Hôm nay,  

Đất Và Người

17/06/202014:03:00(Xem: 3631)
ann phong 12
Minh họa Ann Phong



    Hồi tôi còn rất nhỏ, khi nắng chiều bắt đầu dịu thì bà chị cả của cha tôi liền gọi tôi ra giũi cỏ ở sân trước.

    Cỏ mọc nhanh lắm, vừa giũi xong chỗ này nó đã mọc lên chỗ khác, thành thử ngày nào cũng phải giũi. Giũi cỏ vào những ngày hanh dễ, đất khô, chép mai đưa tới đâu sạch tới đó. Nhưng vào đận mưa phùn liên miên, lúc đầu xuân hay trong mùa mưa rươi, rễ cỏ gà đã dài lại bám sâu, giũi một túm cỏ thì lôi cả vầng đất lên theo. Những ngày như thế cô tôi phẩy tay, không giũi nữa.
    Không phải bà lười, không phải bà mệt, mà là bà tiếc đất. Bà lo trời còn mưa, đất bị nhổ lên theo rễ cỏ sẽ bị trôi đi. Ngay trong những ngày nắng ráo, khi giũi xong, bao giờ cô tôi cũng rũ từng nhúm cỏ cho tới khi không còn đất bám mới thôi. Cỏ khô được xếp thành đống nhỏ trong vườn rau sau nhà. Khi đốt, những đống cỏ ấy bốc lên một mùi ngai ngái. Những đống tro xám của chúng sau một trận mưa là thấm vào những luống rau.

    Cô tôi bảo:

    - Đất là của quý, cháu ạ. Không có đất rồi lấy gì mà trồng, lấy gì mà ăn? Cho nên mới phải be bờ cho sân, cho vườn. Mưa nhiều, màu trôi đi hết, có mà ăn cám!

    Không phải chỉ riêng cô tôi quý đất. Không chỉ người làng tôi, người vùng tôi, mà người ở đâu trên đất nước ta cũng vậy.

    Nhà nông ở đồng bằng sông Hồng là những người rất hiểu đất. Và yêu đất. Họ lo cho sức khoẻ của đất không khác gì lo cho người.
    Sau khi thu hoạch, người ta không hối hả làm ngay vụ sau, mà để cho đất được nghỉ ngơi rồi mới cày. Những tảng đất cày lộn được xếp chồng lên nhau thành những bức tường dài, cao khoảng một mét, gọi là xếp ải. Đến lúc sắp cấy mới tháo nước vào, những bức tường nọ đổ khi ấy sẽ đổ sụp xuống làm thành đất mùn cho những giẻ mạ non.

    Giữa người và đất có tình có nghĩa.

    Đất không phải chỉ là những mét vuông, những sào, những mẫu.

    Đất là máu, là thịt của con người. Là con người, phải biết yêu đất, bảo vệ đất.

2


    Rừng là một mạch nguồn của sự sống. Không biết tự bao giờ nó đã mất đi sự tôn trọng. Chủ nghĩa duy vật chỉ là chữ, nhưng nó là thứ chữ có sức mạnh tiêu diệt mọi niềm tin. Rừng hết thiêng. Nếu như xưa kia những người sơn tràng bước vào rừng phải tháo khăn đầu rìu, cúi thấp thắp hương xin thần rừng cho phép rồi mới dám đốn vài cây gỗ lớn, thì nay người ta cho cưa máy chạy xoèn xoẹt hạ bất cứ cây nào có thể bán được.

    Rừng bắt đầu bị tàn phá từ thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng thôi, chuyện ấy không kể, nó là chuyện bất đắc dĩ, khi bộ đội thiếu gạo ăn, chỉ trông vào sắn.
    Chiến tranh qua rồi, nạn phá rừng vẫn tồn tại. Một người bạn tôi được giao một đại đội đào binh làm nhiệm vụ vỡ hoang hai cánh rừng gỗ tếch để trồng sắn. Thu hoạch xong vụ đầu tiên, anh toát mồ hôi: công lao của bấy nhiêu con người cả năm trời chỉ đủ mua ba cây tếch, nhiều nhất là ba cây rưỡi.

    Tôi hỏi anh đã báo cáo lên cấp trên cách anh tính toán chưa, anh nói anh không dám. Người ta đã báo cáo thành tích khai hoang rồi, nói thế có mà chết. Những cái đầu đất phá rừng để lấy thành tích khai hoang chưa kịp chết thì lũ con buôn đã thế chỗ. Chúng nhân danh phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu gỗ, đốn bất cứ cây nào bán được.
    Tôi vốn không tin những con số thống kê ở nước ta. Chúng được các viên chức chững chạc tạo ra ở các bàn giấy và chẳng bao giờ cho ta một hình dung tương đối đúng.

