Hôm nay,  

Hộ Tường

20/05/202110:28:00(Xem: 1848)

 


 Phật điện mông lung trong làn khói trầm hương, làn khói nhỏ mong manh phưởng phất dường như quyến luyến điều chi chẳng chịu bay lên, làn khói như vờn vẽ mật ngữ trong không khí. Mùi trầm pha lẫn mùi bổi, hương thơm của trầm pha với mùi ngan ngát đắng của gỗi bổi, chỉ có những người như thầy Tư thì mới có thể nghe ra, đàn na tín thí cắm đầu cắm cổ đốt cả nén hương nhưng có mấy ai phân biệt đâu là mùi trầm đâu là mùi bổi. Ngọn nến leo lét trước tôn tượng Thế Tôn, đôi lúc phụt lên thật cao khi dòng nến trên bề mặt chảy xuống, lúc thì ngọn lửa liu riu khi mà sáp tan ngập tim. Tiếng mõ lốc cốc đều đều như đưa người và phi nhân vào một cảnh giới nào đó khác với cõi đời thực này, thỉnh thoảng một chày chuông vang lên khi hết đoạn kinh hay chuyển ý, tiếng chuông lại kéo người về với thực tại. Thầy Tư ngồi kiết già trên bồ đoàn, mắt lim dim, một tay mõ, một tay chắp trước ngực. Thầy như đã nhập vào một cảnh giới thần tiên hay cung trời nào đó, không còn nhận biết xung quanh, giả như lúc này có kẻ trộm vào khiêng bộ ngũ sự đi thầy cũng chẳng biết. Sư phụ của thầy ban cho thầy pháp danh Hộ Tường, nhưng bao nhiêu năm nay thiện nam tín nữ quanh vùng chỉ quen gọi thầy là thầy Tư, riết rồi chẳng còn ai nhớ pháp danh của thầy nữa, Pháp danh của thầy giờ chỉ còn ở trên hộ điệp mà thôi.

Người khách ngồi sau lưng thầy đã đợi một canh giờ, y vẫn điềm tĩnh nhẫn nại đợi cho đến khi khóa công phu của thầy kết thúc. Y không muốn hay không dám làm kinh động đến thầy? Y đến đây và mang theo bức thư của ông giáo Bảy, thầy đồ danh tiếng nhất đất Phú Phong này. Giáo Bảy là sư phụ dạy văn lẫn võ của thầy Tư năm nào. Hồi chuông boong boong boong dứt khóa lễ, thầy Tư quay lại thì thấy y nhưng chẳng ngạc nhiên. Thầy Tư mời y xuống trai đường uống trà, tự tay thầy pha một bình trà  và rót cho người khách một chung

- Mời thí chủ, thí chủ đợi tăng tôi đã lâu, xin xá cho.

 Người khách đón chung trà thầy Tư trao, y cảm ơn

- Bạch thầy, tôi có thể chờ bao lâu cũng được nhưng ông giáo Bảy và huynh đệ của thầy Tư thì có lẽ nóng lòng lắm rồi. Tôi mang thư của giáo Bảy đến cho thầy.

 Nói xong y rút trong áo ra một phong thư  trao cho thầy Tư, mở phong thư ra, bên trong có một mảnh giấy bổi màu vàng sậm, trên ấy vỏn vẹn bốn câu lục bát viết bằng mực Tàu

 Ông thầy áo vải cơm chay

Cốc keng chuông mõ tháng ngày kệ kinh

Dân oan nước loạn mặc tình

Phật cười uổng cả công trình bấy lâu

 Ngoài bốn câu ấy ra, không có bất cứ một dòng chữ nào khác, kể cả chữ ký, dấu triện son cũng không. Dù không có bất cứ chỉ dấu gì nhưng thầy Tư dễ dàng nhanh chóng nhận ra nét chữ của ôgn giáo Bảy. Chữ ông giáo Bảy đã in sâu vào tâm khảm thầy Tư. Thầy Tư phân vân lắm, cân nhắc cả mấy tháng nay. Nội tâm thầy Tư đang bị giằng xé giữa một bên giới hạnh của một tu sĩ và một bên là trách nhiệm của một trượng phu trong đất trời. Anh Hai và anh Ba của thầy Tư đã mấy lần thúc giục thầy Tư hãy tạm ngưng việc tu hành để cùng nhau hợp lực cứu dân, cứu quốc. Hôm tết thầy Tư về nhà thăm song thân, anh Hai và anh Ba đã tranh luận với thầy Tư cả buổi

