Hôm nay,  

Bà Tô Thùy Yên: Trăm năm đã chẳng nề hà...

21/05/202000:00:00(Xem: 4901)

ToThuyYen 01
Nhà thơ Tô Thùy Yên 1938- 21/5/2019. (Hình: Người Việt)

Như vậy là đã 2 tháng trôi qua, kể từ ngày phải cách ly xã hội.  Mẹ tôi đã làm hết các việc trong nhà, ngoài ngõ. Lau sàn bằng tay mỗi tuần 2 lần (vì lau bằng cây thì không sạch... và nhanh quá).  Lau cửa kính, cả trong lẫn ngoài (vì lau một mặt thì mặt kia ai lau, và xong sớm quá). Dọn sách cho Ông Ngoại, dời tủ này sang tủ khác (vì từ khi ông ngoại thành chim, không bừa bãi tủ sách nữa, nên sách rất ngay ngắn, đâu cần dọn dẹp, thế là chỉ có thể chuyển từ tủ này sang tủ khác mới có việc thôi).  Sáng ra vườn để chăm sóc cây, vì dù cách ly xã hội, ta cũng phải: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở.”

Vậy mà sáng nay, khi trời chưa kịp sáng, khi tôi đang lục đục làm cafe, mẹ tôi đã ào ra và hỏi: “Bưu điện có mở cửa không con?” Tôi trả lời: “Dạ chắc có. Nhưng thời buổi này mẹ chạy ra bưu điện làm gì?” Mẹ tôi nói ngay: “Mẹ cần gởi cây cho bác Bích, mẹ sẽ đi sáng nay.” Tôi biết sẽ không có gì thay đổi được quyết định này của mẹ tôi. Mặc dù cả 2 tháng nay, ngoài mỗi buổi sáng ra thăm mộ bố vào lúc 6 giờ, mẹ tôi không hề bước chân ra đường làm bất cứ một việc nào khác.  Mẹ tôi sợ cô Vi răm rắp, thế nhưng nỗi sợ cô Vi đã không vượt qua tình yêu dành cho bác Bích.   

Tôi không hề biết nguyên tên họ của bác Bích, vì từ lâu lắm rồi, bác là: Bà Tô Thùy Yên. Tôi lâu lắm mới gặp Bác Bích,  ôm Bác được vài lần, nhưng tôi cảm nhận được hơi ấm rất gần gũi, thân quen, vì đó là hơi ấm của mẹ tôi, của một người đi trọn con đường chông gai, nhọc nhằn bên cạnh một tên tuổi lớn, của thi ca Việt Nam.  

Trong văn chương, người phụ nữ luôn được mô tả bằng mắt biếc, bằng môi thơm,  bằng suối tóc, bằng dáng mỏng. Tôi luôn lầm tưởng nàng thơ của thi sĩ này lại là nàng tranh của họa sĩ kia.  Họ luôn dùng những từ ngữ “diễm lệ” để diễn tả về người phụ nữ. Đôi khi tôi cũng không rõ do họ yêu cùng một người, hay trong trí tưởng tượng, nàng thơ của họ toàn là nàng tiên bị đọa xuống trần, “dáng mỏng mưa vời”, mong manh, dễ vỡ. Những nàng thơ luôn cần sự nâng đỡ, chở che... Và khi tất cả các nàng tiên bay về trời, thì bên cạnh chàng thi sĩ còm cỏi, có khi đang bệnh nặng, già yếu... sẽ chỉ còn duy nhất một người phụ nữ, “trăm năm đã chẳng nề hà...”

Một mai nàng ra bãi vô định
Nhìn sông đổi lòng, nhìn núi chuyển chân
Mây bay bay như những vẫy biệt... 
Nàng đứng cho tàn như một nén nhang. 
TTY

TTY02

Nhà thơ Tô Thùy Yên và phu nhân. (Hình: FB HietDinh)


Vậy là Bác Bích đã đi với thi sĩ Tô Thùy Yên trọn một kiếp người. Tuy vậy, tôi tin rằng đối với bà, thi sĩ Tô Thùy Yên không hề:

Đi như đi lạc trong trời đất, 
thủy tận sơn cùng, xí xóa ta. 

