Hôm nay,  

Chiếc Áo Len Và Cha Tôi

6/17/202015:47:00(View: 4541)


Hồi tôi đi lính, sau 9 tuần làm tân binh ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, tôi được chuyển lên Đà Lạt. Đà Lạt với tôi chỉ là trong mơ, trong mộng, trong trí tưởng. Tôi không nhớ những năm tháng ấy (1968), tân nhạc Việt Nam đã có những bản nhạc ca tụng Đà Lạt chưa? Như "Ai Lên Xứ Hoa Đào, Đà Lạt Hoàng Hôn, Thương Về Miền Đất Lạnh?"

Nhưng trong tâm tưởng, tôi đã yêu Đà Lạt lắm rồi. Tôi cứ tưởng tượng một Đà Lạt đẹp như truyện thần tiên, một nơi khí hậu ấm áp, cây cỏ muôn hoa đua nở, đầy tiếng chim ca. Tôi nghĩ, mình sẽ là một sinh viên sĩ quan, sẽ học ở đó hai năm... rồi sẽ hết chiến tranh...Cho nên lúc tôi và cả đại đội 94 tân khóa sinh của Tiểu đoàn Nguyễn Huệ, chuẩn bị di chuyển về Đà Lạt, tôi vui lắm...Sẽ có những ngày mới chào đón tôi, ở xứ sở thần tiên này.

Dĩ nhiên, dù gì tôi cũng đã qua 9 tuần lăn lộn ở các bãi tập của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, tôi cũng đã thấm đòn "lính tráng". Những sáng sớm thức dậy lúc 4, 5 giờ, ra giao thông hào chà láng, rồi đi tập bắn ở các bãi tập dành cho tân binh...Cho nên, khi máy bay quân sự đáp xuống phi trường Cam Ly, được đưa về trường để bắt đầu 9 tuần huấn nhục, dù mệt mỏi bao nhiêu, tôi nghĩ mình cũng vượt qua được.

Một điều nên nói ra đây, là tôi lên Đà Lạt vào dịp cuối năm, nên trời mùa đông rất lạnh. Chúng tôi, mỗi người được phát cho hai bộ đồ "nhái" để thay đổi. Bộ đồ "nhái" là bộ áo quần bằng nỉ thun, bận vào bó sát người, rất ấm...Nhưng chỉ có hai bộ, thay ra, đổi vô không đủ cho cả những ngày tháng dài lạnh buốt, bị huấn nhục. Lạnh quá, nhất là những đêm về khuya, chúng tôi bị phạt hành xác, nhiều khi đến 9, 10 giờ đêm mới được đi ngủ...Lúc đó thì quần áo tả tơi, xốc xếch...Và cái lạnh Đà Lạt về đêm, nhất là mùa đông thì càng quá lạnh. Tôi nhiều khi nằm trên giường, có quắp người lại, mà hàm răng run lên cầm cập...Nằm ngủ với cái lạnh như thế nên đâu có ngủ được, hình như chỉ thiếp đi từng chặp. Thức, tỉnh, tỉnh, thức...

Tôi nhớ lại, ngày còn ở dân sự, tôi có mua một chiếc áo len màu xám nhạt. Chiếc áo len dày, nên bận vào rất ấm...Đến ngày vào lính, tôi để chiếc áo len đó lại cho cha tôi. Lúc đó, sao tôi chưa thấy cha tôi có một chiếc áo len nào. Về mùa đông, có lạnh lắm thì cha bận 2 cái áo bà ba, và chiếc quần dài...Cho nên, đi lính, tôi để chiếc áo len này lại cho cha, và nói với cha, con đi lính có quân đội lo hết rồi, không cần gì cả. Con để lại cho cha chiếc áo len này, cha mặc khi mùa đông tới nghe cha. Cha tôi cười nhỏ nhẹ, không nói lời nào, nhưng chắc ông cảm động lắm. Đó là tôi nghĩ thế thôi, bởi tôi lúc đó đâu có lường được cái lạnh của Đà Lạt thế nào, và nổi cam khổ của người lính như thế nào.


Cha tôi và tôi ít nói chuyện với nhau. Lúc còn nhỏ lắm, hai, ba tuổi hay  bốn, năm tuổi gì đó, cha tôi thường hay cộ công kênh tôi trên hai vai, đi từ nhà tôi lên xóm An Phú, rồi trở xuống xóm An Lương, đi loanh quanh như vậy đến mấy vòng. Tôi được ngồi trên vai cha tôi, hai chân nhỏ bé của tôi thỏng ra phía trước, hai tay ôm lấy đầu cha. Mỗi khi có người hàng xóm quen gặp, thì họ chào ngay, chào cậu Khiêm, hai cha con đi chơi vui quá hỉ. Dù những người này không bà con thân thuộc gì với gia đình tôi, họ gặp cha mẹ tôi vẫn thường chào là cậu, mợ.