- Thầy Tư, tuy thầy đã xuất gia nhưng với tui thầy vẫn là chú út như ngày xưa. Thầy biết đấy, mấy năm nay dân chúng ta thán ngất trời xanh. Quyền thần Phúc Loan họ Trương tham lam bạo ngược, chúa Nguyễn nhu nhược, xa hoa cực độ, triều chính ngả nghiêng để cho y lộng quyền, thuế má ngày một tăng và ngày càng ngặt nghèo thêm. Đất Nông Nại sản vật phong nhiêu vậy mà cũng không đủ cống nạp cho lòng tham của y. Thầy còn nhớ cơn lụt năm Dần? Dân chúng xấc bất xang bang, mất mùa đói kém trong khi ấy thóc lúa trong kho lẫm họ Trương bị ngập nước mọc mộng, y cho gia nhân và tá điền gánh đổ ngoài đồng cao như núi, của cải vàng bạc đem phơi kín cả sân dinh. Bá tánh lầm than, tui đã bàn với giáo Bảy, chú Ba và mấy anh em tâm phúc khác. Chúng ta sẽ dựng cờ khởi nghĩa để cứu dân. Thầy Tư hãy tạm gác việc kinh kệ, hãy cùng anh em gánh vác giang san. Nhà Phật bảo cứu người như cứu lửa cháy đầu, mai kia xong việc thầy Tư lại về chốn cũ tiếp tục tu.

 Thầy Tư ngồi im lắng nghe, lát sau thưa

- Anh Hai, tui giờ là con nhà Phật, việc thế sự không can dự vào, tuy biết rằng dân khổ nhưng giới luật của thầy tu không cho phép làm quốc sự

 Anh Ba nghe thế thì nóng nảy bảo

- Anh Hai nói phải đấy, thầy Tư cũng nên quyền biến, không thể khăng khăng chấp thủ. Triết lý nhà Phật bảo mọi sự vật, sự việc trong trời đất luôn thay đổi vì thế giới này vốn vô thường. Nhân duyên luôn biến thiên, không thể cưỡng cầu cũng như không thể bất chấp. Nước loạn dân oan lẽ nào thầy Tư thản nhiên ngồi yên gõ mõ tụng kinh? Sư phụ thế độ của thầy ban cho thầy pháp danh Hộ Tường, há chẳng phải gởi gắm kỳ vọng thầy sẽ bảo vệ những điều tốt lành? Việc hộ quốc, hộ dân là việc đại tốt lành.

Thầy Tư chiêu ngụm trà, giọng nhỏ nhẻ 

- Anh Ba nói cũng phải, nhưng khi cái cộng nghiệp của dân nó thế thì mình đâu có thể làm gì được, vả lại một tu sĩ không thể tham dự thế sự, chính sự, càng không thể tham gia những việc gây nghiệp sát

Anh Hai phản bác

- Thầy Tư nói vậy là không hợp lý, tuy là nghiệp nhưng nghiệp có thể thay đổi, nghiệp luôn biến thiên chứ không cố định, khi cơ duyên chín muồi thì nghiệp cũng theo nhân duyên mà chuyển. Việc bá tánh trăm họ lầm than cứ cho là cộng nghiệp đi, nhưng nay thiên hạ bất bình, sĩ phu hào kiệt đang đợi minh chủ, người hằng tâm hào sảng khắp nơi đang hướng về… lẽ nào thầy Tư không thấy điều này? Đây chính là cơ duyên tốt để chuyển đổi nghiệp vận! Tui đã bàn luận rất kỹ với ông giáo Bảy, chú Ba và những hynh đệ gần xa. Tất cả đều đồng lòng đứng lên cứu dân cứu nước, cờ khởi nghĩa cũng đã may xong. Thầy Tư nên tạm giác việc kinh kệ lại để phụ anh em hộ dân hộ quốc. Thầy Tư có ngón nghề thâm hậu, rèn luyện võ nghệ cho nghĩa quân, thiên hạ ai ai cũng phục võ công của thầy Tư.

