo hợp đồng làm ăn khai trường mở tiệm hoặc theo những thỏa thuận, giá cả từ vài chục triệu đến trăm triệu như chơi. Thành đô khôing có những đoàn lân tự làm tự diễn và múa một cách đầy hứng khởi, đầy máu văn nghệ như dưới quê những ngày xưa.

 Thành đô đêm nay trăng sáng vằng vặc, ánh trăng rơi trên những mái nhà bê tông xám xịt, ánh trăng chưa kịp rơi xuống mặt đường thì đã tan biến vào ánh đèn đường. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2021

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.