Lúc này, thời điểm tôi đi lính, là thời điểm gia đình tôi đang đi tản cư. Quê tôi không còn yên ổn nữa. Sáng quân quốc gia lên, chiều mấy ông trên núi xuống, nên đêm nào cũng nghe tiếng súng nổ đì đoàng. Cảnh quê không còn bình yên nữa, với lại cha tôi lúc này có chân trong Ban hội đồng xã, nên ông sợ, phải đưa cả gia đình xuống quận lỵ tản cư. Cha mẹ tôi mua cái nhà tranh nhỏ tại thị xã để ở. Ban ngày, có lúc bình an, thì cha mẹ tôi trở về quê, có hái được mớ rau, buồng chuối, thì đem về nấu canh hay luộc chuối ăn...Còn thường thì mẹ tôi buôn bán lẻ ngoài chợ, kiếm ăn rất vất vả.

Hoàn cảnh tản cư như thế. Cha mẹ tôi lúc ấy cũng đã già, ông bà cũng đã trên sáu mươi, nên nghèo là cái chắc...Tôi thì đang huấn luyện trong quân trường, với số lương của một sinh viên sĩ quan, cũng bèo bọt lắm, nên tôi không gởi tiền về cho cha mẹ tôi được đồng nào.


Lúc này những đêm Đà Lạt lạnh tê da, tôi phải cùng các bạn đi gác những ca 1, 2 giờ sáng...Lúc này mới thấy cái lạnh nó hãi hùng như thế nào, nhiều lúc lạnh quá, chịu không nổi, phải lấy tấm poncho (tấm choàng bằng vải nhựa dày), dành cho lính đi hành quân. Đắp tấm poncho lên người mới đở lạnh một chút. Tuy vậy, cái lạnh giữa khuya Đà Lạt vẫn là một hãi hùng với tôi từng đêm.

Tôi chợt nhớ đến cái áo len tôi đã để lại cho cha tôi, tôi biết miền trung, mùa đông cũng lạnh kinh khủng. Nhưng lúc này, cái lạnh như xé từng mảnh da tôi ra, nên tôi đã viết một thư gởi về cho cha tôi, nói cha tôi gởi lên cho tôi cái áo len đó. Và khỏang 10 ngày sau, cái áo len được bỏ vào trong một bọc nhựa đàng hoàng, cha tôi gởi cho tôi chiếc áo len theo đường bưu điện.


Dĩ nhiên lúc đó tôi cũng chẳng băn khoăn gì, vì cái áo len của tôi cho cha, mà quá lạnh, nên tôi xin lại cũng là chuyện thường. Nhưng sau này, nghĩ lại, tôi mới thấy tôi thật vô tình, trong lúc tôi còn tuổi trẻ, lúc đó chỉ khoảng hai mốt, hai hai, sức trai ngồn ngộn, thế mà không chịu lạnh được, phải "giành" chiếc áo của một ông già trên sáu mươi. Mà người đó là cha tôi nữa chứ.

 

*

Tôi sống lơ ngơ với tuổi trẻ của mình. Hình như những năm ở quân trường tôi viết thư về "em" nhiều hơn viết thư về cho cha mẹ. Viết về cha mẹ chỉ có mấy dòng, cha mẹ khỏe không? ở quê mình có bình yên không? Rồi tôi bí tịt. Trong lúc viết cho em thì hoa lá cành đủ mọi thứ, trời trăng mây nước thế nào cũng kể ra. Trong hơn hai năm, tôi đã viết cho em bao nhiêu bức thư tình. Để thấy rằng, cha mẹ đối với tôi như một tình yêu lặn sâu trong tâm thức mà thôi, chứ không lộ ra ngoài.


Tôi về phép lần thứ nhất của năm đầu, tôi lại gặp cha. Cha tôi đã già hơn xưa, vẫn bộ đồ bà ba trắng, chiếc xe đạp sườn cao, ghi đông chữ U, đi về trên đoạn đường Quán Rường - Tam Kỳ, ngày ngày lên xuống. Về quê để thăm nom khu vườn cũ, rồi sẳn tìm buồng chuối, trái mít hay mớ rau, đem về nhà ăn, thêm vào số tiền lời mẹ tôi đi bán thuốc "rê" ngoài chợ. Thời chiến tranh, cha mẹ tôi "hủ hỉ" bên nhau như vậy, trong lúc tôi và anh tôi "đi lính miền xa".

Tôi về phép năm đó, về ở với cha mẹ thì ít mà đi chơi với em thì nhiều. Cha tôi buổi tối thường đọc sách hay nghe đài với chiếc radio ấp chiến lược. Trong lần về phép này, buổi tối, tôi thường ngủ chung với cha trên chiếc chỏng tre rộng. Nằm ôm cha tôi mà ngủ, tôi thấy bình yên quá. Coi như quên hết những hệ lụy. Tôi mơ một ngày hòa bình, được làm một nghề nào đó như đi dạy học, bình yên sống gần cha mẹ thì vui bao nhiêu. Nhưng thời đại chiến tranh làm sao mình sống cho mình được.