Lòng thầy Tư lung lay, lời anh Hai, anh Ba và giáo Bảy rất đúng. Mình không thể nhắm mắt làm ngơ, để mặc dân tình quốc sự rối ren, trước khi là thầy tu thì mình đã là một con dân, vậy phải có trách nhiệm với sơn hà xã tắc. 

 Những ngày khi còn ở trường ông giáo Bảy, chú Tư luôn được mọi người yêu mến, chú Tư hiền lành, nhu mì, nhỏ nhẹ, có tánh thương người thương vật. Ông giáo Bảy dự đoán chú Tư sau này sẽ là ông một ông thầy tu. Anh Hai thì biết tính toán, cơ mưu nhưng hay do dự và không cả quyết. Duy có anh Ba được giáo Bảy hết lời ca ngợi. Anh ba văn siêu võ xuất, tánh tình khảng khái, quyết đoán, nhìn xa trông rộng, khí độ như núi, dáng dấp trượng phu, đặc biệt có một năng lực thu hút đối phương rất mạnh mẽ. Bất cứ kẻ đó là ai, hễ tiếp xúc với anh Ba thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, kẻ ấy sẽ quy thuận anh Ba vô điều kiện. Giáo Bảy vẫn bảo với mọi người, anh Ba là tay kiệt hiệt hiếm có, sẽ làm nên nghiệp lớn. Ngoài ba anh em thầy Tư, lớp của giáo Bảy còn có những huynh đệ đồng môn khác cũng rất xuất sắc, đều là những tay võ nghệ cao cường, tánh tình hào sảng, bản lãnh hơn hẳn người đời. Nương tử họ Bùi là một nữ nhân xinh đẹp với biệt tài sử dụng song kiếm, khi cô ấy huơ kiếm lên thì như thác đổ mây bay, hoa rơi lá đổ, đố ai dám lại gần, dù đó là bậc nam nhi dõng mãnh. Tay Văn Dõng người họ Võ thì có ngón trường côn, y chỉ cần một cây roi mây có thể đánh bại cả toán kiêu bính có gươm lớn giáo dài. Long hiệp khách người họ Đặng, cha anh vốn người Bắc Hà mới di cư vào đàng trong lập nghiệp. Y tánh tình phóng khoáng, không câu nệ, giỏi sử dụng trường thương...Giáo Bảy vốn tinh thông võ nghệ, văn chương lưu loát, học giỏi nhưng không chịu đi thi vì giáo Bảy không muốn làm quan. Giáo Bảy mở trường thâu nhận học trò không hẳn vì mưu sinh, cái tâm nguyện chính yếu là chiêu tập môn sinh giỏi để truyền thụ bí quyết võ công, tìm người có tâm huyết để gánh vác việc quốc gia.

 Những ngày cuối cùng của năm Dần, giáo Bảy đích thân đến Hưng Long tự để tìm gặp thầy Tư