Cách đây mấy hôm, khi mẹ tôi gọi phone hỏi thăm Bác. Bác nói: 

“Còn đúng hai tuần nữa là ngày giỗ đầu của anh đó em. Chị đếm từng ngày.” Mẹ tôi kể giọng Bác run run, bác khóc.  Tuy nhiên, ngay sau đó, 2 người đàn bà tỉnh lại ngay.  Hình như đã từ lâu, họ tập cho mình một thói quen chặng đứng nước mắt.  Họ không cho mình được quyền yếu đuối, vì họ không phải là nàng thơ.  Họ là người nuôi dưỡng thơ, để thơ được tự do, sống mãi.  Thế là họ chuyển sang chuyện cây, cỏ, đời sống, chuyện kiếp sau: có chàng thi sĩ.  

Bác Bích chỉ muốn làm một bông sen ở kiếp sau, nhưng bác khẳng định, nếu chẳng may lại làm người thì bác Bích vẫn chọn Bác Tô Thùy Yên làm chồng, để lại “được” khổ thêm kiếp nữa.  

Phần tôi, tôi không tin là Bác Bích chọn thi sĩ Tô Thùy Yên, mà chính thi sĩ đã chọn người phụ nữ ấy để “Sáng nay, ta còn đi bên nhau.”  Thật vậy, dù bao nhiêu thăng trầm, bao lần bạo bệnh, bao nhiêu năm tù đày, bao nhiêu nàng thơ, bao nhiêu mối tình vớ vẩn, ông vẫn luôn trở về nhà, để “sáng nay ta còn đi bên nhau” cho đến ngày ông thật sự “dỗ cho ta giấc ngủ bình yên”. 

Người phụ nữ kiên cường đó đã đi với ông suốt một chặng đường dài.  Ngay từng những ngày đầu khi bà còn là một thiếu nữ ngoài đôi mươi.  Bà đã tuân thủ tuyệt đối theo lời của thân phụ: Khi con đã lấy chồng thì dù có bất cứ lý do gì đi nữa, không bao giờ con được li dị. -Nhưng nếu người ta bỏ con thì sao? -Người đàn bà mà để chồng bỏ thì bỏ đi cho rồi.  

Bác Bích đã không có dịp để thử nghiệm lời của Bố, chàng thi sĩ ấy, sau hơn chục năm tù đày, sau mấy năm loanh quanh lẩn quẩn, tưởng bỏ đi, rồi ông vẫn lừng lững “Ta về”


Ta gọi thời gian sau cánh cửa.
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu.
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp xưa nào tưởng lạc nhau. 
TTY

Tôi tin rằng bà chưa bao giờ để lạc mất ông.  Qua những lần kể chuyện, tôi hiểu được tại sao hai bà mẹ (mẹ tôi và bác Bích) lại thân và yêu nhau đến thế. Họ không yêu thơ, nhưng họ yêu con người của 2 chàng thi sĩ, vô cùng.  Qua những câu chuyện, tôi hiểu được rằng, đối với thi sĩ Tô Thùy Yên, bác Bích không chỉ là vợ, mà còn là bạn, là người tình, là con gái và cả là mẹ nữa.  Bác yêu sự ngây ngô của thi sĩ Tô Thùy Yên. Dù là một thiên tài văn học, khi ở nhà, ông chỉ là một đứa trẻ. Ông để bác Bích quyết định hết mọi vấn đề.  Ông không màn đến tiền bạc. Ông không ngại làm sai.  Ông nói với bác Bích: “Em làm sai, thì em làm lại. Em đi lạc, thì mình đi lại.” Qua những lời kể của bác Bích, tôi bỗng thấy yêu ông quá đỗi.  Hai ông thi sĩ thật giống nhau.  

Nghìn năm nữa, tôi vẫn là đứa trẻ
Cần bàn tay của mẹ thuở lên năm
DTL
Điểm giống nhất của hai ông thi sĩ lớn, là đem hết tất cả chuyện ngoài ngõ, về thuật lại cho vợ.  Kể luôn chuyện của kẻ thứ 3 mới hay chứ! Hình như đối với ông, những người phụ nữ đó cũng chẳng phải là kẻ thứ 3.  Sau khi kể rõ đầu đuôi chuyện tình của mình, ông còn ngây thơ hỏi vợ: “Em thấy như vậy là người ta yêu anh chưa?” Điều hay là Bác Bích cũng trả lời: “như vậy là có tình ý rồi đó”.