    Chẳng hạn, con số ước chừng của mấy người bạn xót xa rừng bị phá cho biết diện tích rừng ngày nay ở nước ta so với 20 năm trước chỉ còn lối 25 phần trăm. Tôi từng nghĩ con số này được thổi phồng. Chỉ tới khi được nhìn tận mắt những bản đồ rừng bị tàn phá, được xem phim quay từ vệ tinh tại trạm khí tượng tỉnh Strassbourg (Pháp), tôi mới tin nó có thật.

    Hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ qua bến Trung Hà là đã tới rừng, vượt qua vùng bưởi Đoan Hùng là đã gặp rừng nguyên sinh, vậy mà nay lên tới tận Tuyên Quang vẫn còn là trung du. Diện tích rừng so với bây giờ chắc chắn còn bị thu hẹp nhiều hơn nữa.

    Và tốc độ tàn sát rừng chưa có dấu hiệu giảm. Hết rồi rừng vàng, hết rồi biển bạc, hết luôn những trang tự sướng từng được viết nắn nót trong sách giáo khoa.
    Rừng ăn đời ở kiếp với người, nuôi sống con người, đã bị con người khai thác đến kiệt quệ.

    Giờ đây, nó hấp hối.

3

    Đầu Công nguyên, dân số toàn thế giới ước tính có khoảng 170 triệu người. Đến năm 2016, dân số thế giới đã là 7,4 tỷ người.
    Người đông lên, nhưng diện tích đất thì vẫn nguyên đấy.
    Có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người cầm quyền thế hệ tôi, tôi hiểu được cách nghĩ của họ. Trong quá khứ, lúc khởi đầu, họ là những chiến sĩ cách mạng đáng trọng, xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng không phải là những người uyên bác. Cách mạng đặt họ vào những vị trí họ không bao giờ nghĩ tới là quản trị một xã hội. Ngồi bàn giấy bóng lộn, , máy điều nhiệt êm ru, được chỉ đạo bằng thứ lý thuyết mơ hồ, họ không biết làm việc gì khác ngoài việc sản xuất các nghị quyết. Khi thì “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, chiếu cố thích đáng công nghiệp nhẹ”, khi thì ngược lại, “ưu tiên phát triển công nghiệp nhẹ, chú trọng xây dựng nền móng công nghiệp nặng”… Những nghị quyết được đúc trong cùng một lò, cái này na ná cái kia, những câu chữ sang trọng được các thư ký chấp bút nhào lộn thành thạo như làm xiếc.  

    Cơn mê công nghiệp hoá chiếm lĩnh toàn bộ ý nghĩ của nhà cầm quyền. Thảng hoặc có nói tới nông nghiệp người ta thì cũng chỉ lớt phớt, những từ ngữ chính trị đều hướng về chuyện cải tạo quan hệ sản xuất.
    Lê Duẩn, người được ca tụng có trí tuệ sáng như ”ngọn đèn 200 bu-gi” đã phát biểu tại Đại hội Đảng III, tháng 9/1960 như sau: “Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhằm cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong đó mấu chốt là cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa, mở đường cho sức sản xuất phát triển”(nguyên văn).

    Người nông dân với mảnh ruộng của mình được coi là chế độ sở hữu tư liệu không xã hội chủ nghĩa, cần được nhanh chóng cải tạo thành sở hữu xã hội chủ nghĩa.

    “Cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa” của ngọn đèn sáng chói nọ đã đem lại kết quả thế nào thì người không cần sáng mắt cũng thấy. Để rồi sau những thất bại, những người bắt người khác phải làm theo những sáng tạo của họ không một chút ngượng ngùng vỗ ngực bồm bộp khoe họ đã tài tình và sáng suốt “cởi trói” cho cái bị chính họ trói.

    Trong cải cách ruộng đất, Trường Chinh giảng giải: “Cải cách ruộng đất về cơ bản là một cuộc đấu tranh chính trị”.