- Chú Tư, chú vẫn là môn đồ của tôi, dù chú có xuất gia đầu Phật nhưng tôi sẽ không kêu chú bằng thầy! Với tôi chú mãi mãi là trò Tư như năm nào. Tôi không quan tâm pháp chế giới luật của thiền môn. Tôi còn nghe thiên hạ nói chú từng theo tu học với mấy ông đạo Bà Ni người Champa và chú cũng đạt được mấy bậc công phu trước khi xuất gia đầu Phật, bởi vậy tôi càng không để ý đến việc chú là ai. Tôi là ông giáo Bảy, Tôi đến đây vì chút lòng với sơn hà xã tắc. Tôi biết người xuất gia không tham dự chính sự, nhưng đó là những lúc nước thạnh dân an, thái bình thịnh trị,  còn khi bá tánh lầm than, nước loạn dân oan, sơn hà nguy khốn thì tu sĩ không thể ngồi yên một chỗ, mặc cho dân tình quốc sự loạn. Phủ Quy Nhơn này vốn trù phú, sản vật phong nhiêu, tàu Hòa Lan, Nhựt Bổn, Tiêm La, Phú Lang sa, Hồng Mao, Y Pha Nho… vào ra thương cảng Nước Mặn mua bán, trao đổi sản vật rất sầm uất. Thiên hạ  khắp nơi ca tụng là một tiểu Nông Nại, ấy vậy mà mấy năm nay điêu đứng vì nhà chúa và quyền thần Phúc Loan, thuế khóa nặng nề, nhà chúa đặt ra nhiều sắc thuế vô cùng nặng nề, phu phen phục dịch liên miên. Bắc Hà nhiễu nhương vì họ Trịnh. Từ Diên Ninh đến Gia Định thì chúa Nguyễn cát cứ. Dân chúng lầm than, nay hào kiệt khắp nơi trông chờ ngọn cờ khởi sự phất lên. Các anh chú đã bàn với tôi quyết dấn thân giương cao ngọn cờ. Các môn sinh cũ mới đều nhất tề hưởng ứng, duy chỉ còn chú Tư… và đây cũng là duyên do giáo Bảy này đến thăm chú!

 Thầy Tư lặng lẽ châm thêm trà cho ông giáo Bảy, không gian im ắng lạ thường, thời gian như ngưng lại ngừng trôi. Cả ông giáo Bảy lẫn thầy Tư đều để cho tâm mình theo đuổi ý nghĩ riêng, lát sau ông giáo Bảy lại lên tiếng

- Chú đọc kinh ắt biết trong bổn sanh bổn sự nhà Phật, trong một kiếp quá khứ xa xưa.  Đức Phật kể câu chuyện rằng: Thuở đó Phật cùng với năm trăm người lái buôn đi chung một con tàu, trên tàu có một tên cướp vô cùng tàn bạo, y định ra tay sát hại cả nhóm lái buôn để cướp lấy toàn bộ vàng bạc, hàng hóa của họ, vì thế  Phật phải ra tay hạ sát y để cứu năm trăm người kia. Đời nhà Lý, các sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh… cũng vì nước mà tham gia chính sự, ra tay hộ quốc, an định thế nước, từ ấy quốc thạnh dân an, đạo pháp xương long. Đời Trần có nhiều bậc long tượng thiền môn hết lòng hộ quốc như: Pháp Loa, Huyền Quang… Các  vua Thái Tổ, thánh Tông, Nhân Tông… đều là thiền sư kiệt xuất cả, nhưng khi sơn hà xã tắc lâm nguy thì các ngài tạm gác Phật sự để ra tay hộ quốc, hộ dân, âu đó cũng là độ sanh giác chúng!

 Bấy giờ thầy Tư cung tay thủ lễ theo kiểu con nhà võ chứ không chắp tay theo thể thức nhà Phật

- Thưa ân sư, nhà Phật có câu “ Sa môn bất bái vương gia” nhưng đạo lý tộc Việt thì ơn thầy không thể quên. Tạ ơn thầy đã vì con trò mà cất công đến tận đây, tạ ơn thầy vì những lời tận tâm can. Con, trò Tư có ngày nào dám quên ơn thầy, vẫn đau đáu vì đời đau khổ, vì nước loạn dân oan, bấy lâu nay đóng cửa tụng kinh nhưng lòng mở rộng với bá tánh muôn loài. Con, trò Tư ngày nào tuy hôm nay mang hình tướng sa môn nhưng vẫn là con dân tộc Việt, đâu dám bỏ mặc sơn hà. Tạ ơn sư phụ, nay lòng con đã cất đi được nỗi khó xử bấy lâu nay.