Và cứ thế, bác Bích luôn dang tay, để che chở ông.  Lúc ông nằm nhà thương cũng là lúc bác Bích bệnh. Vậy mà ngày nào bác cũng vô nhà thương với ông. Dù tôi không bên cạnh bác, nhưng khi bác kể, tôi hình dung được ngay hình ảnh bác tất tả, ngược xuôi, ra vào bệnh viện. Hình ảnh đó không quen thuộc sao được khi đó cũng là hình ảnh của mẹ tôi, trong những ngày bố bệnh. Mẹ tôi đã ở suốt bên bố hai tháng trời trong nhà thương và không biết về nhà là gì.  Hai bà mẹ hiểu rất rõ trong những giây phút ấy, hai ông bố  không còn là chàng thi sĩ của bao nhiêu thế hệ, mà hai ông đã trở về nguyên trạng, đứa trẻ của riêng bà.  
TTY03

Từ trái: Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, ông bà Du Tử Lê, ông bà Tô Thùy Yên. (Hình dutule.com)


Trong những giây phút đối mặt với tử thần, bố tôi luôn có mẹ tôi bên cạnh.  Dù không được phép, Bà vẫn ngủ lại trong bệnh viện với ông. Tôi nhớ cô y tá thương quá, nên đã cho mẹ tôi, thêm 2 chiếc ghế đểo mẹ tôi xếp lại làm giường ngủ qua đêm.  Bác Bích, thì cũng đã áp lực với bệnh viện, để có được cho mình cái code, vào ra lúc khuya khoắc, khi mà các cửa bệnh viện đã đóng kín bưng. 

Bác Bích kể với mẹ tôi.  Khi bên giường bệnh Bác đã khuyên ông: “Thôi anh đi đi, bạn bè ở trên đó nhiều, anh đi cho vui. Không cần ở lại với em.” Rồi thì, bà thấy hai giọt nước mắt lăn dài trên má ông.  

Cõi chiều đứng lại khóc như liễu, 
có thật là ta đã đi xa
TTY

Tôi tin rằng, tin một cách mãnh liệt rằng, dù trên giường bệnh, trong nhà thương, giữa lúc phải chọn cho mình cuộc chơi riêng, cả hai ông đều không muốn người phụ nữ, người mà hai ông đã chọn sống cùng suốt một chặn đường dài, phải đau thêm một giây nào nữa. 

Phút đó, bên giường bác Yên, chỉ còn anh Đinh Hiệt.  Bên giường bố tôi, chỉ còn tôi, phải chứng kiến cảnh ông trút hơi thở cuối cùng!  

Tôi tin chắc anh Hiệt sẽ không bao giờ xóa được hình ảnh đó trong trí của mình.  Tôi tin rằng, mỗi ngày, hay là ngay cả mỗi phút mỗi giây, anh phải sống với nỗi đau của ngày 21 Tháng Năm năm ấy, cũng như tôi.

Nhưng Tôi cũng tin rằng, bác Yên sẽ trở về, sẽ thủy chung với bác Bích.  

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi. 
TTY

Còn đúng một tuần nữa là giỗ đầu của bác Tô Thuỳ Yên, và 5 tháng nữa là giỗ đầu của bố tôi.  Sáng nay, giữa mùa cách ly, trên đường ra thăm mộ Bố, tôi bật khóc khi nhìn thấy tiệm bánh mì Tip Top trên đường Brookhurst. Nơi mà bao giờ trước khi rời Cali, bác Bích cũng ghé ngang mua vài ổ đem về, chỉ vì “anh Tiên thích bánh mì tiệm này lắm.”

Tôi ước ao, trong giây phút này, giữa mùa cách ly, tôi được ôm bác Bích thật chặt. Tôi sẽ nói với bác là: 
Rồi thì tất cả sẽ nguôi ngoai.
TTY

Orchid Lam Quynh
May 15, 2020
 

Ý kiến bạn đọc
21/05/202019:05:56
Khách
Tôi rất thích những bài viết của Orchid Lâm Quỳnh, tự nhiên dễ đi vào lòng người, tinh tế trong quan sát các nhân vật và các lời thơ trích rất ăn khới với tình tiết câu chuyện. Đáng khen!
21/05/202019:04:59
Khách
Excellent farewell !
May ' bác Bích ' Rest In Peace ...
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.