Hôm nay,  

Chạy Dịch

14/08/202111:29:00(Xem: 2902)

 


 Anh Hòa lầu bầu trong miệng:

- Hổng biết lò bát quái thế nào chứ căn phòng này có khác gì?

 Cái nóng hầm hập như hấp mấy sinh mạng bên trong, mồ hôi lúc nào cũng rin rít tứa ra, nhiều lúc tưởng chừng cạn cả nước trong cơ thể. Cái nóng dường như cộng dồn từ sự lưu cửu lâu ngày, dù cái máy quạt chạy hết công suất cũng chẳng thay đổi nổi khí nóng trong nhà. Ở thành phố này dường như quanh năm là mùa hè, chỉ có mỗi mùa hè thôi!

Cái khái niệm xuân, thu, đông nó rất mơ hồ trừu tượng, có mấy ai cảm nhận được không khí mát mẻ của nó bao giờ. Đâu chỉ anh Hòa, toàn bộ cư dân ở đây đều vậy, chỉ trừ một số nhà giàu đi du hí các xứ ôn đới thì mới biết cái không khí xuân, thu, đông. Có đôi khi thấy cái cảnh đẹp và mát mẻ của những mùa đó ở trên ti vi hay trên phim ảnh, làm cho anh Hòa cứ ngỡ đó như cảnh tiên, anh ao ước giá được một lần đắm mình trong cái không khí mát mẻ an lành ấy. Anh từng mơ mộng giá mà thành phố này bất chợt một ngày nào đó xuất hiện cảnh vàng thu lá đổ hay tuyết trắng trời đông dù chỉ là một phút thoáng qua. 

 Anh Hòa cởi trần mặc độc xà lỏn  ngồi sát mép cửa ra vào, mắt đầy lo nghĩ mông lung. Lệnh phong thành đã hơn tháng nay, trong nhà cạn kiệt thức ăn, nước uống và tiền bạc; nếu tình trạng này kéo dài chắc chết! Cái đói đã hiện diện chứ không còn mơ hồ gì nữa. Mà đâu chỉ gia đình ảnh, cả cái xóm trọ này cũng thế, toàn dân lao động các tỉnh lên thành kiếm sống, giờ sống dở chết dở. Anh Hòa mất việc mấy tháng rồi, vợ anh mua gánh bán bưng nhặt nhạnh chắp vá từ gánh hàng rong, giờ phong thành đành bó gối ngồi nhà. Thằng Tưởng học lớp bảy, thằng đắc mới đi mẫu giáo cũng ở nhà quanh quẩn trong bốn bức tường. Mấy nay thỉnh thoảng cũng được gạo và rau củ từ mấy nhóm từ thiện cá nhân gởi cho, nếu không thì còn căng thẳng hơn, thỉnh thoảng anh Bảy Bá bên ngoài khu vực phong tỏa cũng tiếp tế cho một ít lương thực. Không có anh và những nhóm từ thiện ấy thì đói là cái chắc, cả xóm cùng đói!

Nhìn những đứa trẻ đứng lố nhố sau hàng rào kẽm gai phong tỏa ngó ra đường, khách cứ ngỡ như trại tập trung thời chiến. Những con người khốn khổ dù chẳng dính dịch hay bệnh nhưng vẫn bị nhốt như gà vịt, thậm chí nhốt còn căng hơn những con vật nguy hiểm truyền nhiễm. Đầu hẻm chăng dây, rào kẽm, những khuôn mặt lạnh tanh lầm lì cứ chờ chực ai vượt qua là ra tay liền, không cần biết lý do gì cả. 

 Cái xóm trọ này ngất ngư trong cơn nắng hạ bao  nhiêu năm nay, cái nắng cái nóng có khó khổ mấy cũng còn chịu được. Ai cũng bám trụ để mưu sinh, lo cho con cái và gia đình, nhưng cái nóng hầm hè chống dịch thì tàn nhẫn hơn, nó làm cho người ta cạn kiệt cả vật chất lẫn tinh thần. Ngồi nhà cả tháng, ăn uống dù có tém gọn đến độ không thể nào gọn hơn nữa nhưng vẫn không biết mai này lấy gì ăn, ấy là chưa nói tiền nhà, tiền điện, nước, học hành và trăm thứ hằm bà lằng khác. Anh Hòa rầu rĩ:

- Phong tỏa dài hạn thế này chắc mình phải cuốn về quê thôi! Dưới quê tuy nghèo khổ nhưng giờ ở đây không còn gì để duy trì nữa! Hết đường sống rồi

 Chị Yên vớt vát:

- Nghe nói họ chuẩn bị phát tiền hỗ trợ cho người nghèo, may ra đắp đổi qua ngày.