    Thì ra các “lãnh tụ” đâu có muốn sửa đổi tình trạng bất bình đẳng trong sở hữu đất đai . Họ muốn cái khác kia. Cho nên chưa chia lại ruộng thì phải đấu tố cái đã. Dưới khẩu hiệu “Đánh đổ giai cấp địa chủ” là cả một phong trào vu cáo để tàn sát những người đã ủng hộ Cách mạng Tháng Tám trong chính quyền thôn xã, những người ngây thơ và cả tin rằng có cách mạng là có bình đẳng giữa những đồng chí thề hy sinh tất cả vì độc lập, vì tự do. Cần phải diệt cho bằng hết những kẻ bất mãn với tôn ti trật tự mới được du nhập từ Trung Quốc vĩ đại - đó mới là mục đích của Trường Chinh trong cái gọi là cải cách ruộng đất.

   Có bao nhiêu người không tên tuổi đã mất mạng trong cuộc giết chóc vĩ đại nhất trong lịch sử?

4
 
   Khẩu hiệu: “Chính trị là thống soái” vay mượn của các thầy Tàu được đặt lên hàng đầu trong một thời gian dài. Các nhà khoa học, các chuyên gia được đưa về nông thôn, vào các xưởng máy, không phải để nghiên cứu cái gì, mà để học tập tinh thần lao động. Mao Trạch Đông đã dạy: “Trí thức không bằng cục cứt”.

    Những người nắm quyền lực trong tay không mơ thấy gì khác ngoài những nhà máy nhả khói lên trời và những ô tô chạy băng băng trên “đường ta rộng thênh thang tám thước” (thơ Tố Hữu). Đầu óc tủn mủn, giấc mơ cũng tủn mủn.

    Chúng tôi được ăn no nê bo bo cùng với những nghị quyết không cho phép cãi lại về một phương thức sản xuất tiên tiến hứa hẹn một thiên đường mai sẽ có.

    Đó là chuyện đã xưa. Chỉ có thể tự an ủi rằng ít nhất thì cái “Chính trị là thống soái” được tuyên bố ra miệng cũng còn đỡ dơ dáy hơn cái “Tiền là thống soái” không nói ra sau này.

    Những nghiên cứu khoa học trước kia cho ta biết: Ở nước ta nhiệt độ trung bình trong năm từ 22ºC đến 27ºC , Bây giờ nhiệt độ cao hơn rất nhiều do hậu quả của nạn phá rừng, chặn sông, lấp hồ.

    Cũng những nghiên cứu khoa học cho biết: hàng năm có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%. Số giờ nắng khoảng 1.500 - 2.000 giờ, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm². Nhìn chung, Việt Nam có một mùa nóng mưa nhiều và một mùa tương đối lạnh, mưa ít. Do ảnh hưởng gió mùa, địa hình phức tạp, khí hậu nước ta luôn thay đổi trong năm, giữa năm này với năm khác, giữa nơi này với nơi khác (từ Bắc xuống Nam và từ thấp lên cao). Nhưng chính vị trí địa lý và sự đa dạng về địa hình lại là điều kiện thuận lợi cho sự đa dạng về chủng loại thực vật. Sự đa dạng ấy dần mất đi do những nghị quyết “nuôi con gì, trồng cây gì” nảy ra trong những cái đầu ngu ngốc.

     Nước ta là một nước nông nghiệp. Nó được thiên nhiên cho con người những điều kiện tốt nhất để làm nông. Thay vì chú trọng công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu thì những thế hệ cầm quyền nối tiếp nhau ra sức làm cái khác: công nghiệp hoá theo cách những nước không được thiên nhiên ưu đãi làm nông nghiệp.

    Người ta hối hả mời tư bản nước ngoài vào để sản xuất ô tô, thực chất là bán sức lao động tại chỗ trong việc lắp ráp. Nền công nghiệp được tạo ra bằng nghị quyết và khẩu hiệu không làm ra được cái đinh ốc cho ra hồn. Được chính quyền bảo kê, những nhà tư bản nội địa cướp đất của dân, đẩy hàng vạn người suốt đời làm nông nghiệp ra khỏi mảnh đất cha ông, bắt họ phải sống vật vã trong cảnh bần cùng.

    Có cần phải đưa dẫn chứng không?

    Không.