 Giáo Bảy cảm động dường như sắp nhỏ lệ, nhưng bản tánh ngang tàng, cốt cách cứng cỏi con nhà võ kịp thời khởi tác dụng ngăn chặn phút yếu lòng, chỉ thoáng một tí lập tức trở lại can cường ngay. Giáo Bảy chụp lấy hai bàn tay thủ lễ của thầy Tư lắc mạnh 

- Tốt lành quá, thầy Tư đã bằng lòng giúp nước cứu dân! Giáo Bảy này có chết cũng an lòng rồi. Giáo Bảy này tuy già nhưng sẽ làm hết lòng những gì có thể để giúp rập cho mấy anh em của thầy Tư. Trong số môn đồ của ta, chú Ba là người xuất chúng, là tay kiệt hiệt anh hùng cái thế, Mấy trăm năm nay chưa dễ được một, nay chú ấy dựng cờ khởi nghĩa ta tin chắc chú ấy sẽ làm nên nghiệp lớn. Bây giờ có thêm thầy Tư về giúp cho chú Hai và chú Ba, cộng với tất cả huynh đệ đồng môn kiệt hiệt thì lo gì việc lớn không thành. Sơn hà xã tắc giờ đây đã có người gánh vác, bá tánh từ đây có chỗ nhờ cậy.

 Giáo Bảy nói một hơi trong sự xúc động mãnh liệt, tuy cốt cách con nhà võ không để lệ chảy hay lộ nét mặt xúc động nhưng rõ ràng trong lời nói đã thể hiện nỗi lòng của ông. Ông cũng quên khuấy lúc ban đầu tuyên bố chỉ gọi trò Tư, chú Tư, vậy mà về sau ông tự nhiên gọi thầy Tư từ lúc nào cũng không hay biết. Thầy Tư rõ ràng là môn đệ là học trò của giáo Bảy, ấy là phương diện đời, môn quy võ phái. Nhưng về mặt đạo và pháp giới nhà phật thì trò Tư đã xuất gia, hẳn nhiên phải gọi bằng thầy. Tuy nhiên giờ đây việc xưng hô thế nào cũng không còn quan trọng nữa. Thầy Tư đã ra giúp nước thì ông giáo Bảy sẵn sàng kêu bằng bất cứ danh tự nào, với giáo Bảy thì người nào hộ quốc hộ dân cũng đều là đại nhân cả. Giáo Bảy sẵn sàng đem thân già này hỗ trợ cho những ai ra giúp nước thì còn sá chi cái danh tự vai vế giả tạm kia.

 Sáng sớm tinh mơ hôm sau, thầy Tư cởi cà sa để lại dưới chân tôn tượng Như Lai, chỉ mặc áo tràng nâu về nhà để gặp anh Hai và anh Ba. Thường thầy Tư vẫn mặc chiếc áo màu nâu này, có khi là áo tràng, có khi áo vạt hò hoặc áo nhật bình tùy theo hoàn cảnh và công việc. Thầy Tư thích màu nâu, cái màu của đất, của kham nhẫn, màu của chịu đựng. Màu nâu còn là màu của tịch tĩnh và yên lặng, khoác áo nâu sồng giúp tâm thầy Tư lắng đọng và an lạc trong bao nhiêu năm nay, những cơn sóng ngã mạn, ngũ dục lục trần đã ngủ yên dưới lớp áo nâu sồng.

 Tiếng đồn thầy Tư cởi cà sa ra gánh vác việc sơn hà chẳng mấy chốc lan xa lan nhanh khắp các tổng Phú Phong, An Nhơn, Thuận Truyền, An Khê thượng đạo…

 Mùa xuân Tân Mão,  thầy Tư cùng với hai người anh của mình dựng cờ khởi nghĩa, nêu cao khẩu hiệu hộ quốc an dân, định an xã tắc. Ngọn cờ của ba anh em thầy Tư mở ra một chương sử mới đầy hào hùng khí phách cho tộc Việt.  


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 05/2021

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.