- Có mà lên ti vi nhận em ơi!

- Không, em nghe tin tức mấy hôm nay mà!

- Ừ thì ti vi nói, tin được có mà bán lúa giống ăn, dẫu cho có thật thì cũng không bao nhiêu, sao đắp đổi nổi? Mấy nay nhờ những nhóm từ thiện của dân chứ không thì đói rã họng.

- Mình về quê cũng được nhưng việc học hai đứa con sao đây?

- Tới đâu hay tới đó chứ biết sao, giờ lo sống còn trước đã!

 Hai vợ chồng còn đang tính tới tính lui thì tiếng chuông điện thoại cầm tay reo vang. Anh Hòa bắt máy thì nghe tiếng anh Bảy Bá:

- A lô, Hòa đó hả? Anh Bảy đây! Mai bọn anh về quê, anh không giúp gì thêm được nữa, em cũng tính đường đi!

 Hòa bần thần:

- Cảm ơn anh đã giúp bấy nay, giờ anh về quê chúc anh bình an đi đến nơi về đến chốn. Tụi em cũng tính dọn về quê nhưng ngặt cái xóm em bị phong tỏa gắt, nội bất xuất ngoại bất nhập nên không thể đi được.

- Chỗ anh cả xóm ùn ùn kéo về quê, giờ có bám lại cũng không còn tiền để sống, không nghề để làm. Dịch như vầy biết bao giờ mới hết? Em có gì cứ nhắn tin anh, anh giúp được gì trong khả năng thì anh giúp.

- Dạ, cảm ơn anh.

 Bốn giờ sáng, trời còn tối mịt, những ngọn đèn vàng vọt trong hẻm tỏa ra ánh sáng yếu ớt trầm lắng. Vợ chồng Bảy Bá nai nịt gói ghém toàn bộ hành lý lên chiếc xe máy. Anh đèo chị, thằng Tí ngồi ở trước, thằng Tô ngồi giữa hai vợ chồng, trông thật tài tình làm sao, cứ như làm xiếc. Chiếc xe máy cồng kềnh nổ khìn khìn hòa với tiếng máy của những chiếc xe khác, cả đoàn người lần lượt rời khỏi con hẻm, dòng xe nối đuôi chạy ra đường lớn và hướng về phía cửa ngõ thành phố. Nếu sài Gòn ngày trước như một hấp lực, anh Bảy Bá đưa vợ và con lên thành mưu sinh, giờ rời bỏ Sài Gòn chạy trốn trong sự ngậm ngùi, ở lại lấy gì mà sống? Anh làm phụ hồ, chị bán hàng rong, ky cóp cũng đắp đổi được, nhưng từ khi dịch bùng lên, anh mất việc, hai tháng sau thì phong thành, chị buộc phải ngồi nhà. Giờ thì phải bỏ Sài Gòn mà đi, có mấy ai muốn rời đi đâu? Nhưng không đi thì lấy gì ăn? 

 Dòng xe máy khìn khìn nối đuôi nhau, xe nào cũng chất lỉnh kỉnh đồ đạc, treo máng hai bên, ràng buộc trước sau. Mọi người cố nhặt nhạnh đem về những món tài sản ít ỏi của mình. Đoàn xe chạy qua những con đường vắng tanh không một bóng người, không ít người ngậm ngùi thầm nói lời tiễn biệt Sài Gòn. Thỉnh thoảng vài chiếc xe nhà binh rọi đèn pha chói mắt, dù không thấy người trong xe nhưng ai cũng rờn rợn biết có những cặp mắt đang tăm tia họ. Những nhà dân hai bên đường cửa đóng then cài với nhiều lớp khóa. Bên này đường treo cao khẩu hiệu:” Mỗi nhà là một pháo đài chống dịch, mỗi người là một chiến sĩ chống dịch”, bên kia đường đối lại bằng một khẩu hiệu khác: ”Chống dịch như chống giặc, dùng tinh thần đánh đế quốc để chống dịch”… Đòan xe chạy ngang một chốt dân phòng, thấy năm bảy người lố nhố với dùi cui, roi điện, kẽm gai và trên nóc cũng chăng khẩu hiệu đỏ lòm, ngay cạnh đó là trụ sở ủy ban kín cổng cao tường, trên tường cũng trương khẩu hiệu, nơi nào cũng thấy khẩu hiệu. Anh Bảy nói giọng bực bội:

- Con bà nó! Chống dịch bằng tinh thần đánh Mỹ, vậy mà tiền Mỹ thì tươm tướp, hàng Mỹ thì mê, vắc xin Mỹ thì chích.

 Vợ anh ngồi sau lầu bầu:

- Vắc xin Mỹ mấy ổng chích, người nhà và bạn bè mấy ổng hưởng hết trơn. Vắc xin Tàu thì để cho dân. Em thà hổng chích chứ không thèm vắc xin Tàu!

- Ừ, chích vắc xin Tàu không chừng lợi bất cập hại.

- Ăn ở gì lạ quá, mở miệng ra là chửi, xúi đàn em chửi vậy mà tiền đô nhét đầy túi, mở tài khoản ở bển để tuồn của cải, con cháu cài cắm lót ổ ở bển.

- Đời nó chó má vậy! Chỉ tội tụi lon ton thằn lằn cắc ké cuồng mà hổng được gì, cùng lắm thì được chút tiền bồi dưỡng.

 Đoàn xe xóm trọ anh Bảy đến ngã tư Hàng Xanh thì gặp nhiều đoàn xe khác từ các hướng cùng tụ về, từng dòng xe hòa nhập thành một đoàn dài chạy về hướng ngoại thành. Những con người khốn khổ rời Sài Gòn, rời khỏi mảnh đất trù phú từng mơ ước để mưu sinh. Nếu lúc trước lên Sài Gòn để sinh sống thì giờ chạy trốn Sài Gòn vì sự sống còn. Xe chạy được bốn tiếng thì thằng Tí than vãn:

- Ba, com đau đái!

 Thằng Tô ngồi giữa anh và chị cũng kêu:

- Con đói bụng quá mẹ ơi!

 Anh Bảy dỗ ngọt:

- Ráng chút nữa đi con. Chạy thêm chút xíu nữa lựa chỗ trống trải để nghỉ ăn sáng luôn.

 Chạy thêm một tiếng nữa thì hai đứa lại nhắc, anh Bảy tấp vào bên lề đường cho hai đứa đi tiểu và nghỉ chút để ăn sáng. Những chiếc xe khác cũng tấp vào nghỉ, nhìn quanh có khoảng chục gia đình ngồi rải rác, trong khi ấy dòng xe chạy dịch vẫn nối đuôi dài bất tận trên đường. Anh Bảy làm quen, hỏi người đàn ông kế bên:

- Anh chị về đâu?

Người ấy bảo:

- Tui về Huế, bạn tui về tuần trước rồi, tui ráng cầm cự xem thử có trợ cấp giúp đỡ gì không, giờ thì tuyệt vọng nên phải về thôi! Tui nghe phong phanh dường như họ bắt đầu ngăn chặn không cho dân về nữa. Tui không biết sao, cứ đi, tới đâu hay tới đó, giờ ở lại cũng chết mà đi cũng không xong.

 Anh Bảy tâm sự:

- Tui làm phụ hồ, mất việc mấy tháng rồi, vợ cầm cự đến nay thì kiệt, đành về Quảng Ngãi, anh làm gì trong đó?

- Tui làm công nhân lắp ráp trong một xưởng máy, xưởng cho nghỉ cả tháng nay, vợ cũng làm chung, cả hai thất nghiệp!

Anh Bảy nói thêm:

- Mình về còn đỡ, mấy đứa em và bạn kẹt ở khu cấm túc, không thể ra vô nên đâu về được, mà ở lại thì...chẳng còn gì ăn, thế mới chết chứ! Đúng là đi cũng dở ở không xong.