Xong 15 ngày phép, tôi trở lại Đà Lạt, tiếp tục làm một sinh viên sĩ quan hiện dịch. Chữ "hiện dịch", sao lúc đó tôi thấy hay quá, và ngầm hãnh diện nữa. Tôi đã bỏ cha mẹ già sau lưng.

 

*

Đến kỳ nghỉ phép lần thứ hai, tôi lại trở về cùng cha mẹ và em. Cha tôi tuy ốm người nhưng tôi thấy vẫn mạnh khỏe, vẫn vui vẻ đón tôi với nụ cười hiền hậu. Tôi không nhớ rõ là tôi có quà mua gì để tặng cha (mẹ) tôi không, tôi nhớ là không, hay nếu có cũng ít lắm...Chắc cũng chỉ mấy gói trà Blao là cùng. Cha mẹ tôi đón tôi về phép với bao mừng vui...


Tuần lễ đầu cha tôi còn rất khỏe. Mẹ tôi có làm một mâm cơm cúng ông bà, gia tiên. Có con gà luộc, đĩa xôi, cơm trắng, cá kho, canh...Cha mẹ có mời thêm chú Tiến, người em họ cha tôi, nhưng rất thân với cha tôi, đến dự. Đi tản cư, sống trong cảnh nghèo cực, cha tôi đã mất hết bạn bè quê kiểng, những chú bác bạn cùng quê cũng lo chạy gạo hằng bữa, nên ít gặp nhau.

Hôm đó, cha tôi và chú Tiến uống rượu với nhau. Hai người nói chuyện rất tâm đắc...Rồi tự nhiên cha tôi khóc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nước mắt cha tôi chảy trên khóe mắt. Nhưng tôi quá vô tình, chỉ thấy và biết thế thôi, chứ không hỏi tại sao cha tôi khóc...Có một dự báo hay nổi buồn gì đó khiến cha tôi buồn quá mà khóc...Tôi vô tư nên không chia xẻ được chút nào.


Thế mà mấy hôm sau cha tôi đổ bịnh, ông bị đau bụng nhói người, khiến gia đình phải đưa ông đi nhà thương. Vào bịnh viện, bác sĩ khám, xét nghiệm, xong tươi cười nói với mẹ, chị hai và tôi:

- Bác chỉ đau bụng thường thôi. Chúng tôi sẽ cố gắng chửa khỏi cho bác để bác sớm về nhà ăn Tết.

Nghe vậy, tôi vui mừng xiết bao.

Nhưng sự vui mừng đó không được bao lâu, khoảng 7 ngày sau bịnh tình cha tôi trở nặng. Và một người bác sĩ khác đến thông báo với chúng tôi:

- Xin chia buồn cùng anh và gia đình. Chúng tôi đã cố gắng chửa trị, nhưng... Gia đình nên đem bác về nhà, nếu không muốn bác mất tại đây.


Đêm đó, bệnh viện cho một chiếc xe đưa cha tôi về nhà. Tôi thức suốt đêm canh cha tôi trên giường bệnh. Cha tôi đã mê mệt lắm rồi. Đến khoảng đâu 4 giờ sáng, cha tôi quờ quạng cầm tay tôi, nói lắp bắp câu gì đó không nghe rõ. Tôi kêu mẹ tôi và chị hai tôi đến gần. Mẹ, chị hai, và tôi đến bên cha, cầm tay cha, hỏi cha có nói gì không, như một lời trăn trối. Nhưng cha tôi không nói gì chỉ lắp bắp trong miệng, rồi cha tôi lịm đi. Tôi rờ ngực cha thấy tim không còn đập nữa. Hơi thở cũng không còn. Tôi, mẹ tôi và chị hai tôi òa lên khóc. Tôi biết tôi mất cha từ đây, ngày hai ba tháng chạp, một ngày cùng ngày đưa ông táo về trời. Ngày này tôi không bao giờ quên.

Chiếc áo len màu xám tôi nhận được từ cha tôi gởi qua bưu điện lên Đà Lạt cho tôi, tôi cũng đã bỏ từ lâu. Sau này nghĩ lại, tôi thấy tôi thật vô tư, vô tình quá. Sao lúc đó tôi không để chiếc áo len đó cho cha mặc, để tránh đi cái rét mùa đông miền trung giá buốt. Điều này làm tôi ray rứt, ân hận mãi.

Thông thường, cái lẽ của đời sống là "nước mắt chảy xuôi". Tôi cũng đành vịn vào câu "nước mắt chảy xuôi" để bào chữa cho cái vô tâm, vô tình của mình thuở đó.

Cha tôi mất đến nay là 49 năm.

Thơi gian trôi qua lẹ thiệt.

 


Trần Yên Hòa

(Viết cho ngày của cha, 21-06, 2020)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.