    Đất ruộng bị cướp, rừng bị phá tan hoang, chỉ để xây dựng những thứ không nhất thiết phải có ngay lập tức - những khu công nghiệp hoành tráng của nước ngoài, những ngôi nhà chọc trời, làm những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những sân gôn mênh mông. Hậu quả nhỡn tiền là lũ lụt triền miên, ô nhiễm lan tràn từ Nam chí Bắc, khí hậu biến đổi. Việt Nam từ một nước bình thường trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới.
    Nông dân ngày xưa không biết đến các thứ phân bón hoá học, các hứ thuốc trừ sâu. Ngày xưa người nông dân xem trời xem đất biết khi nào nên gieo mạ, khi nào cấy, không chờ những chỉ thị “phấn đấu cấy cho hết diện tích vào ngày A hay ngày B”. Cũng ngày xưa ấy có nhiều giống lúa, rất đa dạng và thích hợp với từng cánh đồng, từng chân ruộng. Gạo cho những bữa cơm cũng nhiều thứ. Cho dù năng suất không cao, gạo tám thơm mà thế hệ tôi được ăn là thứ gạo tuyệt ngon, con cháu bây giờ không biết mặt mũi nó thế nào. Thứ tám thơm hạt dài, nấu cơm ở cuối ngõ, đầu ngõ nghe thấy hương bay ngào ngạt. Cái cũng mang danh tám thơm mà các cửa hàng đặc sản ngày nay dọn cho khách sẵn tiền là cũng là thứ gạo hạt dài, đẹp mã, giỏi lắm cũng chỉ là bà con xa của thứ tám thơm đã tuyệt chủng.

    Bây giờ thì thiên hạ mơ ước “bao giờ cho đến ngày xưa”. Người rủng rỉnh tiền mới được ăn các thứ rau quả giá đắt từ các cửa hàng bio đang mọc lên như nấm, chỉ ở đó mới có những thứ trời sinh người dưỡng. Người nghèo thì đành ra chợ nhắm mắt mua về những thứ được tẩm đẫm hoá chất độc hại nhập cảng từ đất nước “bạn vàng”. Hậu quả của cuộc chạy đua theo lợi nhuận là sự huỷ hoại tâm hồn những người nông dân hiền lành, biến họ thành những sát thủ giấu mặt.

    Đường là do người đi lại nhiều mà thành. Đó là thuận theo tự nhiên. Những con đường được vẽ ra trong đầu những người tự xưng “lãnh đạo” không dẫn tới phồn vinh mà dẫn tới đói nghèo.

    May thay cho các dân tộc không có những nhà lãnh đạo tự xưng như ta có.

    Tôi có anh bạn Nga giám đốc một công ty du lịch. Công ty của anh khá phát đạt. Anh cho biết: “Du khách của tôi có hai loại. Một là loại thích xem di tích lịch sử. Một loại thích tìm đến thiên nhiên hoang dã. Loại thứ hai ngày một đông. Người ta không đến nước Nga để xem các nhà máy mới xây dựng. Họ muốn được chiêm ngưỡng những gì còn lại của thiên nhiên chưa bị huỷ hoại”.

    Nhiều quốc gia trở nên giàu có nhờ du lịch. Người ta không đến Tây Nguyên để ngắm những công trình bằng bê tông cao ngất, để ngủ trong những căn phòng sang trọng của những khách sạn 5 sao. Người ta muốn được xem những nhà sàn, nhà rông, những tượng gỗ mốc meo ở những nhà mồ, được lang thang trong những rừng già nguyên sinh.

    Những thứ đó không còn nữa.

    Một câu hỏi bất giác nảy ra trong tôi: “Liệu tiền của kiếm được từ những nhà máy làm ô tô, những công xưởng người nước ngoài được mời gọi đặt ở nước ta so với cái thu được từ du lịch sinh thái sẵn có rồi cái nào sẽ lớn hơn”?

5

    Bây giờ có người đã tỉnh ra, nói: “Lỗi ở chúng ta. Chúng ta đã không thuận theo thiên nhiên”.

    Tôi không thể nói như thế.

    Từ “chúng ta” bị lạm phát vô tội vạ. Dân chúng, tức là chúng ta, từ lâu đã mất hết mọi quyền, kể cả quyền có lỗi. Người không được làm theo ý mình thì sao có thể gây ra lỗi?

    Lỗi ở kẻ khác.

    Lỗi ở kẻ nắm quyền cai trị đất nước, kẻ tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, dân chỉ có việc nghe theo, vì chúng vĩnh viễn “duy nhất đúng” và “vô cùng sáng suốt”, chỉ có chúng mới xứng đáng để dẫn dắt bá tính.

    Bây giờ, một lần nữa, chúng lại xưng đúng khi mang đất đai của tổ tiên ra bán từng phần.

    Trước khi chúng sắn tay áo bán tất!


Vũ Thư Hiên

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Như Ý đã trên bốn mươi, nhan sắc trung bình hay hơn trung bình một tí. Khuôn mặt trái soan, mái tóc dài, cao trên thước sáu đã níu lại được cái dáng đi hấp tấp, nhanh lẹ của cô.
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.