 Đột nhiên người đàn ông gốc Huế giận dữ:

- Chúng nó ột dột quá, chống dịch thì đúng rồi nhưng chống bằng cách triệt đường sống của dân thì ngu xuẩn máy móc quá! Dân chưa chết vì dịch đã điêu đứng vì sinh kế. Các nước họ lo cho dân, phát lương thực, trợ cấp tiền bạc chứ đâu có cái kiểu sống chết mặc bay như vầy!

Một người cũng kế bên, giọng Đà Nẵng góp lời:

- Chống dịch cứng nhắc, họ coi mình như cỏ rác, sống chết mặc bay, chống kiểu này dịch vẫn cứ tăng hàng ngày.

 Một người khác giọng Bình Định:

- Họ chống dịch bằng cách cấm chợ ngăn sông, không cho dân mua bán nhưng siêu thị của nhóm lợi ích thì được bán, bán với giá mắc, dân thiếu ăn mặc kệ!

 Một giọng khác nói xen vào, không rõ giọng miền nào, có lẽ lưu lạc đã lâu nên chất giọng đã pha trộn nhiều âm sắc:

- Ở sài Gòn thiếu thực phẩm, zậy mà nghe nói miền tây hàng trăm ngàn tấn gạo, thủy sản, rau ùn ứ. Đà Lạt hàng chục ngàn tấn hoa quả phải đổ bỏ, tại sao không cho xe hàng chở về Sài Gòn? Phong thành kiểu này thì chết hết dân nghèo.

 Người đàn ông gốc Huế rầu rĩ:

- Ột dột lắm anh ơi! Họ mà biết nghĩ như anh thì dân đỡ khổ, không chừng chúng ta còn bám trụ được ở Sài Gòn.

 Chị Bảy nãy giờ lặng im, chợt than:

- Nghe nói có tỉnh chốt chặn, không cho dân về vì họ sợ lây dịch, liệu mình về có được không?

Anh Bảy chán nản:

- Giờ thì không còn lựa chọn nào khác, tiến lui đều không có cửa, cứ liều vậy, tới đâu hay tới đó!

 Mọi người nghỉ xong vội vàng xốc lại xe máy để tiếp tục lên đường về nhìn kim đồng hồ trên xe máy, anh Bảy nói một mình:

- Chạy bốn lăm đến năm mươi cây số giờ kiểu này chắc phải mất ba ngày mới tới nhà.

 Dòng xe máy trên đường dài ngút  tầm mắt, không thấy điểm đầu cũng như điểm cuối, những bảng số xe cho biết hầu như các tỉnh đều có mặt. Người nào cũng trùm kín mít, nón bảo hiểm, áo dài tay che nắng gió, có người còn mặc cả áo mưa bằng nylon, tất cả chăm chăm hướng về phía trước, dù rằng phía trước lành dữ ra sao chưa đoán được, giờ chỉ một lòng về quê mà thôi! 

 Mười giờ sáng, dòng xe chạy ngang qua một thị trấn nhỏ bên đường cái quan, nhiều người giảm tốc độ rà rà ghé vào một cái quán để nhận chai nước và một phần ăn. Một cụ già và một cô cháu gái đứng phát tặng cho những người chạy dịch. Anh Bảy cũng ghé vào nhận lấy phần quà tặng của người dân xa lạ nhưng tốt bụng từ tâm. Anh thắc mắc với vợ:

- Dòng người dài dằng dặc như vầy, liệu cụ già và cô bé kia có đủ quà để phát?

 Chị Bảy lặng thinh, không biết vì không nghe thấy hay nghe mà trong lòng ẩn nhẫn không biết nói ra sao?  Lúc này mặt trời đã oi bức lắm rồi, chạy thêm chừng hai tiếng nữa thì cái nắng, từ trên đầu dội xuống, sức nóng từ mặt đường bốc lên, cái nóng bít bùng trong mũ bảo hiểm tỏa ra, sự ngột ngạt từ miếng khẩu trang bịt miệng mũi… Anh Bảy như muốn nổ tung, mồ hôi trin trỉn cả người. Người lớn còn câm nín chịu đựng, thằng Tô khóc nhè nhè, bức tóc bức tai, khóc mệt thì ngủ lịm đi, thằng Tí ngồi phía trước hứng gió táp vào mặt, tuy cũng nóng bức nhưng nó đủ nhận thức để hiểu chuyện nên không mè nheo như thằng Tô. Dòng xe máy riết róng chạy về phía trước, bỏ Sài Gòn lại sau lưng, cứ chạy thôi, còn lành dữ ra sao thì chẳng ai biết. Mọi người rời Sài Gòn chẳng qua là bất đắc dĩ, chẳng ai muốn rời bỏ nơi dễ mưu sinh nhất ở xứ sở này. Dòng xe dòng người như chạy giặc tị nạn  giữa thời bình, những người  đã tìm đến sài Gòn để lập nghiệp, kiếm sống giờ phải chạy trốn. Sài Gòn giờ nhìn đâu cũng thấy dịch, nhìn ai cũng như nguồn lây bệnh. 

 Trời nắng như đổ lửa, anh Bảy tách khỏi dòng xe trên đường, tấp vào một gốc cây bên vệ đường để nghỉ và ăn chút gì lót dạ. Nhiều người thấy thế cũng tự động tấp theo vào. Gặm cái bánh mì thịt bỏ trong ba lô bị dẹp lép, anh ăn ngon như chưa bao giờ được ăn. Chị Bảy lấy thức ăn cho hai đứa con và cùng ăn với chúng, Ăn xong ai nấy tự động nằm thẳng ra đất cho cái lưng đỡ mỏi, bây giờ chẳng còn khái niệm sạch dơ bụi bặm gì nữa. Sau khi nghỉ ngơi lại sức, dòng xe lại tiếp tục chạy về miền trung, mảnh đất nghèo khó nhiều thiên tai và cả nhân tai. Miền trung được bọn văn sĩ, thi sĩ ví như cái đòn gánh, lại có kẻ ví như khúc ruột… Dù gì thì nó cũng từng là cái nôi của nhiều nền văn minh cổ của quốc gia này, nào chỉ là văn minh tộc Việt, còn nhiều tộc người khác trước cả tộc Việt rất lâu. Miền trung mang nhiều vết thương lòng, năm xưa khói lửa chiến chinh, dòng người ùn ùn di tản kéo về nam, chạy về Sài Gòn để tránh giặc, nào ngờ mấy mươi năm sau người ta lại lũ lượt bỏ chạy khỏi sài Gòn để tránh dịch. Không biết cái nghiệp gì mà những người con của tộc Việt đau khổ không thế này? Bao nhiêu khổ nạn vận vào họ, những dòng người xưa nay tơi tả chạy ngược chạy xuôi, ai dám bảo tương lai sẽ không còn chạy? 

 Dòng người lặng thầm chạy về phía trước, chỉ có tiếng xe máy khìn khìn, phành phạch khuấy động cái nóng, kích thích cái nóng trên đường. Cứ chạy như thế cho đến khi tối mịt mùng, nhiều tốp tấp vào bên đường, dùng ánh đèn xe máy để ăn uống, những gói mì khô khốc, những cái bánh mì xẹp lép dai nhách, những gói cơm nguội… bị những người đang đói bụng ăn ngấu nghiến một cách ngon lành, rải rác quanh đó có nhiều người mệt quá nằm ngủ thiếp đi. Chị Bảy gối đầu lên cái ba lô, trong ấy còn một ít tiền và nữ trang, đó là tất cả sự sống còn cho những ngày sắp tới, chị ôm thằng Tô ngủ một giấc ngủ chập chờn mộng mị. Anh Bảy Bá cẩn thận hơn, anh buộc chân vào bánh xe máy, phòng khi ngủ say bị  trộm dắt xe thì biết, có lẽ bản tánh người trung là vậy, tuy nhiên trong lúc này thì sự cẩn thận ấy cũng thừa. Không một thằng ăn trộm nào dám bén mảng đến dòng người chạy dịch đông đúc như thế này! Anh Bảy cẩn thận, đề phòng là vậy, nhưng với chiếc xe máy hay những cái nhỏ nhặt chứ còn những việc lớn như sinh mệnh anh và gia đình, sự sống, sinh kế… thì hoàn toàn định đoạt bởi người ta. Mà nào chỉ có anh, hàng triệu người ở xứ sở này cũng đều bị như thế cả. Anh Bảy và dòng người lên Sài Gòn kiếm sống và rồi chạy dịch cũng vì sự sống, cuộc sống đẩy đưa, dòng đời đưa đẩy như bèo dạt mây trôi.


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 08/2021

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.